Monday, March 26, 2012

Cuộc Gặp Gỡ Với Nhà Thơ Phạm Thiên Thư

Kính thưa Thầy Cô,
Các bạn thân mến,

Trong những ngày còn đi học, vào những năm 70 chúng ta thường được nghe những bài nhạc dược phổ từ thơ, đã làm xao xuyến bao trái tim đang lớn. Cho đến bây giờ chắc chắn trong chúng ta vẫn có nhiều bạn còn nhớ và nghêu ngao các ca khúc của Phạm Duy, viết từ thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, để thấy lòng bồi hồi nhớ về Thầy Cô và trường cũ với bao kỷ niệm thân thương. Mặc dù đã mấy mươi năm trôi qua, trái tim tụi mình đã già và chai lì theo năm tháng với bao biến cố của dòng đời.

Thời gian gần đây nhờ có diễn đàn này mà tụi mình lại được gặp nhau, tạm quên đi mọi lo toan khó nhọc "cơm, áo, gạo, tiền" để  có dịp tỏ lòng biết ơn Thầy Cô, để vui cười với nhau, và nhất là dạy nhau tập tễnh làm thơ. Đôi khi sai vần, lạc điệu vẫn cứ làm, để có cơ hội được làm tám với nhau. Cuộc đời vì thế bỗng thú vị và vui hơn biết bao nhiêu, dù cũng có lúc có chút xíu gì đó làm ta có vẻ hơi hờn hờn như ngày còn bé, nhưng rồi lại hiểu và càng thân nhau hơn phải không các bạn già thân yêu ơi.

Bây giờ Nam Đà xin nhường lại cho cô bạn có tính lãng mạn từ ngày còn đi học. Bạn Hồng A sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc gặp gỡ đầy thú vị với nhà thơ lớn Phạm Thiên Thư, mà Nam Đà cứ tưởng là bạn của Thanh Hương ke... ke...

                  Hỏi con vạc
                  đậu bờ kinh
                  cớ sao lận đận cái hình không hư
                  vạc rằng
                  thưa bác Thiên Thư
                  mặc chi cởi áo
                  thiền sư ỡm ờ
                      (thơ Phạm thiên Thư)

NamĐà viết lúc 2h sáng 27 tháng 3 năm 2012


Cuộc gặp gỡ với Nhà thơ PHẠM THIÊN THƯ

9g30 sáng ngày thứ bảy 24/03/2012 Thanh Hương hẹn gặp Nam Đà và Hồng uống café ở một quán “hay lắm”. Đi loanh quanh một hồi đến nơi, quán Hoa Vàng trong cư xá Bắc Hải. Con đường yên tĩnh, ít xe cộ qua lại. Quán nhỏ đối diện là lề đường tỏa mát bóng cây, ngồi uống café ở đây rất tuyệt, không gian lắng đọng có thể ngắm được một góc mây trời ở đất Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt này. Nam Đà và Hồng rất bất ngờ vì chưa biết là sẽ hân hạnh được gặp gỡ nhà thơ lớn của Việt Nam: thầy Phạm Thiên Thư, tác giả những bài thơ trẻ và lạ làm rung động bao trái tim của những người ở thế hệ tụi mình… Hồi còn đi học, Hồng ngưỡng mộ nhà thơ Phạm Thiên Thư lắm! (Cũng vì vậy Hồng cũng đã làm thơ từ ngày đó dù  chỉ là" thơ thẩn").

Như ca khúc trữ tình “Ngày xưa Hoàng Thị”, lời thơ gần với thơ dân gian được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

                   Em tan trường về
                   Đường mưa nho nhỏ…

Hoặc hình ảnh của anh chàng trí thức ngang ngược trong bài “Đưa em tìm Động Hoa Vàng”:

                   Rằng xưa có gã từ quan
                   Lên non tìm động hoa vàng…

Dưới bóng cây râm mát, thầy ngồi an nhiên tự tại. Mặc dầu đã 72 tuổi nhưng thần thái linh hoạt, bước đi nhanh nhẹn, trông còn tráng kiện lắm, đọc sách không cần đeo kính lão. Sau lời giới thiệu của Thanh Hương, Hồng và Đà chào thầy, rất vui mừng vì cuộc gặp duyên kỳ ngộ này. (Nam Đà giật mình  vậy mà cứ tưởng bạn làm thơ với Thanh Hương)

Phong cách thân thiện, ăn mặc giản dị, thầy trò chuyện với tụi Hồng về tiếng thơ, tiếng cười, tiếng đời. Thầy có nhiều kỷ lục độc đáo như thi hóa kinh Phật, làm tự điển cười như một liệu pháp chữa bệnh và chẳng quan tâm đến công danh. Thầy có một niềm yêu thích duy nhất đó là đi làm từ thiện.

Cuối tháng 6/2011 thầy và nhạc sỹ Phạm Duy đã tổ chức buổi thơ nhạc “Chắp cánh ước mơ” gây quỹ xây dựng trường cho trẻ tự kỷ tại khu Văn Thánh Sài Gòn rất thành công.

Thầy vui vẻ tâm sự về ba cuộc hôn nhân của thầy, những điểm tương đồng giữa thầy và cố thi hào Nguyễn Du. Những tác phẩm đã xuất bản có tập thơ “Đoạn trường vô thanh” đoạt giải nhất năm 1973 nhưng thầy không đi nhận giải thưởng. Động Hoa Vàng là tập thơ lục bát – rất Việt Nam “thơ chỉ đi một mạch không từng dứt, mạch chuyển như suối chảy xuôi" (Tam Ích), và người đọc thì cứ ngây ngất, phiêu bồng, lãng đãng.

Ngoài ra, thầy còn sáng tạo ra phương pháp chữa bệnh hạn chế dùng thuốc để cứu giúp những người nghèo khổ không có tiền mua thuốc đắt tiền gọi là Điển công Phattata (Pháp Thân Tâm).

Thầy mời dùng một đĩa sim rừng tím ngọt, lần đầu tiên Hồng được ăn đấy, lại nhớ đến câu ca dao:

               Đói lòng ăn nửa quả sim
               Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Hương, Hồng, Nam Đà chào thầy ra về, xin hẹn gặp lại vào hôm sau.

Trưa hôm sau, chủ nhật ngày 25/03/2012 Hồng và Nam Đà đến gặp lại thầy Thư, xin chữ ký của thầy ghi trong tập thơ Động Hoa Vàng và xin được chụp hình lưu niệm với thầy.

Niềm vui cứ dâng trào vì được gặp gỡ nhà thơ lớn mà Hồng lâu nay hằng ngưỡng mộ!

Hồng A

Tái bút: Nam Đà nghĩ là "Nói có sách mách có hình", nên trưa sài gòn trời nắng chang chang, cũng ráng chở Hồng A đi xin chữ ký và chụp hình lưu niệm vói Nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đến nơi ông đang ngủ. Hai tên ái mộ bèn ngồi uống "rượu" trắng làm thơ giữa cái nắng của mùa hè đỏ lửa  ke... ke... Các bạn đón coi những vần thơ nóng hổi này nhe!!!




Nam Đà và Hồng A bên cạnh thi sĩ Phạm Thiên Thư




Thi sĩ Phạm Thiên Thư đang ký vào tập thơ Động Hoa Vàng






Nam Đà và Hồng A với tập thơ Động Hoa Vàng
có chữ ký của thi sĩ Phạm Thiên Thư


2 comments:

  1. Chà chà, thú vị nhỉ!!!
    Như vậy là Hồng A và Nam Đà có hứng thêm, làm thơ nhiều hơn nữa phải không ?
    Chi a vui với hai bạn nhé .
    Cái Oanh :-)

    ReplyDelete
  2. wow wow .. thiệt là ngưỡng mộ 2 chị của em ... tiếp tục "sự nghiêp vĩ đại" này 2 chị nhé .. yeah yeah ... em cứ nhớ mãi cái câu "cười đến kiệt sức" .. hình như đây là câu nói "bất hữu" của 3 chị em mình nhỉ ... hi hi hi.. .take care nhé 2 chị. Em Uyên

    ReplyDelete