Tùng!...Tùng!...Tùng!... Tiếng trống báo đến giờ ra chơi. Hai tay tôi gom vội sách vở bỏ xuống hộc bàn. Cả lớp 9/1 đứng dậy chào cô Hoàng Thị Oanh dạy môn Sử Địa. Cô vừa bước ra khỏi lớp. Tôi hất thằng Nguyễn Y Long sang một bên để chạy ra ngoài, chỉ để dành một chỗ đứng ở lan can cuối lớp cũng là đầu dãy nhà. Đứng ở đây, tôi nhìn ra con đường lộ phía trước cổng trường, có từng tốp học sinh thả bộ lên xuống. Phía trong trường, đường xuống quán ông bà Cai tấp nập học sinh qua lại đều đi ngang sau lớp tôi. Tôi nghe rõ tiếng kêu nhau... tiếng cười đùa chọc ghẹo nhau! Bọn con gái lớp 9 thản nhiên vừa đi vừa ăn quà. Những trái me rốp vừa mới ướm chín, bóc vỏ ra cơm còn trắng xanh, nhấm nhấm vị nó không còn chua lè nữa mà chua chua... ngọt ngọt... bùi bùi rất riêng. Bọn họ đi ngang lớp tôi, dứ dứ những trái me lên cao, miệng chíp chép rõ to... nhìn người ta nhai mà mình nghe ê cả răng. Có người ăn me xong còn ném hạt về phía tụi tôi, cùng cười ré lên bỏ chạy...
Cũng ở tại lan can này, tôi nhận ra những thay đổi trong con người tôi. Tôi không còn thích tắm piscin... không thích ai đó nói mình là con nít... không thích nhiều cái khác nữa! Tôi làm người lớn được chưa? Nhìn thẳng sang dãy nhà đối diện, cũng cái lớp đầu bìa gần quán ông Bính (hư một mắt). Đây là lớp học đầu tiên đệ thất của tôi tại trường này. Từ bên đó sang bên này chỉ bằng một tầm mắt. Nhưng không gian của nó đã chứa bao "Bích câu kỳ ngộ"... bao "Cây tre trăm đốt"... những "lứa tuổi thích ô mai"... những chú "dế mèn phiêu lưu ký"... Còn ở dưới sân trường đầy viên sỏi đá, nó ghi lại bao công thức... bao định lý, định đề... in dấu những lỗi lầm khờ dại... những giận hờn vu vơ... Nhìn đám lớp 6 lô nhô nô dỡn, tôi thấy mình đã qua cái thời "ngày xưa còn bé"ấy. Tôi thấy mình lớn thật rồi! Đã trở thành lớp đàn anh...
Ngày ấy, tụi anh cũng nghịch như mấy em, đuổi bắt nhau đến toạc cả quần áo. Đứa nào chỉ chỏ anh còn bảo "để cho mát". Bây giờ thì không thế nữa! Trước khi đi học, anh phải soi gương xem lại quần áo cho kỹ. Đừng bao giờ để bạn bè nhắc khéo "mày hở cửa sổ kìa"... ngượng chết đi được!... "chim ơi,chim ơi, đừng bay nhé"... là không có đất mà chui đâu!
Các em học Hội Họa thầy Nguyễn Huy Quang, có mua nhầm bút chì HB như anh không? Phải loại 2B mới làm được bài tập tô độ sáng tối, từ trắng sang đen. Mai mốt thầy bảo vẽ cây chuối, mấy em chịu khó ra nhìn thực mà vẽ... anh và rất nhiều bạn vẽ đẹp lắm lại bị điểm một... thầy bảo cây chuối này vẽ trong nhà... anh bị oan một nửa... anh có ra ngoài nhưng không nhìn thẳng mà ngồi dưới gốc chuối vẽ ra! Các em chịu khó học, bạn Vũ Hoàng Đức cùng lớp với anh, đã đi vẽ quảng cáo cho hiệu sách của thầy Nguyễn Đình Dũng rồi đấy!
Các em lên lớp 7 mà gặp cô giáo dạy Toán Lâm Thu Thủy, sẽ bị cô răn đe ngay từ đầu. Thứ nhất không được nói leo. Thứ hai không được mơ mộng dừa. Hồi ấy, anh chẳng hiểu mơ mộng dừa là gì? Bây giờ hiểu ra thì thấy cô hơi nghiêm khắc. Lỡ hai giờ đầu thầy Bảo Cự dạy Việt Văn cho học bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh... "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm..." ... thì đến giờ dạy của cô, làm sao tránh được đưa mắt lên trời hướng ra ngoài cửa sổ... Các em nhớ khi làm bài tập về tỷ lệ thức... cái đẳng thức giữa hai tỷ số ấy thì đừng bao giờ gạch bằng tay! Ráng dùng thước kẻ mà gạch nhé!
Còn một thầy nữa mà anh muốn kể cho mấy em. Đó là thầy dạy Việt Văn năm ngoái của anh. Thầy giáo Chung Phước Khánh! Các em nếu có học thầy ấy thì đừng buồn vì bài văn của mình bị điểm kém. Anh nhìn vào những bài văn kém ấy mới thấy biết bao công lao của thầy. Thầy chữa từng ý cho một đoạn văn hơi lạc đề, chữa từng câu văn lủng củng... từng chữ cho đúng văn phạm... cho đúng chính tả... rồi thầy tìm đoạn văn tạm tạm để thầy khích lệ. Những mực đỏ tha thiết của thầy có thể thầy vui khi đọc bài văn hay, cũng có thể thầy buồn khi gặp bài văn cẩu thả. Nhưng thầy đều tỉ mỉ nhặt sạn cho học sinh của mình. Lớp anh, bất kể học giỏi như bạn Trần Trọng Sự hay học kém như anh, đều yêu quý thầy ấy. Thêm một bí mật nho nhỏ... nhớ đòi thầy hát cho nghe... những bản nhạc thầy hay hát như Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Gởi gió cho mây ngàn bay... Học cho ngoan nhé!
Hôm nay, lớp 9/1 học Anh Văn hai giờ đầu của thầy Nguyễn Đình An. Thầy An đã từng dạy chúng tôi năm đệ thất. Năm ngoái thì học cô Tôn Nữ Diệm Phương, năm đệ lục học cô Nguyễn Thị Quýt. Còn chừng nửa tiếng nữa là đến giờ ra chơi, thầy An bận việc phải lên phòng giáo sư, giao lớp cho lớp trưởng Liêu Hớn Quản giữ im lặng làm bài. Bóng thầy vừa khuất cuối dãy hành lang... thì một... hai... ba bóng áo xanh khác đã nhảy qua cửa sổ cuối lớp. Chắc xuống quán bà Cai hút thuốc lá! Hình như là mấy ngựa chứng Huỳnh Thành... Dương Đức Thuỵ Sỹ... Nguyễn Quang Định thì phải. Lớp bắt đầu nói chuyện ồn ào mất trật tự. Thầy Phụ tá Tổng Giám thị Nguyễn Ngọc Lâm đã xuất hiện trên hành lang. Thầy Lâm! Thầy Lâm!... Cả lớp nhanh như chớp ngoan ngoãn im ắng học bài. Thầy Lâm đi qua lớp, hơi dừng lại, đi tiếp xuống cuối dãy rồi quay lên... Thầy đi qua chừng nửa lớp kế bên... Pha mơ Lâm!!! Pha mơ Lâm!!... Tụi tôi giựt mình nhìn về hướng ai gọi như giật ngược người khác. Thầy Lâm quay lại kìa... con ngựa chứng Phạm Anh Tuấn đang đưa quyển English For Today dí sát mặt đọc như tụng kinh... farmer Lum... farmer Lum... farmer Lum... Tụi tôi cố ngậm miệng lại vì bài học này học qua lâu rồi... Tùng!... Tùng!...
Tùng!... Giờ ra chơi đến! Giải thoát rồi!... Bây giờ mới dám cười thằng Tuấn "khùng" lớp tôi.
Tôi cứ tự hỏi mình đã thành người lớn chưa... Thằng Trần Văn Bình vừa khoe mấy cuốn truyện mà mình đang xem say mê. Suối Đá Mây của Đinh Tiến Luyện. Gấu Rừng của Duyên Anh. Còn hôm qua, thằng Y Long bảo mình về nhà nó coi xưởng làm bánh con cá. Ai đời thuở nào dẫn bạn vào nhà bằng con đường đạo tặc. Hai thằng trèo qua cổng sắt, chơi một lát... lại trèo ra! Trước đường phố Tôn Thất Thuyết bên kia đường là trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ... Biết bao người nhìn thấy! Xấu hổ quá chừng! Chịu thua nó luôn... Nhưng còn cái cảm giác khác lạ, từ trước tới giờ chưa thấy, mỗi lần nghĩ mình lên lớp 10 được học chung với tụi con gái... Cảm giác thật là mới mẻ, khó hiểu làm sao...
Những cơn mưa đầu mùa vào tháng 5, đã tô thêm màu xanh cho mấy cây phượng vỹ sân trường. Nắng rực rỡ hẳn lên, sửa soạn đón một trời hoa đỏ. Tôi đứng ở lan can quen thuộc nghe tiếng ve râm ran inh ỏi. Sắp nghỉ hè rồi! Năm nay không phải thi chuyển cấp, chỉ phải ghi danh chọn ban. Tôi đã chọn ban B, một phần theo bạn bè, một phần thì tính hơn thiệt. Vì theo ban B vẫn thi được ban A, với lại thấy oai oai trước lớp đàn em. Ai mà biết mình toán kém! Vẫn còn sớm mới đến giờ vào lớp, đã có những đám mây đen mang mưa rào bất chợt. Học sinh vào trường mỗi lúc một đông. Trời hết nắng! Mưa đang rắc hạt theo bước chạy của tụi con trai lẫn tụi con gái. Tiếng mưa rơi lộp độp nghe rõ hơn, nhiều hơn ngoài hiên tôi đang đứng. Ui! Có một chị học lớp trên ở phía dãy nhà mới xây. Chị đi qua sau lớp tôi xuống hướng quán bà Cai. Chiếc áo dài thướt tha, dịu dàng... giờ đã phản lại chị, không che nổi bờ vai thon tròn dưới cơn mưa. Chị đưa cặp lên ôm lấy ngực. Có tiếng huýt gió, la ó từ phía quán... Trời đất luôn hài hòa... luôn có một người nam xuất hiện đúng lúc. Anh ấy cởi vội áo mưa choàng cho chị và dìu chị về lớp. Từ xa, tôi vẫn nhìn thấy vai chị ấy rung lên ngập ngừng... theo bước chân hai người đi trong mưa.
Tôi cứ làm lạ, sao chị học lớp trên ấy không chạy như bọn con gái lớp 9. Nhìn tụi nó chạy mới thấy hết vẻ đẹp của chiếc áo dài mini cách điệu từ phong trào hippy. Tà áo cao vừa phủ gối tung lên gọn ghẽ. Ống quần hơi loe... lia theo bước chân. Tất cả cái đẹp mềm mại, đằm thắm của chiếc áo dài. Bây giờ thêm đậm chất hồn nhiên và dễ thương của lứa tuổi chúng tôi. Chắc chắn rằng bao tinh hoa của thời đại đang nhằm vào chúng tôi mà ban phát. Hay chúng tôi sẽ là tác nhân đi vào thơ văn... đi vào nhạc... vào phim ảnh... lấp lánh theo suốt thế hệ của mình.
Cứ nghĩ đến con gái lớp 9, tôi phải công nhận họ thông minh hơn bọn con trai, về cái khoản sử dụng ngôn từ cơ thể (may ra trụ lại chỉ có chàng thư sinh tài hoa Trần Văn Bình lớp tôi). Tụi nó mà nói chuyện bằng đầu... bằng môi... bằng mắt... họ phối hợp cả tay lẫn chân... họ đưa cùi chỏ... đá gót... lắc cả mông... Thì nên tránh đi! Xớ rớ đến đó dễ bị ngố lắm! Cứ tưởng giải mã được mà lầm to. Hãy coi kìa... Tùng!... Tùng!... Tùng!... Tiếng trống báo đến giờ vào lớp... cắt đứt dòng suy nghĩ linh tinh về con gái lớp 9.
Cuối niên học 70-71, tôi nằm ở tốp hai mươi, được lên lớp 10. Thầy giáo dạy Toán Nguyễn Văn Phúc hướng dẫn lớp tôi đã phê vào học bạ môn toán hai chữ đầu tiên khác với chữ "kém". Đó là"tiến bộ"! Có thể nó còn thua xa hai chữ "tạm được". Nhưng nó làm tăng quyết tâm của tôi để thay đổi môn toán này. "Tiến bộ"! Lời phê đó còn hơn bao chữ "khá"của môn khác! Thích thật!
Một nguyên nhân khác để tôi cố gắng là vì con nhỏ học cùng trường ở xóm trên. Cha mẹ xóm dưới mỗi lần la mắng con cái ham chơi không chịu học. Thể nào cũng lấy nó ra làm gương vì ai cũng biết nó, học giỏi từ cấp Tiểu học giỏi lên. Nghe mãi ù cả tai... nặng cả đầu! Tự nhiên đâm ra không ưa nó, khoanh luôn một vòng cấm địa quanh người của nó...
Mùa hè năm đó, tôi xuống chùa Khải Đoan, qua trường Bồ Đề gặp thầy Đoàn Kết cho mấy câu "quyết" toán lượng giác...
"Tìm sin lấy đối chia huyền
Cos thì hai cạnh kề huyền chia nhau
Còn Tang ta hãy tính sau
Đối trên kề dưới chia nhau ra liền
Cotang nghịch đảo của tang"
Tôi đọc qua một lần là thuộc... tiếp tục nhặt nhạnh... làm lại từ đầu... tích tụ... chuẩn bị cho cuộc đua chạy đường dài.
Tôi đã thay đổi không sợ toán nữa!
Dịp hè này, tôi vui mừng thấy mấy bạn ở xóm Hưng Đạo qua chỗ tôi chơi. Bạn Ngô Văn Dũng. Bạn Phạm Văn Chinh. Bạn Phùng Tất Đạt. Bạn Nghiêm Đình Đãi. Tôi với bạn Vũ Văn Lai cùng xóm. Kéo nhau lên phòng để bàn ping pong công cộng tập chơi... Cười vui... nhặt bóng nhiều hơn đánh bóng. Đúng vào lúc cây me từ thời Bảo Đại trong xóm ra những trái me non. Tôi trèo lên hái một áo. Cả bọn cùng nhau ăn với mắm ruốc. Bạn nào cũng nhăn mặt với trái thứ hai. Tôi và Nghiêm Đình Đãi ăn nhiều hơn... Thấy còn thèm nhưng ghê răng... chua quá!
Tôi chỉ cho các bạn biết nhà bạn Thanh Hương học lớp 9/4... Tất cả đều chung một tâm trạng mà không ai nói ra... Sự chia lại lớp cho năm học mới vẫn chưa có thông báo. Không biết đứa nào sẽ còn học chung với nhau... ai sẽ học với bạn gái đó... cái cảm giác vẫn còn luyến tiếc lớp cũ nhiều kỷ niệm... vẫn có cảm giác nôn nao... háo hức chờ đón những điều mới lạ... của ngày mai.
Chúng tôi đang đợi sự thay đổi ấy!
(Hết tập 3)
Phạm Đình Đạt
Phạm Đình Đạt
Trí nhớ của Đạt tốt ghê, không những nhớ tên Thầy Cô và các bạn mà cả tên bác Cai trường mà Đạt vẫn còn nhớ. Phục sát đất đó nha, hứa hẹn sẽ được đọc những trang văn nhẹ nhàng và đầy tình cảm của Đạt.
ReplyDeleteTuyết Mai