Tuesday, June 26, 2012

Chân Dung Của Một Người Bạn

Đà Lạt, một địa danh vốn chẳng xa lạ gì với tôi, nhưng hình như chuyến đi lần này đã cho tôi nhiều bất ngờ và đầy ấn tượng.

Lời mời của Dung cho chuyến đi Phan Thiết từ Sài Gòn đi chỉ vỏn vẹn có 5 người: cô Minh Hưng và 4 đứa học trò, Tâm, Cường, Dung và tôi!

6:30 sáng, xe khởi hành đi Phan Thiết đón 2 anh em Thạch và Ngọc Trân. Vừa ra khỏi Sài Gòn chưa bao lâu, tráng sĩ Áo Đầm đột ngột đưa ý kiến "Không đi Phan Thiết nữa mà đi Đà Lạt cho mát! ". Ui trời! Từ vùng nóng chuyển sang vùng lạnh, từ 2 ngày thành 3 ngày mới về, mà hầu như ai cũng chỉ mang theo 1 bộ đồ ngủ và khoác trên người bộ áo quần thật mỏng để đối phó với cái nóng ngày hè! Sau vài phút tính toán, mọi người đều đồng ý "Sợ gì? Chơi luôn!", quần áo thiếu thì mua

Gần trưa mới đến nhà Ngọc Trân, vợ chồng bạn đã chuẩn bị 1 bữa trưa tươm tất, thịnh soạn với gà thả vườn và hải sản thật tươi ngon

Ngọc Trân nhà ta với vóc người bé nhỏ, trông chẳng giống các đại gia, nhưng sở hữu 1 gia tài đồ sộ là 1 cửa hàng vật liệu xây dựng đầy ắp hàng hóa từ ngoài vào trong và 1 nhà kho 3 tầng: tầng trệt để hàng, 2 tầng trên làm nhà nuôi yến. Trân bảo: " Đây là kế hoạch dưỡng già của 2 vợ chồng nhà tớ, khỏi cần phiền con cái!". Trân tự tìm hiểu về cách xây dựng cùng trang thiết bị bên trong và chỉ mới 3 tháng mà chúng tôi thấy đã có hàng trăm đôi chim kéo nhau về làm tổ. Tôi cũng thầm cảm phục chí hướng và sự cần cù vượt khó của bạn. Mong cho chim yến khắp nơi tụ về đây hết, để lần sau mọi người được xơi cỗ... yến của Trân.

Nhà nuôi yến của Trân
Ổ chim yến
Bữa cơm thịnh soạn đãi các bạn
Thạch, Dung, Minh Khuê và Cô Minh Hưng
Đúng 2:00 chiều, xe rời nhà Trân trực chỉ Đà Lạt theo đường đi hồ Đại Ninh. Tôi đã từng đến Đà Lạt bằng 4 con đường, cảnh trí đường nào cũng đẹp theo từng kiểu khác nhau, mọi người đua nhau chộp lia lịa phong cảnh rừng núi với mây giăng che phủ rất thơ mộng 2 bên đường lúc chiều tà. 

Gần xẩm tối, xe mới đến thị trấn Liên Nghĩa. Theo kế hoạch, đoàn sẽ ghé thăm gia đình bạn Chu thị An. Tuy khó khăn, nhưng vợ chồng An tỏ rõ lòng hiếu khách hiếm có, cứ cố níu kéo các bạn ngủ lại và ăn 1 bữa cơm với gia đình, nhưng mọi người lại cảm thấy ái ngại cho gia cảnh của bạn nên từ chối. Ai nấy đều cảm thương và khâm phục tấm lòng của An đối với cậu con trai cả, cao lớn, đẹp trai như tài tử chẳng may bị tai nạn nằm liệt giường đã 6 năm nay. Từ 1 thanh niên ngời sáng tương lai, mới cưới vợ, đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng thì bị tai nạn, mê man mãi với đời sống thực vật 1 thời gian rất dài, tưởng chừng không qua khỏi. May nhờ sự chăm sóc tận tụy của cả gia đình cùng việc kiên trì tập luyện của người mẹ từng ngày, suốt ngần ấy năm, giờ cháu đã tỉnh táo nhưng ngây ngô như 1 em bé lên ba. Nhìn An chăm chỉ tập nói, tập hát cho con từng câu, từng chữ mà chúng tôi thấy ngậm ngùi thương bạn quá đỗi... Sự nghiệt ngã của số phận trùm lên 1 kiếp người mới độc ác làm sao !!! Chuyện trò với An, tôi mới biết thêm việc anh Xương - ông xã An - vì 1 cú shock sau năm 1975 đã rơi vào trạng thái của 1 người bệnh tâm thần, dù luôn được điều trị tích cực nhưng anh cũng không còn đảm nhiệm được công việc của 1 thầy Hiệu trưởng như trước. Hoàn cảnh ngặt nghèo là thế, gánh nặng oằn vai nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ở An 1 nét khổ sở, muộn phiền, không 1 lời oán than. Bạn vẫn hiên ngang vui sống, xem mọi sự vẫn nhẹ tênh! Sự tươi vui của bố mẹ và cô em gái như cũng truyền sang cho cậu thanh niên tật nguyền đáng thương; với vẻ mặt hí hửng, cậu cũng đòi các em dìu ra phòng khách ngồi chơi, để hóng chuyện với cả nhà, nhưng lực bất tòng tâm, cậu chỉ biết nhìn mọi người bằng ánh mắt ngơ ngác, ngây thơ!

An đến đón để dẫn đường đưa các bạn về nhà
Chụp hình kỷ niệm trước nhà An
Trò chuyện với gia đình An
Trò chuyện với gia đình An
Không giữ được mọi người ở lại, 2 vợ chồng tiễn các bạn ra xe, không quên chuẩn bị áo lạnh cho từng người, vợ chồng An hẹn sẽ hội ngộ với đoàn ở Đà Lạt vào sáng mai. Cả nhóm chia tay vợ chồng An mà tâm tư nghẹn đắng, trĩu nặng, ai cũng muốn đỡ đần gánh nặng cho bạn nhưng chẳng biết cách nào, số tiền ít oi mà mọi người vừa trao gởi cho cháu có thấm tháp vào đâu, nó chỉ như những hạt muối làm đậm đà thêm tình cô trò, tình bạn, chứ nó có làm nhẹ đi được chút nào suối khổ, nguồn đau của gia đình bạn ??? !!!!

Buổi sáng đầu tiên ở Đà Lạt, cả nhóm đi dạo Vườn hoa, xem tranh thêu ở Đà Lạt Sử Quán và Thung Lũng Tình Yêu để chờ vợ chồng An đến. Gần trưa 2 bạn mới đến nơi, An lại khoe vì vội vã mới ngã bầm đầu gối! Cái xui dường như vẫn chưa buông tha con người đầy kiên cường này, chiều hôm ấy, lại 1 cú ngã như Trời giáng trước cổng chùa Tàu làm sưng bầm nốt đầu gối còn lại. Tuy thế, An vẫn cố nén đau, gượng vui làm tour guide cho cả đoàn suốt đến tối. Sau bữa ăn tuyệt ngon tại 1 nhà hàng của dân tộc Lạch ở chân núi LangBiang, với những món đặc sản nướng thơm lừng, ăn với xôi cẩm và cơm lam dẻo thơm chính hiệu con nai vàng do An đặt từ hôm trước, chúng tôi lại kéo nhau đi uống cafe nghe nhạc, riêng An vì chân sưng to không đi nổi nữa, phải về khách sạn "điều trị" chấn thương.

Anh Xương và An trước cổng Ngôi nhà quái lạ
Bữa ăn ở tiệm ăn Lien Mut

Đặc sản dân tộc Lạch

Đêm ấy, tôi và An nằm cạnh nhau; giường bên cô Minh Hưng và Dung ngủ say, còn 2 đứa tôi thủ thỉ chuyện trò. Tôi nghe An kể chuyện đời mình từ khi rời trường, tôi không ngờ An lại vất vả đến thế, vừa phải thay cha mẹ làm đủ nghề kiếm sống nuôi các em, vừa lo cho gia đình nhỏ của mình, có lẽ nhờ vậy mà An giỏi giang đủ thứ. Đến gần sáng, thấy tôi thao thức, An ôm tôi, vỗ nhẹ lưng rồi hát như người mẹ ru đứa con bé bỏng. Thật ngạc nhiên, tôi không thể ngờ An lại hát hay đến thế! Giọng An nhẹ nhàng, truyền cảm, luyến láy mới điêu luyện làm sao, nên thay vì buồn ngủ, tôi lại càng dỏng tai, tỉnh trí để nghe những bài tình ca bất hủ mà An hát để... ru tôi. An vừa hát vừa kể chuyện thật vui và qua những câu chuyện kể, tôi biết thêm 1 khả năng "gỡ rối tơ lòng thòng" 1 cách rất tài tình, thiện nghệ không thua gì những chuyên gia tâm lý của An. Chưa hết đâu các bạn ạ, An còn có khả năng chế biến nhiều món ngon độc đáo tuyệt vời, mà tôi mới chỉ được thưởng thức qua "lý thuyết", nhất định chúng mình sẽ bắt An "Nói có sách, mách có chứng" trong 1 dịp nào đó không xa, các bạn nhỉ ???...

Dường như An sinh ra để cống hiến, để hy sinh, An luôn thích phục vụ người khác. Tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực và tài năng của bạn. Hình ảnh 1 trưởng ban trật tự dễ ghét của lớp ngày xưa dường như tan biến, nhường chỗ cho 1 tình cảm dào dạt thương yêu như tình chị em ruột thịt trong tôi. Và tôi cũng chợt hiểu vì sao 1 chàng hiệu trưởng đẹp trai, phong độ, lịch lãm, không thiếu những người đẹp vây quanh như anh Xương lại chỉ say mê đeo đuổi 1 người con gái cao nhòng, đen thui và bây giờ sau mấy mươi năm chung sống, anh vẫn một lòng với người con gái mà giờ đây đứng bên anh như 1 người khổng lồ chỉ có trong cổ tích.....

Vợ chồng An

Minh Khuê

Sunday, June 24, 2012

Hội Ngộ Ở Phương Trời Xa

Sau 38 năm rời trường, lần đầu tiên Dung gặp lại Hồng Vân ở buổi ăn trưa tại nhà bạn Sang nhân dịp về thăm Ban Mê Thuột. Sau những phút hàn huyên, Dung được biết Hồng Vân cùng gia đình sắp định cư qua Mỹ. Khi đến Mỹ, Hồng Vân sẽ ghé thăm anh chị em ở Bắc Cali, cách nơi Dung ở không xa. Thế là hai cô bạn hẹn gặp lại nhau lần tới ở San Jose, khoảng một tuần sau khi Dung rời Việt Nam.

Vài ngày sau khi trở lại Mỹ, Dung được biết cuối tuần đó sẽ cần đi Nam Cali thăm cậu con trai út. Dung liên lạc với Hồng Vân để sắp xếp làm sao vừa đi Nam Cali và vừa có thể gặp Hồng Vân trước khi Hồng Vân rời San Jose. Nhân Hồng Vân cũng chưa biết về Nam Cali, hai cô bạn sắp đặt với nhau là Hồng Vân và cháu Cường sẽ tháp tùng đi cùng với Dung xuống Nam Cali, sau đó Dung về trước để đi làm. Hồng Vân ở lại Nam Cali thêm một vài ngày để thăm viếng đây đó rồi về sau.

Như dự định, Dung ghé đón Hồng Vân và cháu Cường vào sáng thứ bảy. Cả bọn rời khỏi San Jose khoảng 10g30 sáng. Đoạn đường từ San Jose xuống đến Irvine dài khoảng 430 dặm (cỡ 700 km). Tuy là sáng thứ bảy, nhưng không phải là dịp lễ nên xa lộ liên bang I-5 cũng không đông lắm. Nhìn đoàn xe chạy thoải mái, Hồng Vân nhận thấy lái xe trên xa lộ bên Mỹ xem cũng dễ dàng, mà quả thật như vậy vì đường phân chia rõ ràng, xe nào chạy theo đường xe đó và giữ theo tốc độ xe trước. Trong nhóm nữ của lớp 74, theo Dung biết Hồng Vân là người biết lái xe hơi đầu tiên, từ hồi bọn mình còn học ở Tổng Hợp (Dung cho đến bây giờ mà bị đưa lái xe sang số là đầu hàng vô điều kiện ngay!).

Từ San Jose xuống Nam Cali, có nhiều lối đi. Ai muốn ngắm cảnh đẹp sẽ chọn quốc lộ 1 đi dọc theo bờ biển. Còn những ai muốn đi nhanh, sẽ chọn I-5, thời gian đi chỉ mất khoảng 6 tiếng, nhưng ngược lại cảnh hai bên đường không được đẹp lắm. Trên đường, cả nhóm đi ngang hai hồ trong số những hồ lưu trữ nước uống cho tiểu bang Cali. Hồ thứ nhất là San Luis Reservoir, gần một địa danh có tên là Pacheco Pass, cách San Jose khoảng 80 dặm.

Bảng lưu niệm về Pacheco Pass
Cảnh bên trái của hồ San Luis Reservoir
Cảnh bên phải của hồ San Luis Reservoir
Lái thêm độ 100 dặm nữa, cả nhóm đi ngang trại chăn bò của Harris Farm, với khoảng 100.000 con bò. Nhìn đàn bò thì vui mắt thật, nhưng ai đi ngang qua khu này cũng phải ráng "nín thở qua sông", chịu khổ với mùi hôi cả một đoạn đường dài vài dặm. Trời có nóng cách mấy cũng không nên hạ cửa kính xe.

Trước khi vào địa phận Los Angeles, cả nhóm đi ngang một cái đèo. Gọi là đèo vì đoạn đường này bắc ngang qua một dãy núi dài hơn 40 dặm, nhưng đường đèo thẳng tắp, không ngoằn ngoèo khúc khuỷu như con đường lên Đà Lạt mà Dung và các bạn đã đi. Trước khi lên đèo, người ra sẽ thấy một hệ thống dẫn nước xuống Nam Cali, gồm 4 hàng ống to thật to mà mỗi ống nước đường kính khoảng 13 feet.

Lúc đi ngang đèo, mọi người lại có dịp ngắm hồ nước thứ hai, hồ Pyramid Lake. Thể tích của hồ lên đến hơn 270 triệu mét khối nước. Thường những hồ chứa nước của Mỹ còn được dùng làm nơi viếng thăm hay du ngoạn cho gia đình, chẳng hạn như cắm trại, đi thuyền, đi bộ đường dài (hiking), v.v...

Hệ thống dẫn nước xuống Nam Cali

Pyramid Lake

Vào đến địa phận Los Angeles khoảng 5g chiều, Dung và Hồng Vân ghé thăm cháu Bích Ngọc và nhân tiện đưa cháu mẫu thêu cháu đang thêu dở dang trước khi qua Mỹ học. Sau đó, tụi Dung hẹn gặp lại hai cháu Bích Ngọc và Hoàng (em họ của Bích Ngọc) trong bữa ăn tối hôm đó.

Dung định mời Hồng Vân và các cháu đi ăn ở tiệm Château Brodard, một tiệm ăn Dung mới được người quen giới thiệu trong chuyến đi Nam Cali lần trước. Khổ nỗi, Dung lại không nhớ tên tiệm, tìm mãi trong sổ địa chỉ của mình, chỉ thấy một tiệm ăn Việt không mang tên tiếng Việt, thế là Dung hẹn gặp mọi người ở tiệm A Favori khoảng 7g. Lúc đến nơi, Dung đứng trước cửa tiệm mà lo lắng trong lòng, vì thấy tiệm lạ hoắc, không giống tiệm mình định đi, đành phải cho mọi người biết là lộn chỗ, không biết thức ăn có ngon không. Mãi một lúc lâu, Dung mới nhớ ra Dung ghé tiệm này cách đây 4-5 năm. Tiệm A Favori nổi tiếng về món cá bông lau nướng với da giòn. Thêm món gỏi bò và món lẩu đồ biển bắp chuối, cả bọn cũng được bữa ăn vừa miệng, thiệt là hú vía!

Cháu Hoàng, Hồng Vân, cháu Bích Ngọc, Dung và cháu Đôn
trong tiệm A Favori

Cháu Cường, Hồng Vân, cháu Bích Ngọc, Dung và cháu Đôn

Hồng Vân và Dung ngay cừa vào tiệm A Favori
Trước khi xuống Nam Cali, Dung liên lạc với các bạn Phương Hồng, Bích Thủy và Minh Trung để Hồng Vân được gặp lại các bạn. Dung nhờ Phương Hồng chọn giùm chỗ để cả bọn gặp nhau. Minh Trung cuối tuần đó có một khóa thiền nên sẽ không đến được, Dung lại sơ ý quên không liên lạc với hai bạn Liên Hương và Võ Thành. Phương Hồng đề nghị cả bọn gặp ở Hong Mai Catinat Restaurant khoảng 11g45 đến 12g trưa chủ nhật.

Hôm sau, đang trên đường đến Hong Mai Catinat Restaurant, Phương Hồng điện thoại đề nghị cả đám dời qua một nơi khác tên Château Brodard cũng gần đó vì tiệm Hồng Mai hơi ồn, khó chuyện trò. Nghe tên của tiệm ăn này, Dung mới nhớ lại đây là tiệm Dung định đưa cả nhóm đến ăn tối hôm trước. Một tình cờ thật hay, nếu không, Hồng Vân phải ăn ở tiệm này hai buổi liên tiếp. 

Giống như Dung, cũng khoảng 38 năm rồi Phương Hồng mới có dịp gặp lại Hồng Vân. Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa được Hồng Vân và Phương Hồng kể lại. Phải chi hai cô bạn này chịu khó ngồi viết lại thì hay biết mấy. Sau bữa ăn cả bọn rủ nhau ghé Phước Lộc Thọ, một nơi mà ai cũng nhắc đến khi nói về khu Little Saigon ở Westminster, Nam Cali.


Dung, Phương Hồng, Hồng Vân, Bích Thủy
trước cửa cổng Phước Lộc Thọ

Bích Thủy, Hồng Vân, Phương Hồng, Dung
đi dạo lầu hai của Phước Lộc Thọ
Trước khi trở lại Bắc Cali để sáng thứ hai đi làm, Dung báo cho Minh Trung biết là Hồng Vân sẽ ở lại Nam Cali thêm một vài hôm đến thứ ba mới về. Sau đây là vài tấm hình trong buổi tái ngộ giữa Hồng Vân, Minh Trung và chị Minh Châu vào tối thứ hai 21/5.

Hồng Vân và chị Minh Châu

Hồng Vân và Minh Trung

Chị Minh Châu, Hồng Vân và Minh Trung
Ở Bắc Cali, khóa 74 chỉ có vài bạn, ngoài Dung còn có Đặng Thanh, Kim Chung, Cam và Thúy. Đã lâu rồi, tụi Dung không liên lạc được với Thúy. Dung nhờ Đặng Thanh liên lạc với các bạn để cả bọn gặp Hồng Vân vào tối thứ năm 24/5 sau khi Hồng Vân trở về từ Nam Cali. Cam bận việc nhà không đến được nên buổi họp mặt chỉ có Đặng Thanh, Kim Chung, Hồng Vân và Dung. Tụi Dung hẹn nhau ở một tiệm ăn Thái Lan, tên Krung Thai. Sau khi tan sở, Dung đến đón Hồng Vân ở nhà bà chị kế sở làm của Dung rồi trên đường ghé đón Thanh. Trong lúc chờ đợi Kim Chung ở tiệm ăn, Đặng Thanh nhắc lại cho Hồng Vân nghe một chút về Kim Chung. Có lẽ nhiều bạn cũng không nhớ Kim Chung, vì Kim Chung lập gia đình rất sớm, lớp đệ tam đã lên xe hoa về nhà chồng. 

Buối tối hôm đó, Hồng Vân và các bạn thưởng thức vài món đặc biệt của thức ăn Thái Lan, trong đó có súp đồ biển, Pad Thai, rồi tráng miệng bằng sôi ngọt ăn với nước dừa và xoài chín. Bốn cô bạn nói chuyện miên man không dứt, đến lúc tiệm đóng cửa vẫn còn bịn rịn chưa muốn về và hy vọng lần tới gặp nhau sẽ không xa như trước.


Kim Chung, Hồng Vân, Đặng Thanh và  Dung
ở tiệm Krung Thai

Đặng Thanh và Hồng Vân

Kim Chung và Hồng Vân

Dung và Hồng Vân


Dung được biết Hồng Vân và gia đình rời San Jose để đi Seattle vào đầu tháng sáu, trong thời gian Dung đi vắng.

Những bước đầu nơi xứ lạ bao giờ cũng có nhiều khó khăn nhất là phải bắt đầu lại ở tuổi tụi mình, Dung mến chúc Hồng Vân và gia đình mọi điều tốt đẹp và gặp nhiều may mắn để sớm được ổn định nơi vùng đất mới.

Dung



Đôi Ngả


Confluence of the Thompson and Fraser Rivers
in Lytton, British Columbia, Canada

Hai dòng sông, dòng đời xuôi chảy,
Như chúng mình, bèo dạt mây trôi,
Còn gì không, ngày tháng pha phôi,
Hai dòng đời, đôi người đôi ngả.
*
Sông uốn mình, bến bờ cách trở,
Ai ngăn chia dòng nước hai mầu,
Gần bên nhau sao chẳng cùng nhau,
Hai dòng chảy, nông sâu, đâu nguồn cội.
*
Sông xanh thẳm bên bồi, bên lở,
Cù lao nào chất chứa phù sa,
Cách biệt phương trời, ai chờ, ai đợi,
Có lần nào gặp gỡ giữa đôi ta?
*
Nhớ những lần đi về chung lối,
Cận kề nhau chẳng nghĩ suy gì,
Ước mộng đơn sơ, tình trang vở mới,
 Trong sáng yêu đời, mơ ước tương lai!
*
Rồi tang thương, biến cải, đổi dời,
 Nhạt phai ngày tháng, những buồn vui,
Bây giờ, cách biệt phương trời nhớ,
 Vời vợi xa rồi, những ngày xưa!

Pt Minh Hưng.


PPS cùng chủ đề Đôi Ngả:
Tìm Nửa Vầng Trăng, thơ Minh Hưng,
Nhạc đệm Nuối Tiếc, Sáng tác: Hồ Hoài Anh, Guitar: Vồ Thường
PPS: Bảo Phạm thực hiện
 

Pt Minh Hưng.


Wednesday, June 20, 2012

Lá Thư Tình Yêu

Lá thư nhung nhớ viết cho anh,
Một sớm thu, lá rụng qua mành,
Trời SaiGon, mênh mang nhiều kỷ niệm, 
 Một mình em, lá úa, vọng tình xanh! 


Trời đang mưa hay lòng em lệ ứa,
Nhớ rất nhiều ngày hai đứa bên nhau,
Mùa Xuân cũ, ngất ngây tình yêu dấu
Anh nhẹ nhàng, bảo khẽ "Tựa vai anh"
*
Anh hỡi anh, có còn ước mơ xanh 
Vẫn nhung nhớ, thời học trò, áo trắng?
Tình trong sáng, ngây thơ như vạt nắng,
Còn nồng không anh, sưởi ấm... buổi tàn đông?
*
Em vẫn nhớ, ngày xưa anh hứa:
"Mình bên nhau, giữ mãi ước mơ đầu,
 Hy vọng nhé, còn ngày sau, mãi mãi,
Hãy nhớ là, Hoa Bất Tử - Tình ta."
*
Lời anh nói, em vội về ươm mộng,
Xây lâu đài, ước vọng mai sau...
Ai có ngờ đâu, cuộc đời muôn sắc,
Ước hẹn hôm nào, thành vết thương... đau!
*
Rồi ly tan, cách biệt, không ngờ,
Cơn bão đời chia cách, tình bơ vơ,
Em vẫn đợi chờ, biết bao thương nhớ,
Mơ một ngày, gặp lại... có bao giờ?! 

Bài hát ấy, trong em còn âm hưởng,
Dù héo hon rồi một đóa Hồng xưa,
Phai mầu Phượng đỏ, sân trường cũ,
Tình mình vẫn tha thiết, như xưa?
*
Mùa xuân về, anh nhớ gì không anh,
Cành hồng thắm, xuân xưa anh đã,
Gởi tặng em với nụ hôn đầu,
Vẫn còn đây, ép trong vở, bạc mầu.
*
Anh, anh hỡi, dù cách xa diệu vợi,
Mình vẫn yêu, thương nhớ chẳng hề vơi,
Tình anh đó, vẫn trong em muôn thuở,
Vạt-nắng-hồng, anh... sưởi ấm... mãi lòng em.

PtMinh Hưng

Sunday, June 17, 2012

Mơ Về Ngày Xưa

Quê xưa bụi mù đất đỏ
Dẫu không là nơi chào đời
Khi xa rời lòng vẫn nhớ
Thương người ngóng núi rừng ơi.

Tuổi nhỏ thơm nồng vườn ổi
Liễu rũ bờ ao trong xanh
Chiều theo cánh diều no gió
Lội qua con suối trong lành.

Vườn xưa ngọc lan thơm ngát
Có đôi sóc nhỏ chuyền cành
Đong đưa võng êm trưa hạ
Lặng nhìn mây trắng trôi nhanh.

Ta cùng bạn mãi rong chơi
Bước mòn bao con phố nhỏ
Rưng rưng nỗi nhớ đầu đời
Buồn tênh hoàng hôn ráng đỏ.

Lạnh rớt cơn mưa đầu mùa
Ta mười bảy tuổi buồn chưa
Dầm mưa lòng buồn vô hạn
Ai hay thương nhớ cho vừa.

Tóc ai hương nồng hoa bưởi
Xõa bóng trăng xưa hẹn hò
Sông cũ, đò xưa lạc bến
Tình buồn sóng vỗ lô xô.

Hương nào còn như hương xưa
Sầu nào lê thê đêm mưa
Cho ta tìm về dĩ vãng
Ngậm ngùi thương chút duyên thừa.

Hồng A

Friday, June 15, 2012

Tin Buồn - Bạn Phạm Thị Lâm


*** 

Lời chia buồn của Hoàng Kim Cư

Dung mến,
 
Nhận được tin buồn về bạn Phạm Thị Lâm đã ra đi. Mình có thông báo cho các bạn Nguyễn Thắng và Phạm Ngọc Ánh biết. Măc dầu không còn nhớ bạn Lâm hơn 40 năm trước. Nhưng đã một thời là bạn cùng lớp. Nhờ Dung chuyển lời thành kính phân ưu cuả các bạn ở Minnesota đến gia đình anh Bùi văn Sơn và bạn Phạm văn Cường có đủ sức mạnh để vượt qua nỗi đau buồn trong lúc này và cầu cho hương hồn bạn Lâm về nơi vĩnh phúc.

Cư, Ánh & Thắng

*** 

Lời chia buồn của Bạch Liên
 Thật đau buồn khi biết tin bạn Lâm không còn nữa, Liên thành thật chia buồn cùng chị Khang và Cường. Xin cầu chúc hương hồn của Lâm sớm về chốn niết bàn.

Bạch Liên
 


*** 

Lời chia buồn của Kim Oanh

 Kim Oanh xin gửi đến Cường và toàn gia quyến lời chia buồn chân thành nhất.


*** 

Lời chia buồn của Nam Đà

Thật là đau lòng khi không bao giờ còn được gặp nhau nữa ! Sáng nay nhận được tin buồn này mình buồn quá...

Lâm ơi thế là mãi mãi xa rồi !!!


Chị Khang ơi, Cường ơi Nam Đà xin chia buồn cùng gia đình.
Thầy Cô,bạn bè thân thương ơi hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để còn có cơ hội nhìn thấy nhau.


Nam Đà


*** 

Lời cám ơn của Phạm Văn Cường

Xin đại diện gia đình

CÁM ƠN THẦY CÔ-CÁC BẠN trong cũng như ngoài nước đã phân ưu, đã đến và đã tiễn chị chị LÂM tới nơi an nghĩ cuối cùng .Xin chúc SỨC KHỎE THẦY, CÔ VÀ CÁC BẠN
 

Phạm văn Cường

Wednesday, June 13, 2012

Tâm Sự

Lời phi lộ của Đỗ Thế Hùng

Gửi đến diễn đàn thư tâm sự của một người "em kết nghĩa" hiện là kỹ sư xây dựng ở Ban Mê Thuột, vừa mới liên lạc với nhau lại sau thời gian khá lâu không gặp. Bạn này tên là Phi Ngọc Toàn em song sinh với Phi Ngọc Bảo một người -vừa là em vừa là bạn- cũng đã trải qua thời gian khá dài ở Trại Cải Tạo Mê Van với Hùng. Hùng Bảo chơi với nhau khá thân và sau này khi về đời Hùng chơi thân với em Bảo là Toàn nữa và -hầu như- cả gia đình 2 anh em Bảo Toàn luôn. Bảo Toàn đều là cựu học sinh THTH nhưng sau thế hệ chúng ta vài năm. Khi đi làm ăn xa thỉnh thoảng Hùng mới về thăm lại gia đình ở Ban Mê Thuột nên không có nhiều thì giờ để gặp hết mọi người; vì thế Hùng với Bảo Toàn cũng đã nhiều năm không gặp.

Đỗ Thế Hùng



Chào anh Hùng!
 
Tình cờ đọc được trang Cựu học sinh Tổng hợp BMT74.  Thật vui khi thấy anh vui vẻ yêu đời, yêu quý đất Ban Mê mà lòng chẳng thể rời xa. Em có thể thấy sự nhiệt tình, sôi nổi của anh đối với Cựu HS như con người thật của anh. Bọn em cũng có trang như thế và vui lắm. Em có đọc bài viết rất hay của anh về thầy Liễn. Thầy ấy vẫn nhớ, có điều thầy phải nói rằng quên để lòng anh bớt nặng ấy thôi. Hihi. Bài thơ mới cho tình cũ nữa, các comment đối đáp hài hước và sâu sắc.
  
.....

Thế mà cũng quá lâu anh em mình chưa được hàn huyên tâm sư. Riêng em thì ngày lại ngày ở cơ quan, tuần lại tuần cùng gia đình thăm nội ngoại, đến tháng nhận lương – xong
 
Nhớ hôm nào anh nói: ”Dù Bảo Toàn có đi đâu và làm gì đi nữa, anh vẫn thấy tụi em trẻ nhỏ và dễ thương như ngày nào” Anh còn đánh bài chứ? Khoản này thì anh… thua BT hehe.
 
Em vẫn thuộc làu bản nhạc Ta quen em của anh đó:
 
            “Ta quen em không phải trên sân trường rợp mát
            Ta cũng không quen em trên đại lộ đông người.
            Ta quen em, ôi ta quen em bên đồng cỏ cháy
            Nơi vắng chân người
            Nơi vắng tiếng cười dù lẻ loi….
 
            Rồi ngày mai sống kiếp u hoài ta nhớ nhau một đời
            Rồi ngày mai xa vắng nhau rồi ta vắng tiếng cười dù tả tơi”
 
Giờ này đây, chúng ta chỉ có thể chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc.
 
Thân!
Phi Ngọc Toàn

Một Nét Văn Hóa Sài Gòn "Thú Cà Phê Bệt"

Lâu lắm rồi cả nhóm không tụ họp uống cà phê, thế nên khi nghe em Uyên a lô: mấy chị đi cà phê bệt với em nha, vui lắm? OK tụi chị vốn ham vui mà.

Sáng sớm Chủ nhật 10/6/2012, Hồng, Đà, Uyên đã có mặt, gửi xe nhà văn hóa Thanh Niên, tà tà thả bộ qua công viên 30/4 đối diện nhà thờ Đức Bà thành phố. Những thảm cỏ công viên được cắt tỉa gọn gàng xanh rì, rợp mát dưới những tán lá me xanh mướt. Ban mai vàng nắng, mát mẻ sau cơn mưa rào đêm qua. Từng nhóm học sinh, sinh viên và cả người lớn tuổi rải rác ngồi quanh công viên. Em Uyên lấy ra ba tờ báo phát cho Hồng, Đà ngồi xuống vỉa thảm cỏ công viên. Để hòa nhập cùng mọi người, Hồng gọi cafe sữa đá (giá 12,000 đồng một ly) Đà mua thêm một bịch xoài chua chấm muối ớt nhâm nhi cho vui.

Toàn cảnh cà phê bệt ở công viên 30/4
Ba phóng viên nghiệp dư
Cùng người bán cà phê bệt
Cùng người bán cà phê bệt
Cùng người bán hàng rong
Em Uyên và Hồng hội nhập cùng tuổi teen
Em Uyên và Hồng hội nhập cùng tuổi teen
Cà phê vỉa hè đường Hàn Thuyên
Cừa hàng giải khát dã chiến
Tham gia quảng cáo Mobifone
Tham gia quảng cáo Mobifone
Sài gòn còn thêm một số địa điểm cà phê bệt khác như: cà phê bệt công viên Lê văn Tám, cà phê bệt dọc đường Nguyễn Đình Chiểu...

Nắng đã lên, ba phóng viên nghiệp dư quay về, trên đường còn ghé qua quán cà phê Tĩnh Lặng nhâm nhi vài tách trà nóng, và cảm thấy rất vui với một buổi sáng Chủ nhật thư nhàn, hòa mình cùng nhịp đập của thành phố....

Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết mới...

Hồng A, Nam Đà

Ngân Hà

 
Ngân Hà giải lụa ngàn sao,
Lung linh ánh sáng muôn mầu trời đêm,
Dòng sữa ngọt, đôi môi mềm,
Ta dìu em đến bên thềm sông Thương,
Ngân Hà, ánh mắt vấn vương,
Ngõ yêu ta lạc bước đường... mộng du,
Đêm nay, huyền diệu mơ hồ,
Trăng sao chiếu rọi, tình giờ pha phôi,
Ta nghe như tiếng ai cười,
Thoảng bay trong gió bỡn đùa vườn hoang,
Ngân Hà tỏa ánh mơ màng,
Nhớ nhung trăng bỗng võ vàng đơn côi,
Dù cho cách trở phương trời,
Tình ơi, Sao mãi một đời bên Trăng!

PtMinh Hưng

Sunday, June 10, 2012

Những Đoản Văn Của Quách Lục

CẦU HIỀN

Coi mòi lũ học trò xưa càng già càng quậy, một số sắp đoạt danh hiệu "Lão ngoan đồng" rồi. Hễ có câu chuyện gì lạ thì lại thành đề tài hấp dẫn. Có cái bệnh của bạn Hải nhà ta mà các nhà văn, nhà thơ sáng tác tới tấp, phen này Tổng Biên Tập lại sút đi vài cân kể từ sau chuyến đi dzìa quê nội. Thiệt là đáng đồng tiền bát gạo khi lôi ra được những cao thủ làng văn đã ẩn cư điền viên tu luyện bấy lâu như bạn Cường, bạn Đạt, bạn Thạch... chỉ biết miệt mài xem các bạn tung chưởng trên diễn đàn hết năm này qua tháng nọ, có nhiều lần mình hỏi sao không tham gia thì các bạn trả nhời là "Đang chờ người hiền để phò tá xuất chiêu bình thiên hạ". Mình cố hỏi gặng mãi mà các bạn ấy ứ nói (kể cả lúc say mèm). Hôm Dung về thấy bạn Thạch múa Hầu quyền và hát bài 90 năm cuộc đời,  tự chế của Y Thạch (cháu gì gì Y Vân nên không sợ phạt vì xuyên tạc bản quyền tác giả), rồi đến Đạt (Phạm Đạt, không phải Đạt râu đâu nha), Paul Cường... Mình suy gẫm mãi, hôm nay nhân lúc xem tác phẩm của Nam Đà "...." mình đã hỉu ra cái người mà các cư sỹ đó muốn tìm là.... ai rùi...?

THUỐC HAY NAY BIẾU

Anh Hải đã cho ra đời tác phẩm "58 mà như 100 tuổi" hì hì, bạn nhớ đừng bi quan nha, thời buổi “hại điện” này cái bệnh của Hải “dễ sửa” như trở bàn tay (trước kia mình chỉ thấy bệnh này ở mấy anh U- 80, mà bây giờ lại thấy nó mọc ở anh U 58), ngày nay do hít thở Ô xy ô nhiễm, ăn  phải cái gì cũng thuốc khích thích... tăng trọng v.v... Mà thủ phạm lại chính là một trong những chiếc xe SH kép kia. Lợi bất cập hại, nhưng Hải cũng đừng có lo “mực” có hết thì đem đi sạc mực (China, Korea, America… chính hãng) lại đầy như cũ, tiếp theo toa thuốc “Trinh nữ hoàng cung” Hải sẽ có một phương thuốc “Tì nữ lề đường” mà bà Táo Hồng A đang khổ công bào chế, bảo đảm chắc như “răng ông cụ” không vì thế mà anh Tín đã đặt cọc lô hàng trước khi ra lò, nghe đâu Tín mua về sẽ biếu không cho Hải… uống trước làm thí điểm vì Tín cũng sợ bị tiêu luôn “tuyến tiền liệt vị”… Khôn chửa.

CÔ ĐƠN

Những năm gần đây phong trào tập dưỡng sinh, tập khiêu vũ cho mọi lứa tuổi ngày càng phát triển. Ở xứ Buồn Muôn Thuở này cũng không ngoại lệ. Cách  đây mấy hôm có một cụ tự nhiên bỏ tập, lớp đến nhà động viên thì cụ nói rằng “Tập càng tập lại càng cô đơn”. Tại sao vậy? Mọi người thắc mắc.

Cụ trả lời chậm rãi “Mình tập dưỡng sinh thì được khỏe mạnh, sống dai, nhưng cụ nhà tôi không, tâp rủ mãi không đi, ấy thế lại cứ nhậu nhẹt  hút thuốc, trước thì 3 con 8, nay thì 3 con 5, mấy bữa nay thấy sài thuốc rê. Như vậy chẳng mấy khi thì sẽ bệnh mà đi sớm, bỏ lại tui thế chẳng phải cô đơn rùi  sao”?

Quách Lục

Xin Còn Gọi Tên Nhau

bao năm mới gặp lại
người bạn thân ngày xưa
nhớ hồi còn đi học
thường rủ bạn tới trường
nay gặp bạn phong sương
hai bàn tay rám nắng
mái tóc đã đổi màu
chỉ trừ đôi mắt sáng
bản lĩnh với cuộc đời
ngồi bên ly cà phê
ôn lại nhiều kỷ niệm
cười nói bao điều vui
như còn là thuở nhỏ
trời chiều đã ngả nắng
rồi cũng phải chia tay
cầm tay đầy lưu luyến
cường ơi! mình ở xa
đường đời đâu biết được
chỉ mong cường nhớ mãi
xin còn gọi tên nhau

Paul Cường

Saturday, June 9, 2012

Ngày Con Vào Đời

Cô gái bé bỏng, xinh tươi của mẹ.
Hôm nay đây - Nhìn rạng rỡ con cười
Mũ áo trang nghiêm trong ngày tốt nghiệp
Ấm lòng mẹ cha, hạnh phúc nào hơn.

Ngày xưa, điều này mẹ không mơ tưởng
Ngày con chào đời trong cảnh khó nghèo
Bữa đói, bữa no cháo rau đạm bạc
Chắt chiu từng ngày, con lớn khôn theo.

Tuổi thơ con dài theo con dốc nhỏ
Đường đến trường cặp sách nặng oằn vai
Con gắng học biết sẻ chia cùng mẹ
Nhọc nhằn dáng xiêu, sương muối đường dài.

Con vào Sài Gòn, xa nhà, trọ học
Thiếu thốn trăm bề, gắng kịp bạn bè
Đêm chong đèn, nhớ nhà rơi nước mắt
Lòng mẹ não nề theo những chuyến xe.

Tóc cha bạc, dáng còng theo năm tháng
Vai mẹ gầy, héo hắt những chia ly
Tuổi xuân qua cùng hy sinh thầm lặng
Là chiếc cầu nối tiếp bước con đi.

Rời quê hương, đời học sinh xa xứ
Ngày đầu lạc lõng, đất khách quê người
Bao khó khăn vững vàng con bước tiếp.
Mang trong lòng nỗi thương nhớ khôn nguôi.

Cô gái bé bỏng xinh tươi của mẹ
Bầu trời cao xoải rộng cánh chim bay
Con vào đời tuổi trẻ bao khát vọng
Bao yêu thương mẹ nhắn gửi cùng mây.


Hồng A