Ngày xưa lúc còn ngồi tại ghế nhà trường Trung Học, trong chúng ta không mấy ai là không biết, không một lần nghe nói, hoặc làm bài luận văn luân lý câu ngạn ngữ Pháp “Lời Nói là BẠC, Im Lặng là VÀNG”.
Xuất phát từ suy luận nông cạn, giữa cuộc
đời, làm gì cũng đặt trên sự biến kế sở
chấp, phân tích, tổng hợp, nghĩa đen, nghĩa bóng, hơn thua, sai đúng..., dẫn
chứng lời nói của thánh nhân để có giải pháp chung cuộc. Và cũng do sự sống hợp
quần giữa xã hội mà ý niệm số đông thường được xem là đúng (nguyên tắc đa số),
nên ý kiến, tinh thần sáng tạo, sự hiểu biết của cá nhân thường bị xem nhẹ
(thiếu sự tôn trọng thiểu số). Tâm thức cộng đồng đã chi phối đến lối sống, lối
nhận thức của cá nhân. Tập thể đa số nhận xét, suy nghĩ, đồng ý... thì cá nhân
đành thúc thủ khuất phục, khó lòng có quyết định chống lại, bào chữa, sống
riêng cho mình, vì mình. Hậu quả như thế nào chúng ta đã biết, và thảm trạng của
cuộc đời cũng từ đó phát sinh.
Trở lại câu ngạn ngữ trên, Lời Nói có phải
là Bạc, Im lặng có nhất thiết luôn luôn là Vàng hay không? Câu này nêu ra chỉ
mang tính cách so sánh tương đối giá trị giữa Lời Nói và Im Lặng, để ứng dụng
vào sự giao tiếp giữa xã hội. Phải chăng trong mọi việc làm chúng ta cần phải tĩnh
tâm cẩn trọng, tìm hiểu với chánh tư duy thì sẽ bớt sai trái khi ứng dụng “Lời
Nói là Bạc, Im Lặng là Vàng”.
Về Lời Nói là Bạc (giá trị kinh tế không
cao bằng Vàng) nhằm để khuyên người ta không nên nói nhiều vì càng nói nhiều,
nói mau, lời nói sẽ thiếu suy nghĩ vì vậy mới có câu “Nên uốn lưỡi 7 lần trước
khi nói”, hay trong Phật Giáo dạy chúng ta nên thực hành Chánh ngữ, là một
trong 8 con đường chân chánh để giải thoát con người khỏi phiền trược khổ
đau.Nhất là tu học không phải là để chất
chứa kiến thức, để hý luận, trở thành người học giả (trọng lý thuyết), mà chính
yếu là phải có tri hành hợp nhất, ngôn hành tương ưng.
Vả lại lời nói cũng chỉ là danh xưng (Diệc
danh vi giả danh), chỉ là khái niệm bao quát mơ hồ, không diễn tả thâm diệu được thực tướng của
các Pháp là Vô tướng, Vạn pháp giai Không, Duyên sanh như Huyễn. Đạo tức Pháp
giới Nhất chân, vốn không thể lấy lời nói để diễn tả, văn tự để giải bày, nhưng
bởi tâm chúng sanh căn cơ sai biệt mà Đạo phải diễn tả thành câu, thành chữ.(phương
tiện quyền xảo).
Đành rằng ngôn ngữ dùng để diễn đạt tư
tưởng, nhưng như trên đã nói, ngôn ngữ chỉ là khái niệm và thuần túy danh từ,
không đi sâu vào chân lý thực tại Như Thật được.
Có nhiều trường hợp nên Im Lặng là hữu hiệu
hơn.Trong nhân gian người Việt mình hay nghe câu “Đa ngôn đa quá” (nói nhiều thì lỗi nhiều), đó cũng là hậu quả của
lời nói không có Chánh Niệm.
Trong 10 điều Tâm Niệm của Luận Bảo Vương
Tam Muội có điều thứ 10 là “Oan ức không cần biện bạch”, vì biện bạch là nhân
ngã chưa xả, càng biện bạch lại càng thể hiện cái ngã si, ngã ái của mình.
Thời xưa ở Trung quốc, Bồ Đề Đạt Ma sau khi
trả lời Lương Võ Đế “Ông không có công đức gì cả” cũng đã diện bích tịnh khẩu 9
năm.Chư Tôn Thiền Đức cũng thường tịnh tâm thiền định, cũng nhập thất một thời
gian không nói năng chỉ để quán chiếu về chân lý của cuộc sống.
Trong sách Thiền có kể câu chuyện trên Hội
Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen nhìn đại chúng, đại chúng ngồi ngơ ngác, duy
chỉ có Tôn giả Ca Diếp mỉm cười, Phật hiểu ý, thọ ký. Ca Diếp có nói gì đâu,
chỉ mỉm cười mà được Phật thọ ký thì đủ rõ ở đây ngôn ngữ đã trở thành vô
dụng, nên chỉ là bạc là may lắm rồi, im
lặng mới là vàng.
Trong sách “Pháp thiền Tại và Hiện” có kể
câu chuyện về một Thiền sư người Nhật như sau:
“Ngày nọ một phụ nữ mang thai đi cùng gia
đình đến ngôi chùa của một vị sư trầm lặng đắc đạo. Người phụ nữ chỉ vào ông và
vu cáo rằng ông ta chính là cha của bào thai trong bụng cô. Gia đình cô la mắng
ông về những tội lỗi của ông. Vị Thiền sư lắng nghe một cách nhẫn nại và đáp lời
“Thế à”. Họ ra về để rồi trở lại mấy tháng sau với một hài nhi và bỏ nó lại cho
ông nuôi. Một lần nữa, ông đáp “Thế à” rồi nhận đứa nhỏ. Vài năm sau họ trở lại
để xin lỗi ông về sự lầm lẫn của họ và đem đứa bé về. Vị Thiền sư một lần nữa
điềm đạm đáp “Thế à” khi nhìn họ đem đứa bé đi.”
Trình bày lý giải như trên không nhằm ý bác
bỏ tất cả lợi ích của lời nói, vì thật ra khi lời nói phát ra từ miệng của một
người có tu học, có suy nghĩ đúng chánh pháp thì lời nói đó là chánh ngữ có
công năng chuyển hóa mọi khổ đau cho người khác, đem hòa thuận an vui cho mọi
loài chúng sanh.
Như, nếu một Phật tử thực hành Tứ Nhiếp
pháp trong đó lấy Ái ngữ để hòa đồng chung sống với mọi người gần xa, để ai ai
cũng hoan hỷ nhẫn nhịn nhau, thì há đó không phải là bố thí pháp có giá trị vô
song hay sao? Chắc hẳn giá trị Ái ngữ (lời nói thương yêu) không phải là bạc,
cũng chẳng phải là vàng, mà trên cả bạc và vàng nữa.Trong Bát Chánh Đạo thì
Chánh Ngữ là một chi phần làm nhân và quả tương duyên nhau với Chánh Kiến,
Chánh Tư Duy...
Những lời của thánh nhân như Phật, Chúa, Khổng
Tử, Lảo Tử…, đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng, các Tổ thời xưa, chư Tăng
Ni, Quý Linh mục, Mục sư hiện tại…, chẳng phải có mục đích nêu cao các triết lý
cao siêu, chỉ hướng lý tưởng hòa bình, thể hiện tình thương yêu rộng lớn, tất cả
vì con người đau khổ, lầm đường lạc lối, quên hẳn đường về hay sao? Vậy lời nói,
lời thuyết giảng của Quý Ngài có giá trị bằng gì? - Không thể so sánh, nghĩ bàn
được. Lại nữa, chúng ta vẫn còn nhớ các Bài Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… của
Hưng Đạo vương, của Nguyễn Trải… đã khơi động lòng yêu nước chống ngoại xâm của
nhân dân ta, đưa đến những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử chống Mông Nguyên…,
lấy gì để so sánh?
Giải thích thêm về sự Im Lặng là Vàng?
Trên mặt hiện tượng cũng dễ hiểu, vì im lặng là cảm thông, là nhẫn nhịn hòa
đồng, là chấp nhận không phân biệt thị phi hơn thua sai đúng, là cốt cách thong
dong... ít gây đổ vỡ trong tình bạn, tình huyết nhục, bà con lân lý, tạo hòa
bình trong xã hội, không gây hậu quả chém giết, đả thương, phân rẻ hạnh phúc
gia đình người khác... Nói một sự thật mà gây tan vỡ, hư hại, thì nên nói hay
im lặng? Hỏi tức là trả lời, để biết rằng lúc nào cần nói, nói những gì, với
đối tượng nào, và lúc nào thì nên hoặc phải im lặng. Trong một số trường hợp,
im lặng cũng được hiểu như đồng nghĩa với tư duy chân chánh, giữ gìn duy trì
tam Vô lậu học Giới - Định - Huệ để đạt đến quả Bồ Đề giải thoát, Niết Bàn.Kinh
Pháp Cú dạy: “Nếu ai giữ được im lặng trước những lời cay đắng, ác độc, người
ấy đắc quả Niết Bàn vì đã không còn phẫn nộ và không có tâm lấy oán trả oán.”
Nhưng im lặng theo một khía cạnh tiêu cực
nào đó cũng có nghĩa là ba phải, không lập trường, đôi lúc được xem là thái độ
vô trách nhiệm hay đồng lõa với tội lỗi... Trong những trường hợp này im lặng
nhất định không phải là vàng, kể cả bạc cũng không xứng đáng nữa.
Theo tinh thần tu học của người Phật tử chân chánh, chúng ta phải vận dụng hướng trình Văn Tư Tu (Văn huệ - Tư huệ - Tu huệ) để biết được lúc nào lời nói là bạc, lúc nào lời nói là vàng, lúc nào im lặng là vàng, lúc nào im lặng là bạc ...
Theo tinh thần tu học của người Phật tử chân chánh, chúng ta phải vận dụng hướng trình Văn Tư Tu (Văn huệ - Tư huệ - Tu huệ) để biết được lúc nào lời nói là bạc, lúc nào lời nói là vàng, lúc nào im lặng là vàng, lúc nào im lặng là bạc ...
Tóm lại, để tránh bao phiền não, bất như ý,
khổ đau cho mình và cho người, chúng ta cần lập nguyện sống tỉnh thức, phải thận
trọng tối đa lúc nói năng “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, chỉ nói năng phát
biểu lúc đã suy nghĩ chín chắn, không nói năng bừa bãi lúc đang giận hờn, nóng
nảy, cốt làm hại người cho hả dạ sân si, tự ái bản thân… Nên biết lúc nào cần nói,
phải nói, lúc nào cần lắng nghe, giữ tâm thanh tịnh, im lặng, nhẫn nhục, buông
xả… để đem lại sự an vui, thanh thản, hạnh phúc cho mọi người.
Nguyên Mẫn
No comments:
Post a Comment