Như tôi đã nói,
nếu có dịp tôi sẽ viết về các thày mà tôi đã gặp trong trại cải tạo. Tôi
đã viết về thày Cao Bính, thày Trần Đại Hiền, thày Nguyễn Đình Liễn. Có
bạn thích, có thể cũng có bạn không thích, nhưng tôi thấy có nhu cầu
phải viết ra, bởi lẽ, nếu tôi không viết ra thì có thể có người không
biết đời tôi gặp may đến như thế nào để sống đến ngày hôm nay. Phải viết
ra, bởi nay đã người còn kẻ mất, nếu không viết ra e không kịp bởi tôi
đâu biết đời tôi sẽ còn được bao lâu? Hôm nay tôi viết về thày Nguyễn
Văn Phúc.
***
Trời
tháng Ba, cao nguyên nóng như bị đổ lửa, trời không một ngọn gió và
trong veo. Những rừng cây đã bị chặt trụi, đốt bỏ, khai hoang để lại mặt
đất cho con người làm nương rẫy, càng làm cho cái nóng gay gắt thêm.
Cái nóng từ trên trời xuống, từ dưới đất lên, từ trong không khí đã bị
mặt trời nung cháy bao trùm lên những con người già có trẻ có, quần áo
rách rưới, vá chùm vá đụp, người mặc đồ tù, kẻ khác mặc đồ lính cũ, cũng
có người mặc đồ xi vin (civil), không đồng phục gì cả, mồ hôi mồ kê nhễ
nhại,... nón mũ kẻ có người không, đang dàn hàng ngang cầm cuốc, lầm
lũi đào, cuốc cỏ tranh ở vạt rừng Mê van, nơi có trại cải tạo được dựng
lên sau năm 1975. Đó là những người tù, những "phạm nhân" đang lao động
để tạo ra của cải nuôi sống mình, đang thực hiện nghiêm túc câu "lao
động là vinh quang" và "với sức người sỏi đá biến thành cơm",... theo
đúng quy định của trại cải tạo dưới sự quản chế của các công an, tay lăm
lăm súng ngồi trong bóng mát căng mắt dõi theo từng hành động của các
người tù để đề phòng trốn trại.
Tôi
là một trong đoàn người đang dàn hàng ngang cuốc cỏ dưới trời nắng như
đổ lửa ấy, nếu tôi nhớ không lầm thì đó là mùa hè năm 1977 hoặc 1978 ...
Đó
là công việc đương nhiên hàng ngày của tất cả mọi tù nhân hay phạm nhân
đang cải tạo (nói theo thuật ngữ nội quy của trại cải tạo), ngày nào
cũng thế quanh năm (trừ đôi ngày lễ, tết được nghỉ) sau khi được đánh
thức bằng kẻng vào lúc 5 giờ, mọi người phải túa ra sân, đội nào xếp
hàng theo đội đó, mỗi đội khoảng bốn, năm chục người tập thể dục theo
hiệu lệnh, sau đó lãnh khẩu phần ăn sáng do trực ban chia: mùa nào thức
đó, đa phần là củ mì (sắn) luộc, khoai lang luộc, nếu là mùa bắp đôi khi
một quả bắp luộc. Đến khoảng 6 giờ thì tập trung cũng theo từng đội
ngoài sân bãi để điểm danh trước khi "ra đồng" để lao động, tuỳ theo
tình trạng đồng áng, mỗi đội sẽ được phân công làm các công việc theo
nhu cầu đồng áng của trại. Trong các đội đó có các đội "tự giác" như đội
rau (chuyên lao động ở một vùng đất thấp, có nước để sản xuất rau), đội
lâm sản (chuyên đi khai thác gỗ quý trong rừng), đội mộc (chuyên sản
xuất hàng mộc, hàng mỹ nghệ), đội nề (chuyên làm công tác xây cất), đội
chăn nuôi (chuyên nuôi heo, cá) và một số đội chuyên môn khác ít người
hơn gọi là tổ như tổ thợ máy, lái xe, tổ chăn bò, tổ may (chỉ may vá tại
trại, không phải ra đồng), đội nhà bếp chuyên lo ẩm thực, đặc biệt có
đội Văn nghệ chuyên tập tành Văn nghệ để phục vụ anh em phạm nhân trong
các dịp 2/9 hoặc Tết âm lịch ( đội Văn nghệ lúc đầu được miễn lao động
ngoài đồng nhưng sau đó đặc quyền này bị hủy bỏ). Còn các đội khác đều
bị công an mang súng quản chế và làm đủ mọi thứ việc tuỳ vào tình hình
và nhu cầu ở ngoài đồng.
Như
có dịp tôi đã chia sẻ, lúc ấy tôi và một số bạn khác bị đưa vào trại
cải tạo sau một ý tưởng bất thành ngay sau năm 1975, và buổi trưa hè năm
đó cách đây khoảng 35 năm, tôi đang ở đội do thày Phúc làm đội trưởng
(lúc này trại đề ra sáng kiến đội trưởng được miễn lao động, chỉ có
trách nhiệm đôn đốc người trong đội lao động mà thôi, khác với trước đó
đội trưởng cũng phải lao động như mọi người. Thú thực đây là một sáng
kiến rất hay để tăng năng xuất lao động của người tù, chính bởi chính
sách này và một số chính sách khác mà công an có thể gây phân hoá được
rất nhiều hàng ngũ tù nhân, bởi sẽ có một số thành phần tìm kiếm những
đặc quyền đặc lợi -dù nhỏ nhoi- ấy)...
Tôi
được chuyển qua nhiều đội trước khi được về với đội thày Phúc. Thày
Phúc không ở trại một mình, cụ thân sinh của thày Phúc cũng ở trại với
chúng tôi. Khốn khổ, cả hai thế hệ cha con cùng ở trong lao tù ngày ấy:
tôi nhớ Cụ Bông và thày Phúc.
Mọi
Học sinh Trung học Tổng hợp -theo tôi- đã sống và đối xử với các thày
và các bậc đàn anh tốt trong trại cải tạo khá ổn, giữ tròn khí tiết, lễ
nghĩa.
Thày
Phúc không dạy tôi trước đây, vì khi tôi về trường thì thày đã được bổ
nhiệm làm Hiệu trưởng trường Quận Ban Mê Thuột, nhưng
không vì thế mà tôi không trọng quý thày và thày không yêu thương tôi,
tôi nhớ mãi tiếng đàn violon réo rắt thày Phúc kéo trong những ngày ấy,
lúc đêm về, khi cổng trại đã đóng lại sau khi điểm danh tối, sau khi lặt
đủ khẩu phần bắp hoặc đậu phải làm đêm trong phòng; tất cả mọi bài hát
tôi sáng tác trong tù thày Phúc đều biết, người đầu tiên tôi hát cho
nghe bao giờ cũng là thày Phúc để thày cho ý kiến nhận xét (có một bài
thày đặc biệt thích và thày hát bài đó rất hay). Nhưng hơn thế, một việc
tôi không thể nào quên được thày Phúc là:... trở lại buổi trưa oi ả năm
1978 ấy...
Tôi
đang đứng trong hàng ngang cuốc cỏ thì một công an biên phòng (lúc ấy
không biết tình hình thế nào mà bộ phận quản chế tù nhân được bàn giao
sang cho công an biên phòng mặc đồ xanh và mang súng tiểu liên đặc biệt
quản lý) đến gọi tôi đứng riêng ra và hỏi:
- Phải mày tên Đỗ Thế Hùng không?
- Đúng, tên tôi là ĐTH
- Tao nghe nói mày bướng lắm phải không?
- Tôi có bướng gì đâu cán bộ.
- ĐM, mày còn cãi à, quỳ xuống.
- Sao lại phải quỳ, tôi có làm gì đâu mà quỳ.
- ĐM, bố mày bảo mày quỳ mà mày không quỳ à.
Cứ lại qua tiếng lại như thế và hai bên càng ngày càng to tiếng hơn...
Tất nhiên là tôi không quỳ (tuổi đời của vị công an ấy có lẽ không hơn tôi năm ấy)
Cuối
cùng người ấy nói: ĐM, mày không quỳ tao bắn. Và đồng thời lên đạn (lúc
ấy tôi thấy một viên đạn văng ra và biết rằng đạn đã lên nòng sẵn). Tôi
cũng chẳng nhớ lúc đó mình nghĩ gì nhưng có lẽ cũng quá chán ngán với
khổ cực, bế tắc nên tôi phanh ngực ra và bảo bắn được thì bắn đi, tôi
nhớ rõ ánh mắt căm thù của viên công an ấy nhìn tôi lúc đó và có vẻ như
anh ta muốn bắn thật, thì may thay vừa lúc đó thày Phúc (với tư cách đội
trưởng) la to: Báo cáo cán bộ tôi là đội trưởng và chạy đến can gián.
Tôi nhớ thày nói với anh ta bỏ qua và thày chịu trách nhiệm giáo dục
tôi. Có lẽ tự ái được vuốt ve, viên công an đó đồng ý để thày Phúc dẫn
tôi về hàng và thày trách tôi: Em khùng quá, nó bắn thật đấy chứ không
chơi... Cuối ngày lao động, lúc về, viên công an ấy bắt tôi vác một khúc
củi rất to, nặng (có lẽ để trả thù cho việc tôi không quỳ theo lệnh anh
ta). Nếu thày Phúc không can gián có lẽ ngày ấy anh ta bắn thật... Cám
ơn thày Phúc đã bảo bọc em lúc đó (không biết thày còn nhớ việc này
không). Sau này trong một lần tôi bị đánh đập dã man và nằm biệt giam
lúc họ thả tôi ra thì ngón tay tôi đã thành tật, thày Phúc đã cố sức nắn
lại cho tôi nhưng vì thời gian nằm biệt giam quá lâu nên ngón tay tôi
không hồi phục được nữa dù thày đã hết sức cố gắng, tật ấy tôi còn mang
đến tận bây giờ.
Tôi
nhớ món quà từ ngoại quốc tôi nhận được đầu tiên chính là món quà của
thày Phúc khi thày đã định cư ở Mỹ. Mới đây, thày (và gia đình thày) đã
đồng ý nhận nuôi một con gái đầu lòng của tôi đi học ở Mỹ, thày đã tìm
trường lo lắng thủ tục (với sự trợ giúp của bạn Hồng B) cho con tôi,
nhưng không may là cháu không vượt được vòng phỏng vấn ở Lãnh sự Mỹ.
Tôi viết bài này để kể lại một phần chuyện đời mình và như một lời tri ân gửi đến thày Nguyễn Văn Phúc.
Chúc thày và gia đình luôn luôn an lành và may mắn.
Đỗ Thế Hùng
Sài Gòn 16.28 PM 14/12/201
Hùng,
ReplyDeleteĐọc những dòng em ghi lại, thầy thấy quá khứ hiện lại rõ ràng như mới sẩy ra ngày hôm qua. Một quãng đời đen tối,đau khổ, tủi nhục của thầy hiện ra trước mắt. Cảnh hai công an dến áp tải thầy rời nhà để vào Trung Tâm Cải Huấn Banmêthuột trong tiêng khóc nghẹn ngào của vợ mới mang thai mấy tháng vần còn rõ ràng hiện ra trước mắt thầy. Ngày ấy thầy rất ốm yếu (45kg),không biết sao thầy có thể sống cho đến ngày được phóng thích.Có lẽ vì còn có vợ con đang chờ đợi đêm ngày ở ngòi và tình thương yêu đoàn kết của các bạn trong tù nhất là của các đồng nghiêp và những học sinh Trung Học Tổng Hợp, trong đó có em cùng tù ở đây.Nói đến đồng nghiệp, thầy nhớ ngay đến người độc nhất luôn có lời thăm hỏi và có lần đã gửi cho thầy mấy gói Bastos xanh. Đó là thầy Nguyễn Giõng.
Thày cám ơn em đã cho thầy thấy lại một mảng đời đen tối,đau khổ nhưng hiếm quí của mình trong một xã hội đào lộn, nhiễu nhương.
Thầy lúc nào cũng hãnh diện vì em.
Chúc vợ chồng em và các cháu luôn bình an
Thầy Phúc
Cám ơn thày Phúc.
ReplyDeleteEm cũng hãnh diện vì thày và các thày khác ở trại tù. Chỉ ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế mới biết được lòng người phải không thày, chứ những lúc bình thường thì ai cũng như ai.
Chúc mừng thày Giõng là đồng nghiệp duy nhất của thày Phúc ngày đó đã "dám" gửi lời thăm hỏi và quà cho thày Phúc, và hiện đang chú tâm vào công tác từ thiện rất hiệu quả ở Việt Nam, sau khi thày Phúc nhắc về thày, sự kính trọng của em đối với thày tăng lên gấp đôi...
Xin cáo lỗi với các thày cô và các bạn, thày Phúc vừa viết thư cho Hùng thày đề nghị sửa một chi tiết trong bài viết của Hùng là: thày là Hiệu Trưởng trường Quận Ban Mê Thuột chứ không phải trường Tỉnh Hạt.
Trân trọng
Đỗ Thế Hùng
Sài Gòn 16/12/2012
Câu "chuyện đời tôi " cuả Hùng thật cảm động. Không ngờ Hùng đã phải trải qua những quảng đời thương đau như vậy. Tạ ơn Trên đã quang phòng cho Hùng. Nhắc đến thầy Phúc, mặc dầu mình chưa bao giờ học lớp cuả thầy nhưng đã có thời gian mình học lớp nhu đạo ở trung học THBMT cuả thầy Dương Quang Định và thầy Phúc có làm phụ tá cho thầy Định trong lớp nhu đạo nầy.
ReplyDeleteThân mến,
CH
Đúng rồi Cư à, thày Phúc đó đấy. Hiện thày đã định cư ở WS.
ReplyDeleteCám ơn Cư đã chia sẻ, ngày đó ai cũng khổ đau hết Cư ơi, không ai nghĩ mình qua nổi, bởi vậy như Hùng đã từng nói: bây giờ thày trò, bạn bè còn gặp được nhau, có tin tức của nhau là quá quý rồi. Tạ ơn trên, đúng Cư ạ, không có ơn ấy thì chắc không qua nổi. Cư đọc lại comment của thày Phúc xem, ngày ấy thày 45 kg, ốm tong teo lại đau bao tử nữa, chính thày cũng nghĩ là thày không sống nổi chứ đừng nói Hùng: thằng bạt mạng.
Nhưng may thay, mọi việc cũng dần trôi êm thắm. Tạ ơn Trời. Tạ ơn Đời. Tạ ơn mọi người cách này hay cách khác đã làm ơn cho chúng ta...
Chúc Cư và gia đình khỏe, may mắn.
Bạn thân ngày xưa,
Đỗ Thế Hùng
Nhắc đến thầy PHÚC Mình nhớ thầy mãi ngày xưa thầy dạy toán lớp mình..và còn là huynh trưởng Hướng đạo sinh Thiếu đoàn Eknia...anh Luân Đôn ( anh của Thụy Sỷ) là Thiêú đoán phó.khi sinh hoạt hướng đạo gọi Thâỳ bằng anh...Thầy dạy mình cho đến khi chuyển sang làm hiệu trưởng trường tỉnh hạt.sau này liên lạc được với Tín lùn ,mình có hỏi thông tin về Thầy..biết được Thầy sang định cư ở nước ngoài..mình yên tâm..và thầm cầu mong Thầy luôn được khỏe ,để có ngày gặp lại ....Chúc Thầy và gia đình hưởng một mùa giáng sinh an lành và hạnh phúc.
ReplyDeleteNguyễn Thạch
Đúng rồi, thày Phúc còn là huynh trưởng Hướng Đạo, tên rừng của thày - nếu Hùng nhớ không lầm - là NAI NHANH NHẸN.
ReplyDeleteHùng
Cám ơn Cư, cám ơn Thạch đã vẫn còn nhớ đến thầy và những lời thăm hỏi chúc mừng. Các em đã cho thầy những tình cảm thân ái ngọt ngào làm món quà hạnh phúc cho tuổi 'gần đất xa trời' này đấy. Nhân đây, thầy thân mến chúc Cư và Thạch cùng tất cả cac em cụu học sinh TH.BMT: gia đình luôn khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc và đạt được mọi ước nguyện.
ReplyDeleteMERY CHRISMAS and HAPPY NEW YEAR
Hùng ơi, tên rừng của thầy là Hươu Trầm Lặng. nhưng em nhớ được vậy về thầy cũng là quí lắm rồi.
Thân mến,
Thày Phúc
Dạ, em rõ rồi thày.
ReplyDeleteChào huynh trưởng Hươu Trầm Lặng.
Em
ĐTH