Friday, April 22, 2016

Lưu Bút Thầy Xưa

Kính gởi thầy Ngự xưa,

Em viết những dòng chữ này như là nén hương lòng kính viếng thầy. Em có hai kỷ niệm đáng nhớ mà em rất trân quý trong hai lần gặp mặt thầy thật đặc biệt. Lần thứ nhất khi thầy trò còn ở trong trường học và lần thứ hai em đến thăm thầy khi thầy trò ở ngoài trường đời.

Sau khi rời ghế nhà trường, gặp lại thầy cô cũ, câu nói đầu tiên của một đứa học trò thường là "Thầy, Cô còn nhớ em không? Em là…….". Đứa học trò ấy biết thầy cô có hàng nghìn đứa học trò trong suốt quãng đời gõ đầu trẻ, mà nó là một trong hàng nghìn đứa ấy. Trò Kim Hương cũng đã hỏi thầy Ngự câu hỏi ấy khi gặp lại thầy ngoài sân trường - trường đời.

Thầy vẫn với nụ cười hiền như những ngày trên bục giảng, rồi chầm chậm nhắc đến cá tính của một đứa học trò, thêm chút đặc biệt của một kỷ niệm mà năm xưa thầy đã trao tặng cho đứa học trò ấy: Bút tích thầy trong "Lưu bút ngày xanh".

Lúc ấy, em vẫn thấy thầy như đang đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen đang nói chuyện với em, dẫu nghề nghiệp của thầy đã thay đổi: Thầy đi bán bánh mì thịt bên lề đường ở một góc phố nào đó sau năm 1975.

Xưa, ở một góc sân trường, thầy đứng nhìn đám học trò vui chơi vào giờ ra chơi. Nay, ở một góc phố, thầy bận rộn việc mưu sinh nên dẫu cuộc đời tất bật trôi trong dòng người qua lại ngay trước mắt thầy, thầy cũng không còn tâm trí như ngày xưa "hạnh phúc trong nghề mình đang làm" nữa. Việc dạy học không có chữ "ế ẩm", mà chỉ có chữ "lo” cho học trò, làm sao dạy cho chúng nó ngoan, chăm học. Hai nghề nghiệp, hai cảnh đời oái oăm... thế mà thầy vẫn chậm rãi ngồi nhắc lại với em những kỷ niệm xưa với thầy cô và học trò bên hàng phượng vĩ đỏ thắm như tuổi thanh xuân đầy mộng mơ, nghịch ngợm và vụng dại. Thầy ngồi nói chuyện với em mà dường như trong trí nhớ thầy là một trang sổ điểm danh để thầy nhắc nhở tên từng đứa học trò một.

Em ngồi chăm chú nghe thầy kể lại chuyện cửa lớp, sân trường mà cảm thấy như mình chợt nhỏ bé lại như ngày xưa... Rồi bất chợt em buột miệng hỏi thầy "Thầy cô buôn bán có đủ kiếm sống không hả thầy?". Ánh mắt thầy chợt dừng lại và chùng xuống ở một góc khuất rất nhanh và trả lời gọn "Ừ, thì ai sao mình vậy! Không quan trọng đâu".

Ở một góc nhà, em thấy chiếc xe bánh mì tươm tất, gọn gàng nằm khép nép - có lẽ nó cũng nghe thầy bảo thế... không quan trọng đâu, dẫu đó là sinh kế.

Em thấy thầy ốm đi nhiều và nước da sạm đen hơn thời thầy ở với bóng mát sân trường, nhưng vẫn là thầy Nguyễn văn Ngự với nụ cười hiền. Cô bé học trò vẫn hình dung ra ngón tay của thầy cầm bút mực đỏ phê điểm thay vì bàn tay thầy cầm ổ bánh mì bán cho khách hàng độ nhật.

Cô bé ấy mới ngày nào lúng túng, ấp a ấp úng gặp thầy sau buổi học để xin thầy... "Thầy ơi, thầy viết lưu bút cho em nha thầy!". Thầy cầm quyển lưu bút ngày xanh của em, lật ra vài trang đầu tiên, rồi "tủm tỉm cười"- hẳn thầy đã thấy những nét chữ nắn nót kiểu hoa hòe hoa sói trong ấy, những tấm hình thẻ học sinh đẹp nhất của đám học trò nghịch ngợm, những cánh phượng ép khô và những màu sắc vẽ vời với tất cả "tài năng thiên phú" cho một kỷ niệm đáng yêu của tụi em rồi đấy thôi...

Em xin thú thật với thầy là lúc em nói điều ấy với thầy em run lắm thầy ạ. Vì đó là lần đầu tiên em hỏi một thầy cô điều ấy... và đó cũng là lần duy nhất em có được bút tích của một người thầy dạy học trong lưu bút ngày xanh của em.

Khi em đưa thầy quyển lưu bút của em cho thầy rồi, thì ngày đêm ngóng, đợi, chờ thầy trả lại quyển lưu bút ấy... để xem thầy viết gì!!! Đúng thật là học trò!!! Vì xưa nay em chỉ đọc được lời thầy phê trong khung điểm khi thầy chấm bài em, chứ có bao giờ thấy thầy viết văn đâu!?!?

Gần hết mùa hè năm ấy, em siêng đi thăm thầy nhất! Cứ ghé căn nhà có giàn hoa giấy đỏ mà lòng thầm nghĩ đến việc thầy viết gì hơn là tâm trí nghĩ đến việc thăm thầy như mọi lần để mượn sách truyện về đọc. Thầy và thầy Khánh "hai thư viện" của em thời Trung học thầy ạ, vì mỗi khi hè về là em đến mượn sách của hai thầy, đọc quyển nào xong mà thấy thích thì em mới mua quyển ấy ngoài tiệm sách và để dành lại.

Một tháng sau, trong một lần đến thăm thầy trong mùa hè của cuối năm học Đệ Tứ, em nhận lại quyển lưu bút của em... và rồi thì em la toáng lên với đám bạn "Tao được thầy Ngự viết lưu bút cho tao nè!". Trời ạ, đám bạn xúm nhau đòi xem thầy viết gì cho em!!! Đúng là một "thành tích lẫy lừng" trong cuộc đời làm học trò của em thầy ơi. Lũ bạn sau đó dường như đua nhau đem quyển lưu bút của riêng mình đến thầy cô... xin lưu bút, chứ trước lúc ấy, đứa nào cũng chỉ dám xin chữ ký của thầy cô ở trang đầu của quyển vở học trò đặc biệt "LƯU BÚT" làm kỷ niệm thôi, chưa có đứa nào dám xin thầy cô viết lưu bút hết cả. Vậy là thấy thấy em "gan" chưa?

Về đến nhà, em vội vàng mở quyển lưu bút ra đọc liền. Chao ơi, đúng là "thầy Việt văn"!!!! Thầy viết thật dài chả bù với đám bạn viết dài nhất là 2 trang để gom lại tất cả những luyến lưu, nhớ thương, kỷ niệm trong mùa phượng vĩ cách xa. Lại ngắm nghía chữ thầy dẫu em đã từng hồi hộp lẫn hạnh phúc, sung sướng khi thầy viết lời phê khen bài em viết văn. Phục thầy viết lưu bút hay quá!!! Thầy còn khen em nữa chứ. Thầy ơi, làm học trò mà được tiếng khen, điểm cao của thầy cô là đêm về thao thức thầy biết không? Cứ như là mình được đi trên mây vậy…

Cái giây phút hạnh phúc khi em đọc lưu bút của thầy đã làm em cố gắng đem theo quyển lưu bút ấy trong ngày tháng em rời xa quê hương với hành lý chỉ dăm ba ký lô, chỉ vì trong ấy có nét chữ của thầy, của bạn.

Cái phút giây em nhìn thấy thầy vẫn với màu áo sơ mi trắng chuẩn bị đẩy xe bán bánh mì ra đầu phố đã làm em rưng rưng nước mắt... Lúc ấy, em nghĩ giá như thầy đổi vị trí trên bục giảng thành vị trí của một người chủ tiệm sách thì sẽ đúng hơn. Dòng đời đã run rủi thầy trò mình bước ra trường đời trong một nghề bất như ý phải không thầy? Thầy cầm phấn, nay cầm bánh mì. Trò cầm bút, nay cầm lưỡi hái gặt lúa. Nét phấn, nét bút đã quyện nhau làm nên một quãng đời thần tiên trong lòng em, để chỉ có nước mắt của đứa học trò đôi khi chểnh mãng việc học mà bị điểm thấp, chứ không có nước mắt nghẹn ngào như trường đời trong lòng thầy trò mình phải không thầy?

Trong ký ức của em, thầy vẫn là thầy Ngự kính yêu với màu áo sơ mi trắng, nụ cười hiền và viết lưu bút rất hay! Những gì sau hình ảnh ấy chưa bao giờ thay thế được trong lòng em về thầy hết cả, dẫu em rất xót xa khi thấy thầy đã phải mưu sinh với nghề buôn bán ngoài đường.

Em khóc đây thầy ơi … khóc vì đã được thầy dạy dỗ em cầm bút, cũng như các thầy cô khác đã nắn dòng chảy tư tưởng cho em cầm bút hôm nay. Tạ ơn thầy cô đã kiên nhẫn với em- một đứa học trò trong muôn nghìn đứa học trò ở ngưỡng cửa sân trường.

Học trò cũ của thầy xưa,
Trò Phạm Kim Hương








***

Cảm nghĩ của Nguyễn Dy Xứ

Có những điều chúng ta ấp ủ trong góc khuất riêng mình suốt cả cuộc đời. Ở đó chất chứa những hạnh phúc, những tổn thương, tiếc nuối và có cả những nỗi đau ngọt ngào. Để rồi, ở một khoảnh khắc nào đó ùa về làm sống lại nỗi đau ngọt ngào ấy và... vâng, ta sẽ khóc dễ dàng như một đứa trẻ.

Những giọt nước mắt của cô học trò khi nhớ về người thày xưa, đã ngót nửa thế kỷ mà sao vẫn gần, vẫn ấm nóng  như mới ngày nào?! Phải chăng không chỉ do hình ảnh hiền từ ,nhỏ nhẹ của thày mình; không chỉ do sự gần gũi tận tâm với học trò... mà ở đó còn có sự thương cảm cho đoạn đời với những vất vả, chật vật làm hình ảnh người thày mãi ẩn sâu trong ký ức , một nỗi xót xa... ?!

Ở đây , xin được kính tặng một bó hoa đến những NGƯỜI THÀY và một bông hoa về nét đẹp "TÌNH THÀY TRÒ" đến đồng môn, Kim Hương.

Dy Nguyen

***

Cảm nghĩ của Đoàn Văn Thái

Thầy Nguyễn Văn Ngữ dạy Việt văn có bút hiệu là Ngữ Văn Nguyện.
 Một người thầy khả kính, khiêm nhường và hết lòng với học trò.

Nếu còn sống , năm nay thầy được 75 tuổi
Rất tiếc thầy đã ra đi quá sớm 
Có lẽ sức khỏe thầy không được tốt vì quá vất vả , bôn ba trong cuộc sống 
  
Rất vinh dự là học trò của thầy

Thái
 
***

3 comments:

  1. Kh. cám ơn Dzung đã đem lưu bút của thầy Ngự về lại với ký ức và kỷ niệm xưa cho bài viết của Kh. thật nhiều nha

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Đàn chị Dy Xứ ơi, một ngôi trường và một người thầy... và những thầy cô như thế này mà học trò không nên người sao được phải không chị?

    Em: Kim Hương

    ReplyDelete
  3. Kh. mới đọc email của thầy Khánh trên diễn đàn và biết rằng... đàn chị Dy Xứ là ĐÀN ANH mới đúng ạ!
    Em út Kh. xin lỗi đàn anh vì đàn anh không phải là "phe kẹp tóc" nha.

    ReplyDelete