THÁNG
BẢY CÔ HỒN – THUỞ ẤU THƠ
Đền
Lạc thiện, Suối Đốc học, Ban Mê Thuột, tháng 7 âm lịch năm 1959
Theo “biên niên sử” thì các sự kiện này
là có thực, và rất là “trọng đại” trong ký ức thuở ấu thơ của tôi.
Cuối đường Ama-Trang-Long gặp đường Tôn
Thất Thuyết có một ngõ hẻm, rộng gấp năm lần so với bây giờ, đi xuống thung
lũng có tên suối Đốc học. Thuở ấy, phía bên tay trái con dốc còn đầy lau sậy.
Bên tay phải ngay từ đầu dốc, sau vài căn nhà lác đác vẫn còn một bãi đất
trống, rải rác vài luống rau lang. Một con hẻm nhỏ khác nối dài đường Lê Văn
Duyệt qua chiếc cầu gỗ cắt ngang hẻm dốc suối Đốc học, bên tay phải là trường
tư thục tiểu học Rạng Đông của cụ Phán, nơi tôi đã tốt nghiệp mẫu giáo, và học
sinh của trường sau này thỉnh thoảng tôi có gặp lại bên Pháp có người đã hơn
bảy mươi tuổi rồi! Tôi cũng có cơ duyên viếng mộ cụ ở Montpellier, miền nam
nước Pháp, nhân một lần đến đây năm 1996. Cuối dốc, ngay chỗ con mương chuyển
dòng về phía tay trái và đối diện với nó là đền Lạc thiện. Trước cửa đền có một
cây cổ thụ lớn, gốc to mấy người ôm, gọi là cây “vồng đàn” có hoa vàng hình loa
kèn và trái dài, xanh như con rắn lục. Thân cây có một cái hốc to, sâu và tối om.
Một gia đình tắc kè ở trong đó. Ban đêm tấu khúc lê thê, vang rền khiến bọn trẻ
khiếp vía. Đền này thờ đức thánh Trần Hưng Đạo. Chủ đền, thường gọi là cụ
Thông, là người Bắc chính thống.
Nhà tôi ở là một khu vườn rau đối diện
với đền, nằm chếch về phía tay phải. Năm đó tôi là “sinh viên” lớp năm, lớp mén
nhất của trường Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, mới học được vài tuần thì trường,
trước đây vốn nam nữ học chung, tách thành hai buổi học: buổi sáng cho nam học
sinh và buổi chiều cho nữ; vì thế bọn tôi buộc phải chuyển qua học ké trường
tiểu học Nguyễn Du dành cho học sinh người Thượng, đối diện với bệnh viện tỉnh.
Trường học này cũng là một pho sử thời đi học của tôi!
Thời gian học tiểu học là một thời đầy
sôi động, không có chỗ dành cho “nội tâm” vớ vẩn đâu! Tôi dùng từ sôi động là
chính xác vì ngoài giờ học, cho dù tâm tư không phải đổ hết vào bài vở, là hoạt
động vui chơi, mùa nào thức đó. Trong sân trường là tạt hình và bắn bi.
Hình được in trên tấm bìa cứng có độ lớn
khoảng tờ A4, gồm 25 tấm hình nhỏ được sắp xếp thành một câu chuyện, phổ biến
là một cuộc đọ súng Cowboy hay Tarzan đu dây trong rừng. Các tay chơi góp một
số hình theo thương lượng từng “ván”, xếp vào một ô vuông rồi dùng dép tạt từ
một vạch quy định, ai tạt được bao nhiêu hình ra ngoài ô vuông thì hưởng bấy
nhiêu.
Bi thì làm bằng thủy tinh, phân loại
theo kích cỡ thì có bi thường, bi cồ (to gấp đôi); theo kiểu mẫu thì có bi một
màu, hai màu, ba màu theo đường vân bên trong; bi trong và bi đục: bi đục hiếm
và có giá trị hơn. Cách chơi thì có bi vòng, ai có bi bị đẩy ra ngoài vòng tròn
to là thua; bi lỗ là sau khi cố nhễu bi vào cái lỗ con con đào sẵn là được
quyền tấn công và hạ đối thủ; bi ca-rê (carré) cũng giống như tạc hình, nhưng
thay vì dùng dép thì dùng bi bắn. Chỉ hai trò chơi có máu ăn thua này cũng đã
chiếm hết thời gian trong sân trường của tôi, trước giờ vào lớp và sau khi tan
trường, giờ ra chơi, và không có gì bảo đảm rằng tâm trí dành hết cho giờ học
vì những ván chơi bị gián đoạn đầy cay cú!!!
Còn hoạt động “ngoại khóa” thì ôi thôi,
phong phú không sao tả hết được, từ số lượng đến nội dung, vẫn mùa nào thức đó!
Bao thuốc lá được học sinh săn lùng khắp phố, về xếp lại thành hình tam giác
rồi chơi như tạc hình. Giá trị thấp nhất là Basto, tiếp theo là Ruby. Camel với
hình con lạc đà trong vòng tròn màu vàng có giá trị cao nhất, trên cả “Craven
A” màu đỏ. “Nắp keng” là tên gọi nắp chai giải khát sau khi được dập dẹt để
chơi đánh đáo. Xoàng nhất là nắp bia LaRue hình con cọp. Quý nhất là “con nai
vàng”, sau đó là “nai xanh” và “nai đỏ” của hãng nước ngọt Phương Toàn. Một
buổi chào cờ thứ hai đầu tuần, thầy hiệu trưởng Lưu Quý Chiểu thông báo cấm học
sinh vào tiệm ăn và chợ nhặt bao thuốc lá và nắp keng vì làm xấu hình ảnh học
sinh nhà trường. Từ đó hoạt động ngoại khóa này tự động biến mất!
Xóm tôi ở, độ vài chục nóc gia xung
quanh một điểm lấy nước được người Pháp xây thành một hình tháp cụt đáy chổng
lên trời, hai bên có tam cấp đi xuống lấy nước qua một đường ống bằng xi-măng.
Thuở ấy nước ở đây rất trong, chúng tôi thường xuống đây tắm và uống trực tiếp.
Không gian trong xóm, vẫn rải rác nét nguyên sinh của một vùng trước đây không
lâu vắng người ở, là chỗ lý tưởng để trải hết tuổi thơ.
Những cơn mưa đầu mùa mát mẻ báo hiệu
“mùa dế” đã đến. Hoạt động ngoại khóa này rộn ràng và hấp dẫn nhất. Sau cơn mưa
chiều, dế đã tấu khúc rền rĩ ngay trong đêm và sáng sớm hôm sau. Làm sao tôi có
thể yên giấc khi ngoài kia dế thi nhau gáy vang rân khắp nơi: trong cơn thao
thức và ngay trong giấc mơ đã đầy ắp dế rồi! Hoạt động ngoại khóa dế nhà nghề
phải có hai kỹ năng: bắt và phân loại dế.
Phương pháp bắt dễ nhất là lật đất đá,
rơm rạ là nơi dế thường trú ẩn. Cách này dành cho các tay nghiệp dư vì ai cũng
làm được, vả lại thành phẩm tóm được không có giá trị cao, không phải là những
chiến binh thực thụ, thường tông đầu bỏ chạy khỏi đấu trường khi mới thoạt nghe
đối thủ cất tiếng gáy! Cách bắt này đôi khi may mắn tóm được một chú giác đấu
Spartacus nhưng bọn này khôn lắm, thường trú trong những đống đá tảng to đùng
mà sức vóc bọn trẻ như tôi không cho phép phiêu lưu, vả lại kinh nghiệm cho
thấy có khi đống đá vừa được giỡ ra là vài con rắn ngóc đầu dậy, có mà vắt giò
lên cổ mà chạy!
Cách bắt thứ hai bằng kiến bồ-nhọt. Kiến
này chỉ xuất hiện vào mùa mưa, màu nâu thẫm, sáng bóng, đi thành hàng dài rất
trật tự dẫn về hang. Vì loài kiến này rất độc, chỉ một nhát đốt là tay chân
sưng thành chân voi, nên bắt chúng cũng có kỹ thuật nhất định. Chuẩn bị một
chiếc lon sữa bò thật mới, rửa sạch lau khô, và một chùm bông cỏ may. Tìm đến
hang kiến, vê cọng cỏ may để cho kiến điên cuồng bám vào, bằng một động tác gọn
gàng gồm ba ngón tay cái, trỏ, và giữa, tuốt nhẹ cho chùm kiến rơi vào lon. Vì
lon mới, trơn nên kiến không bò lên được. Đặc điểm của bồ-nhọt là rất sợ nắng
nên được dùng để bắt dế trong hang khi trời đang nắng. Làm động tác tương tự
nhưng tuốt cho kiến rơi gọn vào cửa hang dế. Kiến sợ nắng nên bò cả xuống hang.
Chú ý nghe tiếng lách tách, có khi một vài con kiến bị đá văng ra khỏi hang là
biết trong hang có dế. Nhưng chỉ một lúc sau là dế buộc phải bò ra khỏi hang,
vì không con nào chịu nổi kiến bồ nhọt.
Một cách bắt khác kém hiệu quả hơn là đổ
nước vào hang cho dế ngộp phải trồi lên. Tuy nhiên, có khi đổ cả thùng nước to
mà chẳng thấm tháp gì vì nước rút sạch, hoặc đất bở ra rồi lấp mất cửa hang.
Công toi!
Dế được phân làm hai loại: dế đá và dế
không đá, còn gọi là dế chó, màu trắng trợt, xấu xí. Dế đá, tất nhiên là dế
trống, là mục tiêu của các cuộc săn bắt. Dế đá cũng phân làm hai loại, theo màu
sắc là “dế than”, đầu-thân-chân-cánh đen thui; và “dế lửa”, có đôi cách màu
cam, đỏ, hay phớt vàng, trông rất đẹp. Theo kích thước có “dế cồ”, nhất là
chủng dế than là loại thuộc giòng Mike Tyson, được yêu quý nhất và loại còn lại
là “ốc tiêu”, “ốc téc”, bé tẹo nhưng đặc điểm là rất… đa thê! Có khi thả kiến
bồ nhọt xuống, ba-bốn-năm cô vợ mập ú trồi lên trước rồi cuối cùng phu quân mới
trồi lên sau cùng. Hạng này, như tên gọi, có thể hình dung rằng chẳng đấm đá được
gì sất! Dù là dế chủng loại gì thì khi bắt phải bảo toàn nguyên vẹn đủ cẳng
giò, không bầm giập, và nhất là đôi râu phải dài nguyên vẹn thì mới có giá trị.
Tuổi nhỏ ở phố thiệt thòi hơn khi chỉ
nhắm bắt được những con dế ban đêm bị ánh đèn đường hấp dẫn bay đến. Loại này
trông cũng đẹp mã nhưng không đánh đấm gì được cả, thậm chí còn không biết gáy
nữa!
Hoạt động ngoại khóa dế vẫn còn được duy
trì đến năm học đệ lục với những cuộc săn bắt xa hơn, đến tận khu nghĩa trang
công giáo cuối đường Phan Chu Trinh, ngày đó rất hoang vắng, chỉ là con đường
đất, hai bên là đồn điền cà-phê um tùm. Nếu không có những “chiều buồn len lén
tâm tư” chợt đến với các nữ sinh cùng lớp cùng trường thì chắc khó mà đoạn
tuyệt với “người tình dế” ngay được!
Ngày đó khu suối Đốc học, dọc theo các con
kênh dẫn nước từ các điểm lấy nước là khu rau xanh với rất nhiều ruộng rau
muống. Môi trường sống ở đây rất trong lành, chẳng thế mà ruộng rau muống nào
cũng đầy cá, nhất là cá lóc, chỉ cần câu một lát là có cả một xâu dài phết đất.
Mọi nơi chuồn chuồn đủ màu bay rợp. Tôi thường bắt chuồn chuồn trâu, thân rằn
ri trông rất “ngầu”, rồi kê miệng nó vào trung tâm lỗ rốn của mình, bóp mạnh
đuôi khiến nó đau cắn mạnh vào rốn làm tôi đau thét lên. Bài thuốc này là của
người lớn nào đó trong xóm xúi trẻ con ăn cứt gà, bảo rằng cho chuồn chuồn cắn
rốn sẽ biết bơi. Thí nghiệm vài bận rồi xuống suối Bu-ri Cổng số một kiểm tra
tính hiệu nghiệm khiến một lần tôi sém chết đuối!
Một biến cố lớn, rất lớn đối với bọn trẻ
con, không chỉ ở khu suối Đốc học mà có lẽ của cả thị xã Ban Mê Thuột ngày đó,
vốn còn rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn vài con đường chính, đó là các buổi chiếu phim
công cộng, lâu lâu mới có một lần. Các buổi chiếu phim này do Ty Thông tin phụ
trách. Ty Thông tin nằm trên đường Ama-Trang-Long, đối diện chợ chính, giữa hai
ngã tư Ama-Trang-Long – Nguyễn Thái Học và Ama-Trang-Long – Y-Jut. Tin cấp báo
loan đi thật nhanh trong xóm buổi xế chiều. Trời vừa sập tối là toàn thể bọn
nhóc trong xóm đã ngồi chực sẵn bên lề đường trước Ty Thông tin. Một tấm màn
trắng với vài vết loang cháo lòng đã được căng bên cổng chợ từ bao giờ. Đức
tính kiên nhẫn của bọn trẻ là vô địch, không ai qua được. Chúng ngồi đấy chờ
suốt nhiều tiếng đồng hồ, không sốt ruột, không nóng nảy, và nhất là không bỏ
đi vì sợ… mất chỗ! Rồi việc gì đến sẽ đến. Khi chùm ánh sáng phát ra từ máy
chiếu ở cửa sổ Ty Thông tin rọi thử lên màn hình, một tiếng hét vui mừng đồng
loạt vang lên, kéo theo một trận xô đẩy, chen lấn giành giật và củng cố chỗ
ngồi. Ngày đó chỉ có phim đen-trắng nhưng có sức hấp dẫn lạ thường, mọi cặp mắt
dán chặt vào màn hình, nín thở theo dõi. Phim khoa học giả tưởng với sinh vật
như khủng long được các phi hành gia mang về từ hành tinh khác như thôi miên
bọn tôi từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, “Chúng tôi muốn sống” vẫn là phim bọn tôi
mê nhất, xem đi xem lại nhiều lần vẫn không chán. Sau đó về xóm chia phe đánh
trận bằng súng tre, người giắt đầy cành lá, lau sậy, đạn thì nổ bằng … mồm nên
bên nào cũng nhận rằng mình bắn trước, chẳng có trọng tài nào phân xử được.
Hàng năm, tháng bảy là tháng đền Lạc
thiện hoạt động náo nhiệt nhất với rất nhiều lễ lạt. Tôi thỉnh thoảng tò mò vào
xem lên đồng. Chẳng hiểu gì sất, ngoài việc thấy các bà lên đồng thay đủ loại
áo dài gấm, nhảy múa lắc lư và hú hét qua tiếng hát “công văn” và tiếng “lạy
cô! lạy cô!” vang rền của các “con nhang”, thành viên tham dự. Có lần “cô” nhìn
lầm “đồng minh”, phát ngay cho tôi tờ hai đồng làm tôi sướng phát điên lên. Nên
nhớ, ngày đó chỉ cần một đồng là được một li “đá nhận” (nước đá bào vụn, nén
chặt vào chiếc ly thủy tinh ốm cao, nhỏ vào đó vài giọt si-rô đỏ ngọt và si-rô xanh
the the bạc hà) do ông người Tàu bán trên xe đẩy ở vệ đường Quang Trung mà ba
chị em tôi chuyền tay nhau mút sạch! Một đồng cũng mua được nửa ổ bánh mì, xẻ
đôi, chan vào giữa một dung dịch nước tương heo quay sền sệt ngon đến tê lưỡi
của bà Tàu có xe đẩy ngay trước tiệm An Phát chuyên bán trái cây bánh rượu Tây
cao cấp góc đường Quang Trung – Y-Jut mà “tiện dân” như tôi không bao giờ mơ
bước vào! Tiếc rằng lịch sử thường khó lập lại, vận may chỉ đến một lần nên tôi
không còn tha thiết với các buổi lên đồng nữa.
Một buổi chiều không khí trên đền nhộn
nhịp hẳn lên, tiếng chuông mõ và tiếng nhạc công văn xập xình hơn mọi ngày. Tôi
vốn không bao giờ bận rộn với chuyện đèn sách, rất rảnh nên nhanh chóng góp mặt
theo kiểu “tuần chay nào cũng có nước mắt”, hiện diện ngay trên sân đền trong
số các thành viên đến sớm nhất! Thông tin loan đi thật nhanh trên sân đền:
chiều nay cúng cô hồn!
Hai chiếc chiếu lớn được ông từ coi đền trải
ngay giữa sân. Ông từ tốn xếp đủ loại bánh trái xen kẽ đều đặn trên chiếu. Bánh
to thì có loại biscuit hình súng lục; nhỏ hơn thì đủ loại bánh hình mẫu tự ABC.
“Xịn” nhất là bánh nướng trung thu, khổ nhỏ, vuông tròn đủ cả, bóng lên màu
vàng xậm. Chủ lực trên chiếu là oản nếp cỡ trung, lót đáy bằng chiếc lá mít cắt
tròn vừa chu vi đáy, đỉnh oản nổi bật vết phẩm đỏ. Những mảng cốm trắng phau,
điểm xuyết mật vàng, trông thật ngon lành. Trái cây, chủ đạo là chuối sứ, quả
mập căng, trông đã mắt nhưng thực sự không phải là thứ tôi quan tâm vì nhà tôi
đã có sẵn nguyên một khu vườn đủ loại chuối cao cấp hơn nhiều. Khoai lang,
khoai môn luộc cũng không phải là hàng hiếm, có điều chúng có hấp dẫn bọn cô
hồn nhóc sống hay không thì tôi không chắc lắm. Một thứ nữa mà tôi rất ngần
ngại sự hiện diện của nó, đó là cháo trắng, rất loãng, đựng trong những chiếc
bát sành sứt sẹo. Nếu quan sát thật kỹ và thật tinh ý sẽ phát hiện rải rác,
vâng, rất rải rác những tờ giấy bạc một đồng, tiền thật chứ không phải tiền âm
phủ! Chúng được đặt kín đáo nằm ẩn giấu bên dưới, sát mặt chiếu, bị khối thập
cẩm bên trên đè lên, có bão tố cũng không thể làm bay chúng được.
Tôi ngồi chồm hổm, giữa biên giới hai
chiếc chiếu, nơi mọi phẩm vật được xem là có mật độ cao nhất, dồi dào đa dạng
nhất, mặc sức mà quan sát và toan tính! Tuy nhiên, ông từ coi đền rất “cao tay
ấn”, trải xung quanh chiếu một xấp giấy vàng mã, dằn lên trên bằng những quả
chuối, mỗi quả lại cắm vài cây nhang nghi ngút, đầu chĩa thẳng ra bên ngoài. Ái
chà! Hàng rào điện tử Mc. Namara này hiệu nghiệm thật! Tôi cố giữ một khoảng
cách rất vừa phải, rất khiêm tốn ở mép chiếu, đủ sức để chịu đựng khói nhang
xông lên cay xè mắt. Thỉnh thoảng phía sau lưng có đứa ác tâm xô mạnh vào lưng
làm mình chúi nhủi về phía trước, buộc vừa phải chống hai bàn tay để không bị
nhang chích, vừa tìm cách thoái lui để giành lại vị trí cũ. Khi đã yên vị rồi
lại phải định vị lại, không phải bằng GPS, mà bằng ước lượng tầm với của hai
cánh tay sao cho cùng một lúc bung ra chính xác để có ngay trong tay hai tờ
giấy bạc một đồng! Cái này gọi là chiến thuật bắt cá hai tay, không thể gọi là
bất khả thi được!
Tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Phía
đối diện và cả hai bên mép chiếu bá quan văn võ đã tập kết đông như kiến cỏ.
Nhiều khuôn mặt xa lạ, chắc từ trên phố xuống “ăn có”, làm cho tình hình mật ít
ruồi nhiều càng đáng báo động hơn nữa. Phía sau lưng hiện tượng xô đẩy mỗi lúc
một tăng, bọn trẻ buộc phải nhích sát vào mép chiếu theo đà nhang tàn dần. Bên
trong đền tiếng cóc chẻng, tiếng chuông mõ, tiếng hát công văn, tiếng hú hét
của các “cô” đang lên đồng phụ họa bằng tiếng “lạy cô! lạy cô!” của con nhang càng
lúc càng dồn dập làm cho hệ định vị của tôi mỗi lúc mỗi bị “nhiễu”.
“Cướp! cướp…!” Tôi chưa kịp định thần
thì một núi người đã đè lên tôi từ bao giờ rồi. Tôi tối tăm cả mặt mày. Hệ định
vị hoàn toàn tê liệt. Tôi mơ hồ cảm nhận mấy cái đầu gối ấn xuống lưng mình và
vô số bàn tay vồ vét loạn đả. Dường như mặt tôi úp vào một thứ gì đó mềm và
ướt. Mũi phải hứng chịu một loại mùi thập cẩm của đám thân thể ít thân thiện
với… nước! Cuối cùng thì tôi cũng vùng dậy được, lồm cồm bò ra khỏi chiếu.
Xung quanh tôi là một bãi chiến trường chèm nhẹp, chẳng còn gì đáng lưu luyến
nữa!
Buổi tối hôm đó trên đền còn một tiết
mục hấp dẫn khác nữa, đó là vở “opéra” Mục Liên-Thanh Đề. Ngày đó tôi còn nhỏ
để hiểu ý nghĩa của rằm tháng bảy, ngày Vu lan báo hiếu, chỉ biết rằng cái gì
mang tính “tiết mục trình diễn”, nhiều người đến xem như kiểu sơn đông mãi võ
là bọn tôi mò đến ngay. Tiết mục này chỉ gồm hai nhân vật chính là Mục Liên do
bố tôi đóng, mặc áo cà sa vàng, đầu đội mão, tay chống trượng và Thanh Đề do
ông Dụ có nhà đối diện bên hông đền thủ vai. Ông Dụ người mập tròn, hóa trang
thành bà già đanh ác với mái tóc xõa bù xù. Đoạn hấp dẫn nhất là bà Thanh Đề vờ
đưa bát cơm lên miệng thì một ngọn lửa từ bát cơm bốc lên làm bọn tôi hết hồn.
Tôi vẫn còn nhớ bài hát ông Dụ ngân nga trong khi bố tôi trầm tĩnh, tay bắt ấn:
“… Hỡi thương ơi… tiếng ai văng vẳng ở bên ngoài… Có phải tiếng La Bốc con
tôi mà… nó gọi…!!!” La Bốc là tên riêng của ngài Mục Kiền Liên. Hình như đoạn
này tạo cảm xúc nhất. Nhiều bà nhiều cô đưa khăn lên chấm nước mắt!
Hai ngày trước đây, nhân dịp đến nhà dạy
kèm tiếng Pháp cho cô học trò đã theo đuổi môn học này với tôi hơn ba năm nay,
và đầu tháng chín này chuẩn bị qua New York học lấy MBA, thấy nhà cô chất đầy
hàng mã giấy vàng bạc, tôi đoán mẹ cô chuẩn bị lên đồng. Chợt nhớ đến tuổi ấu
thơ của mình gắn chặt với hoạt động đền chùa nên cảm hứng ghi vội vài dòng.
Tôi cũng dạy kèm toán cho hai anh em một
gia đình từ năm năm nay rồi, từ ngày chúng còn học lớp hai lớp ba, tháng chín
này cũng lên đường qua Boston, Hoa Kỳ học. Dạy trẻ con thật khó. Khó là làm sao
hấp dẫn chúng chịu học cái môn khô khan này bảy ngày trong tuần mà không phản
kháng. Bí quyết: phải có một pho truyện đủ loại, từ ngụ ngôn, cổ tích, hầm bà
rằng… mặc dù yêu cầu của chúng luôn luôn là funny stories (truyện vui). Dường như chúng thích nhất là chuyện
thời ấu thơ của tôi, có vẻ lạ lùng và gợi tò mò với trẻ con thế hệ bây giờ, vốn
chỉ khư khư thiết bị điện tử, không có mấy cơ hội tiếp cận với thiên nhiên, hoa
lá đồng nội. Có những mẫu chuyện tôi vô tình kể lại lần thứ hai mà chúng vẫn
say sưa lắng nghe. Thế mới biết thế giới tuổi thơ hạnh phúc không nhất thiết
phải đầy đủ đồ chơi và tiện nghi mà là môi trường sống thiên nhiên, một thứ mà
bây giờ ngày càng bị thu hẹp và mất dần.
Phùng Ngọc Cửu
Một thuở Ban Mê Thuột yêu dấu
Sài-Gòn, rằm tháng bảy 2015
Một bài viết hồi ức thật công phu và giá trị anh Cửu à!
ReplyDeleteAnh làm nhớ Kh. Banmê thêm...
Trò Kh.