Cung đường “hành thiền” của tôi mỗi sớm mai phải đi ngang qua 3
trường học, 3 công viên, 1 dãy chợ và vô số quán cà phê, quán ăn và mỗi
bước chân tôi đều tìm được những niềm vui từ cuộc sống quanh mình.
Những buổi sáng nếu nắng lên sớm, bắt đầu “cuộc dạo chơi” lúc 6:00, tôi
thường gặp vợ chồng anh ở công viên trước trường Mẫu giáo Quốc tế. Đầu
tiên là cái vẫy tay của anh, rồi nụ cười của hai vợ chồng. Cả hai đều có
dáng thấp, đậm, thường là đi song song với nhau, nhưng đôi khi chị thụt
lùi sau anh một hai bước như để nhường cho anh chút nắng sớm ấm áp, hay
nhờ anh che bớt chút gió se se lạnh của Ban mê buổi sáng. Nhìn nụ cười
rạng rỡ của anh chị khi tôi đưa điện thoại lên chụp, tự nhiên tôi liên
tưởng đến cặp vịt uyên ương có lần tôi đã xem trên “You tube” với lời
giới thiệu ấn tượng “không chỉ được biết đến là 1 trong 10 loài vật đẹp
nhất hành tinh mà còn là biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc, chung thủy,
bền vững”. Và tôi chung niềm vui hạnh phúc của vợ chồng anh chị. Và tôi
mong một ngày nào đó vợ mình không chỉ sớm vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo
mà còn bình phục và mạnh khỏe để chúng tôi sẽ có những phút giây dạo
bước bên nhau như anh chị.
Những buổi sáng nắng đẹp như thế, tôi
còn được chung niềm vui của những người lao động chung quanh mình. Hãy
nhìn xem những “công nhân vệ sinh” đang ngồi túm tụm cười đùa với nhau
tại góc ngã tư đường Trần Nhật Duật và Nguyễn Khuyến sau mấy tiếng đồng
hồ làm việc vất vả. Mỗi sáng sớm, khi tôi tỉnh giấc lúc ba rưỡi hay bốn
giờ sáng, đã nghe tiếng chổi quét loẹt xoẹt dọc bờ tường nhà mình. Và
tôi như thấy người phụ nữ (hẵn là dễ nhìn) trong bộ đồng phục xanh, đeo
khẩu trang chỉ chừa lại đôi mắt (cũng rất tinh anh), đang lẩm lủi làm
sạch đoạn đường nhà mình. Bóng chị cô độc trãi dài trên đường dưới ánh
đèn đường vàng, nhưng chắc chắn là không cô đơn bởi vì ở những con đường
song song bên kia, những người đồng nghiệp của chị cũng đang làm công
việc vất vả nhưng cần mẫn của “người phu quét đường” nhưng các chị không
còn phải “dừng chổi đứng trông”, nghe tiếng “đại bác đêm đêm dội về
thành phố”. Gần sáng, sau khi gom rác vào xe, các chị dừng chổi, tụm năm
tụm ba cười đùa, tán gẩu. Những tiếng cười sảng khoái, những câu trêu
ghẹo tự nhiên thể hiện tình yêu nghề làm tôi cũng thấy vui lây.
Buổi sáng trước trường mẫu giáo, không chỉ có các cháu bé bịn rịn chia
tay ba mẹ để vào lớp, mà còn cả những con người đang vất vả mưu sinh.
Những ngày lễ, các cô gái đem hoa đến bán trước cổng trường, mong các
cháu nhỏ có được nhánh hoa tặng cô trong ngày 8/3, 20/10 hay 20/11. Cám
ơn em, cô gái đã đưa một nét văn hóa đẹp đến trước cổng trường.
Bên kia đường, dưới một gốc cây trước công viên, khi các cháu đã vào học
và cổng trường đã đóng lại, chị bán đồ chơi trẻ em rãnh rỗi lại say sưa
ngồi thêu bức tranh chữ thập, mong kiếm thêm được chút thịt, cá cho bữa
ăn nhiều rau của các con mình. Và tôi mong rằng bức tranh thêu của chị
sẽ được treo trang trọng ở một ngôi nhà nào đó để ngày ngày mang niềm
vui đến cho chủ nhân và khách của họ.
Dạo gần đây, số người tập
thể dục buổi sáng ở các công viên không còn đông đúc như trước. Thay vào
đó, nhiều người phụ nữ lại đưa những chú chó cưng đến để cùng đi dạo
hay đùa vui. Nhìn cô gái xinh đẹp bên chú chó dễ thương lòng bỗng thấy
vui trước tình cảm thân thương giữa người và thú. Nếu ghế đá công viên
là nơi hò hẹn của lứa đôi mỗi tối, thì sáng sớm đã trở thành nơi các cô
cậu học sinh nhấm nháp bửa ăn sáng vội để chuẩn bị cho một buổi học thêm
ở nhà thầy/ cô gần đâu đó. Không biết ổ bánh mì thịt hay chiếc bánh
bông lan ấy có cung cấp đủ năng lượng cho em theo buổi học không, nhưng
tôi muốn nói với em rằng, đó là chút hy vọng bố mẹ em đã nhín lại bỏ vào
“con heo đất” của mình để mong ngày sau em có một tương lai tươi sáng
và trong số những bậc bố mẹ ấy, có cả chị bán báo và vé số dạo ở góc
đường kia đang cẩn thận bước qua đường sang quán cà phê mong gửi đến
những vị khách uống cà phê sớm những mẫu tin thời sự nóng hổi và chút hy
vọng đổi đời và mong cả cho mình có một ngày buôn may bán đắt để có đủ
tiền nuôi những đứa con tiếp tục việc học tập cho đến thành tài.
Niềm vui buổi sáng của tôi đầy ắp lúc nghe tiếng chào líu lo của thằng
bé con lên hai ở trước mặt nhà khi tôi về đến cổng nhà, và tràn trề lúc
chúng tôi cùng ngồi ăn bửa ăn sáng đạm bạc của mình khi nhìn “nụ cười
bẽn lẽn của cô thiếu nữ bị bắt quả tang đang mơ mộng” trong khi lắng
nghe người phụ nữ U-70 đang ngồi bên cạnh mình kể về những giấc mơ trong
đó có người bố đã mất hơn mười năm trước, có người chị chết trẻ cách
đây hơn nửa thế kỷ, có bóng dáng những đứa con ngày mới lên năm, lên
mười, có những người bạn của một thời thiếu nữ và người hàng xóm thuở
mới lớn trong xóm nghèo với những dãy nhà của những người dân tộc thiểu
số và con suối nhỏ chạy sau nhà chỉ cách mấy thập niên mà tưởng như đã
xưa lắc xưa lơ…
Và những niềm vui đó theo tôi suốt cả ngày dài,
suốt cả năm dài. Khép lại năm cũ 2015, tôi hy vọng sẽ có được nhiều
niềm vui tươi tắn hơn, to lớn hơn, đẹp đẽ hơn trong năm mới 2016.
Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải
30/12/2015
30/12/2015
Những mảnh đời trôi theo thời gian, đôi lúc mình nghĩ rằng nó đã mất đi vào hun hút sâu của quá khứ, nhưng không hẳn thế - vì ngoảnh lại, hiện tại vẫn là sự tiếp nối của ngày xưa đây mà...
ReplyDeleteBài viết của thầy Hải có những tấm hình của tóc xanh, tóc bạc, có những thay đổi của cảnh vật, có những chắt chiu kỷ niệm và thầy gom góp lại, tỉ mỉ xếp thành "họa phẩm" cho ngày xưa với biết bao thương mến...nhưng lòng người luôn hoài vọng và trân trọng quá khứ lẫn hiện tại.
Trò Kh.