Sunday, July 30, 2023

Cài Hoa Trắng

CÀI HOA TRẮNG

 

Con tìm đâu tiếng gọi Ba, gọi Mẹ

Đâu miếng cơm, manh áo của lo toan

Đâu bàn tay sờ trán con nhè nhẹ

Con ốm rồi...Mẹ lo lắng, hoang mang

Mắt Mẹ mừng, Ba lấp lánh niềm vui

Khi con trẻ thuở đầu đời biết nói

Rồi chập chững. Đi … con nhé đừng lùi

Ba dìu dắt, ôi tấm lòng vòi vọi …

Con vào đời, lòng Mẹ Ba mong mỏi

Ba cho con từng chăm chút, chắt chiu

Tiễn con đi, ra xứ người học hỏi

Mẹ ngóng theo... lòng Mẹ nhớ con nhiều

Ba Mẹ ơi, dẫu đến ngày mệnh thác

Vẫn như xưa câu thề ước vuông tròn

Mãi bên nhau đến răng long đầu bạc

Bia mộ này lưu dấu nghĩa sắt son

Vu Lan này áo con cài hoa trắng

Mắt con buồn và ngấn lệ trào dâng

Nghe thời gian thấm nỗi buồn xa vắng

Chợt chùng lòng tiếng chuông vọng chiều ngân

 

Như Thương

(Viết tặng Dzung)

Friday, July 28, 2023

Vài Dòng Cảm Nhận Chia Sẻ Về Bài Viết Của Bạn Trần Dzung

 


Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện cảm động về ông Trần Văn Định, người cậu yêu thương của gia đình bạn. Đó là một câu chuyện về ý chí kiên cường, lòng hy sinh và tình yêu thương không biên giới. Ông đã vượt qua nhiều khó khăn và gian khổ trong cuộc đời, nhưng luôn dành tâm huyết và tình yêu cho gia đình.

Từ việc không được tiếp tục học hành do chiến tranh, Ông đã hy sinh mọi thứ để đưa gia đình đến một miền đất hứa tự do - Hoa Kỳ. Với tình yêu và sự chăm sóc của cậu mợ bạn, bạn và các anh em đã có được một cuộc sống tốt đẹp và thành công trong việc hoàn thành học vấn đại học.

Tình yêu và sự hy sinh vô điều kiện của cậu mợ dành cho gia đình không chỉ là một gia tài vô giá mà còn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau. Câu chuyện về cậu mợ và gia đình bạn là một minh chứng cho sức mạnh của tình thân, ý chí và lòng kiên nhẫn trong cuộc sống.

Khi mình đọc bài viết của bạn, mình cảm nhận được tình yêu thương của bạn dành cho người cha thân yêu của mình, người ta nói rằng nếu đã từng đã sống trong sự đau khổ cùng cực thì dễ cảm nhận về sự mất mát khó đền bù đó… Nhìn về quá khứ, mình cảm nhận được rõ sự cống hiến của cậu mợ dành cho gia đình bạn là vô hạn. Rồi bây giờ mỗi đêm trước khi đi ngủ, hoặc những ngày giỗ tết sẽ không còn nghe những lời chúc tốt lành mà ông đã ban tặng đến gia đình bạn. Viết tới đây mình cảm thấy ghen tị sự hạnh phúc của gia đình bạn. Nhìn thấy sự chăm sóc Cậu mợ của bạn, mình cảm thấy hình như tuổi trẻ bây giờ họ đã quên hết, hy vọng bài viết của bạn sẽ lan tỏa đến nhiều người trẻ đọc để giữ mãi trong lòng những bài học đáng quý, từ những câu chuyện tình yêu lãng mạn của cậu và mợ, cho đến những hành động đầy ý nghĩa trong cuộc sống gia đình.

Và giờ đây, khi cậu mợ bạn đã trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời, hy vọng bạn và gia đình luôn giữ lửa cho ngọn đuốc này cháy mãi. Những giá trị mà cậu mợ đã truyền dạy cho bạn sẽ còn đong đầy mãi trong lòng bạn và được truyền lại cho thế hệ sau. Bạn hãy nói: Cậu mợ ơi! hãy yên nghỉ và thong dong bay trên bầu trời. Những kỷ niệm về cậu mợ sẽ luôn là nguồn sức mạnh và động lực giúp cho bạn nhiều động lực vượt qua mọi sóng gió cuộc sống đế luôn được bến bờ bình yên. Xin nguyện cầu cậu bạn hãy ngủ yên, trong tâm hồn của mỗi người, cậu mợ sẽ mãi mãi sống tiếp, trong từng hơi thở, trong từng trái tim của mỗi người trong gia đình bạn.

Mình và các bạn xin thành thật chia buồn với bạn và gia đình về sự ra đi của Ông. Nhưng cũng xin chúc mừng cuộc đời của cậu mợ đã để lại một di sản tuyệt vời và nhiều hạnh phúc trong trái tim của mọi người trong gia đình bạn. Hãy giữ mãi trong lòng những kỷ niệm và giá trị mà cậu mợ đã dành cho bạn và gia đình, và tiếp tục lan tỏa tình yêu và lòng vị tha đến mọi người mà cậu mợ bạn đã truyền đạt.

Xin Ông hãy ngủ yên, hy vọng các cháu sẽ luôn giữ vững đuốc tình thương của hai bác, bảo vệ và đưa nó tiếp tục sáng rực trong hành trình đời mỗi người.

Viết xong ngày 27/7 / 2023
Thân mến : Huỳnh Ngọc Hiệp người bạn đồng môn

Điếu Văn Cho Ba

 

(Đọc trong ngày tang lễ của ba Trấn Văn Định vào ngày Thứ Ba 7/25/2023)

Kính thưa quý bậc trưởng thượng, quý cô chú bác, quý bạn hữu, quý thân bằng quyến thuộc và quý sui gia của gia đình.

Tôi là Trần Thị Dung, trưởng nữ của ông Trần Văn Định.

Trước hết tôi xin phép được nói vài lời về ba để các em và các cháu có dịp hồi tưởng về một vài hành trình của người cha và người ông thân yêu.

Trong gia đình, chúng tôi luôn luôn gọi ba má là cậu mợ. Với cách xưng hô này, thầy cô trong trường học và những người không quen biết nhiều với gia đình đều nghĩ 7 chị em chúng tôi là con nuôi của ba má mình. Trong giây phút này, tôi xin tiếp tục gọi ba má của chúng tôi là cậu mợ.

Cậu sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ tên Tiên Khoán, thuộc tỉnh Hà Nam, Bắc Phần. Cậu chỉ là một người con dân bình thường, không có địa vị to lớn trong xã hội, không giàu có cao sang, nhưng đối với gia đình, cậu là biểu tượng cho một ý chí kiên cường, một người mang đầy nghị lực và nhân hậu, yêu tự do, không bao giờ chùn bước trước những khó khăn để bảo bọc gia đình và hết mực yêu thương vợ con. Lớn lên trong sư dao động của chiến tranh, cậu không có cơ hội tiếp tục việc học lên bậc trung học sau trận tản cư trong đệ nhị thế chiến. Điều này không hề ngăn cản sự thành công của cậu khi đưa thế hệ con cháu hoàn thành xong cấp bậc đại học sau này.

Tuy gia đình mình không phải là một gia đình giàu sang, phú quý, nhưng cậu mợ đã để lại cho chúng con một gia tài to lớn mà tiền bạc không dễ mua được, có người còn phải đánh đổi cả tánh mạng của mình mà chưa chắc có được. Gia tài lớn nhất mà chúng con muốn nói đến đó là sự tự do. Cậu mợ đã hy sinh tất cả để đưa gia đình mình được nguyên vẹn đến miền đất hứa Hoa Kỳ, nơi mà chúng con được hít thở không khí tự do. Chúng con lớn lên trong vòng tay yêu thương bảo bọc của cậu mợ, trong một tổ ấm đong đầy hạnh phúc. Cậu mợ đã dạy dỗ bảy chị em chúng con nên người, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Mỗi người chúng con đều tạo dựng được một đời sống vững vàng cho chính mình.

Cũng như những người ở độ tuổi 90 của cậu, cậu là chứng nhân của nhiều tang thương đã đến với người dân Việt Nam trong nhiều năm. Chiến tranh đã đưa cậu đi nhiều nơi, ít nhất bốn lần cậu phải làm lại từ đầu với một công việc mới mẻ đòi hỏi nhiều sự học hỏi, gian khổ và cố gắng ở một vùng đất xa lạ nào đó.

Khi chiến tranh Đông Dương ập vào Việt Nam, người dân miền Bắc phải chịu nạn đói khủng khiếp do quân đội Nhật Bản tạo ra để phục vụ chiến tranh. Ở độ tuổi 11-12 cậu đã phải lăn lộn với đời để cùng bà nội và các bác vượt qua nạn đói trong lúc chạy loạn, tránh sự tàn ác của quân Nhật.

Năm 1954, cậu cùng người vợ trẻ mới cưới lên chuyến tàu xuôi Nam tìm tự do, tránh sự độc tài của chế độ cộng sản. Cậu đã để lại bà nội ở quê nhà với ý định hai năm sau sẽ gặp lại mẹ hiền. Không ngờ từ đó cậu không còn một dịp nào gặp lại bà nội nữa. Đến Nha Trang với hai bàn tay trắng, cậu mợ bắt đầu một cuộc sống mới với một công việc hoàn toàn mới lạ. Sau một thời gian ngắn cậu mợ về Ban Mê Thuột, một tỉnh nhỏ lúc bấy giờ được xem là một nơi khỉ ho cò gáy, nơi người ta thường gọi là xứ buồn muôn thuở với bụi đỏ mù trời, nhưng nơi đây lại là vùng đất lành cho cậu mợ tạo dựng một gia đình nhỏ. Sau hơn 10 năm, cậu mợ đã có hai cửa tiệm tương đối khang trang đủ để nuôi 7 đứa con.

Tuy công việc buôn bán bề bộn, nhưng cậu mợ vẫn dành thì giờ cho nhau. Mỗi buổi cơm tối là lúc cậu mợ ngồi bên nhau để ôn lại công việc trong ngày hoặc bàn về tương lai của các con. Ngày nào cũng như ngày nấy, trong khi các con ôn bài cho ngày hôm sau, cậu chở mợ đi một vòng ngoại ô để hóng mát. Điều này đã trở thành một hình bóng quen thuộc của đôi vợ chồng trẻ mà hàng xóm thường nhắc đến khi nói về cậu mợ. Những lần đì Sài Gòn mua hàng, cậu không quên mang về cho mợ những xấp vải thật đẹp và lạ, cả tỉnh không ai có khiến hàng xóm không ngớt lời trầm trồ khen ngợi. Bên cạnh những xấp vải cho mợ là những món đồ chơi điện tử bằng pin mới lạ và những con búp bê biết nhắm mắt và mở mắt cho các con. Đó là những món đồ chơi xa xỉ ở tỉnh lẻ mà chúng con thật hãnh diện với bạn bè. Con cái sống trong sự dịu dàng của mợ và niềm cương nghị của cậu. Chúng con không bao giờ nghe một lời to tiếng từ cậu mợ. Tình yêu của cậu mợ đã là chiếc nôi hạnh phúc cho cả gia đình.

Trong những giây phút bận rộn với việc buôn bán, thỉnh thoảng trên radio vang lên bài hát Thuyền Viễn Xứ, đó là lúc cậu chợt ngừng tay, đôi mắt cậu hiện lên nỗi buồn thăm thẳm, nhớ đến mẹ hiền đang đợi con ở bên kia chiến tuyến:

Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng mái tuyết sương

.....

Đó là một nỗi buồn mà cậu không bao giờ xóa được.

Cả đời cậu làm việc không ngừng nghỉ, tất cả tiền bạc, tài sản cậu có được đều dành cho gia đình, không ngại chi tiêu để các con có được một đời sống đầy đủ và có thể thực hiện được ước mơ của mình. Ngày em Quang bị phỏng nặng, cậu bỏ hết công việc, đưa em về Sài Gòn hơn một tháng trời, tốn bao nhiêu tiền cậu cũng không màng, miễn là em có được những cuộc trị liệu tốt nhất để tránh những thương tật nặng nề về sau.

Trước năm 1975, cho con đi du học là một việc hiếm hoi ở tỉnh lẻ, số người đi học ở ngoại quốc đếm được trên đầu ngón tay. Du học là một sự việc chỉ đến với nam sinh trong những gia đình đại thương gia hoặc những gia đình có địa vị cao trong xã hội. Thế mà cậu mợ đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, mọi lo lắng, không màng đến những lời phê bình chung quanh để cho người con gái đầu lòng vừa đậu cao trong cuộc thi tú tài IBM năm 1974 được đi du học bên Pháp. Đây là một sự hy sinh vô bờ bến của cậu mợ so với hoàn cảnh gia đình mình lúc bấy giờ. Không ngờ sự cố gắng này của cậu mợ lại là chiếc cầu vô hình giúp cậu mợ đưa cả nhà đến bến bờ tự do sau này.

Tháng 3, 1975, Ban Mê Thuột là thành phố đầu tiên thất thủ trước sự xâm chiếm của Bắc Việt, gia đình mình may mắn không có ai mất mát giữa những lằn đạn ác nghiệt. Trong những cuộc giao tranh đến với thành phố, cửa tiệm nhà mình phần bị cháy phần bị cướp nhưng may mắn còn sót lại một ít hàng hóa giúp gia đình vượt qua một ít khó khăn của lúc giao thời. Đã quen thuộc với sự tàn ác của cộng sản ở miền Bắc năm 1954, cậu tìm mọi cách đưa gia đình vào Sài Gòn để tránh những bất trắc có thể xảy đến. Cậu và em Quang hy sinh ở lại Ban Mê Thuột, tìm cách làm ăn rồi gởi tiền để vợ con yên ổn trú ẩn ở Sài Gòn. Sau những lần vượt biên không thành, cuối cùng cậu mợ đã đưa được cả gia đình đến Mỹ đoàn tụ với người con cả vào năm 1985 qua chương trình ODP. Một lần nữa cậu mợ lại phải bắt đầu từ con số không, lần này ở một vùng đất mà cái gì cũng mới mẻ cộng thêm sự khó khăn về ngôn ngữ. Và lại thêm một lần nữa cậu mợ đã vượt qua mọi khó khăn để các con có một đời sống vững vàng ngày hôm nay và tất cả các cháu đều thành tài.

Sống ở vùng đất an lành với đầy đủ con cái, hạnh phúc của cậu đong đầy với sự thành tài của các con. Khuôn mặt cậu rạng rỡ với niềm hãnh diện mỗi khi có tin thêm một đứa cháu tốt nghiệp đại học hay mới nhận được công việc làm tốt. Mỗi độ Xuân về, Cậu chuẩn bị từ sớm những phong bao đỏ thật đẹp, thật đặc biệt với những đồng tiền mới toanh để lì xì cho con cháu. Cậu là người rất ít nói nhưng cử chỉ và nét mặt của cậu khi có con cháu bên cạnh đủ để cho chị em chúng tôi và các cháu cảm nhận được tình thương bao la cậu luôn dành cho chúng tôi.

Một lát nữa đây, cậu sẽ ngủ yên trong lòng đất và vĩnh viễn nằm bên cạnh mợ. Xin cậu hãy yên tâm, chị em chúng con và các cháu sẽ mãi yêu thương nhau, bảo bọc nhau, tiếp tục giữ ngọn đuốc của cậu mợ để hướng dẫn các cháu thành nhân, biết yêu tự do, mang sự kiên cường để có thể vượt qua những khó khăn trên đường đời nếu gặp phải, sống một đời sống nhân hậu, có lòng vị tha và biết chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

Chúng con xin vĩnh biệt cậu mợ.
Cậu mợ hãy ngủ yên.

Con của cậu mợ, Trần Thị Dung

Friday, July 21, 2023

Tiễn Biệt Bạn Ngô Sơn

 

Chúng tôi ba đứa HIỆP, PHÁP, và SƠN sống chung dưới một mái nhà trong bốn năm cuối Trung Học. Thời gian 4 năm không dài nhưng cũng không ngắn, đủ để chúng tôi hiểu nhau. Bạn Pháp là người ra đi đầu tiên, và bây giờ đến lượt Bạn Sơn. Trái tim tôi vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ về khoảng thời gian quý giá đó, khi chúng tôi cùng bước vào cuộc hành trình của tình bạn đáng trân trọng.

Dù đã trôi qua 55 năm với biết bao thăng trầm, nhưng những kỷ niệm về bạn vẫn mãi trong tôi. Chúng tôi rất tương đồng về mọi thứ, tôi đã học được nhiều từ bạn trong thời gian chung sống. Bạn có nhiều tài năng, chữ viết đẹp, lại là một huynh trưởng của Hướng Đạo Sinh. Mỗi Chúa Nhật, bạn mặc bộ đồ đồng phục của Hướng đạo. Lúc đó, tôi thầm mơ ước như bạn, nhưng tôi hiểu rằng mọi thứ đều cần tập luyện và huấn luyện, không thể đạt được tự nhiên. Nhờ gần bạn, tôi đã học được những điều hữu ích mà không ngờ một ngày tôi lại sử dụng chúng. Có thể bạn tưởng tượng được không? Một căn phòng nhỏ chỉ có 2m x 1,5m, ẩm ướt và tối tăm, chỉ có một chút ánh sáng và không khí nhờ một khung cửa sổ nhỏ. Tôi sống trong điều kiện khó khăn đó trong vòng 6 tháng nhờ những bài học sinh tồn mà tôi đã học từ bạn. Bạn còn chỉ cho tôi biết lá cây nào có thể ăn được khi đi lạc trong rừng. Và nhờ đó, tôi đã có thể tồn tại trong những ngày khó khăn nhất của cuộc đời. 

Nhớ ngày ấy, hai đứa mỗi buổi chiều đạp xe vào rừng tìm lan. Từ đó, tôi đã phát triển đam mê với việc trồng lan cho đến bây giờ.Giờ đây, nhớ lại những năm tháng thời học sinh chung sống và làm việc thật bồi hồi. Mỗi buổi chiều rảnh rỗi, chúng tôi thường lang thang trên con đường Hùng Vương bụi mờ, nhưng thật thơ mộng. Đôi khi chúng tôi đi ngang qua rạp Thăng Long, hy vọng có vé bán đại hạ giá để vào xem. Nhờ vậy, chúng tôi đã có dịp xem những bộ phim hay như "Les Misérables" hay "A Little Sun in Cold Water" dựa trên tiểu thuyết của Fransoise Sagan. Còn những buổi chiều mưa phùn tháng 8, chúng tôi lang thang dưới cơn mưa, lãng mạn và thơ mộng. Bây giờ, khi nhìn lại với tuổi tác này, tôi không ngờ rằng mình đã có những ngày tháng đẹp như vậy.

Những ngày đẹp đó rồi cũng kết thúc, chúng tôi thi xong Tú tài và phải chia tay. Bạn không đủ điều kiện để lên Sài Gòn học, phải trở về Huế. Còn tôi thì xuống Sài Gòn để tiếp tục học Đại Học. Thời thế thay đổi, và năm 1975 đến, chúng tôi mất liên lạc. Mãi đến năm 1995, chúng tôi mới bắt đầu liên lạc lại, gần 20 năm sau đó. Tôi vui mừng khi tìm gặp bạn sau khi đi ra Huế, và thấy bạn ổn định trong cuộc sống. Tuy nhiên, tính ngang tàng bất cần đời trong bạn dường như vẫn tồn tại. Tôi thật sự thán phục.

Dù chúng ta xa nhau địa lý, tình bạn của chúng ta vẫn tồn tại mãi trong lòng tôi. Chúng ta luôn giữ liên lạc và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và những chuyện bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Đôi khi, tôi mệt mỏi và gặp khó khăn, tôi nhìn lên bầu trời và nghĩ về những kỷ niệm của chúng tôi. Những buổi học vui nhộn, những trò chơi trên sân trường và những câu chuyện bên nhau. Bạn luôn là nguồn động lực vô hình giúp tôi vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Và bây giờ, khi những dòng chữ này được viết ra, tôi không thể kìm nén được nước mắt. Tin tức về sự ra đi của bạn do căn bệnh ung thư phổi đã làm tan vỡ trái tim tôi. Làm sao tôi có thể không đau đớn khi người bạn thân yêu của tôi đã ra đi? Nhưng trong niềm đau đớn ấy, tôi vẫn nhớ về tình bạn chúng ta đã xây dựng suốt những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Bạn sẽ mãi mãi sống trong trái tim tôi, như một ngọn nến sáng soi đường cho tôi vượt qua những thời khắc khó khăn. Tôi sẽ tiếp tục sống và hướng về tương lai, nhưng không bao giờ quên những kỷ niệm về tình bạn của chúng ta.

Một Trương Công Minh ngạo mạn đầy chất Gingo, một Tuyết Mai chăm chỉ sôi nổi và một Ngô Sơn chững chạc, đầy chất thầy giáo đã rời xa tôi để tìm bến bờ xa lạ. Còn lại mình tôi...

Bài viết này được viết xong khi ở Huế người ta đã đặt nắm đất cuối cùng lên mộ bạn tôi. Bạn hãy yên nghỉ ở chốn bình yên nhé! Tôi không quên câu nói của bạn mỗi khi bạn tham dự Hội Ngộ. Có lẽ người đầu tiên mà bạn đến thăm là tôi và luôn nói "Nếu bà có mệnh hệ gì, hãy báo cho Sơn biết." Thế mà bạn đã ra đi sớm hơn tôi tưởng. Cuộc đời thật vô thường.

Viết xong lúc 14h00 ngày 8/7/ 2023
Huỳnh Ngọc Hiệp


Wednesday, July 5, 2023

TIN BUỒN_BẠN NGÔ SƠN

 THÊM MỘT NGƯỜI BẠN CỦA CHŨNG TA ĐÃ MÃI MÃI ĐI XA





***

HÌNH ẢNH ĐÁM TANG CỦA BẠN NGÔ SƠN



Bạn Ạn đã đến thắp hương 50 ngày của Ngô Sơn




***


PHÂN ƯU CỦA CGS VÀ CHS 67-74

  • Thầy Võ Quý Sỹ: Xin chia buồn cùng tang quyến!
  • Thần Cao Bính: Vô cùng thương tiếc. Chia buồn cùng gia đình. Cầu nguyện cho Ngô Sơn.
  • Thầy Nguyễn Giõng: Thầy chia buồn sâu sắc với gia đình, Các cháu và đại gia đình CHS ThBmt nk 74. Nguyện cầu Hương Linh Ngô Sơn sớm được siêu thăng và an nhiên tự tại Nơi Miền Tây Phưong Tịnh Độ...
  • Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải: Vô cùng thương tiếc. Nguyện cầu hương linh sớm về cõi Tịnh. 
  • Cô Nguyễn Thị Phấn: Thành kính phân ưu!
  • Phùng Tất Đạt: Vĩnh biệt bạn. RIP. Nhớ Sơn.
  • Vũ Thị Phụng: Hãy yên nghỉ Sơn nhé. Xin chia buồn cùng gia đình bạn.
  • Nguyễn Y Long: Vĩnh biệt bạn. Yên nghỉ bạn nhé.
  • Trần Quế Lan: Vĩnh biệt Ngô Sơn. Xin chia buồn cùng gia đình.
  • Lê Thị San: Vĩnh biệt Sơn. Yên nghỉ bạn nhé! Xin chia buồn cùng gia đình. Thầy cô và bạn bè mãi nhớ bạn.
  • Nguyễn Văn Cường: Vĩnh biệt Ngô Sơn. Xin chia buồn cùng gia đình.
  • Trần Can: Vĩnh biệt bạn Ngô ơn
  • Ngọc Đá: Xin chia buồn cùng gia đình. Cầu cho bạn vãng sanh cực lạc.
  • Nguyễn Phi Giao: Vĩnh biệt ban. Xin chia buồn cùng gia đình.
  • Phạm Kim Thanh: Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Võ Thị Hạnh: Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Đặng Thúy Hằng: Xin chia buồn cùng tang quyến. Vĩnh biệt Ngô Sơn. Yên nghỉ bạn nhé.
  • Đỗ Quang Tâm: Vĩnh biệt bạn. Thế là lại thêm Ngô Sơn mãi mãi đi xa. Xin chia buồn với gia đình Ngô Sơn và tang quyến.
  • Lê Thị Mai Loan: Vĩnh biệt bạn Ngô Sơn. Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Đỗ Dư: Vô cùng thương tiếc. Thành kính phân ưu!
  • Đỗ Quang Ninh: Vĩnh biệt bạn! Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Xứ Thượng: Vĩnh biệ bạn! Xin chia buồn cùng tang quyến!
  • Hàn Thị Ngọc Dung: Vĩnh biệt bạn! Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Đỗ Tấn Huệ: Yên nghỉ nhé bạn. Xin chia buồn cùng gia đình!
  • Nguyễn Văn Nhàn: Xin chia buồn cùng tang quyến. Nguyện cầu hương linh bạn Ngô Sơn được vãng sanh.
  • Phan Kim Oanh: Thành kính phân ưu.
  • Hồ Tường Oanh; Xin chia buồn cùng gia đình bạn. Mong bạn yên nghỉ cõi Vĩnh Hằng
  • Lưu Ánh Phượng: Yên nghỉ nhé. Xin chia buồn cùng gia đình.
  • Vũ Văn Lai: RIP
  • Trần Văn Bình: Xin chia buồn cùng gia đình. Vĩnh biệt bạn hãy yên nghỉ.
  • Phạm Thị Nga: Xin chia buồn cùng gia đình bạn! Mong bạn yên nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng
  • Nguyễn Thị Thịnh: Vô cùng thương tiếc bạn Ngô Sơn. Xin chia buồn cùng gia đình bạn. Mong bạn yên nghỉ cõi Vĩnh Hằng
  • Huỳnh Mỹ Hoa: Thành kính phân ưu cùng gia quyến bạn Ngô Sơn
  • Võ Thị Chung: Thành thật chia buồn cùng gia đình bạn.
  • Lê Thị Bạch Liên: Vĩnh biệt bạn! Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Phạm Thị Huệ: Vô cùng thương tiếc. Xin chia buồn cùng gia đình bạn Ngô Sơn.
  • Nguyễn Bích Toàn: Xin chia buồn với gia đình bạn. Rất buồn và nhớ đến bạn...
  • Phạm Kim Hương: Thành kính phân ưu và chia buồn cùng tang quyến.
  • Phạm Văn Cường: Chào tiễn biệt bạn mãi mãi! Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Đỗ Quang Tâm: Mai Quang Coeur ra phúng điếu bạn Ngô Sơn Vĩnh biệt bạn Ngô Sơn. Mình chuẩn bị bay vào Sài Gòn. An nghỉ nhé.
  • Bùi Văn Nam: Xin chia buồn cùng gia đình bạn.
  • Chu Thị Gia Định: Thành kính phân ưu! Vĩnh biệt bạn Ngô Sơn. Nguyện cầu hương linh bạn sớm về cõi cực lạc.
  • Trần Hồng Yến: Vĩnh biệt bạn. Xin chia buồn cùng tang quyến.
  • Nguyễn Thị Nhung: Vĩnh biệt ban. Xin chia buồn cùng gia đình.
  • Phạm Thị An: Người cùng lớp, cùng quê mà hôm nay bạn mất mình lại đi du lịch xa không về thăm tiễn đưa bạn được. Hãy yên nghỉ và thông cảm cho mình bạn nhé.
  • Nguyễn Ngọc Trang: Thành kính phân ưu
  • Hồ Ngọc Thanh: Thành kính phân ưu cùng gia đình bạn.
  • Nguyễn Kim Lan: Vĩnh biệt bạn! Xin chia buồn cùng gia đình bạn!
  • Huỳnh Ngọc Hiệp: Yên Giấc Ngàn thu nha Ngô Sơn.
  • Hồ Tường Oanh: Thương tiếc bạn. Mong bạn yên nghỉ.