Wednesday, November 30, 2011

Nhớ Khi Xưa

Đã bốn mươi năm, gặp lại mừng,
Nhớ mình còn nhỏ quậy tung trời.
Làm thơ kể chuyện, hồi xưa quậy,
Dã ngoại hàng tuần, cũng khoái đi.
Bốn đứa Tâm, Hòa, Sơn, Chiến, rủ
Đèo nhau xuống tới thác Nhà Đèn,
Vui đùa, tắm suối, chơi bằng thích.
Nhớ quá! Tâm, Hòa, Sơn, Chiến ơi!

Nhớ mỗi lần đi Chiến với Hòa
Rủ là đi, đến rủ Sơn đi…
Trời ơi! lại phải xin em Thủy
Ký giấy thông hành, khổ lắm đây.
Cất giọng ca bài con cá sống…
Còng lưng đạp xe xuống dốc, lên đồi.
Lương khô chuẩn bị bày ra chén,
Bốn đứa Tâm, Hòa, Sơn, Chiến, chơi…
                             Đã thiệt…

TCHOA

Cánh Phượng Ngày Xưa



Cánh hoa Phượng ép còn đây,
Trong trang vở cũ ươm đầy nhớ thương.
Ngày xưa Phượng đỏ sân trường,
Tung bay theo gió, nắng vương bên thềm,
Một thời hoa mộng êm đềm,
Vùi trong ký ức, để quên tháng ngày.
Lo toan cuộc sống vơi đầy,
Người xưa trường cũ, mỗi ngày một xa!
Hẹn ước gì lúc chia xa?
Chỉ còn cánh Phượng ta đà trao nhau,
Ép trong vở cũ bạc màu,
Ôi, màu mực tím phai nhàu ước mơ
Dù xa, tình vẫn còn thơ,
Một thời yêu dấu, một đời còn nhau.
Dù hoa kia có phai màu,
Đừng quên em nhé, phượng hồng ngày xưa!

P.T. Minh Hưng

Tuesday, November 29, 2011

Thiệp Hồng Báo Tin

Nghe tựa đề thế nào Kim Hương hoặc Thanh Hương hay Minh Khuê và các bạn thế nào cũng hớn ha hớn hở, hí ha hí hửng, chuẩn bị nghe tin vui “Có ả theo chồng bỏ cuộc chơi”. Nhưng nghe vậy… chứ không phải vậy.
 
Kính thưa thầy cô và a lô các bạn, nay trong lớp 74, có thêm một người lên chức “Ông sui thứ”, với lý lịch năm con với một bà, bạn ấy nhờ bồ câu đưa thư, long trọng nhờ trang web của lớp báo tin vui, lễ thành hôn “máy trưởng” Quách Đình Lưu, thứ nam của  bạn Quách Đình Chiến.

Do đường xá xa xôi, nay ông nội đích tôn gái chỉ đưa thiệp báo tin.

Phóng viện hiện trường Tuyết Mai, sẽ gởi bài và  hình đám cưới, sau chuyến đi thực tế,
 




Chú thích :
·  “Ông sui thứ”: Chiến có 5 người con:
- Gái: Liêu,
- Trai - Luyện (đã lập gia đình và Chiến trở thành ông nội đích tôn gái),
- Trai: Quách Đình Lưu,
- Trai - Ly,
- Và gái - Linh.
·   "máy trưởng": Cháu Lưu tốt nghiệp Hàng Hải, trong hàng hải có 2 ngành chỉ huy & cơ khí (Đào tạo Thuyền trưởng và máy trưởng)
·   DƯƠNG – LƯU:  Tên cô dâu và chú rể
·   "ông nội đích tôn gái": Con trai đầu có con gái .
·   QUÁCH GIA: Nhà họ Quách

Monday, November 28, 2011

Buồn Và Tôi


Nghe Bạch Liên nhắc sắp Tết rồi, Tết ở Việt Nam người ta hay chúc vui lẫn nhau là: 
          Tiền vô như nước sông Đà
          Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin 
Hương ngồi ngẫm lại đời mình bóng xế, thấy như vầy đúng hơn: 
          Nỗi buồn như nước sông Đà
          Niềm vui nhỏ giọt như cà phê phin 
Nhờ Dung chuyển đến mọi người vài câu thơ tả nỗi buồn.

Từ tôi thảng thốt chào đời oe oe
Buồn ngân da diết tiếng ve
Buồn kêu kẽo kẹt đêm hè võng đưa
Giấu mình trong những giọt mưa
Buồn rơi lộp độp vào trưa võ vàng
Thở buồn thành khói ngỡ tan
Khói buồn loang, cả không gian bạc mầu
Buồn theo đạn, rít trên đầu
Mắt chưa tròn giấc gợn sầu chiến tranh
Đêm nghe đại bác cầm canh
Mai còn tôi dưới xanh xanh bầu trời ?
Buồn như sâu, đục cây đời
Lá tươi mơn mởn, ruột bời bời đau
Lên voi lâu, xuống chó mau
Niềm vui: sương sớm, nỗi sầu: nắng mai
Buồn đâm tua tủa kẽm gai
Tôi Từ Thức biệt Thiên Thai về trần
Quê nhà đâu bóng cố nhân
Lỡ tiên, lỡ tục, ôi! thân ê chề

Buồn vây mọi nẻo đi về
Từ tôi hoảng hốt oe oe chào đời
Phải chăng ngày ấy mải chơi
Mắt tôi bà mụ đánh rơi giọt sầu

Thanh Hương
Buồn và Tôi

Nỗi buồn giăng mắc muôn nơi

Cảm Thương

Có vết sẹo nào không đau,
Một lần đứt tay, nghịch dao khi bé,
Hoặc chạy chơi vấp té trước hè,
Nhưng, vết sẹo thời gian, vết sẹo đời,
Trên da thịt hằn sâu ký ức,
Vẫn còn đó, chứng tích, một thời,
Ba mươi mấy năm... vẫn thấy bồi hồi!!
Cảm thương sao, chuyện cũ xa xôi,
Như con cá thóp thoi trên thớt,
Một nhát dao thôi, mất một đời!
Này em ơi!
Hãy quên đi để sống yên vui,
Thời gian sẽ xóa mờ dĩ vãng,
Hãy quên đi nỗi niềm cay đắng,
Hãy hát lên bài hát yêu đời,
Nhé em!
  
P. T. Minh Hưng

Hết Hồn

Giấy kết hôn ư, giận lắm thay,
Hạnh Hòa hai đứa vận không may.
"Hương Mai Mối Ẩu" ra tài bói,
Tưởng  thiệt, vòng vèo ký vận may.

Đợi mãi, Thanh Hương kia, chẳng bói,
Đưa ra cuộn giấy ấn vào tay.
Xem xong, điếng cả hồn, chơi ác…
Chữ ký không sai, hai đứa khờ.

Mãi bốn mươi năm, mới nói ra,
Tặng thầy, cô, bạn, đọc, cười chơi.
Lần này, cố gắng làm thơ đấy,
Chẳng biết thơ gieo, có đúng vần?

Các bạn, ai làm thơ cũng giỏi,
Tâm, Hương toán rất giỏi, thơ hay.
Mình đâu có biết “bà già mát”,
Quậy dzữ, làm cho Hòa thót tim.

Gặp gỡ lần này quá xá dzui,
Nhủ mình, cần cố gắng làm thơ.
Không gì khó, chỉ vì mình ngại,
Nghĩ mãi, thôi thì viết đại đi.

Trúng trật, còn thầy cô, các bạn,
Vui buồn, kỷ niệm cũ thầy trò,
Mong sao, các bạn giải bày hết,
“Lũ khỉ già”, bây giờ quậy tung.

Kính gửi thầy cô, các bạn xem,
Chí Hòa đang tập tễnh làm thơ…
Ha ha cứ đọc, cười  cho đã.
Nhớ sửa, vần gieo chửa đúng nha.

Tặng  bạn Hồng, người đẹp quậy ngầm,
Bữa này liều mạng  tặng bài thơ.
Lâu nay bị quậy mà không  biết,
Chơi ác, làm Hòa Hạnh điếng  hồn.

Nhớ lại, lòng còn hơi bực bội,
Bèn ngồi, viết thử mấy câu thơ.
Tròn xoe, mắt sắc như dao, liếc…
Ghẹo Hạnh Hòa, rồi cười hả hê… 

Chúc quí thầy cô và các bạn,
Đọc vui, cười nhớ tặng lời bình...
Hồng Hương nhớ sửa gieo vần đấy,
Nếu để, thầy cô sửa chắc zero?
  
TCHOA

Sunday, November 27, 2011

Hai Bà Mối Ẩu. Cảm Ơn - Xin Cảm Ơn

Kính thưa quí thầy cô.
Chào các bạn thân mến.
Bây giờ thì Chí Hòa xin tổng hợp lại toàn bộ nội dung một kỷ niệm thời học trò để khi nào buồn buồn lấy ra đọc để có một trận cười hả hê nhé.
Chúc quí thầy cô và vác bạn luôn vui khỏe, dồi dào sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc, lúc nào cũng cười ha ha ha…
Nhờ Dung Post lên Blog để mọi người đọc và cười cho đã… cảm ơn nhiều.
TCHOA.

ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
(Hồi đó đọc xong “điếng hồn”, nên còn nhớ mãi đến bây giờ)

Đề nghị Thanh Hương (“Bà già mad” quanh năm suốt tháng lúc nào cũng mặc áo len, giờ thì hết mặc rồi, bộ biết nực rồi hả?) và Hồng A (một nhân vật chỉ nhìn và tủm tỉm cười, trong ánh mắt ẩn chứa nhiều ý đồ tinh nghịch) hai bạn hãy “thành khẩn” tường trình lại câu chuyện gài bẫy Hòa với bạn “H” ký vào giấy đăng ký kết hôn, khi nhận được giấy này nhìn đi nhìn lại, đúng là chữ ký của mình, hồi đó “tức” lắm nhưng không làm gì được phải “chịu trận” thôi, bây giờ khai đi để mọi người cùng biết cho “dzui”, mình không biết làm thơ, nên sẵn sàng xem các bạn hồi đó khai đao như thế nào.

Thân mến chào, 
Trương Chí Hòa

  
Thanh Hương thành khẩn tường trình
Tại Hồng A cả tại mình ít thôi
Hồng A cứ tủm tỉm cười
Hòa đặt bút ký, một lần kết hôn

Khi nhận được giấy này nhìn lại
Đúng đành rành, Hòa ký chẳng sai
Lòng tức lắm nhưng đành chịu trận
Để đến bây giờ, mới tự khai
  
Quang Tâm


Tình Không Phải Tình

Một ngày gió thổi hơi hiu hiu,
Chí Hòa chống cằm ngồi buồn thiu
Tương lai mờ mịt xa xăm quá
Ra sao ngày sau thân liu điu

Như hiểu nỗi lòng chàng thư sinh
Thanh Hương xoè ra giấy trắng tinh
Mời chàng xem bói qua chữ ký
Công danh sự nghiệp, cả duyên tình

Mừng thầm đón bút ký liền tay
Nét lượn như phượng  múa rồng bay
Ký đẹp ngày sau đời ắt đẹp
Lòng vui không rượu vẫn say say...

Đâu chỉ mình chàng mộng vẩn vơ
Có người con gái bao ngây thơ
Mắt thường lơ đãng quên nhìn bảng
Hồn luồn qua cửa sổ dệt mơ

Hoàng tử nào đây sẽ cầm tay?
Cùng đi trên những thảm cỏ may
Chi Cao* hai đứa mình chung cốc
Kem ngọt cho tình thêm đắm say

Thanh Hương đưa trang giấy học trò
Tay ngọc ký ngay chẳng đắn đo
Xanh xanh ngòi bút ghi từng chữ
Tên Hoàng thị Hạnh nét tròn vo

Ký rồi, tên họ cũng viết xong
Đôi nai vàng thắc thỏm đợi mong
Thầy bói đoán gì đăm chiêu thế
Hung? Kiết? lo lo thắt cả lòng

Hồng A trả manh giấy cuộn tròn
Hồi hộp mở ra: “Giấy Kết Hôn”
Chú rể Chí Hòa, dâu Hoàng Hạnh
Đôi trẻ nhìn nhau điếng cả hồn

Chắc hẳn là ai đã mạo danh
Nét chữ này đâu phải của mình
Nhưng ở cuối trang, kỳ lạ quá
Hạnh, Hòa  hai chữ ký rành rành

Thôi thế đôi ta bị mắc lừa
Bứt tai vò tóc nuốt cay chua
Thầy bói hóa ra bà mai mối
Tức tối nhưng đành phải chịu thua

Mới thôi gần trọn bốn mươi năm
Đường trần rét mướt lạnh căm căm
Ngọn gió cuộc đời tan tác thổi
Mỗi người một phương trời xa xăm

Ai hay hội ngộ tuổi sang đông
Tình sử ngày xưa vẫn khắc lòng
Hòa, Hạnh, Hương, Hồng cười ngặt nghẽo
Chẳng nhớ là lưng đã sắp còng.

Thanh Hương
(*) Chi Cao: tên một tiệm kem ở Ban Mê Thuột.


RIÊNG TẶNG CHÍ HÒA-HOÀNG HẠNH

Chẳng khó gì khi xin chữ ký
Của hai người bạn nhỏ ngây thơ
Rất hiền – ghép cặp đôi vần “Hát”
Cùng “kết hôn” trong tuổi dại khờ.

Hồng A

 
Nghe xong Nam Đà  khoái chí xách máy hình đi săn ảnh đôi uyên ương bất đắc dĩ. Mình kèm theo đây một tấm hình rất đẹp có đủ mặt chàng, nàng và hai bà mai, sau lưng là Quang Cưa và Nam Đà. Chí Hoà đã từng ấm ức: “Hồi đó tức lắm nhưng đành chịu trận”, bây giờ lại tươi hơn hớn choàng vai Hoàng Hạnh mình thấy nghi quá. Chắc phải bắt hắn hậu tạ mình với Hồng A vì đã tặng cho hắn và Hoàng Hạnh một mối tình giả để đời dễ gì ai có được. 



Thưa quí thầy cô.
Chào các bạn thân mến.
Bà mai mối ẩu kia ơi.
Cảm ơn Thanh Hương rất nhiều vì đã viết phóng sự quá hay, rất sinh động, trung thực, cả là thơ diễn đạt một thành tích quậy để đời đó, thế là mình cũng  được một bài thơ rất là thú vị (vì mình và Hoàng Thị Hạnh đã thành nhân vật của bàì thơ), giúp vui cho thầy cô và các bạn, đúng là bọn húi cua bị quậy rụng cả tóc rồi, Cảm ơn các phó nhòm (Nam Đà, Quang Tâm, Tuyết Mai và cả thầy Khánh nữa chứ) đã ghi được nhiều hình ảnh sinh động minh họa đầy đủ ý nghĩa buổỉ họp mặt với các thầy cô cùng các bạn vậy là quá dzui.
Cảm ơn Trần Dung mất rất nhiều  công sức và thời giờ cho diễn đàn của gia đình 74 nhé.
Cảm ơn  bạn Đoàn Văn Thái với những bài thơ vui té ra ngày xưa nghiêm nghị chừng  nào thì bây giờ cũng tếu và quậy cũng không kém.
Bạn Thế Hùng quá dạt dào tình cảm.
Kim Hương dạt dào ý thơ làm cho con tim bé nhỏ nó cứ động đậy "quậy" chúc bạn khỏe để sản xuất nhiều bài thơ hay hơn nữa.
Còn bà mai mối Hồng A nữa thơ tình quá lãng  mạn bữa nào xuất chiêu làm một bài thơ cho "cặp đôi hoàn hảo" này để hai họ cùng thưởng thức nhé.
Minh Trung cho mình mở rộng tầm mắt, ảnh quá đẹp, cảm ơn nhé.
Kim Oanh ảnh cũng rất dễ thương một nhân tài vầ âm nhạc hiếm có, hãy phát triễn tối đa bạn nhé.
Phùng Tất Đạt rất nghệ sĩ Thơ hay Vẽ nghệ thuật rất lãng mạn, chúc bạn đạt đươc những ước mơ của mình. Còn nhiều... bạn  bạn nữa rất hay và giàu tình cảm...
Thơ của thầy cô thì ấp ủ quá nhiều tình cảm và hoài  niệm về một thời... quá hay, một bài khuyên nhủ nếu một ngày nào đó cha mẹ đã già không còn nhớ... thì đừng bao giờ than thở... nó rất cảm động và chúng ta phải nhớ và thực hiện thật tốt... để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô nuôi-dạy. Cảm ơn quí thầy cô.
Chúc quí thầy cô và các bạn luôn luôn vui khỏe và hạnh phúc.  
TCHOA  

Cảm ơn các bạn đã làm thơ tường trình lại một kỷ niệm rất đáng yêu ngày ấy, mà mình tưởng chừng không bao giờ dám nói ra và được hội ngộ đầy đủ các nhân vật trong đời học trò thủa ấy; vừa là một kỷ niệm “quậy quá dzui” vừa là một trận cười hả hê cho mọi người, là một chiến tích của phe tóc dài, rất là hạnh phúc khi có được một tấm hình “đã quá” rượu chưa uống đã thấy say say “Lòng vui không rượu vẫn say say...”
Cảm ơn hai bà mai ẩu  Thanh Hương + Hồng A  và Quang Tâm đã làm thơ gợi nhớ kỷ niệm một thời còn cắp sách đến  trường, ai mà biết trong nhóm này có hai đứa đều là cô, thầy, hồi nhỏ “quậy cũng dzữ”  đến bây giờ “hưu rồi máu quậy vẫn sục sôi”.
Cảm ơn Thầy Khánh đã tập họp và cũng là nhân tố chính để cuộc hội giữa thầy cô với trò giữa trò với trò…
Cảm ơn Dung tượng đá lâu nay đã  lo trang web của “gia đình 74”.
Cám ơn và Ủng hộ Quang Tâm, Kim Oanh, Minh Trung hỗ trợ cho  Trần Dung và gia đình 74.
Cảm ơn Minh Khuê  là “sứ giả” cho các cuộc hội ngộ.
Cảm ơn Thanh Hương đã viết “tường thuật” quá hay, “làm thơ” cũng giỏi.
Cảm ơn bài thơ “thất ngôn tứ tuyệt” của Hồng A .  
Cảm ơn - Xin cảm ơn ….

Kính chào quí thầy cô.
Thân chào các bạn.
TCHOA.

Tản Mạn Về Dân Tổng Hợp Ban Mê Thuột

Đã là một đoạn đời đi qua thì không ai quên được dù nó vui hay buồn, mà đáng nhớ nhất là quãng đời học sinh.

Nhớ những ngày mưa nắng đến trường, qua nhà thầy Tùng khu Công chánh mùa hoa rơi không ai không có vài sợi hoa trắng trên tóc mang đến lớp (Bình không biết tên hoa gì). Ngày vào Thất I bỡ ngỡ cũng may có bạn từ Nhất C lên khá đông, còn con gái biết Hồng A, Xuân Trang, Diệp Thanh Xuân, D Thanh Mai, Bích Thủy... vì học thêm từ thầy Trị. Nhớ Trần Minh Thành đậu thủ khoa (đã mất) kế đó là Chinh, Luân, Bình, Phước... Ngày đó chỉ biết rượt bắt, đánh nhau bắt sâu muồng bỏ cổ áo Chinh. Lên đệ thất, Y Long hết dám ăn hiếp nữa vì lúc đó mình cao lên rồi, hi hi. Cô Vinh hướng dẫn ưa bảo mình nói chuyện, thực ra Hồ văn Tâm ngồi cạnh nói mình nghe thôi. Rất nhiều bạn nữa ai cũng hồn nhiên dễ thương cả.

Mệt nhất là học giờ sử địa của "bố" Đương, lớp ồn ào với Y Long, Mã Quới Dân (mất tích), Hoàng Hữu Khoan, Cấn Văn Chung(đã mất)...
Giờ Anh văn với cô Vân và thiếu tá Guillory khá sinh động.
Nói chung các thầy cô đều hiền và mình rất quý trọng, vẫn nhớ tất cả dù đã hơn 40 năm, công ơn đó mình ghi nhớ mãi.

Nhớ năm đó là tết Mậu Thân, lúc ấy mới biết đến chiến tranh, súng đạn, pháo kích và cả xác người... Khu cổng số 1 cháy bình địa tự nhiên thấy lo cho Phan Duy Luân, Trần Mậu Thành ở đó, tháng sau đi học gặp lại mới thấy mừng là còn đầy đủ.

Năm đệ thất qua đi, hè năm đó bạn bè cũng viết lưu bút, cũng có bạn lãng mạn ép cả hoa phượng dù chẳng biết tặng ai. Con gái lúc đó là một cái gì “lạ lẫm và xa vời quá.”........

Còn dài nhưng hẹn các bạn bài sau nghe, lúc này công trình hơi bận. Chúc các bạn và gia đình vui khỏe.
  
Trần Văn Bình

Saturday, November 26, 2011

Chuyện Đời Tôi: Kỷ Niệm Với Thầy Trần Đại Hiền

Kính thưa quý thày cô,
Các bạn thân mến,

Quá vui khi thấy các tiếng nói và khuôn mặt trên diễn đàn. Đúng như Hùng nói trước đây: ai cũng tài hoa cả, thậm chí đôi vị còn tột bực tài hoa. Hôm nay -như đã hứa- lại nhằm ngày cuối tuần công việc không bận rộn mấy, gõ lại một phần chuyện đời mình cho các bạn đọc cho vui. Nói là vui nhưng bài viết của mình: chưa viết đã thấy buồn, nếu có lạc cung bậc cũng xin thày cô và các bạn tha thứ. Nhưng Hùng nghĩ: cũng như trong một bài hát, cũng phải có cung trầm cung bổng; trong một bức tranh cũng phải có màu sáng, màu tối, gam nóng, gam lạnh. Thiết tha mong sự đồng cảm và cho phép Hùng viết nhé:

  
Viết về Thày Trần Đại Hiền, Giáo sư Anh Văn 

Có một nơi được rào kín ở đường Tán Thuật, thị xã Banmêthuột, tỉnh Darlac rất nổi danh: thời Pháp thuộc người ta gọi là “Nhà Lao Banmêthuột”, trước năm 1975 người ta gọi là “Trung Tâm Cải Huấn”, sau năm 1975 người ta gọi là “Nơi Giam Giữ Phạm Nhân”, bây giờ người ta gọi là “Di tích Lịch Sử”. Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì nơi ấy công năng của nó vẫn là nơi dùng để giam giữ tù nhân của các thời kỳ. Và nơi ấy năm 1976 tôi đã gặp thày tôi: Trần Đại Hiền,Giáo sư Anh Văn trường Trung học Tổng Hợp Banmêthuột vì -theo họ ngày đó- chúng tôi là “phạm nhân”. Nơi này cách nhà thày Trần Đại Hiền không xa vì nếu tôi không nhớ nhầm thì nhà thầy Hiền ở số 40 hoặc 44 Phạm Hồng Thái, từ đó đến Trại giam chỉ cần quẹo trái và đi thêm một quãng ngắn…

Địa danh này từ thuở ấu thơ tôi đã đi qua lại nhiều lần, tuy nổi tiếng là thế nhưng nếu không là “phạm nhân” sẽ chẳng ai biết bên trong nó được bố trí ra sao vì cánh cổng lúc nào cũng được đóng im ỉm ( chỉ mở ra khi cần thiết và đóng vào rất nhanh). Tôi còn nhớ khi bị bắt đưa vào -dù rất sợ- nhưng vẫn tự nhủ: thế là mình sẽ biết bên trong khu này như thế nào cho thỏa chí tò mò. Tôi tả cho các bạn nghe nhé: không phải chỉ có 1 lần hàng rào và cổng nhưng mà là 2 lần hàng rào và cổng. Bước qua cánh cổng thứ nhất sẽ là khu hành chính dành cho bộ phận hành chính làm việc và các phòng hỏi cung, toàn khu này rộng khoảng 1000m2, liền đó là hàng rào và cánh cổng mở vào nơi giam giữ. Bước qua hàng rào và cổng này, sẽ thấy một lối vào bằng bê tông rộng khoảng 3m, dài khoảng 80m được viền bằng những vườn hoa nhỏ xinh xắn, những vườn hoa này đã được hình thành từ trước năm 1975, và những khoảng sân bê tông để cho tù nhân tắm nắng khi được phép, cuối lối đi bê tông đó là một cây đa cổ thụ rất to, bên dưới cây đa là một ngôi chùa nhỏ, xinh xinh. Cách cánh cổng khoảng 10m về phía bên phải có 1 nhà thờ công giáo và liền đó là dãy phòng chức năng khác song song với lối đi và kéo dài đến gần chùa (ngày xưa chế độ cũ dùng các phòng ở dãy này để dạy nghề) được đánh số từ 10 đến13 (cụ thân sinh của Minh Trung, cụ Trương Đình Dần bị nhốt ở dãy này); giữa dãy này là phòng “Biệt Giam”. Vuông góc với dãy này và cách một khoảng sân nhỏ là các phòng 14, 15. Cách một khoảng sân nhỏ nữa và song song với phòng 14,15 là nhà bếp tù (phải đi vòng qua sau chùa mới xuống được nhà bếp). Ấn tượng đầu tiên của tôi là: Hay thật! Chế độ cũ cho phép có tôn giáo ngay cả trong nhà tù và nhà tù có cả hoa đẹp nữa… Đối xứng với dãy phía nhà thờ về phía bên trái cánh cổng là một dãy nhà xây kiên cố theo kiến trúc Pháp được chia làm 9 phòng, diện tích to nhỏ có khác nhau. kéo dài từ lớp hàng rào thứ 2 đến gần cuối khu (gần giáp với cây đa). Sau năm 1975 người ta đã tận dụng mọi phòng kể cả nhà chùa và nhà thờ để giữ phạm nhân. Tôi đã trải qua 6 trên tổng số 15 phòng trong thời gian lao lý của tôi tại đây, và tại một trong những phòng đó tôi đã gặp thày: Phòng số 1, nghĩa là đối xứng trực tiếp với nhà thờ… Đó là một buổi trưa năm 1976, cách đây 35 năm. Mà tôi vẫn nhớ như in…

Vâng đó là một buổi trưa năm 1976, vào giờ này tù thường được tự do (những giờ khác phải sinh hoạt tập thể), đa số tận dụng ánh sáng buổi trưa để bắt rệp hoặc rận vì chúng nhiều vô hạn, chúng ở mọi nơi: trên các khe nứt ở tường, dưới kẽ nứt của nền bê tộng, trong mọi ngóc ngách (tôi tin là các bạn không biết hình thù con rận, con rệp như thế nào đâu, tôi cũng vậy, tới lúc đó tôi mới biết con vật ấy) thì bỗng dưng có tiếng lẻng xẻng mở cánh cửa bằng thép; nhìn lại phòng thấy đầy đủ mặt mọi người, không có ai bị đi hỏi cung chưa về cả. Có nghĩa là có tù mới hoặc có gì khẩn cấp đây… (kinh nghiệm sau một thời gian ở tù cho biết như thế). Cánh cửa thép mở toang, ánh sáng ùa vào chói chan khiến không thể nhìn “rõ mặt người vừa đến” (*). À, tù mới!  Người đó bị đẩy mạnh vào bên trong và cánh cửa thép nhanh chóng rít lên tiếng quen thuộc khi bị đóng sập lại. Khi cặp mắt đã quen lại với bóng tối thường nhật tôi đã nhận ra người tù mới vừa bị đẩy mạnh vào phòng kia chính là thày Trần Đại Hiền lúc đó cũng đã quen với ánh sáng trong phòng và cũng kịp nhận ra tôi. Thày trò gặp nhau mừng rỡ, vâng, éo le thay, thày trò gặp nhau trong tù mà cũng… mừng rỡ. Nếu không có biến cố kia chẳng khi nào chúng tôi lại hội ngộ ở chốn này… Sau đó chúng tôi thường xuyên chuyện vãn với nhau, chúng tôi đã nói với nhau nhiều vấn đề về nhân tình thế thái, về chính trị, về chiến tranh, về hòa bình, về tất tần tật cái gì có thể nói để… giết thời giờ. Ngoài kỷ niệm là 2 thế hệ thày trò tình cờ gặp nhau trong tù thì còn một ấn tượng tôi sắp kể sau đây khiến tôi không thể nào quên.

Ngày đó, trong một lần bị đi hỏi cung về tôi bị còng tay, một cách còng dã man mà tôi bị lúc đó: người ta dùng còng số 8 (loại còng của cảnh sát ngày xưa hay dùng) để còng 2 bắp tay của tôi; và vì công năng của cái còng này chỉ để còng cổ tay chứ không còng bắp tay nên sợi xích ngắn giữa 2 còng không đủ dài. Để còng bắp tay (giống như trói  ngược cánh) họ phải -một mặt- bóp hết cỡ còng để tăng độ dài của dây xích – một mặt-dùng đầu gối tì mạnh vào giữa lưng tôi và ép mạnh 2 bắp tay tôi hướng vào giữa lưng để đủ với độ dài của dây xích (các bạn cứ hình dung 1 con gà bị trói túm ngược bằng âu cánh). Cách còng này khiến tôi vô cùng đau nhức và 2 cánh tay tôi vì bị còng bóp chặt đã sưng vù lên, vì thiếu máu nuôi cả 2 tay tôi tím ngắt và càng phút càng đau đớn khủng khiếp. Tôi nói với thày chắc có lẽ đến giờ hỏi cung chiều người ta sẽ tháo thôi. Nhưng khi quan sát thấy tình cảnh của tôi lúc đó thày nói: “Không thể chờ được vì chỉ khoảng 15 phút nữa thôi 2 tay em sẽ bị hoại tử”. Thày đã vận động anh em trong phòng đập cửa xin cấp cứu và sau khi cán bộ y tế của tù mở cửa -may thay- tôi được tháo còng. Khi viết lại những dòng này trong tôi vẫn cảm nhận nguyên vẹn cái đau ngày ấy và trên 2 bắp tay tôi còn hằn vết sẹo (ở vị trí bị còng đó sau khi tháo còng đã lở loét và để lại sẹo dù thời gian đã qua lâu). Nếu ngày ấy thày không vận động thì có lẽ không có ai dám đập cửa kêu cứu giúp tôi. Và chắc chắn là tôi không còn tay để gõ lại câu chuyện này. Sau buổi đó thày bị kêu đi hỏi cung và không thấy trở lại; không biết thày bị chuyển trại hay được thả và tôi cũng bị chuyển đi phòng khác… Cho đến mãi gần mười năm sau tôi mới gặp lại thày.

Tôi gặp lại thày nhờ Phan thị Kim Oanh, ngày ấy Oanh mua nhà ở Sài gòn và bán cà phê ở gần cầu Thị nghè, khi tôi đến thăm Oanh thì Oanh nói thày Đại Hiền cũng ở gần đấy trên đường Nguyễn văn Lạc. Tôi đã đến thăm, thày trò gặp nhau buồn buồn tủi tủi, những chuyện xưa lại tràn về. Lúc đó thày cho tôi biết là thày kiếm sống bằng nghề dạy thêm tiếng Anh và căn nhà thày ở nhờ (?) là của ông Nguyễn Bá Cẩn (ở Hạ Nghị Viện cũ thì phải). Một buổi thày gọi tôi đến ăn cơm, thực đơn bữa cơm cho đến bây giờ tôi còn nhớ rõ (có cả con trai thày nữa) gồm rau muống luộc, nước rau muống có dằm 1 trái cà chua dùng làm canh và 2 quả trứng vịt luộc dằm với xì dầu. Trong bữa cơm thày nói với tôi là thày đi vượt biên, mọi việc đã xong và thày nhấn mạnh là thày đi ngay hôm đó. Tôi không rõ thày đi có an toàn không và trong lòng cứ thấp thỏm mãi cho đến khi có lại được tin thày. Ngày ấy vượt biên là một trọng tội chứ không phải được trải thảm đỏ mời về như bây giờ (việc này Nam Đà biết rõ, bữa nào kể lại cho mọi người nghe đi).

Sau này thày trò có dịp e-mail cho nhau, có lần thày chủ động gọi điện thoại nữa. Khi biết tôi đang làm nghề xây dựng, thày đã giới thiệu cả người quen của thày để hy vọng sẽ giúp đỡ tôi.

Lần cuối không thấy thày viết thư cho tôi nữa khi trong thư ấy tôi có viết câu này: em có việc muốn nhờ thày giúp đỡ…Tôi nghĩ rằng nếu thày có ý định giúp đỡ thày sẽ hỏi lại tôi và tôi sẽ nói rõ cần thày giúp gì nhưng không thấy thày trả lời nên tôi cũng không dám viết thêm. Thật ra ngày ấy khi biết tin Trần Thái Hòa là con của thày, tôi định nhờ thày nói với cháu hát giúp một trong các bài hát do tôi sáng tác mà nhiều người khen hay mà thôi, tuyệt nhiên không dám nghĩ đến chuyện nhờ vả gì khác.

Đến nay, qua nguồn thông tin của người này, người khác tôi biết thày và gia đình vẫn an mạnh, tôi rất mừng; vừa đây có dịp gặp ca sĩ Trần Thái Hòa ở BMT, nghe nói Hòa và thày không ở chung với nhau từ đã lâu tôi cũng không hỏi gì kỹ thêm. Biết thày an mạnh là mừng rồi. Thời gian cứ lầm lũi trôi, thời gian thì vô hạn, đời người thì hữu hạn, biết ra sao ngày sau…Thôi thì cứ nhớ lời thày “you must love to be loved”.

Thân mến 

Đỗ Thế Hùng 

Sàigòn 26/11/2011
(*) ”rõ mặt người vừa đến” trích lời trong bài NĂM MỚI của nhạc sĩ Phan Ni Tấn

Friday, November 25, 2011

Õng Ẹo Trăng Vàng

      Trăng vàng muôn thuở lửng lơ
Thẹn thùng xuất hiện khi chờ mây tan.
      Hằng Nga, chú Cuội, cung vàng
Trên cao ngó xuống trần gian bi hài.
      Trăng rằm vằng vặc trẻ thơ
Rộn ràng ca hát rước đèn như mơ.
      Trăng non hơ hớ đào tơ
Lòng son rộn rã đợi chờ tình quân.
      Trăng thề hẹn ước tình nhân
Mơ duyên tình thắm ngày xuân còn dài.
      Trăng hờn sầu hận hồn ai
Giết người trong mộng vì sao bội thề.
      Trăng mờ thổn thức tình phai
Nửa vầng trăng khuyết khóc ai hững hờ.
      Trăng tôi rao giá rất hời
Ai mua tôi bán mộng đời rong rêu.
      Văn chương, thi phú dệt thêu
Trăng cười, trăng khóc cũng người thế gian.
      Nay trăng đã xế bóng tà
Õng  à õng ẹo trăng già làm duyên.
  
Hồng A

Con gái Mười Hai B (tiếp theo)

Cuộc đối thoại về cái yêu của con gái Mười Hai B lại tiếp tục với câu hỏi sau của Bạch Liên:
Bạch Liên viết
Dung ơi! bài thơ “Chân tình” của Thanh Hương rất hay và rất vui nhưng Liên còn có một thắc mắc nên Liên muốn hỏi:
Dù yêu đến lúc chẳng còn yêu
Hỏi tình yêu đó ít hay nhiều?
Làm sao biết được lời em nói
Là lúc còn yêu hay hết yêu

Bạch Liên đã được Thanh Hương trả lời như sau:
Bạch Liên ơi à, hỏi chi mà hóc búa quá vậy?

Người hiền thơ chẳng dịu hiền
Vườn thơ nở đoá Bạch Liên ngạt ngào
Ngạt ngào thơ sắc như dao
Lưỡi đơ, biết trả lời sao cho người
Tình không như Toán rạch ròi
Có, trăm năm có, không, đời đời không
Tình là mây trắng bềnh bồng
Vừa tha thiết có, thoắt không ngỡ ngàng
Cánh diều no gió ngang tàng
Bàn tay lơ đễnh bẽ bàng đứt dây
Yêu bao nhiêu mới là đầy?
Yêu bao lâu mới ta đây chung tình?
Cõi yêu là cõi vô minh
Đau thương, bất trắc rập rình nẻo yêu
Con tim chẳng lý luận nhiều
Cứ yêu đến tóc muối tiêu vẫn còn...
Thanh Hương

Và cuối cùng là lời bàn của Minh Khuê:
Bạch Liên ơi,
Đừng tưởng Bà già mad solo mà hỏi khó về chuyện YÊU đâu nhé, người ta đã yêu từ muôn kiếp trước chán chê rồi nên kiếp này thấy đàn ông là ngấy đến tận cổ đấy thôi! Nếu không tin, Liên cứ “thắc mắc biết hỏi ai?” tiếp đi, bảo đảm Già Mad không bao giờ bí và bọn mình sẽ được thưởng thức cả kho những bản tình thơ vô cùng... bất hủ trong tương lai!!!!!!
Minh Khuê

 
 

Thursday, November 24, 2011

Nhật Ký Nửa Đêm, Trang 3 - Thầy Khánh về Việt Nam

Ngày 12/11/2011
15g30 gọi điện cho thầy hẹn 16g đến đón thầy. Thầy có tác phong làm việc rất khoa học, việc gì cũng phải sắp xếp trước để không bị động (điểm này học trò chả giống thầy tí nào). Đúng 16g xuất hiện trước cổng nhà thầy, lại được một tràng sủa giòn giã đón tiếp, nhưng hôm nay tiếng sủa nghe thân mật hơn. Có lẽ đàn chó nhà thầy cũng đánh hơi được là mình hiền hoà khả ái và nhất là không xơi món cầy tơ. Thầy đã sẵn sàng nhưng vì còn sớm quá nên thầy trò ngồi ôn tiếp chuyện xưa xửa xừa xưa, nói hoài vẫn ưa.
Nhớ lại ngôi nhà của thầy ở BMT có cây bông giấy và một tủ sách to đùng đông đúc sách, đi học về mình và Hồng A hay ghé vào mượn truyện về đọc. Có lẽ tình yêu đối với văn thơ của bọn mình cũng ươm mầm đá từ đó...
Thầy nói thầy dạy ở Cần Thơ 5 năm, ở BMT có 3 năm nhưng học trò Cần Thơ không có ai liên lạc với thầy, có lẽ vì ở đó thầy dạy toàn nam sinh (thầy nói đó nghe, mình không có gan bịa ra đâu). Máy tính trong phòng thầy không vào mạng được, thầy nhờ mình vào xem thử nhưng mình cũng bó tay. Lúc đó ước gì úmbala Trần Dung tượng đá  hiện ra. 


16g50  taxi đến, hai thầy trò hồ hởi lên đường. Thầy hỏi: “Các bạn hôm trước đón thầy ở sân bay có đến dự hết không? Khoá 74 dự được khoảng bao nhiêu người?”. Biết trả lời sao? Lời bỗng ngọng, thôi đành hy vọng...
17g10 đến “The Myth (Thần Thoại)”, vợ chồng Hồng A đang đợi ở đầu ngõ. Bao nhiêu năm rồi thầy mới gặp lại học trò cưng và học trò cưng mới gặp lại thầy? Thầy nói: “Thấy em khác quá” (chắc là về hình thức). Mình thì thấy nội dung cũng khác xưa nhiều. Thuở ấy Hồng A nhất quỷ nhì ma, bây giờ (có vẻ) thùy mị nết na, chả bù với Nam Đà, Kim Hương, Minh Khuê, Hoàng Hạnh và mình càng già càng quậy bay tóc.
Tà tà đi vào, gặp thầy Sỹ và một số anh chị khóa 72 cũng đang hàn huyên. Chào hỏi xong, vào quán đã thấy Minh Khuê và một vài bạn ngồi chờ ở bàn ngoài sân. Quán này do Minh Khuê chọn, có khuôn viên rộng và thoáng, có những tàng cây cổ thụ xanh mát, những ngọn đèn nhiều màu rực sáng trên cao, thác nhân tạo róc rách chảy xuống hồ nước điểm những pho tượng thần thoại (chắc là để đúng với tên của quán)..., một mảnh thiên nhiên cách biệt với cảnh xô bồ mịt mù khói bụi của đường phố Sài Gòn. Tuy chẳng thể nào sánh được với cảnh rừng núi thâm trầm thác thật hùng vĩ hồ thật mênh mông của BMT nhưng cũng tạm đủ cho thầy trò quây quần họp mặt. Mình chỉ không thích đám bàn ghế, thấy chỏi chỏi làm sao.

Trời chiều âm u ầm ì có vẻ đe doạ: “Hãy đợi đấy, mưa đây, mưa đây”. Nhân viên phục vụ đề nghị dời vào trong nhà cho chắc ăn. Chui vào nhà thì tù túng, cả bọn cứ liều ngồi ngoài sân, chừng nào mưa thì chạy, mặc kệ nhân viên cũng tiếp tay với ông trời đe dọa: “Tối nay thứ bảy đông khách lắm, coi chừng đến lúc đó trong nhà cũng hết chỗ”.
Quan khách lai rai đến. Các thầy cô: vợ chồng cô Trâm - thầy  Lô, vợ chồng cô Minh Hưng - Thầy Vĩnh, thầy Sỹ và cô Thưởng rất nhiệt tình đã có mặt từ sớm mà nhiều học trò vẫn bóng chim ưng tăm cá sấu. Đã lâu lắm rồi mới hội ngộ với thầy Khánh, các thầy cô tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả. Ban hậu cần gồm Minh Khuê, Thi người điên giữa kinh thành, chị Hương khóa 72 đã bắt đầu chọn thực đơn. Quang Tâm không hổ danh là tráng sĩ, đón Hoàng Hạnh ở tận Cầu Đỏ Bình Thạnh bàn giao cho Tuyết Mai ở Phú Nhuận rồi chạy ngược lên Chợ Lớn đón Nam Đà. Kim Hương ơi ngày đó nhà mi đặt biệt danh cho Quang Cưa là Tráng sĩ Áo Đầm nên bây giờ hắn luôn xí phần đưa đón áo đầm. Tối nay bé Duy (lớp 10) đi học thêm nên không chở mẹ được. Học sinh ở Sài Gòn  từ cấp 1 (tiểu học) đã phải đi học thêm tối tăm xây xẩm mặt mày rồi. Nhớ lại bọn mình suốt 12 năm chỉ đến trường có một buổi, học ít chơi nhiều mà vẫn giỏi, tuổi học trò đầy ắp niềm vui rong chơi nghịch ngợm phá thầy phá bạn mà thấy thương cho đám hậu sinh.
18g rồi mà bàn tiệc còn lỗ chỗ như hàm răng sún. Thầy Khánh sốt ruột hỏi mình: “Phải chờ đến bao giờ? Các bạn ấy khi nào mới đến?”. Trời ơi, bộ thầy quên là bọn em xuất thân từ xứ sở cao su hay sao? Thôi thì cứ dọn mâm, thức ăn từ từ lên rồi các bạn ấy sẽ từ từ đến...
Trong lúc đó, thầy Khánh lấy máy hình đi chụp chân dung từng bạn, hình như thầy chuẩn bị làm bộ ảnh mới cho diễn đàn 74. Chụp xong còn đưa cho đương sự xem có vừa ý không? Thế là lũ tiểu yêu lại giở trò nhõng nhẽo hình này xấu hoắc thầy ơi, thầy chụp lại cho em tấm khác đi... Thầy thật là hiền, học trò đòi gì cũng chiều, có con khỉ thầy phải chụp đến lần thứ ba mới chịu buông tha cho thầy.

Cuối cùng thì bàn tiệc cũng đầy những nụ cười tươi toe toét. Tổng cộng là 29 nụ, gần trọn vẹn cho một hàm răng xinh. Vị trí danh dự răng cửa dành cho các thầy cô và anh Cửu rể của 74, răng khểnh duyên dáng là Hồng A, Thôn, Thơm, răng nanh gian ác có Nam Đà, Hoàng Hạnh, mình, răng khôn thông minh tài giỏi là Minh Khuê, răng hàm oai phong lẫm liệt có Tuyết Mai, Thi, Quang Cưa, Chí Hòa (không có răng giả  cũng không có răng sâu, thiếu bé Duy răng sữa và vài cái răng hàm Xuân Anh, Bình...). Như vậy phe 74 có 9 cô nương hoàn toàn áp đảo 2 quí ông Quang Cưa và Chí Hòa. Có lẽ vì nam nhi bận nhiều chuyện đại sự và ít ham ăn hơn nữ nhi. Phe 72 mình chỉ nhận ra anh Phúc mới gặp hôm đón thầy ở phi trường, chị Hương thì Khuê mới giới thiệu, còn các anh chị khác mình không quen biết nên không chú ý lắm. Mình nhút nhát lắm, gặp người lạ là im thin thít (hồi bé ba mẹ đã dặn không được nói chuyện với người lạ, sợ gặp phải mẹ mìn), hơn nữa mọi chuyện giao tế bên ngoài đã có Giám Đốc Sở Ngoại Vụ là Bùi Thị Minh Khuê lo liệu chu đáo rồi. Thế là mình chỉ lo ăn và lo kiếm đồng minh quậy.

Ái cha cha, hôm nay hạt tiêu sọ Nam Đà xứng đáng đoạt huy chương vàng môn quậy. Mọi người cứ xem hình là thấy ngay, hắn không chối vào đâu được. Nhưng hắn học bên lớp Pháp văn chưa biết tình sử Hoàng Hạnh - Chí Hòa nên đòi mình kể. Sự tích như vầy: mọi người có nhớ trong mail ngày 26/10/2011, Quang Cưa có nhắc đến hai băng quậy tiêu biểu cho hai phe tóc dài và tóc húi cua. Phe tóc dài thì có Hồng A, Tuyết Lang, Kim Hương, Hoàng Hạnh và mình, phe tóc húi cua thì có Quang Cưa, Quách Đình Chiến, Trương Chí Hòa và Bùi Đăng Sơn (4 cừu non chọi 5 sư tử thua là phải rồi). Hồi đó Hồng A lãng mạn và có tâm hồn thi sĩ nhất phe tóc dài (hình như cũng biết yêu sớm nhất), một ngày đẹp giời ả mượn tay các nhà thơ gả cho mỗi chàng một nàng. Kim Hương được gả cho Bùi Đăng Sơn, Tuyết Lang ghép đôi với Quang Cưa, Hoàng Hạnh se duyên với Chí Hòa, mình thì  sánh đôi với Quách đình Chiến. Còn ả thì sao? Bọn mình gả lại cho Hắc đế Hồng Giang. Mình còn nhớ bà mai Hồng A đã lấy bài thơ Giục Giã để làm sính lễ  cho mình:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi
Nàng nhang xanh, cô già nhỏ của tôi
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi


Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi Hương, Chiến rất sợ ngày mai
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn
.............

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi...
Xuân Diệu
(Tiếc là bài thơ của các cặp khác mình quên mất tiêu rồi, thủ phạm Hồng A có còn nhớ thì hôm nào kể lại nhé)
Gả để chọc ghẹo nhau cho vui chứ hồi đó đều là tình giả. Nhưng đâu chỉ có thế...

Tình Không Phải Tình
Một ngày gió thổi hơi hiu hiu,
Chí Hòa chống cằm ngồi buồn thiu
Tương lai mờ mịt xa xăm quá
Ra sao ngày sau thân liu điu

Như hiểu nỗi lòng chàng thư sinh
Thanh Hương xoè ra giấy trắng tinh
Mời chàng xem bói qua chữ ký
Công danh sự nghiệp, cả duyên tình

Mừng thầm đón bút ký liền tay
Nét lượn như phượng  múa rồng bay
Ký đẹp ngày sau đời ắt đẹp
Lòng vui không rượu vẫn say say...

Đâu chỉ mình chàng mộng vẩn vơ
Có người con gái bao ngây thơ
Mắt thường lơ đãng quên nhìn bảng
Hồn luồn qua cửa sổ dệt mơ

Hoàng tử nào đây sẽ cầm tay?
Cùng đi trên những thảm cỏ may
Chi Cao* hai đứa mình chung cốc
Kem ngọt cho tình thêm đắm say

Thanh Hương đưa trang giấy học trò
Tay ngọc ký ngay chẳng đắn đo
Xanh xanh ngòi bút ghi từng chữ
Tên Hoàng thị Hạnh nét tròn vo

Ký rồi, tên họ cũng viết xong
Đôi nai vàng thắc thỏm đợi mong
Thầy bói đoán gì đăm chiêu thế
Hung? Kiết? lo lo thắt cả lòng

Hồng A trả manh giấy cuộn tròn
Hồi hộp mở ra: “Giấy Kết Hôn”
Chú rể Chí Hòa, dâu Hoàng Hạnh
Đôi trẻ nhìn nhau điếng cả hồn

Chắc hẳn là ai đã mạo danh
Nét chữ này đâu phải của mình
Nhưng ở cuối trang, kỳ lạ quá
Hạnh, Hòa  hai chữ ký rành rành

Thôi thế đôi ta bị mắc lừa
Bứt tai vò tóc nuốt cay chua
Thầy bói hóa ra bà mai mối
Tức tối nhưng đành phải chịu thua

Mới thôi gần trọn bốn mươi năm
Đường trần rét mướt lạnh căm căm
Ngọn gió cuộc đời tan tác thổi
Mỗi người một phương trời xa xăm

Ai hay hội ngộ tuổi sang đông
Tình sử ngày xưa vẫn khắc lòng
Hòa, Hạnh, Hương, Hồng cười ngặt nghẽo
Chẳng nhớ là lưng đã sắp còng.

Nghe xong Nam Đà  khoái chí xách máy hình đi săn ảnh đôi uyên ương bất đắc dĩ. Mình kèm theo đây một tấm hình rất đẹp có đủ mặt chàng, nàng và hai bà mai, sau lưng là Quang Cưa và Nam Đà. Chí Hoà đã từng ấm ức: “Hồi đó tức lắm nhưng đành chịu trận”, bây giờ lại tươi hơn hớn choàng vai Hoàng Hạnh mình thấy nghi quá. Chắc phải bắt hắn hậu tạ mình với Hồng A vì đã tặng cho hắn và Hoàng Hạnh một mối tình giả để đời dễ gì ai có được. 


Cô Minh Hưng cũng nhắc lại có một lớp đã bỏ đầy sâu muồng vào ngăn kéo bàn cô nhưng cô không nhớ lớp nào. Lớp nào không biết chứ lớp 8/4 toàn con gái dịu dàng đoan trang bọn mình chắc chắn là không rồi. Nhác thấy dáng con sâu béo núc ních mềm nhũn ngọ nguậy, phe tóc dài nếu không xỉu tại chỗ thì cũng mặt mày tái mét, chân chạy bắn khói...
Thầy Vĩnh là thầy dạy mình Toán lớp 11. Mình còn nhớ thầy hiền nhưng rất nghiêm và làm việc rất nguyên tắc, dạy Hình Không Gian rất hay. Giờ thầy cả lớp học chăm chú lắm, không hề nghịch một mảy may. Mình hỏi: “Thầy có nhớ em không thầy?”, thầy cười: “Nhớ chứ vì em hay mặc áo len”. Hì hì vậy là nhờ cái áo len xám vật bất ly thân mà mình được nhớ lâu. Cả thầy Giõng, mỗi lần về Sài Gòn lại hô lên: “Thanh Hương, áo len đâu rồi?”
Thầy Lô thì mình hơi ngài ngại vì mình hơi dở Lý. Sao mình thấy môn Lý trừu tượng còn hơn Toán nữa. Thay công thức vào để làm bài tập thì vẫn được nhưng cứ mơ mơ hồ hồ làm sao. Các bạn có ai giống mình không, la lên, mình sẽ kết làm bạn nhau.

Cô Thưởng thì mình không được học nên không biết cô. Mới đầu Hoàng Hạnh còn tưởng cô là Thu Minh nữa chứ. Thầy Sỹ trông rất trẻ và vui vẻ không đáng sợ như ngày xưa. Hồi đó vào lớp thầy gọi tên ai là người đó bủn rủn tay chân, hồn vía lên mây, chữ nghĩa bỏ chạy. Thầy cũng rất hào phóng nữa: ấp a ấp úng: zero, bài tập nộp cho thầy giựt vội giựt vàng ở vở ra để giấy thủng bụng: zero. Thầy kể là có học sinh cũ khi gặp lại thầy đã nhắc lại: “Thầy ơi có lần thầy cho 25 bài tập về nhà, em làm 24 bài mà thầy vẫn cho  zero” (thầy nỡ lạnh lùng đến thế sao?). Nghĩ lại nhờ thầy khó tính mà mình rèn được tính cẩn trọng và làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Từ khi học thầy lớp 12 đến tận bây giờ, trước khi lấy tờ giấy đôi, bao giờ mình cũng tìm cái gì đó cạy kim ra, dù phải xước móng tay nhất quyết không để giấy thủng bụng. Thầy khó tính khét tiếng vậy nhưng bọn tiểu quỷ vẫn giở trò được như trong mail mà Quang Cưa đã kể. Giờ thầy hai phe ngồi hai dãy, thầy quay lên bắn đạn giấy chíu chíu từ dãy này qua dãy kia, thầy quay xuống lại im phăng phắc, toàn thiện xạ không có đạn nào lạc lên bảng nên thầy không phát hiện. Thầy trò đứng trò chuyện dưới tàng cây, mình xưng tội với thầy, thầy chỉ cười hiền không rầy la gì. Mình đã canh me rồi, thầy đi dự tiệc chắc chắn là không đem theo sổ điểm, làm sao mà cho mình  zero được. 

Ngay lúc đó Nam Đà lôi Chí Hòa, Hoàng Hạnh, Quang Cưa ra chụp hình vai kề vai hai “cặp đôi hoàn hảo” **. Nam Đà diễn tuồng xuất sắc đến nỗi thầy Sỹ vì đã biết vợ Quang Tâm là bác sĩ, hỏi mình và Hoàng Hạnh có phải Nam Đà là “phở tái nạm gân gầu” *** của Quang Tâm không. Mình và Hoàng Hạnh cười đến tắc thở: “Toàn là tình giả thầy ơi”... Chắc thầy không ngờ nổi học trò thầy, trẻ quậy đã đành, già vẫn chẳng đứng đắn nghiêm trang đạo mạo được tí nào. 

Thầy Khánh vui ngất ngây. Bọn mình quây lấy thầy, cả thầy lẫn trò chồng tay lên nhau hô YeYe, YeYe, YeYe. Thầy hứa là sẽ dành riêng cho khóa 74 thêm một ngày nữa dù lịch hẹn của thầy đã đầy ăm ắp. Thương thầy ghê.



Mọi người đã lục tục rời bàn tiệc chụp hình lưu niệm trước khi chia tay. Đông quá nên phải xếp thành hai hàng: ngắn gọn súc tích đứng một hàng, dài dòng văn tự đứng một hàng. Máy ảnh tha hồ nháy mắt cười. Trời vẫn thương nên chỉ dọa dẫm một tí lúc đầu tiệc mà không nỡ mưa. Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh (Xuân Diệu). Một đêm trời đẹp tình thầy trò tình đồng môn ấm áp, ra về lòng vẫn còn luyến tiếc, bụng nặng trĩu (đồ ăn)...


Mình đưa thầy về, sau đó mình đưa mình về, một mình tôi về với đêm ****...
Nhật ký nửa đêm do phóng viên mắt nhắm mắt mở thực hiện đến đây tạm khép lại. Có gì thiếu sót mong bà con châm chích.

Thanh Hương

Ghi chú
(*): Chi Cao: tên một tiệm kem ở Ban Mê Thuột
(**) “cặp đôi hoàn hảo”: Cặp Đôi Hoàn Hảo là tên một gameshow đang phát sóng trên truyền hình tại Sài Gòn
(***) “phở tái nạm gân gầu” : cơm là tiếng lóng chỉ vợ, phở là tiếng lóng chỉ bồ, dân đa tình (như Quang Cưa) có thành ngữ: chở phở đi ăn cơm, chở cơm đi ăn phở.
(****) một mình tôi về với đêm: nhái lời bài hát của Trịnh Công Sơn  một mình tôi về với tôi.