Thursday, February 19, 2015

Khai Bút Đầu xuân

Như một nét đẹp văn hóa, nhân bản, đặc thù của thế giới thơ văn Phương Đông, nói chung, và Việt Nam, nói riêng, thông thường, vào những ngày đầu xuân, giới thi văn hữu, các thư sinh, các sĩ tử... đều chọn cho mình giờ tốt nhất, một ngày tốt nhất vào năm mới, để khai bút đầu xuân. Thời điểm khai bút này luôn luôn được tiến hành trong một bầu không khí thiêng liêng, tĩnh lặng, đầy trang nghiêm, kính cẩn: Họ muốn mượn ngòi bút thần làm những bài thơ, những câu đối thật tuyệt vời... để tô điểm ngày xuân thêm ý vị, thêm nồng nàn, với ước mơ nghìn đời không thay đổi: mong Xuân về, Tết đến sẽ đem lại cho họ, cho gia đình, cho đất nước mọi điều may mắn, mọi điều tốt đẹp như ý, mọi điều thuận lợi, an khang:

                 “Xuân về nhỉ, cá rồng biến hóa, 
                 Tết đến ư, đào mận thơm hương.”

Ngay sau phút giao thừa hay sáng sớm mùng một, mùng hai, mùng ba Tết, họ ăn mặc chnh tề, khăn đóng áo dài, trịnh trọng đốt một lò trầm, rồi khoan thai, đĩnh đạc ngồi xuống bên án thư, cạnh bát thủy tiên dịu dàng tỏa hương, dưới cành đào tươi thắm hay bên cội mai vàng lộng lẫy; với chén trà xuân bốc khói hoặc bên ly rượu cúc mơ màng, các thi văn hữu... nhè nhẹ đưa tay phóng bút ghi tả những vần điệu tinh khôi gọi là khai bút đầu xuân:                                             

                 Hoa tay thảo những nét 
                 Như phượng múa rồng bay...” 
                                 (Ông đồ - Vũ Đình Liên )





Trên những vuông lụa nõn, trên những tờ hoa tiên trang nhã hay trên những xấp giấy hồng điều chói lọi, rực rỡ, những bài thơ xuân, những câu đối Tết bằng chữ hán, chữ nôm hay chữ quốc ngữ... lần lượt được viết ra, được ghi lại thật trang trọng, thật chan chứa tâm tình... như câu đối chữ hán mà ta thường thấy sau đây:
 
                 “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
                 Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”

Nguyễn Thủy Nam tạm dịch như sau:

                 “Trời thêm năm tháng, người thêm thọ,
                 Xuân đầy vũ trụ, phước đầy nhà.”

Tương truyền câu đối Tết này là của một nhà nho thế kỷ 19 (Nguyễn Khuyến chăng?) làm cho một chủ trại hòm giàu có. Vì ghép hai chữ cuối của câu đối, ta có từ “thọ đường” có nghĩa là cỗ áo quan.

Hàn sĩ Nguyễn Công Trứ đã từng khai bút bằng một câu đối rành rành khí phách ngang tàng kẻ sĩ, tuy đang trầm luân trong cảnh sống đen tối, lầm than thời vị ngộ, nhưng tâm hồn ông luôn bùng nổ, cháy bỏng niềm hy vọng, tin tưởng mãnh liệt vào tương lai:
 
                 “Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng tống thằng bần ra cửa.
                 Sáng mồng một rượu say lúy tuý, dang tay bồng ông phúc vào nhà.”

Ở một chỗ khác, đa số dân miền Bắc thường dán trước nhà họ những câu đối Tết giản dị, với những hình ảnh gần gụi, những thức quà xuân đặc biệt, quen thuộc nơi nơi thành thị, làng quê ở Việt Nam... mỗi độ Tết đến, xuân về:

                 “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
                 Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.”




Qua một lần khai bút đầu xuân của nhà thơ Non Côi - Sông Vị, khi đọc, ta thấy được cái bản chất phong lưu tài tử của người nghệ sĩ, cáí khí chất giang hồ khẳng khái của một nhà nho... vẫn không hề mai một, mặc dầu, trong đời sống thường ngày, Tú Xương luôn khét tiếng ăn chơi phá phách, triền miên ở chốn phùng trường tác hí, miệt mài truy hoan rượu chè, cờ bạc, hát xướng... quanh năm. Câu đối khai bút hiếm hoi đó được tìm thấy trong bài “Tết dán câu đối” như sau:

                 “Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài.
                 Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.”

Tạm dịch:
                 “Cái phẩm giá tột cùng cõi người là ở tấm tình với trăng gió (tình yêu thiên nhiên).
                 Sự phong lưu bậc nhất trên cõi đời là ở cốt cách giang hồ”.

Đôi lần khai bút đầu xuân còn khiến người chấp bút có dịp say sưa, mơ màng giữa cái phong vị ấm áp, mông mênh, phơi phới của ba ngày Tết, tâm hồn như được nâng cao, được thể nhập với men xuân nồng nàn, ngây ngất, thênh thang giữa một vùng trời đất thắm tươi:

                 “Năm mới tháng giêng, mùng một Tết,
                 Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân”.
                                   (Nhạc Xuân - Nguyễn Bính)

Trong một bài thơ xuân khai bút bằng chữ hán, nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ đã dùng những lời nhắn nhủ tha thiết của một người nghiêm phụ, khi nhìn thấy đàn con trẻ mãi vô tư, vô cảm, miệt mài truy hoan với rượu chè, đàn ca xướng hát... trong một thời xuân ly loạn, người người lơ láo, ngơ ngẩn, khốn đốn, bi thương trước thảm cảnh nước mất nhà tan:

                 Xuân nhật thị gia nhi (đệ nhị)
                 “Đồi hồ mao phát tiệm tham tham,
                 Bất giác niên đăng ngũ thập tam.
                 Đương thế thi thư hà sở dụng,
                 Lão lai quan đới thượng đa tàm.
                 Loạn ly xuân sắc chân vô lại,
                 Ưu khổ nhân tình tổng bất kham.
                 Đối thử quang âm hà dĩ uý,
                 Chư nhi do tự tửu ca hàm?
 
Chính Nguyễn Khuyến dịch ra thơ nôm như sau:

                 Ngày xuân răn con cháu (Bài 2)
                 “Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ,
                 Nay đã năm mươi có lẻ ba.
                 Sách vở ích gì cho buổi ấy,
                 Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
                 Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
                 Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
                 Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,
                 Sao con đàn hát mãi say sưa?"

Ở một nơi khác, nhà thơ đồng quê của chúng ta khai bút đầu năm bằng một nụ cười đôn hậu, giản dị, bao dung, với chén rượu tàng tàng, với chung trà đạo vị... thanh bình, như muốn hòa nhịp lòng mình với bà con, xóm làng đang tưng bừng, rộn rã, phơi phới đón xuân sang:

                 Ình ịch đêm qua trống các làng,
                 Ai ai mà chẳng rước xuân sang.
                 Rượu ngon nhấp giọng đưa vài chén,
                 Bút mới xô tay thử một hàng...
                                  (Khai Bút - Nguyễn Khuyến)

Còn với nhà thơ Núi Tản - Sông Đà, ngày đầu năm đem lại cho ông, cho thế nhân niềm vui thiết tha bất tận, với những cơn say sưa chếnh choáng... bên hoa lá tươi thắm xuân đầy, qua những vần thơ duyên dáng, phảng phất đôi nét suy tư về thời gian, về năm tháng, về tuổi xuân xanh, mang vẻ lãng mạn phảng phất mùi vị phong nguyệt tình hoài:

                 “Tin xuân đến ngọn cây đào
                 Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân. 
                 Mỗi năm xuân đến một lần,
                 Thiều quang chin chục xoay vòng chẳng sai.
                 Ngày xuân còn mãi không thôi,
                 Tuổi xuân ai để xanh rồi lại xanh...”
                                  (Vui Xuân - Tản Đà)

Và:

                 “Trời xanh trời cũng khi già,
                 Xuân xanh, xanh mãi đâu mà hỡi ai!
                 Gặp xuân ta hãy làm vui,
                 Kẻo nay xuân đến, kẻo mai xuân về.
                 Vui xuân rượu uống, thơ đề...”
                                  (Vui Xuân - Tản Đà)



Nhưng rồi trong một số bài Khai Bút, tâm trạng ưu thời mẫn thế với nợ nhà, nợ nước... mối ưu tư về thời cuộc, về hoàn cảnh lịch sử đên tối vẫn canh cánh, tha thiết trong tâm tưởng nhà thơ, kết thành những chuỗi suy tư, khắc khoải, dằng dặc khó thể nguôi khuây:

                 Năm nay tuổi đã ba mươi hai 
                 Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai.
                 Khắp bốn phương trời không thước đất 
                 Địa cầu những muốn ghé bên vai!”
                                  (Khai Bút 1 - Năm Canh Thân 1920 - Tản Đà)

Và:

                 “Năm nay tuổi đã ba mươi ba
                 Ta nghĩ mà ai chẳng giống ta.
                 Lo nước, lo nhà, lo thế giới,
                 Còn thêm lo nợ nghĩ chưa ra!”
                                  (Khai Bút 2 - Năm Tân Dậu 1921 - Tản Đà)

Và, cũng trong những ngày đầu xuân ấy, mới đây thôi, vào khoảng mươi năm trở lại, kể từ khi nếm trải những cái Tết lạnh lẽo, nhạt nhòe, lưu lạc tha phương, nhà thơ Cao Tiêu, đã hơn một lần khai bút với những suy tư khắc khoải, những nỗi niềm tâm sự, cháy bỏng tình hoài hương, và, đôi khi, nặng lòng thương nhớ về đôi người bạn cũ; đồng thời, xót xa phận mình, phận người... đang trôi nổi, luân lạc đón xuân sang nơi góc biển chân trời: 

Nguyên tác là một bài thơ chữ hán:

                 Xuân Bút
                 “Ly quốc tâm băng tuyết,
                 Mỗi xuân hựu kiến mai.
                 Tư quân phong hải giác, 
                 Cảm ngã vũ thiên nhai.
                 Lăng vân hồng dục khứ,
                 Kỳ Ký khởi qui lai.
                 Thừa chu giang dạ nguyệt,
                 Hoa tiên xuân bút khai.”




Chính tác giả đã dịch ra bài thơ như sau:

                 Bút Xuân
                 “Xa quê lòng một niềm băng tuyết,
                 Mỗi thấy xuân về lại nở mai.
                 Nhớ bạn phong sương ngoài góc biển,
                 Thương ta mưa nắng tận chân trời.
                 Chim hồng  muốn vượt mây tầng rộng
                 Ngựa Ký về bon vó dặm dài.
                 Trăng thức, sông khuya, thuyền tách bến,
                 Tờ hoa tiếng mở bút xuân khai.”    

Để có một cái nhìn tổng thể về những sinh hoạt văn học đặc thù đầu xuân của giới văn thi hữu trong một giai đoạn lịch sử nhất định, thời quá khứ, ta nhận thấy rằng:  Trong những ngày đầu năm mới, trong những thời khắc thiêng liêng nhất, tươi đẹp nhất của không, thời gian suốt một năm dài... giới thi văn hữu, giới nghệ sĩ, thư sinh... thường khai bút đầu xuân bằng những bài thơ, bằng những câu đối Tết, tuy mỗi người có hoàn cảnh, số phận, tâm trạng, thời đại... khác nhau, nhưng xét chung, họ đều phơi trải được ít nhiều tâm sự, trang trải được ít nhiều tâm tình tha thiết với chính mình, với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, đất nước, con người trong buổi sơ xuân... trước những biến thiên không ngừng của vũ trụ, của không, thời gian, của lịch sử và của nhân tình thế thái...

Viết xong Tết 2012 - Nhuận bút cuối năm Giáp Ngọ, 12 - 02 - 2015.
Nguyễn Thủy Nam, South Australia.                                             










1 comment:

  1. Thầy dẫn học trò du Xuân qua văn chương thật ngoạn mục và thú vị

    Trò Kh.

    ReplyDelete