Thursday, January 31, 2019

Bãi Biển Bondi

Khi tôi đến Sydney, Kim Sơn lại đang ở Perth thăm mẹ. Rất may, Kim sơn quay lại Sydney trước khi tôi đi Perth, chứ không thì lại lòng vòng người đầu sông, người cuối sông thì còn gì là hạnh ngộ,

***

Lên chương trình và lộ trình chính là Gary, phu quân của Kim Sơn, một người hoạt bát, nhanh nhẹn, tận tâm, có đặc điểm là nói tiếng Việt lưu loát và… hóm hỉnh.

Gary thiết kế lộ trình rõ ràng, chi tiết. Chuyến đi dài 70.9 km, dự kiến sẽ kéo dài trong 2 giờ 12 phút.
Theo chương trình, chúng tôi sẽ đi dạo trên bãi cát mịn màng ở Bondi. Lần đầu đến Sydney, chưa biết được thời tiết thất thường ở đây nên tôi ăn mặc “bụi” khi ra biển.

Trên đường đi, dọc theo bãi biển dài rất đẹp, hiếm hoi mới có một con đường chạy sát theo bờ biển dành cho người đi bộ và đi xe đạp, bầu trời đang nắng và trong xanh chuyển qua u ám, gió quất mạnh vào cây cối, lá khô bay tung lên. Nguyên một cành cây đổ lìa xuống, chạy lăn lông lốc trên đường. Theo Gary, chiều nay trời có khả năng mưa.

Đến Botany Bay, mỏm đất La Perouse, chúng tôi xuống xe. Vừa mở cửa xe định bước ra thì gió thổi đóng sầm cửa lại. Tí nữa thì dập cả bàn tay. Ra được bên ngoài, gió biển thổi ngược lại khiến tôi suýt ngã mấy lần. Chưa bao giờ tôi thấy gió lớn như vậy. 


Biển chiều lộng gió.
Gary diễn giải: Thuyền trưởng James Cook đến nơi này từ năm 1770, thấy vùng đất hấp dẫn nhưng lại không cắm cờ trước khi dời đi. Mười tám năm sau _ 1788 _ nhà hàng hải Pháp, La Pérouse, đến đây rồi cắm cờ. Sau đó thuyền trưởng Arthur Phillip quay lại thì thấy người khác chiếm mất vùng đất do Anh phát hiện đầu tiên nên quyết định đến cảng Sydney thành lập vùng đất mới.

Tên La Perouse _ được viết theo Anh ngữ, không có dấu sắc _ vẫn còn tồn tại ở đây như một chứng tích lịch sử.

Bare Island Fort (Pháo đài đảo trọc).
Theo Gary dẫn giải, phim Impossible 2 do ngôi sao màn bạc Tom Cruise đóng, diễn ra tại đây.

Gió biển rất mạnh nhưng kitesurfing vẫn không nao núng.
Thỉnh thoảng gió thốc dù bốc lên cao, lôi theo cả người lên không trung.


Chiều nay tầm nhìn ngoài khơi bị hạn chế.

Trên đỉnh đồi, Tháp Hải Quan La Pérouse được xây từ thế kỷ 19 (La Perouse 19th Century Customs Tower)
để kiểm soát tàu buôn lậu.

Bare Island Fort nhìn từ La Perouse 19th Century Customs Tower.
Nhìn hàng cây có thể đoán được sức mạnh của gió.

Gió lạnh quá, chịu hết nổi, chúng tôi phải lên xe dù vẫn muốn nán lại ở đây để khám phá và chụp ảnh.

Tiện đường đi, Kim Sơn mời chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của Kim Sơn – Gary, đồng thời trang bị thêm áo len vì trời ngoài biển mỗi lúc một lạnh.

Tổ ấm xinh xắn, ấm cúng của Kim Sơn – Gary

Trên đường đến Bondi, Gary dừng xe, giới thiệu một bãi biển toàn đá bàn nhấp nhô và sâu.

Gary đạo diễn cho nhân vật nam này đang chết đuối. Help! Help! Kêu cứu mà vẫn ngoác miệng cười.

Xe rẽ vào Centennial Park, công viên rộng bát ngát, không thấy trồng hoa nhưng cảnh vật hùng vỹ với bạt ngàn đại thụ.

Ra khỏi công viên, Gary bắt đầu trổ ngón lái xe kiểu cao bồi. Mặc dù tin tưởng vào tay lái cứng của bác tài, thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng “oái! oái!” ầm ỹ trong xe.

Trước khi đi, mọi người vẫn kỳ vọng chụp được những tấm hình mặt trời lặn ấn tượng nhất ở Bondi, bãi biển có cảnh mặt trời lặn đẹp nhất ở Sydney. Ấy vậy mà khi xuống xe, gió thốc cát vào cả mặt mũi, muốn thổi tung cả người.

Gió lớn quá! Chỉ còn cách ôm chầm lấy nhau để khỏi bay cả hai.

Biển động nhưng vẫn lác đác người tắm biển.

Bãi biển nổi tiếng với bãi cát mịn, là nơi đi dạo rất thú vị của nhiều người.

Bãi biển này được che chắn ba phía, ít sóng lớn, chỉ trừ hôm nay …

Gary nói:”Đói bụng rồi!”



Đây là câu lạc bộ quân đội,
nơi quen thuộc của Kim Sơn – Gary.

Tại quầy tiếp tân, tôi và anh Cửu được yêu cầu trình passport, mặc dù nhân viên chẳng buồn nhìn để kiểm tra thông tin, sau đó đăng ký thông tin cá nhân và ký tên vào một màn hình lưu trữ. Tôi đưa mắt nhìn Kim Sơn dò hỏi. Kim Sơn thản nhiên giúp chúng tôi làm thủ tục.

Tại bàn ăn, Kim Sơn giải thích rằng đây chỉ là thủ tục ngừa trường hợp xảy ra tai nạn, khủng bố… để câu lạc bộ dễ điều tra.


Gary luôn tươi cười, càng tươi hơn bên vợ.

Thực đơn hôm nay được chọn là cá chiên, khoai tây chiên.

Selfie

Vì đây là câu lạc bộ quân đội nên hiện diện bốn lá cờ: cờ quốc gia, cờ bộ binh, cờ hải quân và cờ không quân

Ngoài trời buốt lạnh, mưa lâm thâm. Tôi và Kim Sơn ôm nhau cho ấm, nhìn những đợt sóng bạc vỗ mạnh vào bờ trong màn đêm.

Tại một trạm đổ xăng, Gary nhanh nhẩu xuống xe, lau kính xe một cách chuyên nghiệp. Khi quay vào xe không quên mang theo bốn cây kem ngon lành.

Cảm ơn Kim Sơn – Gary về một buổi tối hạnh ngộ ấm áp, một trải nghiệm vui dù thời tiết không chiều lòng người.

Sydney, ngày 1-2-2019
Nguyễn Thị Hồng A

Wednesday, January 30, 2019

Thăm Thầy Cô Lâm và Sydney by Night

Thật vui khi biết rằng thầy cô Lâm cư ngụ gần Cabramatta.

Ở Sydney phương tiện giao thông công cộng tiện lợi … trên mức trung bình. Chỉ cần đến trạm xe lửa, chọn tuyến thích hợp rồi an tọa, lim dim, vèo một cái, qua vài trạm là đến nơi mình cần đến.

Còn sớm nên chúng tôi ghé qua Cabramatta, một địa chỉ không thể bỏ qua với những ai là người Việt có dịp ghé qua Sydney, cũng giống như Little Saigon ở Mỹ vậy.

Cabramatta ở cả hai bên trạm xe lửa cùng tên nên phải có khả năng định vị tốt, đối với ai lần đầu đến đây, nếu không muốn bị lạc, mà đã lạc thì lại càng khó định hướng.

Vừa băng qua đường đã thấy một khu phố đầy bảng hiệu tiếng Việt. Tiếng người gọi nhau ơi ới, nói chuyện, rao hàng ầm ỹ cứ ngỡ như mình đang ở một nơi nào đó tại Sài Gòn. Ồn ào nhất vẫn là những quán cà-phê _ Nhớ, Thương, Xưa, … _ rổn rảng tiếng cười nói của cánh đàn ông, dường như người nào cũng muốn mình là phát ngôn viên chính …

Đi qua một tiệm bán bánh mì thịt, giọng bà chủ lanh lảnh hỏi người mua: Mấy ổ? Mấy ổ? 

Một tiệm bánh mì tiêu biểu ở Cabramatta
Tại trung tâm chợ, một cái cổng mang kiến trúc Trung Hoa nhưng sử dụng tới ba ngôn ngữ. Trên hết là tiếng Việt: Uống Nước Nhớ nguồn; tiếng Anh: Liberty, Democracy; tiếng Hoa. 

Cổng chính
Tôi ghé vào một tiệm bán nón che nắng rộng vành. Khi tính tiền, bà chủ quán người Việt nói 5 đô một cái, không bớt, dù mua nhiều. Tôi lúng túng với mớ tiền xu trong tay, lẫn lộn xu lớn, xu nhỏ. Tôi cứ ngỡ đồng xu to thì có mệnh giá cao hơn đồng xu nhỏ. Bà chủ quán cười thông cảm, biết ngay địa chỉ: “Ở bên bển mới qua phải hôn?”

Ghé mua mấy quả thanh long trước khi đến thăm thầy cô Lâm.

Loay hoay không biết bằng cách nào đến được địa chỉ của thầy. Hỏi thăm một Việt Kiều đứng gần đó thì được chỉ dẫn tận tình, chỉ bến taxi và bảo đảm giá cao nhất là 15 đô. Đến nơi chỉ mất có 9.5 đô.

Thầy cô Lâm ngụ trong một viện dưỡng lão khang trang, tiện nghi. Thật mừng!

Thầy Lâm mừng lắm, nói chuyện huyên thuyên, chuyện xưa, chuyện nay. Thầy cô còn minh mẫn lắm. Nhiều chuyện thầy nhớ rất tỷ mỷ, chi tiết, lớp lang.

Chụp chung với thầy cô Lâm

Chụp chung với thầy cô Lâm

Giường thầy nằm cạnh một cửa sổ. Bên kia cửa sổ là một vườn chuối sum suê, mấy giàn thanh long đang rộ hoa. Thấy tôi ngạc nhiên, thầy giải thích: “Người Việt mình đi mô cũng nhớ quê hương nên hay trồng cây trái của quê nhà.”

Chuyện trò lần khân một hồi anh Cửu mới phát hiện ra em gái út của cô Lâm là đồng nghiệp, trước đây cùng dạy trong chương trình song ngữ Pháp-Việt ở Ban Mê Thuột.

Gần xế trưa thì nghe ngoài cửa phòng tiếng người gõ cửa. Không hẹn mà gặp. Kim Oanh và anh Vi Văn Cường xuất hiện. Hơn 40 năm rồi nay anh Cửu mới gặp lại anh Vi Văn Cường. Tay bắt mặt mừng, phòng thầy nhộn nhịp hẳn lên với tiếng cười tiếng nói sang sảng của anh Cường.

Thầy cô Lâm cùng học trò

Vì gia đình có việc bận nên chúng tôi cùng con gái cáo từ thầy cô Lâm, anh Cường và Kim Oanh để ra về trước.

SYDNEY BY NIGHT

Vào buổi chiều, vợ chồng Kim Oanh-Xuân Ánh xuất hiện trước nhà con gái tôi để “bắt cóc” hai con tin, dẫn độ qua Sydney by Night.

Anh Ánh đúng là thổ địa, rành đường sá Sydney như trong lòng bàn tay, biết chỗ nào cần đến nhất theo thứ tự ưu tiên.

Điểm đến đầu tiên là The University of Sydney. Anh Ánh giải thích rằng đại học được thành lập từ năm 1850. Nơi chúng tôi đang đứng là campus cổ kính nhất của trường, mang kiến trúc truyền thống của Anh.












Sau đó anh Ánh, với kiến thức rất rộng về cơ cấu đại học, chở chúng tôi đi qua nhiều khoa của đại học mà tôi không nhớ hết được.

Trời mờ tối, anh Ánh đưa chúng tôi đến một khu phố khá yên tĩnh, cư dân ở đây đa phần là giáo sư đại học và sinh viên thành đạt. Chúng tôi vào một pub. Kim Oanh nói rằng trước đây dị ứng và mang thành kiến với chốn này. Sau này hiểu rõ hơn nên cũng thích lui tới.

Anh Ánh đặt cho mỗi người một đĩa beefsteak khoai tây chiên. Thịt bò Úc ngon nổi tiếng thế giới. Chủ xị bữa ăn nói anh Cửu đoán xem giá một đĩa bao nhiêu:

- 40 đô, anh Cửu trả lời.

- Chỉ 10 đô thôi!

Thật là giá rẻ không ngờ!

Câu chuyện rôm rả, dẫn dắt đến một điều hết sức bất ngờ. Anh Ánh và anh Cửu hóa ra có cùng một người bạn quen trước đây 40 năm nên câu chuyện có vẻ ly kỳ và hai người mỗi lúc mỗi thân thiết hơn.

Chúng tôi rời quán khá trễ. Kế hoạch đưa ra: đáp xe lửa rồi đi bộ qua Harbour Bridge để từ đây có thể ngắm Opera House đẹp hơn. Kim Oanh ngại cuốc bộ nên cuối cùng chúng tôi chạy xe băng qua cầu, xuống dưới chân cầu. Ở góc cạnh này chiếc cầu trông kỳ vỹ hơn và Opera House cũng rực rỡ hơn.

Bác phó nhòm Ánh bây giờ mới trổ tài. Những bức ảnh đẹp nhất đều do bác chụp cả, thế nhưng đạo diễn dàn dựng lại là Cái Oanh! 

 Harbour Bridge và Opera House được chụp từ chân cầu











Luna Park
 



 

Selfie

Trên đường về, trời đã khuya, phố vắng. Mọi người đều khát nước, thèm một cốc kem lạnh. Bác tài Ánh chạy vòng vòng, cuối cùng tìm được một địa điểm bán nước giải khát bằng cách đặt hàng kỳ lạ: drive through _ ngồi trong xe đặt món ăn bằng cách đối thoại với một … cây cột. Bác tài chỉ cần nói với cây cột rồi nối đuôi xe ra nhận hàng ở ngõ ra.

Mỗi cặp nhận được một cốc kem và một ly coca nhận đá. Ngon tuyệt!

Một buổi tối hạnh ngộ thật may mắn, đầy ắp niềm vui và ấm áp tình thân.

Sydney, ngày 30 tháng 1 năm 2019.
Nguyễn Thị Hồng A

Tuesday, January 29, 2019

Sydney by Night

Cùng thầy cô và các bạn,

Tiếp theo câu chuyện "Sydney-Saigon chúc tết thầy cô Lâm", Cái Oanh xin kể thêm "Tour Sydney by Night" ạ .

Vì biết anh Cửu và Hồng A chỉ ở Sydney đến 6/2 rồi sẽ đi Perth, mà Oanh thì lại bận "đi chơi" với cậu em từ Đức sang (sẽ đưa cậu đi Melbourne và New Zealand đến 17/2 mới về) nên không còn cơ hội nào để được làm tour guide cho vợ chồng Hồng A . Thế là bắt cóc 2 vị này từ chiều đến khuya mới thả về .

Tham quan Đại Học Sydney
Mrs Macquarie Chairs
Luna Park, North Sydney

Gặp nhau ngắn ngủi nhưng thật vui!

Xin lỗi thầy cô và các bạn vì Cái Oanh không có thì giờ nên xin tạm Dzì Pọt ngắn gọn vậy ạ .
(Nhưng cũng không quên "Xem hình đi"😄


Hình trong link dưới đây ạ .


Kính/Thân mến,

Cái Oanh