Một buổi sáng giáp tết, T. ngồi sau lưng cháu gái trên chiếc xe Honda đánh vòng quanh Ngã Sáu, trung tâm của thành phố BanMê. Bầu trời trong xanh, không khí mát lạnh. Hãy hít thật sâu, hãy hít vào tất cả vẻ đẹp của một thành phố cao nguyên không quá yên ắng, cũng không quá ồn ào. Thành phố mà hôm nay mình đang quy cố hương, để cho vơi đi bớt nỗi nhớ nhung. Cháu hỏi T.: Cô thích đi đâu? Khu du lịch Buôn Đôn, khu du lịch Yang Sing, làng cà phê Trung Nguyên…? Cái gì cô cũng lắc đầu!
- Cháu ơi, cô muốn đi đến chỗ nào thật là BanMê. Các buôn làng còn nguyên vẹn chất Êđê
chẳng hạn…
Cháu phụng phịu:
- Bộ cô muốn BanMê cứ quê mùa mãi sao?
- Trời đất! Cô đâu như anh chàng trong bài Chân Quê của Nguyễn Bính: Xin em giữ
nguyên quê mùa, Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh…Nếu Ban Mê không phát triển thì làm gì
có những con đường láng o thay cho những đường đất đỏ bụi mù trời để cô cháu mình chạy
xe vi vút. Làm gì có những ngôi nhà đẹp, khang trang không thua bất kỳ thành phố VN nào.
Ý cô muốn nói đến các di sản văn hóa làm nên bản sắc của BanMê, khiến BanMê khác những
nơi khác…
Cháu reo lên:
- A, cháu sẽ đưa cô vào Bảo tàng DakLak, có mô hình nhà dài, có cồng chiêng, có các vật dụng
sinh hoạt của các dân tộc Êđê, Mơnông…
Cô vẫn lắc đầu:
- Đó là những vật dụng chết. Vật dụng phải nằm trong ngôi nhà đang có người sinh hoạt… và ngôi
nhà đó phải nằm trong buôn làng.
- Cháu chịu. Cháu chả quen anh chàng Êđê nào trong buôn làng hết. A, hay mình vào buôn Cô
Thôn, buôn này nằm ngay trong thành phố, gần lắm và đẹp nữa, buôn vẫn còn giữ được nhiều
truyền thống của người Êđê.
Buôn Cô Thôn thẳng tiến. Mở ngay Wikipedia ra xem nào: Buôn Cô Thôn còn gọi là buôn Akô Đhông (tức là Buôn Đầu nguồn, đầu nguồn của nhiều dòng suối như suối Ea Nuôi, Ea Giang, Ea Dung…) nằm cuối đường Trần Nhật Duật. Buôn còn giữ được truyền thống, có quy hoạch đẹp: nhà dài xếp dọc hai bên trục lộ…
Hai cô cháu chỉ có thể đứng ngoài chụp lén nhà dài và người đàn bà Êđê đang giã gạo. Ước gì mình được vào nhà của họ nhỉ? Đang còn ngẩn ngơ ngắm những ngôi nhà dài thì T. bắt gặp một ông râu ria đứng ở vệ đường trông có vẻ quen quen. Ối trời đất ơi, ông bạn Đạt râu. Muốn nhảy dựng lên mà hét. Bạn vui vẻ hỏi thăm và khi biết ý định của T., bạn đắt ngay hai cô cháu vào một cái nhà dài. Với bạn thì chuyện nhỏ như con thỏ, vì bạn đang trang trí cho quán cà phê ARUL ngay tại buôn Cô Thôn này. Quán này nằm trong một khuôn viên rộng, làm theo kiểu nhà sàn bằng gỗ, vài ngày nữa mới khai trương. Trong khuôn viên,còn có một ngôi nhà dài, để đầy đủ các vật dụng sinh họat của người Êđê, đúng như ao ước nãy giờ của T.
Bạn Đạt nói tiếng Êđê lưu loát (làm T. tròn mắt khâm phục quá xá !) |
Bạn Đạt nhiệt tình giải thích các vật dụng trong nhà cho hai cô cháu nghe. Bạn xứng đáng là một chuyên gia về văn hóa của các dân tộc Êđê, Gia Rai… T. sung sướng được vào vai diễn, làm bộ dùng các vật dụng để chụp hình. Giải thích kèm theo các hình chụp sau đây đều do bạn Đạt và H’ Len chỉ dẫn.
Người phụ nữ Êđê này giã gạo để nấu rượu. Vì gạo giã tay còn chất cám, nấu rượu mới ngon. |
Cổng vào nhà dài và quán càphê ARUL. Trụ cổng được làm theo kiểu cột
gỗ của các nhà
dài: cây gỗ tròn có khắc các hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Êđê: bầu ngực, ngà voi… |
Ở cổng, bạn Đạt còn trang trí các mặt nạ được cách điệu theo kiểu các tượng
gỗ đặt trong nhà mồ của người Gia Rai. |
Mình thích cây trồng ở đây: các cây của núi rừng Tây Nguyên chứ không
phải cây
bán ở chỗ cây kiểng. Như hoa mua tím này, có họ với hoa sim, mọc ở các sườn đồi BanMê. |
Giã gạo và sàng gạo. |
Dùng xà gạc để phát cỏ và cây nhỏ. |
H’ Thôn đi rẫy về. |
Cây đàn Gôngle’ram đươc làm từ một khúc tre, dây đàn chính là vỏ tre tách lên từ ngay khúc tre. |
Đinh Tak Ia, một loại nhạc cụ làm từ trái bầu khô có gắn một ống trúc. |
Đinh 5, cũng làm từ một trái bầu khô có gắn 6 ống trúc. |
K’Ky, một loại tù và làm bằng sừng trâu. |
Bếp nấu ăn luôn được giữ lửa cả ngày lẫn đêm. Cần 3 cục gạch để kê nồi
lên.
Bếp này nằm ở
nửa sau của nhà (nửa sau nhà gọi là Ôk: là chỗ ở của các cặp vợ chồng và bếp nấu ăn chung). |
Cô và cháu uống rượu cần ở chỗ sinh hoạt chung, thuộc nửa trước nhà
(nửa trước nhà gọi là Gah: là chỗ sinh hoạt chung, tiếp khách, chỗ đặt ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng). |
Mình cũng rất thích ngọn đèn chùm ở quán càphê ARUL. Bạn Đạt làm từ
các trái bầu
khô khắc các họa tiết được cách điệu, các họa tiết này người Êđê dùng trang trí cho vải thổ cẩm, chum tré,… |
Trên đường về, hai cô cháu cười sung sướng: Cám ơn bạn Đạt rất nhiều, nhờ bạn mà T. được sống 1 chút trong không gian ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê, được hiểu một chút về dân tộc Êđê hào hùng của vùng đất Tây Nguyên này… Buôn Cô Thôn cũng thật độc đáo: một buôn ngay trong thành phố, khéo léo đan xen giữa truyền thống và hiện đạị. Buôn phát triển về kinh tế cũng rất tốt từ việc trồng cà phê, chăn nuôi và làm du lịch. Du khách có đến và có quay lại buôn Cô Thôn cũng chính vì ở đây biết nâng niu những gía trị truyền thống của dân tộc.
Ban Mê là vùng đất giữ chân người. Ai đi xa cũng đều lưu luyến muốn quay về chốn cũ. Nếu càng hiểu rõ hơn về vùng đất này, thì chúng ta lại càng thấy yêu Ban Mê nhiều hơn. Mình viết ra để chia sẻ với các bạn một chút trải nghiệm từ chuyến về thăm Ban Mê mới đây. Còn để biết nhiều về Ban Mê thì cần tìm đến các bạn có hiểu biết sâu rộng và có tấm lòng với Ban Mê như bạn Đạt, bạn H’ Len…
Hẹn tái ngộ và hẹn sẽ khám phá thêm những góc cạnh thú vị khác nữa của BanMê.
Thôn Nữ.
Tháng 2/2015.
Một bài viết thật quý và thú vị Thôn ơi!
ReplyDeleteỪ, Kh. đã từng được Đạt Loan dẫn đến một ngôi nhà sàn Thượng và nhìn thấy người đàn bà Thượng dệt vải thổ cẩm đấy. Kh. cũng đã "tròn mắt" như Thôn khi nghe Đạt nói tiếng Thượng y như người Thượng (Đạt mà quấn xà rông Thượng vô, vắt cái xà gạc trên vai thì thành ông "Đê" 100% !)
Còn hình thêm nữa không Thôn, bỏ vô Blog cho cả làng coi thêm nữa đi nha
Kh.
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteBan Mê thú vị như thế mà bây giờ H'Thôn mới chịu đến ?
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThôn hên quá xá! Gặp Đạt đúng chỗ, đúng lúc!
ReplyDeleteBài viết hay, hình đẹp, H' Thôn rất duyên dáng đấy :-)
Cái Oanh .