Wednesday, September 12, 2012

Về tấm hình Nguyển Quang Ninh gửi



Hôm đầu tháng 9, bạn Nguyễn Quang Ninh gửi về album của lớp một tấm hình xưa. Sau đây là một số kỷ niệm được các bạn Liên Hương, Quang Ninh và Trần Văn Bình nhắc đến khi nói đến tấm hình này.

***


Liên Hương

Dung ơi,

Dung hỏi Kim Oanh là có nhớ tấm hình này chụp ở đâu không. Hương chưa thấy Kim Oanh trả lời.

Cô nàng đứng bên phía tay trái - hàng đầu tiên - là Liên Hương.
Bên cạnh đó là Nguyễn Đình Hiếu.
Cô nàng đứng bên phía tay trái - hàng thứ hai - là Kim Oanh.

Xa xa, một chàng thư sinh đẹp trai đứng ở chính giữa - là Võ Thành.

Hình chụp khi các bạn tham dự trại hè ở Nha Trang.

....
....
Hương nhớ như thế nhưng không biết có thật chính xác không.
Hãy hỏi thêm chủ nhân của tấm hình: bạn Nguyễn Quang Ninh.
Và người có trí nhớ thật tốt là bạn Trần văn Bình. Bởi trong kỳ trại hè này cũng có Bình tham dự.

Liên Hương

***

Trần Văn Bình

Bình đang ở Vũng Tàu, thấy tấm hình nhớ ngày xưa cũ quá. Đây là hình trại hè Nha Trang cuối năm lớp 11 lên 12, hình chụp tại Kim thân Phật tổ với đơn vị Pleiku do thầy Bùi Đen hướng dẫn. Trong hình dễ nhận ra và đẹp nhất là Liên Hương hàng đầu bên trái. Trên hàng đầu Bình còn nhận ra Đình Hiếu, Nguyễn Hồng Long. Hàng thứ hai có Kim Oanh, xa về bên phải có Nguyễn Đình Hà, con thầy Lâm (đoàn trưởng Darlac, đoàn phó có cô Hải ở Sở Học Chánh), còn Bình lấy tay che nắng.

Ở giữa đúng là Võ Thành, bên cạnh là Nguyễn Tiến Dũng (đã mất), phía trên là Nguyễn Quang Ninh, Lý Quan Thái, cao nữa là Thầy Lâm giơ cao chiếc mũ bất hũ của Thầy. Số còn lại để lục lại trí nhớ xem sao. 

Lần đó Darlac đứng nhất về Văn nghệ, đứng chót về Kỷ luật. Bình bị ra hội đồng kỷ luật trại hai lần, một lần vị nhảy tường rào và một lần chọc cô giáo đơn vị Đà Lạt. Nguyễn Tiến Dũng một lần vì nghịch lựu đạn khói khi đi xe lửa ra Đại Lãnh, Tuy Hòa. Nữ sinh chỉ có 3 người nhưng một em ở trường Tỉnh hạt không thấy trong hình này. 

Lần đó ngoài những bài du ca quen thuộc trên sân khấu ngoài trời, Bình đã đệm đàn cho Kim Oanh hát bài Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy, phổ thơ Hữu Loan.

Ngày đó thơ mộng quá phải không?

Thôi Bình phải ra hiện trường chút xíu để sắp xếp cho anh em nghỉ nghe. Chúc các bạn an lành, hạnh phúc.

Trần Văn Bình


***

Nguyễn Quang Ninh

Dung và Hương thân mến,

Hôm trước Ninh gửi tấm hình đã phóng to và cắt góc có bạn bè để dễ nhận. Liên Hương nhớ đúng đấy (vì có Liên Hương mà) nhưng còn một số bạn nữa là Trần văn Bình, Ninh, Đình Pháp, Nghiêm đình Đãi, Ngọc Hiệp, Đỗ văn Dư, và một vài bạn dân tộc. Lớp trên của nhóm mình (67-73) có Nguyễn đình Hiếu, Nguyễn hồng Long (ở Thanh sinh công ), Đinh nam Sơn... Lớp dưới (69-75) có Phạm Long, Lý quang Thái, Nguyễn ngọc Hải... Trại hè của Cao nguyên Trung phần do sở Học chánh Khánh Hòa tổ chức từ ngày 7/6/1973 gồm các tỉnh Darlac, Pleiku, Lâm Đồng và KonTum (hay gọi là Phú Bổn?) do thầy Nguyễn ngọc Lâm (farmer Lâm) đưa đi.

Một điều thú vị là do số bạn nữ bên mình ít quá nên một số bạn nam (có Bình, Thành, Hiếu...) qua 'cua gái' bên trại khác, nhất là ở Pleiku, và bài hát làm Ninh phải thuộc lòng là bài: Còn chút gì để nhớ. Và lúc chụp tấm hình này (ở Phật Đài Nha Trang) thì Bình cầm (hình như là sợi dây chuyền đeo cổ) đưa lên và nói gì đó mà cả nhóm con trai đều cười và Kim Oanh đứng dưới cũng tham gia
    

Ninh chỉ có độc nhất tấm hình cũ này là lưu lại tuổi học trò (nhờ có cô em gái giữ) Còn lại kể cả sách vở đều bị mất hết ở năm 1976.
 
Ninh còn một tấm hình nữa không biết bạn Hồng A còn biết chụp ở đâu không?

Chúc các ban vui - khỏe. Thân ái. 


4 comments:

  1. Ninh thân mến,
    Kontum là Kontum, Phú bổn là Phú bổn. Cả hai không dính dáng gì đến nhau cả. Trước năm 1975 Kontum là tỉnh lỵ cuối cùng của Quốc lộ 14, muốn đến tỉnh này lúc đó có hai loại phương tiện: một là đi bằng máy bay Air Vietnam , hai là đi bằng đường bộ, mà một khi dùng đường bộ đã đến Kontum rồi thì không còn cách nào khác là phải quay lại Pleiku. Từ Pleiku có hai hướng đi: hoặc là trở ngược lại Quốc lộ 14 sẽ gặp BMT của chúng ta, trên đường trở lại bằng Quốc lộ 14 này cách thị xã Pleiku khoảng vài chục sẽ có một ngã ba (chút nữa Hùng sẽ trở lại ngã ba này). Bây giờ ta trở lại Pleiku một chút, từ Pleiku ngoài trừ đường 14 mà Hùng đã nói ở trên, còn một Quốc lộ khác để xuống miền biển Quy Nhơn Bình Định là Quốc lộ 19 đi qua đèo Măng Giang và An Khê. Trở lại ngã Ba ở Quốc lộ 14 Hùng đề cập ở trên, rẽ về phía trái là đường đi Phú Bổn, trước năm 1975 chính là tỉnh lộ 7, tỉnh lộ này là "con đường định mệnh đau khổ " mà các nhà "quân sự chiến lược "đã chọn để di tản khiến bao gia đình tan nát, ly tán; toàn bộ quân đoàn 2, quân khu 2 bị phục kích tan nát dẫn theo sụp đổ hoàn toàn miền Nam. Cho đến bây giờ chương trình "Như chưa từng có cuộc chia ly" của Đài truyền hình VIệt Nam thỉnh thoảng vẫn tìm được những người bị thất lạc kể từ ngày ấy, và bây giờ cũng còn rất nhiều gia đình đi tìm con trên cung đường 7 thời ly loạn ấy.
    Đỗ Thế Hùng

    ReplyDelete
  2. Còn tấm hình Ninh hỏi Hồng A chụp ở đâu, thì Hùng trả lời hình như ở thác Dray Sap, cầu 14, tỉnh Daklak cũ, nay là Dak Nông thì phải !?
    Hùng

    ReplyDelete
  3. Ninh ơi,

    Tấm hình này Ninh gửi về chụp trong chuyến đi chơi ở thác Dray-Sap Ban Mê Thuột ( nếu Hồng nhớ không lầm) vào năm 1991 phải không? Trong chuyến đi chơi này còn thiếu hình của Thế Hùng nữa đó.

    Thân mến
    Hồng A

    ReplyDelete
  4. Dray-Sap Ban Mê Thuột :
    Tín nhận ra Hàng đầu : Dư, P.Đạt, bé Khuê , 2 bạn tiếp không rõ, Hồng A, Kim Loan
    Hàng trên cùng : Tuyến ( Trần Bá Cường : hiện ở USA), không rõ, Nhuyễn Quang Ninh

    ReplyDelete