Trong chuyến đi Phi Châu tháng Ba vừa qua, Dung có dịp ghé đến Ethiopia 5 ngày. Nhóm của Dung gồm 16 người với 13 người khách đến từ Mỹ và Việt Nam, hai ông hướng dẫn viên Gashaw và Abity cùng ông tài xế Girma. Ethiopia có khoảng 80 bộ lạc khác nhau. Trong vài ngày ngắn ngủi ở đây, nhóm được ghé thăm 5 bộ lạc với những nét văn hóa khác nhau ở miền Tây Nam của Ethiopia.
Bộ lạc đầu tiên có tên là Dorze, một trong những bộ lạc nằm trong thung lũng Omo. Bộ lạc này cách khách sạn khoảng 1 tiếng lái xe với khoảng 45 ngàn người ở trên vùng núi với độ cao khoảng 2.000m trên mặt biển. Bộ lạc Dorze được biết đến về nghề dệt và những ngôi lều có hình dáng đặc biệt của họ. Ngôi làng nơi chúng tôi ghé đến là một trung tâm dành cho khách du lịch nên được sắp xếp gọn gàng trong một khung cảnh thân tình.
Vừa bước xuống xe, chúng tôi đã được chào đón long trọng với một nhóm tiếp tân gồm các phụ nữ trong y phục trắng viền màu sáng làm nổi hẳn trang phục của họ cùng quý ông trong lễ phục màu đỏ tay cầm khiên và giáo.
Người hướng dẫn ở Dorze hôm nay là anh Mokonen, người con thứ hai của gia đình với căn nhà mà chúng tôi sắp thăm viếng. Đây là khu nhà điển hình của một gia đình Dorze bao gồm 3 túp lều, một túp lều chính ở trung tâm và hai túp lều nhỏ hơn ở hai bên. Những túp lều Dorze được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre và lá. xung quanh các túp lều thường có một khu vườn nhỏ.
Túp lều chính có kích thước đáng kể cao khoảng 12 mét, với cấu trúc chính bằng gỗ tre, phía trên là những tấm đan bằng tre hay lá chuối giả được dệt một cách tinh xảo để chống nước mưa thấm vào bên trong lều. Hình dáng của túp lều Dorze giống khuôn mặt của một con voi. Loài vật này thật quen thuộc với người Dorze vì chúng đã sống ở đây từ nhiều thế kỷ trước rồi sau đó chuyển đến Kenya. Túp lều có hai lỗ ở phần trên để thông gió trông giống như hai con mắt và một lối vào nhô ra khỏi phần còn lại trông giống như mũi của con voi. Những túp lều này có thể bị mối hoặc kiến ăn mòn dần làm hỏng phần dưới của lều. Khi bị như vậy thì ngôi nhà sẽ từ từ xụm xuống và giảm bớt chiều cao.
Những túp lều này có thể được di chuyển đến nơi khác bằng cách nâng lên trước khi chuyển đi nhưng đó không phải là một việc làm đơn giản vì phải cần đến 20 người bên trong túp lều và 40 người khác bên ngoài cộng thêm sự trợ giúp của các cọc gỗ đặt dưới nhà để nâng toàn bộ túp lều trước khi di chuyển đi.
Bất cứ khi nào ngôi nhà bị ăn mòn hay dịch chuyển, nó mất đi một ít chiều cao vì các bộ phận hư hỏng sẽ bị cắt bớt khiến cánh cửa vào lều ngày càng thấp hơn. Để giải quyết vấn đề này, người Dorze đã tìm ra một giải pháp tài tình, đó là phần nhô ra ở mặt trước của túp lều nơi có lối vào, được thiết kế đặc biệt để có thể cắt bớt đi đưa lối vào trở lại kích thước ban đầu. Mặc dù với một chiều cao đáng chú ý như vậy nhưng túp lều Dorze hoàn toàn không cần có cột ở giữa để chống đỡ cho toàn cấu trúc.
Đến đây thì nhóm tiếp tân đã xếp thành hai hàng hai bên túp lều chính để mời chúng tôi vào trong tham quan.
Bên trong lều được chia thành nhiều phần và chúng được ngăn cách bởi các tấm đan bằng tre. Nhìn bề ngoài, ít ai có thể nghĩ là lều có đủ không gian cho bốn chiếc giường ngủ, có nơi tiếp khách, rồi kho chứa nông cụ và thực phẩm, chỗ làm bia cũng như chỗ chứa gia súc (có thể chứa đến 14 thú vậr). Chỗ ngủ gồm có 4 chiếc giường, hai chiếc giường ở hai bên cửa ra vào, hai chiếc kia là giường hai tầng nằm ở bên trong. Ở khu vực trung tâm của lều là chỗ đốt lửa với một số ghế ngồi để gia đình hay bạn bè ngồi ăn tối và chuyện trò. Nhìn bề ngoài, những túp lều của người Dorze có vẻ mong manh nhưng chúng có thể chịu đựng từ 50 tới 100 năm. Người ta chỉ cần thay lớp tre hay lá che bên ngoài mỗi 15 hay 20 năm.
Về phần hai túp lều nhỏ ở hai bên, túp lều bên phải được dùng làm bếp. Còn túp lều bên trái là "phòng trăng mật" cho vợ chồng người anh lớn mới cưới vợ. Mokonen cho biết chiếc lều này trước đây là lều chính bên nhà của ông nội anh. Sau một thời gian dài bị kiến và mối ăn mòn, túp lều đã giảm mất một nửa chiều cao và bây giờ được chuyển qua nhà ba anh để làm "phòng trăng mật". Hai vợ chồng son sẽ ở đó khoảng ba tháng, thời gian tối thiểu để xây dựng căn lều chính trong khu nhà mới của họ.
Phòng trăng mật cho vợ chồng son |
Cây enset |
Thân và rễ cây chuối giả này được chế biến thành thức ăn nhưng đòi hỏi nhiều công sức hơn. Bẹ chuối được cắt ra rồi mài thành những nắm bột xanh lá cây ướt mềm. Sau dó họ dùng lá bọc lại và chôn dưới đất khoảng 3 tháng để chúng lên men rồi biến thành chất bột trắng mềm. Phần còn sót lại sẽ được đem phơi khô rồi bện lại thành dây thừng rất bền.
Mài bẹ chuối enset |
Sau khi đã lên men và biến thành bột |
Sau khi đủ thời gian cho bột lên men, họ sẽ mang lên để chế biến thành thức ăn. Để biểu diễn cho chúng tôi thấy quá trình chế biến thành thức ăn, một cô gái Dorze xinh xắn lấy một nắm bột bằng quả banh tennis, dùng dao băm nhiều lần để làm nhuyễn những sợi của bẹ chuối còn sót lại rồi chế thêm một chút nước để tán mỏng trước khi cho lên bếp nướng.
Phần nướng bánh được mẹ của Mokonen đảm nhiệm. Đối với người Ethiopia, enset là một món thực phẩm quý giá, nhất là trong thời kỳ đói kém vì chúng có thể được lưu trữ trong lòng đất đến 10 năm.
Mokonen và mẹ |
Bánh nướng xong, Mokonen mời nhóm chúng tôi qua túp lều phía sau, nơi có bàn ghế bày sẵn để thưởng thức bánh cùng với rượu trắng mà họ tự cất lấy. Bánh được ăn với mật ong và ớt cay.
Kế tiếp, chúng tôi được thưởng thức màn văn nghệ với một số bài hát của quý vị phụ nữ và những màn múa của các thanh niên và thanh nữ.
Ngoài những màn văn nghệ, họ còn trưng bày một số thủ công nghệ như vòng đeo cổ, đeo tay, bông tai, khăn quàng, vải để chúng tôi có thể mua về làm quà. Cũng trong dịp này, họ biểu diễn cho chúng tôi thấy cách họ xe chỉ và dệt vải như thế nào. Khi mua những vật lưu niệm ở đây, khách du lịch nên mặc cả vì giá cả họ nói thách lên khá cao. Ai không quen mặc cả nên nhờ người tour guide giúp để đỡ bị mua hớ.
Xe chỉ |
Dệt vải |
Mokonen cho biết anh lo việc dạy dỗ cho hơn 30 em bé mồ côi. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Em nhỏ nhất khoảng 2, 3 tuổi đi đứng còn chưa vững. Tôi không có dịp hỏi Mokonen nhiều về sinh hoạt hàng ngày của các em nhưng thấy các em rất ngoan ngoãn và nghe lời.
Trước khi đến ngôi làng này, chúng tôi đã ghé tiệm mua một vài túi kẹo. Ngỏ ý muốn phát kẹo cho các em, Mokonen bảo chúng tôi đợi một chút rồi anh đến dặn các em xếp hàng theo thứ tự để lên lấy kẹo và phải nhớ nói cám ơn. Như vậy em nào cũng chắc chắn sẽ có kẹo. Lo lắng duy nhất của Mokonen trong việc chúng tôi phát kẹo là lỡ có một em nào không được kẹo thì em đó sẽ buồn lắm và khó cho Mokonen an ủi em sau khi chúng tôi ra về. Cùng phát kẹo với tôi là Hạnh và anh Thu.
Nhóm phát kẹo đứng phía bên phải của hình. Từ trái sang phải: Mokonen, Hạnh, Dung và anh Thu (Photo by Yến Tô) |
Trên đường ra xe, tôi không quên quay trở lại chỗ những người ngồi hát, nơi có một cậu bé được đeo sau lưng mẹ mà khuôn mặt của cậu làm tôi vấn vương với nỗi xót xa về vấn đề y tế và vệ sinh cho những trẻ em Ethiopia. Mắt em bị một con ruồi đậu vào. Hình như mọi người có vẻ quen với điều này nên không thấy bận tâm đuổi những con ruồi như thế này đi. Sau này có dịp đi thêm một vài bộ lạc khác, tôi thấy khá nhiều người bị hư một hay hai mắt, người lớn cũng như con nít.
Tôi đưa kẹo cho người mẹ, bà rất mừng. Điều làm tôi ngạc nhiên là bà xin thêm một chiếc cho mình. Rồi những người đàn bà lớn tuổi bên cạnh cũng giơ tay xin kẹo và khi nhận được một chiếc kẹo nhỏ, khuôn mặt họ tươi vui như sắp được thưởng thức một món ngon. Một phút hạnh phúc giản dị và niềm vui của họ trở thành niềm vui của chúng tôi.
Một ngày thật lý thú với nhiều điều mới mẻ...
Trần Dzung
5/20/2023
Cám ơn Dzung đã cung cấp những thông tin quý giá đó
ReplyDelete