Thursday, October 27, 2011

Thơ Nhạc Như Thương

CD Nhạc "Dấu Chữ Tình" 
 Trang chính: https://sites.google.com/site/trangthonhuthuong/nhc


CD Nhạc "Thăng Hoa"

Những Ca Khúc Khác

Cõi Thơ

              Tặng Kim Hương,
              tức nhà thơ Như Thươngtiểu thư Đạt Lý.

Có phải thơ là cõi mộng mơ

Mây êm êm trôi, trời xanh lơ
Lên xe xuống ngựa, đời tươi quá
Ta một ngày xưa rất tiểu thơ

Có phải thơ là chốn Bồng Lai
Dưới trăng hạc múa nhịp khoan thai
Gió dìu dặt thổi, sương huyền ảo
Yểu điệu nàng tiên nhẹ gót hài

Có phải thơ là vạt cỏ xanh
Ta ngồi bên nhau, tình long lanh
Là đường phượng đỏ lung linh nắng
Tay trong tay như đi trong tranh

Có phải thơ là chốn bình yên
Mặc ai lừa lọc, ai đảo điên
Ta với nàng thơ cùng đối ẩm
Tham, sân, si, mạn... bỏ ngoài hiên

Có phải thơ là nỗi tiếc thương
Ta xưa từng có một thiên đường
Khi hoàng hôn tím sầu xa xứ
Thơ đưa ta về thăm cố hương

Có phải thơ là một bờ vai
Cho ta ngả xuống khóc tình phai
Đếm bao cay đắng thân luân lạc
Xót đời cơm áo lắm chông gai

Có phải thơ là nỗi cô đơn
Ta dấu đời sau chuỗi cười dòn
Khi hồn tịch mịch bơ vơ quá
Nương náu vào thơ cho ấm hơn

Có phải thơ là chốn lãng quên
Những cơn đau siết ngực triền miên
Khi đêm gieo xuống ngàn sao sáng
Ta sắc thơ thành chén thuốc tiên

Thơ ơi, thơ là thơ, là thơ...


Thanh Hương

Monday, October 24, 2011

Gặp bạn Mai Phương Hồng

Cuối tuần qua, Dung ghé xuống Nam Cali thăm cháu út học ở trường UC Irvine. Vài ngày trước đó, Dung có nhận được thư của Mai Phương Hồng, thế là Dung và Phương Hồng hẹn gặp nhau vào buổi trưa chủ nhật. Mặc dù khuôn mặt của cả hai đã mang nhiều dấu vết của năm tháng, nhưng Dung và Phương Hồng đều nhận ra nhau ngay. Giọng nói Phương Hồng vẫn nhỏ nhẹ như ngày xưa.

Sau 37 năm, hai người bạn cũ, gặp nhau tay bắt mặt mừng, ánh mắt reo vui, ôm chầm lấy nhau thật lâu, cặp mắt đỏ hoe, mặc kệ những người chung quanh nhìn ngó. 

Kế đó Dung và Phương Hồng tíu tít ôn lại những chuyện ngày xưa và hỏi thăm nhau về chuyện ngày nay. Phương Hồng hiện đang làm trong ngành hóa học ở Nam Cali. Nói chuyện một hồi, Dung thấy sao mình và Phương Hồng có nhiều điểm giống nhau:
  • Dung và Phương Hồng đều tròn trịa theo thời gian.
  • Phương Hồng cũng có hai cháu. Chỉ khác một người con trai đầu và gái út, còn người kia con gái đầu và con trai út.  Cả hai cháu ngoan ngoãn và rất thương mẹ (Con trai lớn của Phương Hồng, tên Bách, đang học Nha. Còn cháu gái, tên Tố Vân, đang học lớp 12, chuẩn bị để vào đại học năm tới).
  • ...
  • Và cả hai đều bận rộn với con cái, vật lộn với cuộc sống, đợi tới giờ chót... thiệt là chót, mới nộp thuế cách đây 1, 2 tuần! 

Phương Hồng nhắc nhiều kỷ niệm ngày xưa:

    • Nào là chuyện bạn bè ăn vụng xoài trong lớp, không những chỉ có muối ớt mà còn mắm ruốc nữa!
    • Chuyện có bạn đứng ngoài lớp len lén liệng giấy vụn qua cửa sổ lớp khác lúc Thầy Cô đang giảng bài rồi bỏ chạy để khỏi bị bắt quả tang.
    • Nào là ba bạn Xuân của lớp với biệt danh Xuân cao, Xuân lùn và Xuân ốm. Phương Hồng và Diệp Thanh Xuân tìm cách liên lạc nhau nhiều lần, nhưng cứ bị hụt hoài. Nếu bạn nào có giữ liên lạc được với Thanh Xuân xin cho Phương Hồng biết.
    • Nào là Bích Thúy, người thì nhỏ nhắn, nhưng giọng oai nghi hơn ai hết, hét một tiếng là có nhiều bạn xếp ve.
    • Thôn đã vẽ đẹp từ những lớp vẽ của thầy Quang. Phương Hồng còn nhớ bài tập thầy Quang bắt vẽ con gà. Phương Hồng nhắc con gà Thôn vẽ đẹp lắm, còn con gà của Phương Hồng mình thì to, cặp chân bé chút xíu (lại thêm một điểm nữa Phương Hồng và Dung giống nhau là tài vẽ).
    • Về tài làm thơ và viết văn thì khó có mấy người qua mặt được Hồng A.
    • ...

    Có bà cụ tuổi khoảng 80 bên cạnh bàn, chắc cũng vui lây với tiếng cười của hai người bạn xưa khi nhắc lại kỷ niệm thuở học trò, cứ ghé sang bàn hỏi thăm. Sau ba tiếng miên man ôn lại chuyện cũ, Dung và Phương Hồng bịn rịn chia tay. Hẹn lần sau có dịp xuôi Nam, Dung sẽ liên lạc với các bạn trước để có thể gặp được cả Minh Trung và Bích Thủy.

    Dung về lại San Jose quá nửa đêm, lòng hân hoan nhớ buổi họp mặt với người bạn thân thương buổi trưa hôm nay.

     Mai Phương Hồng và Trần Dung ở Orange County 10/23/2011

    Sunday, October 23, 2011

    Kỷ niệm nho nhỏ của Võ Thị Chung học làm thơ trong lớp Thầy Khánh

    Kính thưa Thầy cô,
    và các bạn mến!

    Trải qua thời vui buồn của tuổi học trò, với Chung đã mang theo những kỷ niệm của từng Thầy cô và của bạn bè.

    Đây là kỷ niệm nho nhỏ khi học với Thầy Khánh. 

    Đúng như Thanh Hương nói, mỗi đứa phải nộp một bài thơ cho Thầy. Trời đất ơi! Từ nào đến giờ làm Luận văn luôn luôn nhận lời phê bình: Chữ viết sạch sẽ nhưng ý tưởng quá nghèo hay nên đọc sách nhiều hơn, v.v… thậm chí đôi khi lời phê chỉ vỏn vẹn 2 chữa thật to tướng “Ý NGHÈO” thế mà phen này “làm thơ” Chung phải tận dụng hết “nội công” cho bài thơ Đường luật!!! Mất ăn mất ngủ vì lo nghĩ Bằng bằng, Trắc trắc suốt mấy hôm.

    Sau hơn 40 năm trôi nổi theo dòng đời, Thầy còn giữ bài thơ “Chiều Xuân bên mộ Mẹ” của Thanh Hương với bản chánh của tác giả làm xúc động, bàng hoàng cho đám học trò vô cùng. Riêng em, còn nhớ Thầy bắt cả lớp chép phạt 100 câu “Chúng ta phải im lặng trong lớp” (Quậy Thầy quá xá!) và bài thơ đầu tiên trong cuộc đời em còn ghi lại trong trí nhớ 2 câu mở đầu và 2 câu cuối, 4 câu thơ này đã theo em đến hôm nay vì chưa hề có câu thơ thứ 5 nào cả (vì em đã chấm điểm cho em rồi!).
    Đây…

       THẦY BẮT LÀM THƠ
              Hôm nay tôi phải tập làm thơ
              Hết đứng, hết ngồi tôi ngẩn ngơ
              ………………………
              ………………………
              ………………………
              ………………………
              Thất ngôn bát cú sao khó thế!
              Khi thầy chấm điểm chắc zê rô.
                        VTChung (Đệ ngũ 4)

    Kèm theo đây là lời chúc sức khỏe, vui vẻ trong chuyến về Việt Nam của Thầy và gởi lời thân ái đến tất cả các bạn 74.

    VTChung


    Thầy Khánh viết:



    Bài thơ chỉ có 2 câu đầu và hai câu cuối của Chung được gọi là thơ Tứ tuyệt (Thơ 4 câu) như Thanh Hương đã làm. Đọc bài thơ, không ai biết là Chung chỉ làm được có hai câu đầu và hai câu cuối, mà nghĩ đây là bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt được làm theo cách là ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối của bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú.Nếu viết “Bát cú thất ngôn” thì đúng luật hơn, nhưng nghe hơi chuớng tai. Bây giờ chúng ta thử đọc lại bài thơ xem:
    Thầy Khánh

           THẦY BẮT LÀM THƠ
           Hôm nay tôi phải tập làm thơ,
           Hết đứng, hết ngồi tôi ngẩn ngơ.
           Thất ngôn bát cú sao khó thế!
           Khi thầy chấm điểm chắc zê-rô.
                        VTChung ( Đệ ngũ 4 )








    Võ Thị Chung viết:

    Cám ơn Thầy đã nhắc nhở lại cách làm thơ, em trả chữ lại cho Thầy hơi nhiều! Bài nộp cho Thầy 8 câu nhưng chỉ còn nhớ 4 câu thôi, bây giờ Thầy nhập lại được gọi là Tứ tuyệt (wow!), cách gieo vần không êm xuôi lắm nhưng thôi cũng là một bài thơ không được hay cũng lớp Đệ ngũ 4 Thầy nhỉ?

    VTChung

    Friday, October 21, 2011

    Về đây

          Về trên lối nhỏ Hùng Vương
    Đường xưa hoa rụng, tình vương vấn nhiều.
          Áo người trắng cả những chiều
    Lòng thơ nào đã nghĩ điều mai sau.
          Xuân xưa một cuộc bể dâu
    Phận người từ đấy dòng sầu trôi xa.
          Mưu sinh bóng đổ nhạt nhòa
    Thương người vất vả, thương ta trăm chiều.
          Ngày qua đời tựa mùa đông
    Tiếng lòng nức nở trong vòng nhân gian.
          Đêm thâu quỳnh nở, hoa tàn
    Thoảng mùi hương cũ mơ màng nhớ mong.
          Lệ nào tôi giấu trong lòng
    Lệ nào tôi khóc long đong phận người.
                         *
          Dịu dàng tay lại cầm tay
    Trong chiêm bao nhớ chỉ ngần ấy thôi.
          Về đây chiều lạc sương rơi,
    Về đây hoài niệm phai mờ dáng xưa.
      
    Hồng A

    Thursday, October 20, 2011

    Welcome to Hồng A

    Thư Hồng A viết cho cả lớp ngày 7/10/2011 

    Các bạn thân mến,

    Hồng cảm ơn Dzung rất nhiều. Nhờ nhiệt tình và tài tháo vát của Dzung mà hình ảnh cùng thơ văn của các bạn từ tận cùng trời cuối đất của địa cầu đã đến tay từng bạn. Hồng rất thích hình ảnh của Kim Oanh, Minh Khuê, Bích Thủy, Đặng Thanh cùng nhiều bạn khác. Hình tốt nghiệp con gái bạn Chung rất  khả ái; còn mấy mẹ con Nam Đà thì « lí lắc » hết chỗ nói. Hồng còn nhớ nhà Nam Đà gần chùa Khải Đoan nữa cơ đấy.

    Còn hình ảnh về Ban-Mê-Thuột mà Quang Tâm gửi cho mọi người xem đẹp vô cùng. Có ai ngờ Quang Tâm là phó nhòm tài ba như vậy, bây giờ mới chịu bật mí. Là « người Ban-Mê-Thuột », một thời vốn không biết từ chối bất kỳ cuộc picnic ngoài trời nào mà Hồng vẫn chưa khám phá ra hết vẻ đẹp thiên nhiên của vùng trời đầy kỷ niệm này. Cảm ơn Minh Trung đã tặng bạn bè những hình ảnh tuyệt đẹp trên thế giới, những nơi mà bạn từng đặt chân đến. Còn hình ảnh của bạn Đoàn Văn Thái, nhất là tấm hình đen trắng với cây đàn guitar trông thật nghệ sỹ, làm Hồng nhớ đến một thời học trò vô tư, lãng mạn, tinh khôi.

    Một Kim Hương với những bài thơ tình nồng nàn, tha thiết. Có ai biết cô học trò kín đáo, trầm tư ngày nào lại lãng mạn « dữ dội » như thế. Còn một Thanh Hương, một « thi sỹ đang lên » với bài « Tình nhát gan », hay và « quậy » quá xá ! Thanh Hương à ! Nếu quả thật có ông Bụt trong tuyện cổ tích hiện ra cho mình một điều ước thì nhất định Hồng sẽ ước rằng được trẻ lại, gầy đi nhiều để mặc cho vừa chiếc áo dài xanh, cắp sách đến ngôi trường Tổng Hợp tiếp tục « ăn vụng » và quậy.

    Còn một người bạn mà Hồng rất nhớ và rất mong liên lạc được, đó là Aisa. Nếu Dzung liên lạc được, vui lòng thông báo cho bạn bè nhé.

    Cảm ơn tất cả các bạn. 

    Hồng A


    Thơ Thanh Hương viết tặng Hồng A 

    Welcome To Hồng A 
    Thục nữ trong hang đã nhảy ra 
    Bao năm gác kiếm chỉ tề gia
    Máu quậy hãy còn sôi âm ỉ 
    Văn chương chưa mất vẻ mượt mà 
    Nhảy múa hát hò đi kẻo muộn 
    Thời gian sốt ruột chẳng đợi ta 
    Cứ uống niềm vui cho thỏa thích 
    Nghiêm nghị làm chi phí tuổi già



    Bà Già Mát

    Cảm tác của QuangTâm nhân bài thơ Thanh Hương viết tặng Hồng A

    Gởi Thanh Hương 
    Tuổi hưu máu quậy bỗng sục sôi
    Bao năm mô phạm đã xa rồi
    Giờ đây nhớ lại thời non trẻ
    Học trò  sao chẳng nghịch bằng tôi.
    Có ai dám nghĩ cô giáo ấy
    Học chẳng kém ai quậy cũng nhiều

    Đỗ Quang Tâm

    Sunday, October 16, 2011

    Bài Thơ Thuở Học Trò "Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ"

    Vài lời giới thiệu 

    Khi dạy Việt văn cấp lớp Đệ Ngũ ở trường Trung-học Ban-Mê-Thuột, theo chương-trình, thầy có hướng dẫn các em làm thơ Đường luật. Vài ngày sau khi dạy bài này, thật là bất ngờ, Thanh-Hương lúc đó học lớp Đệ Ngũ 4 (tức lớp 8A2) đưa cho thầy một bài thơ rất dài, đọc rất cảm-động có tên là “Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ” được chép trên 4 trang giấy học trò, gồm có 21 bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt mà ý tưởng đươc xếp đặt một cách liên tục, kết cấu rất chặt chẽ.

    Lúc nhận được bài thơ, thầy nghĩ rằng Thanh-Hương đã sao chép của một tác-giả nào đó vì nội-dung thật đau buồn, không phải là tâm-trạng hồn nhiên, vô-tư của lứa tuổi ươm mơ luôn-luôn nhìn đời toàn màu hồng của em. Hơn nữa cô học-sinh này giỏi Toán chớ không phải là một học sinh xuất-sắc trong lớp về môn Việt- văn. Nhưng sau khi vặn hỏi kỹ-lưỡng, thầy mới tin chắc chính Thanh Hương làm bài thơ này. Thầy không ngờ Thanh Hương có tài làm thơ và có óc tưởng-tượng phong-phú đến như vậy. Thầy đã cất giữ bài thơ hơn 40 năm nay. Bốn trang giấy giờ đây đã ngả màu theo năm tháng.

    Thanh-Hưong đã đồng ý để thầy phổ biến bài thơ như là một chút đóng góp kỷ-niệm xưa. Thầy gởi nguyên văn bài thơ, không sửa đổi gì cả về ý tưởng cũng như thanh luật, đặc biệt là những gạch nối trong các từ ghép… để nhớ về một cô bé ít nói, bề ngoài có vẻ lạnh-lùng nhưng bên trong tiềm ẩn một tình-cảm dồi-dào không muốn cho ai biết.
      
    Thầy Khánh



    Sau đây là bản chính của bài thơ "Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ" Thầy Khánh đã giữ hơn 40 năm.





     
    Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ     

    Trời xuân trong vắt thật nên thơ
    Với những cụm mây trắng lững-lờ
    Hờ-hững trôi theo làn gió mát
    Êm-đềm lướt nhẹ, đẹp như mơ.
                   Đâu đây tiếng pháo nổ vang vang
                   Rộn–rã từng tràng đón Tết sang
                   Xác pháo tung bay rơi lả-tả
                   Đỏ tươi màu pháo ngập đường làng.
    Mai vàng nở rộ, đẹp xinh ghê!
    Nhộn-nhịp phố-phường đón Tết về
    Đường phố người đi như mắc cửi
    Chuyện trò rộn-rã, vui tràn-trề.
                   Tiếng cười, tiếng nói khắp nơi nơi
                     Duy có nghĩa-trang vắng bóng người
                    Tich-mịch, im-lìm hàng mộ trắng 
                    Vàng hoe óng-ả , nắng chiều rơi.   
    Lặng-lẽ mình con giữa nghĩa-trang
    Bên mồ con nhớ mẹ vô vàn
    Xuân về vạn-vật vui chào đón
    Riêng có hồn con nhuộm tóc-tang.
                   Nhìn đứa trẻ đi cạnh mẹ cha
                   Níu tay mẹ nũng-nịu đòi quà
                   Con buồn số-phận “ ngôi sao xấu “
                   Mẹ mất, cha lìa thật xót-xa.
    Gục xuống trước mồ mẹ đắng cay
    Tóc dài gió thổi nhẹ tung bay
    Tủi-hờn đôi mắt lệ hoen ướt
    Chua xót phận mình thật chẳng may.
                     Ra đi mẹ đã biệt tình trần
                     Vĩnh-viễn đời con vắng mẹ thân
                     Cạnh mộ âm-thầm con khẽ đếm
                     Đếm xuân vắng mẹ đã ba lần.
    Giờ còn đâu những Tết ba ngày
    Xúng-xính trong quần áo mới may
    Dạo phố đi bên cha, cạnh mẹ
    Đòi quà níu mẹ khẽ lay tay.
                      Con còn nhớ những lúc con đau
                      Chỉ tại dầm mưa nắng dãi-dầu
                      Thiêm-thiếp, buồn lo, mẹ héo-hắt
                      Con biết lấy gì đáp ơn sâu ?
    con mẹ trẻ tóc hai mầu
    Quỳ gối nhiều đêm con nguyện cầu
    Mong mẹ ở bên con vĩnh-viễn
    Không gì làm mẹ con xa nhau.
                       Nhưng điều con ước đã tan-tành
                       Khi nước Việt bùng nổ chiến tranh
                       Nhập-ngũ cha đi vì tổ-quốc
                       Tung-hoành cánh sắt khắp trời xanh.
    - võ con và mẹ ngóng trông
    Được tin ngày ấy, một chiều đông
    Cha vừa mất-tích trong phi-vụ
    Xa–cách cha yêu, nát cõi lòng
                    Từ dạo vắng cha, mẹ héo-hon
                     Rồi ngày kia mẹ đã lìa con
                     Mùa xuân năm ấy, con còn nhớ
                     Mẹ mất, ngoài kia pháo nổ dòn.
    Từ khi mẹ nhắm mắt lìa đời
    Đau khổ lòng con lắm mẹ ơi
    Thao-thức nhiều đêm vì nhớ mẹ
    Buồn đau, lả-chả lệ sầu rơi
                     Con thầm mơ-ước có nàng tiên
                     Xinh-đẹp, nàng tiên thật dịu-hiền
                     Với cánh trắng ( như lời mẹ kể )
                     Ngày xưa trong những chuyện thần-tiên.
    Nàng xuống trần-gian một buổi chiều
    Mùa xuân êm dịu, gió hiu hiu
    Tay mang chiếc đũa thần mầu-nhiệm
    Nàng sẽ cho con ước một điều.
                     Thì con sẽ ước mẹ con yêu
                     Sống dậy như sau giấc ngủ chiều
                    Và ước cha yêu thôi cách-biệt
                    Để con rồi sẽ hết cô-liêu.
    Để thôi thao-thức những đêm trường
    Ray-rứt lòng buồn, nhớ mẹ thương
    Để hết nhớ cha yêu vắng bóng
    Long-lanh khóe mắt lệ sầu vương.
                    ước của con chỉ thế thôi!
                    Phũ-phàng sự thật vẫn bày phơi
                    Nghĩa-trang vẫn thấy ngôi mồ mẹ
                    Cha vẫn xa con suốt cuộc đời.

                                         *
                                      *    *
                        Mẹ giờ an giấc ngủ ngàn thu
                    Hình bóng cha xa thẳm mit-mù
                    Xuân đến nhớ thương bao kỷ-niệm
                    Lòng con ôm mối sầu thiên-thu !...

                                             Nguyễn Thị Thanh-Hương
                                             Đệ Ngũ 4 - 8A2 ( 1969-70 )



    Cảm tưởng của Thanh Hương khi nhận được bảng scan của những trang giấy học trò đã ngả màu vàng Thầy Khánh gửi cho Thanh Hương: 

    Mọi người chắc bất ngờ khi thấy Hương cũng dám làm thơ.Có lẽ trong mắt mọi người, Thanh Hương "nghịch với học thôi, chả biết gì". Thật ra Hương còn ngạc nhiên hơn mấy bạn. Hương cũng thích đọc thơ nhưng đâu có tâm hồn văn chương lãng mạn để làm thơ như Hồng A, Kim Hương hay viết văn như bạn Can. Năm học Đệ Ngũ 4, thầy Khánh dạy thơ Đường luật rồi yêu cầu mỗi người tập làm một bài. Vốn chăm học Hương có làm một bài nộp cho thầy nhưng chỉ nghĩ đó là một bài tập như những bài tập Toán, Lý, Hoá ... thôi. Làm xong cũng quên luôn. Không thể ngờ thầy Khánh vẫn còn giữ bài thơ ấy qua bao biến cố. Năm ngoái thầy  scan rồi mail cho Hương, nhìn lại nét chữ tròn trĩnh ngày xưa trên mấy trang giầy học trò đã ngả màu vàng, Hương đã lặng người đi vì xúc động trước tấm lòng của thầy. Thật là một kỷ niệm vô giá của tuổi học trò và Hương may mắn biết bao khi có được một người THẦY như thầy Khánh. 

    Các bạn ơi, Hương nghĩ rằng trong mỗi chúng ta đều có một nàng thơ nhưng có thể ta chưa nhận biết. Hãy mời nàng ra, ban đầu nàng còn thẹn thùng ít nói nhưng khi đã quen quen rồi nàng sẽ nói tía lia, can cũng không được. Các bạn hãy thử đi, Thanh Hương khô khan lạnh lùng mà còn làm thơ được thì ai cũng làm thơ được hết.

    Hành Khất Nữ Hiệp Khai Đao

    Gửi Thanh Hương,
      
    Đêm nay ta không ngủ
    Vừa đọc thơ Lão Bà
    Không hổ danh "Già Mát"
    Quậy phá, cười hết ga.

    Giang hồ thôi hành hiệp
    Kiếm đã gác vào bao.
    Nay thế sự xôn xao
    Kiếm cùng ta múa tiếp...
      
    Hồng A

    Kỷ niệm học trò của Trương Chí Hòa

    Kính chào quí thầy cô,
    Chào các bạn trong gia đình quậy 74.

    Trước tiên là kính chúc các thầy cô dồi dào sức khỏe, luôn vui vẻ và hạnh phúc. Bây giờ em xin nhắc lại một kỷ niệm để tăng thêm phần hấp dẫn mà năm xưa mấy chuyên gia quậy đã thực hiện.

    Đề nghị Thanh Hương ( “Bà già mad” quanh năm suốt tháng lúc nào cũng mặc áo len, giờ thì hết mặc rồi, bộ biết nực rồi hả?) và Hồng A (một nhân vật chỉ nhìn và tủm tỉm cười, trong ánh mắt ẩn chứa nhiều ý đồ tinh nghịch) hai bạn hãy “thành khẩn” tường trình lại câu chuyện gài bẫy Hòa với bạn “H” ký vào giấy đăng ký kết hôn, khi nhận được giấy này nhìn đi nhìn lại, đúng là chữ ký của mình, hồi đó “tức” lắm nhưng không làm gì được phải “chịu trận” thôi, bây giờ khai đi để mọi người cùng biết cho “dzui”, mình không biết làm thơ, nên sẵn sàng xem các bạn hồi đó khai đao như thế nào.

    Thân mến chào,
    Trương Chí Hòa

    Gởi Chí Hòa 

    Thanh Hương thành khẩn tường trình
    Tại Hồng A cả tại mình ít thôi
    Hồng A cứ tủm tỉm cười
    Hòa đặt bút ký, một lần kết hôn

    Khi nhận được giấy này nhìn lại
    Đúng đành rành, Hòa ký chẳng sai
    Lòng tức lắm nhưng đành chịu trận
    Để đến bây giờ, mới tự khai 

    Quang Tâm

    Saturday, October 15, 2011

    Ăn Vụng

    Thầy Khánh - 08/18/2011

    Các em đọc attachment xem nhóm Bạch Liên ăn vụng trong giờ thầy dạy như thế nào nhé. Nhiều khi thầy thấy nhưng thầy phải làm lơ đi vì nếu bắt trộm mà không phạt thì không được, mà phạt cho đáng tội thì thầy không nỡ lòng nào, nhất là phạt con gái đẹp.
    Thầy

    Bạch Liên - 08/17/2011
    Thầy ơi! cho đến bây giờ em mới dám hỏi thầy: ngày xưa khi thầy đứng trên bục giảng bài, thầy có thấy tụi em ăn vụng không? nhiều lúc em nghĩ thầy không thấy nhưng có lúc em lại nghĩ rằng có lẽ thầy thấy nhưng thầy làm lơ co đám học trò quỷ quái này, thầy có biết tại sao tụi em thích ăn vụng trong giờ của thầy không? Tại vì thầy hiền quá, em chắc chắn một điều là em và các bạn sẽ không bao giờ tìm lại được mùi vị nào ngon như mùi vị của những miếng ổi, miếng xoài được lén lút lấy ra từ trong hộc bàn, các bạn ơi! có bạn nào ngày xưa ăn vụng trong giờ của thầy mà chưa thú tội thì hãy thú tội đi, em đã tặng cho thầy và các bạn một nụ cười phải không? Em kính chúc thầy và các bạn lúc nào cũng với một nụ cười trên môi.



    Minh Khuê - 08/18/2011
    (Chuyện bây giờ mới kể)
    Các bạn yêu quý,

    Nhờ Bạch Liên nhắc nên mình mới nhớ ra những tội lỗi của bọn mình ngày xưa. Theo tớ, ăn vụng là tội nhẹ nhất vì nó chẳng hại gì đến ai, mà có khi nó còn cần thiết, là điều phải làm vì bụng đói thì làm sao tâm trí có thể yên ổn mà tập trung vào bài học được? Các bạn nào hay thức khuya sẽ hiểu ngay, nếu đi ngủ thôi, với cái dạ dày trống rỗng thì cũng vô phương, chứ nói gì đến việc phải ngồi nghiêm chỉnh để nạp kiến thức vào đầu! Nhu cầu về "ăn" cấp thiết như thế, mà bao tử của đám học trò đang tuổi ăn tuổi lớn lúc nào cũng chạy hết công suất thì bảo sao mà không ăn vụng cho được? Mình và Quế Lan, Thúy Hằng chuyên môn chia nhau khẩu phần khoai lang, khoai mì dưới gầm bàn mà chẳng Thầy Cô nào hay biết, ngoại trừ các bạn ngồi ở các dãy bàn sau. 
     Còn 1 tội ác nữa mà hình như chỉ được thực hiện trong giờ Thầy Khánh và Thầy Ngự thôi. Đến giờ Việt Văn của 2 Thầy thì hình như những đứa học trò hiền lành và học giỏi nhất cũng thích biến thành quỷ để chọc phá Thầy? Trong giờ học, chẳng những không nghe giảng mà lo sắp sẵn những âm mưu chờ đến giờ ra chơi là giở trò. Vừa nghe chuông reo là ùa lên vây quanh bàn Thầy, tốp đằng trước truy Thầy tới tấp với hàng loạt câu hỏi; còn tốp đằng sau (trong đó hình như chỉ có mình và Thanh Hương) thủ sẵn những vật dụng như giấy hoặc lông gà để dán vào lưng hoặc cắm vào túi quần làm đuôi cho Thầy, rồi ôm bụng cười khi thấy Thầy vẫn vô tư với mớ đuôi phất phơ đi về phía văn phòng! 
     Hôm nay, sau gần 40 năm, ngồi đây nghe bao "Chuyện bây giờ mới kể" của bạn bè, mình cũng thấy vui vui muốn góp chuyện và tự thú cùng Thầy tội lỗi năm xưa: "Thầy ơi! Em viết lại 1 kỷ niệm vui của tuổi học trò, 1 thời vụng dại, nhưng sao nước mắt em rơi? Vì hối hận? Vì cảm thương sự chịu đựng của nghiệp làm Thầy? Em cũng chẵng rõ. Nhưng giờ đây, em muốn nói 1 điều rằng chỉ những người Thầy thật sự dễ thương thì mới được học trò "đối xử tàn nhẫn" như thế và Thầy nên lấy đó làm điều mừng vui, Thầy nhé!"
    Hiện nay, mình làm nghề thầy thuốc, hàng ngày toàn phải đối diện với bệnh nhân với đủ loại bệnh tật, đau khổ ; còn Thanh Hương nối nghiệp của Thầy. Thỉnh thoảng 2 đứa gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ, hỏi Thanh Hương có gặp quả báo vì nghiệp ác năm xưa? Nhưng ngược lại, có lẽ nhờ tích cực sám hối, cô giáo Hương dạy giỏi, rất yêu nghề và được học trò cưng thương vô cùng! Một bạn khác của chúng mình là Phi Giao, 1 trong những siêu quậy của lớp cũng vướng vào nghiệp làm Thầy cả 2 vợ chồng và vẫn rất bình yên, cùng nhau vui vẻ đi đến tận cuối con đường. Cuối cùng, mình mong các bạn hăng hái tham gia chương trình NÓI RA ĐỪNG SỢ dể Thầy trò chúng mình cùng vui nhé.
    MK



    Kim Hương - 08/18/2011

    Thế là ... 
    Hình như tớ thấy tớ hiền (!)
    Ngày xưa hỏng quậy liên miên như nàng ... 
    Kh.


    Thanh Hương - 08/19/2011
    (Lại bàn về ăn vụng)

    Kính thưa các Thầy Cô,
    Các bạn thân mến,

    Minh Khuê là thầy thuốc nên luận về ăn vụng dưới khía cạnh sinh học, ăn vụng là vì... đói. Ăn vụng theo mình vì đói là phụ vì vui là chính. Khi không đói ta cũng ăn vụng như thường. Ăn vụng cũng là một khoa học, phải phối hợp nhịp nhàng giữa tiết tấu của bài giảng với hoạt động của bàn tay và nhịp điệu của hàm răng thì mới không bị phát hiện. Thầy cô vừa quay lên viết bảng thì năm ngón tay trái nhẹ nhàng luồn vào hộc bàn, bốc một miếng bỏ nhanh vào miệng, miếng nho nhỏ thôi để khi ngậm miệng lại hai má không bị phồng lên . Thầy cô vừa quay xuống thì đội môi hồng đã  khép lại thuỳ mị, đội mắt tròn ngây thơ vẫn chăm chú nhìn bảng. Thầy cô vừa quay lên lại thì hai hàm răng ngọc bắt đầu nhai khe khẽ  và cái lưỡi hoan hỉ cảm nhận vị ngọt ngây ngất, vị chua quyến rũ và cả vị cay nồng nàn...Món gì khi ăn trong hồi hộp sao cũng ngon mê ly !!!

    Ăn vụng là gia vị cho buổi học thích thú hơn. Ăn vụng còn làm cho tình bạn thắm thiết bền chặt hơn. Gần bốn mươi năm, trải qua biết bao biến cố ta vẫn nhớ những người bạn ngày xưa cùng ăn vụng. Vì thế theo mình ăn vụng là một tội lỗi đáng yêu của tuổi học trò, nhất là học trò con gái.

    Không biết có bạn nào chưa kịp một lần ăn vụng trong giờ học? Có thấy tiếc nuối không?

    Có một lần mình, Hồng A, Anne Tuyết Lang, Kim Hương ăn vụng mứt gừng dẻo trong giờ Toán. Bạn Hồng A đã sáng tác hai câu thơ, Hồng A ơi có còn nhớ không?

                     Định đề, công thức bay theo gió,
                     Một miếng mứt gừng, ngon quá ta.
     

    Kim Hương ơi nhà mi ngày đó tuy ít quậy nhưng cũng không phải hiền đâu, cũng có ăn vụng đó chứ.
     

    À mà không biết khi thầy cô mình còn đi học có ăn vụng không?
     

    Thân ái.
    Thanh Hương.
       

    Bạnh Liên - 08/20/2011
    Bạn nào đi học mà không ăn vụng là đã bỏ qua cái tuyệt thú của tuổi học trò, mình rất thích câu hỏi của Thanh Hương và rất mong được thầy trả lời, các bạn hãy đoán xem thầy sẽ trả lời như thế nào?


    Kim Hương - 08/20/2011
    Kim Hương đoán 99% thì thầy... không ăn vụng rồi, nhưng cô thì chưa chắc à nghen !?
    Ta ăn vụng có vài ba lần thôi mà Thanh Hương khai ra hết 1 lần rồi, phần còn lại... sẽ biệt mù tăm cá... ha ... ha ...

    Dã Quỳ

    Tóc em cài dã quỳ
    Vàng hực nắng Ban mê.
    Suối ru lời tha thiết,
    Gió dìu bước em đi.

    Đường về buôn xa lắm,
    Chiều xuống trên đồi nương,
    Sắc dã quỳ đằm thắm,
    Rực rỡ bóng hoàng hôn.

    Con đường cài dã quỳ
    Viền quanh bờ cỏ biếc,
    Để lòng ai da diết
    Thơm chút tình Ban Mê?

    Dáng xưa cài dã quỳ
    Dài xôn xao kỷ niệm,
    Dài hơn năm tháng cũ,
    Với đất trời Ban Mê!

    Nguyễn Thủy Nam, S.A. Dec. 24  2009.
    (Thấy đâu đó sắc vàng dã quỳ Mộc Châu... chợt bâng khuâng nhớ về dã quỳ Ban mê ngày nào...)

    Bạn Và Tôi

    Nhất quỷ, nhì ma, ba học trò
    Là tôi – là bạn – rất vô lo
    Những giờ trong lớp hay ăn vụng
    Lén lút chia nhau bánh với quà.

    Những giờ trong lớp thường táy máy
    Giấu của bạn này, cất bạn kia
    Chòng ghẹo Thầy Cô, cười khúc khích
    Bị phạt tôi cùng bạn sẻ chia.

    Những ngày trốn học tôi thường đến
    Thác nước Nhà Đèn, suối nước trong
    Hoa bướm ven đường, đàn cá lội
    Tôi về rơi lạc chút mộng lòng.

    Nhớ đến mùa thi cùng học gạo
    Chiếc mùng – hai đứa – ngọn đèn mờ
    Bạn chăm chỉ học đêm đến sáng
    Nhìn lại thì tôi đã ngủ khò.

    Cứ thế – xuân qua – thu lại đến
    Tôi cùng các bạn vượt kỳ thi
    Thu năm Bảy bốn (74) mình chia cách
    Nhìn lại phong sương tóc bạc màu.
      
    Hồng A

    Tình Xa

    Trong đêm thâu tìm kiếm
    Không cầm nổi một đời
    Mịt mờ dòng ký ức
    Làm sao rõ mặt người?
               *
    Em quỳ bên khung cửa hẹp
    Bên đời ngăn cách tình ta
    Mọc giữa cây đời nghiệt ngã
    Bông hoa hạnh phúc úa tàn.

    Hồng A