Tuesday, August 6, 2019

Bạn Tôi Nghiệt Ngã, Vì Mơ Làm Trần Quốc Toản

Tôi gặp nó năm tôi học lớp nhất trường tiểu học quân đội Lam sơn cùng với Ninh. Khi ấy, năm 1964, tôi bị bệnh từ SG về lại BMT, ở lại với gia đình để đi học. Sau cơn bệnh tôi ở lại lớp 1 năm và gặp 2 đứa nó. Ngày ấy, cậu bé 12 tuổi làm trưởng lớp nam và làm trưởng trường tiểu học, oai không?

Hết cấp tiểu học, lên trung học đệ nhất cấp. Bổng thấy mình như người lớn tí hon. Ngày xưa, trước 1970, trung học chia làm 2 cấp, đệ nhất cấp từ lớp đệ thất đến lớp đệ ngũ, là lớp 6 đến lớp 9 sau này. Đệ nhị cấp từ lớp đệ tam đến lớp đệ nhất, là lớp 10 đến lớp 12 sau này. Ngày ấy, sau khi học xong lớp đệ ngũ phải thi lấy bằng trung học. Phải đậu mới được học lên đệ nhị cấp. Học xong lớp đệ nhị phải thi lấy tú tài 1. Xong lớp đệ nhất thi lấy tú tài 2. Sau năm 1970 bỏ thi trung học. Sau 1973 bỏ thi tú tài 1. Từ đó suốt 12 năm học chỉ còn thi tốt nghiệp phổ thông, đỡ ngao ngán gạo bài thi, mau chết non vì đau tim. Hi hi hi.

Thuở ấy, muốn vào học trường trung học công lập Tổng Hợp phải thi vào. Tôi thi rớt, gia đình nói tôi học ngu, vì ham đi chơi nhiều không lo học. Ba tôi gởi tôi về Sài Gòn học trường nội trú của nhà giòng công giáo. Nghĩ là, trường có kỹ luật nghiêm túc, không có giờ đi chơi, thì sẽ học giỏi hơn. Bởi thế, mới quen 2 thằng bạn được gần 1 năm đã phải chia tay, bay về Sài gòn đi học.

Bảng đi 1 thời gian, năm 69 tôi trở lại BMT học lớp 9 trường Lasan đồi. Trong 4 năm cuối trung học ở BMT tôi gặp lại nó vài lần trong sinh hoạt tôn giáo. Năm 1972 mùa chiến tranh khói lửa do CS miền bắc xâm chiếm miền nam, nhiều bạn bè phải chia tay lên đường bảo vệ tổ quốc. Năm 1973 bạn bè chia tay nhau đi học ĐH, mỗi người mỗi nơi. Năm 1974, lần cuối cùng tôi gặp nó, nó đưa tôi 1 tấm khăn trắng có nhiều bạn bè ký tên vào đó, nó nói:

- Bọn mình hẹn 10 năm sau sẽ gặp nhau lại tại khách sạn nhà hàng Caravelle ở Saigòn, để xem bọn mình có làm được gì cho đất nước không? Mày có muốn ký tên vào không?

- Ký chứ, sao lại không? Tôi trả lời.





Sau đó tôi chẳng bao giờ có dịp gặp lại nó. Sau 1975 tháng tư đen là thời gian cực kỳ khó khăn. Tình thần của người dân miền nam bị khủng bố, đe doạ bằng mọi khiá cạnh, mọi sinh hoạt. Mọi người bị bắt buộc đi biểu tình, mỗi gia đình 1 người, đi từ 5 giờ sáng để nghe những mệnh lệnh của nhà cầm quyền CS. Cuối năm 1975 tôi bị bắt vì cấu kết với “phản động” mà không biết tại sao? Không chứng cớ? Đúng châm ngôn: “bắt oan còn hơn tha lầm”. Sau năm 1977 tôi được “thả ra” nhưng lại có giấy gọi đi “thanh niên xung phong” ở Gò Dầu Hạ, đào mương hào cho chiến tranh Campuchia.

Cuối năm 1977, tôi chuồn về Sài Gòn rồi lên BMT, trước khi tìm đường vượt biên. Bạn bè cho biết tin tức của nó và 1 số bạn bè. Vài tháng sau tháng tư đen 1975 nó bị bắt cùng với 1 đám bạn bè. Nó mới 20 tuổi, ba mẹ bị mất ngay những ngày đầu của cuộc chiến đen tối 1975. Nó là anh lớn với 1 bày em, có em út còn đang bú sữa.

BMT là thành phố nhỏ lắm. Nói như bài hát "em Pleiku..." là thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ. Thành phố mưa bùn, nắng bụi. Thành phố ngày xưa buồn đìu hiu, bới thế mới có tên xứ Buồn Muôn Thuở. Vì là thành phố nhỏ nên đa số biết nhau. Xảy ra 1 chuyện gì buồn vui thì dăm ba phút sau đa số mọi người đã biết tin. Tin buồn "mơ làm Trần Quốc Toản" năm xưa cũng thế.

Tuổi trẻ anh hùng, nó mơ làm Trần Quốc Toản, cùng với bạn bè muốn cho đất nước có được tự do dân chủ thật sự. Nó cùng với bạn bè bị kết án tù chung thân, 20 năm v.v. vì chống phá “cách mạng”.



Nghiệt ngã đã khép cánh cửa tuổi thanh xuân của chúng nó, bởi chỉ vì chúng nó mơ làm anh hùng Trần Quốc Toản, chỉ vì muốn yêu đất nước của mình theo 1 cách nhân bản hơn chủ nghiã CS. CS, nó không muốn ai yêu nước hơn nó. Độc tài mà.

Năm 1984 tôi làm người di tản buồn. Xa quê hương đang còn trong cơn tăm tối, nhớ lại bản ký HIẾN ƯỚC 1974. Tôi suy nghĩ, không biết có ai còn nhớ và đến nhà hàng Caravelle năm nay như đã hiến ước?

Năm 1994 nhân 1 chuyến công tác cho dự án của chính phủ Đan Mạch, tôi đứng trước nhà hành Caravelle sau 20 năm HIẾN ƯỚC. Nhìn vào bên trong không có người nào tôi quen biết, toàn những quan to, bụng bự. Họ đi xe bảng xanh xếp hành đầy trước cửa nhà hàng. Chợt nghĩ đến nó và bạn bè của nó, lòng tôi bổng lạnh buốt. Thoang thoảng có hương hồn của Trần Quốc Toản đâu đây.


Sau công tác, tôi ghé về thăm quê cũ, xứ Buồn Muôn Thuở. Gặp bạn bè đầu tiên, tôi hỏi thăm về nó. Được biết nó đã được thả ra sống "tự do trong vòng quản chế", làm người việt tù đầy trên chính quê hương của mình. Nhà nó ở đâu chưa ai biết. Tôi được 1 người bạn chở đi thăm 1 người bạn thời TSC, tại 1 làng xa hẻo lánh cách thị xã khoảng 18 km. Đi qua những con đường bụi mù trời của xứ Bụi Mù Trời, xứ Buồn Muôn Thuở. Đi qua những căn nhà mái tranh, vách đất của năm 1995, làm tôi nhới lại những ngày mới lên BMT năm 1956, nhà tôi cũng y như thế nhưng nhà bây giờ là gần 40 năm sau, năm 1995. Đất nước được nhà cầm quyền CS đưa đi ngược giòng lịch sử để trở về thời tiền sử, dưới cái gọi là “cải tạo bằng lao động”. Đây có phải là làng “kinh tế mới”, tôi tự hỏi.

Thật tình cờ, tôi lại gặp nó tại nhà 1 người bạn của tôi. Cuộc đời nghiệt ngã và cuộc sống qúa oan khiên chỉ vì là công dân của Miền Nam, nó đã qúa khắc khổ đến tận cùng của nỗi thống khổ. Nó vẫn cố gắng cười bắt tay tôi. Thật sự, biết làm sao hơn. Từ đó, mỗi lần có dịp ghé BMT, tôi đều tìm cơ hội ghé thăm nó.

Lần cuối cùng tôi ghé thăm nó vào buổi tối mùa thu năm 2015, nhờ 1 thằng bạn T điên chỉ đường. Mỗi lần gặp nó là 1 lần tiều tụy hơn xưa. Xuyết nữa tôi phải chào nó bằng cụ. Tôi ôm chầm lấy nó để cố dấu đi nỗi xúc động. Mày là Trần Quốc Toản đây sao? Chia tay nó, biết nói gì hơn.

- Hãy bảo trọng nhé.

35 năm sau, may qúa 1 người bạn cũ đưa bản HIẾN ƯỚC năm xưa lên FB.

Mấy hôm nay tình cờ trên FB, bạn bè đưa tin nó đau nặng sắp chết với bịnh phổi mãn tính. Không bệnh sao được, bởi cuộc đời của con người sống giữa bày thú hoang trong 1 nhà tù lớn, luôn bị khủng bố từ tâm hồn lẫn thể xác. Không chết dần, chết mòn sao được, khi giữa con người với con người không còn chiếc nhẫn yêu thương, khi sống với đất nước mà con người đã tả tơi ước mơ, tim mang nghìn dấu đạn. Không chết sao được, khi giữa người với người đã trở thành thiên tai, khi mạng người còn rẻ hơn miếng thịt chó.

Bây giờ nó quằn quại, thoi thóp hồi sinh nhờ bạn bè tri kỷ trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới, người hỏi thăm, người có “1 miếng khi đói”, người vào thăm hỏi, an ủi. Nó sống lại thoi thóp bằng những giọt máu tình bạn bè trước 1975. Nhưng mà nó sống vậy, sống để ngày nào biết ngày ấy thôi. Cũng may, bên cạnh nó còn có trái tim bạn bè để nó cầm cho ấm tay.

Dù thế nào chăng nữa, cái HIẾN ƯỚC năm xưa đẹp như giấc mơ của tuổi trẻ hồn nhiên. Nó như giấc mơ thành người Quang Trung của Chương còm trong truyện của Duyên Anh. Vì thế, mơ làm Trần Quốc Toản, mà tôi đã nghĩ cho nó, vẫn bất diệt.



Ngày nay có nhiều người trẻ như nó, cũng mơ làm Trần Quốc Toản, mơ làm nam nữ anh hùng Yên Bái. Bị đi tù vì yêu VN, vì muốn thoát Trung như Nguyễn Đặng Minh Mẫn 34t, Trần Huỳnh duy Thức 53t, Nguyễn thị Thủy Dung 20t, Huỳnh Thục Vi 34t gốc BMT và hơn 400 tù nhân lương tâm khác.

Tôi tin chấc chắn rằng, 1 ngày không xa, sẽ có 1 Trần Quốc Toản bóp nát trái cam để đứng lên thống nhất, thức tỉnh toàn dân cùng nhau cứu đất nước khỏi gông cùm CS.

Mùa hè 2019
Miên

No comments:

Post a Comment