Tuesday, July 31, 2018

Bước chân lãng du: Faroe Islands - Phần 1

Sau chuyến phiêu lưu ở Mông Cổ tháng 9 năm vừa rồi, tôi những tưởng cũng vài năm nữa mới có dịp đi tiếp, lý do chính là vì công việc hàng ngày bỗng bận rộn hơn lúc nào hết. Không ngờ chỉ vài tháng sau cái duyên lại đưa đẩy tôi chọn một nơi thật xa lạ cho cuộc hành trình kế tiếp của mình. Đó là Faroe Islands. Khi nghe đến cái tên này, ai cũng hỏi Faroe Islands ở đâu vậy? Và ngay chính tôi lần đầu tiên đọc tên Faroe Islands cũng không biết quần đảo này nằm ở Âu Châu, Mỹ Châu, hay một nơi nào khác. Cũng may thời nay muốn tìm hiểu điều gì chỉ cần vào Google bỏ công tìm kiếm một chút là thế nào cũng tìm được.

Sau khi tìm hiểu tôi được biết Faroe Islands là một quần đảo gồm 18 hòn đảo nhỏ nằm trên vùng biển Na Uy và Đại Tây Dương, giữa ba quốc gia Na Uy, Băng Đảo (Iceland) và Tô Cách Lan (Scottland). Tuy nằm giữa các nước này nhưng Faroe Islands lại là một lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch (Denmark) từ năm 1948.

Đến đây có lẽ câu hỏi kế tiếp là tại sao tôi lại chọn Faroe Islands. Lý do khá giản dị:
  • Faroe Island là một nơi những người quen biết của tôi ít biết đến khiến tôi thật hiếu kỳ và muốn biết về nơi này nhiều hơn.
  • Muốn được xem tận mắt hai loại chim puffin và gannet. Chim puffin ở đây thuộc giống Đại Tây Dương là một loài chim nhỏ với  cái mỏ đỏ lòe trên khuôn mặt bầu bĩnh và hai má phinh phính. Ngược lại, chim gannet lại là một loài chim màu trắng lớn như chim đại bàng với màu sắc thật thanh tao ở đầu.
  • Chuyến đi này là một photography workshop nên địa điểm đến không phải là nơi du khách hay ghé thăm, hứa hẹn sẽ có những điểm bất ngờ.
Đến lúc mua vé máy bay để đi tôi mới biết là không có chuyến bay đi thẳng đến phi trường Vágar của Faroe Islands. Du khách ở những nơi xa sẽ phải đổi máy bay ở những nước lân cận để bay đến phi trường Vágar, tiện nhất là đổi máy bay ở Copenhagen. Rồi chuyện này kéo đến chuyện kia. Đã đi xa như vậy, tôi tự nghĩ cũng nên ở lại Copenhagen vài ngày để biết về thành phố này, nơi mà tôi chưa có dịp thăm viếng. Nói đến Copenhagen, tôi chợt nhớ đến cô bạn Hương Thi và gia dình hiện đang ở Đan Mạch nhưng không biết Hương Thi ở thành phố nào. Tôi vội liên lạc với Hương Thi qua Facebook Messenger và sau đây là một mẩu đối thoại giữa hai cô bạn:

Dung: "Cuối tháng 6, đầu tháng 7, Dung có dịp đi qua Âu Châu và có thể sẽ ngừng ở Copenhagen vài ngày. Nếu Hương Thi có quen thuộc thành phố này thì Hương Thi giúp Dung ý kiến là nơi nào nên và không nên thăm viếng. Cám ơn Hương Thi trước nhé".

Hương Thi: "Rất vui được tin Dung ghé qua Thi chơi, không được khách sáo nha, đã qua tới Denmark thì ở nhà tụi này, không được ở đâu hết".

Đến lúc này tôi mới biết Hương Thi ở Copenhagen. Nghe đến đây tôi mừng hết lớn, nhẹ hẳn những lo lắng để sắp xếp cho thời gian ở Copenhagen. Sau đó công việc bề bộn hằng ngày làm tôi quên bẵng về chuyến đi, mãi đến vài ngày trước đó mới nhớ liên lạc lại với Hương Thi.

Dung: Hương Thi ơi, như vậy là hơn 1 tuần nữa Dung sẽ đến Copenhagen. Hương Thi cho Dung biết là Dung có cần chuẩn bị gì về chỗ ở và việc đi lại không nhé. Cám ơn Hương Thi".

Hương Thi: "Dung ơi, thứ Hai ngày 2/7 lúc 17g40 tụi Thi sẽ có mặt tại phi trường để đón Dung, Thi và Miên cũng đã lấy ngày nghỉ để đưa Dung đi chơi, chỗ ăn chỗ ở và phương tiện đi lại miễn phí nha. Dung nhớ cần đi chỗ nào Dung muốn đến thì cứ nói, có khi những nơi đó tụi Thi chưa được đi lần nào vì chưa có dịp để đi đó Dung. Cứ yên tâm đi chơi vui nhà. Hẹn gặp."

Không biết viết như thế nào để diễn tả hết sự cảm kích của tôi trước sự tiếp đón nồng hậu của hai vợ chồng Thi-Miên.

*

Tôi đến phi trường Copenhagen trưa chủ nhật lúc 1:15pm và sẽ đợi ở đó khoảng 3 tiếng đồng hồ để lấy máy bay của chặng kế tiếp qua Faroe Islands. Có thì giờ, tôi tản bộ xem cảnh và kiến trúc trong phi trường. Cũng như bất cứ phi trường lớn nào, việc đi từ cửa này (gate) qua cửa khác khá dài. Ở phi trường Copenhagen, hành khách có thể dùng những chiếc xe đẩy nhỏ chỉ vừa đủ cho hành lý xách tay để đỡ phải khiêng nặng trong lúc di chuyển đến cửa lên máy bay. Cũng ở phi trường này đây là lần đầu tiên tôi thấy một chỗ bán cà phê Starbucks mà không có người bán (self-serve stand). Khách hàng tự lấy ly, chọn loại cà phê nào mình muốn uống rồi trả tiền bằng thẻ tín dụng. Vừa xong là có cà phê uống ngay.

Một hành lang với kiến trúc đặc biệt ở phi trường Copenhagen

Làm dáng trong khi chờ chuyến bay kế ở phi trường Copenhagen

Self-serve Starbucks stand

Khoảng 1 tiếng trước giờ bay, hành khách được thông báo là chuyến bay sẽ bị trễ và cuối cùng thì bị hủy vì thời tiết ở phi trường Vágar rất xấu, mưa và sương mù dày đặc. Chúng tôi sẽ phải lấy chuyến bay kế vào 11g sáng hôm sau. Thế là dự định đi sớm một ngày để có thêm thì giờ đi xem đây đó cũng đi đoong. Hãng máy bay SAS sắp xếp chỗ ăn ở qua đêm cùng phương tiện di chuyển giữa khách sạn và phi trường cho từng hành khách. Hành lý gởi sẽ được giữ lại ở phi trường và chuyển qua chuyến máy bay ngày mai. Như vậy cũng đỡ khổ khỏi phải kéo cái va-li nặng chình chịch đi theo mình cho tới ngày hôm sau. Thoát được cái eo này nhưng lại mắc cái eo khác vì những thứ cần dùng cho vệ sinh hằng ngày như bàn chải đánh răng, đồ ngủ và quần áo thay cho ngày hôm sau đều nằm trong hành lý gởi theo chuyến bay. Đi chuyến này tôi học được một điều là những hãng máy bay lớn thường có những cái "kit" cho hàng khách khi gặp trường hợp như vậy. Chỉ cần hỏi!. Riêng hãng máy bay SAS thì họ có "overnight kit" khác nhau cho đàn ông hay đàn bà, thật là tiện.

Buổi sáng hôm sau, trước khi ra phi trường, chúng tôi được thưởng thức bữa điểm tâm Đan Mạch đầu tiên ở khách sạn theo kiểu buffet. Những món đặc biệt của buổi ăn sáng khác với những gì tôi hay thấy ở Mỹ là những loại bánh mì khác nhau trét bơ thơm phức, ngon tuyệt cú mèo, rồi còn thêm các loại thịt nguội (cold cut) ăn với cà chua, dưa leo, ớt xanh cộng thêm paté. Bên cạnh đó là trứng lòng đào, một món tôi thích ăn nhưng ít khi làm vì không mấy siêng năng chuẩn bị. Ở nơi nào cũng có những món ăn đáng nhớ, hương vị bánh mì và bơ ở đây là một trong những món tôi đem theo về California để nhớ.

Những món thịt nguội ăn sáng

Sơ sơ chỉ có 5 loại bánh mì
*

Tôi đến phi trường Vágar lúc 2 giờ chiều trên cùng chuyến bay với ông Oliver Klink. Workshop kỳ này chỉ có ba học viên, vợ chồng ông Bruce và tôi, nhưng chúng tôi lại được sự hướng dẫn của đến hai ông nhiếp ảnh gia nhà nghề. Ông Oliver Klink là nhiếp ảnh gia chính từ California, còn anh Ólavur Frederiksen là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Faroe Islands. Anh đã xuất bản hai quyển sách với đầy những hình ảnh đặc biệt của quần đảo này. Hình ảnh của anh có thể được xem ờ trang Facebook dưới đây:


Từ trái sang phải: Oliver Klink, Dzung Tran và Ólavur Frederiksen
Faroe Island tuy nằm ở vĩ tuyến 62, ngang với khoảng giữa của Alaska nhưng lại ít lạnh hơn và nhiệt độ không thay đổi mấy giữa ngày và đêm, mùa đông và mùa hè. Nhiệt độ trung bình quanh năm trong khoảng 0 độ và 15 độ C. Tuy nhiên mưa, sương mù thì thường xuyên, mùa đông đến mang theo bão và những cơn gió mạnh làm chùn lòng người. Trong suốt hơn một tuần lễ ở đây, tôi chỉ có được hai ngày nắng, còn những ngày kia thì mưa, tuy không lớn lắm nhưng đầy sương mù.

Là một quần đảo nhỏ, chỉ có hơn 50 ngàn dân, không có quân đội, nhưng Faroe Islands lại là một vùng đất giàu mạnh qua kỹ nghệ nuôi cá hồi (salmon) quy mô với những trang trại nằm dọc theo bờ biển. 

Trại nuôi cá hồi
Điều đập vào mắt tôi khi đặt chân đến quần đảo này là màu xanh tươi của núi đồi chung quanh. Màu xanh mà tôi chỉ thấy được trong vài tuần ngắn ngủi của đầu mùa Xuân ở Bắc California. Nếu không đến đây để được mắt thấy tai nghe thì khó có thể tin là đồng cỏ nơi này xanh tươi vào mùa hè và úa vàng vào mùa đông, trái ngược hẳn với miền Bắc Cali.


Những đảo lớn được nối với nhau bằng một vài đường hầm dưới mặt biển (subsea tunnel). Với những đảo nhỏ hơn người ta có thể dùng phà để đưa xe qua lại cho tiện việc di chuyển sau đó. Những đảo nhỏ còn lại chỉ có thể đến và đi bằng thuyền, thường là phải giữ chỗ trước.

*

Trong chuyến đi này, nhóm chúng tôi 5 người di chuyển trên một chiếc minivan 8 chỗ ngồi. Ólavur vừa làm tài xế vừa làm hướng dẫn viên, còn tôi được xếp ngồi băng ghế trước bên cạnh tài xế nên có thể chụp thêm vài tấm hình khi xe đang chạy và nghe Ólavur giới thiệu về Faroe Islands.

Buổi chiều hôm đó, theo chương trình chúng tôi đi ăn tối và chụp hình ở một ngôi làng nhỏ tên Gjógv nằm ở đỉnh của hòn đảo Eysturoy về hướng Đông Bắc. Ngôi làng này được biết đến khoảng hơn 500 năm về trước và lấy tên của một hẻm núi dài khoảng 200nm chạy từ trong làng ra biển. Gjógv theo tiếng Faroe có nghĩa là khe núi (hay gorge theo tiếng Anh). Màu sắc tương phản và tươi tắn của những căn nhà trong làng làm ngôi làng này nổi bật trên thảm cỏ xanh mướt với những cánh hoa vàng chen lẫn.

Bản đồ Faroe Islands
Làng Gjógv là chỗ đánh dấu  bằng mũi tên đỏ

Lúc xuống xe để đi vào tiệm ăn duy nhất trong làng, Gjáargardur Guesthouse, thấy máy hình của mọi người để đầy trên băng xe phía trước cũng như phía sau, tôi vội hỏi Ólavur có nên cất máy hình vào trong cóp xe để khỏi sợ người ta đập kính xe lấy mất đi thì khổ lắm (chỉ nội cái ống kính Canon 500mm của Ólavur nếu mua mới lại cũng tốn khoảng hơn tám ngàn đô la). Ólavur trả lời là không cần vì trên đảo không ai lo lắng về chuyện bị đập cửa xe ăn cắp đồ hết. Anh kể tiếp có một hôm đi chụp hình rồi lo vội về đón con, anh để quên chiếc máy hình cộng thêm cái ống kính dài thoòng bên lề đường, mấy tiếng sau có người gọi đến nhà hỏi có phải máy hình của anh không và cho biết nên đến chỗ nào để lấy lại. Thật là một nơi an bình!

Sau khi ăn tối xong, nắng đã rời thung lũng để lên đến giữa lưng đồi nhưng không hề làm mất đi vẻ đẹp của Gjógv một chút nào. Hiện nay Gjógv còn khoảng 50 căn nhà, chỉ có một nửa là có người ở, phần còn lại được dùng làm nhà nghỉ mát (summer house).


Nhà cửa ở Faroe Islands cũng như ở những thành phố Bắc Âu gần bờ biển được sơn bằng những màu sắc vui tươi mà lý do chính là tâm lý. Khí hậu ở những nơi này thật khắc nghiệt trong mùa đông dài dẵng tối tăm, đêm dài ngày ngắn, lại ít có cây cối. Nhà cửa sơn cùng một màu sẽ dễ làm người ta buồn chán, không muốn sống ở những vùng đất đó nữa. Vì lý do này, nhà cửa thường được sơn bằng những màu sáng để làm cho đời sống của mọi người được tươi vui hơn. Những căn nhà xưa cũ hay được sơn bằng màu đỏ vì lúc bấy giờ màu đỏ là màu sơn rẻ nhất. 


Những ngôi làng có vài chục căn nhà như ở Gjógv gần như đều có một ngôi nhà thờ nhỏ, kiểu tương tự nhau, không bắt buộc phải theo một màu sắc nhất định nào cả. Trước đây nhà thờ không có khóa nhưng sau một vài vụ trộm của người từ ngoài đảo đến, nhà thờ nào cũng khóa lại và chỉ mở cửa vào những giờ nhất định để làm lễ.

Nhà thờ Gjaar ở ngôi làng Gjógv

Nghĩa trang nhỏ bên cạnh nhà thờ
Là một nơi mưa nhiều nên Faroe Islands không thiếu những dòng suối hay những con thác nhỏ để làm cho khung cảnh ở đây càng nên thơ hơn.



Đã đến đây thì không thể nào bỏ qua cái khe núi Gjógv nổi tiếng này.




Sau khi chụp hình ở trên đây xong, chúng tôi đi ngược về hướng làng để lên một con dốc nhìn ra biển. Đồi xanh, mây trắng và tiếng sóng nhẹ của biển với cảnh núi đồi mờ xa... thật đẹp, thật quyến rũ. Chỉ mong mình sẽ có nhiều thì giờ, sức khỏe và phương tiện để được tiếp tục chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của thiên nhiên nhiều hơn.



Chúng tôi về lại khách sạn khoảng 11g khuya nhưng trời vẫn còn sáng. Vào mùa hè, ngày ở đây thật dài, khoảng 19 tiếng và ngay sau hoàng hôn, trời cũng không tối hẳn.

Một ngày thật xứng đáng cho cái công lặn lội từ xa đến.

Trần Dzung
July 31, 2018

Đón xem tiếp phần 2 về hai đảo Kalsoy và Kunoy.

6 comments:

  1. Nơi Dzung đến tựa như một "Ngôi làng thiên đường giữa thung lũng"! Vạn vật thật tĩnh lặng, ngay cả những ngôi nhà với màu sắc ngộ nghĩnh cũng. Đất Trời và cảnh vật thiên nhiên giao hòa nhau trông thật bình an.
    Nơi đây "không vướng bụi trần" chăng?
    Kh. thích ở những nơi mà tầm mắt mình không bị giới hạn bởi bất cứ cảnh vật nào: Biển mênh mông, núi thênh thang, trời mây bao la, rừng ngút ngàn...
    Những tấm hình Dzung chụp rất đặc biệt(dĩ nhiên không kể đến nghệ thuật cầm camera của Dzung - thí dụ như tấm hình "Một hành lang với kiến trúc đặc biệt ở phi trường Copenhagen"), Dzung trình làng những vòng cong uốn éo của con đường thật lả lướt - cái này đúng là lượn cong!
    Đúng là một quần đảo khi xem bản đồ, tức là mọi người dân của đảo đều được tận hưởng cảnh mây nước hiền hòa quanh mình và họ cũng được nghe tiếng suối róc rách trước... hiên nhà!
    Đi đến "khe núi Gjógv nổi tiếng" và đứng trước cảnh thiên nhiên như vậy, Dzung có cảm nghĩ như thế nào, có ao ước mình được ngồi lại nơi đó thoáng chốc, rồi nằm dài ra nhìn trời trên cao tít mù ở đâu đó giữa hai khe núi không? Góc nhiếp ảnh của khe núi này, Dzung chọn hay lắm vì nó hiện ra được toàn cảnh từ bậc thang nhân tạo, cho đến hai sườn núi, khe nước và cả bầu trời còn sót lại trên đỉnh cao!
    Đi nhiều như Dzung chắc hẳn "nàng có nốt ruồi Thiên Di dưới hai bàn chân" rồi!?!?

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Typo: Nơi Dzung đến tựa như một "Ngôi làng thiên đường giữa thung lũng"! Vạn vật thật tĩnh lặng, ngay cả những ngôi nhà với màu sắc ngộ nghĩnh cùng Đất Trời và cảnh vật thiên nhiên giao hòa nhau trông thật bình an.

    ReplyDelete
  3. "Một ngày thật xứng đáng cho cái công lặn lội từ xa đến". Như vậy Dzung chỉ mất một ngày để chụp hình kèm theo bài "Bước chân lãng du: Faroe Islands - Phần 1" và chắc chắn còn một số hình nữa để dành cho (các) Phần tiếp theo.
    3 giờ sáng nay -thứ Tư 1/8- tôi mở bài ra đọc, định bụng để "ru cái ngủ", ai ngờ càng đọc càng xem càng tỉnh ra vì hành văn bình dị, chữ nào ra chữ nấy, đoạn nọ thanh thản chuyển sang đoạn kia, lôi cuốn tôi với ánh nắng từ thung lũng trườn lên triền núi trong tiếng sóng vỗ bên ghềnh đá và suối reo bên những bãi cỏ xanh hoa vàng. Tôi suy đoán chụp hình mất một ngày nhưng soạn và sắp đặt hình và rồi để viết được bài bút ký thật lôi cuốn này thì Dzung giỏi hơn tôi nhất là Dzung còn đang phải "đi cày", cùng Xuân Lục soạn thảo Kỷ Yếu 2019 cấp lớp THBMT67-74, làm việc nhà, giúp tôi chỉnh sửa Học Trình Tiếng Việt, và còn mục gì nữa không?.
    Tôi thấy mấy đoạn Dzung và Hương Thi nói chuyện ở phần đầu cũng hay > một phần vì tôi vẫn nhớ cái tên HT khác lạ mà năm ngoái tôi mới gặp mặt lại sau mấy chục năm tại một nhà hàng ở gần VN Quốc Tự ngày xưa với ông xã, với một số CHS và với thầy Phú Thành Sang và Cao Bính, <<<một phần vì tôi thích ăn Danish Blue Cheese, rất hợp khẩu, ở Saigon nay cũng có bán.
    Hình tôi thích ngắm nhất là hình Dzung chụp với Oliver Klink và Ólavur Fredenksen vì -qua ánh mắt và 3 miệng cười mỉm- tôi cảm nhận được cái duyên gặp gỡ giữa ba nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh. Đối với tôi đó là một tấm hình rất ĐẸP.
    Mỏi mắt rồi. Chưa chấm hết. Còn mấy câu hỏi "hắc búa" nữa. BDChi

    ReplyDelete
  4. Sáng thứ Bảy, ngày 04/8/2018. Mấy câu hỏi "hắc búa" và "mắc mớ".
    1/. Bản đồ Faroe Islands (#9). Đảo VIĐOY (cực Bắc), BORĐOY(Đông Bắc), SUĐUROY(cực Nam) và SANDOY (ở khoảng giữa quần đảo). Tôi vào Google và Wikipedia - English thì được biết tiếng/chữ địa phương Faroe không hẳn là tiếng/chữ Đan Mạch nhưng cũng chịu ảnh hưởng của tiếng/chữ Đức và La Tinh. Tôi biết chữ Pháp và đã dò chữ viết Bồ Đào Nha và Đan Mạch trong Wikipedia thì không thấy thứ chữ nào có phụ âm (consonant) "Đ". Như vậy, chữ viết địa phương Faroe có "Đ" và "D" như chữ viết tiếng Việt.
    <Câu hỏi 1a : Trên thế giới, còn chữ viết nào dùng mẫu tự La Tinh có "Đ" không?
    <<Câu hỏi 1b: Vậy Faroe mượn "Đ" của chữ Việt hay Cố Đạo Pháp Alexandre de Rhodes và Cố Đạo Bồ Đào Nha Francisco Pina mượn "Đ" của Faroe khi thảo chữ viết tiếng Việt dùng mẫu tự La Tinh?
    2/. Khu nhà ở trong làng Gjógv : Hình 10, 11, 12, 14, 15.
    <Câu hỏi: Dzung ở đó đến khoảng 11 giờ tối mới về khách sạn. Sao vào mùa Hè (nghỉ Hè?) mà không thấy người lớn, trẻ em, chó, gia súc đâu cả?
    3/. Hình #8 : xa lộ ven biển đẹp lắm nhưng mủa Hè là mùa du lịch mà chỉ có hình như mấy người đi bộ và vắng bóng xe cộ vậy?
    4/. Trong phần nhập đề, Dzung viết 1 lý do là muốn xem tận mắt chim puffin và gannet. Wikipedia cho biết nơi đây có rất nhiều 2 loại chim này.
    <Câu hỏi: chúng có phải là một loại hải âu không? Sao tôi không thấy con nào lượn bay trên vùng trời cả?
    5/. Câu hỏi thuộc loại "mắc mớ gì đến thầy mà thầy hỏi" << Khi ăn ở nhà hàng trong làng, Dzung có ăn thử món Puffin và Trứng Puffin không? Wikipedia cho biết dân địa phương ăn cả chim lẫn trứng. Tôi quá!

    ReplyDelete
  5. Thưa Thầy,

    Em cám ơn Thầy đã đọc và viết cảm nghĩ của Thầy về phần đầu tiên của bài du ký này.
    Em viết không được hay lắm nên cố gắng lấy hình làm chính.

    Những hình kể từ sau tấm hình em chụp với Oliver Klink và Ólavur Fredericksen (và bản đồ lấy trên internet) đều do em chụp buổi chiều hôm đó ở Gjogv. Hình thì còn nhiều lăm, lúc nào soạn và sắp xếp được hình ảnh thì em sẽ viết tiếp để mời Thầy Cô và các bạn đọc.

    Em cũng thích tấm hình chụp ké với hai cái ông nhiếp ảnh gia. Đây là tấm hình duy nhất em chụp với hai cái ông này.

    Còn chuyện bận rộn thì từ đây đến tháng ba năm tới em chỉ có thêm phần Đặc San (khác với Kỷ Yếu), cùng với các bạn tổ chức Hội Ngộ vào tháng Hai,một chút sinh hoạt về nhiếp ảnh và một vài chuyện lặt vặt nữa.

    Em đang đợi mấy câu hỏi "hắc búa" của Thầy ạ.

    Dzung

    ReplyDelete
  6. hưa Thầy,

    Đây là những gì em biết được cho những câu hỏi của Thầy:

    1) Theo Wikipedia, chữ ð và Đ được dùng trong tiếng Anh cổ ngữ, trung ngữ (Old English, Middle English, Icelandic, Faroese, Scandinavia vào thời Trung Cổ (Middle Ages). Thầy có thể xem chi tiết về mẫu tự này ở trang:

    https://en.wikipedia.org/wiki/Eth

    Dựa theo chi tiết trong trang này thì em đoán ð và Đ được dùng ở những nơi đó trước khi hai Cố Đạo Alexandre de Rhodes và Francisco Pina dùng cho chữ Việt Ngữ.

    2) Hôm nhóm em đến Gjógv là ngày thứ Hai, người trên đảo vẫn còn đi làm. Còn những gia đình đến đây nghỉ hè thì họ cũng vào nhà nghỉ ngơi vì buổi chiều ở đây gió lộng khá lạnh.

    Số du khách đến Gjógv buổi chiều hôm đó chỉ khoảng trên dưới 20 người nên vì vậy Thầy thấy vắng vẻ

    Hiện nay du khách đến viếng Faroe Islands còn rất ít vì nhiều lý do:
    - Phương tiện để đón tiếp du khách đến quần đảo này rất hạn hẹp: khách sạn, phương tiện di chuyển, tiệm ăn. Có những nơi không có tiệm ăn hay khách sạn. Em được biết họ bắt đầu xây thêm một số khách sạn.
    - Faroe Islands có lẽ chỉ hợp cho những người thích đi hiking và thích cảnh thiên nhiên. Nếu ai chỉ thích những thành phố lớn với những danh lam thắng cảnh tân tiến, hùng vĩ mà nhiều người biết đến sẽ không chọn Faroe Islands.
    - Ngoài ra du khách đển đây có thể bị kẹt lại ở quần đảo này vài ngày nếu trời xấu, máy bay không lên xuống được nên thời giờ phải không eo hẹp mới đến đây được.và nếu đến nhằm lúc sương mù du khách sẽ không thấy thú vị lắm.

    3) Faroe Islands là một trong những lãnh thổ đất rộng người thưa. Hiện nay Faroe Islands chỉ có khoảng 50,000 ngàn dân với diện tích khoảng 1,400km2 và mật độ dân số ~ 35 người/km2 so với BMT trên 400 ngàn dân và mật độ gấp hơn 30 lần.
    Vì lý do này đường phố vắng vẻ, ít xe cộ, không mấy chỗ có đèn xanh đèn đỏ hay bảng stop. Ngã ba đường thường dùng bùng binh (roundabout) để tuần hành xe cộ thay vì bảng ngừng (stop sign).

    4) Cả hai loại chim gannet và puffin đều là chim biển. Em rất tiếc không có ống kính tốt nên không chụp được hình nào đẹp của chim gannet.

    5) Ólavur cho em biết trước đây khi số chim puffin đến đảo Mykines quá nhiều, người ta cho dân trên đảo bắt puffin để ăn.
    Những năm gần đây số lượng puffin giảm đi rất nhiều nên dân trong vùng không được bắt puffin nữa.
    Và em chưa thử nhưng cũng không có ý định thử.

    Dzung

    ReplyDelete