Friday, November 17, 2017

Chuyện dài Mongolia - Vùng đất Ulgii

Chuyến đi Mông Cổ của tôi vào tháng 9 vừa rồi đến như một sự tình cờ không hề định trước và đây cũng là lần đầu tiên tôi tham dự một khóa chụp hình. Từ lúc quyết định cho đến ngày đi chỉ vỏn vẹn có 3 tuần ngắn ngủi.

Tôi gặp ông Oliver Klink lần đầu tiên trong một buổi họp của Hội Nhiếp Ảnh ở Morgan Hill. Ông được mời  làm diễn giả cùng phê bình hình ảnh của một số hội viên trong một buổi họp hàng tháng của Hội. Sau buổi họp tôi ghé qua trang web để xem hình của ông. Tôi thích cách chụp hình giản dị nhưng luôn đầy tình người của ông. Dưới đây là một trong những bức hình của ông mà tôi rất thích:


Cùng lúc đó, tôi cũng xem qua khóa hướng dẫn chụp hình của ông và chú ý đến chuyến đi Mông Cổ này, nhưng rồi tự nhủ mình không phải là người năng động, mỗi lần đi hiking với các bạn đều đi lọt tọt phía sau, còn màn lên dốc thì đầu hàng vô điều kiện, coi bộ khó lòng mà tham gia vào những chuyến đi như vậy. Thêm vào đó, Mông Cổ là một nơi tuy tạo hiếu kỳ cho nhiều người khi nhắc đến nhưng ít ai nghĩ đến chuyện đi thăm viếng nơi này. Nếu có chắc cũng nằm dưới chót danh sách của họ. Sau đó tôi quên bẵng đi.

Cũng như hàng năm vào cuối tháng tám, cô cháu gái của tôi tham dự Street Painting (vẽ tranh trên đường phố) ở Palo Alto để gây quỹ cho một chương trình về nghệ thuật của thành phố. Trong lúc đợi cháu vẽ xong để chụp hình, tôi đi lang thang xem những gian hàng ở đây và tình cờ ghé vào gian hàng trưng bày tranh ảnh của ông Oliver. Sau khi nói chuyện với ông và nhắc đến chuyến đi Mông Cổ, ông giải thích cặn kẽ từng chi tiết và cũng cho biết trong chuyến này không cần phải hiking gì hết. Ông khuyên tôi nên xem phim "Ealge Huntress" để biết thêm về những người eagle hunters ở Mông Cổ và cố gắng sắp xếp để đi, ông chắc chắn tôi sẽ không bị thất vọng sau chuyến đi. Eagle hunter là những người dùng chim đại bàng để săn thú vật. Tối hôm đó cả nhà tôi cùng nhau lên web để đọc mọi chi tiết về Mông Cổ và những người eagle hunters, càng đọc càng thấy thích thú và ngày hôm sau tôi quyết định ghi tên.

Một cảnh vẽ trên đường của Street Painting

Nhóm chúng tôi gồm 7 người, sáu tham dự viên cho khóa học và ông Oliver. Sau hai ngày ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, chúng tôi lấy chuyến máy bay thật sớm của hãng Hunnu Air đến thành phố Ulgii (hay Olgii) để biết về đời sống của những người eagle hunters nơi đây rồi sau đó mới tham dự Golden Eagle Festival vào hai ngày cuối tuần.

Thường thường các hãng máy bay có chuyến bay đều đặn từ Ulaanbaatar đến Ulgii trong mùa du lịch từ tháng 5 đến tháng 10. Vào những dịp lễ lộc hay hội hè đặc biệt như Golden Eagle Festival, các hãng máy bay tăng cường thêm nhiều chuyến bay trong ngày. Với số người đến tham dự lễ hội càng ngày càng đông sau khi cuốn phim Eagle Huntress được ra mắt, các hãng máy bay lợi dụng cơ hội để tăng giá vé và cước phí gởi hàng đồng thời họ giảm số cân lượng hành lý miễn phí được mang theo. Chẳng hạn vào năm trước mỗi người được mang theo 30kg kể cả xách tay và phụ trội, năm nay con số đó giảm xuống còn có 20kg. Không những vậy du khách còn bị bắt chẹt phải trả cước phí gấp đôi cho phần hành lý phụ trội. 

Dân chụp hình, người nào cũng đeo cái ba lô vừa to vừa nặng chình chịch nên ai cũng phải mở hầu bao để trả thêm phần phụ trội. Dĩ nhiên tôi cũng không thoát! Là người sống ở vùng khá ấm, ít ra ngoài thiên nhiên hay đi du lịch ở vùng có khí hậu khắc nghiệt nên tôi không có sẵn loại quần áo vừa nhẹ vừa ấm. Thêm vào đó là cái tội lo ra khi xem nhiệt độ của vùng này sẽ xuống khoảng 0 độ C trong ngày, buổi tối -6 độ C. Cái gì cũng mang theo để phòng hờ. Người ta mang một thì mình mang gấp đôi cho chắc ăn!

Máy bay của hãng Hunnu với cửa vào ở cuối máy bay

Dân xứ ấm đến xứ lạnh!

Tuy chuyến bay chỉ có vài tiếng đồng hồ nhưng hãng máy bay cũng có đồ ăn cho mọi người với chọn lựa giữa bánh mì sandwich và hamburger. Mới sáng sớm mà phải ăn hamburger nguội ngắt thì thật là khó nhá vì vậy ai cũng chọn sandwich. Khi tiếp viên hàng không xuống đến những hàng ghế giữa máy bay thì chỉ còn lại hamburger. Ai cầm món này cũng ái ngại nhưng rồi cũng ráng ăn hết khi nghĩ đến một ngày dài trước mặt.


Ulgii là một thành phố nhỏ nằm ở cực Tây của Mongolia sát biên giới cả hai nước Nga và Trung quốc và là thủ đô của tỉnh Bayan-Ulgii (hay Bayan-Olgii). Phi trường Ulgii rất nhỏ chỉ có một phi đạo và mãi đến năm 2011, đường phi đạo này mới được tráng nhựa. Tuy vậy khung cảnh nhìn từ phi trường khá đẹp với những rặng núi gần đó.

Phi trường Ulgii

Máy bay rời phi đạo

Kazakh là một dân tộc thiểu số ở Mongolia với khoảng 100,000 người. Đặc biệt là 90% người Kazakh tập trung ở tỉnh Bayan-Ulgii này. Họ nói tiếng Kazakh và theo đạo Hồi. Trong thành phố, chỉ có những con đường chính là tráng nhựa với đèn giao thông, còn phần lớn là đường đất. Từ trên máy bay nhìn xuống, người ta có thể thấy những mái nhà màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, cam, xanh lá cây... nằm gọn gàng trong khu đất của họ với bức tường bằng đá thô sơ sài chung quanh.


Vừa xuống máy bay thì nhóm hướng dẫn chúng tôi đã đợi sẵn ở đó gồm 6 người. Mới nghe qua cũng hết hồn vì chúng tôi chỉ có 7 người mà lại cần tới 6 người để giúp chúng tôi cho suốt cuộc hành trình 8 ngày ở Ulgii. Sau đó mới thấy tất cả những người này đều có nhiệm vụ riêng và sự hiện diện của họ đều rất cần thiết cho chuyến đi. Quan trọng nhất là để tránh những gián đoạn bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong những ngày sắp tới.

Chúng tôi 13 người sẽ di chuyển trên 3 chiếc xe: 2 chiếc SUV và một chiếc minivan của Nga (Russian minivan). Trong toán hướng dẫn 6 người thì ba người sẽ lái ba chiếc xe. Người thứ tư là một người thợ máy rất giỏi, anh cùng ba người kia có thể ráp nguyên một chiếc xe hơi trong vòng một ngày. Hai người còn lại là bà đầu bếp và con trai của bà sẽ lo thức ăn cho nguyên toán trong những ngày sắp tới. Hai chiếc xe SUV dành cho nhóm chụp hình và hành lý của họ, còn chiếc minivan dùng để chở thức ăn, dụng cụ nấu bếp, bàn ghế và máy phát điện.

Trong thời gian  ở Ulgii, chúng tôi sẽ có 5 ngày 4 đêm ở với các gia đình người eagle hunter trong những căn lều tròn đặc biệt của người Mông Cổ, tiếng Anh gọi là ger hay yurt. Sau đó, chúng tôi sẽ trở về thành phố và ở khách sạn để tham dự Golden Eagle Festival.

Sau khi rời phi trường, chúng tôi ghé một tiệm bán thực phẩm nhỏ để lấy thêm nước và một số thức ăn cần thiết trước khi lên đường đến nhà gia đình người eagle hunter đầu tiên. Thực phẩm trong tiệm phần lớn là đồ khô, chỉ có một số ít trái cây và rau quả, Mì gói xem ra cũng là một món ăn phổ thông ở đây. Khách sạn nơi tôi ở khi đến Ulaanbaatar, ngoài những món điểm tâm của người Âu Mỹ, họ còn có một số mì ly để cho những ai không quen ăn thức ăn sáng theo kiểu Tây phương. Tôi cũng cầm một ly mì lên xem thử thì thấy một trong những ly mì này có gia vị trừu thay vì bò, gà hay tôm mà mình thường thấy ở Mỹ hay Việt Nam. Tính hiếu kỳ khiến tôi lấy thử một ly, vừa nếm một miếng là thấy không ổn rồi. Cảm giác y chang như người không quen ăn rau dấp cá mà bị bắt ăn. Bây giờ về đến Mỹ đã hơn một tháng, tôi vẫn chưa dám ăn lại những món ăn có thịt trừu. Cho chừa tới già!

Ly mì có mùi vị thịt trừa nằm góc dưới phía tay phải

Ngoài những thức ăn cần thiết, ông Oliver còn nhắc chúng tôi mua thêm một số bánh kẹo để nếu chúng tôi ngừng lại chụp hình một gia đình nào đó trên đường đi mà họ có con nhỏ thì chúng tôi có thể làm quà cho các cháu.

Vừa ra khỏi thành phố một chút thì không còn đường tráng nhựa nữa. Đoàn xe bắt đầu đi vào đường đất nên phải lái chậm hơn nhiều. Đường thật vắng vẻ không có mấy nhà cửa, có khi đi cả nửa tiếng mới thấy một chiếc xe đi chiều ngược lại. Nếu xe bị hư giữa đường thì khó lòng mà đem xe đến chỗ sửa vì không dễ dàng gì tìm được một chiếc xe kéo. Tìm người giúp sửa xe lại là một vấn đề khác mà cũng chưa chắc có phụ tùng sẵn để dùng. Bây giờ thì chúng tôi hiểu ngay tại sao ông Oliver lại mướn một người thợ máy đi theo đoàn.

Chuẩn  bị đi vào thung lũng nhà người eagle hunter

Mongolia là một quốc gia đất rộng người thưa. Diện tích cùa Mongolia lớn gần gấp 5 lần diện tích Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng 1/30 dân số Việt Nam với khoảng hơn 3 triệu dân. Khí hậu ở Mongolia lại rất khắc nghiệt, mùa hè nắng ấm bao nhiêu thì mùa đông lại dài dằng dặc với cái lạnh trung bình -16 độ C. Mới khoảng giữa tháng 9 mà Ulgii đã lạnh như cắt. Ngày trước khi chúng tôi đến trời đã bắt đầu đổ tuyết.


Với số dân ít ỏi như vậy, mỗi gia đình được quyền sở hữu một mảnh đất rộng 700m2. Đất đai ở Mongolia thuận tiện cho việc chăn nuôi với những cánh đồng cỏ thấp nhưng việc trồng trọt lại rất khó khăn, chỉ có một vùng đất nhỏ ở phía Nam là có thể trồng trọt được. Riêng vùng Ulgii này, dân cư còn thưa thớt hơn. Những vùng xa thành phố người ta ước lượng mật độ khoảng 2 người cho mỗi cây số vuông. Bởi vậy chúng tôi đi hoài mà chẳng thấy ai. Thỉnh thoảng mới thấy một hai căn lều và thú vật đang ăn cỏ ngoài đồng.



Nhìn vùng đất rộng mênh mông phía trước, thật khó biết ngôi nhà mình sẽ đến nằm ở đâu và giờ nào sẽ đến. Khung cảnh đẹp mắt và lạ lẫm của nơi đây làm tôi quên mất điều đó và hy vọng là những bất ngờ sắp tới sẽ đưa đến nhiều thích thú cho chuyến đi này.

Trần Dzung
11/2017

Đón xem câu chuyện kế tiếp: "Chuyện dài Mongolia - Người Kazakh"
https://nhom-thbmt74.blogspot.com/2017/11/chuyen-dai-mongolia-nguoi-kazakh.html 

4 comments:

  1. Hấp dẫn lắm! Sẽ đọc chầm chậm để thưởng ngoạn.
    Tấm hình "Dân xứ ấm đến xứ lạnh" của Dzung đẹp lắm. Suýt nữa nhìn hết ra là Dzung!
    Viết tiếp đi khi đang còn hứng, kẻo sẽ dừng bút đó!

    Kh.

    ReplyDelete

  2. Hôm nay Kh. đọc lại bài viết này một cách nhâm nhi vì hôm trước bảo là ĐỌC, chứ thật ra NGẮM HÌNH nhiều hơn!
    Một chuyến đi hi hữu đấy Dzung à! Chỉ có 13 người mà dám phiêu lưu giữa mênh mông trời đất tuyết phủ và những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Đó là chưa kể đến thời tiết khắc nghiệt - lạnh ngắt!
    Cư dân nơi ấy sống trong điều kiện ấy thật hay, Trời sinh Trời dưỡng chăng? Nhiệt độ như thế thì bước ra khỏi lều để đi vệ sinh... có bao giờ nước tiểu vừa thoát ra thì đã đông thành đá không nhỉ? hahaha...
    Tại sao đã ít dân như vậy mà họ không sống gần nhau để "ấm cúng" hơn? Đến mãi tận thung lũng sâu để sống rải rác như vậy thì buồn chết...

    Kh.

    ReplyDelete
  3. CHS Dzung thân mến,
    Bây giờ là 4:30 sáng. Định bụng đọc qua bài này rồi lên giường may ra ngủ lơ tơ mơ thêm ít phút nhưng đọc văn và xem hình xong, tôi phải viết ngay mấy "nhận định" còn nóng hổi, tuôn tới đâu cho xuống "giấy" ngay tới đó.
    Nhờ CHS Huong Pham khơi nguồn, tôi thấy CHS Dzung trông rất độc đáo vì có nhiều phần chắc Dzung là người thứ nhất -gốc BMT, quê nội VN- có mặt ở vùng Eagle Hunters. CHS Huong Pham còn làm tôi nhớ tới chuyện ba tôi kể lại là mấy tráng niên đồng quê sang Pháp làm lính đánh thuê trong Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) về làng kể chuyện rằng ở bên Tây mùa đông lạnh đến nỗi đứng đái nước đái ra là đông ngay nên phải bẻ gẫy (nước đái chứ không phải cái vòi) thì mới đái tiếp được.
    Bài tường thuật: A+++ > lời văn gọn gàng, rõ ràng + hình ảnh rất ăn khớp và chuyên nghiệp. Cảm ơn CHS Dzung vẽ đường chỉ lối cho tôi. Một mùa Hè nóng bức nào đó, tôi sẽ bắt chước Dzung đi học một sàng khôn. Đối với tôi, càng cao tuổi, tôi càng nghĩ tới tương lai + có dịp "đi và sống" như Dzung và mấy bạn MỚI trong chuyến viễn du thứ thiệt ở Mongolia vừa qua. BDChi

    ReplyDelete
  4. Người cầm máy ảnh h ít có hình của riêng mình lắm!
    May quá, Dzung có được một tấm hình "ăn ảnh":"Dân xứ ấm đến xứ lạnh"!

    ReplyDelete