Wednesday, August 26, 2020

Tình Hỡi... Mùa Đông

 


TÌNH HỠI... MÙA ĐÔNG

 

Ôm Tình, Em đã ngủ say

Nhìn sợi tóc vướng chợt đầy vai Ta

Trăm năm đời chữ ê a

Cạn ly rượu... mở lòng ra với người

Ngày theo vạt nắng giữa trời

Đêm về tay ấm, nghe lời ái ân

Kiếp xưa giờ phút hóa thân

Ta - Em nay đã những lần bên nhau

Thời gian ôi thật nhiệm màu

Cõi nào hạnh phúc mai sau muôn trùng

Tìm trong ngôn ngữ ngại ngùng

Vô ngôn chợt đến tương phùng ngộ duyên

Nở ra xanh biếc: Em hiền

Nét cười từ đấy, môi viền đời Ta

Hôn Em mới biết thì ra...

Chữ Tình diệu vợi như là mênh mông

Người tình em hỡi ...mùa Đông

Dẫu se sắt lạnh vẫn lòng ấm môi...

 

Như Thương

Wednesday, August 19, 2020

Đi Tìm Mảnh Đất Trăm Năm

 
ĐI TÌM MẢNH ĐẤT TRĂM NĂM
 
   Tìm đi em mảnh đất trăm năm
Tìm nơi trú ngụ cuối đường trăng
Ai biết đâu, lúc nào từ tạ
Tìm đi em, điểm đến cuối cùng!
 
    Đi tìm nơi thoáng mát mênh mông
Trời chiều gió lộng với mây hồng
Hồn sẽ chơi vơi cùng mưa nắng
Có còn biết, nhớ nhung gì không?
 
    Sẽ là một chuyến đi thật xa
Người đưa kẻ tiễn rất nhiều hoa
Một lần đi mãi, không quay lại
Vĩnh biệt Tình yêu-Vĩnh biệt nhà!
 
     Đừng buồn thương quá lúc biệt ly
Bình thường thôi, một buổi phân kỳ
Ngăn dòng nước mắt sầu bi lại
Con đường cuối cùng này,
   Ai cũng phải đi qua...
 
PhạmThịMinhHưng
 
&

Bài họa:

CHÂN TRỜI PHIÊU LÃNG
 
   Đường cuối này,ai cũng phải đi
Buồn thương, tiếc nuối chẳng để chi!
Ai rồi cũng phải ngang qua đấy 
Để đến nơi đâu? Chẳng biết gì!
 
   Thiên đàng, địa ngục sẽ đón ta?
Quỷ sứ, thiên thần cõi ta bà...
Về đâu cũng thế, sao phải biết?
Chỉ biết bây giờ phải chia xa....
 
   Nghĩa là phải xa rất nhiều nơi 
Xa đi mãi mãi rất nhiều người 
Cả những giận hờn cùng thương ghét 
Cửa nhà, vật chất cũng buông xuôi!
 
   Sau trước cũng buông, buông sớm thôi
Để lòng nhẹ nhõm lẫn thảnh thơi 
Mỗi ngày bay bổng khi đang sống 
Trí sáng, tâm an giữa chợ đời.
 
   Mảnh đất trăm năm? Chẳng cần đâu!
Thân xác vùi chôn, một cõi sầu!
Lên giàn hỏa cho thân thanh sạch 
Gió cuốn tro đi khắp khắp hoàn cầu...
 
 Bùi Thị Minh Khuê

 

Friday, August 14, 2020

Tôi Đi Thi Hùng Biện Anh Ngữ

Kính tặng thầy Bùi Dương Chi.
 
Cuộc sống có những việc tưởng như tình cờ, nhưng có khi lại là sự kết tinh bởi nhiều tình cờ, và được gọi là duyên.
 
Tình cờ đầu tiên là tôi có mặt ở Đà Nẵng khi lính Mỹ ồ ạt đổ quân đến Việt Nam chuyến đầu tiên năm 1965, những người lính Mỹ to khỏe tràn ngập bãi biển Mỹ Khê, rồi di chuyển đến trấn đóng dưới chân núi Phước Tường để bảo vệ thành phố biển này. Nhà tôi ở ngay đó, chân núi Phước Tường, Đà Nẵng. 
 
Hai anh tôi là những người dân đầu tiên tiếp xúc và nói chuyện được với những chàng G.I. Các anh Xuyên, Khanh bé con tay cầm tự điển bỏ túi bé xíu của Lê Bá Kông - Lê Bá Khanh, hướng dẫn các chàng Tây khổng lồ đi mua sắm, giao dịch với các tiệm buôn bán trong vùng. Lính Mỹ đến nhà tôi hàng ngày, chẳng đặng đừng, tôi - lúc ấy mới lớp Nhì hay lớp 4 bây giờ - thấy cần phải học tiếng Anh. Thế là tôi ngoài giờ học ở trường, tay không rời quyển tự điển tí hon, bập bẹ nói, nghe, trả lời, chữ nào không biết thì giở Tự điển. Tôi võ vẽ tiếng Mỹ từ dạo ấy.
 
Tình cờ thứ hai. Năm sau, gia đình tôi di chuyển về Ban Mê Thuột, ngụ tại đường Quang Trung, gần chùa Khải Đoan. Cuối năm ấy, bỗng nhiên lính Mỹ thuê căn nhà 4 gian sát cạnh nhà tôi, chỉ cách nhau hàng rào kẽm gai. Ngày nào chúng tôi cũng chào hỏi, nói chuyện, đùa giỡn với nhau qua cái hàng rào thưa ấy, họ còn thường xuyên qua nhà chơi, có khi còn nhờ họ mua được hàng PX trong câu lạc bộ Mỹ, từ AKAI, radio, rượu Tây..., chỉ đến khi chiến tranh nổ ra trong thị xã yên bình những ngày Tết Mậu Thân, họ mới bị buộc rút về bungalow đường Phan Đình Phùng. Hai năm đó, tôi có dịp biết thêm Anh ngữ thực dụng, ngoài tuần hai ngày, mỗi ngày hai tiếng học Anh văn trong trường.
 
Tình cờ thứ ba. Năm 1971, anh tôi Nguyễn Quang Khanh lớp 11B2 Trung học Tổng hợp Ban Mê Thuột dự thi Hùng Biện Anh Ngữ Toàn Quốc, đề tài "What leadership means to me." - "Thuật lãnh đạo". Tôi phụ anh soạn bài thuyết trình. Anh học thuộc, tự vờ diễn thuyết, khoa tay múa chân cứ như đang đứng trước đám đông. Nếu thuở ấy nhà có tấm gương to như bây giờ, chắc tôi chẳng có dịp tập làm giám khảo. Anh cứ phải nhờ tôi đứng ngắm nghía, xem giơ tay thế này được không, hét to thế kia có đủ hùng hồn?? Tôi bỗng nhiên trở thành huấn luyện viên Pac Hang Seo. Cũng khua tay gào thét, anh phải giơ thế này nè, chỗ này phải ép tay vào tim, chỗ này xòe hai bàn tay ra, chỗ này thủ thỉ, chỗ này hét lên. Không còn ai giúp ngoài ra, anh tôi tin lấy tin để. Nghĩ lại thấy tức cười thật. Hahaha ...
 
* * * * * * * * * *
 
Cuối năm 1971, trường mình phổ biến đến các lớp một công văn. Hội Việt Mỹ Saigon tổ chức Kỳ Thi Hùng Biện Anh Ngữ Trung Học Toàn Quốc Hằng Năm Lần Thứ Tư - Fourth Annual National High School Oratorical Contest In English, đề tài là "What citizenship means to me." nghĩa là "Bổn phận người công dân". Cuộc thi sẽ được tổ chức từ mỗi trường, sau đó cấp tỉnh, rồi cấp vùng gồm nhiều tỉnh, và cuối cùng là cấp toàn quốc tại Sài Gòn.
 
Từ những kinh nghiệm tình cờ có được ở trên, tôi hăng hái ghi danh dự thi, may mắn Nhất lớp, Nhất liên lớp và Nhất trường. Đến cấp tỉnh thì tôi thật sự mất bình tĩnh, tay tôi run khi lần đầu tiên đứng trên sân khấu rạp Thăng Long. Sân khấu rộng mênh mông, đèn chói sáng chiếu vào mặt. Nhìn xuống chỉ thấy một màu tối đen, tôi như lọt thỏm giữa mênh mông biển cả. Lưng áo ướt đẫm, và hai bàn tay tôi rịn mồ hôi, không hiểu vì ánh đèn nóng rát hay tim tôi nóng rát. Xong bài thuyết trình, tôi vui mừng thoát nạn bước xuống bậc tam cấp, chẳng màng những tràng vỗ tay vang dội. Thầy Bùi Dương Chi trưởng ban tổ chức đón tôi dưới bậc thềm, thầy vỗ vai "Khá lắm !", chỉ thế thôi mà làm tôi đỏ mặt. Thần may mắn lại mỉm cười với tôi, tuy sung sướng nhưng thực ra trong lòng tôi, một cảm giác thèn thẹn cứ len lỏi mãi không thôi. Tự trong thâm tâm, tôi biết đã không hoàn toàn làm chủ được chính mình. Tôi tự biết mình còn cần phải vượt qua nỗi sợ khi đứng trước đám đông, cần tự tin hơn để kiểm soát từng động tác hai bàn tay. Tôi rơi vào ngõ bí!!
 
Thứ hai đầu tuần, kết quả cuộc thi được công bố trong lễ chào cờ. Tôi được đứng cạnh thầy Bùi Dương Chi trên bậc thềm văn phòng, bẽn lẽn khoanh tay cúi đầu khi nghe đọc đến tên. Giờ ra chơi, thầy Chi đến lớp gọi tôi lên văn phòng, thầy dặn:
 
- Thứ bảy em đến nhà tôi, tám giờ sáng, em biết nhà tôi chưa?
 
Học trò của trường đứa nào chả biết nhà thầy Chi, căn nhà ngay trước mặt cổng trường, có con chó mặt quỷ dữ như quỷ, có cô giáo Mỹ Diana chạy chiếc Yamaha màu xanh to đùng, cả phố chỉ có mỗi thầy Nguyễn Huy Quang là có cái gắn máy bình bịch ngang tầm, có đứa bé gái Mỹ con tên là Mỹ An, nhà gọi là pí pô people.
 
Sáng thứ bảy, tôi đến nhà thầy, gõ cửa, thầy Chi xuất hiện trong bộ pyjama màu xanh lợt. Tôi vào nhà, chào thầy cô, rón rén ngồi nép đầu sô pha, thầy Chi vuốt mái tóc bóng mượt cố hữu:
 
- Em phát âm được, dễ nghe, dễ hiểu; nhưng em chưa đủ tự tin, thiếu những động tác hùng hồn, dứt khoát. Để chuẩn bị cho kỳ thi cấp vùng ở Nha Trang, đem chuông đi đánh xứ người, em cần đến đây mỗi cuối tuần, phải dợt nhiều, sửa nhiều, mới mong tranh tài được với các tỉnh khác.
 
Thế là mỗi thứ bảy, tôi lại được thầy nắn nót chỉ bảo, sửa từng chữ, chỗ này phải nói chậm, chỗ này phải nhẹ nhàng, chỗ kia phải hét lên, gằn giọng, thầy chỉ từng động tác, giơ ngón cái khi nói về điều thứ nhất, chứ không phải ngón trỏ như mình, giơ ngón cái và ngón trỏ thay số hai, em giơ hai ngón trỏ và giữa vầy là victory - chiến thắng, không phải số hai... Giờ ăn trưa, đứa học trò nghèo được ăn cơm với thầy cô, cô Diana làm món ăn Việt tuyệt cú mèo, những miếng thịt ba chỉ kho trong veo, rau muống luộc với trái cà chua chấm nước mắm cay cay, nước rau luộc vắt chút chanh làm canh, ôi sao hạnh phúc thế!
 
Nhờ thầy Bùi Dương Chi tận tình chỉ bảo, thầy còn dẫn tôi đến từng lớp trong trường, cho tôi thực tập thuyết trình trước đám đông, nhờ vậy tôi lại may mắn đem về giải Nhất kỳ thi cấp vùng tại Nha Trang, khi tranh tài với các bạn học sinh Nha Trang, Quy Nhơn, Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Phú Yên, Đà Lạt, Phan Rang...
 
Thế là tiếp tục được thầy tập dượt chuẩn bị bước vào vòng chung kết tại Sài Gòn. Cơ quan JUSPAO của Hoa Kỳ ở đường Hoàng Diệu góc Hai Bà Trưng (sau này thuộc Công an Thị xã) lo cho tôi một chỗ trong chuyến bay Air America của quân đội Hoa Kỳ từ Phụng Dực đến Tân Sơn Nhứt. Bước xuống phi trường, đã thấy hai ông bà Mỹ tay cầm tấm ảnh tiếp đón tôi.
 
- Are you Nguen ... Qoong ... Fu from Ban Me Thuot?
 
Sau khi so sánh mặt tôi với tấm hình,ông bà tự giới thiệu "Chúng tôi là Jesse và Jeffrey Goodwin", rồi dẫn tôi đến chiếc xe Falcon mới cáu đậu bên, ông tài xế Phi Luật Tân rồ máy bon bon về trung tâm thành phố, rẽ vào nhà. Đó là một khu buyn đinh sáu tầng cao nghệu trên đường Hồng Thập Tự, ngay sau lưng dinh Độc Lập, trước mặt nhà là hồ bơi Tao Đàn.
 
Những ngày sống ở đây trôi qua như trong một giấc mơ, căn phòng sang trọng drap thẳng tắp, những bữa ăn kiểu Mỹ với miếng bít tết to hơn bàn tay, dĩa trái cây cắt sẵn khổng lồ, dự buổi triển lãm tranh, những buổi tiệc cocktail ăn đứng do các quan chức lớn khoản đãi, bàn dài đầy thịt, rượu Tây đủ loại nhưng tôi không biết uống, gặp ông bà Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh, ông bà Thứ trưởng Đỗ Bá Khê, ông bà phụ tá Đại sứ Mỹ Billy Layman có cô con gái Janette Layman xinh như tiên giáng trần. Lòng tôi bàng hoàng trước bao sự mới lạ, ngất ngây trong niềm hạnh phúc.
 
Ngày thi đã tới, sân Hội Việt Mỹ Saigon số 55 Mạc Đỉnh Chi tràn ngập người. Tôi bước lên bục diễn thuyết khi nghe xướng danh, " ...from Ban Me Thuot Highschool". Nhớ lời thầy dặn, phải mang danh dự về cho trường mình, tôi cố trấn tĩnh "Ladies and gentlemen. From the early days ...", "Kính thưa quý vị. Từ thuở hồng hoang, con người đã biết kết đoàn thành xã hội ..." Tôi say sưa vung tay biểu tả ý nghĩa từng câu từng chữ, hình ảnh người thày lao tâm chỉ vẽ nhảy múa trong tôi. Tôi không trên bục cao nữa, tôi đang đứng trong căn nhà đường Bà Triệu của thầy cô đây, để hoàn thành một việc mà tôi không thể, nhưng nhờ thầy.
 
"Không thầy đố mầy làm nên".
 
Đem về trường hai chiếc cúp, giải Tư toàn quốc và giải Hùng biện xuất sắc nhất, hai bộ Tự điển Webster cho thư viện, một bộ đem về nhà, thêm chiếc đồng hồ cho giải "Thí sinh nhỏ tuổi nhất". Năm ấy tôi 16 tuổi.
 
Anh Nguyễn Quang Phú

 
 
Kính tặng đến thầy Bùi Dương Chi.
Với lòng biết ơn vô hạn.
 
Nguyễn Quang Phú
nk 66-73