"Để
tưởng nhớ hương hồn thầy Nguyễn Đức Thông, hình như là giáo sư duy nhất
dạy Triết tại Trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột trong những năm đầu thập
niên 70 thế kỷ 20. Một trong những giáo sư sống tốt ở Trại Cải Tạo sau
năm 1975"
***
Chiều xuống, nơi cô tịch của một góc rừng Mê Van, cao nguyên Darlac vẫn ồn ào, nhốn nháo bởi đó là giờ các tù nhân quay trở về lại trại giam. Các đội "tự giác" (không có công an vác súng đi kèm) tự biết giờ để về; các đội bị quản chế - đội trước đội sau - cũng được công an quản chế dẫn về nhập trại, trên vai ai cũng cõng thêm một cành củi rừng (chặt từ các cây to bị đốn ngã để lấy đất làm nông nghiệp), để tập trung ở khu vực bếp nhằm phục vụ việc nấu ăn. Bước vào cổng, vòng rào thép gai đóng lại là xã hội của người tù oặt ẹo, rệu rã, mệt mỏi sau một ngày oằn lưng lao động nhưng vẫn phải hối hả tắm giặt rũ bỏ bụi bặm và mồ hôi để kịp giờ quy định. Thời khoá biểu thường nhật là: sau khi nhập trại, các tù nhân có khoảng thời gian tự do tắm giặt, ăn uống để sau đó lúc 18g30 vào "sam" điểm danh, tiếp tục sinh hoạt và lao động buổi tối. Nội dung của buổi sinh hoạt là phê bình mổ xẻ công việc lao động trong ngày, thường là đưa "những người lười" những người chưa biết "lao động là vinh quang" ra để phê phán để mà góp ý, sau đó -mùa nào thức đó- mỗi người phải nhận phần làm đêm của mình để tiếp tục lao động trước khi ngủ: khi thì bắp, khi thì đậu phụng, lúc khác lại đậu nành,v.v...phải lặt vỏ ra vỏ, hạt ra hạt (lúc giao lại, người ta cân cả vỏ cả hạt để bảo đảm không bị thất thoát, thí dụ khi tù nhận 10kg đậu thì khi giao lại phải đủ 10kg: hạt 6,5kg và vỏ 3,5 kg chẳng hạn).
Tôi thường "lười", ngay cả đi tắm cũng thường đi tắm rất trễ. Chỗ tắm của tù nhân là một đoạn suối chảy xuống từ đầu nguồn cách đấy không xa, sau khi đã chảy qua khu vực tắm của cán bộ (công an). Chiều rộng con suối khoảng 3m, chiều dài đoạn suối khoảng 10m và chỗ sâu nhất khoảng ngang đầu gối tù nhân, để mở rộng thêm khu vực tắm tù nhân moi thêm cái giếng ở ngay đấy để sử dụng, tất cả khu vực này nằm gọn trong nhiều lớp kẽm gai bao bọc, ngay cả dòng suối cũng được rào kín xuống tận đáy, nước cứ lững lờ chảy qua các lớp kẽm gai, để ngăn tù chui theo dòng suối trốn trại. Trước khi xuống suối tắm phải báo cáo cán bộ công an đứng trên chòi canh cao quan sát bao quát cả một vùng. Hàng ngàn con người chen chúc nhau tắm trong một khoảng không gian như vậy. Tôi đi tắm trễ một phần cũng là thế, lười chen chúc nhau, già trẻ lớn bé, rất nhiều người "tắm tiên", cứ "tồng ngồng" xuống suối. Một người cũng thường tắm trễ như tôi (hoặc ngược lại, tắm thật sớm, nhào ngay xuống suối trước khi các người khác túa xuống) là thầy Thông, Nguyễn Đức Thông, giáo sư Triết học Trung học Tổng hợp Ban mê thuột. Thày Thông vốn dĩ ít nói, kiệm lời với thói quen cố hữu là tự lắc đầu bên này một cái bên kia một cái để chống mỏi cổ. Thầy và tôi thường hay trò chuyện trong những buổi tắm ấy, thi thoảng cũng trò chuyện trong các chiều Chủ Nhật được nghỉ lao động vì tôi và thày không ở chung sam. Các câu chuyện chúng tôi nói với nhau không có gì đặc biệt, thường là hỏi thăm nhau và thầy thường khuyên tôi nhiều hơn. Ấn tượng đậm nét về thầy là tôi biết không một ai kêu ca gì về thầy trong suốt thời gian thầy sống trong Trại Cải Tạo, như vậy thầy sống tốt. Trong một lần trò chuyện thầy đã cho tôi địa chỉ gia đình thầy.
Thầy may mắn được tha về trước tôi, trước khi về thầy đã kịp nhắc lại cho tôi địa chỉ của thầy ở Nhatrang và mong nếu sau này được ra trại tôi ghé thăm thầy. Tôi đã hứa sẽ ghé...
Rồi vài năm sau tôi cũng được tha. Về đời, cuộc sống có nhiều bế tắc, nghề nghiệp cụ thể không có, còn cứ phải thường xuyên trình diện nên tôi đã có lúc quẫn trí, muốn tìm đường thoát. Tôi đã nhớ đến thầy nên tôi tìm cách xuống Nhatrang, trước để thăm thầy như lời hứa sau là tìm tòi xem có việc gì khả dĩ để sinh sống được không.
Tôi tìm đến nhà thầy vào một buổi trưa Nhatrang nắng gắt, oi nồng. Nhà thầy ở mặt tiền của một đường lớn thành phố Nhatrang, rất gần với Ty Thông Tin cũ. Tôi nhớ rõ buổi hội ngộ hôm ấy: thày ra gặp tôi trong một bộ đồ mặc trong nhà, một áo maillot ba lỗ đã cũ, quần cộc khá xộc xệch, dù gặp lại nhau rất vui nhưng tôi cũng kịp nhận ra một thoáng ngại ngần trong mắt thầy. Đầu tiên, tôi nghĩ có lẽ thầy ngại vì tôi là tù cải tạo mới về chăng? Tôi cũng hơi ngần ngại khi thấy Thầy không mời tôi vào nhà mà chỉ nói với tôi:" Em đi tới một chút, tới ngã tư quẹo phải có xe bán nước mía, ngồi đó chờ thầy" nhưng tôi cũng làm theo lời thầy và ngồi chờ thầy ở xe nước mía bán dọc đường sau khi đã gọi cho mình một ly. Một lát sau thầy ra, quần áo chỉnh tề hơn một chút, và hai thầy trò nói chuyện với nhau khá lâu: thầy hỏi thăm những người quen biết cũ, ai được về ai chưa, hỏi thăm công việc và hoàn cảnh của tôi,... tôi tâm sự với thầy và cũng hỏi thầy những điều tương tự về công ăn việc làm. Qua tâm sự, tôi thấy thầy cũng gặp bế tắc và lờ mờ nhận ra có một cái gì đó lạ lùng, một cái gì đó u uẩn trong tâm tư thầy... Lúc đó tôi chỉ lờ mờ đoán biết điều đó chứ không biết rõ điều đó là điều gì. Ấn tượng về buổi nói chuyện đó của thầy với tôi nói chung là buồn, không có gì vui cả trừ những lúc nhắc về các bạn cũ ở Trại Cải Tạo. Sau đó thầy trò chia tay, tôi về lại Ban mê Thuột. Trước khi chia tay, hai thầy trò hứa tiếp tục giữ liên lạc.
Một
thời gian sau đó tôi được biết tin buồn về thầy. Thầy đã chọn cho mình
một lối đi, tự kết liễu đời mình sau khi thấy đời chẳng còn gì vui,
chẳng còn gì để vương vấn, dứt khoát ra đi. Năm đó, thầy cũng còn khá
trẻ. Không ngờ, buổi hội ngộ hôm đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Khi
nghe tin đó, tôi hồi tưởng lại buổi nói chuyện với thầy và tôi đã thấy
mình quá kém khi không đủ nhạy cảm để hình dung ra điều ấy, nếu đủ tỉnh
táo để nhận ra, biết đâu cả hai thầy trò cùng kiếm được cách tháo gỡ bế
tắc.
Bây
giờ đã nhiều năm trôi qua, thầy trò đã âm dương cách biệt. Tôi viết
những dòng này để nhớ về kỷ niệm, nhớ đến một người thầy đã truyền thụ
cho tôi kiến thức, đã khuyên nhủ tôi trong vai trò một người thầy một
người anh, và hơn cả là để nhớ đến một giáo sư THTHBMT đã sống liêm sỉ
trong môi trường nghiệt ngã. Mong hương hồn thầy tiếp tục tiêu diêu miền
cực lạc, nơi không còn chủ nghĩa, không còn bon chen, không còn hơn
thua tị hiềm hay oán cừu nữa.
Đỗ Thế Hùng
Saigon một chiều cuối năm Nhâm Thìn 2012
No comments:
Post a Comment