Bạn mình ở Dakmil, để thăm Thầy Cô bạn phải đi hai vòng xe. Từ Dakmil bạn xuống SG ngày 17/11thăm các Thầy Cô cũ ở SG, lúc mình nhắn tin cho T: đang ở SG có về kịp ngày mai đi thăm Thầy Cô ở BMT không. Hắn trả lời: kịp, chiều lên xe sáng mai có mặt.
Sáng
ngày 18/11 như hẹn bạn đã có mặt, tụi mình hỏi về nhà lúc nào, hắn nói
4 giờ 30 sáng về Dakmil, ngủ được một tiếng, 6 giờ ra xe 7 giờ có mặt ở
BMT. Thiệt là nhiệt tình có thừa phải không các bạn. Khuôn mặt bạn
trong hình khi gặp Thầy , không có vẻ buồn ngủ chút nào, hân hoan và
trìu mến nhìn Thầy.
Thầy không dạy lớp nào nhưng cũng là dạy tất cả các lớp, dạy nề nếp, dạy kỷ luật, dạy khuôn phép. Thời đó đối với tụi mình, Thầy là ông thần hét ra lửa. Một bạn nam kể rằng lớp bạn có một học sinh có bố làm lớn. Những năm Trung học đồng phục của tụi mình phải chuẩn từ màu tới vải, tới giày, đầu tóc. Bạn nam đó đồng phục cũng được, bạn có bỏ áo đóng thùng đàng hoàng, nhưng đeo giây nịt khoá thiệt to hình rồng rắn sư tử chi đó coi ngầu lắm.
Thế là khi kiểm
tra đồng phục, Thầy bắt anh ta tháo giây nịt ra , rồi lấy cái giây nịt
đó quất cho anh ta mấy quất. Ngày hôm sau anh bỏ liền sơi dây nịt đầu
rồng đó, đeo một dây nịt đơn giản nghiêm chỉnh đến trường. Còn Bố của
anh, một ông Tướng, lái xe lên trường vào phòng Giám Thị xin lỗi Thầy.
Đó là mình nghe bạn mình kể thôi, còn cái này mình tận mắt thấy nè. Một bạn nam lớp mình bị Thầy quất cho mấy roi, Thầy thì nhỏ bé đứng tới tai bạn, bạn thì cao lớn mà đứng im khe không nhúc nhích. Vậy mà mấy chục năm sau nghe Thầy về học sinh chạy đến thăm, không ai ghét Thầy hết.
Mình nghĩ vì Thầy dạy nề nếp ký luật cho tụi mình với tất cả cái tâm, không thiên vị cho một ai không e sợ quyền cao chức trọng. Tự cái tâm trong sạch của Thầy tạo cho Thầy một sức mạnh, mà những sức mạnh khác không dễ vượt qua.
Đời học sinh có nhiều chuyện vui lắm, có kể hoài cũng không hết. Chuyện cấm túc thì hiền hiền như lớp nữ tụi mình, mà còn mỗi em một chuyện, cứ gì đám nam sinh.
Bạn V lớp mình , giờ bạn đã mất, kể lại rằng. Phá làng phá xóm riết rồi sao lang thang đến tận trường La San đồi, vào vườn của các Frère hái trái cây . Bị ông Frère tóm cổ hỏi: học ở đâu? Dạ học sinh Tổng Hợp, lớp mấy? Dạ lớp 9, chín mấy? Dạ chín …. Học sinh hùi đó nghịch nhưng cũng thiệt thà. Sau này bạn kể tụi mình nói: lúc đó sao V không khai trường khác đi .
Được tha ra về bạn mình nghĩ chắc êm rồi, an tâm. Nhưng Frère nhấc điện thoại gọi qua trường Tổng Hợp. Hôm sau lên trường bạn bị Thầy Tổng gọi lên văn phòng tặng một cái cấm túc, cái tội đi phá phách làm xấu trường.
Lúc đó Thị xã BMT nhỏ, có mấy cái trường Trung Học, mỗi trường có đồng phục khác nhau và học sinh có đeo huy hiệu trường, có cả tên và lớp nữa. Mấy bạn nam lớp mình khi đi “ uýnh lộn “ không dám mặc đồng phục đâu.
Dầu nghịch phá, mỗi học sinh cũng ít nhất hiểu rằng, khi khoác lên mình chiếc áo của trường , đeo huy hiệu của trường, là mang trọng trách phải bảo vệ danh dự của một người học sinh. Những điều đó Thầy Tổng Giám Thị đã dạy cho tụi mình, nhắc nhở dưới cờ những sáng thứ hai.
Nên Thầy hay nhớ nhất những học sinh nghịch phá trong trường, gặp lại Thầy mí bạn đó được Thầy nhớ tên, còn tụi mình thì Thầy chỉ nhơ nhớ thoáng thoáng thôi, mấy ngàn học trò, qua bao thế hệ của ngôi trường.
Thầy có một trí nhớ đặc biệt tốt, những năm Thầy mới về nước , Thầy nhớ hết các Thầy Cô trong trường, các học sinh phá nhất và các học sinh giỏi nhất . Thầy kể về Thị xã BMT xưa , từ những con đường, những khu phố, những ngôi trường xây dựng trùng tu như thế nào, những đời người đến và đi trong phố nhỏ, chi tiết như một nhân chứng sống.
Nhưng bây giờ thời gian đã lấy đi nhiều, đến thăm Thầy không còn như xưa, ngồi giữa học trò Thầy im lặng chầm chậm nhìn tụi mình, mãi đến gần lúc chuẩn bị ra về Thầy cầm tay một đứa nói: Thầy cảm ơn các em. Câu nói quen thuộc mỗi lúc tụi mình đến thăm Thầy và chuẩn bị ra về. Mình biết bây giờ Thầy mới nhớ ra đây là học trò. Thầy gần 90 tuổi rồi, sao không nhớ nhớ quên quên .
Thầy của mình trả nhớ về không….
(Trích từ trang FB Ban Liên Lạc Cựu HS Trung Học Ban Mê Thuột ngày 28/11/2022, 2:33pm)
No comments:
Post a Comment