Tuesday, July 31, 2012

Về Thăm Trường Cũ





Sân trường bóng nắng lưa thưa,
Mình em thơ thẩn chốn xưa, ngập ngừng,
Kìa cành Phượng đỏ vẫy mừng,
Đây rồi, đã đến thiên đường tuổi thơ,
Mong manh ngày tháng đợi chờ,
Vẫn còn nỗi nhớ, mơ về ngày xưa,
Cành cây lá nhỏ đong đưa,
Hàng thông xưa đó như chờ bước em,
Thời gian xa cách nhớ thêm,
Muồng vàng, Phượng đỏ, bậc thềm ngày xưa,
Đi qua lớp học, như mơ,
Bao nhiêu chuyện cũ chợt về, phút giây,
Vơi đầy tình bạn, ơn Thầy.
Bềnh bồng kỷ niệm, tháng ngày phôi pha,
Nhớ sao tuổi mộng, gấm hoa,
Bỗng dưng, mắt ướt, nhạt nhòa nắng mai,
Tình đời, như lá thu phai,
Thời gian hờ hững, tìm ai chốn này,
Hương xưa, mơ dáng hao gầy,
Chung trường, chung lớp, tháng ngày bên nhau.
Giờ đây, trống vắng, âu sầu,
Trường xưa, cảnh cũ ngậm ngùi, nhớ mong.
Dù xa cách mấy núi sông,
Muồng vàng, Phượng đỏ, vẫn trông ngày về,
Gốc thông già đứng não nề,
Bao mùa lá đổ, hẹn thề còn không?
Phạm thị Minh Hưng.

Monday, July 30, 2012

Một Vài Áng Văn của Lê Thành Tín

Viết về Mồng Năm Tháng Năm

Hôm nay mồng năm tháng năm, Tết Đoan Ngọ: đi hái lá thuốc, vắt chanh ngước mặt lên trời... sáng mắt, nhâm nhi rượu cơm nếp, bánh tráng chè kê, bánh tro, bánh dẻo... xôi, vịt luộc, mì Quảng, bún bò giò heo, tiết canh vịt, bánh tráng. Dzô.....dzô.....dzô một trăm không thối... dzô...dzô ta là đèo dô ta. Công khó ông cha lập ra, cháu con phải gìn giữ lấy, muôn năm với nước non này, dzô... ra thì mặc người ta. Hé hé...! Ai kêu tui đó... chờ tý, tớ phê rồi, hihihu...ke!   

Hoanhômồngnămthángnăm

Letti,bmt

Đỗ Thế Hùng: Lộn xộn, ông nỡm, uống vừa vừa chứ kẻo 5 tháng 5 năm 2055 không còn nhìn thấy nhau nữa đấy. Uống nhiều chết sớm thì khổ vợ khổ con, khổ bạn khổ bè; bởi lẽ đó... Tín mỗi lần nên uống chỉ 2 lít đế thôi. Mình nhỏ con uống vậy là... vừa. Hì ì



Về Cuốn Phim Xưa Của Phạm Đình Đạt: Tập 3 - Thay Đổi...
Mến quá!
Thương quá!
Tình quá!
Loãng moạng quá!
"Khá quá"! "tạm được" quá!"Tiến bộ"quá!
và...
Khoái Yêu Đạt Tiếc Của quá!... "khoanh luôn một vòng cấm địa" đến tận giờ... Đẹp Quá Thiên Địa ơi!
rồi...
Nhớ quá... bạn bè... iaya !
viết thêm: tuyệt nhất là "Những cơn mưa đầu mùa vào tháng 5,... Trời đất luôn hài hòa... theo bước chân hai người đi trong mưa."
Hỏi nhỏ Đạt là anh-em Duyên Anh hả? cái mững văn này giống y sì. Có một chữ GS hướng dẫn phê mà Đạt chưa đọc cho các bạn nghe là "Đáng Khen".

July 26, 2012 10:41 PM

Thursday, July 26, 2012

Cuốn Phim Xưa Của Phạm Đình Đạt - Tập 3: Thay Đổi...



Tùng!...Tùng!...Tùng!... Tiếng trống báo đến giờ ra chơi. Hai tay tôi gom vội sách vở bỏ xuống hộc bàn. Cả lớp 9/1 đứng dậy chào cô Hoàng Thị Oanh dạy môn Sử Địa. Cô vừa bước ra khỏi lớp. Tôi hất thằng Nguyễn Y Long sang một bên để chạy ra ngoài, chỉ để dành một chỗ đứng ở lan can cuối lớp cũng là đầu dãy nhà. Đứng ở đây, tôi nhìn ra con đường lộ phía trước cổng trường, có từng tốp học sinh thả bộ lên xuống. Phía trong trường, đường xuống quán ông bà Cai tấp nập học sinh qua lại đều đi ngang sau lớp tôi. Tôi nghe rõ tiếng kêu nhau... tiếng cười đùa chọc ghẹo nhau! Bọn con gái lớp 9 thản nhiên vừa đi vừa ăn quà. Những trái me rốp vừa mới ướm chín, bóc vỏ ra cơm còn trắng xanh, nhấm nhấm vị nó không còn chua lè nữa mà chua chua... ngọt ngọt... bùi bùi rất riêng. Bọn họ đi ngang lớp tôi, dứ dứ những trái me lên cao, miệng chíp chép rõ to... nhìn người ta nhai mà mình nghe ê cả răng. Có người ăn me xong còn ném hạt về phía tụi tôi, cùng cười ré lên bỏ chạy... 

Cũng ở tại lan can này, tôi nhận ra những thay đổi trong con người tôi. Tôi không còn thích tắm piscin... không thích ai đó nói mình là con nít... không thích nhiều cái khác nữa! Tôi làm người lớn được chưa? Nhìn thẳng sang dãy nhà đối diện, cũng cái lớp đầu bìa gần quán ông Bính (hư một mắt). Đây là lớp học đầu tiên đệ thất của tôi tại trường này. Từ bên đó sang bên này chỉ bằng một tầm mắt. Nhưng không gian của nó đã chứa bao "Bích câu kỳ ngộ"... bao "Cây tre trăm đốt"... những "lứa tuổi thích ô mai"... những chú "dế mèn phiêu lưu ký"... Còn ở dưới sân trường đầy viên sỏi đá, nó ghi lại bao công thức... bao định lý, định đề... in dấu những lỗi lầm khờ dại... những giận hờn vu vơ... Nhìn đám lớp 6 lô nhô nô dỡn, tôi thấy mình đã qua cái thời "ngày xưa còn bé"ấy. Tôi thấy mình lớn thật rồi! Đã trở thành lớp đàn anh... 

Ngày ấy, tụi anh cũng nghịch như mấy em, đuổi bắt nhau đến toạc cả quần áo. Đứa nào chỉ chỏ anh còn bảo "để cho mát". Bây giờ thì không thế nữa! Trước khi đi học, anh phải soi gương xem lại quần áo cho kỹ. Đừng bao giờ để bạn bè nhắc khéo "mày hở cửa sổ kìa"... ngượng chết đi được!... "chim ơi,chim ơi, đừng bay nhé"... là không có đất mà chui đâu! 

Các em học Hội Họa thầy Nguyễn Huy Quang, có mua nhầm bút chì HB như anh không? Phải loại 2B mới làm được bài tập tô độ sáng tối, từ trắng sang đen. Mai mốt thầy bảo vẽ cây chuối, mấy em chịu khó ra nhìn thực mà vẽ... anh và rất nhiều bạn vẽ đẹp lắm lại bị điểm một... thầy bảo cây chuối này vẽ trong nhà... anh bị oan một nửa... anh có ra ngoài nhưng không nhìn thẳng mà ngồi dưới gốc chuối vẽ ra! Các em chịu khó học, bạn Vũ Hoàng Đức cùng lớp với anh, đã đi vẽ quảng cáo cho hiệu sách của thầy Nguyễn Đình Dũng rồi đấy!

Các em lên lớp 7 mà gặp cô giáo dạy Toán Lâm Thu Thủy, sẽ bị cô răn đe ngay từ đầu. Thứ nhất không được nói leo. Thứ hai không được mơ mộng dừa. Hồi ấy, anh chẳng hiểu mơ mộng dừa là gì? Bây giờ hiểu ra thì thấy cô hơi nghiêm khắc. Lỡ hai giờ đầu thầy Bảo Cự dạy Việt Văn cho học bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh... "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm..." ... thì đến giờ dạy của cô, làm sao tránh được đưa mắt lên trời hướng ra ngoài cửa sổ... Các em nhớ khi làm bài tập về tỷ lệ thức... cái đẳng thức giữa hai tỷ số ấy thì đừng bao giờ gạch bằng tay! Ráng dùng thước kẻ mà gạch nhé! 

Còn một thầy nữa mà anh muốn kể cho mấy em. Đó là thầy dạy Việt Văn năm ngoái của anh. Thầy giáo Chung Phước Khánh! Các em nếu có học thầy ấy thì đừng buồn vì bài văn của mình bị điểm kém. Anh nhìn vào những bài văn kém ấy mới thấy biết bao công lao của thầy. Thầy chữa từng ý cho một đoạn văn hơi lạc đề, chữa từng câu văn lủng củng... từng chữ cho đúng văn phạm... cho đúng chính tả... rồi thầy tìm đoạn văn tạm tạm để thầy khích lệ. Những mực đỏ tha thiết của thầy có thể thầy vui khi đọc bài văn hay, cũng có thể thầy buồn khi gặp bài văn cẩu thả. Nhưng thầy đều tỉ mỉ nhặt sạn cho học sinh của mình. Lớp anh, bất kể học giỏi như bạn Trần Trọng Sự hay học kém như anh, đều yêu quý thầy ấy. Thêm một bí mật nho nhỏ... nhớ đòi thầy hát cho nghe... những bản nhạc thầy hay hát như Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Gởi gió cho mây ngàn bay... Học cho ngoan nhé! 

Hôm nay, lớp 9/1 học Anh Văn hai giờ đầu của thầy Nguyễn Đình An. Thầy An đã từng dạy chúng tôi năm đệ thất. Năm ngoái thì học cô Tôn Nữ Diệm Phương, năm đệ lục học cô Nguyễn Thị Quýt. Còn chừng nửa tiếng nữa là đến giờ ra chơi, thầy An bận việc phải lên phòng giáo sư, giao lớp cho lớp trưởng Liêu Hớn Quản giữ im lặng làm bài. Bóng thầy vừa khuất cuối dãy hành lang... thì một... hai... ba bóng áo xanh khác đã nhảy qua cửa sổ cuối lớp. Chắc xuống quán bà Cai hút thuốc lá! Hình như là mấy ngựa chứng Huỳnh Thành... Dương Đức Thuỵ Sỹ... Nguyễn Quang Định thì phải. Lớp bắt đầu nói chuyện ồn ào mất trật tự. Thầy Phụ tá Tổng Giám thị Nguyễn Ngọc Lâm đã xuất hiện trên hành lang. Thầy Lâm! Thầy Lâm!... Cả lớp nhanh như chớp ngoan ngoãn im ắng học bài. Thầy Lâm đi qua lớp, hơi dừng lại, đi tiếp xuống cuối dãy rồi quay lên... Thầy đi qua chừng nửa lớp kế bên... Pha mơ Lâm!!! Pha mơ Lâm!!... Tụi tôi giựt mình nhìn về hướng ai gọi như giật ngược người khác. Thầy Lâm quay lại kìa... con ngựa chứng Phạm Anh Tuấn đang đưa quyển English For Today dí sát mặt đọc như tụng kinh... farmer Lum... farmer Lum... farmer Lum... Tụi tôi cố ngậm miệng lại vì bài học này học qua lâu rồi... Tùng!... Tùng!... Tùng!... Giờ ra chơi đến! Giải thoát rồi!... Bây giờ mới dám cười thằng Tuấn "khùng" lớp tôi.

Tôi cứ tự hỏi mình đã thành người lớn chưa... Thằng Trần Văn Bình vừa khoe mấy cuốn truyện mà mình đang xem say mê. Suối Đá Mây của Đinh Tiến Luyện. Gấu Rừng của Duyên Anh. Còn hôm qua, thằng Y Long bảo mình về nhà nó coi xưởng làm bánh con cá. Ai đời thuở nào dẫn bạn vào nhà bằng con đường đạo tặc. Hai thằng trèo qua cổng sắt, chơi một lát... lại trèo ra! Trước đường phố Tôn Thất Thuyết bên kia đường là trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ... Biết bao người nhìn thấy! Xấu hổ quá chừng! Chịu thua nó luôn... Nhưng còn cái cảm giác khác lạ, từ trước tới giờ chưa thấy, mỗi lần nghĩ mình lên lớp 10 được học chung với tụi con gái... Cảm giác thật là mới mẻ, khó hiểu làm sao... 


Những cơn mưa đầu mùa vào tháng 5, đã tô thêm màu xanh cho mấy cây phượng vỹ sân trường. Nắng rực rỡ hẳn lên, sửa soạn đón một trời hoa đỏ. Tôi đứng ở lan can quen thuộc nghe tiếng ve râm ran inh ỏi. Sắp nghỉ hè rồi! Năm nay không phải thi chuyển cấp, chỉ phải ghi danh chọn ban. Tôi đã chọn ban B, một phần theo bạn bè, một phần thì tính hơn thiệt. Vì theo ban B vẫn thi được ban A, với lại thấy oai oai trước lớp đàn em. Ai mà biết mình toán kém! Vẫn còn sớm mới đến giờ vào lớp, đã có những đám mây đen mang mưa rào bất chợt. Học sinh vào trường mỗi lúc một đông. Trời hết nắng! Mưa đang rắc hạt theo bước chạy của tụi con trai lẫn tụi con gái. Tiếng mưa rơi lộp độp nghe rõ hơn, nhiều hơn ngoài hiên tôi đang đứng. Ui! Có một chị học lớp trên ở phía dãy nhà mới xây. Chị đi qua sau lớp tôi xuống hướng quán bà Cai. Chiếc áo dài thướt tha, dịu dàng... giờ đã phản lại chị, không che nổi bờ vai thon tròn dưới cơn mưa. Chị đưa cặp lên ôm lấy ngực. Có tiếng huýt gió, la ó từ phía quán... Trời đất luôn hài hòa... luôn có một người nam xuất hiện đúng lúc. Anh ấy cởi vội áo mưa choàng cho chị và dìu chị về lớp. Từ xa, tôi vẫn nhìn thấy vai chị ấy rung lên ngập ngừng... theo bước chân hai người đi trong mưa. 

Tôi cứ làm lạ, sao chị học lớp trên ấy không chạy như bọn con gái lớp 9. Nhìn tụi nó chạy mới thấy hết vẻ đẹp của chiếc áo dài mini cách điệu từ phong trào hippy. Tà áo cao vừa phủ gối tung lên gọn ghẽ. Ống quần hơi loe... lia theo bước chân. Tất cả cái đẹp mềm mại, đằm thắm của chiếc áo dài. Bây giờ thêm đậm chất hồn nhiên và dễ thương của lứa tuổi chúng tôi. Chắc chắn rằng bao tinh hoa của thời đại đang nhằm vào chúng tôi mà ban phát. Hay chúng tôi sẽ là tác nhân đi vào thơ văn... đi vào nhạc... vào phim ảnh... lấp lánh theo suốt thế hệ của mình. 

Cứ nghĩ đến con gái lớp 9, tôi phải công nhận họ thông minh hơn bọn con trai, về cái khoản sử dụng ngôn từ cơ thể (may ra trụ lại chỉ có chàng thư sinh tài hoa Trần Văn Bình lớp tôi). Tụi nó mà nói chuyện bằng đầu... bằng môi... bằng mắt... họ phối hợp cả tay lẫn chân... họ đưa cùi chỏ... đá gót... lắc cả mông... Thì nên tránh đi! Xớ rớ đến đó dễ bị ngố lắm! Cứ tưởng giải mã được mà lầm to. Hãy coi kìa... Tùng!... Tùng!... Tùng!... Tiếng trống báo đến giờ vào lớp... cắt đứt dòng suy nghĩ linh tinh về con gái lớp 9. 

Cuối niên học 70-71, tôi nằm ở tốp hai mươi, được lên lớp 10. Thầy giáo dạy Toán Nguyễn Văn Phúc hướng dẫn lớp tôi đã phê vào học bạ môn toán hai chữ đầu tiên khác với chữ "kém". Đó là"tiến bộ"! Có thể nó còn thua xa hai chữ "tạm được". Nhưng nó làm tăng quyết tâm của tôi để thay đổi môn toán này. "Tiến bộ"! Lời phê đó còn hơn bao chữ "khá"của môn khác! Thích thật! 

Một nguyên nhân khác để tôi cố gắng là vì con nhỏ học cùng trường ở xóm trên. Cha mẹ xóm dưới mỗi lần la mắng con cái ham chơi không chịu học. Thể nào cũng lấy nó ra làm gương vì ai cũng biết nó, học giỏi từ cấp Tiểu học giỏi lên. Nghe mãi ù cả tai... nặng cả đầu! Tự nhiên đâm ra không ưa nó, khoanh luôn một vòng cấm địa quanh người của nó... 

Mùa hè năm đó, tôi xuống chùa Khải Đoan, qua trường Bồ Đề gặp thầy Đoàn Kết cho mấy câu "quyết" toán lượng giác... 

                  "Tìm sin lấy đối chia huyền 
                  Cos thì hai cạnh kề huyền chia nhau 
                  Còn Tang ta hãy tính sau 
                  Đối trên kề dưới chia nhau ra liền 
                  Cotang nghịch đảo của tang" 

Tôi đọc qua một lần là thuộc... tiếp tục nhặt nhạnh... làm lại từ đầu... tích tụ... chuẩn bị cho cuộc đua chạy đường dài. 

Tôi đã thay đổi không sợ toán nữa! 

Dịp hè này, tôi vui mừng thấy mấy bạn ở xóm Hưng Đạo qua chỗ tôi chơi. Bạn Ngô Văn Dũng. Bạn Phạm Văn Chinh. Bạn Phùng Tất Đạt. Bạn Nghiêm Đình Đãi. Tôi với bạn Vũ Văn Lai cùng xóm. Kéo nhau lên phòng để bàn ping pong công cộng tập chơi... Cười vui... nhặt bóng nhiều hơn đánh bóng. Đúng vào lúc cây me từ thời Bảo Đại trong xóm ra những trái me non. Tôi trèo lên hái một áo. Cả bọn cùng nhau ăn với mắm ruốc. Bạn nào cũng nhăn mặt với trái thứ hai. Tôi và Nghiêm Đình Đãi ăn nhiều hơn... Thấy còn thèm nhưng ghê răng... chua quá! 

Tôi chỉ cho các bạn biết nhà bạn Thanh Hương học lớp 9/4... Tất cả đều chung một tâm trạng mà không ai nói ra... Sự chia lại lớp cho năm học mới vẫn chưa có thông báo. Không biết đứa nào sẽ còn học chung với nhau... ai sẽ học với bạn gái đó... cái cảm giác vẫn còn luyến tiếc lớp cũ nhiều kỷ niệm... vẫn có cảm giác nôn nao... háo hức chờ đón những điều mới lạ... của ngày mai. Chúng tôi đang đợi sự thay đổi ấy!

(Hết tập 3)

Phạm Đình Đạt

Wednesday, July 25, 2012

Thăm Bùi Hùng ở bệnh viện

Nghe tin Bùi Hùng đang điều trị bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhóm bạn ở Sài Gòn í ới gọi cho nhau cùng đi thăm Hùng. Khoảng gần 15g chiều thứ hai 23/7 Hồng, Đà, Hương, Thắng và Hòa tìm đến lầu 7 khoa tim mạch can thiệp. Đà gọi điện cho Hùng trước, lên đến nơi thấy Hùng đang bận nói chuyện với cô y tá, Hùng vẫy tay ra hiệu cho các bạn đứng ngoài hành lang biết vì chưa đến giờ được vào thăm nuôi bệnh nhân.

Thắng, Hồng A, Thanh Hương, Nam Đà và Bùi Hùng
Bùi Hùng, Chí Hòa và Thắng
Hùng ra ngoài hành lang tiếp chuyện các bạn cho thoải mái hơn. Bạn cho biết  về ca mổ tốt, có thể cuối ngày nay hoặc sáng mai xuất viện về nhà, sau đó đợi ngày tái khám.

Châu Thu Thủy bận việc không đi thăm Hùng, và có gửi tiền giúp bạn điều trị bệnh. Trông Hùng khỏe, hơi tiều tụy đôi chút. Các bạn hỏi thăm về căn bệnh và được Hùng giải thích tường tận. Có lẽ từ nay các bạn cũng như Hồng sẽ quan tâm hơn nếu có những biểu hiện về tim mạch như vậy, vì đôi khi trái tim già nua hay nhõng nhẽo làm mình làm mẩy lắm đó.

Nam Đà, Hồng A, Bùi Hùng, Chí Hòa và Thắng
Chào Hùng ra về, các bạn chúc Hùng mau chóng hồi phục sức khỏe, mong con tim của Hùng mãi yên vui nhé.

Thân mến

Hồng A

Bụi Hồng Thiên Mã


Lam Sơn Kỳ Ngộ
Tranh A.C. La Nguyễn Thế Vĩnh



Thân trai hồ thỉ ngàn chí cả
Không thẹn vai ngang với sơn hà
Trống trận thúc quân hồi quyết tử
Giữ gìn vạn dặm đất gấm hoa

Dọc ngang cung kiếm bốn phương trời
Bụi hồng thiên mã bóng trăng rơi
Ngã thân sương gió bên rừng suối
Chinh y để lại tạ ơn đời…

Biên ải gươm thiêng ngời kiêu hãnh
Bọc thây da ngựa vẫn hùng anh
Tiếng khuya vằng vặc hồn sông núi
Gấm vóc giang sơn, tráng sĩ hành

Hí vang uất hận ngàn rung chuyển
Vó ngựa đâu rồi cuộc chinh yên
Nghe như trong gió lời hiu quạnh
Thôi núi sông này đã ngả nghiêng

Như Thương

Buổi Họp Mặt Với Thầy Giõng


Từ sáng thứ năm 12/7/2012 những chiếc điện thoại đã rộn lên tin nhắn, gọi cho nhau nhắc nhở buổi họp mặt với thầy Giõng tại nhà Tuyết Mai lúc 18g chiều nay. Đầu giờ chiều mưa Sài Gòn bắt đầu nặng hạt, mặc dầu ngại ngần làm người đi trong mưa gió nhưng các bạn vẫn có mặt. Quang Tâm đi đón thầy Giõng, có mặt sớm nhất là Thắng, Đà, Hòa, Hồng tiếp đến là Thanh Hương, anh Lý (anh của Mai). Điều bất ngờ là Hoàng Trọng Kỳ về Sài-Gòn mổ mắt cũng có mặt, sau cùng là anh Mộc Sáng.

Thắng, Thu Thủy, Thanh Hương, Tuyết Mai, Hồng A, Nam Đà,
Thầy Giõng, Kỳ, Quang Tâm, anh Sáng, anh Lý
Buổi tiệc bắt đầu, các bạn mời rượu chúc sức khỏe thầy. Câu chuyện xoay quanh thầy về Việt Nam chuyến này vui buồn đều có cả, trùng hợp lần này dự đám tang bạn Phạm Thị Lâm... Trông thầy vẫn khỏe mạnh, vui tươi, và rất trẻ so với tuổi bảy mươi. Chúng em rất vui mừng và mong thầy mãi mãi như vậy, thầy hẹn sẽ về Việt Nam lần sau vào dịp tết nguyên đán.

Bữa ăn ấm cúng bên Thầy
anh Sáng, Kỳ, anh Lý, Thầy Giõng, Quang Tâm, Tuyết Mai
Tuyết Mai mang ra lư trầm (quà mừng thọ bảy mươi tuổi của thầy đã quên trong dịp về Việt Nam vừa qua). Các bạn lần lượt ký tên vào để kỷ niệm. Bàn tiệc vang tiếng cười đùa, không khí ấm cúng, thắm thiết tình thấy trò.

Tuyết Mai ký tên vào lư trầm
Kế đến là Nam Đà
Đến phiên Thu Thủy
Chào thầy ra về, chúc thầy thượng lộ bình an. Chúng em cầu mong thầy luôn khỏe và mong một ngày gần đây gặp lại thầy.

Hồng A

Thắm thiết tình thầy trò



* * *

Thư Thầy Giõng gởi từ Adelaide


Các em thân mến,

Hôm qua, lúc 8.30am, thầy đã về tới nhà tại Nam Úc, Adelaide, bình an. Chuyến bay rất tốt, tuy bị delay khoảng 20' tại Kuala Lumpur, nhưng tới phi trường Adelaide sớm hơn dự tính 15'. Thầy không mệt gì lắm, chỉ có giọng hơi bị khan tiếng, vì khí hậu bên VN quá nóng bức và nhiều khói bụi... nhưng nay đã bớt nhiều, vài ngày nữa sẽ khỏi hẳn. Ngay tối hôm qua, thầy đến studio phụ trách điều hợp Đêm Thơ Kỳ 61, nói về nhà thơ Thế Lữ... C/T kéo dài gần 3 giờ, mãi đến 11.45pm mới về tới nhà. Khí hậu bên Úc đang mùa đông, rất lạnh và dễ chịu!

Những ngày ở VN, các em dành cho thầy mọi sự đón tiếp, học mặt, sinh hoạt, rong chơi... đầy ân cần, nồng nàn, đầm ấm và vui vẻ... Thầy cảm thấy rất vui sướng, hạnh phúc và rất đỗi tự hào... về những tình cảm thầy trò trong sáng, tha tiết mà t/c các em dành cho thầy. Thầy rất trân trọng và cám ơn t/c các em.

Hẹn sẽ gặp lại các em ngày gần đây!
Thân chúc t/c các em nhiều an lành, hạnh phúc và may mắn.


Thầy,
Giong Nguyen, SA.


Tuyết Mai, Chí Hòa, Nam Đà, Thắng,
Thanh Hương, Thầy Giõng, Quang Tâm, Hồng A
Thắng, Chí Hòa, Thầy Giõng, Thu Thủy, anh Lý
Thắng, Thanh Hương, Thầy Giõng, Thu Thủy
Thắng, Hồng A, Thầy Giõng, Nam Đà, Quang Tâm
Chí Hòa, Hồng A, Thầy Giõng, Nam Đà, Thu Thủy, Quang Tâm
Thu Thủy, Nam Đà, Hồng A, Thầy Giõng, Thanh Hương
 

Tuesday, July 24, 2012

Tình Ca Biển




 Em bờ cát trắng dịu êm.
Nước tràn, sóng vỗ ngày đêm miệt mài.
Thùy Dương vi vút, ru ai.
Biển xanh sóng nước, hôn hoài cát em.
Gió mơn man nhẹ bờ êm.
La đà dương liễu cành mềm đong đưa.
Sóng dạt dào, sóng sớm trưa.
Gió hòa khúc nhạc, vi vu biển chiều.
Cát em in dấu chân yêu.
Dã tràng se sắt, ít nhiều xót xa.
Mặc cho sóng gió ngày qua.
Nắng cháy mặc nắng, mây mưa mặc trời.
Làm sao ngăn sóng biển khơi.
Làm sao ngăn được những lời biển ru.
Rộn ràng biển vẫn nghìn thu.
Hôn em bờ cát, tình thơ bốn mùa.
Tình như ngọn thủy triều xưa.
Ngày đêm sớm tối, vẫn mơ cát mềm.
Hoàng hôn, biển bước vào đêm.
Bờ em cát trắng, sóng quên lối về.
Rồi mai, chợt tỉnh cơn mê.
Tình ơi sóng mãi vỗ về biển xưa!
Mặc cho ngày nắng, ngày mưa.
Tình ơi biển mãi thắm mầu ước mơ.
Biển xanh, cát trắng sóng xô.
Tình ca biển cát, tình thơ muôn đời.

Phạm Thị Minh Hưng

Thursday, July 19, 2012

Đêm Thu

Đêm Thu sang thầm rơi xác lá,
Vạn côn trùng muôn thuở sầu ca…
Gió cuốn đi thời gian biền biệt,
Định mệnh nào Em đến với ta?
                     oOo
Ta bên  nhau, vàng mùa Cúc nở!
Vạt  trăng Thu chưa tỏ mộng chờ!
Lối Thu qua, xạc xào lá đổ,
Gặp làm chi vương mắc dòng thơ?
                    oOo
Ngày xưa ấy đường tơ sao vướng?
Để bây giờ hai ngã thầm vương,
Bờ vai tóc xõa yêu thương?
Khô màu lá rụng ven đường đêm Thu?
                    oOo
Đêm từ biệt xưa, Em hờn dỗi,
Vượt đỉnh sầu cúi mặt bước đi…
Rồi từ đó tháng ngày miên viễn,
Cung đàn thầm vọng bước tình si.
                    oOo
Người đi gởi lại đóa hoa sầu!
Thu vàng một thuở mãi xa nhau,
Thương yêu chưa trọn hoài muôn kiếp,
Để những giọt sầu lăn… lăn mãi đến Thu sau?
                                   Quách Lục

Cung Tơ Chiều



( Ghi lại kỷ niệm tại Café Cung Tơ Chiều Đà Lạt.)

Anh đến tìm em, Cung Tơ Chiều,
Trời đêm Đà Lạt gió hiu hiu,
Ao ước gặp em lòng vương vấn,
Cỏ mềm, sương ướt, bước liêu xiêu.
*
Cung Tơ Chiều, em nơi đâu, xa khuất,
Con đường mòn mưa lũ cuốn trôi,
Anh vẹo xiêu... tưởng chừng vấp ngã,
Em ở nơi nào, ánh điện mờ xa...
*
Quán vắng, lặng thinh, anh bước nhẹ,
Cung Tơ Chiều - Anh đã đến - em ơi,
Ánh đèn mầu, lạnh lẽo, hắt hiu,
Tiếng nhạc từ đâu, vang vọng, buồn thiu.
*
Ngồi chờ em, lâu biết bao nhiêu,
Anh chẳng trách, những lời em gay gắt,
Khi bước vào, vội vã, dáng gầy hao,
Anh mỉm cười, nhìn em, nét thanh kiêu.
*
Rồi... Em hát bài tình ca, đầy nước mắt,
Khóc cho đời, khóc mối tình phai,
Giọng hát buồn, chất ngất, ngân dài,
Em vật vã trong tiếng đàn tê tái...
*
Anh đã hát, bài thương ca hôm ấy,
Chia sẻ cùng em, bớt những đắng cay,
Thời gian, là phương thuốc tuyệt hay,
Sẽ xoa dịu, vết thương đau hằn dấu.
*
Cung Tơ Chiều, em có là ảo ảnh.
Em tiếc gì, câu từ tạ đêm thâu,
Anh bơ vơ dưới ánh đèn mầu,
Em ở đâu, hỡi em, nàng ca sĩ,
*
Đà Lạt về đêm, sương mù, nhung nhớ,
Một mình anh, ai sưởi ấm đêm nay?
Em, em ơi, anh tự nhủ... sẽ có ngày,
Tìm gặp lại, Cung Tơ Chiều thân ái.

Phạm Thị Minh Hưng


Buổi tối ở quán Cung Tơ Chiều
Ngọc Trân, Dung, Cô Minh Hưng, Khuê, anh Xương, Cường

Thursday, July 12, 2012

Cuộc Họp Mặt Bất Ngờ

Khoảng 8g tối chủ nhật đầu tháng 7, Dung vừa bắt đầu chuẩn bị một vài việc để ngày hôm sau đi làm lại thì nhận được điện thoại của Quang, em trai thứ ba của Dung. Quang hỏi:
  - Chị có bận gì không?
  - Chị không có bận, có chuyện gì không em?
  - Thầy Hoàng Trọng và Cô Diệp đang ở nhà Đào, chị ghé lên nhà Đào bây giờ được không? (Đào là bạn học của vợ chồng Quang)
  - Thầy còn ở nhà Đào lâu không em?
  - Chắc cũng còn khá lâu.

Thật là một tin vui bất ngờ. Nghe tin này xong, Dung vội cất lại những việc đang làm dở dang và ra xe đi lên nhà em Đào ngay. Gặp lại Thầy Cô, thật là mừng, cũng gần 40 năm rồi. Thầy vẫn như xưa, không thay đổi mấy. Thầy cho biết là theo chương trình Thầy Cô đi Nam Cali thăm Cô Trâm trước khi Cô Trâm trở lại Việt Nam. Ban đầu Thầy Cô định ghé thăm Cô Trâm trước rồi vài ngày sau đó mới lên Bắc Cali. Nhân có một em học trò cũ lên San Jose, Thầy Cô tháp tùng đi chung, rồi thứ ba sẽ về lại Nam Cali thăm Cô Trâm.

Trong buổi họp mặt có Dung thuộc khóa 74, còn các em khác thuộc khóa 79 Tổng Hợp. Nghe Thầy nhắc lại chuyện xưa mới phục trí nhớ của Thầy, Thầy còn nhớ nhiều kỷ niệm hơn đám học trò của Thầy.

Thầy Trọng, Cô Diệp, CHS Khóa 83, Trâm Anh (vợ của em Quang), Trần Dung (đứng phía sau)

Trần Dung, Cô Diệp, Thầy Trọng, Trâm Anh, Quang

Sau buổi ăn tối, Trâm Anh (em dâu của Dung, vợ Quang) mang ra một chiếc bánh mừng ngày hội ngộ với Thầy Cô. Thấy chiếc bánh, Thầy chợt hỏi "Bánh này cho Thầy phải không?". Cả bọn nghĩ là Thầy nói đùa. Vài phút sau, Thầy mới cho biết hôm ấy là sinh nhật của Cô Diệp, Thầy đã định tổ chức mừng sinh nhật Cô ở Nam Cali, nhưng sau đó đổi chương trình lên San Jose nên không làm được. Vì vậy, Thầy muốn dùng chiếc bánh này để tạm chúc mừng sinh nhật Cô.

Chiếc bánh mừng ngày họp mặt với Thầy Trọng ở San Jose

Thầy trò hàn huyên thật là vui. Cả nhóm quây quần bên Thầy Cô mãi đến gần 11g mới chịu chia tay ra về. Nếu hôm sau không phải đi làm, chắc cả bọn còn ở lại nói chuyện với Thầy Cô khuya hơn.

Nghĩ lại mấy tháng vừa rồi, Dung thấy mình thật là may mắn, trước tiên là gặp lại Thầy Cô Cao Bính vào mùa Giáng Sinh năm ngoái. Lúc về quê nội, gặp Thầy Lô, Thầy Vĩnh, Cô Minh Hưng, Thầy Hiếu, và hôm nay lại được gặp Thầy Trọng và Cô Diệp.

Sau đó, Dung thông báo cho các bạn ở Nam Cali là Thầy Cô sẽ trở lại đó vào thứ ba, hy vọng các bạn có thể thu xếp để gặp Thầy Cô. Mấy ngày sau, Dung được Bích Thủy cho biết đã gặp Thầy Cô vào ngày 4/7/2012 tức là ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. Sau đây là hai tấm hình kỷ niệm bữa họp mặt với Thầy Cô ở Nam Cali.

Cô Trâm, Thầy Trọng, Cô Diệp, Bích Thủy, ???



* * *

Sau khi trở về Texas, Thầy Trọng đã gởi lá thư sau đến học trò cũ của Thầy:

Các em: Dzung,Trâm Anh-Quang, Đào-Thanh, Tuấn-Mai Ly, Tam-Hoang, QuynhHoa -Thuck thân mến:
Thầy cô đã về đến nhà sau chuyến viếng thăm Cali. Cám ơn các em đã tổ chức buổi họp mặt, để thầy trò gặp nhau sau gần 40 năm, tuy ít bạn tham dự, nhưng cũng tạo điều kiện cho Thầy gặp được cả ba thế hệ học sinh: trước 75, 75 và sau 75.
Chúc các em và gia đình vui vẻ hạnh phúc, cho thầy gởi lời thăm hỏi đến các bạn nhé.
Thầy Trọng
Hình lưu niệm với CHS Khóa 79
Hình lưu niệm với CHS Khóa 79

Tuesday, July 10, 2012

Nợ Tình

Kiếp này đã trót nợ nhau,
Làm sao trả hết trái sầu, tình xanh,
Nợ anh tuổi mộng mong manh,
Nợ đôi môi mọng, ngại ngần mắt yêu,
Nợ anh vương vấn tơ chiều,
Nợ thân thanh liễu, ấp yêu tình nồng,
Nợ vơ vẩn buổi chiều đông,
Mắt môi e ấp, nhớ nhung võ vàng,
Nợ sầu những buổi thu sang,
Nợ nhau ngàn ánh trăng vàng bên song,
Ngàn sao lấp lánh chờ mong,
Ngân Hà dòng sữa, hữu tình, mênh mông,
Nợ nần sao trả, đếm đong,
Mây trời ngăn lối, dở dang mộng sầu,
Nợ nhau một khối tình sâu,
Nợ nhau từ thuở tươi mầu thanh tân,
Nợ chi một bước tình gần,
Trăm thương nghìn nhớ phải ngần ngại xa,
Bao giờ mình được bên ta
Sẽ xin trả hết... Tình-Thơ-Muộn-Màng.

Phạm thị Minh Hưng.




Thursday, July 5, 2012

Thu Mong Chờ


 
Lá rụng mấy mùa em chờ ai,
Hiên ngoài lạnh giá mấy thu dài,
Mong ngóng chi người đi biền biệt,
Sầu thương day dứt, sắc hương phai.
*
Biển chiều lộng gió, em chờ ai,
Cô đơn đếm bước, những ngậm ngùi,
Buồn trông cánh hạc mờ xa mãi,
Em đứng chờ ai giữa biển khơi?
*
Em chờ ai mà lòng hoang dại,
Tiếc thương nhiều, ngày cũ ấm êm,
Người đã đi, sao em cứ đợi,
Lá úa rơi đầy, bước đơn côi,
*
Em hát mãi, bài ca "Mùa Thu Chết"
Nhớ nhung hoài, lòng lúc nào vơi,
Còn không anh, cụm Thạch Thảo trên đồi?
Xin nhớ nhé, thu sầu, em mãi đợi!

PtMH

Kỷ Niệm Khó Quên

Mình đọc bài viết của bạn Phạm đình Đạt. Bạn viết hay quá và mình không ngờ bạn còn nhớ lại những kỷ niệm năm lớp 8 lận. Sau đó, mình đọc bài của bạn Tuyết Mai nói về đề tài Anh văn. Bạn học tiếng Anh ở đâu mà giỏi quá vậy. Bỗng mình sực nhớ một kỷ niệm thời học sinh, đã ghi dấu ấn vào cuộc đời mình, không thể nào quên và nó cũng liên quan đến môn học tiếng Anh năm lớp 10B2 do thầy Bùi dương Chi dạy. Bây giờ, mình kể cho các bạn nghe nhé.

Vào một buổi chiều, trời hôm đó nóng oi ả, môn học Anh văn đầu giờ. Thầy Chi bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào thầy. Sao hôm nay vẻ mặt thầy nghiêm nghị quá. Thầy không nói gì chỉ cầm phấn viết lên bảng công thức Has/Have + Past participle của thì Present Perfect. À chắc thầy ôn lại văn phạm thầy mới dạy tuần trước. Nhưng không, thầy đọc tên một bạn nữ lên khảo bài. Cả lớp im phăng phắc. 

Mình cũng xin nhắc lại hồi đó hai bàn đầu của nữ ngồi bên phải. Bàn đầu gồm Thanh Hương, Anne Tuyết Lang, Đặng thị Thanh, Kim Hương. Bàn thứ hai mình chỉ nhớ được tên bạn gọi lên bảng, còn ba bạn nữa mình quên tên rồi. Còn Cường ngồi bàn thứ hai bên trái gần cửa sổ. Ngồi cùng bàn còn có bạn Bùi dăng Sơn, Quách đinh Chiến và Hồ anh Dũng. Bàn đầu có bạn Đỗ quang Tâm, Trương chí Hòa, Trần văn Can, Phùng tất Đạt, toàn những nhân vật nổi tiếng trên Diễn Đàn. Cường xin ké chút xíu. Và bạn nữ bị gọi lên bảng ngồi bàn thứ hai (cho Cường xin dấu tên sợ bạn ấy giận mình). Và Cường xin nói đây chỉ là kỷ niệm để kể cho các bạn nghe, chứ mình không có ý gì hết hoặc le môn tiếng Anh với các bạn. Rồi thầy nói bạn nữ đặt một câu của thì Present Perfect thầy đã viết công thức trên bảng sẵn. Nhưng bạn nữ chỉ đứng nhìn bạn không viết được một chữ nào cả. Lúc đó không khí trong lớp ngột ngạt quá. Đôi mắt thầy quắc lên như thầy đang giận lắm và Thầy đảo mắt một vòng chỉ ngay mình: Em lên bảng. Lúc đó mình cũng run ghê lắm, dù đó là môn sở trường của mình và mình đặt một câu dễ dàng đúng văn phạm. 

40 năm rồi mình không còn nhớ câu ấy nữa. Chỉ biết thầy nói đúng rồi.Thế là thở phào nhẹ nhỏm, tưởng thầy cho về chỗ. Nhưng không, trời ơi, thầy bắt Cường cầm cây thước gỗ quất vào bạn nữ bàn thứ hai đang đứng trên bục (quất vào đâu thì các bạn biết rồi). Mình đứng tần ngần, làm sao đây, đầu óc rối bời. Chẳng lẽ một nam nhi lại có một hành động như vậy với bạn nữ liễu yếu đào tơ. Trong bụng hơi thầm trách thầy. Sao bọn em lớn rồi mà thầy còn dùng hinh phạt roi vọt nữa. Bạn ấy mình còn nhớ bạn mặc áo dài xanh tha thướt lắm. Thấy mình không thực hiện lời thầy, lại một tiếng quát nổi lên. Đã bảo quất mạnh vào. Trời ơi, trái tim Cường muốn rơi ra ngoài. Còn các bạn ngồi ở dưới bạn nào bạn đó nhìn lên Cường và bạn nữ run quá trời, không biết thầy còn gọi ai lên khảo bài nữa không. Nhưng thầy chỉ nóng tí xíu vậy thôi và thầy bảo cả hai về chỗ và thầy bắt đầu giảng bài mới. Cả hai thoát nạn. Kể từ đó môn của thầy không ai dám lơ là học bài nữa. 

Thôi một chút kỷ niệm của Cường, viết cho các bạn đọc. Mong các bạn có kỷ niệm thời học trò nào vui buồn kể tiếp cho Cường và các bạn xem. Vì đó là một chút niềm vui của cuộc đời và mong bạn nữ bàn thứ hai, có đọc bài này. Mong bạn cũng nhớ một kỷ niệm khó quên như Cường. Bài viết này có gì sơ xuất xin thầy và các bạn lượng thứ, vì thời gian sự việc xảy ra lâu quá rồi.  
Chào các bạn.

Paul Cường

Monday, July 2, 2012

Cuốn phim xưa của Phạm Đình Đạt - Tập 2: Đừng Sợ!!!

Lớp 8A1 đang làm bài tập kiểm tra môn lý hoá. Thầy Nguyễn Văn Nhạc ngồi trên bàn giáo sư quan sát hơn năm mươi mái đầu học sinh cắm cúi làm bài. Thầy nghe rõ tiếng sột soạt của giấy viết... Sự im lặng của học sinh làm thầy cảm thấy hài lòng. Thầy đưa tay lên chỉnh chỉnh cặp kính cận. Thời gian trôi quá nửa... học sinh yếu như tôi bắt đầu dừng viết, thường thì quay ngang ngó dọc, nhưng hôm nay tôi ngồi im ngó lên bảng. Tôi giận thằng bạn Đỗ Quang Tâm ngồi kế bên. Nó biết mấy đứa ngồi sau cứ lấy viết gạch gạch vào khuỷu tay và chọc chọc trên cổ tôi. Thế mà nó còn cười hùa theo tụi kia. Tức ghê đi! Tôi biết nó đang đẩy bài làm của nó lên cao chếch về phía tôi cho dễ nhìn. Không thèm! Tôi nhìn lên tường nơi có câu "Tiên học Lễ-Hậu học Văn", rồi đảo mắt xuống bảng nhìn chữ viết ghi ngày tháng... sĩ số... hiện diện... Nét chữ nghiêng đều rất đẹp của lớp phó Lê Văn Chàm. Không biết mấy tay giỏi toán ra sao rồi! Nhìn nhanh về các bạn Trần Văn Bình, Ngô Văn Dũng, Phạm Văn Chinh, Quách Đình Chiến, Trần Trọng Sự, Trần Văn Chấn, Hoàng Trọng Kỳ, Nguyễn Quang Ninh, Lê Văn Chàm... vẫn chưa rời bút. Có lẽ bài toán hóa hôm nay có câu hỏi khó! Liếc qua thằng Tâm xem nó có bí không? Trời ơi! Nó ngồi như phỗng! Như người lên đồng! Thấy nó hay hay! lạ lạ! Và hình ảnh này nó ăn sâu vào tâm trí, đi suốt quãng đường học toán của tôi. Sau này, khi biết sử dụng phương pháp định thần này, tôi thấy rất hiệu quả.

Cũng vào năm học đệ ngũ này, theo sự khuyên bảo của giáo sư hướng dẫn, học sinh yếu nên học nhóm với học sinh giỏi. Tôi và thằng Nguyễn Ngọc Lễ kéo đến nhà Đỗ Quang Tâm học. Từ chỗ ba thằng ngồi học trước hiên nhà, nhìn ra ngõ là những bậc đá dẫn lên nhà, hai bên rợp mát bóng cây. Học ở một nơi yên tĩnh, thư thái này tôi thấy dễ nhớ hơn ở lớp nhiều. Nhưng tôi chỉ kịp học được cách cân bằng phản ứng hóa học và hình ảnh nhập tâm lặng người của nó trước bài toán khó. Một đam mê mới không cưỡng lại được đã đánh đổ lòng ham toán vừa nhen nhóm trong tôi. Đó là xi nê ma! Xi nê làm tôi quên tấm lòng chân tình của thằng Tâm. Quên luôn con đường nhỏ xíu cong vòng qua ngõ nhà nó, đi xuống suối Đốc Học...

Hôm nay, được nghỉ hai giờ sau, thằng Ngô Văn Dũng đạp xe đạp chở tôi phi nhanh xuống rạp LoDo. Nó bảo giá mua vé vào cửa rất rẻ chỉ bằng một phần tư giá vé thật. Vé được ra hiệu giữa nơi bán vé với một chú bị câm điếc đứng ngay chỗ soát vé. Vào trong rạp tối om, tế bào que của thằng Dũng rất nhanh nhậy, kéo tôi đến chỗ ghế bỏ trống ngồi xuống xem. Phim chính chiếu mất khoảng 15 phút. Không hề gì! Xem phim xong vẫn hiểu hết! Phim đầu tiên đến với tôi là phim cao bồi viễn tây Hoa Kỳ "7 tay súng oai hùng". Cũng trong năm này tôi mê mẫn những phim kiếm hiệp Hồng Kông do Vương Vũ thủ vai. Tối đi ngủ, tôi còn mơ theo cảnh phi thân vù...vù, phóng phi tiêu vút...vút, vung đao múa kiếm chan chát... loảng xoảng... leng keng!
 
Đã quá lâu để nhớ tại sao tôi gắn bó với thằng Dũng. Tôi chơi với nó như anh em hơn là bạn bè. Nó luôn luôn bênh vực tôi, tập cho tôi biết bơi, dẫn tôi đi câu cá, chỉ cách cột lưỡi câu để khỏi bị tuột... rồi lôi nhau đi xem phim... rồi rủ nhau cùng học võ. Thích nhất là thời kỳ nó bắt về cho tôi những con dế than lửa (loại này đá nhau rất hăng), cũng là dịp tôi được "làm anh" ở xóm tôi... tạm quên đi cảnh luôn phải "làm em" trên lớp. Nổi máu tham, tôi xin theo nó bắt dế cho được nhiều. Nó nói không được! Năn nỉ mãi, nó mới bảo nhỏ tôi: "Không theo được đâu, tao còn phải đi bán cà rem nữa!... nghe chưa!"

Lớp tôi, cứ nghỉ 2 giờ đầu, là í ới rủ nhau đi tắm piscin. Thú lắm! Mặc dù thấy trong đám có thằng Bùi Hùng, thể nào tôi cũng bị nó nhận nước nhưng vẫn cứ thích đi. Thằng Dũng biết chuyện liền kêu tôi lên nhà để nó tập bơi cho. Đằng sau nhà nó chính là ao nước rộng lớn điều tiết nước chảy xuống hồ piscin. Nhà nó có một cái phao vuông to bằng tấm tôn có thể làm thuyền chèo đi hái bông sen hay hoa súng. Lần đầu, tôi vịn chặt phao, hai chân đập liên hồi xuống nước đẩy phao chạy lòng vòng ngần bờ. Khoái chí cười hí hí nữa chứ! Mê mải đến lúc nào không hay! Cái phao trôi xa bờ rồi! Đưa chân thử không thấy đáy... Tôi hơi hoảng! Người như nặng hơn... Tôi cố đạp để người nổi lên thì phao càng tiến ra giữa... mênh mông là nước. Sợ quá! Tôi kêu to không dám quay đầu lại. Dũng ơi...! Dũng ơi...! Nỗi sợ tăng dần... Dũng ơi...! Dũng ơi...! Tao đây...! Đừng sợ! Tôi nghe tiếng nó thôi, người tôi cứ nhẹ đi... tay nới lỏng cái phao... và cái ao cũng không còn đáng sợ nữa!

Rồi đến một ngày... được nghỉ 2 giờ sau, hai đứa lại xuống rạp LoDo. Hôm đó chiếu phim "Điệp viên 007" hay Fantomas gì đó. Tụi tôi vào rạp. Khán giả đông quá không còn ghế trống. Thằng Dũng đẩy tôi lên: "Mày đi lên hàng ghế đầu chắc còn trống. Tao đứng đây cũng được!" Phim hấp dẫn, gay cấn cho đến gần cuối. Cảnh chiếc tàu biển của kẻ gian nổ như xé tung rạp hát... Bùm!!!... biển lửa bao trùm hết màn ảnh !Vụ nổ thật ấn tượng chưa ra khỏi đầu người xem thì... ẦM!!!... nổ điếc cả tai... có mùi khét của thuốc súng... màn hình vụt tắt... rồi rạp sáng lên! Một cảnh tượng kinh hoàng không diễn tả nổi. Tiếng la hét! Tiếng kêu khóc! Vang lên hoảng loạn! Người ta xô đẩy, tranh giành, đạp lên nhau... để thoát khỏi cửa ra ngoài rạp. Tôi thật nhỏ bé trong dòng người chen lấn đó. Tôi thấy máu từng vệt trên lối ra... Tôi biết làm gì với bản năng của một cậu bé mười ba tuổi. Nước mắt tôi chảy quanh. Tôi đã kêu lên vô vọng... Dũng ơi!... Dũng ơi!... Ước chi nghe được tiếng của nó như ngày nào... Tao đây!... Đừng sợ!
      
Bụp!!! Phấn của cô Phạm Thị Minh Hưng nhắc nhở rồi Dũng ơi. Còn nhiều chuyện muốn nói với mày lắm nhưng để lần khác nghen!

Cô giáo Minh Hưng dạy chúng tôi môn vạn vật hai năm liền. Lớp đệ lục và lớp đệ ngũ. Cô đã mất hút trong đầu tôi đến khi đọc bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hương có nhắc cô hỏi chuyện lớp nào bỏ sâu muồng... Thì thôi chết rồi! Là lớp 8A1 đó cô ơi! Tụi em xin tạ tội với cô. Lần đó cô hoảng sợ thật sự và bỏ ra ngoài lớp. Làm cho lớp trưởng và lớp phó khiếp vía lo dọn dẹp mau để mời cô vào lớp lại. Đó là cô chưa biết lớp chúng em còn nghịch ác lần sau. Không phải sâu muồng mà là những trái mắt mèo, đụng vào rất ngứa. Chưa kịp bỏ vào ghế trên bàn giáo sư... thì trời bất dung gian... cả lớp ngứa tùm lum do lông mắt mèo vương vãi!

Em hỏi thăm biết cô là bạn đời của thầy Bùi Thế Vĩnh. Cô làm thơ trở thành thi nhân nên em nhìn cô hư hao hơn thầy. Nhưng em lại thấy cô rất "học sinh" khi cùng với mấy học trò của mình tạo dáng vui vẻ, định quên đi giây phút chia tay với Trần Dung ở phi trường. Đọc thơ cô, em thích tấm lòng đôn hậu của cô đối với tha nhân, nhất là những bài viết về mưa. Có những câu riêng em thấy rất hay: "Mưa rơi, rơi mãi, tình ơi, xa vời". (Em nhớ Bích Khê cũng có câu: "Vàng rơi,vàng rơi thu mênh mông") Chỉ một câu thôi cũng thành thơ rồi! Cứ lặng yên lắng nghe một thứ âm thanh pha lẫn sự tiếc nuối, một tý giận hờn, một tý yêu thương, một chút như có, một chút như không... Ai như cô bạn ngày xưa của em đưa ra hai nghiệm thẳng thừng: "Có, trăm năm có. Không, đời đời không". Lan mà đốp chát như thế Ngọc lấy đâu ra "Hồn bướm mơ tiên" nữa!

Có nhiều khi mưa gió cuộc đời làm mình khụy ngã, nhưng rồi phải tự đứng lên. Dần dần cũng xói mòn ít nhiều vào tin yêu cuộc sống. Em thấy cô gần gũi như thế nào khi đọc tùy bút "Xóm nhỏ" của cô. Cô nói đúng! "Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định... "Và từ đây, em không muốn làm ngựa chứng sân trường nữa. Em chỉ muốn làm "chim hót trong lồng" để thủ thỉ với cô bằng những trang nhật ký...

Ngày... tháng... Cô biết không! Khi nào đời mà không thương em là em tự xem tử vi. Cái số tuổi Thân của em lại sinh vào giờ Thân nữa thì... nói gì được nữa!

        "Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
         Riêng tôi phải chịu ngậm ngùi tuổi Thân
         Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân
         Sinh phải giờ Dần có số làm quan"

Em cứ soi tới soi lui, dịch qua dịch lại, tới chừng nào em thấy có quý nhân phù trợ mới thôi. Bớt lo lắng! Mà đỡ tủi thân!!!

Ngày... tháng... Cô ơi! Cô có nghe câu vè này không? "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, năm mặc kệ". Buồn cho dân đen ghê cô nhỉ. Người ta vè chữ mặc kệ... quả là thâm thúy! Cuộc đời đang trở nên đáng sợ đối với em...

Ngày... tháng... Em nhớ đến lời tâm tình của thầy Chung Phước Khánh, khi thầy về thăm Ban Mê Thuột "... các em có con hay cháu muốn sang du học bên Mỹ... các em hãy điện... hay e-mail cho thầy hay. Đừng ngại ngùng gì hết... thầy xem giúp được gì thầy sẽ giúp... ". Tấm lòng nhân ái cùng với giọng nói từ từ chậm rãi của thầy ấy không thay đổi tý nào cả.

Ngày... tháng... Em nghe bạn Lê Thị Tuyết Mai bộc bạch "Đến mùa thi cử, các bạn đưa con đi thi mình cũng hồi hộp, mong các cháu đỗ đạt, đến khi các cháu ra trường, có chút kinh nghiệm gì thì cố gắng giúp các cháu qua vòng phỏng vấn tìm việc, lâu lâu bọn nhỏ ghé nhà thăm là vui lắm rồi. "Như vậy, Tuyết Mai đúng là quý nhân phù trợ rồi, cô ơi! Đâu cần phải Tiên Bụt trên trời!

Ngày... tháng... Cô xem e-mail "... Nếu Hải có về đây điều trị thì đã có Nam Đà và các bạn Sài gòn sẵn sàng chia sẻ với 2 bạn...". Cô thấy không, tấm lòng của Nam Đà đâu có siêu mỏng mà đầy ắp tình người.

Ngày... tháng... Em phải nể phục anh bạn Nguyễn Văn Thắng... anh chàng này không hề nói chút gì về mình... nhưng khi bạn bè cần thì xông vào giúp... giúp rồi cứ xem... nhẹ như tênh!

Ngày... tháng... Em kể về bạn Đỗ Quang Tâm cho cô nghe... có lần em gặp lại bạn Tâm sau một thời gian lâu mất bóng nhau, dễ chừng trên hai mươi mấy năm. Em đi trách cứ bạn là ngày xưa hay ăn hiếp mình. Thấy bạn không nhớ, em còn ép thêm "cái thằng bị đau nó mới nhớ lâu". Bạn ấy không cãi! Thật ra đâu phải bạn Tâm mà là bạn khác hay chọc đánh em. Hay thiệt! Không thèm chấp dù bạn bè có nghĩ sai về mình!

Ngày... tháng... Em nhớ lại cái ngày bạn Tâm đưa Trần Dung về thăm Ban Mê. Chưa vào hội mà các di động đã hè nhau nhảy múa! Mai ra gặp mặt nhé... nhớ gọi thêm bạn... nhớ đón bạn... cùng ra nhé! Cái nhiệt thành của bạn lây sang em một cảm xúc nôn nao khó tả! Đến lúc bạn ấy làm quản trò mới thấy thương làm sao! Tả xung hữu đột! Cô cứ nhìn hình ảnh trong "Chuyến hành trình  Ban Mê" thì cô sẽ thấy bạn Tâm khắp mọi chỗ. Làm đến mức toát mồ hôi hột! Tắt cả tiếng! Em cứ hình dung ra bạn mình không phải hát dạo chơi như Khánh Ly; mà giống Thanh Lam hay Tuấn Ngọc hát hay thế vẫn lo "thượng đế" chưa hài lòng. Em thích nhất hình đôi bạn rời quán Văn, bạn Tâm vẫn đang thì thầm sợ bạn Dung chưa đủ vui hay sao ấy?!

Ngày... tháng... Bạn Tâm đã giúp nhiều bạn ở Ban Mê trong đó có cả em. Quý nhất ở bạn Tâm là bạn bè chưa cầu, bạn ấy đã xông vào chìa tay ra trước... tốt quá đến mức có trách thì trách mình chứ không trách người...
 
Bụp! Bụp! Bụp. Bụp. Bụp!!! Trời ơi! Cô giáo Nam Đà... không cho trò nói... những chuyện này không nên nói! Không nói thì cứ để gió cuốn đi sao? Ừ! Để... gió... cuốn đi! Để... gió... cuốn đi...

Cô giáo Nam Đà dạy tôi mới đây thôi. Cô ấy dạy môn Lạc Quan Học. Môn học này thấy thì dễ nhưng rất khó. Phải che dấu cái tôi của mình để hòa chung mọi người. Chôn kín nỗi buồn riêng mình để người khác được vui. Chưa hết đâu! Còn nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp vì người thân hiểu lầm. Sau này nếu cô giáo lỡ bị thương, tôi cầu xin người thân của Nam Đà cũng nên rộng lượng... như Thuý Kiều có giận Hoạn Thư thấu tim vẫn xử sự bỏ qua...

       "Tha ra thì cũng may đời
         Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen"
 
Tôi học được nhiều điều ở tấm lòng cô ấy và những tấm lòng của thầy cô tôi... của bạn bè tôi. Không còn thấy sợ hãi trước một cuộc sống đang dần đánh mất đi tính nhân văn!... đang dần dần trở nên vô cảm này!

Yeeee....aaah!!! Đạt ơi...! Đừng sợ!

(Hết tập 2)
Phạm Đình Đạt