Sunday, March 11, 2012

Chuyện Đời Tôi: Kỷ Niệm Với Thầy Nguyễn Đình Liễn

Người Pháp đã rất chỉnh chu khi nghiên cứu sâu về thổ nhưỡng nông hóa để quy hoạch –theo tôi- rất chính xác các vùng trồng cây công nghiệp ở VN.  Nếu ai đã từng ở Cao nguyên Trung phần đặc biệt là Darlac thì không thể quên được những đồn điền cà phê bạt ngàn đến mùa tỏa hương thơm ngát, những rừng cao su mênh mông, thẳng tắp ngày xưa là những địa điểm cắm trại, picnic của học sinh. Những đồn điền ấy -một thời- đã làm giàu cho một số người. Tuy nhiên những cánh rừng ấy cũng -một thời- gợi lên thi cảm. Chắc hẳn không ít đôi tình nhân đã đưa  nhau đi trong những cánh rừng cao su thẳng tắp, mát mẻ ấy. Tôi cũng vậy, không ít lần tôi đã –một mình hoặc với vài bạn trước năm 1975- tha thẩn đi trong những rừng cao su ấy trong bóng chiều để cảm nhận những rung động trong lòng mình. Tôi đã cảm nhận được nét đẹp của rừng cao su từ những ngày ấy và giống như định mệnh run rủi; đời tôi đã gần tám năm nằm trong sự bao bọc của các rừng cao su…
Quảng Nhiêu (còn có tên là Quảng Phú) là một địa danh ở tỉnh Darlac, nằm cách thị xã Banmêthuột  khoảng hơn 10 cây số về  hướng Bắc Tây Bắc thị xã Banmêthuột; nơi Chính quyền Ngô đình Diệm tổ chức cho dân từ các vùng đồng bằng Trung bộ lên Cao nguyên lập nghiệp. Ngoại trừ dân tộc Ê đê ở địa phương, đa số người Kinh ở đó là dân Quảng Nam. Đất đai ở đây trù phú vì ngay tại đó có một ngọn núi lửa mà dường như đã ngừng phun trào từ kỷ Phấn Trắng (?); núi lửa nhìn tựa một bông hoa trên thảo nguyên, có lẽ vì vậy mà người Ê đê gọi núi đó là Cư M’ngar. Cư tiếng Ê đê là núi và M’ngar nghĩa là bông hoa.  Cách Quảng Nhiêu khoảng  dăm cây số,  tiếp tục đi thẳng về hướng Bắc sẽ gặp những đồn điền cao su bạt ngàn, trước năm 1975 thuộc sở hữu của một doanh nhân gốc Ý thì phải: đồn điền Mê van (Meval) và đây cũng là tên một nhà tù sau năm 1975, Trại Cải Tạo Mê van. Nơi đây tôi “hội ngộ” 4 thày của trường Trung học Tổng hợp Banmêthuột: Thày Cao Bính Giáo sư Sử Địa (mà tôi đã có dịp nói qua), Thày Nguyễn đình Liễn Tổng Giám thị, Thày Nguyễn văn Phúc Hiệu trưởng Trường Trung học Tỉnh Hạt (ở Hòa Bình) và thày Nguyễn đức Thông Giáo sư Triết.
Cuối năm 1976, tôi và các bạn được chuyển từ Trung Tâm Cải Huấn (nơi tôi gặp thày Trần đại Hiền) vào Trại Cải Tạo Meval. Đầu tiên –không biết vô tình hay hữu ý- người ta chuyển chúng tôi vào phân trại B. Nói thêm để các bạn biết: ở trại cải tạo Meval có hai phân trại: 1/ Phân trại A dùng để giam giữ tù chính trị, quân nhân và viên chức chế độ cũ. 2/ Phân trại B dùng để giam giữ tù hình sự, đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma túy, nhiều tay anh chị một thời. Phải chăng người ta định sử dụng hạng người này để răn đe trấn áp chúng tôi!? Hai trại này nằm đối xứng hơi xéo nhau qua một con suối, con suối này bắt nguồn ngay tại trại cải tạo Meval và càng ngày càng rộng chảy về xuôi. Con suối này được cả 3 thành phần dùng chung (ăn uống tắm rửa): đầu tiên là công an (vì trại công an nằm ngay ở nơi phát nguồn con suối), liền kế đến là tù nhân ở phân trại A và sau cùng -cách đó một khoảng- là phân trại B. Sau một thời gian người ta chuyển phân trại B qua liền kề với phân trại A hướng cùng bờ không còn đối xứng nữa; đồng thời chuyển chúng tôi qua phân trại A ở luôn -có lẽ thấy không hiệu quả vì tù nhân hình sự rất thương chúng tôi và chúng tôi “giáo hóa” được chúng-. Ở trại A đó tôi gặp các thày.
Như tôi đã có dịp trình bày: thày nào cũng đáng kính cả nên tôi xin được trình bày theo alphabet: hôm nay tôi nói về thày Nguyễn đình Liễn lúc đó làm Đoàn phó (một chức danh mô tả vị trí thứ nhì của đại diện giữa tù nhân và cán bộ công an). Ấn tượng về thày Liễn đối với tôi là những chiếc bánh qui tròn tròn be bé mà tôi đã được thày cho hoặc gởi anh Hưng (một sĩ quan QLVNCH, lúc đó là Đoàn trưởng tôi gọi là chú Hưng, cũng là một đại diện của tù) lén lút trao cho những khi được cấp khẩu phần cháo loãng của tù biệt giam (công thức của cháo loãng là: một ít cháo đặc được nhà bếp tù nấu cho các tù nhân bị bệnh trộn thêm rất nhiều… nước lã. Như vậy phần cháo của tù biệt giam không những đã ít: chỉ khoảng 1 chén con, trắng nhách và có thể đếm được chỉ mươi mười lăm hạt gạo nở toác mà còn không được nấu một cách tử tế nên không có độ “quẹo” của cháo). Tôi nhớ điều này rõ như in vì chú Hưng lúc đó (được trách nhiệm mở cửa biệt giam) nói với tôi: ”Của thày Liễn gửi cho Hùng”! Những chiếc bánh quy be bé ấy là phần “lương thực chiến lược” để tôi có thể sống tạm trong giai đoạn ấy. Tôi đã nhâm nhi những chiếc bánh quy ấy với tất cả sự dè sẻn, thích thú và cảm nhận được ”sự ngon” tuyệt vời của chúng. Những chiếc bánh quy ấy được dấu công an và đưa đến tôi với cách sau đây: bánh được chú Hưng lẩn vào cạp quần (ở trong trại, tù nhân mặc quần áo tù và quần giống như một dạng pyjamas) và trong lúc mở khóa cửa để cấp cháo, chú ghé sát vào cửa biệt giam và kéo nhẹ quần để bánh tuột ra trong lúc viên công an vì mùi hôi thối đặc trưng của phòng biệt giam thường chỉ đứng ngoài cửa chứ không bước sát vào. Vài lần cấp cháo như thế tôi được thêm dăm bảy cái bánh lương thực chiến lược và thế là tôi sống. Đây là một ơn lớn đối với tôi. Tôi viết lại những chuyện này như một lời tri ân thầy Liễn và chú Hưng đã giúp tôi trong một giai đoạn nghiệt ngã của cuộc đời. Việc thày Liễn và chú Hưng làm nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị phạt. Thế mới thấy nghĩa cử của thày Liễn và chú Hưng là rất thương tôi và rất dũng cảm. Vừa rồi khi gặp thày Liễn về thăm Việt Nam tôi có nhắc chuyện này nhưng thày không nhớ, tôi cũng hỏi thăm chú Hưng nghe nói cũng đi Mỹ diện HO nhưng thày cũng không có thông tin gì về chú ấy nữa... Cũng đúng thôi, ở đời mấy ai nhớ đến chuyện mình đã làm ơn cho người khác đâu, nhưng kẻ thọ ơn phải nhớ.
Đúng là đời tôi đã gặp rất nhiều may mắn, trong hoàn cảnh nào cũng gặp được ân nhân. Cám ơn đời đã cho tôi nhiều may mắn, cám ơn quý ân nhân đã cách này hay cách khác đã từng giúp đỡ tôi. Mong cuộc đời sẽ thay tôi trả ơn cho họ.
Saigon, kỷ niệm 37 năm ngày ly tan ấy
Đỗ Thế Hùng 10/3/2012

2 comments:

  1. Cuộc đời dâu bể thăng trầm đã xui khiến thầy trò hội ngộ trong "tù" như thế, thay vì chỉ gặp nhau nơi Cửa Khổng Sân Trình . Thật xúc động khi đọc bài viết của Thế Hùng và cảm phục lẫn kính mến những vị thầy xưa (không dễ để lén lút gởi món quà đặc biệt như thế cho học trò đâu !)

    Trò: Kim Hương

    ReplyDelete
  2. Anh Hùng có trí nhớ thiêt tốt .
    Nhiều người đã trải qua lại không muốn nhớ tí nào !
    Phibao

    ReplyDelete