(Đọc trong ngày tang lễ của ba Trấn Văn Định vào ngày Thứ Ba 7/25/2023)
Kính thưa quý bậc trưởng thượng, quý cô chú bác, quý bạn hữu, quý thân bằng quyến thuộc và quý sui gia của gia đình.
Tôi là Trần Thị Dung, trưởng nữ của ông Trần Văn Định.
Trước hết tôi xin phép được nói vài lời về ba để các em và các cháu có dịp hồi tưởng về một vài hành trình của người cha và người ông thân yêu.
Trong gia đình, chúng tôi luôn luôn gọi ba má là cậu mợ. Với cách xưng hô này, thầy cô trong trường học và những người không quen biết nhiều với gia đình đều nghĩ 7 chị em chúng tôi là con nuôi của ba má mình. Trong giây phút này, tôi xin tiếp tục gọi ba má của chúng tôi là cậu mợ.
Cậu sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ tên Tiên Khoán, thuộc tỉnh Hà Nam, Bắc Phần. Cậu chỉ là một người con dân bình thường, không có địa vị to lớn trong xã hội, không giàu có cao sang, nhưng đối với gia đình, cậu là biểu tượng cho một ý chí kiên cường, một người mang đầy nghị lực và nhân hậu, yêu tự do, không bao giờ chùn bước trước những khó khăn để bảo bọc gia đình và hết mực yêu thương vợ con. Lớn lên trong sư dao động của chiến tranh, cậu không có cơ hội tiếp tục việc học lên bậc trung học sau trận tản cư trong đệ nhị thế chiến. Điều này không hề ngăn cản sự thành công của cậu khi đưa thế hệ con cháu hoàn thành xong cấp bậc đại học sau này.
Tuy gia đình mình không phải là một gia đình giàu sang, phú quý, nhưng cậu mợ đã để lại cho chúng con một gia tài to lớn mà tiền bạc không dễ mua được, có người còn phải đánh đổi cả tánh mạng của mình mà chưa chắc có được. Gia tài lớn nhất mà chúng con muốn nói đến đó là sự tự do. Cậu mợ đã hy sinh tất cả để đưa gia đình mình được nguyên vẹn đến miền đất hứa Hoa Kỳ, nơi mà chúng con được hít thở không khí tự do. Chúng con lớn lên trong vòng tay yêu thương bảo bọc của cậu mợ, trong một tổ ấm đong đầy hạnh phúc. Cậu mợ đã dạy dỗ bảy chị em chúng con nên người, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Mỗi người chúng con đều tạo dựng được một đời sống vững vàng cho chính mình.
Cũng như những người ở độ tuổi 90 của cậu, cậu là chứng nhân của nhiều tang thương đã đến với người dân Việt Nam trong nhiều năm. Chiến tranh đã đưa cậu đi nhiều nơi, ít nhất bốn lần cậu phải làm lại từ đầu với một công việc mới mẻ đòi hỏi nhiều sự học hỏi, gian khổ và cố gắng ở một vùng đất xa lạ nào đó.
Khi chiến tranh Đông Dương ập vào Việt Nam, người dân miền Bắc phải chịu nạn đói khủng khiếp do quân đội Nhật Bản tạo ra để phục vụ chiến tranh. Ở độ tuổi 11-12 cậu đã phải lăn lộn với đời để cùng bà nội và các bác vượt qua nạn đói trong lúc chạy loạn, tránh sự tàn ác của quân Nhật.
Năm 1954, cậu cùng người vợ trẻ mới cưới lên chuyến tàu xuôi Nam tìm tự do, tránh sự độc tài của chế độ cộng sản. Cậu đã để lại bà nội ở quê nhà với ý định hai năm sau sẽ gặp lại mẹ hiền. Không ngờ từ đó cậu không còn một dịp nào gặp lại bà nội nữa. Đến Nha Trang với hai bàn tay trắng, cậu mợ bắt đầu một cuộc sống mới với một công việc hoàn toàn mới lạ. Sau một thời gian ngắn cậu mợ về Ban Mê Thuột, một tỉnh nhỏ lúc bấy giờ được xem là một nơi khỉ ho cò gáy, nơi người ta thường gọi là xứ buồn muôn thuở với bụi đỏ mù trời, nhưng nơi đây lại là vùng đất lành cho cậu mợ tạo dựng một gia đình nhỏ. Sau hơn 10 năm, cậu mợ đã có hai cửa tiệm tương đối khang trang đủ để nuôi 7 đứa con.
Tuy công việc buôn bán bề bộn, nhưng cậu mợ vẫn dành thì giờ cho nhau. Mỗi buổi cơm tối là lúc cậu mợ ngồi bên nhau để ôn lại công việc trong ngày hoặc bàn về tương lai của các con. Ngày nào cũng như ngày nấy, trong khi các con ôn bài cho ngày hôm sau, cậu chở mợ đi một vòng ngoại ô để hóng mát. Điều này đã trở thành một hình bóng quen thuộc của đôi vợ chồng trẻ mà hàng xóm thường nhắc đến khi nói về cậu mợ. Những lần đì Sài Gòn mua hàng, cậu không quên mang về cho mợ những xấp vải thật đẹp và lạ, cả tỉnh không ai có khiến hàng xóm không ngớt lời trầm trồ khen ngợi. Bên cạnh những xấp vải cho mợ là những món đồ chơi điện tử bằng pin mới lạ và những con búp bê biết nhắm mắt và mở mắt cho các con. Đó là những món đồ chơi xa xỉ ở tỉnh lẻ mà chúng con thật hãnh diện với bạn bè. Con cái sống trong sự dịu dàng của mợ và niềm cương nghị của cậu. Chúng con không bao giờ nghe một lời to tiếng từ cậu mợ. Tình yêu của cậu mợ đã là chiếc nôi hạnh phúc cho cả gia đình.
Trong những giây phút bận rộn với việc buôn bán, thỉnh thoảng trên radio vang lên bài hát Thuyền Viễn Xứ, đó là lúc cậu chợt ngừng tay, đôi mắt cậu hiện lên nỗi buồn thăm thẳm, nhớ đến mẹ hiền đang đợi con ở bên kia chiến tuyến:
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng mái tuyết sương
.....
Đó là một nỗi buồn mà cậu không bao giờ xóa được.
Cả đời cậu làm việc không ngừng nghỉ, tất cả tiền bạc, tài sản cậu có được đều dành cho gia đình, không ngại chi tiêu để các con có được một đời sống đầy đủ và có thể thực hiện được ước mơ của mình. Ngày em Quang bị phỏng nặng, cậu bỏ hết công việc, đưa em về Sài Gòn hơn một tháng trời, tốn bao nhiêu tiền cậu cũng không màng, miễn là em có được những cuộc trị liệu tốt nhất để tránh những thương tật nặng nề về sau.
Trước năm 1975, cho con đi du học là một việc hiếm hoi ở tỉnh lẻ, số người đi học ở ngoại quốc đếm được trên đầu ngón tay. Du học là một sự việc chỉ đến với nam sinh trong những gia đình đại thương gia hoặc những gia đình có địa vị cao trong xã hội. Thế mà cậu mợ đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, mọi lo lắng, không màng đến những lời phê bình chung quanh để cho người con gái đầu lòng vừa đậu cao trong cuộc thi tú tài IBM năm 1974 được đi du học bên Pháp. Đây là một sự hy sinh vô bờ bến của cậu mợ so với hoàn cảnh gia đình mình lúc bấy giờ. Không ngờ sự cố gắng này của cậu mợ lại là chiếc cầu vô hình giúp cậu mợ đưa cả nhà đến bến bờ tự do sau này.
Tháng 3, 1975, Ban Mê Thuột là thành phố đầu tiên thất thủ trước sự xâm chiếm của Bắc Việt, gia đình mình may mắn không có ai mất mát giữa những lằn đạn ác nghiệt. Trong những cuộc giao tranh đến với thành phố, cửa tiệm nhà mình phần bị cháy phần bị cướp nhưng may mắn còn sót lại một ít hàng hóa giúp gia đình vượt qua một ít khó khăn của lúc giao thời. Đã quen thuộc với sự tàn ác của cộng sản ở miền Bắc năm 1954, cậu tìm mọi cách đưa gia đình vào Sài Gòn để tránh những bất trắc có thể xảy đến. Cậu và em Quang hy sinh ở lại Ban Mê Thuột, tìm cách làm ăn rồi gởi tiền để vợ con yên ổn trú ẩn ở Sài Gòn. Sau những lần vượt biên không thành, cuối cùng cậu mợ đã đưa được cả gia đình đến Mỹ đoàn tụ với người con cả vào năm 1985 qua chương trình ODP. Một lần nữa cậu mợ lại phải bắt đầu từ con số không, lần này ở một vùng đất mà cái gì cũng mới mẻ cộng thêm sự khó khăn về ngôn ngữ. Và lại thêm một lần nữa cậu mợ đã vượt qua mọi khó khăn để các con có một đời sống vững vàng ngày hôm nay và tất cả các cháu đều thành tài.
Sống ở vùng đất an lành với đầy đủ con cái, hạnh phúc của cậu đong đầy với sự thành tài của các con. Khuôn mặt cậu rạng rỡ với niềm hãnh diện mỗi khi có tin thêm một đứa cháu tốt nghiệp đại học hay mới nhận được công việc làm tốt. Mỗi độ Xuân về, Cậu chuẩn bị từ sớm những phong bao đỏ thật đẹp, thật đặc biệt với những đồng tiền mới toanh để lì xì cho con cháu. Cậu là người rất ít nói nhưng cử chỉ và nét mặt của cậu khi có con cháu bên cạnh đủ để cho chị em chúng tôi và các cháu cảm nhận được tình thương bao la cậu luôn dành cho chúng tôi.
Một lát nữa đây, cậu sẽ ngủ yên trong lòng đất và vĩnh viễn nằm bên cạnh mợ. Xin cậu hãy yên tâm, chị em chúng con và các cháu sẽ mãi yêu thương nhau, bảo bọc nhau, tiếp tục giữ ngọn đuốc của cậu mợ để hướng dẫn các cháu thành nhân, biết yêu tự do, mang sự kiên cường để có thể vượt qua những khó khăn trên đường đời nếu gặp phải, sống một đời sống nhân hậu, có lòng vị tha và biết chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Chúng con xin vĩnh biệt cậu mợ.
Cậu mợ hãy ngủ yên.
Con của cậu mợ, Trần Thị Dung
Con xin vĩnh biệt cậu. Cậu hãy yên tâm an nghỉ, bởi chúng con dù bất cứ ở đâu vẫn mãi nhớ đến cậu để trở thành người tốt. KÍNH.
ReplyDeleteEm Dzung. Mot bai TUYET VOI. ntt
ReplyDelete