Friday, August 13, 2021

Viếng Thăm Iceland - Ngày Thứ Nhì (Tập 2)

Chủ Nhật - Ngày 4 tháng 7, 2021
Từ thác Kirkjufellsfoss đến vách núi Latrabjarg

*

Sau một giấc ngủ thật ngon, sáng hôm sau chúng tôi hẹn nhau dậy khoảng 7 giờ để chuẩn bị đi chụp hình. Mọi người thay phiên nhau sửa soạn và bắt đầu với một ly cà phê sữa thơm nóng cho ngày mới. Mặt trời đã lên cao từ lâu nhưng sương mù vẫn giăng đầy ở những rặng núi xa xa.

Fig 2.1 - Núi đồi phía xa trong sương mờ

Nhóm chúng tôi may mắn đến Iceland lúc nơi này vừa mở cửa trở lại cho du khách nên những địa điểm nổi tiếng tương đối vắng, không phải xếp hàng chờ đợi hay kiếm chỗ đậu xe. Thêm một điều may mắn  nữa là trước khi chúng tôi đến hai ngày, Iceland không còn bắt buộc du khách phải ở khách sạn một ngày để thử nghiệm Covid và kết quả phải âm tính mới được đi đây đó. Chúng tôi chỉ cần trình thẻ chích ngừa là xong.

Trên đường xuống thác Kirkjufellsfoss, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người. Ngọn núi Kirkjufell bên cạnh vẫn đứng sừng sững bên kia đường nhưng ánh sáng mặt trời đã chuyển qua hướng đối diện làm tối hẳn một phần đỉnh núi.

Fig 2.2 - Núi Kirkjufell vào buổi sáng
Sáng hôm nay thì tôi kiên nhẫn hơn, mang theo tripod, filter để chụp một vài tấm với long exposure (phơi sáng) để có dòng nước chảy mượt mà.

Fig 2.3 - Thác Kirkjufellsfoss

Chụp xong phần thác đầu nguồn, chúng tôi đi xuống phần thác thứ nhì chụp ngược lên để lấy toàn cảnh.

Fig 2.4 - Toàn cảnh thác Kirkjufellsfoss

Lát sau cả nhóm rủ nhau đi vào sát chân thác. Tuy đường đá lồi lõm và trơn ướt nhưng không đến nỗi khó đi. Ai cẩn thận thì dùng tripod để giữ thăng bằng. Nước đổ xuống trắng xóa thật đẹp, thật tươi mát. Một vài người khác cũng theo bước chúng tôi xuống đây chụp hình kỷ niệm.

Fig 2.5 - Sát chân thác Kirkjufellsfoss

Chụp xong, chúng tôi trở lại căn nhà lưu động của mình để chuẩn bị đến địa điểm sắp tới. Theo chương trình, chiều nay chúng tôi sẽ đến Látrabjarg. Đây là một mỏm đất ở phía cực Tây của Iceland với vách đá lớn nhất Âu Châu được nhiều loài chim biển chọn làm nơi cư trú. Látrabjarg dài 14km và cao tới 440m với hàng triệu con chim, trong số đó có chim puffin, gannet, guillemot và razorbill.

Đường đi từ Kirkjufellsfoss đến Látragjarg dài khoảng 400km ngoằn ngoèo dọc theo eo biển, sẽ rất vất vả cho người lái. Thay vì lái xe nguyên đoạn đường dài, chúng tôi quyết định lái xe đến bến Stykkishólmur rồi lấy phà đi qua bến Brjánslækur, như vậy sẽ giảm đoạn đường lái xe xuống còn một nữa. Thêm đó mọi người lại có dịp chiêm ngưỡng quang cảnh từ ngoài khơi.

Chiếc phà đi từ bến Stykkishólmur đến Brjánslækur là phà Baldur do hãng Seatours điều hành. Từ chủ nhật tới thứ sáu, mỗi ngày chỉ có một chuyến lúc 3g chiều và người ta dặn phải đến trước khoảng 1 tiếng để chuẩn bị cho việc lên phà. Khoảng 1g30 chúng tôi đã có mặt ở đây, mọi người thả bộ chụp hình, còn anh Tuấn lái xe sắp hàng sẵn để lát nữa đưa xe vào phà. Ngoài chiếc phà Baldur, bến cảng này còn đầy những chiếc thuyền nhỏ xinh xắn. Một trong những đặc điểm của bến Stykkishólmur là ngọn hải đăng Súgandisey màu đỏ trên đỉnh đồi bên cạnh. Đối diện lối lên phà là những bậc thang nhỏ dẫn lên ngọn hải đăng này. Nơi đây người ta có thể thấy toàn cảnh của thành phố Stykkishólmur.

Fig 2.6 - Bến càng Stykkishólmur

Chiếc phà Baldur nhìn ở ngoài tuy không lớn lắm những có thể chở đến 280 hành khách và 49 chiếc xe. Từ Stykkishólmur đến Brjánslækur sẽ mất 2 tiếng 30 phút. Đi độ 1 tiếng rưỡi, phà sẽ ghé ngang một ngôi đảo nhỏ tên Flatey.

Fig 2.7 - Chiếc phà Baldur của hãng Seatours

Sau khi đưa xe lên phà, hành khách không được ở lại trong xe. Hôm nay trời không lạnh lắm và ít gió nên chúng tôi ai cũng đi lên boong tàu để ngắm nhìn trời mây non nước.


Fig 2.8 - Trên đường đi đến Flatey và Brjánslækur

Chúng tôi đi về cuối thuyền để nhìn lại cảnh của thành phố Stykkishólmur và ngọn hải đăng Súgandisey. Những ngôi nhà duyên dáng nằm trên thảm cỏ xanh tươi với phong cảnh hữu tình của núi non ở phía sau. Làm sao mà quên được những khung cảnh xinh đẹp như thế này!

Fig 2.9 - Thành phố Stykkishólmur

Fig 2.10 - Hải đăng Súgandisey

Khoảng 4g30 chiều, tàu của chúng tôi cập vào bến của đảo Flatey để cho khách xuống và rước thêm khách mới lên tàu. Flatey là một hòn đảo nhỏ thuộc một quần đảo gồm khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ. Flatey dài khoảng 2km với bề ngang khoảng 1km và hầu như không có đồi. Cũng vì điều này, đảo mang tên Flatey, có nghĩa là "flat island" hay hòn đảo bằng phẳng. Thường thường đảo này chỉ có người ở vào mùa hè, vào mùa đông dân số trên đảo còn lại có 5 người. Phần lớn những ngôi nhà trên đảo là nơi nghỉ mát của gia đình có cha mẹ hoặc ông bà trước đây sinh sống trên đảo này. 

Đảo Flatey có một còn đường duy nhất dẫn từ bến phà đến chỗ được mệnh danh là "ngôi làng cổ" nơi những người dân đầu tiên đến sinh sống trên đảo. Xe không được đưa vào đảo này, nên những ai có xe mà muốn ở lại đảo qua đêm thì phải để xe trên tàu tiếp tục đến bến Brjánslækur. Nhân viên trên phà sẽ giúp đem xe xuống bến và để ở đó sẵn cho hành khách khi họ qua đến vào ngày hôm sau.

Fig 2.11 - Bến cảng Flatey

Một bất ngờ khá thú vị chờ đợi chúng tôi ở nơi này là ngọn hải đăng Klofningur, nhỏ nhưng rất đẹp, với màu cam rực rỡ nổi bật trên bầu trời xanh. Nó thu hút hầu hết tất cả hành khách trên tàu. Mọi người đổ xô vào một bên để chụp hình, chúng tôi cũng không tránh khỏi, người nào cũng cầm máy hình hay điện thoại bấm lia lịa.

Fig 2.12 - Hải đăng Klofningur

Fig 2.13 - Đảo Flatey

Trên đường đi đến Brjánslækur, chim biển bay không ngừng từ những hòn đảo nhỏ xíu cạnh bờ để bắt cá hay chỉ giản dị ngâm mình trong nước, từ puffin cho đến seagull, tern, cormorant...

Fig 2.14 - Trên đường đến Brjánslækur

Chẳng bao lâu chúng tôi đã thấy bến cảng Brjánslækur đã hiện ra ở phía xa, xe chúng tôi là một trong những chiếc xe ra khỏi phà đầu tiên. Mọi người lên tinh thần trực chỉ Latrabjarg vì sắp sửa được xem chim puffin, một điều mà ai trong nhóm cũng mong đợi.

Fig 2.15 - Vùng núi nơi chúng tôi sẽ đến xem chim puffin ở Latrabjarg

Fig 2.16 - Bến cảng Brjánslækur

Nói vậy nhưng không phải vậy, vừa lái ra khỏi bến không bao lâu, anh Tuấn đã phải ngừng xe cho cả nhóm xuống chụp hình khi thấy một đám ngựa đang đi lại trên đồng cỏ xanh bên kia đường. Giống ngựa ở Iceland tương đối nhỏ con, đôi khi có kích thước như ngựa con, nhưng rất khỏe mạnh. Ngựa ở Iceland không bị lai với các giống ngựa khác vì luật Iceland không cho nhập khẩu ngựa và nếu ngựa ở Iceland đã được mang ra khỏi nước sẽ không được đem trở về lại.

Fig 2.17 - Ngựa Iceland

Fig 2.18 - Một chú bạch mã

Những ai đến Iceland vào mùa hè chắc chắn không lạ gì với cảnh những viên "kẹo marshmallow" (kẹo dẻo) khổng lồ nằm rải rác trên các cánh đồng cỏ. Đây là những khối cỏ khô cao gần đầu người được bao quanh bằng một lớp nhựa để có thể giữ đượclâu. Nếu cần có thể giữ được tới 3 năm. Những khối cỏ khô này được dùng để nuôi súc vật vào mùa lạnh. Người ta thường dùng màu trắng để giảm sức nóng của mặt trời đánh vào những khối cỏ khô này, nhưng cũng có chỗ dùng màu xanh non hay màu đen.

Fig 2.19 - Những "viên kẹo marshmallow khổng lồ"

Trước khi lên xe đi tiếp, tôi không quên chìa máy hình lên trời chụp một chú chim mà không biết là loại chim gì.

Fig 2.20 - Một chú chim bắt gặp trên đường 62

Chúng tôi tiếp tục lộ trình của mình trên đường 62. Trời xanh, nắng đẹp, chúng tôi đinh ninh sẽ tiếp tục có được trời đẹp như vậy cho đến Latrabjarg. Không ngờ lúc đoạn đường 62 băng qua núi, sương mù xuống thấp, có những chỗ gần như không thấy phía trước mặt, đường lại có khúc quẹo gắt nên anh Tuấn phải rất cẩn thận. Đến lúc xuống đồi sương mù mới bớt đi được một chút.

Fig 2.21 - Sương mù xuống thật thấp

Lúc sắp rẽ vào đường 612 để đi thẳng đến Latrabjarg, chúng tôi lại thấy hoa lupine chạy dọc hai bên đường. Thế là cả nhóm lại ngừng chân xuống chụp hình, mỗi người đều có một tấm làm kỷ niệm.

Fig 2.22 - Ngã rẽ từ đường 62 để vào đường 612

Trên nguyên tắc, chỉ cần lái thêm 1 tiếng nữa là tới Latrabjarg, thế nhưng... mới đi thêm được nửa tiếng, chúng tôi lại lạc vào nơi có con tàu bằng thép lâu đời nhất của Iceland tên "Garđar BA 64". Con tàu này được đóng ở Na Uy vào năm 1912, cùng năm chiếc tàu Titanic bị chìm. Nó được xử dụng vào việc đánh cá voi. Ban đàu tàu này có tên là "Globe V" và được xem là tàu săn cá voi hiện đại nhất lúc bấy giờ vì vừa có cả động cơ hơi nước vừa có những cánh buồm truyền thống. Trong thời gian còn hoạt động, nó đổi chủ nhiều lần và cuối cùng được một người Iceland mua về vào năm 1950, đổi tên thành Garðar và dùng để săn cá herring. Đến năm 1981, tàu không còn an toàn để xử dụng nữa, thay vì bị đánh chìm, nó được đưa về Patreksfjörður, một cái vịnh hẹp gần đường 612. Sau bao nhiêu năm, con tàu Garðar vẫn nằm đó nhưng đã bị rỉ sét ăn mòn từ từ.

Fig 2.23 - Xuống đồi rồi mà sương mù vẫn dầy đặc

Fig 2.24 - Chiếc thuyền Garðar BA 64

Đi loanh quanh chụp hình, tôi chợt thấy một trong những chỗ rỉ sét bên hông tàu có hình giống như mặt người ta, thế là không ngần ngại chụp nhanh một tấm.
 

Fig 2.25 - Rỉ sét trên thành tàu

Tưởng đến đây là đủ rồi, không còn chỗ nào để la cà trước khi vào Latrabjarg, nhưng... lại thêm một chỗ mời mọc cái đám ham chụp hình này, khi cả nhóm thấy một đám rong rêu màu xanh lá mạ tươi mát và những dòng nước nhỏ chảy róc rách bên lưng đồi. Anh Tuấn lại phải kiếm chỗ để ngừng cho mọi người chụp hình.
 
Fig 2.26 - Rong rêu

Fig 2.27 - Dòng nước róc rách bên đồi

Chúng tôi đến Latrabjarg sau 9g tối, mặc dù có sương mù nhưng trời vẫn đủ sáng để chụp hình. Mọi người rời xe, xách máy hình đi bộ lên dốc, dọc theo triền núi. Vừa thấy con chim puffin đầu tiên, mọi người mừng húm, chỉ cho nhau "puffin kìa, puffin kìa!", lát sau mới thấy puffin bay lên bay xuống đều đều và chim ở đây vừa nhiều vừa dạn, chỉ đứng cách chúng tôi khoảng chừng 1 thước mà không hề có chút sợ sệt, có lúc còn đứng thật lâu làm cảnh cho chúng tôi chụp nữa chứ. Chỗ này thật là lý tưởng cho những ai muốn chụp puffin. So với lần tôi đi Faroe Islands, chỗ này dễ chụp hơn nhiều, vì chim đứng rất gần, ngay cả dùng phone chụp cũng có thể có được 1 tấm hình puffin đẹp và rõ. Tha hồ chụp. Quá đã! Quá đã!

Fig 2.28 - Puffin

Fig 2.29 - Puffin

Fig 2.30 - Puffin

Fig 2.31 - Puffin

Fig 2.32 - Chen lấn

Càng về khuya, sương xuống lạnh căm. Chúng tôi trở về motorhome ăn tối rồi lái đến camp ground cách đó khoảng 10 cây số để nghỉ qua đêm và hẹn sáng mai sẽ trở lại đây.

Tối nay có lẽ tôi sẽ nằm mơ thấy thật nhiều chim puffin với cái má phinh phính, cái mỏ và đôi chân đỏ choét, bay lên bay xuống triền núi cho tôi chụp hình... 

Trần Dung, 8/13/2021



4 comments:

  1. Cảnh đẹp quá Dzung ơi
    Chuyến đi chơi này của em quá tuyệt!

    ReplyDelete
  2. Giống như một thiên đàng! Đường xa vạn dặm như vậy mà Dzung cũng đến được thì thích quá hả? Cảnh vật thiên nhiên làm lòng mình thanh thản hơn, lắng lại những "khuấy phá" của bụi trần và những lo âu trong tâm mình: Đó là cảm nghĩ của Kh.
    Sống với thiên nhiên mình sẽ được sống thọ hơn đấy, Kh. nghĩ vậy... Vì đầu óc mình sẽ thảnh thơi hơn, không lo toan, bận bịu đến phờ người ra!
    Chúc Dzung khỏe thật khỏe để đi tiếp những chuyến đi xa thật bổ ích về tinh thần và sức khỏe như vầy nha.

    ReplyDelete
  3. Như vầy mới đúng nghĩa là đi săn ảnh! Có những tấm hình mà khó có ai có được . Cám ơn Dung đã chịu khó kể lại . Cái đám mê chụp hình này cũng giống cái đám của Oanh-Ánh nên cảm nhận được cái khoái chí của quí vị, thú vị quá!
    Chờ xem và đọc cuộc hành trình ngày thư 3 nhe .

    ReplyDelete
  4. Hay quá Dzung ơi! Một chuyến săn ảnh đầy thú vị và ý nghĩa, chẳng bỏ công khó tí nào ... Dân săn ảnh ghen với Dzung đấy ;-) Thank you very much for sharing, my dear friend! <3

    ReplyDelete