THẦY NAM
Tưởng niệm hương linh thầy Huỳnh Nam
Tưởng niệm hương linh thầy Huỳnh Nam
Tôi còn nhớ bắt đầu học thầy năm 1967, năm tôi học đệ ngũ. Ngoài giờ học ở trường, tôi còn học thêm một cours thầy dạy kèm ở nhà riêng. Ngày ấy thầy còn độc thân, mướn một căn nhà ở gần cuối đường Y-Jut, kê vài cái bàn và băng ghế ở phòng ngoài cho bọn tôi ngồi học, còn phòng bên trong để ở. Bọn tôi không đứa nào dám bén mảng vào phòng này, chỉ đoán lờ mờ rằng bên trong được trang bị “xịn”, vì rằng trước khi vào lớp, đứng bên ngoài phòng bọn tôi đã nghe âm thanh giàn máy Akai vốn là máy thu phát băng thời thượng hồi đó, xập xình bài La Paloma…
Thầy đi dạy - gần như luôn luôn mặc áo trắng - bằng xe Mobilette, cũng đã là “oách” vào thời kỳ này rồi. Ít khi nào thấy thầy không có điếu Ruby trên tay, phòng học lúc nào cũng đượm mùi khói thuốc. Tôi nhận ra mấy đầu ngón tay thầy vàng ệch nicotine khi viết bảng. Đúng ra là tôi luôn theo dõi tuồng chữ viết của thầy mà phát hiện ra điều này. Chữ thầy nhỏ, gọn đều, tròn trịa, và đẹp lả lướt; những ai đã học thầy đều có nhận xét như vậy. Tôi mê môn vật lý thầy dạy, và cả môn toán nữa, cho dù dường như môn này là môn tay trái của thầy, nhưng thầy cũng dạy hay không kém. Chẳng hiểu phương pháp sư phạm thầy áp dụng hay hay chính vì cung cách thân mật, bông đùa khi truyền đạt làm cho một học sinh vốn tối dạ như tôi cũng chợt thấy rằng mình được khai hóa sau vài tháng học thầy. Tôi còn nhớ tiếng cười của thầy giòn và sảng khoái, phơi rõ hàm răng trắng đều. Thế nhưng ở lớp học chính khóa tại trường thì đừng hòng, đôi mắt sau cặp kính cận kia thường quắc lên; đứa nào tới số không học bài hay giải bài tập đều bị hứng trận mưa rào té tát không tiếc lời, bất kỳ là nam hay nữ sinh.
Rồi thầy dạy bọn tôi môn hóa học lớp 12, ban B, niên khóa 1970-1971. Năm cuối bậc trung học, sắp rời trường, tâm lý “đã là người lớn” khiến bọn nam sinh thích làm ngựa chứng: đa số vẫn chăm học (không học có mà chết!) nhưng cung cách vẫn tỏ ra nghênh ngang, bất cần đời, và thường xuyên nhảy cửa sổ giữa giờ học, chui rào ra ngoài đi uống café hay chơi lang thang. Nhiều thầy tỏ ra bực bội, bắt được là cấm túc nhưng vẫn không làm bọn nam sinh nao núng. Các thầy, có lẽ đã quen thuộc nên thông cảm, xem như chẳng có chi. Một lần thầy Tuấn đang giảng môn triết, viết gì đó trên bảng, bỗng nghe đánh “rầm” bên ngoài cửa sổ. Một nam sinh nhảy cửa sổ, hấp tấp thế nào té lăn cù bên ngoài cửa sổ, chắc là đau lắm! Mãi lát sau thấy thấp thoáng bóng một chàng chui rào chạy ra đường Hùng Vương. Thầy Tuấn giả tảng như không biết gì đã xảy ra, tiếp tục giảng bài, trong khi bọn con trai rúc rích cười. Thầy Nam cũng thuộc hệ cấp “không biết điều gì đang xảy ra”, không điểm danh nhưng vẫn duy trì nền nếp học tập nghiêm vì đây là năm thi. Thầy muốn tránh cho học trò căng thẳng thì đúng hơn. Tôi còn nhớ thầy thường vào lớp không mang sổ soạn bài, phong thái tài tử và dạy học như đùa: ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ. Có nhiều buổi học, sau mươi phút giảng và cho ghi tóm tắt bài, thầy tuyên bố: “Đứa nào lên đây đánh ca-rô với tao, còn những đứa khác, bọn bây muốn làm chi thì làm, miễn đừng làm ồn!”. Cả lớp chỉ chờ có thế là mở vở ra, lập “sòng” riêng. Hình như chưa đứa nào trong bọn tôi thắng được thầy ván nào, mặc dù thấy luôn nhường cho đi trước. Đây là tuyên bố mà bọn tôi rất thích, đơn giản vì đứa nào cũng chăm chỉ học hành, nhưng vẫn tỏ ra ta đây không “gạo”. Ba mươi năm sau, tình cờ đọc được câu nói của một vĩ nhân sư phạm, tôi hiểu ra vì sao mình thích học thầy Nam đến thế: “Good teaching is one fourth preparation and three-fourths theater.”
Ngày còn nhỏ có lần tôi được dẫn đi ngang trường Nguyễn Tường Tộ, tiền thân của trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột. Tôi còn nhớ rất thích chiếc phù hiệu có hình con voi các anh chị học sinh đeo mà ngày ấy tôi có cảm tưởng rằng các anh chị rất lớn rồi, rất “quan trọng”. Anh trai tôi, Phùng Ngọc Long, cũng học trường này từ năm đệ thất đến năm đệ nhị. Ngày ấy tôi học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ và luôn nhìn anh mình trong bộ đồng phục xanh dương bằng cặp mắt ngưỡng mộ. Sau này cũng đã nhiều lần đi qua con đường dẫn đến trường, dưới hàng muồng rợp lá xanh và hoa vàng. Còn nhớ rõ những dãy lớp trệt, nền cao, mái đen xỉn rêu phong, sân trường nhiều cỏ và phượng đỏ thắm hoa khi hè về. Tôi còn nhớ tấm hình anh trai tôi chụp chung với lớp năm đệ ngũ cách đây 42 năm (1963). Nếu có ai đó xa Ban-Mê-Thuột lâu, có dịp quay trở lại sẽ bàng hoàng vì những gì còn lưu lại trong ký ức sẽ phút chốc bị xóa sạch bởi những khối nhà bê-tông đồ sộ, nghễu nghện mái nhọn hoắt, đỏ chót; hoặc sân trường khi xưa mình chơi đùa nhảy nhót dưới tán cây cầy thì nay là dãy chợ san sát không ngờ. Hai vết tích giáo dục ngày xưa nay đã bị xóa mất. Đã từ lâu tôi mất đi cảm giác thân quen khi đi qua đây, hay bước vào sân trường Tổng hợp. Cố nhân còn lại không còn mấy ai. Cảm ơn trời đất còn để thầy Nam ở lại, để tôi còn có dịp đến thăm và gợi lại chuyện xưa, nhắc lại ngôi trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột.
Đó chính là lý do tôi viết về thầy Nam, dẫu rằng còn nhiều thầy cô khác đã khai trí cho tôi mà tôi có bổn phận phải nhớ: cô Cầm, thầy Tùng, thầy Lô, thầy Dũng, thầy Sỹ, thầy Các, thầy Nội, thầy Sơn, thầy Lan, thầy Chi, … Khi rời trường lên đại học tôi ít khi gặp lại thầy cô cũ. Tết năm 1975 tôi đến thăm thầy Nam, lúc này ở bên hông trường Tổng Hợp, đường Nguyễn Công Trứ. Thầy đã có hai con: Alpha và Bêta - thật đượm màu toán học! Biết tôi đang học tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, thầy cười bảo: “Sau này về đây làm việc, anh giúp tôi làm giấy tờ, thủ tục hành chánh nhé!” Lúc đó tôi cứ ngỡ sau này sẽ giúp thầy làm chuyện vụn vắt ấy thật…
Bốn năm sau, khoảng tháng ba năm 1979, được tin thầy đang lao động tại nông trường Buôn Triết, cách huyện Lac vài cây số, tôi viết thư thăm thầy, kèm theo một vài món hàng mà những ai đã sống qua thời kỳ bao cấp, khó khăn, thiếu thốn đó đều rất “trân trọng”: thuốc lá, đường, kẹo, trà, vốn là những thứ cần thiết sau cơm độn, canh rau, cá khô, xem chừng như là hàng xa xỉ đối với ai phải lao động chân tay, vận hành cơ bắp. Tôi cũng đi lao động ở đây sáu tháng nhưng không gặp thầy, vì lúc đó thầy đã “mãn hạn”, trở về tiếp tục dạy học. Nghe nói trong trại lao động của thầy, có người nhớ con cái quá, giờ rảnh lấy đất sét nặn tượng chúng, rồi đề tên để ngắm cho đỡ nhớ… Riêng thầy Nam vẫn bầu bạn với cây đàn mandoline. Ngày còn học thầy, thỉnh thoảng nghe thầy độc tấu bài “Sơn nữ ca”, tiết tấu vui nhộn, dường như là bài ruột của thầy.
Cuối năm này tôi bỏ nghề dạy học, học nghề tiện kim loại, và làm nghề này trong mười hai năm. Tôi vật lộn với sinh nhai, không mấy khi gặp lại thầy sau đó, nhưng nghe mang máng rằng thầy đông con lắm: … Gamma, và tiếp theo còn nhiều, nhiều nữa, để sử dụng… cho hết mẫu tự Hy-Lạp! Thầy vẫn dạy ở trường xưa, nhưng kinh tế khó khăn lắm. Cô Nam cùng thầy nuôi con ăn học. Một hôm chợt thấy thầy xuất hiện trước cửa hợp tác xã nơi tôi làm việc. Gặp lại thầy tôi mừng vô kể. Thầy nhờ tôi chế cho thầy một cái búa tạ và một cái thang sắt để trồng tiêu: thầy trồng ít cây café và tiêu trong sân vườn để cải thiện kinh tế gia đình. Tôi thật vui khi làm việc này, thay vì giúp thầy làm giấy tờ hành chánh như ngày xưa đã hứa! Thầy với tôi ra quán cóc uống café. Thầy vẫn hút thuốc nhiều như ngày nào, có điều thay vì điếu Ruby sợi vàng thơm phức là gói Lao-Động sợi thô, đen xì, nặng gắt, được phân phối theo tiêu chuẩn tem phiếu. Thầy không bao giờ nói về khó khăn của mình nhưng nghiệm từ bản thân qua xã hội đương thời, và nhất là qua sắc diện của thầy ngày ấy: ốm, hom hem, xuống sắc, tôi hiểu được hoàn cảnh sống của thầy thế nào.
Năm 1991, hợp tác xã tôi làm việc phải giải tán do làm ăn thua lỗ, tôi thất nghiệp về nhà trồng rau, nuôi heo, nuôi gà để… thất bại! Sau đó tôi đi làm thuê, hàng ngày cọc cạnh đạp xe đến tận đài phát thanh. Lương bèo bọt, nhục nhằn, tôi bỏ việc. Vợ chồng tôi xoay qua làm bánh dầy, con cái vừa đi học, vừa bán rong: kinh tế sáng sủa chút ít, dẫu rằng vẫn chỉ đủ đổ vào nồi cái phải ăn để tồn tại. Tôi lại đi làm thuê, lần này chỗ tôi làm đối diện với nhà thầy Nam. Trên đường đi làm ngược chiều mỗi sáng sớm tôi thường gặp thầy, tôi đi bộ, còn thầy
dùng lại chiếc Mobilette cũ ngày nào để đi dạy. Thầy nhìn tôi cười gượng, ái ngại và thông cảm.
Thầy mở lớp dạy thêm ở nhà, đứng bên này nơi làm việc tôi biết được điều đó. Cuối tháng con gái lớn chúng tôi cầm phong bì học phí trở về, báo rằng thầy không nhận và dặn rằng không được làm như thế. Tôi trồng được cây chuối già hương, quả to, cắt nải đầu biếu thầy. Hôm ấy không gặp thầy, nhưng lần sau vừa thấy tôi thầy đã nói: “Cô nói với thầy rằng có người học trò cũ biếu nải chuối, nhà ở Suối Đốc Học, thầy nghĩ hoài không ra. Cuối cùng thầy đoán rằng chỉ có anh, dù chưa nghe nói anh trồng chuối bao giờ…!” Thầy lại cười khanh khách, nhưng lần này tôi chợt nhận ra thầy đã hom hem nhiều so với tuổi: hàm răng trắng đều ngày nào nay đã xiêu vẹo, móm mém. Tôi nghe nói thầy sống đạm bạc, kham khổ, dồn lực kinh tế cho con cái học hành. Các con thầy đều học hành chăm chỉ, ngoan, giỏi tại Sài-Gòn. Có lẽ bức xúc lắm, vì mới giữa tháng thầy đã nhắc khéo lũ học trò học thêm đóng học phí vì: “Tôi có ba Việt kiều phải nuôi ở xa…” Đó là cách trào phúng cố hữu của thầy.
Thời gian này vợ chồng tôi có điều kiện đến thăm thầy đều hơn, ngày nhà giáo và tết Nguyên đán. Nhiều lần đến nhưng không gặp thầy, cô bảo thầy đi nghỉ sớm. Sau này tôi biết rằng thầy đau yếu luôn: bệnh phổi và hen suyễn. Bác sỹ khuyến cáo thầy phải tuyệt đối cai thuốc lá. Thế nhưng lần nào đến thăm, thầy cũng chìa gói thuốc ra: “Anh hút với thầy một điếu!” Tôi rụt rè nhắc lại lời bác sỹ nhưng thầy lại cười khanh khách: “Thầy không chết vì thuốc lá đâu!” Quay ra sau tôi thấy cô Nam đứng đó từ bao giờ, ra hiệu …
Năm 1995, tổ chức AUPELF-UREF thuộc Cộng Đồng Pháp Ngữ hợp tác với Bộ giáo dục Việt Nam tổ chức các lớp song ngữ Pháp-Việt tại nhiều tỉnh, trong đó có Darlac, và tuyển giáo viên dạy tiếng Pháp và các môn toán-lý-sinh vật bằng tiếng Pháp để dạy cho các lớp song ngữ này. Tôi may mắn trúng tuyển dù đã đoạn tuyệt với bút nghiên hai mươi năm rồi. Nghe tôi báo tin này thầy rất mừng và chúc mừng tôi. Năm sau tôi tập huấn sáu tháng ở Pháp. Trở về đến thăm thầy, biếu thầy một lọ cắm hoa và một số bưu hoa. Thầy rất thích, nhưng cứ hỏi gặng: “Sao anh biết thầy thích chơi tem mà tặng?”
Giai đoạn này ba cháu đầu của thầy đã tốt nghiệp đại học, đi làm, thế nhưng thầy vẫn cặm cụi dạy học nuôi bốn người con sau tiếp tục học. Thầy thường tâm sự với tôi: “Ba phần bảy là chưa quá bán. Chừng nào vượt được tỷ số này thì thầy mới yên tâm!” Tôi phụ họa: “Em cũng năm đứa. Em đang học tập và bén gót theo thầy đây!”
Thầy đau yếu luôn, có lần phải chuyển đi Sài-Gòn cấp cứu. Thầy đi không được, học trò phải bồng thầy lên máy bay: thầy ốm và nhẹ như lông hồng. Sau trận đau kịch liệt này thầy bỏ thuốc lá theo chỉ định của bác sỹ. Những lần tôi đến thăm, thầy thường ho dài cơn và sâu, kèm theo tiếng khò khè trong cổ. Thỉnh thoảng thầy lại lấy chai thuốc suyễn bơm vào cổ. Thế nhưng thầy vẫn vui, chuyện trò và cười nói như bắp rang. Có bữa tôi ngồi nói chuyện với thầy hơn hai tiếng đồng hồ. Lúc chào thầy ra về, thấy tôi mặc chiếc áo sơ-mi phong phanh, thầy buộc tôi mặc áo len của thầy cho ấm.
Tết Nguyên đán 2001 tôi đến thăm thầy. Vườn nhà thầy đầy hoa. Cội mai già trước sân nở rộ, bông ơi là bông! Thầy hân hoan khoe với tôi vừa sửa lại nhà, mở rộng thêm mấy phòng để chuẩn bị đám cưới của Bêta. Thầy dẫn tôi đi thăm mấy gian phòng vừa “nâng cấp”. Chỉ mấy cọc hàng rào sắt còn mới nguyên nước sơn nhà binh còn lại từ thời chiến tranh gác lên trần để làm đà, thầy cười nói: “Anh biết không, thầy mua chúng từ khi mới dọn về đây, cất giữ mãi bây giờ mới đem ra dùng. Của quý hiếm đấy!” Tôi cảm thấy thương thầy, thương cách sống đạm bạc của thầy, trân trọng triết lý “biết đủ” mà thầy trải nghiệm.
Tết năm sau đến thăm nhưng không thấy thầy, cô nói thầy bệnh. Tôi xin phép vào phòng thăm thầy. Thấy tôi vào thầy ngồi bật dậy, tươi cười nói chuyện. Tôi ép thầy nằm nghỉ nhưng thầy không chịu. Tôi chưa bao giờ thấy thầy bi quan, dù chỉ một mảy may. Lúc ra về, tôi nắm lấy tay thầy, hứa sẽ thường xuyên đến thăm thầy… Cánh tay gầy guộc, trơ xương. Đó là lần cuối cùng tôi gặp thầy.
Qua tết độ đôi tuần thì nghe tin thầy mất. Tôi không ngạc nhiên, chỉ hối tiếc rằng thầy đi sớm hơn tôi nghĩ, và rằng tôi chưa thăm thầy thường xuyên hơn. Những gì còn làm được là thắp cho thầy nén hương và tiễn thầy về với cát bụi.
Tôi vẫn đến thắp hương cho thầy vào ngày nhà giáo. Vắng thầy, căn nhà vốn thường yên tĩnh, nay lại càng tĩnh lặng hơn. Cô kể cho tôi nghe những năm tháng khó khăn, có lúc thầy tính bán nhà và đất vườn để lấy tiền cho con cái học hành tốt hơn. Sau này, khi cảm thấy giai đoạn nghiệt ngã nhất tạm qua đi, thầy căn dặn phải giữ lại nhà vườn nguyên vẹn. Dường như thầy đã quyết định chọn Ban-Mê-Thuột làm quê hương thứ hai. Căn nhà nơi đàn con thầy ra đời, tựa lưng vào khuôn viên trường Tổng Hợp Ban-Mê-Thuột, nơi thầy làm việc và sống hơn nửa cuộc đời của mình, gieo mầm giáo dục “dân tộc, nhân bản, khai phóng” cho nhiều thế hệ, cho biết bao học sinh mà thầy không đếm xuể.
Những năm sau này, mỗi lần thăm thầy, hai thầy trò thường nói chuyện nhiều hơn về giáo dục và xã hội. Tôi có cảm nhận thầy lạc lõng trong ngôi trường mà thầy tiếp tục làm việc sau một thời gian dài. Thầy đã cố gắng, như thường tâm sự với tôi, làm việc cho trọn năm trọn tháng cho đến ngày về hưu, để có chút hưu niên khiêm nhường. Buồn thay, khi chính thức được hưởng hưu bổng trên giấy tờ được vài ngày thì thầy nhắm mắt, nhà nước không tốn một đồng nào để cưu mang thầy. Có lẽ thầy cũng không lấy đó làm tiếc nuối. Phần thưởng cho nhà giáo cũng mong manh và dễ bị quên lãng.
Ngày còn đi học tôi không bao giờ nghĩ rằng sau này mình cũng sẽ là nhà giáo. Xã hội đẩy đưa tôi đến với nghề này, ấy thế mà càng lúc càng thấy khó dứt bỏ. Dần dà tôi thấy thích nghề hơn, gắn bó với học trò hơn, cho dù vẫn thường tự vấn: dường như tình thầy trò ngày xưa khác nhiều với bây giờ. Phải chăng căn nguyên do bởi triết lý giáo dục: “Human history becomes more and more a race between education and catastrophe.”
Phùng Ngọc Cửu
Ban-Mê-Thuột, tháng 2-2005
Kính gởi PhùngNgọcCửu
ReplyDeleteRất lâu được nghe lại giọng văn như nói, đầy chắt chiu ân tình nghĩa khí.
Tín rất vui được gặp anh dù qua blog cũng đủ rồi, song mọi "âu-tư" của anh-em mình vẫn Y hương.
Cám ơn anh đã có bài viết hay,"nghĩa tình ân sâu, trân quý Quý Thầy, Cô và thụ nhận độ lượng một tấm lòng hơn vàng" Tín cũng quý Thầy Cô Nam lắm, đã nhiều lần từng được ngủ ghế bố tại nhà Thầy thuê sau hẽm Phan Chu Trinh-Hoàng Diệu, sáng ăn cơm chiên rất săn, giòn kiếu xứ Quảng.
Tín đồng ý hoàn toàn về mớ bòn bon, rối rắm này :"-Lịch sử loài người ngày càng trở nên một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm họa. "
"-giảng dạy là 1/4 chuẩn bị và sân khấu ba phần tư "
Rãnh mail thường xuyên nhe anh Cửu.
Chúc anh an nhiên, vẫn tự tại nhé.
Nhớ anh !
letti,bmt
lá thư...trò Thầy Nam !
ReplyDeleteChào Tín,
Cảm ơn đã thư cho tôi.
Bmt-tuổi hoa niên-mái trường-thầy cô gắn kết lại thành mái che chung cho tuổi già, để mọi người cùng vào trú ngụ.
Tôi không mấy khi về lại BMT, dù hệ lụy vẫn còn đó. Rất mong có dịp gặp lại cố nhân.
Hồng cảm ơn Tín về comment dành cho bài thơ viết từ thời ...tôi chưa biết cô ấy!
Giữ gìn sức khỏe nhé.
Cửu