Friday, April 22, 2016

Thầy Nguyễn Văn Ngự (1941-2008)

Thầy Nguyễn Văn Ngự (1941-2008)

Thầy Nguyễn Văn Ngự sinh năm 1941, quê gốc Bắc Ninh. Thầy theo gia đình vào Sài Gòn từ năm 1954 và học phổ thông tại các trường Đức Minh (Thủ Đức) và Nguyễn Bá Tòng (Sài Gòn). Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm vào năm 1965, Thầy chọn Darlac làm nhiệm sở và Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột là trường đầu tiên cho cuộc đời dạy học. Ngoài ra, Thầy còn dạy thêm ở trường La San, Hưng Đức và Vinh Sơn.

Năm 1971, Thầy thuyên chuyển về Sài Gòn, dạy tại trường Trung Học Cây Sung, Quận 8. Năm 1975, Thầy lập gia đình và chuyển về trường Nguyễn Thượng Hiền, Tân Bình. Thầy và gia đình ở Ngã Ba Ông Tạ cho đến ngày nay.

Thầy có 5 người con, 4 trai và 1 gái. Người con trai cả và cô con gái đã có gia đình.

Thầy Ngự dạy Việt Văn, nhưng lại thiên về nghiên cứu. Sau khi lấy thêm Cử Nhân Nhân Văn tại Đại Học Văn Khoa, Thầy đã tiếp tục làm tiểu luận Cao học Nhân chủng với đề tài "Sinh hoạt của người Rhade tai Ban Mê Thuột". Đến năm 1975, trước những thay đổi của thời cuộc, Thầy đành bỏ dở công việc nghiên cứu này. Thầy ít sáng tác thơ, văn. Rất thích đọc sách và sinh hoạt hội đoàn.

Thầy qua đời năm 2008.

(Những chi tiết trên đây cùng hình ảnh đều do bạn Nguyễn Dy Xứ gởi về)





Thầy Nguyễn Văn Ngự và Thầy Cung Kim Trạch

Thầy Ngự cùng học trò
Phía nữ sinh gồm có: Trương Thị Xuân, Phạm Thị Xuân, Lê Thị Mai Loan, ???
***



Thầy giờ đây đã đi về một nơi thật xa,
nhưng hình ảnh của Thầy vẫn mãi nằm trong tâm khảm của em,
cô học trò cũ của Thầy

Hôm nay là ngày giỗ thứ tám của Thầy
Em xin thắp nén hương lòng
Kính chúc Thầy an nghỉ trong giấc ngủ ngàn thu.

Học trò của Thầy
Trần Thị Dung

1 comment:

  1. Kính gởi Thầy Cô,
    Thương gởi các bạn họ nội, ngoại,
    Bạn Dy Xứ quý mến,

    Trò Kh. thật xúc động khi nhìn lại hình thầy Ngự và đọc tiểu sử của thầy, bởi vì hình ảnh của thầy như hiện ra trước mắt em. Biết bao nhiêu thầy cô trong lớp, nhưng em đã nhớ đến thầy Ngự nhiều nhất vì khi gặp thầy ngoài trường đời, thấy tội nghiệp cho thầy quá... lúc ấy, thầy vẫn chậm rãi, từ tốn và cười thật hiền như thể "bụi đời" chẳng hề làm thầy vướng bận chi cả... Thầy vẫn là "bụi phấn"....

    Em đến thăm thầy Ngự trước khi em đi Mỹ, người mách bảo địa chỉ của thầy Ngự là ai thì em quên mất rồi, chỉ nhớ là quanh co trong những con hẽm hẹp thì tìm được thầy xưa. Lúc đó, em chợt ao ước mình trúng số để tặng thầy một tiệm sách - nếu thầy phải buôn bán mưu sinh, thì sẽ phải là bán sách, chứ không bán món gì khác cả!

    Lúc em đến trước cửa nhà thầy, thầy ra mở cửa và sau đó thầy bảo: Hương ngồi chờ thầy một chút. Thầy vào trong và thay áo sơ mi trắng "tiếp học trò" ! Cái hình ảnh ấy, em không bao giờ quên được vì trước đó thầy chuẩn bị đi bán, nên mặc áo sơ mi màu đậm.
    Một đứa học trò như em lúc ấy cũng đang buôn bán hàng rong - bán trái cây tươi ướp lạnh trên xe ba gác- nhưng đứa học trò ấy mưu sinh theo kiểu ấy thì được vì đó là trường đời, còn thầy thì phải khác đi chứ...

    Các bạn ơi, thầy dạy tụi mình học cả trong trường học lẫn trường đời đấy. Cái an nhiên, tự tại là bài học ngoài trường đời không dễ mấy ai có được và chính thầy đã dạy cho Kh. một bài học quý báu: Hãy sống bằng chính mình, không điều gì lay chuyển hoặc thay đổi được mình cả.

    Trước căn nhà của thầy Ngự là một vạt bông giấy thật rực rỡ, nhà thầy ở rất gần trường mình. Thầy đã từng chụp hình trò Kh. ở trước nhà thầy và có một người bạn cùng chụp hình với Kh. hôm ấy - nếu bạn ấy không nhớ được thì Kh. cũng không nhắc lại đâu.

    Bạn Dy Xứ ơi, thầy của Kh. là thế đấy. Kh. đã hãnh diện, sung sướng được làm học trò của thầy. Ngày Kh. rời quê hương, hành lý mang theo chỉ giới hạn 20 kg, kể cả áo len (bộ đồ mặc trên người và đôi giày mang trong chân là không tính kí lô mà thôi), thế mà Kh. ngồi soạn lại hết tất cả kỷ niệm từ thuở Kh. mới đi học cho đến lớp 12, cuối cùng chọn mang theo tất cả những quyển lưu bút và quyển Kỷ Yếu (của thầy Tùng hiệu trưởng). Trong số những quyển vở để lại có quyển tập đồ vỡ lòng của Kh. Đó là quyển vở mà mình bắt đầu viết chữ i bằng nét gạch thẳng xuống, chưa có dấu chấm trên đầu chữ i ấy!

    Kh. cũng đã được thấy những trang bản thảo của Luận án thầy Ngự viết trong lần đến thăm thầy để mượn sách đọc và từ đó Kh. biết rằng thầy đọc sách tiếng Anh và tiếng Pháp rất nhiều cho luận án của thầy, không biết bây giờ những tài liệu quý báu ấy thất lạc nơi đâu hả bạn Dy Xứ?
    Cám ơn bạn Dy Xứ đã tặng hoa cho người học trò nhớ thầy xưa này... À mà đáng lẽ Kh. không thể gọi là bạn được nhỉ, chí ít phải gọi là đàn anh Dy Xứ mới đúng...
    Nói mãi cũng không hết phải không đàn anh Dy Xứ ơi... Thôi thì nén hương lòng của một đứa học trò kính dâng thầy để tưởng nhớ thầy xưa....

    Trò Kh.

    ReplyDelete