Monday, September 30, 2013

Lá thư từ Vientiane

Hai bạn thân thương yêu quý của Mùi ơi,

Hai bạn vui vẻ và mạnh khỏe hả? Có tin tức gì mới không cho Mùi hay với? Mùi và Gary đang ở Vientiane, Laos. Thành phố có nhiều chùa và đền thờ cổ kính, trang nghiêm mà không nơi nào có thể so sánh bằng. Đa sồ người Lào tu hành đạo Phật, không hề làm phiền du khách. Khi hậu rất mát mẻ và đất rộng nhưng dân thưa... không khí trong lành, giống như Maui, Hawaii. Hai cái mỏi lắm vì đi bộ khắp nơi, đẹp quá và cổ kính quá, không đi khi về lại Mỹ thì tiếc nuối. Ước ao gì có Dung ở đây để làm phó nhòm và có Đà để làm đạo diễn... Mùi nhớ Đà, Dung lắm và Mùi thương Đà vô cùng. Mai mốt nếu ông Gary chết đi, Mùi sẽ lấy Đà nghe... hihihi, Dung đừng có la Mùi nghe, còn không hai đứa mình cùng lấy Đà luôn. Gia đình Mùi thích Đà lắm, tụi nhỏ nói chị Đà tếu vui quá xá.

Vài hàng thăm Đà và Dung, chúc hai bạn yêu quý cùa Mùi khỏe mạnh và an lành.

Love
Mùi




Chuyện trứng ngỗng của lớp 12B

Kim Hương kể

Em mà nhìn thấy thầy Sỹ là thấy con số zero! Thầy cho hết đám học trò 12 B hai trứng ngỗng tròn vo, thế là hỏng đứa nào cạnh nanh đứa nào hết... Đó là hai cái trứng ngỗng duy nhất trong đời làm học trò của em đó nha thầy... Điểm son kế tiếp đó của em là 1 điểm trong một bài thi Anh văn của cô Diệm Phương! Cái đứa đội sổ môn Anh văn như em nên Trời trả báo, qua đây hỏng nói là chít sao... 

***

Kim Hương kể tiếp

Hồi xửa hồi xưa ... thầy Sỹ hỏi cả lớp: Định nghĩa và vẽ "Một Điểm" ! Cả đám từng đứa lên bảng, cầm cục phấn chấm cái KỊT rồi đi xuống... lãnh hai cái trứng ngỗng. Tuần tự từng em... cả lớp "bàng hoàng"...Sau đó, thầy mới giải thích rằng: Điểm là nơi gặp nhau của hai đường thẳng, chứ không phải là một chấm !!! Do đó, phải vẽ hai đường thẳng cắt nhau, chỗ "hai anh chị" gặp nhau là một Điểm ạ!

Đó là vốn liếng của em còn lại sau khi học hết 3 lớp Toán: 10B1 - 11B2- 12B thầy ơi!

Dĩ nhiên, cuối tháng cả lớp cộng sổ bị thụt điểm Trung bình Hàng tháng, thầy Tùng bèn túm (đứa nào đó!) bảo khai thiệt, tụi bây làm gì mà thành như vậy?! Khai xong, thầy Tùng... tủm tỉm cười... Tụi bây gần đi thi Tú tài II rồi nên thầy Sỹ bắt tụi bây học như vậy là đúng thôi!!!

Hồi xưa Kim Hương đi học sợ nhất là Cô Lâm Thu Thủy và Thầy Sỹ và "hỏng" sợ nhất là Thầy Khánh!

***

Thầy Sỹ viết
 
Chưa bao giờ thầy nhớ cho cả lớp 12B zero. Nghe lại như chuyện cổ tích. Có lẽ thấy "trả thù "các em chăng? 

Thời đi học, có môn thầy "được điểm thấp "như văn, vẽ. Đặc biệt có hai lần zeros, học lớp nhì (bây giờ lớp 4), trong lớp chỉ thầy giải bài toán làm tại lớp đúng, nhưng thầy cho zero còn bị đánh. Ngay sau đó thầy xem lại thấy chắc đúng thầy lên kiện. Lúc đầu thầy của thầy rất ngỡ ngàng, cẩn thận xem lại. Thầy nhầm, em đúng. Thầy được phục hồi danh dự  tại lớp. Dù bị đánh oan nhưng trò vẫn vui vẻ và kính trọng nhớ ơn thầy suốt đời.

Thi học kỳ môn nhạc lớp đệ luc (lớp 7 bây giờ ). Mỗi lần thi 5 hs một bàn trước mặt thầy giáo. Chưa đến lượt, hs tự do lật vở ôn bài Khi nghe gọi tên thầy quýnh quáng đem cả vở nhạc lên kê. Rủi thay tờ giấy thi kẹp trong vở. Khi thu bài thầy phát hiện đề thi trùng với trang vở đang lật. "Cậu gian" Thầy nói. Trò rất ngỡ ngàng "Thưa thầy em không gian". Không nói thêm tiếng nào, ghi zero vào bài thi. Nhờ các môn khác điểm cao nên không bị ảnh hưởng bao nhiêu. Nhiều kỉ niệm khó quên phải không các em?


***

Nam Đà góp ý

Em thì sợ Thầy đến nỗi bị Thầy gọi đến là quíu lên: "Thưa Cô".

Thưa Thầy,
Bây giờ Thầy rất hiền... gặp lại Thầy... Thầy vẫn nhắc "Tôi còn nhớ,hồi đó tôi gọi lên bảng... em vòng tay THƯA CÔ "vì em quá run...."
Thầy hiền hay Thầy dữ lúc nào em cũng thương yêu và kính trọng các Thầy Cô...mặc dù tụi em bây giờ già hết rồi.

***

Thầy Sỹ viết
 
Thầy còn nhớ .Đó là một kỉ niệm vui. Còn hồi đó không cuời nỗi, phải thế không Nam Đà?


***
Mai Phương Hồng góp ý

Kim Hương ơi,
Chắc mấy nàng ban B không đại phá thì cũng nghịch ngầm. May cho ta an phận hiền từ theo ban A nên không bị ăn trứng ngỗng như các bạn.
Hình như năm lớp tám hay chín, cả lớp có bị thầy Định cho mỗi đứa mỗi cặp trứng ngỗng vì lớp học ồn ào (vẫn thấy bị oan ức vì hôm đó trong lớp đâu có nhiều học trò noí chuyện đâu). Lầu sau bị phạt cả lớp đứng ngoaì nắng. Đã không được thương haị mà các thầy còn bàn vào bàn ra là nên chia lớp toàn con gaí phá quá này để cho học chung với con trai cho tuị mình bớt phá. Phương Hồng có nhớ nhầm không?
 
Ừ đúng như Nam Đà nói, lúc đó tuị mình có sợ thầy Sỹ vì thầy nghiêm nghị và ít cười trong lớp nhưng ngoaì giờ dạy thầy có cười và nói chuyện rất vui.


***
Võ Thị Chung viết

Các bạn ơi! Cho Chung thêm vào tí nữa nè. Bài nộp mà không cẩn thận Thầy Sỹ thấy rách 2 lỗ là trừ điểm nữa đó! hic... hic.... Nam Đà thưa nhầm mà không lãnh "trứng ngỗng" là số còn hên lắm.

Hồi xưa thấy Thầy Cô từ xa xa là tim đập loạn cào cào.

Bây giờ đứng gần còn được choàng vai mà vẫn có cảm giác sợ sợ... Mô Phật. 




***

Thầy Sỹ trả lời

Giấy làm bài phải rút nhẹ từ vở ra. Không được giựt làm rách lỗ lớn. Trừ điểm. Em nhắc Thầy nhớ liền. Các em còn nhớ là vui rồi!

Cô Kim Đấu

Do một sự tình cờ, Dung liên lạc lại được với Cô Kim Đấu. Theo Dung nhớ Cô không dạy lớp 74. Dung và một ít bạn 74 học thêm Anh Văn với Cô. Thứ bảy vừa rồi, 11g sáng Dung đến thăm Cô như đã hẹn với Cô hôm trước. Vừa dừng xe trước nhà Dung đã thấy Cô mở cửa bước ra. Gặp lại học trò cũ, Cô thật xúc động. Hai cô trò ôm nhau thật lâu. Mấy chục năm rồi mới được gặp lại Cô. Tháng ngày chồng chất nhưng nét mặt của Cô vẫn không thay đổi dù đã mang theo nhiều nét thời gian. Sau cơn bệnh cách đây vài năm Cô ốm đi khá nhiều. Cô và Dung trò chuyện khá lâu. 

Trong hai năm trở lại, Dung may mắn có dịp gặp lại được nhiều Thầy Cô và các bạn. Thật là một niềm vui không ngờ. Trước khi ra về, Dung hẹn sẽ đưa Cô đến buổi họp mặt với Thầy Giõng cuối tháng 10.



Sunday, September 29, 2013

Vướng Bụi Tình




 VƯỚNG BỤI TÌNH

Câu thơ em vướng bụi tình
Mai đem xuống suối xóa nghìn phân vân
Xóa đi bằng trắc luật vần
Còn đâu nương náu cõi trần lìa xa
Thơ trôi ... trôi hết lụa là
Em ơi lạc dấu ngọc ngà của anh
Mai đem thơ bỏ rừng xanh
Câu thơ quyến rũ trăm cành hoang vu
Để cành trổ nụ thiên thu
Nở ra vàng rực sương mù ngẩn ngơ
Trong sương dáng mỏng như tơ
Không em chẳng thể lẳng lơ bao giờ
Chỉ là giọt đọng bất ngờ
Theo đêm nguyệt rủ xuống bờ trần gian
Bóng trăng sao lại vội vàng
Đem thơ dâng tặng thiên đàng lạc hoan
Anh chưa kịp chép thơ nàng
Chưa hôn con chữ đã tàn con trăng
Tại thơ vướng bụi tình giăng
Hay thơ em đã nhọc nhằn đời anh...


Như Thương

Friday, September 27, 2013

Thám Tử ĐÊ TÊ HÁT - Đi Tìm Bạn

Bắt đầu bằng...
Reng... reng... cuối giờ chiều nay 27/9/2013 Quang Tâm từ Saigon gọi ra:
 
- Ê mày đang ở đâu?
- Đang ở Hà nội.
- Mày biết gì không?
- Biết gì?
- Mùi đang ở Hà nội, mày gặp Mùi đi.

Thú thật mới đầu cũng hơi ngại bởi bạn biết mình ở Hà nội mà bạn không báo tin khi đến Hà nội thì liệu... bạn có muốn gặp mình không!?

Quang Tâm động viên: Gặp đi, chắc Mùi mừng lắm đó, hôm bữa Mùi có hỏi mày. Mùi đang ở khách sạn Legacy số 1 Ngõ gang...

- Ôi thôi mày nhắn tin đi chứ tao không có bút ghi.
- OK.

Thế là sau đó tin nhắn tới: "MUI o Ks Legacy so 1 duong Ngo gang (trung tam 36 pho phuong)".

Hùng nhanh chóng giải quyết công việc (đang đi ăn tối với khách), xin phép "chuồn" sớm để đi tìm bạn...

Lên xe, dõng dạc bảo cậu tài xế:

-Cháu cho chú đến phố cổ đường Ngõ Gang.
-Dạ, nhưng mà chú bảo gì cơ?

Địa chỉ được lập lại: chở chú đến đường Ngõ Gang, chú đi tìm bạn. Dạ... thoáng thấy một chút băn khoăn trên gương mặt tài xế.

Từ chỗ Hùng tiếp khách đến phố cổ khoảng 10 km, tài xế chạy đến trung tâm phố cổ...

-Lúc nãy chú bảo ngõ gì ạ?
-Ngõ Gang
-Nói thật cháu không biết ngõ này.
-Thế sao nãy giờ không nói, cứ chạy loằng goằng.

Đường phố cổ thì hẹp, nhiều chỗ cấm xe, cậu tài xế bắt đầu hoảng.

-Chú hỏi lại dùm cháu xem có nhầm không ạ.
-Hỏi gì nữa, tin nhắn rành rành đây mà.

Nhưng, dẫu sao, để cho chắc ăn cứ làm cú điện thoại đầu tiên 04 1080

-A lô 1080 Hà nội số 16 em xin nghe.
-Xin vui lòng cho biết khách sạn Legacy nằm ở địa chỉ nào?
-Xin cầm máy chờ trong giây lát...Rồi...Dạ không có khách sạn nào tên đó anh ơi. Cô có chắc không? Tôi nói lại nhé L E G A C Y...Một lúc sau. Thưa không có ạ.

Cú điện thoại thứ hai, cũng hỏi 04 1080: "Xin cho biết đường ngõ gang hay ngõ gang gì đó ở đâu?" Lại xin chờ cho giây lát và rồi lại không tìm thấy đường này hay ngõ này ở Hà Nội.

Lại điện thoại hỏi cu Tâm, Tâm lại hỏi Nam Đà. Nghe câu chuyện trao đổi, cậu tài xế quả quyết:

- Cháu bảo đảm với chú chẳng có cái Ngõ Gang nào ở "Hà Lội" cả, trước khi lái cho chú cháu chạy taxi ở Hà Lội mấy năm giời.

Lại 04 1080: "A lô ở Hà nội có cái đường Ngõ Gang, hay Đường Ngõ Gắng, hoặc Ngõ Gang hay Ngõ Gắng gì không?" Lại tiếp tục chờ, lại không có.

Cậu tài xế lại bảo: À cháu biết rồi, không phải là Ngõ Găng mà là Trại Găng.

-Biết thế sao bây giờ mới nói, loay hoay mướt cả mồ hôi trán. Được, đưa chú tới đó.
-Dạ.

Xe chạy dzèo dzèo, nhưng... ơ kìa sao lại đi xa thế nhỉ, có vẻ như càng lúc càng xa phố cổ, thế thì không đúng rồi, tin nhắn rành rành là ở trung tâm phố cổ cơ mà. Lại điện thoại, lại hỏi thăm, "dân Hà Lội" được hỏi ai cũng lắc đầu. Lại tiếp tục tra vấn cu Tâm, Tâm lại hỏi Nam Đà,  Đà đi tìm tiệm có wi fi để chuyển bản gốc cho Hùng. Ở Saigon nhốn nháo, ở Hà nội cũng nhốn nháo. Và rồi cũng nhận được thư. Đọc được thư Đà: "Mùi nè Hùng, mong hai bạn gặp nhau..." địa chỉ ĐÚNG Y CHANG như tin nhắn... Khổ tôi rồi. Biết tìm đâu?
 
Túng thế, quay lại hỏi tài xế:
 
- Cháu bảo cháu chạy taxi mấy năm, cháu nhớ xem có cái đường nào hay ngõ nào có cái tên na ná như thế không? Mà ở phố cổ thôi nhé, đừng chở chú đi ra ngoài phố cổ nữa nhé.
-Dạ, có Ngõ Gạch.

Giời ạ, Ngõ Gang với Ngõ Gạch nó cách nhau một trời một vực. Sao có thể nhầm được nhỉ. Nhưng thôi, cứ tới thử xem chứ biết đi đâu bây giờ. 22 giờ đêm rồi còn gì. Cứ tới đó, xem như là nỗ lực cuối cùng.

Một lát sau, à đúng đây rồi. Thì ra đó không phải là khách sạn Legacy mà là khách sạn HanoiLegacy, Ngõ ấy không phải là ngõ gang, không phải là ngõ găng cũng không phải là ngõ gắng mà là NGÕ GẠCH.

Xông vào hỏi thì receptionist khẳng định cháu biết cặp vợ chồng này, ông chồng có vẻ chậm chạp và có tuổi nhưng cô còn nhanh nhẹn lắm. Cặp này mới đi rồi.

- Đi đâu cháu, bao giờ về? Hùng hỏi và nghĩ chắc hai vợ chồng Mùi đi dạo đâu quanh đó.
-Dạ, họ đi Lào. Chính cháu gọi xe đưa họ ra sân bay... sáng nay. Thế là hết... Thôi rồi Lượm ơi...

Nhưng cố vớt vát:

-Có cách nào liên lạc với họ không? Họ mua tour ở khách sạn cháu à?
-Dạ không, nhưng nghe nói tuần sau họ trở lại.

May quá, Hùng đã để số điện thoại lại và nhờ cậu tiếp tân giúp thông báo.
Chờ thêm tuần nữa xem sao.
Chúc cả nhà vui. Hic! Hic!


Đỗ Thế Hùng
Hà Nội 24.00 ngày 27/9/2013

Thursday, September 26, 2013

Thành kính phân ưu - Bào đệ của bạn Huỳnh Văn May



***

Phân Ưu của bạn Huỳnh Thị Mùi

Mùi thành thật chia buồn cùng gia đình bạn Huỳnh Văn May.
Cầu nguyện cho hương hồn anh Huỳnh Văn Hòa an nghỉ ngàn thu
và sớm về cõi Niết Bàn.

Mùi

***

Phân Ưu của bạn Trương Thị Minh Trung

minhtrung xin chia buồn cùng gia đình bạn Huỳnh Văn May
và toàn thể tang quyến.
Nguyện xin hương linh anh Huỳnh Văn Hòa sớm được vãng sanh cực lạc quốc.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

minhtrung
***
Phân Ưu của Thầy Cao Bính
Gởi đến Huỳnh Văn May và gia đình lời chia buồn.
Nguyện cầu hương linh Huỳnh Văn Hòa sớm được siêu thoát.
Thầy Cao Bính
***
Phân Ưu của  bạn Nguyễn Ngọc Trân

Ngọc Trân xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến bạn Huỳnh văn May và gia quyến.
Cầu mong hương hồn của anh Hòa sớm siêu thoát.
***
Phân Ưu của bạn Phan Kim Oanh
Kim Oanh xin chia buồn cùng bạn Huỳnh Văn May và toàn gia quyến. 
Xin mến chúc mọi sự tốt đẹp nhất.
Kim Oanh
***
Phân Ưu của bạn Phan Kim Hương


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Được tin buồn về bào đệ của bạn May,
Kim Hương xin thành thật chia buồn cùng bạn Huỳnh Văn May và Tang Quyến.
***
Phân Ưu của các bạn Sài Gòn
Nam Đà, Thu Thuỷ, Quang Tâm và các bạn Sài Gòn
thành thật chia buồn cùng bạn May.
***
Phân Ưu của bạn Huỳnh Thị Bích Sơn

Bích Sơn xin gởi lời chia buồn đến bạn Huỳnh văn May cùng gia quyến,
nguyện vong linh người đã khuất sớm siêu thoát.

Sony Huynh 28

Wednesday, September 25, 2013

Về lại xứ mưa bụi

Kính thưa quý Thầy cô,
Các bạn thân,

Sáng hôm nay 25.09 mặc dù trời đổ mưa Ngâu tầm tã, quán cà phê "Vỉa hè" lại được phu thê bạn Mùi vãng lai, buổi tối dự tính sẽ họp mặt nhau tại quán "HÔ VI LÔ" . Ngày mai phu thê bạn Mùi sẽ rời Ban Mê đầy kỷ niệm để đi du lịch qua Lào. Một số hình ảnh được ghi lại trong buổi gặp gỡ chỉ có vài tiếng đồng hồ này.


MƯA BỤI

Vỉa hẻ quán nhỏ mưa bay…
Phu thê bạn cũ, sáng nay  trở về,
Chú rể bảy bốn (74)  khỏi chê!
Hào hoa, phong nhã  tứ  “thê” đường hoàng,
Gặp Em từ thuở xuân sang…
Bi chừ  gối mỏi chẳng “màng” xa xôi,
Mình Em anh thấy đủ rồi,
Thêm hai “O” nữa ôi thôi thẹn thùng.
Cà phê, Bưởi ngọt cứ dùng,
Thòn bon, bỏng bắp ta cùng ăn chơi
Ghé thăm Bến Nước một trời
Hương xưa bạn cũ bên đời mãi xinh
Cùng nhau “tạo dáng  chộp hình”…
Qua cầu soi bóng một mình cũng qua,
Gió đưa nhành Liễu la đà,
Tình bạn chung lớp thuở xa… bạt ngàn.
Trèo qua cẩu Khỉ  miễn bàn,
Nắm tay cho chắc kẻo oan rớt “tòm”
Tháng năm cầu ván hao mòn
Bạn bè từ lúc tuổi son trở về.

                             Quách Lục









Tuesday, September 24, 2013

Phượng Tím Thương


Hình: Kim Oanh

Phượng tím rợp trời, phượng tím mơ 
Màu hoa bát ngát, gió ngu ngơ  
Tung bay cánh tím, màu nhung lụa
Phượng tím nồng nàn thắm ước mơ

Phượng tím mơ màng rơi lối nhỏ
Yêu kiều dáng ngọc bước bơ vơ,
Khung trời tím biếc, nồng hương sắc
Mộng ước, duyên thề ướm tóc tơ...

Phượng tím màu hoa tôi đã yêu,
Nhẹ nhàng gió cuốn cánh liêu xiêu
Tâm hồn nhuộm tím, buồn như phượng
Nắng đổ chiều hoang, bước quạnh hiu...

Phượng tím, ngọt ngào thương mến ơi,
Màu hoa dấu ái lịm hồn tôi
Thoảng hương dịu nhẹ hoài tâm tưởng,
Nhớ mãi màu hoa tím tuyệt vời!


Phạm thị Minh-Hưng.

Ảnh xưa - 1971



Monday, September 23, 2013

Tình Mẹ



Nói đến mẹ con là nói đến mối tương quan đậm đà thắm thiết trong bổn phận, tình cảm thiêng liêng của con người có đạo hiếu, có truyền thống văn hóa dân tộc, ngàn trăm năm trước cũng như mãi mãi về sau vẫn không bao giờ thay đổi.

Nhất là đối với phương Đông trầm lặng, thích sống nội tâm, không thích bon chen, tranh đua, không màng tranh biện hơn thua sai đúng, con người hướng thượng, thì ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục luôn luôn được xem trọng, đề cao.

... Biết được “tin vui”, mẹ âm thầm bắt đầu lo lắng đủ điều, từ giữ gìn bảo trọng sức khoẻ, sắp đặt chiếc áo, tấm quần cho trẻ sơ sinh, chiếc áo len ngăn lạnh, chiếc áo ngắn che nóng, chiếc mền nhỏ nhắn, chiếc nôi xinh xinh, vài món đồ chơi ngộ nghĩnh... suốt ngày đi vào đi ra, đi tới đi lui, lúc ngồi lúc nằm, lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, lúc xem sách, lúc nguyện cầu... không lúc nào mẹ không nghĩ đến đứa con sắp sinh. Mẹ cẩn thận giữ gìn từng bước đi, chậm rãi để khỏi té ngã, sợ ảnh hưởng đến thai nhi, lựa chọn món ăn, thức uống, mẹ ăn là ăn cho con, mẹ nói là nói giùm con, mẹ sống là vì con, rất mong khi con chào đời, con sẽ rất dễ thương bụ bẫm giống mẹ, giống cha. Vì thế trên chiếc bàn nhỏ để cạnh đầu giường, mẹ đã không quên thiết trí một hình ảnh đẹp nhất, thánh thiện nhất như hình một em bé rất xinh xắn dễ thương, hoặc, là thần tượng tôn kính của mẹ, như hình mẹ hiền Quan Âm với dáng dấp thanh cao, hiền dịu.

Rồi theo thời gian, cái thai lớn dần, mẹ lại vui hơn nhưng cũng không kém phần lo lắng đủ điều. Thương con, gắn liền mạng sống của mẹ, mẹ đã bắt đầu nghĩ đến vấn đề thai giáo để con mẹ sau này lúc nào cũng là người con hiếu hạnh, xứng đáng là con ngoan của mẹ, người công dân gương mẫu của dòng giống Lạc Việt.

Gần ngày sinh, mẹ trông đợi, giữ bình tĩnh nhưng lòng không khỏi lo âu, nhất là đối với đứa con so đầu lòng, mẹ chưa một lần có kinh nghiệm về mang nặng đẻ đau. Ngày đêm từng giờ từng phút mẹ đều thành tâm nguyện cầu, xin ơn trên ban phước lành cho mẹ tròn con vuông, gia đình nở rộ tiếng khóc, cười trong hạnh phúc đầm ấm một nhà hòa thuận tin vui.

Bụng mẹ quặn đau, tiếng khóc oe oe khi con ra đời, nước mắt mẹ âm thầm tuôn chảy mà lòng mẹ sung sướng vô cùng. Mẹ bắt đầu có niềm vui lớn, gia đình có thêm một bông hoa chớm nở, tiếng cười tiếng khóc của trẻ đều là hạnh phúc của mẹ. Mẹ báo tin cho bà con nội ngoại, bạn bè xa gần biết, như thể mẹ vừa trúng số độc đắc không bằng.

Theo thời gian con lớn lên, mẹ tập cho con từng bước đi, lúc đầu còn chập chững, từ từ vững chắc, con đi đứng được, nói năng được, dầu chỉ vài ba tiếng bập bẹ, mẹ mừng lắm lắm.

Con lên năm, sáu tuổi, mẹ đã nghĩ đến việc đưa con vào trường học hành văn chương, lễ nghĩa... “Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”

Con khôn lớn, mẹ vẫn không rời con, luôn luôn gần gũi dạy dỗ, nhất là đối với con gái, mẹ lại càng nhất mực giáo dưỡng căn dặn đủ điều, sợ sau này lúc về nhà chồng con mình bị mang tiếng là cha mẹ thiếu dạy nên con hư hỏng.
 
Nhìn chung, mẹ dạy con nhiều lắm, chung quy cũng do tình thương của mẹ to lớn vô cùng, bao la như biển thái bình, bền bĩ như suối nguồn tuôn chảy không cạn.

Nhưng lời mẹ ân cần dạy dỗ nhất đối với con vẫn là luôn luôn muốn con giỏi giang đức hạnh, qua tục ngữ “Học Ăn, Học Nói, Học Gói, Học Mở”... theo truyền thống tập quán của dân tộc Việt.

Ăn, danh từ quen thuộc, tưởng chừng nói ra là hiểu được, không dè cũng khá phức tạp. Sợ con theo tập khí tham ăn, ăn không kể giờ giấc, nơi chốn, ăn quên nhường người trên kẻ dưới, gặp gì ăn nấy, mẹ dạy con “ăn nhắm nồi, ngồi nhắm hướng”, ham ngon miệng không cần bổ dưỡng, tranh ăn không biết xấu hổ thẹn thùng, mẹ dạy “miếng ăn là miếng tồi tàn...”, “Ăn để sống, không phải sống để ăn”. Rồi khi thì đóng vai vị thầy thuốc, mẹ dạy con chỉ ăn những thức ăn có khả năng nuôi dưỡng thân thể và bảo trì sức khoẻ, khi lại là vị thầy dạy luân lý đạo đức mẹ nhắc nhở con trước khi ăn hãy tự hỏi thức ăn này từ đâu tới, có phải là tặng phẩm của đất trời cộng với bao công phu lao tác và phải biết rằng thức ăn của ta có thể tạo ra bằng sự đau khổ của những loài hữu tình và vô tình khác.

                             “Hai tay nâng bát cơm đầy,
                   Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Từ đó, mẹ dạy con: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn cây nào rào cây ấy”.

Ngoài những thức ăn nuôi sống cơ thể, con cũng cần những thức ăn cho tinh thần. Mẹ lưu ý con loại bỏ những sách báo, phim ảnh... đồi trụy, bạo động, tránh xa những nơi giải trí vô bổ, sa đọa. Những món ăn tinh thần phải là những thứ làm cho tâm con thoải mái, trí tuệ con ngày một mở mang.

Nói cũng vậy, tuổi ấu thơ mẹ dạy con tập đánh vần để con nói đúng mặt chữ vần trắc, vần bằng đã là khó, đừng cà lâm, ngọng nghịu sai dấu chính tả đã là khó, mà lần lượt tập cho con nói có câu, câu ngắn, câu dài không sai văn phạm lại càng khó hơn.Càng lớn, mẹ dạy thêm cho con về công dụng của lời nói, về việc dùng ngữ ngôn lúc giao tiếp với mọi người,  về tác dụng của nói năng và im lặng “lời nói là bạc, im lặng là vàng”, khi nào xử dụng ái ngữ (lời nói yêu thương) để xây dựng tình thân ruột thịt gia đình, bạn bè, lân lý “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc muốn có tuệ giác, an lạc thì lời nói phải ngay thẳng, đúng đắn và thành thật, nên nói lúc nào và nói với đối tượng nào.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nhằm nhắc nhở, trước khi nói hãy suy nghĩ cho kỹ, vì lời nói có thể đem vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc, tự tại hay khiếp sợ đối với kẻ khác... Ông bà ta có câu nói nhiều, nói nhanh thì hay trật là thế đó.Người ăn không ngồi rồi thường là người hay ngồi lê đôi mách, ăn nói không chủ đích, trở thành con người mất tư cách bị mọi người khinh rẻ. Trái lại khi cần dùng lời nói để giáo dục, khuyên lơn, bênh vực lẽ phải thì dầu có gặp phiền toái cho mình mà thực hiện được đạo nghĩa, chân lý thì vẫn mạnh dạn cương quyết không từ nan. Nói cũng là lời ban lệnh, như lệnh tiến quân của người chỉ huy giữa trận tiền, pháp lệnh của quan tòa giữa tòa án, hậu quả lời nói rất quan trọng, liên hệ đến tự do và mạng sống con người, phải hết sức cẩn trọng, sai một ly, đi một dặm, làm máu đổ, đầu rơi, khổ đau biết bao cho nhiều người liên hệ.

Tại nhà trường thầy giáo dùng lời nói để giảng dạy học trò nên người hữu dụng, tại Phật đường, Thánh đường, lời thuyết giảng của Chư Tăng Ni và Linh mục với nghĩa lý lúc thì thực dụng, lúc thì triết học cao siêu, đã giúp ích rất nhiều cho con người phàm phu trần tục mau chuyển mê thành giác, sớm được phép lành mầu nhiệm, được an vui hạnh phúc.

Con sắp trưởng thành, mẹ dạy con trai phải mạnh dạn, lanh lợi, tự tin, không ganh tỵ, ích kỷ nhỏ nhen, xông pha vì đời, để lại tiếng thơm muôn thuở, con gái phải nết na, đảm đang, công dung ngôn hạnh, như :

                   “Công là đủ mùi xôi thức bánh,
                   Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
                   Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
                   Không tha thướt nói cười lơi lả”,
                                   (Gia huấn ca Nguyễn Trãi)

ngôn là lời nói khiêm tốn, hiền hòa, dễ thương :

                   “Chim khôn hót tiếng rảnh rang,
                   Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”,

và hạnh là nét đẹp bên trong, là nết na, hương thơm của người con gái đức hạnh có thể lan tỏa khắp mọi nơi, gây được cảm tình tốt đẹp và sự thân thiện quý mến, kính trọng của người khác.

Khi con vào đời, mẹ còn dạy con cách giao tiếp với nhân quần xã hội “tam nhơn đồng hành, tất hữu ngã sư”, hoặc chọn bạn mà chơi, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, học hành ở trường, học khôn qua bạn, học mãi khôn ngưng, và đừng cống cao ngã mạn khinh người, nịnh trên nạt dưới, giữ tư cách của con người có học, có hành, có nhân cách. Noi gương sáng của người con trong “nhị thập tứ hiếu”, của ông Carnot, khi đang làm thủ tướng nước Pháp trở về thăm trường cũ, thầy cũ vẫn luôn luôn xưng tụng trước mọi người về công ơn giáo dưỡng lớn lao của thầy, một mực kính yêu ghi nhớ ơn thầy mãi mãi với tâm thành đền đáp.

.......

Tình thương của mẹ đối với con, tình con đối với mẹ không dựa trên nguyên tắc bổn phận, luật pháp xã hội quốc gia ban hành, mà là mẹ thì thương con, là con thì thương mẹ, tình cảm rất tự nhiên cao quý, thiêng liêng bền bĩ, không lấy tiền mua được, không dùng sức mạnh khuất phục được, và cũng không có bút mực nào diễn tả hết được.



Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm