Tôi đã đọc thấy đâu đó người ta xác định rằng súc vật và ngay cả
thực vật cũng có “tư duy”. Vật nuôi cũng có nghĩa… Đề tài này cũng được phim ảnh
khai thác nhiều, đã có nhiều phim hay, cảm động về các vật nuôi ấy. Không biết
việc trên phim ảnh thực hư thế nào nhưng câu chuyện có thật tôi kể sau đây về
con chó nhà tôi khiến tôi không nghi ngờ gì nữa về việc ấy: đúng là vật nuôi
có tư duy và có nghĩa…
Chuyện
về Mi nô khiến gia đình tôi nhớ mãi…
Đó là một con chó lai -hình như- giống Akita của Nhật, cao lớn mập
mạp, màu trắng ngà có bớt màu sậm hơn ở cổ, sống với gia đình tôi nhiều năm. Buổi trưa, đang ngồi trong nhà bỗng thấy Mi nô đứng vụt
lên, vẫy đuôi và phóng nhanh ra khỏi nhà tôi biết ngay là ba tôi đi làm về. Quả
nhiên vài phút sau tôi thấy ba tôi và Mi nô xuất hiện. Mi nô đã chạy đón ba tôi
từ cách nhà khoảng hơn nửa cây số và ngày nào cũng như vậy nhiều năm trời, mùa
thu cũng như mùa đông mùa xuân cũng như mùa hạ, bất kể mưa nắng, dù rằng nhà
tôi nằm trên một đoạn đường hết sức ồn ào, đông đúc, dốc và có nhiều người lẫn
xe cộ lưu thông.
Tôi
không thể nhớ được do đâu mà gia đình tôi có con Mi nô này, chỉ biết rằng kể từ
ngày có Mi nô (khoảng sau năm Mậu Thân 1968) gia đình chúng tôi đã an tâm rất
nhiều về việc an toàn cho những đồ vật có trong gia đình mình, Mi nô đã chu
toàn “tuyệt đối” việc coi sóc tài sản cho gia đình tôi. Vấn đề ở chỗ, đây là bản
năng của Mi nô, gia đình tôi không dạy -thực ra là không ai biết dạy– Mi nô những
điều ấy. Và tôi nhớ chắc chắn cho đến ngày Mi nô không ở với gia đình tôi nữa,
Mi nô cũng chưa bao giờ cắn ai. Nhà tôi –cũng như các nhà khác ở khu đô thị-
thường có dạng ống: tức là chiều ngang nhà hẹp, nhưng chiều dài thì dài; phòng
bếp và phòng ăn của gia đình tôi được bố trí ở phần cuối nhà, cách khoảng 25m tính
từ cửa trước, thế mà không bữa ăn nào Mi nô có mặt ở phòng ăn, khi mọi người
trong nhà ngồi vào bàn ăn là lúc Mi nô lặng lẽ đi lên và nằm gác ở cửa trước,
điều này khác với các con chó khác thường thích quanh quẩn quanh bàn ăn hơn.
Khi có khách đến nhà nếu không có gia chủ Mi nô thường chỉ sủa ngắn 2 tiếng
“gâu gâu” nhằm báo cho chúng tôi biết, không sủa dai dẳng hoặc làm khách sợ. Khách
vào nhà khi đi ra người không thì không sao nhưng cầm bất cứ vật gì sẽ bị Mi nô
giữ lại bằng cách gầm gừ và cắn vào gấu quần cho đến khi có người nhà la thả ra
thì Mi nô mới chịu nhả (ngày ấy không ai mặc quần lửng cả) sự việc cứ như vậy
cho đến ngày 10 tháng 3 năm 1975, ngày ấy ba tôi không về nữa, không bao giờ về
nữa. Mẹ tôi kể lại (thời gian ấy tôi đi học xa nhà) rằng đứa em út chưa
đầy năm tuổi của tôi cứ khóc ngất và Mi nô cứ rên ư ử chạy ra chạy vào mẹ tôi đoán
biết ngay là có vấn đề nghiêm trọng xảy ra cho ba tôi. Đúng như vậy thật, biến
cố 10/3/1975 đã biến mẹ tôi thành góa bụa và chúng tôi mồ côi cha, Mi nô mất chủ… Lúc
ấy chiến cuộc diễn ra ác liệt, gia đình tôi phải tản cư, Mi nô nữa, cũng tản cư
theo gia đình tôi xuống khu vực Duy Hòa rồi Đoàn Kết cách trung tâm thị xã khoảng
tám chín cây số. Súng đạn như thế thường là các con chó khác cụp đuôi chạy mất,
chạy lộn xộn, còn Mi nô của nhà tôi vẫn chạy chung và theo sát gia đình từng bước
một cho đến khi trở về nhà. Cuộc chiến ở Ban mê thuột diễn ra ngắn ngủi nên vài
ngày sau gia đình tôi đã về lại, dĩ nhiên là có Mi nô nữa; mẹ tôi bắt đầu đi
tìm tin tức ba tôi nhưng không có gì rõ ràng cả. Tất cả mọi người đồng ngũ của
ba tôi -nếu mẹ tôi có gặp- đều trả lời như nhau là lúc họ bỏ chạy khỏi đơn vị
thì ba tôi đang còn săn sóc một người đồng đội cũng là người em kết nghĩa của
ba tôi, tất cả họ đều nói ba tôi chạy đi nhưng ba tôi trả lời họ cứ chạy trước
để ba tôi lo cho Hữu (em kết nghĩa của ba tôi) đã…
Xác
ba tôi được tìm thấy vào ngày 19 tháng 3 năm 1975 do một người quen gia đình
tôi báo. Em trai kế tôi mượn được xe để đưa xác ba tôi về, và vì xác ba tôi đã
có mùi, các em tôi còn nhỏ nên gia đình tôi thống nhất đưa xác ba tôi lên nằm ở
cuối nhà thờ gần nhà tôi (với sự đồng ý của cha xứ) và chỉ có mẹ tôi và Mi nô nằm
canh xác ba tôi cho đến khi chôn cất vội vàng ngay chiều đó tại khoảnh vườn gần
nhà thờ vì có tin lại phải tản cư vì quân đội VNCH hành quân tái chiếm Ban mê
thuột. Gia đình tôi kể lại, sau này cứ lúc nào rảnh là Mi nô lại chạy lên nằm
phủ phục bên mộ ba tôi (cách nhà khoảng vài trăm mét). Nói thêm một điều, sinh
thời ba tôi rất thương gia đình một người em rể (theo kể lại chính ba tôi về
báo mộng cho người em này ba tôi chết ở đâu để mọi người có cơ sở đi tìm); nhà
người này cách nhà tôi khoảng 3 cây số, Mi nô cũng rất nhiều lần chạy xuống nhà
ấy và ở lại nhiều hôm, khi nào người em của ba tôi nói thôi về nhà đi chứ thì
Mi nô mới lại chạy về…
Cuộc
chia ly của Mi nô với gia đình tôi là cuộc chia ly nghiệt ngã và đau đớn. Sau
biến cố, gia đình tôi gặp khó khăn về kinh tế, em tôi kể rằng vì không có tiền
trả tiền củi đốt mẹ tôi phải bán Mi nô cho người ta làm thịt, khi ngã giá bán
Mi nô các em tôi đã thấy Mi nô khóc và dù đã bán rồi không ai có thể bắt được
Mi nô. Mãi mấy ngày sau người mua phải dùng biện pháp mạnh và dã man mới bắt được
Mi nô rời khỏi nhà tôi khi Mi nô đã chết. Xác của Mi nô cũng đủ để gia đình tôi
trang trải tiền củi đốt được một thời gian.
Bởi
thế, tôi tin chắc rằng về một mặt nào đó vật nuôi có tư duy và rõ ràng là có
nghĩa.
Đỗ
Thế Hùng
Lăng
cô – Huế 18.30 pm 07/9/2012
No comments:
Post a Comment