Lớp phó 10B1
Nguyễn Thị Ngọc Ánh lặng lẽ ôm chồng bìa Thành Tích Biểu phát trả lại
cho từng người trong lớp. Cả lớp im phăng phắc nghe thầy dạy môn Vạn Vật
Nguyễn Đình An mắng cho các anh,
các chị làm người lớn... dám ghi tên giáo sư trống không... Bốn năm qua
chúng tôi đều vô tâm, vô ý ghi như vậy. Nhưng nay khác rồi, ai nấy đều
giở Thành Tích Biểu ra, ghi thêm Ông hoặc Bà trước tên các giáo sư. Môn
học Việt Văn: Ông Nguyễn Giõng, Công Dân Giáo Dục: Ông Cung Kim Trạch,
Sinh Ngữ I: Ông Bùi Dương Chi, Sinh Ngữ II: Bà Phạm Thị Ngọc Thanh,
Lịch Sử Địa Lý: Ông Cao Bính, Toán: Ông Dương Quang Định, Lý Hóa:
Ông Hoàng Trọng và cuối
cùng Ông... đang dạy chúng tôi một bài học làm người...
Năm học này,
mấy chị nữ ngồi bên trái, mấy anh nam bên phải có ngồi lấn thêm bàn cuối
bên nữ. Tôi chú ý ngay mấy bạn nữ giỏi toán Nguyễn thị Lương, Nguyễn thị
Bích Thủy, Lê Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Minh. Những bạn cũ giỏi toán vẫn
còn nhiều, Trần Văn Chấn, Trần Trọng Sự, Phạm Văn Chinh, Trần Văn Bình,
Nguyễn Quang Ninh, Ngô Văn Dũng, Hoàng Trọng Kỳ. Và tôi quen ngay những
người bạn mới toanh từ các trường khác sang. Bên La San có Từ Đức Long,
Lê Văn Tuấn. Bên Hưng Đức có Nguyễn Việt Trung, Vũ An Dương. Bên Bồ Đề
có Nguyễn Ngọc Sơn. Sự gắn kết nam nữ, lạ quen... thân dần theo
từng ngày... từng giờ học với nhau.
Mấy
ngày nay, cả lớp lao nhao đi tìm đá theo bài học về cấu tạo địa chất mà
thầy An cho làm bài tập. Ngô Văn Dũng dẫn tôi, Ngọc Sơn và thêm mấy
bạn nữa, đi tìm đá ở trên mấy ngọn đồi phía Duy Hòa quẹo vào. Sau
khi tìm thấy đá hoa cương, chúng tôi đã tìm ra những viên đá thạch
anh trong suốt, hình trụ nhọn đầu nho nhỏ, mọc tua tủa trên nền nham
thạch trắng đục như sữa. Cả bọn cùng hưởng cảm giác thích thú khám
phá trước thiên nhiên. Riêng loại đá huyền vũ cứ tưởng dễ kiếm vì cả
vùng đất đỏ bazan mầu mỡ mình đang sống là do thiên nhiên biến đổi từ
loại đá này. Hóa ra không phải những viên
đá xanh làm đường hay đá cuội đào giếng. Lớp 10B1 chúng tôi lại kéo
nhau đi dã ngoại, theo con suối dẫn lên hướng thác Nhà Đèn, tìm những
viên đá đen nhanh nhánh. Đây cũng là dịp các bạn nam quan tâm đến các
bạn nữ nhiều hơn...
Ngọc
Sơn vừa vào lớp đã bị tôi ngoắc lại xem Trần Văn Bình sắp sửa làm thí
nghiệm Hóa học. Tất cả vật dụng đều do bạn ấy tự kiếm, một hộp vuông bằng
nhựa đựng nước muối, hai lõi than chì lấy từ pin bỏ đi làm hai cực, gắn
dây điện vào cục pin PC vuông... Các bạn đến lớp sớm bu quanh anh chàng
Bình, khen rối rít khi thấy bong bóng nước li ti xuất hiện
ở một đầu than chì. Đây là bài học điện phân dung dịch NaCl không màng
ngăn, tạo ra nước Javel và có khí Hydro thoát ra ở catot (cực âm). Lời
khen được lớp hưởng ứng thuộc về các bạn nữ... mai mốt bà xã của Bình
được nhờ rồi đấy! Khỏi tốn tiền mua nước tẩy!
Hội Xuân năm Nhâm Tý, trại 10B1 đã xóa tan mọi e dè, nghi ngại còn sót
lại của ai đó trong lớp. Tiếng cười, tiếng nói cứ vang vang tự nhiên vô
tư. Nhìn chị Bích Phượng cười... sao mà hiền hậu lạ kỳ. Á hậu Mai Loan
thì xinh đẹp khỏi nói. Chị Ngọc Ánh tóc ngắn khoẻ khoắn dân thể thao.
Mấy tiểu thư đài các hát hay như Thúy (Hoàn Toàn), xốc vác chuyện bếp
núc như Thu Hương... nhiều lắm... ai cũng có nét riêng đáng yêu của mình.
Cái tập thể tự nó lôi cuốn mọi người lại với nhau. Nó làm cho bạn
Nguyễn Thị Lương mất đi vẻ lạnh băng ít nói của mình. Nó khiến các tiểu
thư Lê Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Nguyệt trở nên rất chịu chơi, mượn xe
công vụ phục vụ cho lớp... mà
không biết có xin phép ở nhà chưa nữa. Trực ở trại, thích nhất được
ngồi nghe các bạn hát, Trần Văn Bình, Võ Thành, Đỗ Văn Dư, Lê Văn
Tuấn... cùng với Phùng Tất Đạt, Trần Văn Can bên 10B2 sang, hát say sưa.
Những ca khúc của Phạm Duy, tình khúc Trịnh Công Sơn, Lê Uyên
Phương... chuyển qua Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... Những bạn khác như
tôi ngồi nghe thích câu nào thì hát ké theo thêm vui. Có hai bài không
ăn nhập vào đâu nhưng hầu như cuộc vui nào cũng hát, đó là bài Tiếc
Thương và Người Yêu Tôi Bệnh. Cuối cùng trước khi tan hàng là những bài
chỉ cần hát to thôi... Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ... Về Với Mẹ Cha... "Từ
Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau cho non nước
xây cầu..."
Những gốc
phượng gồ ghề đầy vết tích học sinh, nằm yên lặng trong sân trường, đếm
thêm một mùa hoa rụng. Mùa hè đi qua trường tôi nhẹ nhàng... đi qua
thị tứ Ban Mê hiền hòa, bình an... Nhưng ở những nơi khác thì được mệnh
danh là Mùa Hè Đỏ Lửa, và hơi nóng của nó lan tỏa một cách khủng khiếp
biến thành những cơn lốc thổi vào mùa khai giảng năm đó... Nó hất tung
các lớp 11 trong trường... Nó điểm chết tên từng con ngựa chứng sẽ phải
rời sân trường... làm dang dở bao cuộc đời học sinh.
Lớp 11B1 có những
bạn biết trước mình phải xếp bút nghiên, Trần Văn Chấn, Trần Trọng Sự,
Ngô Văn Dũng, Hoàng Trọng Kỳ, Vũ An Dương, Nguyễn Ngọc Lễ, Nguyễn Văn
Đệ, Bùi Hùng, Nguyễn Phi Đối... Và
bạn ngồi cạnh tôi là Nguyễn Ngọc Sơn, hiền lành như con gái, cũng
rời trường vào đầu năm sau. Tất cả vẫn đi học bình thường, hy vọng có
điều kỳ diệu nào đó xảy ra, xóa đi cái Lệnh Tổng Động Viên để mình được
tiếp tục ôm sách vở tới trường. Thời Khóa Biểu của lớp 11B1 học buổi
sáng nhưng vẫn có giờ học buổi chiều. Trong đó có giờ của thầy Phú Thành
Sang dạy Pháp Văn và của thầy Phạm Văn Phước dạy Vạn Vật.
Một buổi
chiều đầu giờ, Ngọc Sơn mang ổ khóa mới lên khóa lớp lại. Cả lớp phải
chịu theo trò nghịch của nó, cũng xếp hàng khi thầy Sang đến, và...
không biết gì đâu thầy ơi. Thầy Giám Học Bùi Thế Vĩnh xuống quyết định
cho bác Cai phá khoá... Do thấy vui nên học mau thông... cuối giờ thầy còn
hát cho lớp nghe bài Tiếng Sáo Thiên Thai...
Một buổi
sáng, đến giờ học môn Anh Văn của thầy Trần Đại Hiền, thầy cầm phấn viết
lên bảng... hình như phấn bị ướt... thầy bỏ đi, lấy viên khác... vẫn không
ăn bảng. Thầy quay xuống lớp cười cười... dạy không cần bảng. Cả lớp
cũng nhìn thầy với đôi mắt mở to như nói... không biết gì đâu thầy ơi.
Cái bảng ấy đã được Ngọc Sơn và bạn Long bôi lên một lớp dầu (dùng để
pha sơn), và tụi nó đã viết thử... không phấn nào cho ra chữ. Không khí
vui vui lan tận cuối giờ. Thầy thích nghe học trò hát, thầy nhịp chân
theo tiếng hát của bạn Nguyễn Thị Thúy. Bạn ấy hát bài Xuân Thì rất
truyền cảm, nhưng cảm đến mức nghe ngơ ngẩn như Từ Đức Long
thì... chịu bạn đấy!
Đỉnh điểm
những trò nghịch ngợm rơi vào chiều hôm đó. Vẫn là Ngọc Sơn và bạn Long
vận động cả lớp trốn hết ở bên ngoài chỉ để hai con tin là Nguyễn Thị
Lương và Nguyễn Thị Minh ở lại. Nếu thầy Phước ở lại dạy thì tụi mình
xin vào báo đi trễ, còn thầy cho nghỉ thì đi chơi thác Nhà Đèn luôn. Lớp
11B1 nằm cuối bìa dãy lớp song song với đường Hùng Vương, nối với lớp
là sân đánh bóng chuyền, bước qua con đường nhỏ là quán ông Tựu.
Các đầu têu đang ở trong quán nhìn sang lớp... chờ đợi. Một số bạn bắt
đầu sợ phạt cấm túc định ra đầu thú, nhưng lại được Nguyễn Phước Cơ cháu
thầy Hiệu Trưởng và Phan Văn Quế em
thầy Nhạc trấn an... có gì tụi này nhận tội cho. Cả bọn đi chơi vẫn
thấy lo lo thế nào... Thầy Phước không báo lại cho Nhà Trường biết, có
lẽ thầy tha cho tội lần đầu, và tụi em biết chắc chắn... không có lần
thứ hai đâu thầy ơi.
Không có
điều kỳ diệu nào đến với Ngọc Sơn và các bạn. Thời gian cứ rút ngắn lại
chờ ngày đi... Cuộc sống có những dấu hiệu bất an của thời chiến. Dấu
hiệu đó đã len vào một buổi sáng trong trường. Cả lớp vừa ngồi xuống
chưa kịp học bài mới... Phía trước bàn Trần Văn Bình và Võ Thành ngồi,
một bạn nữ ú ớ ngã ra sùi bọt mép,chân tay co giật... Bạn Thành giành
lấy quyền săn sóc cho bạn ấy. Mọi người hốt hoảng theo tiếng còi hụ của
nhiều xe cứu thương, đang rú lên vội vã chạy về hướng Quân Y Viện. Lại
thêm tiếng la thét của mấy bạn nữ... Bích Thủy bị... Bích Thuỷ cũng bị nữa
rồi... Hơn một tiếng đồng hồ kinh
hoàng, cuộc sống trả lại sự bình an. Chỉ là ngộ độc nhẹ từ bánh mì của
lò bánh Âu Hóa, trong chợ trên đường Nguyễn Thái Học.
Ngọc Sơn dừng các trò nghịch trong lớp chuyển sang cùng lớp đi picnic.
Đi thác Nhà Đèn nấu cơm lam... đi rừng trúc ở Cầu 14. Nó muốn đi nhiều
hơn nữa như níu giữ tháng ngày còn lại làm học sinh. Một kế hoạch đi
chơi ngoài trời bằng xe đạp được đưa ra. Mỗi người một chiếc xe, tự mang
nước uống, đóng góp một ít cho Từ Đức Long mua bánh mì với muối tiêu đồ
hộp là xong. Đi khắp nơi... thăm trường Sư Phạm Cao Nguyên có thầy Sang ở
đấy, ngắm những hàng cây hoa Anh Đào, rồi đến Cốc Lâm Tuyền lội suối
mát trong... Những ngày khác, các bạn có mặt thường xuyên bên Ngọc Sơn,
Trần Văn Chấn, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Ngọc Lễ, Nguyễn Văn Đệ... là Đức
Long,
Nguyễn Việt Trung, Nguyễn Quang Ninh, Phạm Văn Chinh... Chúng tôi rong
ruỗi trên quốc lộ 14, thích chỗ nào thì dừng lại chỗ đấy, xuống tận bến
cát phía dưới cầu tắm sông, xem người ta lặn múc cát bằng thúng đổ lên
thuyền. Ngô Văn Dũng giỏi bơi lặn mượn kính bảo hộ, cầm thúng, chân đạp
vào thành cọc chữ A lấy đà lặn cắm xuống... trồi lên được nửa thúng. Mới
hay họ quen việc làm rất nhanh, thoáng cái là đầy thuyền con ngay... Tiếp
tục lại đi rong, khởi hành từ bùng binh Ngã Sáu, theo con đường Tự Do
lên cây số 3, đi cây số 5 chuyển hướng qua sân bay Hòa Bình, quay lại
nghỉ trưa ngắm cây khô trong hồ Trung Tâm, rồi tắt theo mấy vườn cây ăn
trái, vác xe băng rào ra ngõ Tình Thương ở Hòa Đông gặp quốc lộ
đi Nha Trang, vòng về lại cây số 3... chưa muốn về nhà... lại ngoặt lên
quốc lộ 14 thăm đồn điền CHPI... Đạp xe thong dong dưới những hàng cây
cao su thẳng tắp, tận hưởng những cơn gió thoáng mát trong lành... rồi
gặp một vạt cỏ xanh êm... quăng xe, ngả lưng xuống nhìn mây trời qua kẽ
lá... nghêu ngao hát... "đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ
cây..." ...Tất cả đều được Ngọc Sơn lưu giữ vào máy chụp hình của nó. Nó
chụp nhiều lắm, rất nhiều hình cho bạn bè, nhưng rất ít thấy nó trong đó...
Học xong giờ Sử Địa của cô Võ Thị Hảo cũng vừa tan trường. Mọi người trong lớp đã ra về, còn lại tôi và Ngọc Sơn. Nó lấy ra con dao nhíp nhỏ khắc dấu lên bàn... Cái thằng làm lại trò vặt thời nhỏ... biết sao được nó níu kéo điều gì khi ngày đi của nó đã cận kề... chắc nó hẹn một ngày về thăm lại chỗ học cuối cùng là đây. Tôi đi ra ngoài đợi nó, lòng thấy buồn lây... Từ khi Huỳnh Văn May rủ hai thằng xuống lớp 9, có bạn gái của May, tán gái thì lộ ra cả hai đều nhát như cáy... Không được như anh chàng May, ăn nói rất ngọt, nói như xin phép... để May nói... để May nói... cái này May nói cho nghe... Thế là Ngọc Sơn cứ đưa sách của chị gái nó cho mình mượn như bắt mình đọc khoán thay nó vậy. Nào là quyển Thi Nhân Tiền Chiến... đến tập thơ Dâng của R.Tagore... và đang chờ nó để lấy quyển Ý Thức gì đó của Phạm Công Thiện. Chẳng biết đọc có vào không nhưng phải nhận cho nó vui... Lâu quá không thấy nó ra, tôi quay lại nhìn qua ô cửa kính cũng kịp dừng tiếng kêu... nó đang ngồi lặng yên nhìn lên bảng, hai tay xoa vết dao trên bàn. Nó muốn ghi sâu vào miền ký ức và mong ước sẽ quay trở lại...
Nhưng
chiến tranh đã ngăn ước mơ của Ngọc Sơn lại, mãi mãi không cho nó quay
về sờ lại vết dao kỷ niệm đó nữa... Chiến tranh đã gọi nó ra đi... vĩnh
biệt dương trần... tuổi chưa đến hai mươi.
Những khoảng
trống bỏ lại trong lớp sau khi những con ngựa chứng rời sân trường, chất
chứa bao điều không nói. Chúng tôi vẫn viết tiếp trang vở học sinh của
mình... Những kỷ niệm xin gởi vào thời gian... Tiếng cười nói đùa vui lại
theo vào lớp học, nhanh chóng khỏa lấp dần những khoảng trống trong tâm
tư mỗi người. Các bạn nữ bàn tán về bộ phim mới chiếu, Mùa Thu Lá Bay
do Chân Trân và Đặng Quang Vinh đóng... nhắc cho nhau những bộ phim sắp
chiếu ở rạp Thăng Long, Romeo và Juliet, Bác Sĩ Zhivago, Chuyện
Tình... Trần Văn Bình đem lên lớp những tấm thiệp in nhạc nhỏ nhắn trong
lòng bàn tay, những nhạc phẩm phổ thơ Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất
Nhiên... nói về tác
phẩm Áo Tiểu Thư của Duyên Anh... Tôi rất ưa hóng chuyện anh chàng Bình
nói về con gái... rồi ngu dại hỏi những câu hỏi vô duyên. Thường bị
nó đánh mắng cho là "ngây thơ cụ"... con gái có mốt lên gấu, hở gấu là
sao? Thôi thì mình tự đi tìm... cho bỏ tức!
Tôi bước theo chân của bạn Nguyễn Thị Lương trên đường đi học về. Con đường Thống Nhất rợp bóng mát dưới hàng cây phượng.
Bạn ấy chẳng khác gì Ngọ trong bài hát... tóc dài... bờ vai nhỏ... đi dịu
dàng... tà áo vờn bay. Tôi đi sau chẳng ngại ngùng, nhìn thử xem bạn có
"mốt" gì không. Chẳng thấy có gì khác, kín đáo như nữ sinh trường Dòng.
Đi đến công viên vòng qua Biệt Điện, xuôi theo Dân Y Viện về hướng Trại
Mai Hắc Đế... Không một lần ngoái lại phía sau, đúng là dân giỏi toán!
Một buổi
chiều không chủ định, tôi chợt thấy bóng dáng cô bạn xóm trên, kịp đuổi
theo ngay tại ngã tư đường Thống Nhất với đường Lê Lợi. Một khoảng cách
an toàn đủ len lén nhìn phía sau. Không có "mốt" gì hết, mà lạc"mốt" nữa đằng
khác. Mái tóc đen dầy biếng chải với chiếc áo len màu xám thùng thình,
làm mất đi vẻ tươi trẻ của nữ sinh. Chỉ có những bước chân nhanh... là
học giỏi. Hóa ra cái vòng cấm địa mình vẽ là thừa vì cô nàng cũng tự
khoanh cho mình một vòng đáng ghét... Đến ngã ba nhìn sang đường là Tiểu
Khu Darlac, có con đường Nguyễn Du đi về phía sau lưng sân bóng. Bỗng
dưng ngập ngừng không theo nữa... cứ sợ ai đó bắt gặp... lo sợ không
không... Tôi rẽ phải đi dưới đường vắng người, dẵm lên những ánh nắng
chiều lay động, được vòm lá phượng ngăn lại làm mềm đi dưới chân. Hát
nho nhỏ cho mình nghe... nắng đợi chiều nắng say... nắng nhuộm chiều hây
hây...
Gần cuối niên học
72-73, Nhà Trường cho phép chuyển ban để sắp xếp lại lớp học. Lớp 11B1
đều chuyển sang ban A, chỉ có bốn người ở lại ban B, là Trần Văn Bình,
Phạm Văn Chinh, Nguyễn Quang Ninh và Từ Đức Long. Lần này tôi chọn theo
sở thích của mình chứ không phải do kém toán. Tôi đã lọt vào tốp sáu
trong lớp và được thầy giáo Chủ Nhiệm Nguyễn Giõng trao cho ba lần phiếu
màu đỏ. Thật ra cái vị thứ ở lớp trên này ít ai quan tâm chú ý, không
như thời Đệ Nhất Cấp, rất hãnh diện và được khẳng định rất lâu trong
lòng bạn bè. Nhưng dù sao nó cũng đánh dấu cho những cố gắng riêng mình,
thoát ra khỏi cái môn Toán, kém kém bao năm rồi. Mỗi
lần ngắm nghía tờ phiếu màu đỏ đó, y như rằng thấp thoáng phía sau là
bóng con nhỏ xóm trên, đang xòe một quạt những bảng danh dự trắng
trắng vàng vàng, vẫy vẫy chọc quê... Ký ức lui về thời cùng học ở trường
Tiểu học gần nhà, bọn con nít
chơi đùa với nhau chẳng phân biệt trai hay gái... Những trò chơi dân
gian ngày ấy... khi bị thua con gái thì tức... càng tức hơn nữa... bị lêu
lêu... con trai mà thua con gái... lêu lêu... Đã vậy rồi, cái bài hát
hay nhất trong năm cũng không chịu bênh mình, cứ nheo nhéo bên tai... người từ trăm năm... về như dao nhọn... Đến là khó chịu!
Người từ trăm năm
Về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm...
(Hết tập 4)
Phạm Đình Đạt
Tập 4 - Vết Dao
ReplyDelete- Với chút se buồn của năm tháng học trò, cái buồn theo chân các anh, các chi có vẻ "nhớn hơn" ...thước phim xưa trầm lại như dấu cái gì đó "riêng tây" của từng người, chút hồn nhiên, ngây ngô tạm bớt dần, xếp lại đi vào ngăn ký ức kỷ niệm, thấp thoáng đâu đó trong ngăn bàn, tập vỡ hé ra những tâm tư vụng trộm,...con đường có hoa muồng vàng ly ti rãi thảm từng sáng se lạnh...cho ai theo...Ngọ xóm trên...đứng vẫn trông vờ...rẽ lối kia...hay những đối thoại và cái ái ngại "sầu riêng"...một thời hoa niên.
- Biến động hè 72 dự báo cái buồn đậm dần ,...những cuộc chia tay bạn bè mà chẳng phải đợi hè sang, thu tới...biến động ra đi...không có ngày về...chưa kịp trao những gì bạn mình muốn nói...khắc vội tên mình như trốn chạy buổi chia ly, như níu kéo...ai đó về lại bên người...rất cảm động. Thời cuộc làm học trò mình già đi, phải đối diện thực tế của "lẻ sống nhân sinh". Tập 4. tác giả như muốn vơ lượm từng chút chút kỷ niệm dù nhỏ nhoi của bạn bè..."vội gấp-đong đầy"... nhớ thương...Những cảnh quay già dặn hơn, ngôn ngữ điện ảnh hơn mà không cần trau chuốt, thản nhiên đến độ hơn...vẫn nguồn âm thanh ấy, ánh sáng ấy rất bạn hữu mà lòng cưu mang...thương nhớ ! đẹp quá Đạt ơi !
- Từng nhân vật trong phim cá tính hơn, bản lĩnh hơn...rất dân "tông hợp"
- Vẫn tấm lòng lễ giáo Thầy-Trò, cũng nghịch ngợm nhưng "biết điểm dừng" làm cho Thầy thương bạn mến hơn.
"...Tôi rẽ phải đi dưới đường vắng người, dẵm lên những ánh nắng chiều lay động, được vòm lá phượng ngăn lại làm mềm đi dưới chân. Hát nho nhỏ cho mình nghe... nắng đợi chiều nắng say... nắng nhuộm chiều hây hây..." mình thích đoạn này...hay hay
- Hơi tiếc đoạn cuối hơi mờ mờ...
Thêm cho rõ :1. Lời Dâng của Rabindranath Tagore
2. Ý Thức Hệ Trong Văn Nghệ Triết Học của Phạm Công Thiện
Letti,bmt