Friday, August 22, 2014

Một chuyến đi bất ngờ


Tối thứ Ba, anh Phú (66-73) cho Dung biết tin là tối thứ Bảy sẽ có một buổi họp mặt tại nhà Võ Thành để đón Thầy Lô và Cô Trâm vừa sang Mỹ định cư, anh hỏi Dung có xuống được không? Cuối tuần này thật bận rộn, tối thứ Sáu có công việc, thứ Bảy cũng có buổi học nguyên cả buổi chiều. Thế là đành hẹn lại dịp khác. Thầy Cô còn ở Nam Cali lâu, thế nào cũng còn nhiều cơ hội để gặp Thầy Cô. Bắc và Nam Cali tuy cách nhau 400 dặm, 650 Km nhưng chỉ 5 tiếng lái xe, nên việc đi lại cũng dễ dàng thôi.

Sáng thứ sáu trước khi chuẩn bị đi làm thì nhận được tin anh Phú nhắn trên Facebook. Anh cho biết anh vừa gặp Thầy Lô, Thầy có hỏi thăm và mong gặp Dung. Vừa đến sở là bận bịu ngay với công việc, đến giờ ăn trưa Dung mới gọi điện thoại nói chuyện với anh Phú, Lúc đó Dung mới biết là Thầy Lô và Cô Trâm chỉ ở Nam Cali có 10 ngày rồi Thầy Cô sẽ bay qua Minnesota, xa tít tắp mù khơi tận miền Đông nước Mỹ.

Thế là Dung vội vàng thay đổi chương trình, để xuống Nam Cali thăm Thầy Cô vào sáng sớm hôm sau. Đi vào giờ chót như thế này, những ai ngại lái xe đường dài như Dung thì phương tiện gọn nhất là đi bằng xe đò Hoàng.

Con đường người ta hay dùng để đi lại giữa Bắc và Nam Cali là xa lộ I-5. Con đường này thường bị chê là con đường xấu xí vì cảnh vật hai bên chẳng có gì để xem. Nhất là vào mùa hè nóng nực, những ngọn đồi trở nên vàng vọt màu cỏ úa. Chỉ có những vùng có nước như quanh hồ San Luis Reservoir, nơi dự trữ nước cung cấp cho Bắc Cali, mới còn giữ được màu xanh tươi của cỏ cây.


Sau khi rời vùng đồi núi quanh co của con đường 152 để vào I-5, hai bên đường phẳng tắp, thỉnh thoảng mới có những cánh đồng bát ngát với rau quả, cây ăn trái hay những vườn nho trông thật mát mắt.


Đi qua con đường này không biết bao nhiêu lần, nhưng phần lớn Dung đi bằng xe hơi nhỏ, ghế ngồi thấp nên có những cảnh không nhìn thấy hết. Lần này đi xe đò, chỗ ngồi cao hơn nhiều, lại được vị trí sát cửa sổ phía cảnh đẹp, phong cảnh bên đường bỗng như hoàn toàn mới lạ. Thế là Dung lấy máy hình ra lâu lâu bấm một cái, chị ngồi kế bên tưởng mình là người ở đâu đến chứ dân Cali thì còn lạ gì con đường này mà phải chụp hình. Chị bèn hỏi "Em ở tiểu bang nào đến đây vậy? Mà sao lại biết để đi bằng xe đò Hoàng?" Phiền thật! Phiền thật! Dung đành nhăn răng cười trừ với chị!

Dọc đường thấy những chiếc máy bơm dầu vẫn còn hoạt động ở xa xa. Chiếc máy bơm đen thui này đánh dấu cho chặng đường dài. Khi thấy bóng dáng chúng, người ta sẽ biết đã đi được quá nửa đoạn đường.


Những ngọn đồi khô khốc, nhưng bóng nắng thay đổi tạo ra những hình ảnh ngộ nghĩnh.


Khi bắt đầu thấy tấm bảng Tejon Ranch là người ta biết sắp tới đoạn đường đèo với con dốc dài mấy chục dặm trước khi vào đến thành phố Los Angeles. Những năm đầu mới đến Mỹ, phe ta đi xe cũ rích, mỗi lần đi ngang đoạn đường này lại lo ngay ngáy. Trời nóng cách mấy cũng phải tắt máy lạnh, mở hết cửa xe xuống, chỉ dám đạp ga vừa phải để xe khỏi bị nóng máy nằm vạ giữa đường. Cứ như vậy cho đến khi xe bắt đầu xuống đồi mới hết lo.


Đoàn xe đang lên con dốc dài


Vào mùa hè, đoạn đồi này chỉ toàn cỏ úa và cây khô. Những lúc trời nóng mà lại có gió, trước khi lên đồi, người ta sẽ thấy bảng thông báo đề phòng hỏa hoạn.


Khi đến giữa đồi, nếu chưa đi qua con đường I-5 này lần nào, ít có ai ngờ được giữa vùng núi khô cằn đó lại có một cái hồ nước xinh đẹp, gọi là Lake Pyramid. Nhìn không khác gì cảnh ở một khu nghỉ mát du lịch.


Xuống đồi được một lúc, xe đi ngang qua khu giải trí nổi tiếng Six Flag Mountain, với đường sắt roller coaster dài ngoằng. Xe đò đi ngang nơi này vừa lúc đoàn xe trên roller coaster đang quay ngược xuống, đầu mọi người trên xe trượt đều cắm xuống đất. Ở tuổi U60 của mình, nhìn thôi cũng đủ thấy chóng mặt nói chi đến chuyện thử một vòng. Đến đây, tài xế cho biết xe đò sẽ đến bến khoảng 2 giờ chiều. Dung vội nhắn tin nhờ anh Phú đến đón.


Vừa đến bến, lấy hành lý xong thì cũng vừa lúc anh Phú đến. Lên xe, anh Phú và Dung ghé đến tiệm mua một vài thứ cho buổi họp mặt với Thầy Cô chiều hôm đó. Đi cả hai tiếng vẫn không kiếm ra món đồ vừa ý, đành phải quay về Viện Việt Học, nơi anh Hiếu đang dạy tiếng Việt để lấy cái projector dùng cho việc chiếu đoạn video clip mà hai anh đã thực hiện đặc biệt đón Thầy Lô. Không ngờ kiếm mãi vẫn không thấy cái projector. Thế là lại thêm một chuyện không thành!

Lúc ra xe, anh Phú than thở là thỉnh thoảng lại có một ngày như vậy, làm chuyện gì cũng không xong cả. Lúc bấy giờ đã 5 giờ chiều. Hỏi thêm, Dung mới biết lả mãi lo chuẩn bị từ sáng đến giờ, anh Phú quên cả ăn trưa. Tuy mới biết anh từ đầu năm nay nhưng Dung rất quý anh Phú qua những nhiệt tình anh dành cho Thầy Cô, cho bạn bè, cho trường lớp, cho cái tỉnh lẻ thân yêu...

Dung hỏi anh Phú là Thầy Cô có biết Dung có mặt chiều nay không. Anh bảo là muốn dành cho Thầy Cô một bất ngờ. Sau khi ăn qua loa cho đỡ đói lòng, anh Phú và Dung đến thẳng nhà Võ Thành để tìm xem có cách nào khác chiếu đoạn video clip cho Thầy Cô xem thay cho projector.


*


Có tiếng mở cửa, Dung đứng lên xem ai mới bước vào. Vừa thấy bóng dáng của nhau, Dung và người bạn mới đến chạy lại ôm chầm, reo vui như hai đứa con nít.


- "Mai Loan!"
- "Dung!".

Cứ ngỡ Mai Loan đã về Việt Nam rồi, không ngờ lại gặp ở đây. Anh Phú thật là chúa của những bất ngờ. Sau đó hỏi chuyện Mai Loan, Dung mới biết là Mai Loan về được vài tuần rồi trở lại thăm cháu ngoại vì cháu của Mai Loan nhớ bà khóc quá đỗi.

Trước khi Thầy Lô và cô Trâm đến, anh Phú thắc mắc không biết Thầy Cô có nhận ra Dung không? Hai năm trước lúc về quê nội, Dung đã gặp Thầy chắc chắn thế nào Thầy cũng nhận ra. Còn Cô thì mấy chục năm không gặp, không chắc Cô còn nhớ Dung. Lúc Thầy Cô đến, cả bọn chạy ra chào, anh Phú chỉ Dung và hỏi "Thầy Cô có nhận ra ai đây không?" Cô trả lời ngay "Dung đây mà, Cô hay thấy hình trên diễn đàn". Thầy không một chút thay đổi, vẫn nụ cười hiền từ trên môi. Trong khi chờ đợi khách đến đông đủ, thầy trò ra vườn sau hàn huyên. Đám học trò cũ tíu tít bên Thầy Cô vừa thăm hỏi vừa thi nhau kể lại những chuyện ngày xưa. Thầy cho biết Thầy Cô qua Mỹ định cư là để giúp cho cô con gái út của Thầy Cô có thì giờ học xong bằng cử nhân về điện tử.


Hàng ngồi: Anh Sinh, Thầy Lô, Cô Diễm Bình, Cô Trâm
Hàng đứng: anh Phú, Võ Thành, Phương Hồng, Bích Thủy, Mai Loan, Tiểu Phượng, Dung

Hai giáo sư phụ trách văn nghệ, báo chí của THBMT
Thầy Võ Ngọc Lô 1965-1969, Thầy Trần Đại Hiền 1969-1975


Cô Trâm và Minh Trung

Trước khi tiệc bắt đầu, phe nữ chụp một vài tấm hình kỷ niệm.




Với tài ăn nói khéo léo, cũng như mọi lần anh Phú được đề cử làm MC cho buổi họp mặt ngày hôm nay. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi còn ở trường anh Phú chiếm hạng 4 giải hùng biện Anh ngữ toàn quốc. Ngoài tài ăn nói, anh Phú có một trí nhớ đặc biệt, anh thuộc nhiều thơ, quen rất nhiều anh chị ở các cấp lớp trên cũng như nhiều thế hệ đàn em sau anh. Cũng vì vậy anh biết rất nhiều giai thoại ở trường. Nếu sau này anh có thì giờ viết lại hồi kỳ chắc chắn sẽ có nhiều độc giả.


Tiếp theo lời chào đón quan khách của đôi uyên ương Thành-Tuyết, Thầy Lô và Cô Trâm ngỏ lời cám ơn tất cả đã sắp xếp và đến tham dự buổi họp mặt hôm đó, Thầy Cô rất xúc động được gặp lại Thầy Hiền và nhiều học trò cũ.



Lớp 74 phe ta cũng thừa dịp này chụp một vài tấm hình kỷ niệm, dĩ nhiên không thể thiếu tấm hình chụp với Thầy Cô. Hiện giờ ở Nam Cali có 7 bạn từ niên khóa 67-74 với 6 bạn nữ, chỉ có một mình Võ Thành phía bên nam nên lần nào chụp hình chung, Võ Thành cũng được giữ vai trò "gươm lạc giữa rừng hoa".
.
Chụp hình với Thầy Lô, Cô Trâm và Cô Diễm Bình

Phái nữ 74 chụp hình với Cô Trâm

Phái nữ 74 ở Nam Cali

Võ Thành - gươm lạc giữa rừng hoa

Sau phần ẩm thực, video clip do hai anh  Hiếu-Phú đặc biệt thực hiện cho Thầy Lô được chiếu trên màn ảnh TV. Từng bức hình ảnh cũ và mới hiện lên kèm theo bài hát Một mẹ trăm con "Anh em ta cùng mẹ cha, nhớ chuyện cũ trong tích xưa, khi thế gian còn mù mờ...". Tấm hình xưa nhất là tấm Thầy chụp với Thầy Tùng, Thầy Dũng và Thầy Chi. Vừa chiếu xong, anh Phú thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, anh lo lắng không thực hiện được việc này vì không có projector. Lúc định dùng TV thì lại phải tìm dây nối cho đúng loại từ laptop tới TV.

Bước vào chương trình văn nghệ bỏ túi, Minh Trung được giao nhiệm vụ mở đầu chương trình (và cũng để thử hệ thống âm thanh của Hưng) và sau đó nối tiếp với nhiều ca sĩ cây nhà lá vườn như Tuyết qua bài Bông Hồng Cài Áo để tặng mọi người nhân lễ Vu Lan, Thu Hằng qua bài Ban Mê Của Ta, ban hợp ca Ba Con Dế (Liên Hương, Muôn Hoa và Thu Sang) qua bài Tôi Yêu "Ôi người em áo mầu xanh, tôi chờ trong nắng vàng hanh, hôm nào trời mới vào xuân...", anh Phú dành cho mọi người một bất ngờ với bản nhạc phổ từ bài thơ về mẹ thật hay ".... Ví mà tôi đổi thời gian được. Đổi cả thiên thú tiếng mẹ cười". Dung được biết đây là lần đầu tiên anh hát cho mọi người nghe.



Ban tam ca Ba Con Dế: Muôn Hoa, Thu Sang và Liên Hương




Mọi người chăm chú thưởng thức những tiếng hát cây nhà lá vườn





Cô Trâm cũng góp phần vào chương trình qua bài Ngày Xưa Hoàng Thị với sự phụ họa của tất cả mọi người. Khán giả ái mộ nhất của Cô không ai khác hơn là Thầy Lô.



Ngoài việc lần đầu tiên được nghe anh Phú hát, mọi người lại được thêm một bất ngờ là tiếng hát của Thầy Lô. Bầu không khí thân tình khiến Thầy xúc động cất lại tiếng hát sau hơn 40 năm với bài Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày "Hãy cứ vui chơi cuộc đời. Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau. Còn đây em ngọt ngào Đứng bên ngày yêu dấu Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao...."



Hai năm trước về quê nội, Dung không có dịp nói chuyện nhiều với Thầy, lần này hai thầy trò có thời giờ hàn huyên nhiều hơn. Thầy tâm sự "Nhiều lúc số phận chọn mình chứ mình không chọn được số phận. Cách đây hơn một năm trước, Thầy không hề nghĩ đến chuyện một ngày nào đó sẽ đi qua Mỹ theo diện định cư, nhưng rồi số phận đưa đẩy Thầy Cô đặt chân trên mảnh đất này và gặp các em ngày hôm nay". Ngày xưa lúc còn đi học, Thầy rất nghiêm nghị trong lớp học. Hôm nay, ngồi bên Thầy, Dung còn thấy thêm ở Thầy hình ảnh của một người cha hiền hòa vui tính.

Gặp lại Thầy ở Sài Gòn năm 2012 sau 38 năm rời trường

Cô cho Dung xem hình gia đình. Thầy Cô có tất cả bảy người con gái, 5 người con và 8 đứa cháu ngoại còn ở quê nội. Ở bên này Thầy Cô có người con cả và người con út cùng hai đứa cháu ngoại. Trong số hình Cô cho xem, có một tấm thật đặc biệt mà Thầy đặt tên là Đoạn Đường Đời. Dung xin Thầy gởi cho Dung tấm hình này. Trước khi qua Minnesota, Thầy gởi hình cho Dung kèm theo chú thích "Cô Cậu này cũng thật lì gan, dắt tay nhau mà đi được đoạn đời 46 năm rồi đó!"


Một trong những màn không thể thiếu là bản hợp ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ với dàn hợp xướng của Thầy Hiền.



Trước khi chia tay ra về mọi người chụp chung một tấm hình với Thầy Cô để làm lưu niệm. Đứng sau cùng, từ trái sang phải có: anh Vĩnh Anh, Thu Hằng, phu nhân anh Roãn, Thu Sang, Muôn Hoa, Thầy Hiền, Cô Trâm, Thầy Lô, con rể Thầy Lô, phu nhân anh Chiễu, anh Chiễu. Ngồi hàng giữa: Trần Dung, Mai Loan, anh Roãn, Tuyết, Liên Hương, Tiểu Phượng, chị Loan, Minh Trung. Quỳ gối hàng đầu: Quang Hưng, Quang Phú, Chí Thành, Võ Thành, Thanh Sơn, Đình Sinh, Đình  Hiếu.


Hình chụp làm nháp trong khi các phó nhòm đang chuẩn bị máy

Đâu đây như còn nghe tiếng hát của Quang Hưng và Đình Sinh trong bài Như Một Lời Chia Tay "Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây. Chút nắng vàng giờ đây cũng vội. Khép lại từng đêm vui...."

*

Dung và Minh Trung về đến nhà Minh Trung đã hơn 1 giờ sáng. Hai cô bạn hàn huyên thêm một chút. Sáng hôm sau Minh Trung đưa Dung ra bến xe sớm nhưng lại vừa đúng lúc có chuyến xe đặc biệt cho cuối tuần, khởi hành trước 1 tiếng đồng hồ. Dung chỉ kịp nói với Minh Trung một vài câu rồi lên xe ngay.

Xe bỏ lại thành phố Los Angeles ở phía sau để chuẩn bị lên lại đoạn đồi dài hun hút. Nhìn đoạn đường quanh co, lòng chạnh nghĩ đến những khúc quanh chợt đến trong cuộc đời. Chỉ ước khúc quanh nào cũng vui, cũng thú vị như khúc quanh cuối tuần vừa rồi đưa bước chân mình trở lại Nam Cali để gặp những khuôn mặt thật thân thương. Thầy Lô và Cô Trâm rồi Mai Loan với lòng thương yêu con cái vô vàn của bậc cha mẹ. Người xưa có câu nước chảy xuôi dòng, thật không sai chút nào. Con cái dù lớn cách mấy, dưới mắt cha mẹ vẫn là những đứa trẻ yếu đuối luôn cần sự bảo bọc của mình. Võ Thành và Tuyết, lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón tiếp Thầy Cô và các bạn. Bích Thủy trước khi về dịu dàng dặn dò, lần sau Dung đi xuống bằng xe, ghé qua nhà mình ở nhé. Liên Hương luôn tươi cười góp tiếng hát để làm tăng phần không khí vui nhộn của buổi họp mặt rồi tối về thức thật khuya ráng viết cho xong bài tường thuật để Thầy Cô và các bạn cùng đọc. Anh Phú trước khi ra về còn nhắc "Mỗi lần tôi gọi cho cô là cô lại có thêm nhiều việc", nhưng anh quên mất là Dung chỉ thêm 1 việc, còn anh thì thêm cả chục việc. Mai Phương Hồng quyến luyến vừa ôm chặt bạn vừa nói "Thương em bé này quá đi thôi!", rồi sáng hôm sau còn nhắn tin hỏi thăm bạn trên đường về. Minh Trung dù rất bận rộn với đủ mọi sinh hoạt, nhưng vẫn dành thì giờ tiếp bạn đường xa, sáng sớm tiễn chân bạn ra tận bến xe với lời chúc ngọt ngào đi đường bình yên nhé.

Những hình ảnh đó gói ghém một chút tình thầy trò, một chút tình bằng hữu của đất Ban Mê, một vùng đất đỏ đi dễ khó về đã giữ Thầy Lô lại hơn bốn mươi năm.

Dung được biết Thầy Cô lên đường đến Minnesota vào thứ Sáu 22/8/2014. Kính chúc Thầy Cô được nhiều sức khỏe và sớm thích nghi với đời sống ở vùng đất mới.

Dzung
San Martin, 8/24/2014

Chú thích: 
- Cám ơn anh Phú đã giúp kiểm lại những chi tiết trong bài cho chính xác cũng như giúp cho bài ký sự này được xúc tích và mạch lạc hơn.
- Một số hình ảnh trong bài này được trích từ trang Facebook của Minh Trung và Quang Hưng.

4 comments:

  1. Một chuyến đi bất ngờ_DzungBanme
    Bài tường thuật của phóng viên Trần Dzung thật xúc tích chan chứa ý tình,
    Hình ảnh đẹp, những nụ cười tươi tắn biểu lộ niềm vui của mọi người trong cuộc hội ngộ,
    Dzung còn sưu tầm được hai tấm ảnh quý của Cặp Đôi Hoàn Hảo ngày xưa...
    Cảnh dọc đường cũng đẹp...Dzung ơi!

    Cô MH.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Dzung với "Một Chuyến Đi Bất Ngờ" đã có mặt trong dịp gặp gỡ Thầy Cô và các bạn. Mặc dầu chúng mình vẫn ở quanh đây nhưng gặp nhau không phải dễ vì những bận rộn đôi khi chẳng có tên. Cho nên trong mỗi lần họp mặt, mình càng cảm thấy gần gũi với các thầy cô nhiều hơn và tình bạn lại càng thêm thân mật, khắn khít, phải không Dzung và các bạn? Rất hân hạnh đã được đón tiếp Dzung tại "tệ tệ xá" dù chỉ qua một đêm ... Mật thất của minhtrung đó ;-) Chúc Dzung luôn khoẻ mạnh an vui. Hẹn gặp lại vào những lần kế tiếp nha.
    mt

    ReplyDelete
  3. Kính thầy cô,
    A lô hết phe ta tóc dài lẫn "gươm lạc giữa rừng hoa Võ Thành" !

    Kh. phải nín thở đọc một lèo hết từ đầu đến cuối, nhìn hình, tủm tỉm cười, rồi đọc tiếp, lại nín thở tiếp...
    Đem bài phóng sự đặc biệt này vào Đặc san Nhóm 74 mình được không thầy cô và các bạn ơi?
    Bài viết và hình ảnh hay và quá đặc biệt !
    Thương nhất là tấm hình nhỏ Dzung vòng tay thưa thầy Lô...
    Phục nhất là đọc đến câu "... Bắc và Nam Cali tuy cách nhau 400 dặm, 650 Km nhưng chỉ 5 tiếng lái xe, nên việc đi lại cũng dễ dàng..." Dzung thiệt là giỏi hách xì xằng hơn Kh. rồi đó. 21 năm ở bên ni, Kh. toàn lái đường Local không hà ! Vậy mà sơ sơ đụng xe hết 4 lần và 4 chiếc xe đều "tiễn ra nghĩa địa" hết ! Rõ khổ !

    Trò Kh.

    ReplyDelete
  4. Thương ai mà "mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Các thầy cô phải cho Dung 20/20 đó nhe.
    Ngồi trong xe mà chụp được hình đẹp như thế, quả là thiện nghệ!
    Cái Oanh thấy mọi người ai cũng rất tươi vui. Cái điều vui hơn nữa là thầy cô trẻ hơn các trò. Hahahaha!
    Cái Oanh xin chúc mừng các thầy cô và các bạn đã có 1 ngày thật khó quên.
    Hoan hô khổ chủ Thành-Tuyết và ban tổ chức.

    ReplyDelete