Sunday, November 30, 2014

Dọc Quốc Lộ 1

Hình ảnh Thầy Cô Bính dọc quốc lộ 1 tại Huế



Còn Tạ Ơn Nhau



CÒN TẠ ƠN NHAU
 
Tạ ơn ngày tháng rong chơi
Tạ ơn chiếc lá vàng rơi cuối mùa
Tạ ơn trăng khẽ gió lùa
Tạ ơn chữ nghĩa bỏ bùa yêu em
Tạ ơn quấn quít tóc mềm
Tạ ơn giây phút biết thèm có nhau
Tạ ơn môi đỏ đỏ au
Tạ ơn mắt đợi mai sau nhớ hoài
Tạ ơn vai tựa mệt nhoài
Tạ ơn đêm của nguôi ngoai giận hờn
Tạ ơn gối chiếc chăn đơn
Tạ ơn khuya lại gần hơn dỗ dành
Tạ ơn nước mắt vòng quanh
Tạ ơn gặp gỡ để thành nhớ thương
Tạ ơn lưu luyến vấn vương
Tạ ơn Anh đã dặm đường với Em...
 
Như Thương
(Mùa Lễ Tạ Ơn 2014)

Em Ngồi Với Trăng

 
 
 
EM NGỒI VỚI TRĂNG...
 
Lên non tìm được em rồi
Thế mà ta tưởng em ngồi với trăng
Trái tim ta chợt ăn năn
Bỏ em một dạo cuồng lăn với đời
Môi quên môi đã một thời
Ấm bên mật ngọt em mời riêng ta
Để gần mà ngỡ như xa
Phố khuya còn chút đậm đà năm xưa?
Còn chăng chén rượu dư thừa
Buồn rưng rưng cạn nỗi vừa biệt ly
Thoa môi son đỏ mà chi
Nhạt hương phấn cũ rèm mi mỏi mòn
Cuộc tình nghiêng xuống eo thon
Nghe như vạt áo chẳng còn nhớ em
Đêm nghe ai trở giấc mềm
Tìm hoài hương gối êm đềm yêu nhau
 
Như Thương

Làn Mây Nhỏ


 
LÀN MÂY NHỎ
(Phép Lạ) 

Làn Mây Nhỏ sao em nghiêng nghiêng xuống
Thả tâm tư thoang thoảng chút hương xưa
Tiếng ngân nga lắng đọng một chiều mưa
Cho ta thấy thoáng tình trong mắt biếc

Ta gặp nhau mưa chiều thu lất phất
"Buồn tàn thu " với tiếng sáo chơi vơi
Em chói sáng cất giọng cao chất ngất
Mưa ngừng rơi lặng lẽ ngắm dung nhan...

Cơn gió nào đưa em đi "Tìm Mộng"
Lạc vườn thơ thương tiếc lá "Vàng Thu" 
Hồn thổn thức ý thơ cùng điệu nhạc 
Hay duyên trời sợi mỏng đón đưa ta? 

Làn Mây Nhỏ từ đâu như phép lạ... 
Thiết tha tình - Ta trở giấc phù sinh, 
Bước tình hồng vẫn như còn bỡ ngỡ... 
Lòng bâng khuâng xao xuyến nắng chiều thu...

Phạm Thị Minh-Hưng

Thầy Cô Lâm và cái Oanh ăn hàng

Thầy cô Lâm và Cái Oanh đang ăn trưa nè. Thầy cô nói có bạn nào muốn tham gia hông? Hihihi
 




Thursday, November 20, 2014

Thầy Cao Bính về đến Ban Mê Thuột 20/11/2014




Trách Thu


TRÁCH THU

Thu đến chi cho gió lạnh lùng
Cho sầu hiu hắt mắt rưng rưng
Cho phai màu lá chiều hiu quạnh
Cho tình se sắt nắng phai hồng

Thu đến chi Thu ảm đạm lòng
Chiều về mây xám lẫn sương trong
Hoa cỏ im lìm trong thoáng mộng
Tình xa tình lạc cõi mông lung

Thu hỡi đến rồi thu có đi
Để buồn vương mái tóc tình si,
Đã lỡ yêu thu vàng sắc lá
Thu đi tĩnh lặng cõi sầu bi

Say Thu sao nỡ trách thu sầu
Se sắt lòng nhung nhớ canh thâu
Thương bao lá rụng trên đường vắng
Thu đến chi buồn nắng ở đâu

Phạm Thị Minh-Hưng  


Nhạc:
Thu Quyến Rũ_Đoàn Chuẩn-Từ Linh
 
Kính chúc luôn an vui,

PTMinh-Hưng.

Hẹn Hò

Chúc mừng ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20/11/2014

Chúc mừng của Chí Hòa


Kính thưa q thầy cô.

Nhân kỷ niệm ngày Hiến Chương Nhà Giáo 20/11

Học trò Chí Hòa thay mặt các bạn khóa 74 kính chúc quí thầy cô:

Thầy cô kính yêu,
Sức khỏe dồi dào,
Tâm thần an lạc.
Hạnh phúc mãi mãi,
Cùng lũ học trò,
Ban Mê dấu yêu.

Học trò THBMT74.

***

Chúc mừng của Quang Tâm

Kính thưa thầy Lâm
Kính thưa quý thầy cô 
Cùng thưa các ông bà
  Nội ngoại đã và đang
Là giáo viên bạn tui
Nhân ngày hiến Chương
Hổng dám coi thường
Quý thầy cô cùng các bạn
Vì mới học smartphone
Hổng biết đường bỏ dấu
Nay xin viết lại
Chấm phẩy đường hoàng


Kính thưa hai họ
Quý thầy quý cô
Trò kia trò nọ
Được làm giáo viên
Nhân ngày hiến chương
Nhà giáo Việt Nam
Học trò kính chúc
Quý thầy quý cô
Sức khỏe dồi dào 
Tinh thần minh mẫn
Trẻ mãi không già
Nếu già chút đỉnh
Cũng rủng rỉnh tiền xài
Học trò chỉ ước
Trẻ như thầy Hiếu
Vui tếu như thầy Bính
Đủng đỉnh như thầy Giõng
Sức khỏe như thầy Lô
Làm thơ như cô Hưng
Đừng tưng tửng như Tâm già
Handsome như thầy Hòa
Có tuổi già như thầy Lâm
Đẹp lão như bà giáo Oanh

Học trò kính chúc

Quỹ Học Bổng Trung Học BanMeThuot

QUỸ HỌC BỔNG
TRUNG HỌC BANMETHUOT
 
Kính thưa Quí Thầy Cô,
Thưa các Anh Chị Em đồng môn (ACE) thân kính,

Với mục tiêu vì tương lai của con em chúng ta, vì sự phát triển của trường TRUNG HỌC BANMETHUOT qua các thời kỳ và hiện nay, trong tình hình đất nước ngày càng nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội ngày càng suy vi; thì mơ ước cho con em được cắp sách đến trường của nhiều gia đình đã vượt ngoài tầm tay!. Đồng thời, với lòng mong muốn chung tay với các ACE giúp cho các hoạt động, sự gắn bó của Quí Thầy Cô, các ACE và con cháu chúng ta được phát triển bền vững với những mục tiêu hết sức cụ thể, rõ ràng và hữu ích. Sau khi trao đổi với Quí Thầy Cô và một số thân hữu, chúng tôi xin mạo muội đề xuất ý tưởng: Chúng ta sẽ thành lập một Quỹ học bổng, với một vài nội dung mang tính chất gợi ý như sau:

QUỸ HỌC BỔNG TRUNG HỌC BANMETHUOT.

1. HỌC BỔNG:

Mục tiêu rõ ràng, cụ thể, lâu dài của Quỹ học bổng TRUNG HỌC BANMETHUOT là tìm kiếm và trao học bổng cho học sinh, sinh viênlà con em Quí Thầy, Cô, Anh Chị Em đồng môn của trường TRUNG HỌC BANMETHUOT qua các thời kỳ, hoặc là học sinh của Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột hiện nay với hai điều kiện: hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn:

1. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, có nguy cơ phải nghỉ học; cụ thể rơi vào các trường hợp sau:
a. Mồ côi cha mẹ, họ hàng cũng nghèo khó;
b. Mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại cũng bệnh tật (suy giảm sức lao động), đông anh chị em (chưa đến tuổi lao động hoặc không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp chỉ nuôi được bản thân);
c. Cha hoặc mẹ mắc bệnh hiểm nghèo (không có khả năng lao động, chạy chữa tốn kém), nhà quá đông anh chị em (chưa đến tuổi lao động hoặc không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp chỉ
d. Nhà quá nghèo, nhưng có ý chí vượt lên số phận…

2. Đạt học sinh tiên tiến trong năm học gần nhất.

2. HƯỚNG NGHIỆP:

Quỹ học bổng TRUNG HỌC BANMETHUOT với các thành viên là các ACE đã và đang thành đạt, sẽ dành thời gian, công sức tùy theo hoàn cảnh mỗi người để là cầu nối giúp đỡ, tư vấn, giới thiệu thông tin, các mối liên hệ… cho các em hướng nghiệp và tiếp sức cho các em trên con đường lập nghiệp, giúp các em đủ tự tin, hành trang bước vào đời thực hiện ước mơ chính đáng của mình là học tập và cống hiến cho đất nước. Trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một trang WEB mà chúng ta sẽ mở ngay.

Quỹ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận.

Sẽ thành lập Ban Quản lý QUỸ HỌC BỔNG TRUNG HỌC BANMETHUOT với sự tư vấn của Quí Thầy Cô. Quỹ sẽ có điều lệ, nguyên tắc hoạt động cụ thể, được Ban Liên lạc Cựu Học sinh TRUNG HỌC BANMETHUOT nhiệm kỳ mới 2014/2015 thông qua.

Trước mắt, chị Nguyễn thị Hồng B (NK. 67-74), số điện thoại liên lạc 093 265 9266 sẽ tạm thời đảm nhận chức vụ Thủ quỹ.

Ngoài việc xét cấp học bổng cho con em chúng ta bắt đầu từ năm tới (2015), Chúng tôi cũng được biết, hàng năm Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột hiện nay cũng có nhận được, tuy không nhiều lắm, sự giúp đỡ về tiền bạc của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để xét và cấp học bổng cho một số ít các em gia cảnh rất khó khăn, hiếu học, với mức chỉ khoảng 500.000 đồng/ năm, nhưng cũng đã giúp ích cho các em rất nhiều để duy trì việc học hành của các em!.

Do đó, với tấm lòng và sự chung tay giúp sức của Quí vị thì từ một vài trăm ngàn đồng của mỗi người và hàng trăm người cùng thực hiện trong nhiều năm; sẽ giúp được hàng trăm, hàng ngàn con em chúng ta được tiếp tục thực hiện mơ ước hoàn thành việc học tập và tiếp sức cho các em trên con đường lập nghiệp.

Chúng tôi xin chân thành kính đề nghị Quí Thầy Cô, các Anh Chị Em đồng môn vui lòng tham gia góp ý kiến và cùng nhau đóng góp, xây dựng cho QUỸ HỌC BỔNG TRUNG HỌC BANMETHUOT được phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Trân trọng,

Trần Khang Thụy (66-73)
_________________________________________________________________________________
Một số vị Mạnh thường quân đã đặt những viên đá đầu tiên để xây dựng QUỸ HỌC BỔNG TRUNG HỌC BANMETHUOT, Chúng tôi xin chân thành cám ơn Quí vị và xin mạn phép được đưa tin như sau:
Cô Trần thị Thái (California): 05 triệu, Thầy Nguyễn Đức Kim Long: 02 triệu, Chị Trần thị Thúy (Florida. NK. 62-69): 05 triệu.
 Chị Trần thị Cúc (NK. 63-70). em Nguyễn thị Hồng B (NK. 67-74), anh Lê Nguyên Hòa và Trần Khang Thụy (NK. 66-73): mỗi người đóng góp 10 triệu đồng.

Cộng đến ngày 20/11/2014: 52 triệu đồng.


Saturday, November 15, 2014

Lá Đã Ngàn Năm





LÁ ĐÃ NGÀN NĂM

Em như lá đã ngàn năm
Vàng màu rơi rụng, em nằm ngủ ngoan
Để rồi từ đấy bình an
Mặc trăng tròn khuyết, mặc tang thương đời
Mặc tình thơ có nghẹn lời
Mặc duyên như thể vẽ vời sắc hương
Đi đi em, một quãng đường
Chỉ là âm vọng vô thường mà thôi
Từ xanh biêng biếc nổi trôi
Đến vàng thay lá, ta ngồi ngắm em
Cúc cung lót thảm cỏ mềm
Mời em nhan sắc ngự thềm hài xinh
Quên đi muôn dặm hồi kinh
Rủ em đi uống rượu tình với ta
Em ừ, Ta một tiếng khà
Thế mà thoáng chốc đã là ngàn năm

Như Thương

Bạn Trần Can và miền Bắc California

Hôm thứ tư tuần vừa rồi (12/11/2014), bạn Trần Can ghé San Jose thăm Thầy Cô Nguyễn Đình Dũng và các bạn 74 ở  Bắc Cali. Sau đây là phần tường thuật của chuyến đi qua hình ảnh của Can.

***

Thứ tư 12/11/2014

Buổi sáng thứ tư anh Nguyễn Quang Phú đưa Can ra đón chuyến xe đò Hoàng để đi lên miền Bắc Cali.


Kim Oanh ghé thăm Hàn Quốc






***

Đảo Nami, Hàn Quốc







***

Truy lùng Kimono





 

Những kỷ niệm khó quên




Hôm ấy một buổi sáng đẹp trời, Thương e ấp trong bộ áo dài trắng đi với Ba đến Trường nhận nhiệm sở - Trường Trung Học Ban Mê Thuột cách nhà Thương có vài cây số, ngay ở trung tâm thị xã. Cả đêm trước Thương lo lắng, chập chờn, giấc ngủ không yên, bao nhiêu ý nghĩ cứ bay bổng, ... Thầy Hiệu trưởng có khó không, bạn đồng nghiệp thế nào, học sinh có ngoan không, mình dậy có được không... Học trò có chăm học chăng?

Con đường này hôm nay có vẻ xa hơn, dài ra hay sao ấy, ngồi trên xe lòng cô hồi hộp quá...Ba Thương biết ý nên cứ nhìn con cười cười làm Thương yên lòng một chút nhờ nụ cười bao dung của Ba.

Sau những câu xã giao thường lệ, Ba Thương nói với Thầy Hiệu Trưởng:

- Tôi đưa cháu đến nhận việc, Anh xếp lớp  cho cháu, cháu mới ra trường còn non nớt lắm, mong anh chỉ dẫn cho. 
- Vâng, chỗ quen biết trong Tỉnh. Tôi sẽ xếp giờ theo quy định cho cháu, anh đừng lo. 

Rồi thầy quay qua hỏi Thương:

- Nhà cháu ở đâu, Ba má cháu làm gì?

Nghe câu hỏi này của Thầy, Thương hơi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu ngay 

-  Thưa thầy Ba cháu đây ạ.

Cả ba người cùng cười xòa. Tiếng Việt và cách xưng hô thật dễ bị hiểu khác, Thương cảm thấy vui vui trong lòng.

- Hồi nãy thấy anh nói là " cháu ''  tôi không nghĩ là con gái cưng của anh!

Trường Trung Học Ban Mê Thuột là trường công duy nhất trong thị xã, được về dạy ở đây Thương và cả nhà đều mừng, nhất là Ba Mẹ của Thương, bao nhiêu năm nuôi nấng lo lắng cho cô, thấy ai cũng mừng vui Thương cảm thấy lâng lâng mãi trong lòng. 

Nhận dạy những lớp nhỏ Đệ Lục và Đệ Ngũ Thương bớt lo phần nào các học sinh như mấy đứa em ở nhà, chẳng dám bắt nạt cô giáo đâu, mình sẽ  tỏ ra nghiêm từ đầu thì "chúng nó" hết dám... Thương tự nghĩ vậy. Đi dạy Thương được chú tài xế của Ba đưa đón rất đúng giờ, nên cô không lo đất đỏ bazan bám vào vạt áo dài hay lấm gấu quần áo.

Thương được dạy 8 lớp, vì môn Vạn Vật mỗi tuần chỉ có hai giờ/một lớp, nhìn tờ thời khóa biểu 16 giờ rải khắp các ngày Thương bắt đầu lo lắng, ép mình vào khuôn mẫu cũng mệt lắm đây...

Hôm khai trường Thương đến sớm gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp 10C xin ghi thời khóa biểu cho cô em gái:

- Thầy ơi, Thầy cho em mượn TKB 10C em ghi chút Thầy.

Nhìn Thương Thầy bảo:

- Em cứ vào lớp đi rồi thầy cho ghi, ...

Thương buồn cười quá, chỉ tại tà áo dài trắng này thôi, Thầy ấy tưởng Thương là học trò lớp 10C vì hôm ấy Thương cũng mặc áo dài màu trắng, mới ở Sài gòn về cô đã kịp may áo mới đâu, Thương vẫn mặc áo dài trắng như còn đi học. 

- Chút nữa em cũng có giờ lên lớp ạ, rồi cả hai cùng cười vui vẻ.

Thầy nói: 

- Nhìn cô giáo trẻ cứ nghĩ là nữ sinh đấy ai bảo cô mặc áo dài trắng... Cô mới về dậy ở đây à? 

Ngày đầu tiên đứng trên bục giảng Thương lo quá! Mới quay lên bảng định viết ngày tháng - đề bài học Thương nghe một giọng nam sinh -- Tóc thề đẹp quá tụi bay ơi! 

Thương quay xuống tìm thủ phạm thì cả lớp ngồi im ru, mặt tỉnh queo như không có gì xảy ra...! Chúng nó đóng kịch giỏi thật! Thương phải làm lơ vừa giảng vừa viết bảng, cùng quan sát cả lớp, Thương vừa quay mặt lên bảng để ghi bài thì nghe - áo cô trắng quá! -- cũng như lần trước, Thương không tìm ra trò nào phát ngôn... Cô lại cố gắng làm lơ xem như không nghe, để dạy bài mới, tuy nhiên trong lòng cũng cảm thấy rất khó chịu, bực mình...

Có nhiều lớp học sinh rất ngoan, vì là miền cao nguyên nên mỗi lớp có một phần ba hay một phần tư học sinh dân tộc Ê-đê (người Thượng). Các em này phần đông rất hiền, chậm chạp hơn học sinh người Kinh nên Thương thấy rất tội và chú ý chỉ bảo thêm về cách viết cách trình bày bài vở cho các em, nước da màu sậm và sự e dè của các em làm Thương se lòng...

Một tuần trôi qua, những bài vở nhiều dần lên làm Thương ngày đêm miệt mài soạn bài, chấm bài - 8 lớp nhân với 45 học sinh/một lớp vị chi gần 400 bài chấm -  rồi còn bài 15 phút chấm nhanh tại lớp... Cậu em đang học lớp 12 thấy chị ngồi bên cả chục xấp bài nói:

- Để em chấm dùm cho chị nhen, em thích chấm bài lắm, phần vì mệt, mai đã phải trả bài nên Thương đã cho em trai chấm giúp một xấp bài của lớp 7E mà không nghĩ xa hơn... và cũng không còn thời gian xem lại.

Khi phát bài có gần hai mươi học sinh lên kiện điểm:

- Thưa cô chưa có điểm hình vẽ, 
- Cô ơi câu cuối em chưa có điểm cô ơi! 
- Thưa cô bài em đúng hết mà thiếu mấy điểm luôn Cô à...v...v...

Cô giáo tá hỏa tam tinh... chết rồi... làm sao bây giờ...!!! Thương vội vàng nói to với cả lớp:

- Cô xin lỗi các em, cô sẽ thu bài về chấm lại... tại cậu em cô táy máy hay sao đó...

Đúng là tai nạn nghề nghiệp do sự vô ý của mình!
Khi dạy về chiết ghép giâm cành ở lớp Thương đã chỉ các em trồng hoa Hồng bằng cách cắt cành già rồi giâm xuống đất và tưới hàng ngày là có cây hoa mới, ít lâu sau trên bàn cô giáo lúc nào giờ học cũng có những đóa hoa xinh tươi trong bình hoa trang trí! Thương được các em tặng hoa liên tục những cánh hoa Hồng đủ màu sắc do cách ghép đúng.

Ngày tháng cứ trôi, nhẹ nhàng như công việc dậy học của Thương, những giờ sinh hoạt lớp các em thi nhau lên bảng hát những bài hát thiếu niên rất dễ thương hay kể những câu truyện vui, ngây ngô, quên đi những mảnh đời khó nhọc riêng tư...

Ở lớp 7C có em nữ sinh mẹ ốm nặng không may mất sớm, Thương thường hay hỏi han, vỗ về an ủi, em rất cảm động, chăm chỉ học tập em tự nhủ thầm với lòng mình..và em tự nhận Thương là người Mẹ tinh thần của mình, mãi về sau, khi ra trường đến thăm cô giáo, em mới tâm sự với cô và quý mến tặng Thương một bức tranh thêu Nàng Tiên Cá tuyệt đẹp...

Lớp 8A2 là một lớp khá của trường, toàn học sinh nam - có một nhóm là dân tộc Nùng ở cùng nhau trong một làng cách Thị xã Ban Mê Thuột khoảng chục km, những em này bắt đầu tuổi đi học trễ do đó lớn hơn các bạn cùng lớp bốn năm tuổi nên nề nếp lớp 8A2 không bằng các lớp nữ hay các lớp có cả nam lẫn nữ khác. 

Một hôm Thương vào lớp dạy - Cô thấy hôm nay sao lớp nghiêm túc lạ thường, các học sinh đứng dậy chào cô giáo, không một tiếng động, Thương cũng cảm nhận được sự khác thường này, sau khi cho học sinh ngồi xuống, quyển sổ điểm và sổ đầu bài không có trên bàn giáo viên Thương hỏi lớp trưởng:

- Sổ điểm đâu rồi em?
- Thưa cô trong hộc bàn ạ...

Cô chưa kịp mở ngăn kéo để lấy sổ thì... năm bảy con sâu muồng vàng óng đã bò ra leo lên bàn trình diện...

- Eo ơi! khiếp quá! 

Thương rùng cả mình, cô bước vội vàng xuống khỏi bục, vẩy vẩy hai vạt áo, như sợ có con sâu nào vướng vào tà áo dài màu trắng của cô, mặt Thương tái mét, Thương đi như chạy lên văn phòng Tổng Giám Thị... Các thầy cô lớn tuổi nhìn thấy sự hốt hoảng của Thương họ không nín cười được làm Thương ngượng chín cả người.

... Giờ học hôm ấy trở thành giờ giảng đạo đức của Thầy Tổng Giám Thị cho lớp này... Thương buồn lắm không hiểu vì sao nhóm nam sinh này lại gan quá, quậy thế, dám dọa sâu cô!!! 


Thương còn nhớ hồi xưa đã bị bạn học cùng trường Võ Tánh - Nha Trang dọa một lần - Các bạn cứ nghĩ Thương giả vờ, lần đó Thương gần sỉu... các bạn mới tha... Thương nghĩ mình dở thật tự nhiên lại sợ con sâu... Hihihi... nó có cắn mình đâu... Kỳ quá...!

Nhiều hôm giờ ra chơi, hay trong khi trên đường về,Thương thấy một học sinh nam cứ hát đi hát lại một câu, cô nghĩ... chắc là cậu học trò này không thuộc bài... bị thầy cô la rồi đây:

- Nhỏ không học lớn làm Đại úy... Nhỏ không học lớn làm đại úy... Nhỏ không học... lớn làm trung sĩ, 


Ngày tháng cứ trôi qua... Bỗng một hôm cô nhân được một tấm thiệp in mấy đóa hoa hồng đỏ và một cành hoa hồng làm bằng giấy cũng màu đỏ của cậu học sinh lớn nhất lớp 8A2,  cậu ngượng ngùng xin lỗi cô vì đã bắt sâu muồng bỏ vào ngăn kéo bàn làm cô sợ hôm ấy:

- Thưa cô mong cô tha tội cho em, em đến chào cô và tạm biệt cô cùng các bạn. Ngày mai em phải lên đường nhập ngũ rồi Cô ạ, cành hoa hồng này em tự tay làm, mong hoa không bị phai màu... luôn ở bên cô... Em luôn nhớ, và nghĩ đến Cô cùng các bạn... Em nhớ trường, nhớ lớp lắm cô à...

Thương không biết nói gì. Cô thấy thương cậu học sinh đã sớm từ giã tuổi ngây thơ, nhìn em ấy rất bụồn... Thương cảm động quá! Mắt rưng rưng theo nỗi lòng của cậu học trò nghịch ngầm hôm nào... Thương nhớ hôm ấy hình như đôi mắt cậu hoen ướt vì nước mắt đã chảy vòng quanh!

... Thời gian trôi nhanh quá, mới đó đã mấy chục năm, bây giờ đã quá xa... những kỷ niêm dấu yêu vẫn còn đó, nhớ nhung chất ngất thời tuổi nhỏ ngây thơ, có bao giờ tìm lại được!

Phạm Thị Minh-Hưng