Monday, April 10, 2017

Nhớ Anh, Thầy Chung Phước Khánh

Bài viết của Trần Duy Khang về Thầy Chung Phước Khánh được đăng trên báo người Việt ngày 8/4/2017 ở trang web dưới đây:

http://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/nho-anh-thay-chung-phuoc-khanh/

***



Anh Chung Phước Khánh nguyên là một giáo sư Trung Học.

Theo lẽ tuổi tác tôi có thể gọi anh Chung Phước Khánh là “Thầy”. Nhưng tôi không có cơ hội học anh. Và tôi quen anh qua một cơ duyên khác.

Năm 1967 khi anh rời Sài Gòn lên Ban Mê Thuột (BMT) làm giáo sư dạy Việt Văn tại trường Trung Học Ban Mê Thuột, tôi mới là một học sinh lớp 6, nhưng vì học ở trường dòng Lasan BMT nên không học anh.

Mùa thu 1974 tôi vào đại học khoa học Sàigòn.

Năm 1979, sau khi xong cử nhân (ngưng học một năm do biến cố 1975) tôi được phân về làm giáo viên môn Vật Lý tại trường trung học Lê Thị Hồng Gấm trên đường Công Lý, Sài Gòn (SG), trước 1975 đây là trường Regina Mundi của các sơ dòng Chanoinesses de Saint-Augustin de la Congrégation Notre-Dame (trường còn hay được gọi là Couvent Des Oiseaux)

Đó là duyên cho tôi gặp thầy Chung Phước Khánh. Anh đang dạy môn Văn cho các lớp 12 (tức là môn Việt Văn thời VNCH).

Khi đó anh còn rất trẻ nên tôi bắt chước các thầy trẻ khác gọi là “anh” xưng “em” chứ không nỡ gọi anh là “thầy”.

Anh ở tổ Văn, tôi ở tổ Vật Lý nhưng vì trường không lớn và chúng tôi còn độc thân nên quen nhau rất nhanh.

Từ năm đó, anh và tôi gần như gặp nhau 5 ngày một tuần trong phòng giáo viên, trên sân trường, trên hành lang các lớp học, và thỉnh thoảng ở mấy quán café vỉa hè gần trường nữa, khi các thầy trẻ độc thân rủ anh đi uống cà phê sau giờ dạy học.

Anh Khánh là một mẫu thầy giáo, gần như có thể gọi là hoàn hảo.

Anh tận tụy với công việc, nếp sống giản dị, ít nói, vui tính, rất hiền, không cà phê thuốc lá, không bia rượu; lâu lâu vì nể lời mời của các đồng nghiệp “đàn em” anh mới đi uống chút cà phê sau giờ dạy học.

Năm 1982 trường trung học Lê Thị Hồng Gấm chuyển thành trường Trung Học Kỹ Thuật, anh và tôi đều chuyển qua dạy học ở trường trung học Marie Curie, cũng trên đường Công Lý của SG, cách đó chừng hơn trăm thước.

Năm 1983 tôi có dịp đi coi thi, chấm thi Trung Học chung với anh, và cùng có dịp quen thêm vài đồng nghiệp nữ trẻ tuổi độc thân đến từ các trường khác. Ngày Tết có lần đạp xe rủ anh đi chơi cùng với nhóm những cô giáo trẻ ấy, cứ mong anh thích một người để anh thôi “một mình”.

Dù là đối với đồng nghiệp nam hay nữ, đã quen lâu hay mới quen, anh lúc nào cũng hòa mình, nhỏ nhẹ, vui vẻ, khiêm tốn và kín đáo. Anh có thích ai trong những cô giáo này cũng khó mà biết được.

Hình như khoảng năm 1984, khi vẫn đang cùng dạy ở trung học Marie Curie, anh xuất cảnh sang Mỹ theo diện bảo lãnh.

Đầu thập niên 90 tôi lại có dịp gặp anh tại Mỹ. Anh vẫn như xưa, giản dị, khiêm tốn, nhỏ nhe, và mực thước.

Công việc tại Mỹ của anh lại là giảng dạy, anh dạy trong các chương trình song ngữ Anh- Việt.

Hơn hai mươi năm trước, có lần tôi qua Boston vì công việc, anh đến gặp và chở đi ăn phở. Lần đó có cả anh Phan Bá Huế dạy Sử Địa, cũng là một giáo sư trung học đáng mến cùng thời với anh Khánh.

Trong những năm 2000 lẻ thỉnh thoảng anh từ Boston qua Orange County dự các sự kiện hội ngộ trường cũ, anh và tôi vẫn gặp nhau, có khi chỉ hai anh em đi ăn với nhau, có khi thêm những đồng nghiệp khác.

Có lần chở anh đi ăn sáng và uống cà phê cùng với anh Phan Bửu Giá dạy Toán từ San Jose xuống, anh Minh (dạy Vật Lý từ VN qua chơi), họ đều là những thầy cùng thời với anh. Ngồi cả nửa ngày trò chuyện với các anh, học hỏi biết thêm nhiều chuyện.

Những năm gần đây anh vẫn qua California tham dự các cuộc hội ngộ với học trò cũ, nhưng tôi lại ít gặp anh vì quá bận bịu với việc làm và gia đình. Chỉ thỉnh thoảng email qua lại hỏi thăm nhau. Và anh luôn luôn là người tận tụy hơn, mỗi khi có tin gì từ thầy cô hay học trò trường cũ có liên quan, anh đều gửi hình và tìn qua email cho tôi. Bức hình cuối anh gửi là hình lớp 12 P5/Marie Curie SG niên khóa 1983, anh làm GS chủ nhiệm dạy Việt Văn, tôi dạy Vật Lý.

Lòng cứ ngỡ anh vẫn còn trẻ, còn khỏe, và sẽ còn sống đến rất già. Và rồi sẽ lại có dịp gặp anh.


Đột nhiên nghe tin anh đi.

Anh đã đi qua cõi khác, rất bất ngờ, nhưng chắc chắn là anh đã đi với đầy hành trang là lòng quý mến của các học trò cũ và của các đồng nghiệp.

Ngồi nhớ anh và nhớ hình ảnh những ngày xưa, tưởng như mới đây thôi, chúng ta vẫn gặp nhau mỗi ngày trên sân hai trường trung học xinh đẹp của Sài Gòn.

Nhớ anh, nhớ dáng đi chậm rãi, giọng nói khoan thai, và tính tình hiền lành của anh.

Anh Khánh, em chúc anh đi xa bình an.

Trần Duy Khang, Ph.D.

No comments:

Post a Comment