Sunday, November 17, 2013

Buổi ra mắt tập thơ Bâng Khuâng Mây Trắng tại Nam Cali

Buổi ra mắt tập thơ Bâng Khuâng Mây Trắng của Thầy Nguyễn Giõng tại Nam Cali được viết bởi Lâm Hoài Thạch đăng trên báo Người Việt, Nam Cali

***

WESTMINSTER, California (NV) - “Bâng Khuâng Mây Trắng” là tựa tuyển tập thơ của nhà văn-thi sĩ Nguyễn Thủy Nam, đang sống bên Úc, vừa ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, hôm Thứ Bảy vừa qua.

Khách đến tham dự còn có rất nhiều bè bạn thân hữu cũ và các học trò ngày xưa của ông tại mái trường trung học tổng hợp Ban Mê Thuột.

 
Tác giả Nguyễn Thụy Nam ký tên vào tuyển tập thơ "Bâng Khuâng Mây Trắng"
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trước giờ khai mạc, thi sĩ cho biết, trong nội dung tuyển tập thơ của ông, có dùng nhiều thể loại thơ cổ điển và ông có dịch một số tác phẩm chữ Hán của vài tác giả Việt Nam và những tác giả Ðường thi nổi tiếng thí dụ như Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị.

Ban đầu, ông không có ý lấy tựa của tập thơ là “Bâng Khuâng Mây Trắng” mà muốn đặt tựa là “Một Thoáng Hương Xưa,” nhưng nhà văn Lê Hữu ở Seattle, bạn của ông và là người viết đề tựa cho tập thơ này, cho rằng “Một Thoáng Hương Xưa” đã có ít nhất là 10 tác phẩm gồm tập thơ hoặc tập truyện ngắn hay truyện dài. Kể cả những buổi đại nhạc hội của cộng đồng người Việt bên Anh họ cũng lấy chủ đề là “Một Thoáng Hương Xưa.”

Vì vậy, ông nhờ bạn đề nghị tên khác. Nhà văn Lê Hữu mới đưa hai tựa: “Hương Thoảng Vườn Xưa” hoặc “Bâng Khuâng Mây Trắng,” đề tựa này có trong tập thơ của tác giả nói về Trúc Lâm Thiền Viện bên Ấn Ðộ.

“Bâng Khuâng Mây Trắng” được thi sĩ dịch sang từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu, trong bài này có câu thơ của thi sĩ Thôi Hiệu: “Bạch Vân thiên tại không du du” Nguyễn Thủy Nam dịch là “bâng khuâng mây trắng chở đầy thiên thu,” và nhà văn Lê Hữu có ý kiến lấy một trong hai tựa nêu trên.

Nhà văn Huyên Ðường, chủ bút tờ MidWest Việt Báo ở St. Louis, Missouri, nhà văn Lê Hữu, cùng với tác giả, làm phần trình bày cho tuyển tập thơ này. Ba người cùng bỏ phiếu để chọn một trong hai đề tựa của tuyển tập như trên, cuối cùng có hai phiếu chọn “Bâng Khuâng Mây Trắng.”

Có rất nhiêu loại thơ cổ điển trong tập thơ này, có nhiều thơ dịch và cũng có sáng tác, những bài sáng tác có những vần thơ lưu niệm theo lối xướng họa như những bài xướng họa của Ðường thi. Ða số người xướng là bè bạn thơ của tác giả, còn phần họa là do chính tác giả sáng tác.

Những thi sĩ xướng thơ cổ điển như Cao Mỵ Nhân, Huy Nhật, Tường Nguyên, Bùi Ngoạn Lạc, và còn rất nhiều nhà thơ khác từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác cũng có viết phần xướng trong tập thơ cổ điển này.
 
Tác giả Nguyễn Thụy Nam (giữa) cùng với bạn bé và học trò cũ
(Hình Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
 
Ðến giờ khai mạc, ông Trần Ðại Hiền, đại diện ban tổ chức, nói: “Khi nhận được cú điện thoại của anh Giõng, tức thi sĩ Nguyễn Thủy Nam, từ một nơi xa, nhờ anh Hiệp hợp tác với anh em chúng tôi trong chương trình ra mắt tập thơ của Giõng. Chỗ bạn bè quen biết, đồng thời cũng là một người cùng thời sinh hoạt rất lâu năm trong lúc chúng tôi cùng làm việc tại trường trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột. Nói chung, chúng tôi đều là cựu giáo sư của trường này trước năm 1975, thì vấn đề giúp đỡ với nhau giữa tình bạn và tình thầy trò, không có điều gì thích thú bằng.”

Sau đó, ông Hiền giới thiệu hai MC trong buổi ra mắt tuyển tập là cô Như Hảo (Ðài Mẹ Việt Nam) và cựu hoa hậu Bích Trâm.

MC Bích Trâm cho biết buổi ra mắt sách này nhằm mục đích gây quỹ giúp cho những người nghèo khó tại Việt Nam.

Chương trình văn nghệ đầu tiên là bài hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ “ của cố nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang bị gián đoạn vì có một số thành viên trong ban hợp ca chưa đủ mặt. Ban tổ chức dời tiết mục này về phần sau.

Chị Dung, cựu hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, ngỏ lời chúc mừng thầy Giõng ra mắt tuyển tập thơ và nói lên tinh thần tôn sư trọng đạo của học sinh đối với những người thầy cũ.

Cựu Giáo Sư Nguyễn Văn Mỹ giới thiệu về tác phẩm.

Ông nói: “'Bâng Khuâng Mây Trắng' là một tuyển tập của Nguyễn Thủy Nam sáng tác từ thời tác giả còn là học sinh của trường Quốc Học-Huế và cho đến tôi nhìn trong những bài cuối cùng là những bài rất gần đây từ 2012 đến 2013. Như vậy có thể nói rằng, qua 89 bài thơ trong tuyển tập này, tác giả phải bỏ công sức rất nhiều mới thực hiện được. Có lẽ tác giả không chỉ làm chừng đó, mà còn làm thêm nhiều bài thơ khác nữa, nhưng trong đây là những bài đắc ý nhất của tác giả.”

Theo ông Mỹ, trong 89 bài thơ thì có ba bài là dịch từ Việt-Hán. Thơ Việt-Hán không phải của người Hán mà là của người Việt Nam làm thơ bằng chữ Hán trong thời xưa. Nguyễn Thủy Nam đã tìm ra được ba bài rất hay để dịch ra cho chúng ta đọc. Ðây là một điều rất đáng khuyến khích vì khi nói đến thơ Việt-Hán, thì cách gì chúng ta cũng nhìn thấy thơ Ðường, mà thơ Ðường đối với giáo sư là tuyệt vời. Trong khi đó Nguyễn Thủy Nam vẫn tìm ra được những bài thơ bằng tiếng Hán theo thể Ðường luật để dịch ra tiếng Việt cho chúng ta đọc.
 
 
Cựu hoa hậu Bích Trâm (phải) phỏng vấn tác giả Nguyễn Thụy Nam
cho đài truyền hình VBS-TV
(Hình Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
 
Giáo Sư Mỹ nói tiếp: “Và nói về thơ dịch thì tác giả có 24 bài, và đặc biệt Nguyễn Thủy Nam có làm 18 bài thơ về thuộc loại 'chí sử' trong lúc đi hành hương đất Phật. Thơ lưu niệm thì có bốn bài, đặc biệt tác giả có viết cho một giai nhân ở North Way 23 bài thơ. Và nhiều nhất là thơ xướng-họa, loại thơ này thường do những thế hệ xưa sáng tác, chớ đối với những người đã trên 70 thời bây giờ, lúc họ còn trẻ thì không còn ai làm thơ xướng-họa nữa, nhưng Nguyễn Thủy Nam đã xướng họa được 50 bài, gồm có 22 bài xướng và 28 bài họa, và những bài xướng này của những người sáng tác khác nhau, Nguyễn Thủy Nam chỉ họa.”

“Nhưng khi xướng ra thì phải có họa và trong tuyển tập này có hai mươi mấy người xướng, tức là có sự kết hợp trong phương diện thơ văn rất hay. Thơ văn tác giả không phải chỉ làm cho mình mà thôi mà còn kéo thêm bạn bè và thi hữu khác cùng làm với mình. Ðây cũng là cái công của Nguyễn Thủy Nam đối với nền thơ văn của Việt Nam,” ông Mỹ nói thêm.

Chương trình văn nghệ gồm những tiết mục: ca sĩ Ánh Tuyết hát bài “Em Ði Rồi” của nhạc sĩ Lam Phương. Ca nhạc và ngâm thơ, ca sĩ Kim Thư hát bài “Giấc Mơ Hồi Hương” của nhạc sĩ Vũ Thành phổ bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” tác giả Trương Nhược Hư, bản dịch của Nguyễn Thủy Nam.

Tiếp theo là phần phỏng vấn tác giả do Như Hảo và Bích Trâm thực hiện. Và phần ngâm thơ do tác giả trình bày với những bài thơ “Ðăng Bảo Ðài Sơn,” thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Thủy Nam dịch, “Thành Phố Bông Phượng Ðỏ” và “ Nỗi Nhớ,” Nguyễn Thủy Nam, trích đoạn.

Sau đó toàn ban hợp ca bài “Việt Nam-Việt Nam” của cố nhạc sĩ Phạm Duy.
 
*

Nguyễn Thủy Nam tên thật là Nguyễn Giõng, sinh năm 1943, tại quê ngoại Quảng Trị, nhưng nguyên quán làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thuở nhỏ học ở trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị (1956 -1960), trường Quốc Học- Huế, ban văn chương sinh ngữ (1960 - 1963).

Sau đó tiếp tục học Ðại Học Văn Khoa và Ðại Học Sư Phạm-Huế, và tốt nghiệp năm 1968.

Tác phẩm gồm có “Những Người Cùng Ði” (Tập thơ, in chung, Quốc Học-Huế 1960), “Những Ngón Tay Trần” (kịch, 1966), và nhiều tác phẩm khác.

No comments:

Post a Comment