Saturday, February 9, 2019

Nằm Mơ Thấy Lợn Kêu


Đầu năm Kỷ Hợi, 2019, trong một siêu thị ở Perth, Australia

Dân Việt ta có “truyền thống” đầu năm âm lịch nào thì thường kể chuyện con giáp của năm đó.


***

Cách đây đúng 60 năm _ 1959, năm Kỷ Hợi _ tôi tình cờ đọc được câu chuyện này trong tập san Quê Hương Nam Định do thầy Đỗ Tiến Phán tặng bố tôi, vì cả hai người đều là đồng hương Nam Định. Thầy Phán là người khai tâm cho tôi, vỡ lòng cho tôi. Thầy sinh năm 1896, tuổi Bính Thân.
 
Một lần đến viếng mộ thầy, 1996, Montpellier, France
 
Nay tôi vẫn nhớ rất rõ câu chuyện đọc được này. Đầu năm Hợi đọc chuyện Heo _ người Nam gọi con Hợi là con Heo, còn người Bắc gọi con Hợi là con Lợn _ thật thú vị. Có điều, một thứ bánh đặc trưng của riêng người miền Nam lại gọi là “bánh da lợn” chứ không ai gọi là “bánh da heo” bao giờ. Chịu!


***

Hồi đó … trong một làng quê (ngoài Bắc), có một ông thầy bói … khá giỏi. Trong làng, ai cần xem quẻ về tình duyên, gia đạo đều tìm đến thầy. Sau đó một thời gian, gia chủ thường quay lại biếu thầy, khi thì vài cân gạo, khi thì con gà, con vịt, nải chuối …

Trong làng có một chàng thanh niên vô công rỗi nghề lại có tính rắn mắt, nghịch ngợm. Anh chàng cho rằng ông thầy bói này thực ra chỉ là thầy bói mò, chẳng qua gặp may, “chó ngáp phải ruồi”, đoán đúng vài quẻ nên dân làng quý mến, thế thôi, chứ chẳng tài cán gì cả. Vì thế chàng trai này tìm cách lập mưu lật tẩy ông thầy bói, làm bẽ mặt ông ta trước dân làng cho bõ ghét, thế thôi.

Một hôm, anh ta ghé qua nhà ông thầy bói, phịa đại một giấc mơ nào đó:

- Thưa thầy, tối qua tôi nằm mơ thấy lợn kêu, chẳng hiểu đây là điềm gì. Nhờ thầy giải cho một quẻ.

Ông thầy bói trầm ngâm một lát rồi nói.

- Ngày mai anh cứ ở nhà, đừng đi đâu cả. Thế nào cũng có người biếu anh món ăn gì đó.

Anh ta ra về, bụng bảo dạ: “Đúng là lão bói mò, mình phịa chuyện nằm mơ, thế mà cũng vờ vịt trầm ngâm bói quẻ … Ngày mai mà không ai biếu cho món gì ăn thì ta đến đây bêu riếu cho một trận chừa thói đoán mò!”

Tuy thế, ngày hôm sau anh ta vẫn ở trong nhà. Tình thực thì anh ta thất nghiệp, có công việc gì đâu mà phải ra ngoài đâu.

Chiều đến, nhà hàng xóm cho thằng nhỏ chạy qua nhà anh chàng:

- Bố cháu mời chú qua nhà ăn giỗ ông cháu ạ!

Chàng được một bữa bĩnh bầu.

Sau bữa giỗ về nhà, anh chàng trầm ngâm: “Lão bói mù này chẳng qua đoán mò, làng quê thì thiếu gì giỗ chạp, chẳng giỗ bố mẹ thì cũng giỗ ông bà cụ kỵ quanh năm suốt tháng chứ có phải là biến cố hiếm hoi gì đâu.”

Tuần sau anh chàng lại đến nhà ông thầy bói:

- Thầy bói thật đúng, hôm ấy tôi được mời ăn giỗ. Nhưng thưa thầy, đêm qua tôi lại nằm mơ thấy lợn kêu. Chẳng hiểu lại báo điềm gì chăng?

Thầy bói lại trầm ngâm:

- Ngày mai anh cứ ở nhà, đừng đi đâu cả. Thế nào cũng có người biếu anh quần áo, vải vóc gì đó.

Anh ta lại ra về, bụng bảo dạ: “Hóa ra lão đoán thế mà trúng phóc. Cứ để xem, nếu may mắn lão bói trúng lần nữa thì mình cũng được quà chứ mất mát gì đâu mà lo …”

Chàng lại bó gối nằm nhà, đại lãn chờ sung. Chiều đến có người bạn nối khố đi làm phương xa về thăm quê nhà, ghé qua tặng anh chàng một chiếc khăn nhiễu tuyệt đẹp.

“Ơ hay! Anh chàng nghĩ thầm, lão bói mò này bói lại đúng lần nữa, mà bói toàn điềm lành. Để xem, quá tam ba bận, chó không thể ngáp trúng ruồi mãi. Để xem …”

Mấy tuần sau anh chàng lại mò đến nhà ông thầy bói:

- Thầy quả thật là tài. Chẳng hiểu sao đêm qua tôi vẫn nằm mơ thấy lợn kêu …

Thầy bói lại trầm ngâm. Một lát sau chợt nghiêm nét mặt:

- Lần này không ổn rồi. Ngày mai chết sống gì anh phải ở trong nhà, chớ có đi đâu. Thiên hạ họ đánh cho thiệt thân lại còn mang tiếng xấu …

Anh ta ra về, chột dạ: “Lão này bói hai lần đều trúng phóc. Lần này lão bói ra quẻ xấu, biết đâu lại đúng thì … bỏ mẹ!”

Hôm sau anh ta cố thủ trong nhà, cửa đóng then cài mong cho tai qua nạn khỏi.

Ngày êm ả trôi qua. Xế chiều, anh ta chợt thấy dấm dẳn đau bụng, định chạy ra … đồng nhưng nhớ lời ông thầy bói dặn, không được xuất … gia nên vừa ra đến cổng lại quay vào nhà ngay. Cầm cự đến xâm xẩm tối thì không còn cố thủ được nữa. Ông bà đã phán rồi: “Việc quan còn day dứt, chứ việc c… phải đi ngay”! Thế là anh chàng ba chân bốn cẳng phóng thẳng ra đồng. Giữa đường thì … vỡ trận. Anh chàng đánh liều tạt thẳng vào một căn nhà bên đường. Đến cổng thì không chịu thêm được nữa. Một liều ba bảy cũng liều, thế là chàng tuột đại quần, … xóm xổ ra ngay giữa cổng.

Bất ngờ trong nhà có người đi ra, thấy anh chàng này thiếu … văn hóa nên chụp lấy cây gậy làm chàng ta kéo quần chạy mất dép. Rất may lúc ấy trời chạng vạng nên anh chàng không bị nhận diện.

Cả tuần sau mới hoàn hồn, anh chàng mới lò dò đến nhà ông thầy bói kể lại sự tình.

- Thưa thầy, tôi tự hỏi làm sao thầy giải cả ba giấc mơ giống nhau đều đúng phóc như vậy.

Lần này thì thầy bói mỉm cười.

- Có gì khó đoán đâu. Này nhé, lần đầu anh nằm mơ thấy lợn kêu, lợn kêu nghĩa là nó đói, mà nó đói thì phải cho nó ăn chứ. Ấy là anh được mời đi ăn giỗ. Lợn đã no rồi mà vẫn cứ kêu thì hẳn là nó lạnh, vì thế phải đắp chăn cho nó ấm thì nó mới ngủ được. Đó là lần thứ hai anh được tặng chiếc khăn nhiễu. Đã no, đã ấm mà con lợn vẫn cứ kêu thì nhất định đây là lợn hư, phải đánh nó thôi!

Anh chàng đăm chiêu rồi gục gặc đầu thông hiểu, thán phục. Anh cảm ơn ông thầy bói rồi kiếu từ.

Trên đường về, bỗng dưng mặt anh chàng đực mẫm ra: “Cơ mà, cả ba giấc mơ thấy lợn kêu mình đều phịa ra cả, chứ có phải mộng mị thực sự gì đâu, tại sao lão ta lại giải mộng hoàn hảo đến như vậy?”

Perth, Australia, ngày mồng 6 tết năm Kỷ Hợi.

Phùng Ngọc Cửu

Wednesday, February 6, 2019

Bãi Biển Manly

Manly là một bán đảo, một giải đất lớn thì đúng hơn, là cửa ngõ của vịnh Sydney mở ra biển.

***

Từ Panania đáp tàu điện ra bến phà _ trạm Circular Quay _ chúng tôi dừng chân ở Central, trạm lớn nhất với kiến trúc cổ của Anh.

Central Station.
 Từ Central Station, chúng tôi lần lượt qua trạm Museum, Saint James để đến Circular Quay.

Xuống bến phà, chúng tôi không cần phải mua vé, chỉ cần đến thẻ đi tàu điện: vào trạm, quẹt! ra khỏi trạm, quẹt! Thật tiện lợi.

Phà khởi hành. Hôm nay phà vắng khách, chúng tôi lên tầng trên. Ở đây tầm nhìn thoáng hơn.

Hình 2: Chiếc du thuyền lộng lẫy neo dọc theo chân cầu.
Bên trái là Harbour Bridge, một địa danh của Sydney.

Nghe nói bên kia Harbour Bridge, thường gọi là khu bắc, là khu thượng lưu.

Opera House có nét đẹp khác, nhìn từ con phà này.

Phà từ từ vào vịnh. Bên tay phải thấp thoáng tàu hải quân.

Có lẽ đây là một hải quân công xưởng.

Hôm nay trời thoáng mát mặc dù khá chói chang.

Gió trong vịnh hây hây.

Ngọn hải đăng cổ. Phía sau là trung tâm thành phố
Cánh buồm thể thao.

Cửa ngõ ra khỏi vịnh. Bên phải là mỏm giải đất với ngọn hải đăng Hornby Lighthouse, bên trái là North Head.


North Head, điểm cuối của bán đảo Manly. Đây là điểm ngắm cảnh tuyệt diệu.


Phà cập bến.

Chú hải âu này đậu trên cột cờ từ lúc phà còn chạy ở giữa vịnh.
Chú cũng muốn đổ bộ thăm Manly.

Công sở ở đây thường treo song hành hai lá cờ: cờ Úc và cờ Thổ dân

Đầu đường The Corso, một con đường chính băng qua bên kia là Manly Beach.
Bên đây đường, ở một góc khiêm tốn là đài chiến sỹ trận vong. Trước mặt là danh sách các chiến sỹ hy sinh trong Đệ Nhị Thế Chiến, còn lại là các danh sách chiến sỹ hy sinh trong Đệ Nhất Thế Chiến, chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam …

Đài chiến sỹ trận vong

Giáo đường cổ trên đường The Corso

Cuối đường The Corso với khách sạn Steyne nổi tiếng.

Khách sạn này là điểm mốc của một con đường dài chạy bọc theo Manly Beach, đường South Steyne bên tay phải và North Steyne bên tay trái.

Con đường bộ hành vừa là công viên với hàng thiên tuế đại thụ dọc theo Manly Beach.

Lót dạ trước khi đi tiếp. Các chú hải âu này chầu chực quanh ghế thực khách chờ tiếp tế lương thực.
Nhiều chú mất kiên nhẫn đáp bừa xuống bàn ăn, điềm nhiên cướp thực phẩm của thực khách.

Manly Beach với cát mịn

Từ chỗ này trở đi bãi biển là đá bàn, ít người tắm.

Surfing thường thấy ở đây.

Từ chỗ này bờ biển uốn cong tạo thành một cái vịnh có tên Cabbage Tree Bay.

Đường bộ hành chạy dọc theo chân đồi.

Đường bộ hành cong lượn. Gần cuối vịnh có một hồ bơi nước biển, tha hồ thư giãn trong bãi Shelly Beach.

Con tắc kè này được gọi là “rồng”, được cảnh báo không được sát hại.

Hoa dại bên đường

Ven chân đồi, một tảng đá bị xâm thực tự nhiên được đặt ở đây cho khách bộ hành
ai thích thì chui qua, trừ người béo phì!

Nhâm nhi ly cà-phê nhìn sóng biển.

Trong chuyến đi ngắn ngủi, lần đầu đến Sydney, tôi còn nhiều bỡ ngỡ. Cảm ơn mọi người nơi đây _ thầy cô Lâm và các bạn 74, những người có cùng ký ức về Ban Mê Thuột _ đã cho tôi được hưởng chan hòa niềm vui hội ngộ, ấm áp tình thân.

Rất mong một ngày tôi sẽ quay lại chốn này.

Sydney, ngày 05-02-2019
Nguyễn Thị Hồng A


Tuesday, February 5, 2019

Bút Ngọc Giao Thừa



BÚT NGỌC GIAO THỪA

Này Bút Ngọc về đi Giao thừa đợi
Phút linh thiêng ngõ thắm rực mai vàng
Nén hương trầm nghe lòng thêm vời vợi
Nhớ lẩy Kiều hồn con chữ thênh thang

Thèm tiếng pháo thuở quê mình rộn rã
Lũ trẻ con xúng xính áo mới tinh
Đụn rơm vàng xôn xao... vui chi lạ
Bàn thờ thiêng khấn lời nguyện thanh bình

Em vẫn thế - sắc hương hoa đào nụ
Như thanh xuân mộng trang điểm phấn son
Dẫu tóc bay, áo xưa giờ đã cũ 
Em chẳng còn chân mày nguyệt, eo thon

Tạ ơn Đất, Tạ ơn Trời, vạn vật
Đem Xuân về theo khúc hát hoan ca
Này em ạ, quên đi điều còn mất
Bên hiên xưa chữ thư pháp mượt mà

Như Thương
(Khai bút Xuân Kỷ Hợi 2019)

Monday, February 4, 2019

Vài Danh Lam Thắng Cảnh Ở Sydney

Hôm nay trời nắng ấm. Thời tiết ở Sydney thật thất thường. Có những ngày nắng đổ lửa, bất ngờ, trong vòng khoảng nửa tiếng đồng hồ, nhiệt độ tụt xuống mất 20oC kèm theo mưa hay bão. Thôi thì, nắng mưa là bệnh của trời!

Tuy thời tiết sáng nắng chiều mưa không lường được, vợ chồng Kim Sơn lại rủ chúng tôi đi du ngoạn. Là thổ địa của thành phố này, lại kèm theo lòng hiếu khách nên chúng tôi thật khó nói “không”, dù biết rằng vợ chồng Kim Sơn rất bận bịu với công việc.
 

***

Chuyến du ngoạn hướng về phía nam thành phố Sydney, dự kiến sẽ mất khoảng 2 giờ chạy xe, vượt qua một chặng đường 100 cây số, chạy băng qua Royal National Park rộng mênh mông, sau đó chạy dọc theo bờ biển để đến thành phố Wollongong, nơi có ngôi chùa lớn nhất Nam Bán Cầu.

Chúng tôi dừng chân ở chặng đầu tiên, Audley, nằm trong Royal National Park. Đây là công viên quốc gia lâu đời nhất của Australia, và cũng là nơi để người dân tránh cái ồn ào của thành phố, đến đây hưởng không khí trong lành và ngắm cảnh ngoạn mục. Công viên được bao bọc bởi những vách đá phẳng dọc theo bờ biển, là không gian sống của hàng nghìn chủng loại cây cối bản địa cùng rất nhiều động vật và chim muông.

Qua tìm hiểu, ở đây có nhiều cách vui chơi:
  • Thư giãn khi picnic trên thảm cỏ, nơi được trang bị bàn ăn và bếp barbecue cho du khách,
  • Đi bộ trong rừng, tìm đường quay lại xuyên qua rừng nhiệt đới, thưởng ngoạn những giống hoa dại hay ngắm cá voi từ những mỏm đất nhô ra biển. Cá voi thường xuất hiện vào tháng sáu và tháng bảy hàng năm,
  • Đến các phá (lagoon) để cắm trại hoặc tắm ở những phá được bảo vệ an toàn,
  • Thăm những thành phố nhỏ dọc theo bờ biển,
  •  Ngồi ở một nơi tĩnh lặng để đắm mình vào thiên nhiên.
Hồ nước trong veo với đám vịt trời và thiên nga đen ung dung bơi lội.

Đây là hồ có mực nước cao hơn một hồ khác, được ngăn cách bởi một con đập, cũng là con đường, ở cuối hồ.

Ghe luôn sẵn sàng cho khách tự chèo.

Sân cỏ dành cho du khách đi picnic.

Bây giờ là mùa hè, tiếng ve kêu inh ỏi vang khắp vùng.

Khung cảnh ở đây thanh bình quá. Mong một ngày sẽ quay lại.

Rời Audley, chúng tôi chạy băng qua một khu rừng cây cối hai bên khô khốc, làm mồi cho nạn cháy rừng.

- Ngày còn trẻ, Gary kể, tôi đi hướng đạo sinh, đi bộ băng rừng mất hai ngày mới đến được Garie Beach mãi ở dưới kia _ bãi biển này mang cùng tên với tôi! 

Rừng mùa hè
Từ trạm gác nhìn xuống biển có ghi nội quy chặt chẽ cho khách du lịch khám phá.

Biển xanh, rừng xanh, cát trắng

Từ đây xuống được bãi biển khá chật vật vì phải vượt qua dốc núi.

Hùng vỹ

Lại lên đường! Xe băng qua một khu rừng khác.

Xe qua đèo. Cây cối ở đây to cao và tươi mát hơn.
Dừng chân ở một trạm trên đèo. Giải khát với kem lạnh hay cà-phê.
Bên kia là dãy núi xanh.

Ở đây là nơi chơi tàu lượn (hang gliders/paragliders) lý tưởng.

Biển xanh ngát. Xa xa bên tay phải, chiếc cầu có tên là Sea Cliff Bridge chạy quanh co hình chữ S.
 Trước kia một đường đèo chạy dọc chân núi, đá tảng trên núi thường lở rồi đổ xuống đường gây tai nạn. Vì vậy một cây cầu dài được xây dựng, lượn lờ dọc bờ biển để tránh tai nạn.

Xe vào đầu cầu.

Dọc theo cầu, một hành lang dành cho người đi bộ hoặc dừng chân ngắm cảnh.

Vách núi đá thật hùng vỹ. Con đường cũ còn thấy rõ với hàng rào che chắn.
Chúng tôi ghé vào một tiệm KFC ăn trưa rồi lên đường đến thăm Chùa Nan Tien. 

Chùa mang kiến trúc Trung Hoa, do một người Đài Loan khởi công xây dựng.

Tháp chuông

Mái chùa

Cây tài lộc. Chỗ này đông người chen chúc. Ai cũng muốn được phần!

Đấng Thế Tôn

Sau rặng cây lớn ở sân chùa là một ao hoa súng, thấp thoáng cá vàng nhởn nhơ.

***


Chiều nay, ba mươi tết Nguyên Đán kỷ Hợi, nhóm bạn 74 Ban Mê Thuột ngày xưa: Kim Sơn – Thái – Hồng, cùng nhau hội ngộ trên đất người ở Câu lạc bộ Mounties, Sydney.

Mừng hội ngộ, vui tất niên cùng vợ chồng Thái - Xinh
Nhóm bạn 74 ngày xưa
Dâu, rể nhóm 74 ngày xưa

Cả nhóm rủ nhau đi thăm Chùa Phước Huệ, ngôi chùa Việt lớn nhất ở Sydney. 

Cổng chùa

Trước chánh điện, ghế đã được chuẩn bị để đêm nay đón giao thừa, đốt pháo mừng năm mới.

Chánh điện trang nghiêm, phảng phất mùi hương trầm.

A – Di – Đà – Phật

Đại hồng chung

Quan Thế Âm Bồ Tát

Tháp cốt hương linh
Chiều cuối năm khép lại một chu kỳ năm tháng. Tiễn năm cũ đi, đón năm mới về. Mong cho mọi người được hạnh phúc, an vui trong năm Kỷ Hợi 2019.

Sydney, ngày 04-02-2019
Nguyễn Thị Hồng A