Saturday, August 28, 2021

Đêm Nhớ Phố

 

Tranh Phùng Đạt

ĐÊM NHỚ PHỐ

 

Đêm nhớ phố Banmê buồn rưng rức

Vắng lặng sao từng con ngõ thân quen

Giọt cà phê đêm từng đêm thao thức

Nặng trĩu lòng bao nỗi nhớ niềm quên

.

Phố có em về con đường lá đổ

Có mây bay và chim hót đầu cành

Có hạnh phúc lẫn vào niềm đau khổ

Có nắng mưa ngủ theo giấc mộng lành

.

Mùa khổ nạn chú chim về trú ngụ

Đậu vai Em tìm nơi chốn bình an

Bên kia đường cây khô cành héo rũ

Đã tàn Thu... còn đâu sắc lá vàng

.

Ta ôm Em để Em đừng bật khóc

Để lo âu đừng che phủ trăng non

Xin tay mềm vẽ Em màu mắt ngọc

Đêm sẽ về trong giấc ngủ môi ngon

 

Như Thương

(Cuối tháng 8, mùa dịch bệnh 2021)

Friday, August 27, 2021

Viếng Thăm Iceland - Ngày Thứ Ba (Tập 3)

Thứ Hai - Ngày 5 tháng 7, 2021
Từ vách núi Látrabjarg đến thác Dynjandi

*

Tối hôm qua là lần đầu tiên chúng tôi ngủ ở một khu cắm trại. Trên đường đi tất cả những tiện nghi như tủ lạnh, sưởi, nước nóng đều được dùng từ bình ga. Bình ga và bình nước của xe không lớn lắm, chỉ tiện dụng cho việc nấu ăn và vệ sinh nhẹ. Đến khu cắm trại cho chúng tôi sẽ có thể dùng điện để xạc cho các dụng cụ điện tử như điện thoại, pin cho máy hình, laptop, power bank... và một điều quan trọng nữa là tắm nước nóng.

Nơi chúng tôi ở có tên là Hótel Breiðavík cách vách núi Látrabjarg khoảng 12 cây số. Ngoài khu cắm trại, Hótel Breiðavík có cả nhà trọ với 42 phòng ngủ cùng 1 tiệm ăn và chỉ mở cửa từ đầu tháng Năm cho đến cuối tháng Chín rồi đóng cửa trong thời gian còn lại. Điều này dể hiều vì phần lớn du khách đến đây đều để xem puffin và đó là thời gian puffin về Látrajarg. Du khách đến Hótel Breiðavík còn có thể tự hào là mình đã đến nơi có nhà cửa và cư dân ở cực Tây của Âu Châu.

Hai người chủ của Hótel Breiðavík là ông bà Birna Mjöll Atladóttir and Keran Stuelend Ólason. Cả hai đều là dân trong vùng và họ đã trông coi khách sạn này từ năm 1999. Nói chuyện với bà chủ, chúng tôi được biết thêm là đoạn đường 612 dẫn vào khu này đóng cửa vào mùa đông vì tuyết dày đặc và đường rất khó đi, có những năm tuyết lên cao hơn nóc nhà. Chúng tôi lo lắng hỏi bà làm sao có đủ thức ăn cho cả mùa đông dài đăng đẳng, bà cho biết bà đã sống ở đây mấy chục năm nên đã quen trong việc chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt cùa vùng này. Nghe xong cả đám phục lăn phục lóc nhất là dân Cali ít khi thấy tuyết! 

Chúng tôi dự định sáng hôm nay sẽ trở lại Látrabjarg đề chụp hình tiếp mấy chú chim puffin. Nói vậy chứ đâu có dễ gì rời Hótel Breiðavík ngay. Trên đường ra cổng cả nhóm ngừng lại chụp hình nhà thờ Breiðavíkurkirkja, Nhà thờ này được xây dựng vảo năm 1900 với những điểm tương tự như nhà thờ ở Faroe Islands. Sau này tôi mới biết là Faroe Islands và Iceland đều đến từ gốc Viking nên ngay cả ngôn ngữ Iceland cũng có nhiều điểm giống như ngôn ngữ của Faroe Islands.

Hình 3.1 - Nhà thờ Breiðavíkurkirkja

Khu vực Breiðavík cũng như những vịnh khác ở miền Tây Bắc của Iceland trước đây được xử dụng như những nơi sinh hoạt của thuyền buồm hay thuyền đánh cá. Những sinh hoạt đó còn được lưu lại ở nơi đây qua hình ảnh của những bờ đá hoang phế.

Hình 3.2 - Nhà thờ Breiðavíkurkirkja
và dấu tích của những sinh hoạt trước đây bây giờ đã trở thành hoang phế

Vì mải mê với mấy chú chim puffin, chúng tôi không ai để ý là gần bãi đậu xe và trước khi lên dốc để xem puffin, chúng tôi đi ngang qua ngọn hải đăng Bjargtangar được xây vào năm 1913. Kiến trúc của ngọn hải đăng không có gì đặc biệt, nó chỉ là một tòa tháp màu trắng, cao khoảng 6m nhưng vách đá của Latrabjarg đã cho nó một độ cao tổng quát là 60m để có thể hướng dẫn thuyền bè cách đó đến 16 dặm.

Hình 3.3 - Đường lên dốc để xem puffin

Chim puffin ở Iceland thuộc giống Atlantic puffin là loài chim xinh đẹp và nhỏ nhất trong ba loại chim puffin. Atlantic puffin sống ở biền Bắc Đại Tây Dương, còn hai loại kia lại sống ở miền Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhỏ nhưng chim puffin sống rất lâu, trung bình đến 30 năm. 
 
Iceland là  nơi chim puffin tụ về đông nhất, mỗi năm có khoảng 10 triệu con chọn những vách đá hay những hòn đảo ở đây làm nơi sinh sản và nuôi cho đến lúc chim non có thể tự lo lấy chính mình. Khoảng đầu tháng Tư, puffin đã bắt đầu bay về tổ cũ và cuối tháng 8 sẽ cùng chim con bay ra biển khơi. Chim trống và chim mái không có điểm gì khác biệt, chim trống chỉ hơi lớn hơn chim mái một chút xíu, điều này chỉ có thể nhận thấy khi chúng đứng gần nhau.

Hình 3.4 - Chim Atlantic puffin

Chim puffin rất chung thủy, chim trống và chim mái sống cùng với nhau cả đời. Mỗi năm, cả hai trở về tổ cũ trong mùa sinh sản. Tổ chim thường nằm trong vách đá hoặc đào sâu trong đất mềm. Đường hầm dẫn đến tổ chim có thể dài cả thước. Mỗi năm chim mái chỉ đẻ một quả trứng duy nhất.

Hình 3.5 - Hạnh phúc cả đời bên nhau

Hình 3.6 - Một vách đá nơi chim puffin làm tổ

Một đặc điểm của chim puffin là cả chim trống lẫn chim mái đều chung sức xây tổ, cả bố và mẹ sẽ thay phiên ấp trứng và tìm mồi cho chim con ăn. Hang của puffin được lót bằng vật liệu như cỏ, lá và lông chim nhưng đôi khi cũng không có lót gì hết.

Hình 3.7 - Mang hoa lá về lót tổ
 
Để tìm mồi cho chim non, chim puffin bố và mẹ sẽ lặn xuống biển để tìm những loại cá biển nhỏ (sand eels, herring, hake và capelin). Tuy mỗi lần lặn chỉ dài có 20 đến 30 giây nhưng puffin nổi tiếng là có thể ngậm khoảng 10 con cá nhỏ đem về nuôi chim con. Với cái mỏ đặc biệt, puffin có thể giữ cá đã bắt ở sát vòm mỏ trong khi mở ra bắt tiếp mồi.

Hình 3.8 - Chuẩn bị phóng xuống biển

Hình 3.9 - Rời chỗ đứng

Hình 3.10 - Phóng xuống biển để đi săn mồi

Chim con được bố và mẹ mang thức ăn về nhiều lần trong ngày nên chỉ khoảng 6-7 tuần sau là đã lớn bằng bố mẹ. Khi chim con đủ lớn, chúng sẽ bay ra biển cả và sẽ ở đó trong suốt 3-4 năm liền.

Hình 3.11 - Gia đình puffin, bố mẹ và chim con

Một loại chim biển khác rất đông ở Iceland là chim razorbill, một loài chim đen tuyền với phần bụng màu trắng, không được đẹp lắm, nhìn mãi mới thấy mắt của nó. Điều làm cho chim này đặc biệt đối với tôi là vì chúng chỉ sống ở xứ lạnh, từ vĩ tuyến 47 trở lên Bắc Cực, nên chỉ có ở Canada và một vài nước Âu Châu khác. Trong số đó, hơn 60% chim razorbill được tìm thấy ở Iceland. Chim razorbill có điểm giống như puffin là chung thủy, 1 vợ 1 chồng suốt cuộc đời.

Hình 3.12 - Chim razorbill

Hình 3.12 - Chim razorbill họp thành đàn ở Latrabjarg trong mùa sinh sản

Hình 3.13 - Có đôi

Hình 3.14 - Rời tổ

Trước khi rời Látrabjarg, tôi đi lên đỉnh đồi nhìn xuống vách đá nơi hàng ngàn con chim đang làm tổ, phía xa dưới chân đồi bên tay trái là ngọn hải đăng Bjargtangar, cách đó không xa là chiếc motorhome của chúng tôi. Ở đây, tôi được thấy thêm hai loại chim biển nữa là fulmar và kittiwake. Hai loại chim này khá giống nhau. Tôi phải mất thật lâu mới nhận ra được sự khác biệt của chúng qua cái mỏ và màu lông cánh.

Hình 3.15 - Quang cảnh từ một đỉnh đồi ở Latrabjarg

Hình 3.16 - Chim fulmar và kittiwave làm tổ trên sườn núi cao

Hình 3.17 - Chim fulmar

Hình 3.18 - Chim kittiwake

Khoảng 2 giờ trưa chúng tôi mới rời Látrabjarg để lên đường đến địa danh kế tiếp và dĩ nhiên cũng như thường lệ là chúng tôi sẽ bị lạc lối vào vài chỗ rồi mới đến được nơi mình muốn đến. Đi khoảng nửa tiếng, chúng tôi ghé thăm bảo tàng viện Hnjótur. Đây là một bảo tàng viện của tư nhân với những di vật liên quan đến đời sống trong vùng và một số sự kiện lịch sử.

Ông Egill Olafsson khi còn sống đã dành khá nhiều thì giờ để sưu tập nhiều vật phẩm khá thú vị. Bảo tàng viện này có hai phần, trong nhà với những chứng tích nói đến đời sống nông nghiệp ở nơi đây, bên ngoài là những di vật về hàng hải và hàng không. Chúng tôi chỉ xem những vật phẩm trưng bày ở bên ngoài.
 
Thật là bất ngờ khi chúng tôi thấy một chiếc máy bay Douglas C-117D ở đây. Chiếc máy bay đặc biệt này mang số 17191, bây giờ chỉ còn thấy được ba số cuối.. Đây là một chiếc máy bay cũ chế tạo vào năm 1944, từng được xử dụng trong căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở Keflavik vào thời gian đóng quân ở Iceland để bảo vệ các tuyến đường tiếp tế quan trọng của Bắc Đại Tây Dương trước sự hoành hành của quân đội Đức Quốc Xã vào Đệ Nhị Thế Chiến.

Không biết ông Egill Olafsson làm thế nào để được tặng chiếc máy bay này nhưng việc đưa nó từ Keflavik đến đây cũng không phải là chuyện dễ dàng. Người ta phải tháo nó ra thành nhiều phần rồi vận chuyển bằng ba xe tải lớn trên một đoạn đường dài hơn 400km qua những khúc đường đồi nhỏ hẹp, đầy sỏi đá và quanh co để đến đây vào năm 2002.
 
Hình 3.19 - Chiếc máy bay C-117D của Hải Quân Hoa Kỳ

Hình 3.20 - Chiếc máy bay C-117D với số danh 17191

Ngoài chiếc Douglas C-117D, bảo tàng viện này còn có một vài chiếc máy bay khác. Trong số đó có một chiếc máy bay của Nga Antonov AN-2. Chiếc máy bay này trên đường đi từ Nga đến Mỹ nhưng nửa đường bị hỏng và bị bỏ lại ở Reykjavik. Ông Egil mướn một người phi công Nga lái chiếc máy bay này bay về hướng Tây, đám xuống một bãi cát sát bờ biển rồi sau đó được kéo qua đầm lầy và đồng cỏ về đây. Trước đây nó được để bên ngoài nhưng bây giờ đã nằm trong nhà chứa máy bay cũ.
 
Xem xong những chiếc máy bay cũ, chúng tôi đi về phía trước nơi có hai chiếc thuyền đánh cá cũ. Trên đồi phía xa xa là đài tưởng niệm để vinh danh những người thủy thủ đã mất mạng trên vùng biển xung quanh Látrabjarg và các vách đá cực Tây của Iceland trong thế kỷ 20 cũng như những người dân địa phương đã quên mình để cứu họ thoát khỏi nanh vuốt của biển lạnh. Một số thủy thủ đã sống sót nhưng nhiều người cũng đã bỏ mạng trong vùng nước không khoan nhượng hoặc dưới chân các vách đá cheo leo.
 
Tuy bảo tàng viện này nhỏ thôi nhưng cũng đáng khen ngợi cho công sức của một người.
 
Hình 3.21 - Hai chiếc thuyền đánh cá cũ

Hình 3.22 - Đài tưởng niệm các thùy thù đã bỏ mình trong biển cả.
Mỗi viên đá chung quanh đài tưởng niệm nói lên câu chuyện của một ngư dân và số phận của họ.

Rời bảo tàng viện Hnjótur, chúng tôi tiếp tục đi trên đường 612 rồi rẽ vào đường 62. Bắt đầu khúc đường này là một đoạn đường qua núi với những khúc quẹo rất gắt.
 
Hình 3.23 - Những khúc quanh thật gắt trên đường 62
 
Trên đoạn đường này có một bức tượng bằng đá mà lúc đi chúng tôi đã thấy nhưng không ngừng lại vì trời đã tối mà sương mù lại xuống quá thấp. Hôm nay có thì giờ nhiều hơn và trời lại quang đãng một chút nên chúng tôi ghé lại xem. Tượng đá này có tên là Kleifabúi Stone Man. Kleifaheiði là khúc đường băng qua núi nối liền hai vùng Bardastrond và Patreksfjordur. Thực hiện con đường này hơn 70 năm trước là một kỳ công vì nó đòi hỏi rất nhều công sức khi công nhân chỉ có những dụng cụ thô sơ làm bằng tay. Những người công nhân làm đường đã từ lâu có truyền thống là dựng một tượng đài sau khi hoàn thành một đoạn đường khó khăn. Kleifabúi (có nghĩa là cư dân của Kleif) được dựng vào năm 1947 bằng những viên đá tự nhiên chồng chất lên nhau thành hình người. Tượng Kleifabúi được xem như một biểu tượng để bảo vệ cho những người đi trên đoạn đường này.
 
Hình 3.24 - Tượng Kleifabúi

Hình 3.25 - Một vùng sỏi đá

Trước khi rời chỗ mướn xe, người ta dặn chúng tôi khi nào đi ngang qua cây xăng dù còn khá nhiều cũng nên ngừng đổ thêm xăng vì có những đoạn đường phải đi đến 90km mới có một trạm đổ xăng. Anh Tuấn rất cẩn thận trong chuyện này nên dù còn hơn nửa bình và đoạn đường đến thác Dynjandi chỉ khoảng 100km, anh vẫn ghé đổ xăng cho đầy khi thấy trạm xăng N1. Người ta cũng cho chúng tôi biết là nên đổ xăng ở trạm xăng N1 hay Olis vì đây là hai chỗ có giá phải chăng. Ở Iceland, các trạm xăng chỉ có một loại xăng với chỉ số 95 và bên cạnh đó là dầu diesel, trong khi đó ở California xe của tôi chỉ chạy xăng với chỉ số octane có 87.
 
Những cây xăng lớn thường có một tiệm ăn nho  nhỏ với những mặt hàng tiện dụng cho người đi đường. Còn  những cây xăng nhỏ thì không có ai đứng trông, tất cả các dịch vụ đều trả bằng thẻ tín dụng. Tuy vậy chỗ nào cũng có vòi nước và chổi để rửa xe miễn phí. Một điều chắc chắn là ở Iceland không sợ chuyện hạn hán hay khan hiếm nước với hàng ngàn thác nước và suối cùng với những tảng băng tuyết vạn niên.
 
Thêm một việc nữa là nước ở Iceland thật trong sạch, không phải lo sợ chuyện ngộ độc vì nước. Trong suốt thời gian ở đây, mọi người chúng tôi cũng như tất cả những người khác đều uống nước lấy thằng từ các vòi nước mà không cần phải nấu sôi.

Hình 3.26 - Một cây xăng N1

Đi hết đường 62, chúng tôi rẽ vảo bên trái để vào đường 60. Khúc đường này còn khó khăn hơn đường 62 vì đường hẹp và sỏi đá liên tiếp văng lên đập vào thành xe. Lúc đầu những người ngồi phía sau chốc chốc lại lo lắng khi nghe một tiếng động lạ tai của một cục sỏi bự văng vào xe. Khi có xe đi ngược lại, cả hai bên đều sẽ nhắm chừng nên ngừng hay chạy chậm lại để xem có qua được cùng lúc không hay nhường cho một xe qua trước.

Bất ngờ lúc nào cũng có thể xảy đến và không có ai có thể đoán trước được, đó là những gì sắp xảy đến với chúng tôi. Chỉ còn khoảng hai ba chục cây số nữa là đến thác Dynjandi, nhóm chúng tôi ngồi phía sau tán dóc hết chuyện này đến chuyện kia, lâu lâu nhìn qua cửa sổ xem phong cảnh bên đường. Mọi việc đang diễn tiến đều đặn, bỗng cả nhóm nghe một tiếng động thật to đến từ bên trái của xe và chiếc xe hơi rung rinh. Anh Tuấn ngừng xe lại và cho cả nhóm biết là xe vừa bị đụng. Chiếc xe bên kia cũng ngừng lại. Sau khi xem xét, xe của chúng tôi bi hư kính chiếu hậu phía người lái, miếng kính lớn bị lung lay nhưng vẫn dính vào hộp kính. Còn kính chiếu hậu của xe bên thì bị hư hoàn toàn và rớt hẳn ra.

Người ngồi bên xe kia là hai cậu thanh niên trẻ, một cậu mới 17 tuổi hết hè sẽ vào lớp 12, còn cậu thứ hai thì lớn hơn một chút đang học đại học. Hai cậu này đang làm hè ở công ty Sjótaekni, một công ty làm dịch vụ về việc nuôi thủy sản, đưa dây cáp ngầm, sửa chữa bến cảng và các bộ phận khảo sát,... Hai cậu nhận là mình đã chạy hơi nhanh, không tránh kịp nên chạy sát xe của chúng tôi làm hư hại kính chiếu hậu, nếu không xe của hai cậu sẽ rớt xuống chỗ trũng bên đường. Hai cậu sau khi làm việc xong, chạy đến thành phố cách chỗ làm khoảng 3 tiếng, mua một số thức ăn cho họ cũng như cho các bạn đồng nghiệp. Đi vả về mất khoảng 6 tiếng nhưng sẽ rẻ hơn nhiều và có nhiều lựa chọn hơn.

Trong chuyến đi này, anh Tuấn bàn với mọi người mua tất cả những bảo hiểm mà hãng cho mướn xe có sẵn, kể cả chuyện lái xe đi vào những đường có sỏi đá,  nên chúng tôi không phải lo lắng về phí tổn hư hại của xe. Thêm nữa lỗi lần này là của xe bên kia. Lảm giấy tờ xong, chúng tôi và hai cậu bé này từ giã nhau, mỗi bên đi về một hướng. Trước khi đi, anh Tuấn nhắc nhở hai cậu đừng chạy nhanh quá.

Hình 3.27 - Ngừng xe trên đường sau khi bị đụng xe

Hình 3.28 - Cùng nhau làm giấy tờ

Chúng tôi tiếp tục lên đường, nửa tiếng sau chúng tôi đã có mặt ở thác Dyjandi. Đây là ngôi thác lớn nhất ở vùng Westjords. Chiều cao của thác này lên đến 100m. Dưới đó là 5 thác nhỏ: Háifoss, Úðafoss, Göngufoss, Hundafoss and Bæjarfoss.
 
Hình 3.29 - Thác Dynjandi

 Dưới đây là một video clip với thác Dynjandi


 
Chuyến đi Iceland còn dài, xin đón đọc bài phóng sự lần tới để tiếp tục biết về thác Dynjandi và những dịa danh khác.

Trần Dzung - 8/27/2021
 

Saturday, August 21, 2021

HOA SEN TRÊN BẦU TRỜI

 SÁNG NAY CHỦ NHẬT 22.08 

CÓ 3 PHÚT ĐỂ CHUẨN BỊ CHỤP


Y NHƯ MỘT BÚP SEN ĐANG NỞ


VIỄN CẢNH


ĐANG THAY HÌNH ĐỔI DẠNG


HÌNH ẢNH CHỈ TỒN TẠI KHOẢNG 2 PHÚT


ĐÁM  MÂY PHÍA DƯỚI CŨNG GIỐNG CHÚ VOI 


TAN DẦN TRONG KHÔNG GIAN BÌNH MINH


Tuesday, August 17, 2021

Sài Gòn Nay Đâu

 
SÀI GÒN NAY ĐÂU

Sài Gòn bây giờ buồn quá hỡi anh
Đèn đường hiu hắt phố xá vắng tanh
Tìm đâu dáng em công viên ghế đá
Một trời bơ vơ sầu lo đoạn đành! 

 Còn đâu hẹn hò những chiều thứ bẩy
Vui đùa bên nhau cùng ngắm trời mây
Giáo đường quán vắng cửa đóng then cài
Mơ ngày gặp lại Sàigòn dấu yêu! 

Cơn mưa chiều nay khóc đời phôi pha
Trả lại cho em Sàigòn hoa lệ
Xôn xao tiếng cười rạp hát, bến xe
Đèn đỏ đèn xanh dạo chơi khắp phố
Đón đưa nhau về nụ cười đam mê 

Nhớ quá anh ơi ngày ấy qua rồi
Bâng khuâng mình em phòng vắng đơn côi
Ly cà phê đen không đường chát đắng
Sài Gòn yêu ơi thương nhớ nào vơi! 

Phạm Thị Minh Hưng.
SG-18:05’ CN 15/8/2021.

 *

Nguyễn Quang Kế phổ nhạc với tiếc hát Vi Trần

https://www.facebook.com/kellineke/videos/2154174018054226

Monday, August 16, 2021

HÌNH ẢNH CỦA LỚP 3 LẦN HỘI NGỘ

NHÂN LÚC RẢNH RỖI MÙA COVID 

SOẠN VÀ ĐĂNG LÊN THEO Ý CỦA MỘT SỐ BẠN


MÙA XUÂN NĂM 2014 VÀ HUY HIỆU



MÙA XUÂN NĂM 2017 VÀ HUY HIỆU


MÙA XUÂN NĂM 2019 VÀ HUY HIỆU




VÀ MÙA XUÂN CỦA NĂM 2021


Saturday, August 14, 2021

Thú Đau Thương


THÚ ĐAU THƯƠNG

Ta đang hưởng cái thú đau thương của cuộc sống vô thường
Thú đau thương của sự Sống-Còn và Được-Mất
Giữa Sài Gòn hoa lệ đang oằn mình trong cơn đại dịch

Sài Gòn tháng 8 đắng cay như ăn ớt hiểm
Môi mắt nhạt nhoà nuốt lệ ngược vào trong 

Sài Gòn im lìm cô quạnh
vắng lặng u buồn như nghĩa trang không người đưa tiễn
Quan tài chơ vơ trong căn nhà trống cao tầng…
Vài nén nhang cháy bâng quơ, lạnh lẽo…! 

 Ôi!
Sự sống mỏng manh như ngàn cân treo sợi tóc
Đung đưa lửng lơ trước mặt
Giựt dành từng phút giây từng nhịp đập trái tim…từng hơi thở …
F0, rồi F1…cách ly - phong tỏa cửa đóng then cài, 

Ôi!
Ước mơ những liều thuốc tiêm chủng cứu mạng
Astra- Moderna- Pfizer
Là niềm hy vọng duy nhất của muôn người!!! 

Cái thú đau thương dằn vặt cơ thể vì thuốc chủng hay vì đang mắc dịch?
Chắp tay lâm râm khấn nguyện
Hướng về cõi Sống …
Choáng váng mệt nhoài!
trong giấc ngủ chập chờn nhức nhối 

Cố gắng lên - cố lên và tự bảo vệ mình
Để … đừng bao giờ là F1…F0… 

Cái thú đau thương dằn vặt đêm ngày tơi tả
Xót xa, tiếc nuối cho một ai đó đã lạnh lùng Ra đi
Lặng lẽ âm thầm không nói lời Vĩnh biệt
🥀💔 

Ôi!
Cái Thú đau thương sao cứ mãi vật vờ
Vô tình ẩn hiện những canh thâu?! 

PTMinh-Hưng.

Chúc Mừng Sinh Nhật Trang Blog Lớp 74

 

Phan Kim Oanh

Cái Oanh chúc mừng 10 năm Sinh Nhật trang blog của lớp 74!
2011 - 2021

Thầy trò chúng ta đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, học hỏi, chia xẻ vui buồn, nghịch ngợm, phá phách qua group mail, blog và Facebook của lớp.

Cám ơn các thầy cô vẫn luôn tham gia và chia sẻ, bảo ban.

…lời cám ơn lớn nhất đến với trang chủ Trần Dung, người đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết cho trường lớp

…lới cám ơn lớn nhì đến với các bạn Quách Lục, ban liên lạc ở VN và các bạn trong và ngoài nước đã luôn tham gia, liên kết nhau

…và lời cám ơn sau rốt là cái bọn “thứ ba” chúng ta đã cùng nhau quậy

Hoan hô lớp 74 chúng ta

Cái Oanh
 
*
 
Cô Phạm Thị Minh Hưng
 
Chúc Mừng SN thứ 10 Blog 74!
15/8/2011 - 15/8/2021
mười năm đánh dấu sự kết nối tuyệt vời của quý Thầy Cô và các em CHS 67-74,

Những vui buồn cùng nhau chia sẻ!
Nhớ Thầy Khánh và cám ơn Tàu trưởng Đô Đốc  Dzung Trần 
 
Cám ơn tất cả các CGS, các em CHS đóng góp xây dựng Trang Blog biết bao nhiêu bài viết hay…
 
Blog ThBmt74 là nơi chan chứa tình yêu thương

*
 
Cô Nguyễn Thị Phấn
 
Chúc mừng sinh nhật trang blog lớp 74
 
*
 
Phạm Kim Hương
 
Cám ơn Cái Oanh đã nhắc đến một ngày thật đáng nhớ: Ngày mà tụi mình có được “sân chơi“ sau lúc tan trường… mà bây giờ thì tra hơn hồi xưa, nên càng quậy hơn hồi xưa nữa…
 
Cô Minh Hưng ơi,
Cô nói thật chí lý ạ… 
Cô trò mình có biết bao nhiêu kỷ niệm được ghi lại trên Blog và diễn đàn này há cô? 
Đã có những thầy cô và bạn bè ra đi, nhưng vẫn sẽ ở mãi trong lòng chúng em qua hình ảnh và kỷ niệm còn lưu lại trên Blog.
Tất cả nhờ công lao của cánh chim đầu đàn Đô đốc Dzung và Phó đô đốc Quách Lục, Cái Oanh và ban Liên lạc bốn phương.
Cám ơn thầy Khánh đã xây viên gạch đầu tiên…
 
 *
 
Huỳnh Thị Mùi


Happy birthday nhóm THTHBMT 74  10 tuổi 
Xin tất cả thầy cô và các bạn nội ngoại cắt 10 cái bánh mừng sinh nhật,
nhâm nhi cà phê , bia rượu  chung vui.
🎂
Chúc thầy cô và các bạn mạnh khỏe,vạn sự  an lành 
Hẹn ngày đoàn tụ quậy tới bến Bạch Đằng...
 

Đặng Thị Thanh

Chúc mừng Sinh Nhật lần thứ 10 của Blog 74!

*

Châu Thu Thủy

Chúc mừng sinh nhật 10 năm Blog 74 của khóa chúng minh

*

Trương Minh Trung

Chúc mừng sinh  nhật thứ 10 blog 74 THBMT

*

Lê Văn Chàm

Thời gian thấm thoát nhanh thật. Mãi đến hôm nay mới biết các bạn đã 10 năm thành lập group mail,trang blog và Facebook với biết bao thăng trầm và vui buồn vẫn duy trì tốt đẹp. Chàm thực sự  có những cảm xúc bởi các bạn thật quá tuyệt. Kết nối cho những ngày hội ngộ thành công và làm được nhiều điều rất có ý nghĩa. Đại dịch hiện hữu trên toàn thế giới làm cho chúng ta có những rào cản không tên nhưng tin chắc rằng tình thầy trò và bạn học xưa mãi mãi trường tồn. Hoà cùng thầy cô và các bạn Chàm cũng chúc cho nhóm trang mail, blog sinh nhật kỷ niệm 10 sẽ luôn đoàn kết, tình cảm và đạt được mọi điều như ý 

Friday, August 13, 2021

Viếng Thăm Iceland - Ngày Thứ Nhì (Tập 2)

Chủ Nhật - Ngày 4 tháng 7, 2021
Từ thác Kirkjufellsfoss đến vách núi Latrabjarg

*

Sau một giấc ngủ thật ngon, sáng hôm sau chúng tôi hẹn nhau dậy khoảng 7 giờ để chuẩn bị đi chụp hình. Mọi người thay phiên nhau sửa soạn và bắt đầu với một ly cà phê sữa thơm nóng cho ngày mới. Mặt trời đã lên cao từ lâu nhưng sương mù vẫn giăng đầy ở những rặng núi xa xa.

Fig 2.1 - Núi đồi phía xa trong sương mờ

Nhóm chúng tôi may mắn đến Iceland lúc nơi này vừa mở cửa trở lại cho du khách nên những địa điểm nổi tiếng tương đối vắng, không phải xếp hàng chờ đợi hay kiếm chỗ đậu xe. Thêm một điều may mắn  nữa là trước khi chúng tôi đến hai ngày, Iceland không còn bắt buộc du khách phải ở khách sạn một ngày để thử nghiệm Covid và kết quả phải âm tính mới được đi đây đó. Chúng tôi chỉ cần trình thẻ chích ngừa là xong.

Trên đường xuống thác Kirkjufellsfoss, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài người. Ngọn núi Kirkjufell bên cạnh vẫn đứng sừng sững bên kia đường nhưng ánh sáng mặt trời đã chuyển qua hướng đối diện làm tối hẳn một phần đỉnh núi.

Fig 2.2 - Núi Kirkjufell vào buổi sáng
Sáng hôm nay thì tôi kiên nhẫn hơn, mang theo tripod, filter để chụp một vài tấm với long exposure (phơi sáng) để có dòng nước chảy mượt mà.

Fig 2.3 - Thác Kirkjufellsfoss

Chụp xong phần thác đầu nguồn, chúng tôi đi xuống phần thác thứ nhì chụp ngược lên để lấy toàn cảnh.

Fig 2.4 - Toàn cảnh thác Kirkjufellsfoss

Lát sau cả nhóm rủ nhau đi vào sát chân thác. Tuy đường đá lồi lõm và trơn ướt nhưng không đến nỗi khó đi. Ai cẩn thận thì dùng tripod để giữ thăng bằng. Nước đổ xuống trắng xóa thật đẹp, thật tươi mát. Một vài người khác cũng theo bước chúng tôi xuống đây chụp hình kỷ niệm.

Fig 2.5 - Sát chân thác Kirkjufellsfoss

Chụp xong, chúng tôi trở lại căn nhà lưu động của mình để chuẩn bị đến địa điểm sắp tới. Theo chương trình, chiều nay chúng tôi sẽ đến Látrabjarg. Đây là một mỏm đất ở phía cực Tây của Iceland với vách đá lớn nhất Âu Châu được nhiều loài chim biển chọn làm nơi cư trú. Látrabjarg dài 14km và cao tới 440m với hàng triệu con chim, trong số đó có chim puffin, gannet, guillemot và razorbill.

Đường đi từ Kirkjufellsfoss đến Látragjarg dài khoảng 400km ngoằn ngoèo dọc theo eo biển, sẽ rất vất vả cho người lái. Thay vì lái xe nguyên đoạn đường dài, chúng tôi quyết định lái xe đến bến Stykkishólmur rồi lấy phà đi qua bến Brjánslækur, như vậy sẽ giảm đoạn đường lái xe xuống còn một nữa. Thêm đó mọi người lại có dịp chiêm ngưỡng quang cảnh từ ngoài khơi.

Chiếc phà đi từ bến Stykkishólmur đến Brjánslækur là phà Baldur do hãng Seatours điều hành. Từ chủ nhật tới thứ sáu, mỗi ngày chỉ có một chuyến lúc 3g chiều và người ta dặn phải đến trước khoảng 1 tiếng để chuẩn bị cho việc lên phà. Khoảng 1g30 chúng tôi đã có mặt ở đây, mọi người thả bộ chụp hình, còn anh Tuấn lái xe sắp hàng sẵn để lát nữa đưa xe vào phà. Ngoài chiếc phà Baldur, bến cảng này còn đầy những chiếc thuyền nhỏ xinh xắn. Một trong những đặc điểm của bến Stykkishólmur là ngọn hải đăng Súgandisey màu đỏ trên đỉnh đồi bên cạnh. Đối diện lối lên phà là những bậc thang nhỏ dẫn lên ngọn hải đăng này. Nơi đây người ta có thể thấy toàn cảnh của thành phố Stykkishólmur.

Fig 2.6 - Bến càng Stykkishólmur

Chiếc phà Baldur nhìn ở ngoài tuy không lớn lắm những có thể chở đến 280 hành khách và 49 chiếc xe. Từ Stykkishólmur đến Brjánslækur sẽ mất 2 tiếng 30 phút. Đi độ 1 tiếng rưỡi, phà sẽ ghé ngang một ngôi đảo nhỏ tên Flatey.

Fig 2.7 - Chiếc phà Baldur của hãng Seatours

Sau khi đưa xe lên phà, hành khách không được ở lại trong xe. Hôm nay trời không lạnh lắm và ít gió nên chúng tôi ai cũng đi lên boong tàu để ngắm nhìn trời mây non nước.


Fig 2.8 - Trên đường đi đến Flatey và Brjánslækur

Chúng tôi đi về cuối thuyền để nhìn lại cảnh của thành phố Stykkishólmur và ngọn hải đăng Súgandisey. Những ngôi nhà duyên dáng nằm trên thảm cỏ xanh tươi với phong cảnh hữu tình của núi non ở phía sau. Làm sao mà quên được những khung cảnh xinh đẹp như thế này!

Fig 2.9 - Thành phố Stykkishólmur

Fig 2.10 - Hải đăng Súgandisey

Khoảng 4g30 chiều, tàu của chúng tôi cập vào bến của đảo Flatey để cho khách xuống và rước thêm khách mới lên tàu. Flatey là một hòn đảo nhỏ thuộc một quần đảo gồm khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ. Flatey dài khoảng 2km với bề ngang khoảng 1km và hầu như không có đồi. Cũng vì điều này, đảo mang tên Flatey, có nghĩa là "flat island" hay hòn đảo bằng phẳng. Thường thường đảo này chỉ có người ở vào mùa hè, vào mùa đông dân số trên đảo còn lại có 5 người. Phần lớn những ngôi nhà trên đảo là nơi nghỉ mát của gia đình có cha mẹ hoặc ông bà trước đây sinh sống trên đảo này. 

Đảo Flatey có một còn đường duy nhất dẫn từ bến phà đến chỗ được mệnh danh là "ngôi làng cổ" nơi những người dân đầu tiên đến sinh sống trên đảo. Xe không được đưa vào đảo này, nên những ai có xe mà muốn ở lại đảo qua đêm thì phải để xe trên tàu tiếp tục đến bến Brjánslækur. Nhân viên trên phà sẽ giúp đem xe xuống bến và để ở đó sẵn cho hành khách khi họ qua đến vào ngày hôm sau.

Fig 2.11 - Bến cảng Flatey

Một bất ngờ khá thú vị chờ đợi chúng tôi ở nơi này là ngọn hải đăng Klofningur, nhỏ nhưng rất đẹp, với màu cam rực rỡ nổi bật trên bầu trời xanh. Nó thu hút hầu hết tất cả hành khách trên tàu. Mọi người đổ xô vào một bên để chụp hình, chúng tôi cũng không tránh khỏi, người nào cũng cầm máy hình hay điện thoại bấm lia lịa.

Fig 2.12 - Hải đăng Klofningur

Fig 2.13 - Đảo Flatey

Trên đường đi đến Brjánslækur, chim biển bay không ngừng từ những hòn đảo nhỏ xíu cạnh bờ để bắt cá hay chỉ giản dị ngâm mình trong nước, từ puffin cho đến seagull, tern, cormorant...

Fig 2.14 - Trên đường đến Brjánslækur

Chẳng bao lâu chúng tôi đã thấy bến cảng Brjánslækur đã hiện ra ở phía xa, xe chúng tôi là một trong những chiếc xe ra khỏi phà đầu tiên. Mọi người lên tinh thần trực chỉ Latrabjarg vì sắp sửa được xem chim puffin, một điều mà ai trong nhóm cũng mong đợi.

Fig 2.15 - Vùng núi nơi chúng tôi sẽ đến xem chim puffin ở Latrabjarg

Fig 2.16 - Bến cảng Brjánslækur

Nói vậy nhưng không phải vậy, vừa lái ra khỏi bến không bao lâu, anh Tuấn đã phải ngừng xe cho cả nhóm xuống chụp hình khi thấy một đám ngựa đang đi lại trên đồng cỏ xanh bên kia đường. Giống ngựa ở Iceland tương đối nhỏ con, đôi khi có kích thước như ngựa con, nhưng rất khỏe mạnh. Ngựa ở Iceland không bị lai với các giống ngựa khác vì luật Iceland không cho nhập khẩu ngựa và nếu ngựa ở Iceland đã được mang ra khỏi nước sẽ không được đem trở về lại.

Fig 2.17 - Ngựa Iceland

Fig 2.18 - Một chú bạch mã

Những ai đến Iceland vào mùa hè chắc chắn không lạ gì với cảnh những viên "kẹo marshmallow" (kẹo dẻo) khổng lồ nằm rải rác trên các cánh đồng cỏ. Đây là những khối cỏ khô cao gần đầu người được bao quanh bằng một lớp nhựa để có thể giữ đượclâu. Nếu cần có thể giữ được tới 3 năm. Những khối cỏ khô này được dùng để nuôi súc vật vào mùa lạnh. Người ta thường dùng màu trắng để giảm sức nóng của mặt trời đánh vào những khối cỏ khô này, nhưng cũng có chỗ dùng màu xanh non hay màu đen.

Fig 2.19 - Những "viên kẹo marshmallow khổng lồ"

Trước khi lên xe đi tiếp, tôi không quên chìa máy hình lên trời chụp một chú chim mà không biết là loại chim gì.

Fig 2.20 - Một chú chim bắt gặp trên đường 62

Chúng tôi tiếp tục lộ trình của mình trên đường 62. Trời xanh, nắng đẹp, chúng tôi đinh ninh sẽ tiếp tục có được trời đẹp như vậy cho đến Latrabjarg. Không ngờ lúc đoạn đường 62 băng qua núi, sương mù xuống thấp, có những chỗ gần như không thấy phía trước mặt, đường lại có khúc quẹo gắt nên anh Tuấn phải rất cẩn thận. Đến lúc xuống đồi sương mù mới bớt đi được một chút.

Fig 2.21 - Sương mù xuống thật thấp

Lúc sắp rẽ vào đường 612 để đi thẳng đến Latrabjarg, chúng tôi lại thấy hoa lupine chạy dọc hai bên đường. Thế là cả nhóm lại ngừng chân xuống chụp hình, mỗi người đều có một tấm làm kỷ niệm.

Fig 2.22 - Ngã rẽ từ đường 62 để vào đường 612

Trên nguyên tắc, chỉ cần lái thêm 1 tiếng nữa là tới Latrabjarg, thế nhưng... mới đi thêm được nửa tiếng, chúng tôi lại lạc vào nơi có con tàu bằng thép lâu đời nhất của Iceland tên "Garđar BA 64". Con tàu này được đóng ở Na Uy vào năm 1912, cùng năm chiếc tàu Titanic bị chìm. Nó được xử dụng vào việc đánh cá voi. Ban đàu tàu này có tên là "Globe V" và được xem là tàu săn cá voi hiện đại nhất lúc bấy giờ vì vừa có cả động cơ hơi nước vừa có những cánh buồm truyền thống. Trong thời gian còn hoạt động, nó đổi chủ nhiều lần và cuối cùng được một người Iceland mua về vào năm 1950, đổi tên thành Garðar và dùng để săn cá herring. Đến năm 1981, tàu không còn an toàn để xử dụng nữa, thay vì bị đánh chìm, nó được đưa về Patreksfjörður, một cái vịnh hẹp gần đường 612. Sau bao nhiêu năm, con tàu Garðar vẫn nằm đó nhưng đã bị rỉ sét ăn mòn từ từ.

Fig 2.23 - Xuống đồi rồi mà sương mù vẫn dầy đặc

Fig 2.24 - Chiếc thuyền Garðar BA 64

Đi loanh quanh chụp hình, tôi chợt thấy một trong những chỗ rỉ sét bên hông tàu có hình giống như mặt người ta, thế là không ngần ngại chụp nhanh một tấm.
 

Fig 2.25 - Rỉ sét trên thành tàu

Tưởng đến đây là đủ rồi, không còn chỗ nào để la cà trước khi vào Latrabjarg, nhưng... lại thêm một chỗ mời mọc cái đám ham chụp hình này, khi cả nhóm thấy một đám rong rêu màu xanh lá mạ tươi mát và những dòng nước nhỏ chảy róc rách bên lưng đồi. Anh Tuấn lại phải kiếm chỗ để ngừng cho mọi người chụp hình.
 
Fig 2.26 - Rong rêu

Fig 2.27 - Dòng nước róc rách bên đồi

Chúng tôi đến Latrabjarg sau 9g tối, mặc dù có sương mù nhưng trời vẫn đủ sáng để chụp hình. Mọi người rời xe, xách máy hình đi bộ lên dốc, dọc theo triền núi. Vừa thấy con chim puffin đầu tiên, mọi người mừng húm, chỉ cho nhau "puffin kìa, puffin kìa!", lát sau mới thấy puffin bay lên bay xuống đều đều và chim ở đây vừa nhiều vừa dạn, chỉ đứng cách chúng tôi khoảng chừng 1 thước mà không hề có chút sợ sệt, có lúc còn đứng thật lâu làm cảnh cho chúng tôi chụp nữa chứ. Chỗ này thật là lý tưởng cho những ai muốn chụp puffin. So với lần tôi đi Faroe Islands, chỗ này dễ chụp hơn nhiều, vì chim đứng rất gần, ngay cả dùng phone chụp cũng có thể có được 1 tấm hình puffin đẹp và rõ. Tha hồ chụp. Quá đã! Quá đã!

Fig 2.28 - Puffin

Fig 2.29 - Puffin

Fig 2.30 - Puffin

Fig 2.31 - Puffin

Fig 2.32 - Chen lấn

Càng về khuya, sương xuống lạnh căm. Chúng tôi trở về motorhome ăn tối rồi lái đến camp ground cách đó khoảng 10 cây số để nghỉ qua đêm và hẹn sáng mai sẽ trở lại đây.

Tối nay có lẽ tôi sẽ nằm mơ thấy thật nhiều chim puffin với cái má phinh phính, cái mỏ và đôi chân đỏ choét, bay lên bay xuống triền núi cho tôi chụp hình... 

Trần Dung, 8/13/2021