Tôi đến nhà cô vào một buổi sáng nắng đẹp, với cái lạnh nhè nhẹ của mùa Đông cận Giáng sinh. Hàng năm cứ dịp này tôi lại ghé thăm cô và thắp hương cho thầy. Một người thầy, một người bạn cùng một thời chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ và nay đã đi về vùng đất hứa. Thầy đã ra đi để lại nhiều điều tiếc nuối cho mọi người trong đó có tôi. Người mà tôi lúc nào cũng quý mến, trân trọng.
Đúng!!! Thầy ra đi để lại cho cô nhiều trống vắng, tôi cảm nhận được điều đó trong ánh mắt của cô. Mỗi lần đến thăm cô là một lần tôi bùi ngùi xúc động cùng muốn cô chia sẻ nổi buồn đó. Nhưng nói vậy chứ chẳng ai có thể san sẻ được. Người ta chỉ có thể chia vui được chứ chẳng bao giờ chia sớt nỗi buồn cả!!
Hôm nay một buổi sáng mùa đông đầy ý nghĩa, cái lạnh khẽ ôm trọn không gian như gợi lại những nỗi niềm thầm lặng. Thầy đã ra đi về một miền xa thẳm, để lại cho đời, cho cô và cho chúng tôi những khoảng trống không gì có thể lấp đầy.
Căn phòng nhỏ hôm nay vẫn vậy. Nơi đây cô đã trang trí trên tường một bức tranh gợi nhớ về ngôi trường thân thương của chúng tôi. Bức tranh này cô đã cẩn thận mang từ xứ người về. Nghe cô kể do một người bạn Mỹ vẽ theo ý tưởng của thầy, đề mỗi khi thầy ngồi uống café nhìn nó gợi nhớ về ngôi trường mà thầy đã gắn bó nhiều năm, thầy đã góp một bàn tay vun xới cho ngôi trường chúng tôi ngày càng tốt đẹp và với đám học trò tinh nghịch nhưng đầy lém lỉnh.
Ngày hôm nay nó đã nằm ở vị trí mà mọi người như học trò chúng tôi không bao giờ mong muốn nhưng nó vẫn lặng lẽ nằm đó hướng vào tầm mắt thầy như mọi ngày thầy nhìn ngắm nó. Ngôi trường cánh cổng còn đó nhưng người thầy đã đi mãi nơi đâu, còn đám học trò chúng tôi cũng tan tác theo thời gian và ngày hôm nay đã quá nửa đời người rồi. Có người đã từ bỏ cuộc chơi từ rất sớm, cũng có một Hồ Quốc Vũ, một Trần Dzung…đã một thời làm rạng danh ngôi trường thân thương này, hay cũng có một số người đã hy sinh âm thầm cho sự trường tồn của tổ quốc nhưng dù ở đâu. Lưu lạc tận mãi đâu, trên toàn thế giới nhưng tất cả khi nhìn thấy cánh cổng trường đó với nét vẽ đơn sơ mộc mạc thì con tim lại thổn thức, xen lẫn một niềm tự hào. Nơi đó một thời đã nuôi dạy chúng tôi thành người.
Chúng tôi cùng cô ngồi giữa khoảng không yên tĩnh ấy. Trong ánh mắt cô, tôi bắt gặp những khoảng lặng của niềm thương nhớ. Mất mát ấy, nỗi cô đơn ấy, tôi không thể sẻ chia dù lòng đầy thương cảm. Vì nỗi buồn thì luôn là điều gì đó quá đỗi riêng tư. Dù cô gắng gượng hay mạnh mẽ, những kỷ niệm về thầy vẫn lặng lẽ hiện hữu trong từng góc nhà, từng ngóc ngách trong căn phòng bé nhỏ này. Nhìn cô tôi có cảm giác, cô không được khỏe, tôi khuyên cô nên dành thời gian trong ngày để tập thể dục với những động tác mà mình thích hợp. Hãy coi việc tập thể dục như là dùng thuốc vậy, phải giữ đều đặn mỗi ngày. Chứ chúng ta không thể nuông chìều bản thân được mà hãy cố gắng chiến thắng bệnh tật.
Bản thân tôi trên người cũng mang đầy bệnh tật, nhưng khi nào cũng muốn chiến đấu với nó, biết rằng mình chẳng bao giờ chiến thắng được số phận nhưng vẫn phải chiến đấu để mình có một cái chết AN BÌNH. Tôi cố buông bỏ tất cả, cố tập sống yêu thương bao dung, yêu bản thân, yêu tha nhân như Tiến sỹ David Hawkins đã nói: Nếu con người biết yêu thương, biết chia sẻ thì người ít bệnh tật hơn. Trong một bài nghiên cứu thí nghiệm của ông trên một nghìn bệnh nhân ông đã tìm ra được những người sống vị kỷ, hay tị hiềm, đố kị ganh ghét thì tần số đo được lại thấp hơn, nhưng ngược lại những người biết sống chan hòa yêu thương thì tần số đo được cao hơn. Thang đo của ông là từ 1 đến 1000 nhưng không ai có thể đạt đươc. Mẹ Terresa có thang đo đạt được trên 300, người ta nói rằng khi mẹ lên nhận giải Nobel cả hội trường đều lặng yên, người ta cảm nhận nơi đâu đó có một lòng yêu thương bao dung lan tỏa. Tuy nhiên công trình nghiên cứu của Tiến sỹ David Hawkins cũng đã không ít suy nghĩ trái chiều trong cộng đồng khoa học, nhưng chúng ta hay coi đây là một góc nhìn khách quan cho những người có bệnh như chúng ta.
Tôi lại nhìn thêm một cái gương sống động của đời thường nữa: Đó là hiện tượng Thầy MINH TUỆ, đầu đội trời chân đạp đất đúng nghĩa là: Bán thân cho đất, bán mặt cho trời, hành trình đi bộ chỉ ăn một ngày đúng một bữa vào buổi sáng trước giờ Ngọ rối sau đó không dùng gì hết kể cả nước uống. Đứng trên khía cạnh khoa học thì không thể lý giải được với chế độ ăn như vậy, thức ăn không chọn lựa và thiếu nước bù vào khi đi một chặn đường dài 25 km/ngày như vậy thì sẽ không trụ được bao lâu nhưng thầy vẫn đi và đi mãi. Đó là gì: Đó là NIỀM TIN. Một hiện tượng mà sau 2600 năm, nay được lập lại. Tôi nhìn Thầy Minh Tuệ phảng phất đâu đó hình bóng của Chúa Jêsus, một chút của Thích Ca Mâu Ni và tôi tiếc cho người dân Việt của chúng ta không được hưởng toạn vẹn những ơn phúc đó. Biết đâu 100 năm nữa những người của thời chúng ta là nhân chứng cho hiện tượng này. Từ hiện tượng đó tôi tự an ủi bản thân mình và những người chung quanh luôn có một niềm tin vào sự huyền diệu mà Thượng đế đã ban cấp cho mỗi người chúng ta.
Thầy không còn, nhưng trong trái tim tôi, thầy vẫn sống trong tôi mãi. Thầy sống trong từng bài học, từng lời dạy bảo và cả tình yêu thương mà thầy để lại cho chúng tôi. Và Cô - người bạn đời của thầy, người lặng lẽ tiếp nối ký ức của thầy - chính là minh chứng cho một tình yêu, một lòng kiên nhẫn và thủy chung đáng quý. Cô ở đó, như một ngọn đèn dịu dàng giữa những mùa đông lạnh giá, làm ấm lên bao trái tim từng một thời được thầy cô dìu dắt. Trước khi chúng tôi từ giã cô để ra về, cô đã cầm tay chúng tôi như là một người Mẹ Hiền , một người chị và nói hãy sống yêu thương nhau như đã từng sống, đừng để như cô bây giờ có nhiều nuối tiếc.Tôi chợt ngẫm nghĩ không biết tôi và cô còn được gặp nhau bao nhiêu lần nữa…
Thầy ơi! Dù thầy đã khuất, nhưng hình bóng thầy vẫn hiện hữu trong tim những người ở lại. Còn cô, xin cô hãy giữ mãi niềm tin và nụ cười. Vì trong trái tim của chúng em, cô không hề cô đơn và thầy chưa bao giờ đi thật xa. Thời gian tựa như dòng sông chảy mãi, cuốn trôi đi những điều quen thuộc, nhưng cũng để lại trong lòng người những ký ức không thể phai mờ. Cuộc đời thầy, cô và những năm tháng chúng tôi từng sống dưới mái trường ấy là một phần ký ức quý giá như thế. Nhìn lại chặng đường đã qua, có những mất mát để lại khoảng trống, có những niềm vui pha lẫn tiếc nuối, nhưng trên tất cả là những bài học về tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và niềm tin vào cuộc sống. Khi chúng tôi bước qua nửa đời người, ngôi trường vẫn còn đó, cánh cổng vẫn mở ra như mời gọi, nhưng những gương mặt thân quen ngày nào đã thưa vắng dần. Trong ký ức của mỗi người, thầy vẫn đứng đó, tận tụy và bao dung, cô vẫn lặng lẽ ở bên như một điểm tựa không lời. Hành trình của thầy, dù đã khép lại, vẫn để lại cho chúng tôi một ngọn đèn soi sáng.Giờ đây, khi nhìn lại, chúng tôi không chỉ thấy bóng dáng của một người thầy hay cô: Một người bạn đời lặng lẽ tiếp nối ký ức, mà còn là hình ảnh của một thế hệ đã sống, cống hiến và yêu thương hết mình. Thầy cô đã dạy chúng tôi biết giá trị thật sự không nằm ở những gì ta đạt được, mà ở những gì ta để lại trong lòng người khác.
Mỗi mùa Giáng Sinh ghé thăm thầy cô, tôi không chỉ đến để thắp một nén hương mà còn để thắp sáng lại ngọn lửa trong tim – ngọn lửa của lòng tri ân, sự trân trọng và tình người. Dẫu thời gian có làm đổi thay mọi thứ, nhưng ký ức về thầy cô và mái trường xưa sẽ mãi là điểm tựa để chúng tôi sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn và không ngừng hướng đến những điều tốt đẹp./.
No comments:
Post a Comment