Saturday, January 21, 2017

Một Góc Sài-Gòn, 23 Tháng Chạp, Bính Thân

Vào những ngày cuối năm, Sài Gòn dường như chật chội và chen chúc hơn mọi ngày.

Bước chân ra đường là đối diện với dòng người và xe hối hả, chen lấn nhau, giành giật lấy phần không gian ít ỏi vừa để trống để lao về phía trước.

Năm nay, do thảm họa Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, lụt lội miền Trung, khô hạn Tây nguyên nên dòng người ở đây tràn về Sài Gòn mưu sinh. Điều này có thể nhận thấy qua “giọng miền Trung” xuất hiện thêm ở nhiều nơi, đặc biệt từ những người lao động chân tay, bán dạo …

Trước đó, vụ ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long cũng khiến không ít người bỏ làng quê, ruộng vườn về Sài-Gòn sinh sống. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy cả một gia đình miền Tây dắt díu nhau từ trên xe đò xuống, ngồi chờ bên vệ đường.

Từ sáng sớm, phòng trước bạ xe gắn máy của công an quận 8 đã đông người đứng chờ làm thủ tục sang tên. Từ đó luận ra rằng mỗi một người hay một gia đình nhập cư vào thành phố này đều phải sở hữu ít nhất một xe gắn máy. Đó là lý do chính làm cho thành phố này kẹt xe triền miên, cả ngày lẫn đêm, kể cả giờ không cao điểm, cả thứ bảy lẫn chủ nhật …

Nếu để ý, đặc biệt từ các vị trí cao như giữa các cây cầu nhìn xuống thành phố sẽ thấy một làn khói lam mù, không phải là sương mà là khói xe phủ kín các con đường.


***

Biết thế, nhưng ở Sài Gòn mà cứ cấm cung mãi thì thấy bức bối lắm. Vả lại, mỗi năm mới có một lần để ngắm Sài Gòn sinh hoạt vào những ngày cuối năm. Thế là tôi lên đường, đi dạo một vòng quanh Q8, Q7, Q4, Q1, Q.10 và quận 5 dọc theo các con sông, ngắm nhìn nhiều gia đình sau khi cúng Táo quân, phóng sinh cá chép, cá trê, cá rô, rùa và chim. Ngày 23 tháng chạp năm nay nhằm ngày 20-1-2017.

Bến Phạm Thế Hiển là con đường huyết mạch của quận 8 nên mật độ người và xe cộ ở đây cao lắm. Đi ngược về hướng đông, qua gầm cầu Chánh Hưng, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ là chạm đến Bình Đông, cảng chính nhập hàng nông sản từ các tỉnh miền tây-nam đến. Khu nhà dọc theo sông bị giải tỏa gần hết nhưng còn một số nhà vẫn cố thủ. Tàu bè lác đác neo dọc bên sông để giỡ hàng. Rác rưởi lềnh phềnh là vấn nạn mà có lẽ đến thế kỷ XXII mới mong giải quyết được!

Bến cảng Bình Đông sáng 23 ông Táo về trời. Một “ngư bà” đang rấp ranh tóm một con cá chép để cưỡi về trời.

Thuyền ai neo bến giang đầu? Cả một đại gia đình sống trên cái lãnh thổ nổi này đấy nhé với cả tiện nghi:
chuồng gà, sân phơi ...

Thêm một thuyền chở hoa và cây kiểng đang tìm chỗ neo.

Thuyền chở mai. Giờ này mai điểm nụ. Hy vọng nở đúng dịp tết.

Thuyền chở hoa giấy (bougainvillier).
Hầu hết, vào thời điểm này, tàu bè chở hoa kiểng lên thành phố để bán tết. Bến cảng nhếch nhác nhưng hoa lại thật đẹp.

Mai còn trong ụ đất. Khách hàng mua cây nào cũng sẽ chọn loại chậu nào mình thích.

Mai đã vào chậu, đầy nụ.

Mai đã được uốn cành và tạo dáng công phu.

Mới sáng đã có khách mở hàng.

Vạn thọ vẫn là hoa được ưa chuộng. Hình như ai cũng muốn sống lâu … hơn người khác!

Quất là thứ khó chuyên chở vì dễ rụng quả.
Nghe nói quất trông đẹp và ngon mắt nhưng không nên ăn vì sử dụng thuốc kích thích và bảo quản.
Không rõ theo truyền thống hay dị đoan, thứ dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng này có thể mang lại thịnh vượng
cho khách hàng hay không …
Trái cây Việt Nam năm nay không thể địch lại với trái cây Trung Quốc đang tràn ngập cả nước với giá “siêu rẻ”. Vẫn biết sản phẩm Trung Quốc là độc hại nhưng cung cầu vẫn vận hành cực tốt! Điếc không sợ súng.

Hoa giấy đủ màu, đủ cỡ. Nhiều chậu được phối màu tuyệt đẹp. Chợ hoa bán cả ban đêm.
Cứ nhìn dây điện và bóng đèn giăng mắc là hiểu.

Gian hàng hoa giấy. Mấy chậu con con đặt trên ghế có lẽ là “hàng độc”.

Cận cảnh

Đẹp và công phu

Cổ thụ

Rực rỡ.

Chạy hết bến Bình Đông, ôm cua rồi lên cầu Tân Thuận để vào quận 4.

Đường Nguyễn Tất Thành, con đường kẹt xe kinh niên.

Xe gắn máy leo cả lên lề tiến về phía trước. Phải chăng do kẹt xe kinh niên mà người Việt Nam bị nhiễm thói giành giật,
lâu ngày thành thứ “văn hóa không xếp hàng”?

Kẹt xe thì kẹt, chở một chậu mai về ăn tết cái đã.

Cầu chính nối quận 1 với quận 4.
Bến Bạch Đằng.
Bùng binh bến Bạch Đằng kẹt như nêm cối, không chụp được tượng Trần Hưng Đạo uy nghi chỉ tay ra bến Bạch Đằng gợi ý con cháu tìm đường cứu … rỗi!
Chạy dọc theo đường Thành Thái (bây giờ là Tôn Đức Thắng), hàng cây cổ thụ may mắn còn đứng vững nhờ ơn dân Sài Gòn, đặc biệt là sinh viên, thanh niên biểu tình, ra ôm gốc cây ăn vạ và cố thủ mới làm cho chính quyền Sài Gòn chùn tay, chưa cưa sạch như ở Hà Nội.

Hàng cây cổ thụ trên đường Thành Thái.
Rẽ vào đại lộ Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), xe cộ ở đây thưa hơn. Giữa đường giăng mắc đầy “mưa sao trên nền cờ đỏ” trông thật chói mắt, hoa hòe hoa sói.

Đường Thống Nhất.
 Trước cổng Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, đoàn người xếp hàng rồng rắn lê thê để chờ vào lập thủ tục xin visa hay phỏng vấn. Văn hóa xếp hàng buộc phải tuân thủ ở đây. Trước đây hơn 40 năm, người ta xô đạp lên nhau, trèo qua hàng rào kẽm gai cao nghệu vào đây để tìm đường thoát thân. Nay đoàn người ăn mặc rất sang trọng và thời trang, cư xử rất văn hóa (xếp hàng), rất biết kiên nhẫn trong vòng trật tự nhưng mục đích vẫn như xưa. Thật là lịch sử lập lại!

Vừa qua khỏi Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, cảnh kẹt xe lại tái diễn từ đó cho đến sau lưng Vương Cung Thánh Đường. Thôi thì ghé qua Diamond Plaza chụp vài tấm ảnh vậy.

Trống mái xuân Đinh Dậu

Cụ đồ nho nay đã hết thất nghiệp!
 Lại kẹt xe ở đầu đường Tự Do (Đồng Khởi).

Anh chàng chở chậu lan đi giao hàng. Cố lách giữa dòng xe và cố tránh xa đập.
Vòm hoa hòe hoa sói giăng mắc trên đầu.
Rẽ qua đường Lê Thánh Tôn trước khi qua đường Nguyễn Huệ. Khu vực này xe cộ lúc nào cũng như nêm cối. Tiếng còi xe giành đường đinh tai nhức óc.
Nơi đây được mệnh danh là “đường hoa Nguyễn Huệ”. Sau cổng chào, công nhân đang xếp hoa.
Như Lan là cửa hiệu thực phẩm nổi tiếng Sài Gòn. Không chỉ người Việt mà cả khách ngoại quốc cũng thường tấp nập đến đây để mua thực phẩm. Hàng năm vào tết Trung Thu hay Nguyên Đán, khách hàng đến đây đông nghịt, chen chúc nhau mua hàng. 
Tiệm Như Lan trên đường Hàm Nghi với món vịt quay nổi tiếng.

Bánh mì thịt Như Lan khá nổi tiếng. Khách hàng thưa thớt hẳn so với mọi năm.

Bùng binh chợ Bến Thành.

Đại lộ Trần Hưng Đạo gần như lúc nào cũng bị quây rào đào bới sửa chữa khiến lưu thông ở đây kinh khủng.

Nắp cống giữa đường thường rống lên mỗi lần xe chạy ngang qua. Khiếp vía!

Tết mà không vào quận 5, dù chỉ tham quan lướt qua, e là một thiếu sót. Hoa kiều có lẽ ăn tết kỹ hơn. Vào đến Chợ Lớn, màu đỏ chủ đạo hừng hực khắp nơi.


Đầu đường và suốt đường Hải Thượng Lãn Ông, đèn hoa bày bán khắp nơi.

Đèn lồng, pháo tống (giả), phong bao … mang đậm màu sắc Trung Hoa.

Cầu Chà Và nối quận 5 với quận 8, lúc nào cũng kẹt xe. Tranh thủ chụp được tấm ảnh này.

Thuyền chở hàng cũng neo nơi đây. Bên tay phải là đại lộ Đông Tây.

Tôi ghé vào siêu thị Co-opmart quận 8 mua ít hàng. Hôm nay là ngày thứ sáu, cuối tuần. Thông thường siêu thị rất đông. Vậy mà người mua sắm thưa thớt. Năm ngoài đã thưa thớt, năm nay còn thưa hơn nữa.

Hàng tết chưng đầy, Nghe nói phẩm chất những gói hàng quà tết như thế này có vấn đề,
nhất là rượu, kể cả hạn sử dụng.

Khách hàng thưa thớt. Những ngày nóng bức, nhiều người vào siêu thị tham quan để tránh cái nóng hơn là mua sắm!
Tôi ghé qua chợ Nhị Thiên Đường quận 8 mua vài món đặc biệt mà siêu thị không có. Hàng ngày chợ này đông lắm nhưng hôm nay thưa hẳn.

Chợ Nhị Thiên Đường

Cửa hàng tạp hóa lớn nhất chợ Nhị Thiên Đường, hôm nay cũng vắng khách.

Chiều tối, tôi ghé qua quận 10 có chút việc, chẳng ngờ mắc phải cơn mưa khiến nạn kẹt xe càng trầm trọng hơn. Đường Trần Quốc Toản (3 Tháng 2) kẹt xe kinh hồn. Nhờ thế mà chụp được khu cây kiểng, hoa vải nổi tiếng Sài Gòn. Mọi khi có kẹt xe, xe gắn máy thường leo lề đi tắt đón đầu nhưng hôm này hàng hoa vải bày ngập vỉa hè nên xe gắn máy đành thúc thủ.

Vẫn biết là hoa giả nhưng phải thừa nhận rằng nhìn xa cứ ngỡ … Thật khéo tay.

Một chậu như thế này hẳn không ít tiền. Qua tết không biết cất chậu cây to đùng này đi đâu.

Những ngày giáp tết, dòng người ngược xuôi mua sắm. Người thành phố chuẩn bị đón tết, người ở tỉnh chuẩn bị về quê ăn tết. Khi mua sắm tết, tôi phải băn khoăn, cân nhắc vì giá xăng tăng kéo theo vật giá tăng theo.

Môi trường ô nhiễm, thực phẩm và trái cây chưa được kiểm định an toàn. Tôi nhìn thấy mọi nơi những gương mặt người nghèo khắc khổ lo toan, vất vả mưu sinh, đón xuân về trong cảnh đói nghèo.

Kinh tế năm nay mang màu sắc ảm đạm.

Năm Đinh Dậu đến, một năm mới với bao ước mong mới. Tôi vẫn hằng mong đất nước Việt Nam có tương lai tươi sáng hơn để người dân nghèo được hưởng một cuộc sống bớt lầm than, bớt đen tối.

Gia đình gà ở phi trường Changi, Singapore, ngày 14-1-2017.

Hồng A
Sài Gòn, 21-1-2017



3 comments:

  1. Thân gửi CHS Hồng A,
    Vừa đọc xong bài "Một Góc Sài-Gòn, 23 Tháng Chạp, Bính Thân" của Hồng A (có "Giây Cà Ra Giây Muống" giúp làm "Xế Ôm" không?) nên tôi "nín không đặng" phải ca ngợi ngay rằng bài phóng sự hình ảnh kỳ này cũng như rất nhiều bài trước đây thật là hấp dẫn với những hình ảnh vừa chuyên nghiệp về kỹ thuật, vừa hoà hợp với thời điểm trời đất mà còn tiếp nối nhau rất xuông sẻ. Chưa hết. Tôi cón rất thích đọc những lời dẫn giải hình ảnh với thiện ý thông tin về một số hiện trạng xã hội và về những nhận định cân bằng (khen có chê có) và ý nhị. Đối với tôi, mấy thí dụ điển hình là: hình thứ 2 "Thuyền ai neo bến giang đầu", hình thứ 10 "Quất" [hình như miền Nam gọi là "Tắc"?]; hình 22 "Bến Bạch Đằng".
    Dù CHS Hồng A giỏi hơn tôi rất nhiều về khả năng viết phóng sự hình ảnh, tôi không thể không "cậy" là thầy cũ mà cho bài này 20/20 điểm quê nội và A+ điểm quê ngoại.
    Bùi Dương Chi.
    Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 63-74.

    ReplyDelete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Cảm ơn thầy đã khen và động viên em viết tiếp những bài viết khác.

    Em xin “bật mí” rằng từ bé đến già em chưa hề biết đi xe gắn máy là gì. May mắn thay em có một bác xế ôm già rất mẫn cán. Đi xe bác ấy em không phải trả tiền mà ngược lại, thỉnh thoảng em quên mang tiền bác ấy còn móc ví chi tiền ngược lại cho em rất đậm đà. Khi viết phóng sự này, em chỉ việc ngồi sau bác ấy và bấm máy thôi ạ!

    Đúng đấy thầy ạ. Người miền Nam gọi quất là tắc (hình như nước ngoài gọi là kumquat với nhiều giống khác nhau). Quất bình thường vừa là một thành phần tuyệt vời cho các món giải khát, vừa là vị thuốc trị ho rất hay khi chưng với đường phèn.

    Người trồng hoa rất đáng thương, một nắng hai sương vất vả để thu hoạch được một vụ hoa đúng dịp tết. Thành quả hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Vào những năm kinh tế sa sút như năm nay, sức mua giảm, hoa bán không hết thì phải vừa cho vừa đổ vào chiều 30 tết chứ không thể chở ngược lại về quê.

    Cảm ơn thầy về điểm số 20/20. Điểm này để bù lại điểm môn Anh văn ngày xưa của em thường dưới điểm trung bình!

    Học trò Hồng A

    ReplyDelete
  3. Bài viết này của Hồng A viết đấy à?
    NẾU THẾ, "giỏi" thật!

    Kh.

    ReplyDelete