Hôm
ấy một buổi sáng đẹp trời, Thương e ấp trong bộ áo dài trắng đi với Ba
đến Trường nhận nhiệm sở - Trường Trung Học Ban Mê Thuột cách nhà Thương
có vài cây số, ngay ở trung tâm thị xã. Cả
đêm trước Thương lo lắng, chập chờn, giấc ngủ không yên, bao nhiêu ý
nghĩ cứ bay bổng, ... Thầy Hiệu trưởng có khó không, bạn đồng nghiệp thế
nào, học sinh có ngoan không, mình dậy có được không... Học trò có chăm
học chăng?
Con
đường này hôm nay có vẻ xa hơn, dài ra hay sao ấy, ngồi trên xe lòng cô
hồi hộp quá...Ba Thương biết ý nên cứ nhìn con cười cười làm Thương yên lòng một chút nhờ nụ cười bao dung của Ba.
Sau những câu xã giao thường lệ, Ba Thương nói với Thầy Hiệu Trưởng:
- Tôi đưa cháu đến nhận việc, Anh xếp lớp cho cháu, cháu mới ra trường còn non nớt lắm, mong anh chỉ dẫn cho.
- Vâng, chỗ quen biết trong Tỉnh. Tôi sẽ xếp giờ theo quy định cho cháu, anh đừng lo.
Rồi thầy quay qua hỏi Thương:
- Nhà cháu ở đâu, Ba má cháu làm gì?
Nghe câu hỏi này của Thầy, Thương hơi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu ngay
- Thưa thầy Ba cháu đây ạ.
Cả ba người cùng cười xòa. Tiếng Việt và cách xưng hô thật dễ bị hiểu khác, Thương cảm thấy vui vui trong lòng.
- Hồi nãy thấy anh nói là " cháu '' tôi không nghĩ là con gái cưng của anh!
Trường Trung Học Ban Mê Thuột là trường công duy nhất trong thị xã, được
về dạy ở đây Thương và cả nhà đều mừng, nhất là Ba Mẹ của Thương, bao
nhiêu năm nuôi nấng lo lắng cho cô, thấy ai cũng mừng vui Thương cảm
thấy lâng lâng mãi trong lòng.
Nhận dạy những lớp nhỏ Đệ Lục và Đệ Ngũ Thương bớt lo phần nào các học sinh như mấy đứa em ở nhà, chẳng dám bắt nạt cô giáo đâu, mình
sẽ tỏ ra nghiêm từ đầu thì "chúng nó" hết dám... Thương tự nghĩ vậy.
Đi dạy Thương được chú tài xế của Ba đưa đón rất đúng giờ, nên cô không
lo đất đỏ bazan bám vào vạt áo dài hay lấm gấu quần áo.
Thương
được dạy 8 lớp, vì môn Vạn Vật mỗi tuần chỉ có hai giờ/một lớp, nhìn
tờ thời khóa biểu 16 giờ rải khắp các ngày Thương bắt đầu lo lắng, ép
mình vào khuôn mẫu cũng mệt lắm đây...
Hôm khai trường Thương đến sớm gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp 10C xin ghi thời khóa biểu cho cô em gái:
- Thầy ơi, Thầy cho em mượn TKB 10C em ghi chút Thầy.
Nhìn Thương Thầy bảo:
-
Em cứ vào lớp đi rồi thầy cho ghi, ...
Thương buồn cười quá, chỉ tại tà
áo dài trắng này thôi, Thầy ấy tưởng Thương là học trò lớp 10C vì hôm ấy
Thương cũng mặc áo dài màu trắng, mới ở Sài gòn về cô đã kịp may áo mới
đâu, Thương vẫn mặc áo dài trắng như còn đi học.
- Chút nữa em cũng có giờ lên lớp ạ, rồi cả hai cùng cười vui vẻ.
Thầy nói:
- Nhìn cô giáo trẻ cứ nghĩ là nữ sinh đấy ai bảo cô mặc áo dài trắng... Cô mới về dậy ở đây à?
Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng Thương lo quá! Mới quay lên bảng
định viết ngày tháng - đề bài học Thương nghe một giọng nam sinh -- Tóc
thề đẹp quá tụi bay ơi!
Thương
quay xuống tìm thủ phạm thì cả lớp ngồi im ru, mặt tỉnh queo như không
có gì xảy ra...! Chúng nó đóng kịch giỏi thật! Thương phải làm lơ vừa
giảng vừa viết bảng, cùng quan sát cả lớp, Thương vừa quay mặt lên bảng
để ghi bài thì nghe - áo cô trắng quá! -- cũng như lần trước, Thương
không tìm ra trò nào phát ngôn... Cô lại cố gắng làm lơ xem như không
nghe, để dạy bài mới, tuy nhiên trong lòng cũng cảm thấy rất khó chịu,
bực mình...
Có
nhiều lớp học sinh rất ngoan, vì là miền cao nguyên nên mỗi lớp có một
phần ba hay một phần tư học sinh dân tộc Ê-đê (người Thượng). Các em
này phần đông rất hiền, chậm chạp hơn học sinh người Kinh nên Thương
thấy rất tội và chú ý chỉ bảo thêm về cách viết cách trình bày bài vở
cho các em, nước da màu sậm và sự e dè của các em làm Thương se lòng...
Một
tuần trôi qua, những bài vở nhiều dần lên làm Thương ngày đêm miệt mài
soạn bài, chấm bài - 8 lớp nhân với 45 học sinh/một lớp vị chi gần 400
bài chấm - rồi còn bài 15 phút chấm nhanh tại lớp... Cậu em đang học lớp
12 thấy chị ngồi bên cả chục xấp bài nói:
-
Để em chấm dùm cho chị nhen, em thích chấm bài lắm, phần vì mệt, mai đã
phải trả bài nên Thương đã cho em trai chấm giúp một xấp bài của lớp 7E
mà không nghĩ xa hơn... và cũng không còn thời gian xem lại.
Khi phát bài có gần hai mươi học sinh lên kiện điểm:
-
Thưa cô chưa có điểm hình vẽ,
- Cô ơi câu cuối em chưa có điểm cô ơi!
-
Thưa cô bài em đúng hết mà thiếu mấy điểm luôn Cô à...v...v...
Cô giáo tá hỏa tam tinh... chết rồi... làm sao bây giờ...!!! Thương vội vàng nói to với cả lớp:
- Cô xin lỗi các em, cô sẽ thu bài về chấm lại... tại cậu em cô táy máy hay sao đó...
Đúng là tai nạn nghề nghiệp do sự vô ý của mình!
Khi
dạy về chiết ghép giâm cành ở lớp Thương đã chỉ các em trồng hoa Hồng
bằng cách cắt cành già rồi giâm xuống đất và tưới hàng ngày là có cây
hoa mới, ít lâu sau trên bàn cô giáo lúc nào giờ học cũng có những đóa
hoa xinh tươi trong bình hoa trang trí! Thương được các em tặng hoa liên
tục những cánh hoa Hồng đủ màu sắc do cách ghép đúng.
Ngày
tháng cứ trôi, nhẹ nhàng như công việc dậy học của Thương, những giờ
sinh hoạt lớp các em thi nhau lên bảng hát những bài hát thiếu niên rất
dễ thương hay kể những câu truyện vui, ngây ngô, quên đi những mảnh đời
khó nhọc riêng tư...
Ở
lớp 7C có em nữ sinh mẹ ốm nặng không may mất sớm, Thương thường hay
hỏi han, vỗ về an ủi, em rất cảm động, chăm chỉ học tập em tự nhủ thầm
với lòng mình..và em tự nhận Thương là người Mẹ tinh thần của mình, mãi
về sau, khi ra trường đến thăm cô giáo, em mới tâm sự với cô và quý mến
tặng Thương một bức tranh thêu Nàng Tiên Cá tuyệt đẹp...
Lớp
8A2 là một lớp khá của trường, toàn học sinh nam - có một nhóm là dân
tộc Nùng ở cùng nhau trong một làng cách Thị xã Ban Mê Thuột khoảng chục
km, những em này bắt đầu tuổi đi học trễ do đó lớn hơn các bạn cùng lớp
bốn năm tuổi nên nề nếp lớp 8A2 không bằng các lớp nữ hay các lớp có cả
nam lẫn nữ khác.
Một
hôm Thương vào lớp dạy - Cô thấy hôm nay sao lớp nghiêm túc lạ thường,
các học sinh đứng dậy chào cô giáo, không một tiếng động, Thương cũng
cảm nhận được sự khác thường này, sau khi cho học sinh ngồi xuống, quyển
sổ điểm và sổ đầu bài không có trên bàn giáo viên Thương hỏi lớp trưởng:
- Sổ điểm đâu rồi em?
- Thưa cô trong hộc bàn ạ...
Cô chưa kịp mở ngăn kéo để lấy sổ thì... năm bảy con sâu muồng vàng óng đã bò ra leo lên bàn trình diện...
-
Eo ơi! khiếp quá!
Thương rùng cả mình, cô bước vội vàng xuống khỏi bục,
vẩy vẩy hai vạt áo, như sợ có con sâu nào vướng vào tà áo dài màu trắng
của cô, mặt Thương tái mét, Thương đi như chạy lên văn phòng Tổng Giám
Thị... Các thầy cô lớn tuổi nhìn thấy sự hốt hoảng của Thương họ không
nín cười được làm Thương ngượng chín cả người.
... Giờ
học hôm ấy trở thành giờ giảng đạo đức của Thầy Tổng Giám Thị cho lớp
này... Thương buồn lắm không hiểu vì sao nhóm nam sinh này lại gan quá,
quậy thế, dám dọa sâu cô!!!
Thương
còn nhớ hồi xưa đã bị bạn học cùng trường Võ Tánh - Nha Trang dọa một
lần - Các bạn cứ nghĩ Thương giả vờ, lần đó Thương gần sỉu... các bạn mới
tha... Thương nghĩ mình dở thật tự nhiên lại sợ con sâu... Hihihi... nó có
cắn mình đâu... Kỳ quá...!
Nhiều
hôm giờ ra chơi, hay trong khi trên đường về,Thương thấy một học sinh
nam cứ hát đi hát lại một câu, cô nghĩ... chắc là cậu học trò này không
thuộc bài... bị thầy cô la rồi đây:
- Nhỏ không học lớn làm Đại úy... Nhỏ không học lớn làm đại úy... Nhỏ không học... lớn làm trung sĩ,
Ngày
tháng cứ trôi qua... Bỗng một hôm cô nhân được một tấm thiệp in mấy đóa
hoa hồng đỏ và một cành hoa hồng làm bằng giấy cũng màu đỏ của cậu học
sinh lớn nhất lớp 8A2, cậu ngượng ngùng xin lỗi cô vì đã bắt sâu muồng
bỏ vào ngăn kéo bàn làm cô sợ hôm ấy:
-
Thưa cô mong cô tha tội cho em, em đến chào cô và tạm biệt cô cùng các
bạn. Ngày mai em phải lên đường nhập ngũ rồi Cô ạ, cành hoa hồng này em
tự tay làm, mong hoa không bị phai màu... luôn ở bên cô... Em luôn nhớ, và nghĩ đến Cô cùng các bạn... Em nhớ trường, nhớ lớp lắm cô à...
Thương
không biết nói gì. Cô thấy thương cậu học sinh đã sớm từ giã tuổi ngây
thơ, nhìn em ấy rất bụồn... Thương cảm động quá! Mắt rưng rưng theo nỗi
lòng của cậu học trò nghịch ngầm hôm nào... Thương nhớ hôm ấy hình như đôi mắt cậu hoen ướt vì nước mắt đã chảy vòng quanh!
... Thời
gian trôi nhanh quá, mới đó đã mấy chục năm, bây giờ đã quá xa... những
kỷ niêm dấu yêu vẫn còn đó, nhớ nhung chất ngất thời tuổi nhỏ ngây thơ,
có bao giờ tìm lại được!
Phạm Thị Minh-Hưng
Bây giờ thì em mới biết rằng cô giáo cũng "bị" học trò ăn hiếp ! Rồi cô giáo cũng hơi run trong bụng khi đứng trước lũ học trò nghịch ngợm ! Lạ một điều là nữ sinh thì "khoái" chọc các thầy, còn nam sinh lại "quậy phá" các cô... đến xanh mặt !
ReplyDeleteHồi xưa, thầy cô nào cũng là "thần tượng" của em hết cả, kể cả thầy cô mà em sợ lẫn sợ ít ít !
Trò Kh.