Tuesday, January 29, 2019

Những Ngày Cuối Năm Âm Lịch Ở Sydney

Vừa ra khỏi phi trường Sydney, một luồng hơi nóng ập tới làm rát cả mặt.

Sydney vào những ngày này xem chừng nóng hơn cả Sài Gòn. Ngày nào nhiệt độ cũng trên 30oC, có điều không bụi bậm và ô nhiễm như Sài Gòn.

***

Đường phố và nhà cửa khu cư dân ở Sydney na ná như Perth: nhỏ nhắn, quanh co, tĩnh lặng, vắng người _ thi thoảng vài người đi bộ, chạy bộ _ nhất là vào sáng sớm.

Tôi đã có thói quen hình thành từ lâu ở Sài gòn: đi dạo buổi sáng.

Khu cư dân ở Panania, Sydney, thấy rất ít hoa hồng nhưng lại rất nhiều tường vi. Hoa tường vi từng chùm to, sặc sỡ: hồng, đỏ bordeaux, trắng muốt, … nở rộ trong các sân nhà. Gốc tường vi to đến kinh ngạc, cao đến mái nhà chứ không mảnh khảnh, e ấp bên hàng dậu như “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý. Chắc chắn người Úc không trồng tường vi để “đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi” rồi! 
 

Tường vi hồng

Tường vi trắng

Công viên ở mọi nơi. Chỉ cần đi dạo từ nhà rồi đi quanh một công viên là hết một tiếng đồng hồ.

Một hương thơm dường như thoát ra từ bụi sả, tỏa khắp nơi quanh công viên, mãi lâu tôi mới phát hiện là mùi hoa cây khuynh diệp.
 
Công viên ban mai

***

Hôm nay là ngày quốc khánh Úc, 26 tháng 1, 2019. Chúng tôi đã ra vịnh rất sớm để chuẩn bị xem lễ Australia Day và bắn pháo bông. 
 
Bên tay phải là “Nhà Hát Con Sò” (Opera House), bên tay trái là Cầu Cảng (Harbour Bridge),
hai biểu tượng của Sydney.
 
Harbour Bridge, chụp từ Opera House.
 
Một nửa kiến trúc bên tay trái của Opera House. Mái che được thiết kế với bề mặt lốm đốm như vân vỏ sò thật.
 
Dưới bóng cây râm mát của Royal Botanic Garden, tôi nằm dài trên bãi cỏ, cảnh vật chung quanh thật yên bình. 
 
Opera House nhìn từ Royal Botanic Garden
Vài dòng lược qua lịch sử nước Úc, được Quang Duy Nguyễn gửi cho BBC từ Melbourne, Úc.

“Ngày 26/1/1788 là ngày mà Hạm đội Anh Quốc đầu tiên cập vịnh Sydney.

Thuyền trưởng Arthur Phillip sau đó cho thành lập thuộc địa New South Wales và trở thành Thống đốc đầu tiên.

Ngày 26/1 được chính phủ New South Wales chọn làm Ngày Thành lập thuộc địa.

Đến năm 1946, Chính phủ Liên bang Úc chọn làm ngày Quốc khánh, nhưng mãi đến năm 1994, tất cả các Tiểu bang và Vùng Lãnh thổ Úc mới đồng ý xem ngày này là ngày Quốc khánh.

Lần kỷ niệm nào cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống đối và thường xuyên xảy ra các cuộc tranh luận liên quan đến việc hòa giải với người thổ dân.


Trên đường đến nơi bắn pháo bông, tôi thấy một người thổ dân nằm ăn vạ trên một trạm xe lửa. Một nữ cảnh sát nhanh chóng đến đưa ông ta đi.


Mới hơn 6 giờ chiều, dòng ngươi đã nô nức kéo đến đây, trên tay mỗi người cầm một lá cờ Úc. Chung quanh Opera House, nơi diễn ra buổi trình diễn ca nhạc và bắn pháo bông. Không khí thật là náo nhiệt. 
 
Harbour Bridge đã đầy người. Trên vòm cầu, hai lá cờ phấp phới, một của Thổ dân, cờ kia của Úc.


Opera House cũng không còn một chỗ chen chân.



Buổi trình diễn âm nhạc đã bắt đầu, được chiếu trực tiếp trên các màn hình rất lớn để mọi người từ nhiều phía
có thể theo dõi tường tận.

Tôi cảm nhận âm nhạc Úc mang nét trẻ trung, vui nhộn, thể hiện tính lạc quan.

Buổi trình diễn thỉnh thoảng được xen kẽ bởi những màn dựng lại thời lập quốc qua chuyện kể hay một phần phim tài liệu.

Úc là một đất nước tự do, mọi ý kiến phản biện đều được lắng nghe, thảo luận và trân trọng.

Cũng theo B.B.C. News, ngay cả một em nữ sinh 9 tuổi bé bỏng cũng thẳng thắn nêu ý kiến rằng: “Em phản đối vì bài quốc ca "Advance Australia Fair" chỉ đề cao người Úc da trắng, mà không nói gì đến người thổ dân.”

Chỗ chúng tôi đứng không được tốt lắm, tầm nhìn bị một hàng cọ che khuất, tuy nhiên chung quanh cũng đã đầy người lớn, trẻ con, trải khăn nằm la liệt trên bãi cỏ.

Kết thúc buổi lễ là bài quốc ca Úc, nghe thật hào hùng. 
 
Pháo bông

Màn tái hiện đoàn tàu buồm đến New South Wales thời lập quốc

Pháo bông

Sydney, ngày 29-01-2019
Nguyễn Thị Hồng A


2 comments:

  1. Hình ảnh rất đẹp. Có phải nhờ tên sách "bóp" góp ý chụp từ hướng nào không? Văn tường thuật rất xúc tích. Xem và Đọc bài tường thuật này xong, tôi thấy tôi chưa cần phải đi tham quan Australia vội. Cảm ơn Hồng A và 1/2 ngoan hơn (better half) của trò. BDChi

    ReplyDelete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Dạ, cảm ơn lời khen của thầy. Hình ảnh trong bài do nhà em chụp từ nhiều hướng ở bến phà, còn em chỉ phụ trách phần viết bài.

    Năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng em kính chúc thầy cô cùng gia đình một năm nhiều sức khỏe và bình an.

    Học trò Nguyễn Thị Hồng A

    ReplyDelete