Tuesday, March 1, 2016

Chuyến đi biên giới Thái Lan - Lào

TIỆN NGHI TRÊN ĐƯỜNG ĐI

Thái lan là một đất nước du lịch trời phú. Có quá nhiều điểm du lịch thú vị để thăm. Vấn đề là làm thế nào để kết hợp, sắp xếp cho thuận với ý muốn của từng du khách, một điều mà tổ chức du lịch theo đoàn rất khó thực hiện được.

Du lịch cũng cần thưởng ngoạn một cách thong dong, từ tốn, nhưng cũng nhìn ngắm kỹ càng để sau khi về đến nhà sẽ không hối tiếc rằng mình chưa xem kỹ chi tiết này, chưa chụp được cảnh kia, chưa thưởng thức được món đặc sản nọ …

Cuộc sống là một bất toàn. Một chuyến du lịch tựa như một tách cà phê chưa đạt, nhưng có thể lại thành quá tệ nếu như cố bỏ thêm một thỏi đường nữa.

Qua nhiều chuyến du lịch trên đất nước này, tôi nhận thấy rằng kỹ nghệ du lịch ở đây rất thành công. Ngoài đường sá tốt, cảnh đẹp thiên nhiên, chùa chiền và di tích lịch sử nhiều và được bảo tồn, trùng tu chu đáo, dịch vụ và tiện ích công cộng như nhà vệ sinh, nhà hàng ăn uống sạch sẽ và giá cả ổn định … Người phục vụ luôn tươi cười hồn hậu đúng với biểu tượng “Xứ sở của nụ cười” (The Country of Smile). Du khách thường muốn quay trở lại sau chuyến du lịch lần đầu. Điều này giúp cho du lịch Thái lan luôn phát triển, người dân có thêm nhiều công ăn việc làm.

Đường cao tốc Nakhon Ratchasima – Khon Kaen – Udon Thani

Một trạm dừng chân ăn uống bên đường cao tốc.

Tô này chỉ khoảng 25,000 đồng. Êm dạ để đi tiếp.

Gói xôi, hai xúc-xích xiên que và hai tảng thịt nướng này giá chỉ độ mười mấy nghìn đồng Việt Nam.
“Đổ bê-tông” kiểu này đến chiều mới thấy đói lại!

Một cây xăng tiêu biểu. Cây xăng thường cách nhau vài cây số.
Trong mỗi cây xăng đều có chỗ đậu xe, toilet, nhà hàng, quán bán thức ăn đem đi (take-away),
ghế ngồi nghỉ chân, và nhất là 7-Eleven, một kiểu siêu thị mini. Mọi dịch vụ, trừ đổ xăng, ăn uống, mua sắm,
đều miễn phí.
Toilet tiêu biểu trong một cây xăng.

Một cái cân bàn đặt trước một toilet. Bỏ một coupon 1 baht vào là biết ngay mình nặng bao nhiêu,
giải tỏa nỗi lo bị béo phì! Bên cạnh là máy điện thoại công cộng.

Máy bán băng vệ sinh tự động đặt trong phòng vệ sinh công cộng dành cho phụ nữ.
Bỏ vào máy một đồng xu 5 baht là có ngay để sử dụng. Du lịch xa vẫn … vững bụng!

Một máy bán băng vệ sinh tự động có mô-đen khác.

Hôm nay, tôi thực hiện một chuyến hành trình dài đến biên giới Thái lan – Lào. Chuyến đi sẽ băng qua bốn tỉnh đông bắc Thái lan: Nakhon Ratchasima – Khon Kaen – Udon Thani – Nong Khai. Nếu Nakhon Ratchasima được xem là trung tâm kỹ nghệ của vùng đông bắc Thái lan thì Khon Kaen là trung tâm hành chính với nhiều trường đại học ở đây. Tôi sẽ dừng chân ở Udon Thani thăm hai điểm du lịch, rồi sau đó đến tỉnh biên giới Thái lan – Lào là Nong Khai.

Một chiếc xe jeep hiếm hoi còn sót lại, có thể từ thời chiến. Hàng quý hiếm đấy!

Đại học Khon Kaen với nhiều ngành học, trong đó có ngành khảo cổ (Archaeology) và nghệ thuật (Art).

Trung tâm thành phố Khon Kaen

Các tỉnh đông bắc Thái lan, nằm sát biên giới Lào. Qua lịch sử, dân chúng vùng này giao thoa với văn hóa Lào nên ngày nay đời sống văn hóa xã hội của họ có những nét tương đồng với văn hóa Lào. Một trong những nét tương đồng này được tìm thấy trong ẩm thực: từ Khon Kaen đi về vùng biên giới, cư dân ở đây ăn nhiều nếp hơn gạo. Nếp được nấu trong ống tre, đặc biệt ngon hơn các vùng khác. Du khách có thể tìm mua dễ dàng trên những quán nhỏ hai bên đường từ Khon Kaen đi Udon Thani.


Xôi nấu trong ống tre được bán dọc theo đường cao tốc Khon Kaen-Udon Thani.

Những cái chòi có cấu trúc mái sơn màu vàng thế này là chỗ dừng chân công cộng cho người đi đường
để tránh cái nắng, có ghế ngồi hai bên, có thể mắc võng để ngủ.
Chòi được đặt dọc đường, cách nhau độ chừng 0.5 km.

Có thể tiện ích dọc đường phục vụ người dân chưa phải là tốt nhất so với nhiều nước khác trong khu vực, nhưng ít ra bên cạnh đó du khách cũng được “hưởng sái”. Điều này làm cho khách du lịch cảm thấy thoải mái dù đi bất cứ nơi nào trên đất nước Thái lan. Chính vì vậy mà nhiều người muốn quay lại chốn này, trong đó tôi từng gặp những cặp vợ chồng khách mới quen đã từng du lịch ở đây nhiều tháng liền.

Đừng phô phang quảng cáo bằng những khẩu hiệu hay mỹ từ du lịch lòe loẹt. Khách du lịch một đi không trở lại là sự đánh giá hay bỏ phiếu thầm lặng và chính xác nhất nét hấp dẫn của một đất nước!


THIỀN VIỆN WAT PA BAN TAD

Trên đường cao tốc Khon Kaen-Udon Thani, qua thành phố Udon Thani khoảng 7 km, rẽ vào một con đường nhựa để đến làng Ban Tad, chạy thêm 8 km nữa gặp một cánh rừng nguyên sinh trên đồi, bao quanh bằng một bức tường được xây nhiều thập niên trước đây, bên ngoài chân đồi là ruộng lúa. Có thể nói đây là chốn rừng thâm nghiêm duy nhất còn lại của tỉnh Udon Thani chưa bị con người xâm phạm.

Vào năm 1950, một vị sư, Luang Ta Maha Bua, nổi tiếng tu theo giới khổ hạnh và thiền định ở làng Huey Sai, bây giờ thuộc tỉnh Mukdahan miền đông-bắc sát biên giới với Lào, có nhiều đệ tử, thiện nam tín nữ theo học.

Ít lâu sau được tin mẹ mình lâm bệnh, ngài quay về thăm mẹ. Dân làng Ban Tad ở Udon Thani thỉnh cầu ngài ở lại, ngụ trong cánh rừng kể trên để có điều kiện chăm nom mẹ già yếu. Cuối cùng ngài nhận lời và lập một thiền viện trong cánh rừng này năm 1955, lấy tên là Wat Pa Ban Tad.

Thiền viện Wat Pa Ban Tad bên phải, trước mặt là cánh rừng nguyên sinh

Chánh điện của thiền viện (sala) là một gian nhà sàn làm bằng gỗ, sau này các cột dưới sàn xuống cấp nên được thay bằng cột bê tông. Trên sàn thiền viện thờ sư Luang Ta Maha Bua với xá lợi của nhiều vị sư khác.

Một vị sư cần mẫn lau sàn gỗ chánh điện bằng dầu hỏa.
Tượng sư Luang Ta Maha Bua bằng sáp, có kích thước như thật.

Nhiều Xá lợi của các thiền sư và cao tăng Thái lan được đặt ở đây.
Xá lợi trông giống như ngọc bích, ngọc lục bảo, ruby, ngọc trai …

Thoạt đầu, trong khu rừng này có ba con hổ và ba con beo. Chúng thường rình bắt chó trong thiền viện nhưng không bao giờ tấn công người. Dần dà, vùng xung quanh đồi bị dân chúng phát quang dần nên thú dữ bỏ đi. Quang cảnh của thiền viện vẫn được giữ gìn nguyên trạng, thú rừng như sóc, gà rừng, công … nhiều vô kể.

Sóc trắng hiện diện khắp nơi.

Gà rừng thẩn thơ kiếm ăn, đẻ trứng, ấp và nuôi con, không có sự can thiệp của con người.

Gian nhà sư Luang Ta Maha Bua tu tập và viên tịch tại đây nằm khuất trong một con đường nhỏ tráng nhựa. Du khách có thể vào viếng tượng, xá lợi của sư và dâng hương. Gà rừng tụ tập nơi đây rất đông.

Khách viếng bỏ giày dép ở đầu ngõ

Khách đảnh lễ

Tượng sư Luang Ta Maha Bua bằng sáp. Phía sau là chiếc giường nơi nhà sư viên tịch.

Xá lợi của nhà sư

Tăng ni cùng thiện nam tín nữ tụng kinh và chiêm bái xá lợi mỗi sáng và chiều tại chánh điện chính của thiền viện. Từ chánh điện này tỏa những lối nhỏ đi sâu vào rừng. Nhiều cốc (chòi) nhỏ (kuti) được đặt rải rác trong rừng rậm sao cho thiền viên, mặc quần áo trắng, trong mỗi cốc không nhìn thấy người ngồi thiền trong cốc kế cận. Thiền viên cũng có thể đi thiền nhưng không bao giờ cất tiếng với thiền viên khác, nếu họ gặp.

Năm 1997, Thái lan đối diện với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Nền kinh tế Thái lan suy sụp trầm trọng. Luang Ta Maha Bua vận động phật tử toàn quốc đóng góp tiền và vàng để hỗ trợ đất nước. Mặc dù toàn dân đều gặp khó khăn nhưng số tiền quyên tặng lên đến gần 10.5 triệu USD và 13,000 kilo (13 tấn) vàng. Vua và hoàng hậu Thái lan đã đến thiền viện diện kiến ngài.


Công đức đóng góp cho đất nước do Luang Ta Maha Bua phát động

Vua và hoàng hậu Thái lan diện kiến Luang Ta Maha Bua.

Luang Ta Maha Bua viên tịch ngày 30-01-2011, thọ 97 tuổi.
Thiền viện là điểm du khách khắp nơi đến thăm hay ở lại tu tập thiền.

Luang Ta Maha Bua

VIỆN BẢO TÀNG BAN CHIANG

Ban Chiang là một di tích khảo cổ nằm ở thôn 13, huyện Nong Han, tỉnh Udon Thani, đông bắc Thái lan. Từ thành phố Udon Thani đi về hướng đông vài cây số, lái xe ngoằn ngoèo trong xóm một hồi lâu mới đến nơi.

Di tích này được phát hiện năm 1966, được khai quật mở rộng sau đó, là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khảo cổ học Thái lan và thế giới. Cho đến bây giờ, Ban Chiang được xem nơi định cư tiền sử quan trọng nhất được khám phá ở Đông-Nam-Á, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong tiến hóa về văn hóa, xã hội và công nghệ của loài người. Di tích cho thấy chứng cứ nghề làm nông (lúa nước) sớm nhất trong vùng cùng với việc chế tác và sử dụng kim loại. Cả khu di tích này rộng 67.36 ha nhưng chỉ có 1% diện tích được khai quật cho đến năm 2012.

Qua chứng cứ được kiểm định bằng phương pháp carbon đồng vị (C-14) và nhiệt phát quang (thermo-luminescence), Ban Chiang được xác định là nơi cư trú và chôn cất của một tộc người hiện diện từ 5000 năm trước công nguyên, đặc biệt là thường xuyên ở đây từ 1495-900 trước công nguyên.

Đây là Di sản thế giới được UNESCO đưa vào danh sách năm 1992.

Lễ hội Di sản Thế giới Ban Chiang diễn ra trong ba ngày, từ 12-14 tháng 2. Tôi đến đây nhằm đúng ngày cuối của Lễ hội Di sản Thế giới Ban Chiang. Thật là một may mắn tình cờ.

Cổng vào Lễ hội Di sản Thế giới Ban Chiang. Khách ngoại quốc đến đây đông đúc.

Quang cảnh Lễ hội

Cổng chào lễ hội

Một tiết mục của Lễ hội. Điệu múa, có một lúc rất giống điệu múa của người Thượng Ban Mê Thuột. Nhớ quá!

Sau sân khấu chính của lễ hội, chúng tôi vượt qua một đoạn đường dài, một bên đường là những cửa hàng bán hàng lưu niệm, quán hàng ăn (người Thái rất có tâm hồn ăn uống, người nước ngoài đều muốn chia sẻ với họ tâm hồn này!). Trời nóng như đổ lửa, người đi tấp nập càng làm cho không khí thêm ngột ngạt.

Viện bảo tàng Ban Chiang tọa lạc ngay bên cạnh sân khấu lễ hội.

Cổng Viện bảo tàng quốc gia Ban Chiang,
Phía trên là hình Hoàng gia Thái lan đáp trực thăng đến khánh thành.

Lịch sử thành lập Viện Bảo tàng quốc gia Ban Chiang sau chuyến viếng thăm của Hoàng gia Thái lan.

Vì là ngày lễ hội nên vào cổng miễn phí (tôi thích từ này lạ!). Nếu không thì: 30 baht cho người Thái, 150 baht cho người ngoại quốc. Chỉ có học sinh mặc đồng phục, người già trên 60 tuổi, các sư hay người tu khổ hạnh mới được miễn phí vào cửa hàng ngày.

Viện bảo tàng có 9 hành lang trưng bày: lịch sử thành lập, quá trình khai quật, đồ tạo tác (artifact), tái tạo chu trình chế tác … với chú thích và bài trí rất tỉ mỉ và kỹ thuật.

Hành lang 1 trưng bày chuyến thăm Ban Chiang của quốc vương Thái lan Bhumibol và hoàng hậu Sirikit ngày 20 tháng 3 năm 1972. Chuyến thăm này đặt nền tảng cho việc phát triển kế hoạch Ban Chiang, một đóng góp to lớn cho chuyển hóa ngành khảo cổ học Thái lan.

Kế hoạch khai quật và nghiên cứu là sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền Thái và nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ ngay từ những phát hiện di vật đầu tiên cho đến hôm nay.

Quá trình khai quật được dựng lại công phu và phản ánh chính xác thực tế.

Hầm khai quật chụp từ trên mặt đất

Hầm khai quật chụp cận cảnh

Những chiếc bình sơn đỏ này có niên đại cả nghìn năm trước công nguyên

Bình sử dụng trong đời sống hàng ngày

Bình này rất quý nên đặt vào tủ gương để ngăn ngừa chuột đột nhập vào làm … vỡ bình!

Nhiều hài cốt của con người ở đây được khai quật và giữ gìn nguyên vẹn. Bằng phương pháp C-14 và thermo-luminescence, niên đại của những con người này được xác định chính xác. Khoa học còn xác định tuổi thọ trung bình của tộc người này: người thọ nhất không quá 45 tuổi. Căn bệnh dẫn đến cái chết của họ cũng được xác định rõ ràng: bệnh về đường máu và xương … là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến cái chết của tộc người này. Họ thường chết vào độ tuổi từ 20-25 tuổi.

Người chết được xác định có chiều cao khá lớn.
Một số hộp sọ có lỗ khoan ở đỉnh đầu, được chú thích rằng đây là lỗ để những điều xấu xa và ma quỷ (spirit) thoát ra ngoài.

Một bộ hài cốt khác được tái tạo lại tư thế chết bị trói hai chân, với một phiến đá lớn kê bên dưới đầu gối.
Một bộ hài cốt trẻ con độ hai tuổi nằm trong một cái bình, bên cạnh một cái bình khác. Cả hai chiếc bình đều vỡ.

Sinh hoạt săn bắn, chế tác kim loại và dệt vải cũng được dựng lại.

Cách săn bắt thú hoang

Cách thế tạo dụng cụ hay vũ khí bằng đồng: đúc đồng

Rèn kim khí

Làm bình, nồi …

Dệt vải


Vũ khí

Nữ trang và dụng cụ bếp núc

Một mẫu chuyện nói về sự phát hiện di tích này một cách tình cờ bởi một sinh viên cao đẳng người Hoa Kỳ, Stephen Young, khi đang nghiên cứu về nhân chủng học tại làng Ban Chiang. Do một cú vấp vào rễ cây gòn, ngã và vớ được một mảnh bình vỡ. Sự giám định niên đại của mảnh vở này ở Bangkok, rồi cuối cùng ở Đại học Pennsylvania, mở đầu cho những khai quật sau này.

Câu chuyện về sự phát hiện tình cờ di tích Ban Chiang
của một sinh viên Hoa Kỳ, Stephen Young

Một chút nhận định về “tiếng Anh của người Thái”: người Thái (có học vấn trung bình hay khá cao), vốn hồn nhiên nên họ nói và viết tiếng Anh, đôi khi sai một cách cũng rất hồn nhiên. Tuy nhiên, họ lại có biệt tài giao tiếp bằng tiếng Anh và thông đạt với người nước ngoài một cách “dễ dàng” và tự nhiên. Trong hình 47, chúng ta có thể nhận ra sự “hồn nhiên” này.

Ngay trên hành lang bên ngoài viện bảo tàng, các em bé Thái thực hành làm các vật chế tác bằng đất nung, sau đó tô màu đỏ đặc thù của tộc người tổ tiên của mình.

Bốn năm nhóm bé trai và gái tập làm bình và tô màu phỏng theo mẫu của tổ tiên mình

Viện Bảo tàng Ban Chiang bảo tồn và trùng tu di tích lịch sử rất tốt và theo phương pháp khoa học, có hệ thống. Tôi gặp nhiều khách ngoại quốc đến đây tham quan và chăm chú chụp ảnh như đang nghiên cứu.

Việt Nam cũng có trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ … Trống đồng Đông Sơn có niên đại từ 700 năm trước Công nguyên của người Việt cổ. Hiện nay, viện bảo tàng có kiến trúc Đông Dương, nằm ở số 1, phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm lưu giữ trống đồng Đông Sơn, gốm Bát Tràng, tượng thần Shiva, cọc gỗ trong trận Bạch Đằng … (theo Wikipedia. Org. Vietnam)

Tôi chưa đến đây nên không thể so sánh và đánh giá việc giữ gìn và bảo tồn những cổ vật của tổ tiên chúng ta. Hy vọng rằng những người có trách nhiệm bảo tồn lịch sử của cha ông sẽ làm việc theo đúng với trọng trách và chuyên môn của mình. Cổ vật lịch sử là quốc bảo. Không ai có quyền lấy làm tài sản cho riêng mình!

CHIỀU BUỒN BÊN SÔNG

Rời Udon Thani, tôi đi về hướng bắc để đến tỉnh Nong Khai.

Người Thái gốc Việt ở vùng đông bắc khá đông. Đa số, sau khi lập nghiệp ở Thái lan vài năm, chịu khó cần cù, phất lên làm giàu nhờ những nghề như: mở tiệm vàng, tiệm cầm đồ, nhà hàng ăn uống, mở nhà trọ cho thuê, … Những món ăn Việt được ưa thích ở Thái như hủ tíu, chả giò, nem nướng, bánh canh, … đều được chế biến cho phù hợp với khẩu vị người Thái.

Sau này chính phủ Thái yêu cầu những người Việt nào chưa được phép định cư trên đất Thái phải hồi hương. Rất nhiều người Việt đã hồi hương, hiện nay có cả làng ở Biên Hòa, Đồng Nai.

Đến thành phố biên giới Nong Khai, chúng tôi chạy một vòng trong phố tìm chỗ đậu xe. Đường phố ở đây nhỏ, du khách đông, hàng quán nhiều nên thật chật vật tìm một chỗ đậu để đi bộ ngắm sinh hoạt thành phố biên giới này.

Chúng tôi đành phải chạy quanh ngắm cảnh. Các cháu tôi khi đi quên mang theo passport nên không thể qua Lào bằng cổng Hữu Nghị nối liền với một cây cầu bắc ngang sông Mekong được. Bên kia cầu là Vientiane, thủ đô nước Lào. Vả lại dự kiến qua Lào có một ngày lại phải đóng phí hải quan cao nên chúng tôi bỏ kế hoạch này, quay xe về lại chợ ven sông. Hẹn một dịp khác sẽ qua xứ sở Đông Dương này vậy!

Cổng hữu nghị Thái-Lào. Bên kia là cầu bắc qua sông Mekong

Quay lại phố, chạy được nửa chừng thì xe bị chặn lại để nhường nửa đường cho đám rước của sinh viên đại học Khon Kaen. Chúng tôi ngồi trên xe, tò mò quan sát đám rước.

Dẫn đầu đám rước là xe cảnh sát. Từng tốp nam nữ sinh viên đánh phấn thoa son, ăn mặc trang phục dân tộc đẹp đẽ, giắt bông hoa nơi vành tai, nhún nhẩy theo điệu nhạc rộn ràng. Các sinh viên đi theo từng khoa: Quản trị kinh doanh, Nghệ thuật, …

Đám rước thần linh (thần rắn Naga) của sinh viên Đại học Khon Kaen. Nhìn kỹ nhé!
Con gái Thái có nước da rất đẹp, lại duyên dáng và hay cười nữa!

Nam nữ sinh viên vừa đi vừa múa, nhún nhẩy theo điệu nhạc.


Xe hoa rước thần rắn Naga. Coi kìa! Chàng trai giắt một bông hoa nơi vành tai.

Theo sau đoàn là xe nhân viên y tế, phát nước uống cho các thành viên của đám rước.

Mãi rồi chúng tôi cũng tìm được một chỗ đậu xe.

Một tiệm hoa bên đường phố Nong Khai

Một góc phố thanh bình. Chú ý rằng đây là một nhà thờ thiên chúa, vốn rất hiếm ở Thái lan.

Sau chiếc cổng, chúng tôi len lỏi qua một con đường hẹp để đến chợ.

Cổng chợ

Một tiệm chuyên bán hàng bằng bạc

Đường trước cổng chợ

Chợ Cầu tàu Nong Khai, hay còn gọi là chợ Thasadej

Một số gian hàng chợ

Khi xưa, nơi đây là một trạm bưu điện. Không biết có phải của Việt Nam không, vì có cái nón cối!

Thùng thư cổ

Tượng thần rắn Naga bên bờ sông, một biểu tượng đặc thù của văn hóa Thái lan

Địa danh cần nhớ: Sông Mekong ở Nong Khai

Nhà hàng nổi

Từ chợ Cầu tàu, tôi đi dọc và xuôi theo dòng sông. Dọc hai bên lề đường trên kè đá bờ sông, hàng quán đã bày bàn ghế chuẩn bị đón thực khách. Đi độ vài trăm mét thì nhà cửa thưa dần. Từ kè đá trên cao, thoáng đãng, tôi có thể quan sát dòng sông một cách rõ ràng.

Tấm biển đặt trên đường dọc theo bờ sông, ghi tên các cơ quan tài trợ cho việc thắp sáng con đường này năm 2005.
Chú ý: lỗi văn phạm và chính tả rất “hồn nhiên và dễ thương”, thường tìm thấy trong các biển báo,
nội quy, chú thích … ở Thái lan


Sau lưng chúng tôi là thượng nguồn sông Mekong với cầu hữu nghị Thái-Lào lờ mờ trong ánh nắng chiều.
Bờ bên kia sông là đất nước Lào. Từ bên đây bờ sông, cách độ 500 mét, tôi nghe rõ mồn một loa phóng thanh, không biết nói mô tê gì nhưng cứ như xoáy vào tai. Chắc một dạng loa phường! Xa tít tắp trên thượng nguồn chỗ tôi đứng, cây cầu hữu nghị Thái-Lào lờ mờ dưới ánh nắng chiều chói chang. Suốt từ đó cho đến chỗ dòng sông hơi lượn về phía Lào dài đến mấy cây số, hàng chục cánh tay đòn của xe múc hoạt động liên tục, vét nạo cát từ lòng sông, hồng hộc tham ăn như loài thú hoang đói thịt. Với tốc độ khai thác cát thế này, con sông sẽ sớm tan hoang! Nghe nói Trung quốc đầu tư xây dựng lớn lắm ở Lào, nhất là thủy điện. Thôi rồi! Ai đó đã nói rằng phải cần thêm một hành tinh nữa giống trái đất này mới tạm đủ thỏa mãn cho cơn đói tài nguyên của họ!

Hàng trăm núi cát như thế này nghễu nghện dọc theo bờ sông bên kia Lào.

Hết cây số này đến cây số khác bờ sông oằn mình vì bị vét cát.

Phía bờ bên Lào để hoang sơ, không xây kè gì cả, trong khi dân chúng bên Thái lan luôn than phiền về nạn xói lở. Kè đá cao ngất ngưỡng liên tục được xây dựng và tu bổ để tránh xói lở.

Chiều buông, giòng nước lững lờ trôi, đục lờ nhờ: không rêu, không bèo, bờ nước xác xơ! Giờ này là thời điểm hoàng kim cho loài thủy sinh vật đi tìm cái ăn nhưng tịnh không thấy một tiếng quẫy nước đớp mồi nào!

Ngay bên một con sông lớn thứ nhì trên thế giới nhưng trong một nhà hàng lớn ở chợ, gọi một tô canh cá hay món cá nướng thì được hầu bàn giải thích: bây giờ cá hiếm và đắt lắm so với vài năm trước đây!

Nguyên nhân? _ Đập thủy điện! Đập thủy điện! Đập thủy điện!

Vị trí địa lý của đập khổng lồ Xayabury ở Lào đến thành phố Vientiane
biên giới Thái-Lào. (Hình Wikipedia.org)

Số lượng các đập đã, đang và được hoạch định xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam
nằm ở Trung Hoa, Lào và Cam Bốt là 19 cái!
QUY PHỤC MỘT DÒNG SÔNG
Các đập nước của Trung quốc dọc theo thượng nguồn sông Mekong đã khiến cho các quốc gia hạ nguồn hoạch định hàng loạt các đập phát điện. Đập Xayabury ở Lào là đập đầu tiên sắp được xây dựng. 
(Hình Wikipedia.org)

Tài liệu trên xưa rồi Diễm ơi (chưa được cập nhật và không thể cập nhật)! Trên thực tế Xayabury đã khởi công xây dựng từ đời tám hoánh nào rồi. Tuy là tài liệu cũ, nhưng số lượng đập đếm được đủ làm cho người Việt Nam nào thờ ơ nhất với vận mệnh môi sinh của đất nước mình cũng phải cảm thấy giật mình chóng mặt! Mười chín, vâng mười chín đập! Thực tế, chỉ riêng trên lãnh thổ Trung quốc, cho đến tháng 3-2014 khoảng 30 đập đã được hoàn thành, đang xây dựng, lên kế hoạch hoặc hủy bỏ (theo Wikipedia.org)
Đập Xayabury năm 2015 (Hình Wikipedia.org)

Từ chỗ chúng tôi đứng cho đến đập Xayabury ở thượng nguồn còn có thêm ba đập nữa ở giữa: Pak Lay, Sanakham và Pak Chom. Người dân ở đây cho biết mực nước sông càng ngày càng thấp đi. Mới ở đầu tháng hai mà sông đã cạn như thế này rồi, gần như sắp trơ đáy. Trước kia vào mùa mưa, mực nước sông tràn lên đường, có chỗ cao đến 2 mét nước. Điều này cho thấy các đập trên thượng nguồn tác động đến lưu lượng nước như thế nào!


Người chụp bức hình này (có bóng hắt xuống bậc tam cấp) đang đứng ở trên mặt đường.
Độ cao của mỗi bậc tam cấp (20 cm) và số lượng bậc tam cấp (khoảng 50 bậc) cho thấy
độ cao từ mực nước hiện tại tới mặt đường là 10 mét, cộng thêm khoảng 2 mét nước dâng vào mùa mưa
thì độ chênh lệch khoảng 12 mét!

Các phụ lưu của sông Mekong cũng sẽ là những nơi cạn dòng trước tiên.


Một phụ lưu của sông Mekong ở Nong Khai được chụp ngay ở cửa sông: trơ đáy!

Ở những nước đã phát triển, bất kỳ một dự án xây dựng nào, (nhà máy, đường sá …) dù nhỏ cũng phải lập dự án tiền khả thi (pre-feasibility project) (DATKT) trong đó đánh giá tác động môi trường (assessment of environmental impacts) (ĐGTĐMT) là quan trọng nhất. DATKT là một bước chuẩn bị dài, kỹ lưỡng và tốn kém, vì nếu nó không được chấp thuận thì dự án xây dựng cũng tiêu theo. Trong DATKT, ĐGTĐMT sẽ được “chiếu cố” kỹ lưỡng. Ví dụ, trong DATKT của một nhà máy chế biến thực phẩm, dự án một nhà máy xử lý nước/chất thải phải được yêu cầu, kèm theo ĐGTĐMT của việc xây dựng và hoạt động của nhà máy này tác động thế nào đối với môi trường chung quanh nó. Chính vì thủ tục phức tạp và tốn kém này nên các nhà đầu tư nước ngoài “khoái” lập nhà máy sản xuất tại các nước chậm hay đang phát triển, do khả năng giám sát chuyên môn của nhà cầm quyền thấp, thậm chí không có, nên họ dễ qua mặt, hoặc họ dễ mua chuộc, đút lót để dễ dàng cho qua. Vì thế, các quốc gia sau này thường biến thành những “bãi rác” công nghiệp cho các nước giàu có hơn.

ĐGTĐMT của một đập nước còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều, vì nó hệ lụy đến rất nhiều lĩnh vực, thời gian (có khi cả chục năm sau mới thấy hết hệ quả của nó), xã hội, luật pháp (trong nước/quốc tế). Cứ cho rằng việc xây các đập nước trên thượng nguồn sông Mekong không vi phạm công ước quốc tế về sông Mekong của các quốc gia liên quan thì tác động môi trường của nó phải được mổ xẻ để có thể đạt được đồng thuận.

Khó mà đánh giá triệt để tác động gây ra do xây dựng một con đập, nhưng hậu quả trực tiếp gây ra cho thủy sinh vật, con người, khí hậu, hạn hán hay lũ lụt là không tránh khỏi, chưa kể các ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, văn hóa …

Chỉ lấy một đánh giá nhỏ để đi tìm giải pháp: 80% cộng đồng người Cam-bốt sử dụng nguồn protein chính từ cá sông. Nay cá sông bị giảm hay tuyệt chủng do xây đập, trong khi nhu cầu và dân số nước này ngày một tăng. Bài toán này xem chừng như không có đáp số!

Tết  Bính Thân vừa qua, nông dân đồng bằng sông Cửu Long bỏ cả tết, lo cứu lúa ngập mặn do tác động chuỗi “ngọc trai” đập ở thượng nguồn. Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lần lượt công bố tình trạng hạn hán kèm theo ngập mặn ruộng đồng khẩn cấp, mất trắng mùa lúa năm nay. Nhiều nơi dân chúng không có nước ngọt sử dụng. Cuộc sống thật điêu đứng!

Đập Xayabury đã đi vào hoạt động. Theo đánh giá, nước chủ nhà Lào hàng năm thu về được 2 tỷ USD tiền bán điện cho Thái lan, nước này cũng thu được nhiều hơn Lào do tài trợ đầu tư xây đập và mua điện, nhưng cộng đồng cư dân ven sông hai nước chịu tác động trực tiếp và nặng nề. Những nông dân Thái lan chịu thiệt hại trực tiếp do tác động của con đập này đã kiện lên tòa án Thái lan. Mặc dù họ thua kiện nhưng cũng cho thế giới biết rằng tác động của đập thủy điện là thực sự đúng, không như những che giấu của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hai nước ở hạ nguồn, Cambodia và Việt Nam còn gánh chịu khốc hại hơn. Họ chịu thiệt hại gấp 14 lần (28 tỷ USD) so với mối lợi Lào thu được! (theo Wikipedia.org)

Bất chấp sự phản đối của quốc tế, đập Don Sahong của Lào nằm sát biên giới với Cambodia vừa khởi công xây dựng. Theo đánh giá, tác động hủy hoại môi trường của con đập khổng lồ này còn ghê gớm hơn nữa. Theo các chuyên viên thế giới, đây là điểm mà hàng năm cá trắng đặc chủng chỉ có ở sông Mekong tập trung ở đây, vượt dòng để sinh sản. Sự hiện diện của con đập sẽ ngăn đường lưu thông của cá nên dẫn đến tuyệt chủng giống cá này. Các giống cá đen còn lại, vốn sống nhờ vào ăn thịt cá trắng, cũng có nguy cơ giảm đi rất nhiều.

Tóm lại, không bút mực nào tả hết hậu quả khôn lường do lòng ích kỷ của các nước thượng nguồn. Cả chục triệu người dân sống nhờ vào dòng sông và vùng lưu vực sông Mekong, các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới đã lên tiếng phản đối việc xây dựng các con đập này.

Hãy tự cứu mình trước rồi thượng đế mới cứu mình sau (Aide-toi, le Ciel t’aidera)!

Theo nhà văn Ngô Thế Vinh hiện ở California, “Trên báo chí truyền thông, người ta hay dùng "giai thoại luộc ếch" như một ẩn dụ (metaphor). Đó là nếu ta bỏ một con ếch vào nồi nước nóng, thì con ếch sẽ có phản ứng và nhẩy ngay ra khỏi nồi nước. Nhưng nếu ta đặt ếch vào một nồi nước lạnh, để ếch ngồi trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, một cách rất chậm thì con ếch vẫn thoải mái ngồi trong đó và không nhúc nhích, cho đến khi con ếch bị luộc chín từ lúc nào mà chính nó cũng không biết.

Trên thực tế, thì con ếch sẽ nhẩy ra khi nước bắt đầu nóng. Nhưng không sao, "Hội chứng Luộc ếch” (Boiling Frog Syndrome) vẫn có một ý nghĩa ẩn dụ rất hữu ích khi muốn nói tới nói tới tình trạng con người bị "mất khả năng phản ứng" đối với những mối hiểm nguy đến rất từ từ (gradual threats).

Al Gore nguyên Phó Tổng Thống Mỹ, đồng chia giải Nobel Hoà Bình 2007 do nỗ lực phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra (man-made climate change) và xây dựng nền móng cho những biện pháp chống lại sự biến đổi ấy. Trong cuốn phim An Inconvenient Truth (2006), Al Gore cũng đã dùng ẩn dụ "con ếch luộc" để nói tới sự "vô minh" của con người trước hiện tượng "hâm nóng toàn cầu” (global warming) nhưng trong cuốn phim ấy, con ếch đã được cứu sống.

Cũng không phải là quá đáng nếu đem ví Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trở thành một "con ếch luộc", đang đi dần vào một "Cái Chết Tiệm Tiến của Thế Kỷ" với hơn 20 triệu cư dân thì vẫn cứ đang sống lặng lẽ trong đó, không có phản ứng gì trước một thảm hoạ đến rất từ từ và không thể thấy ngay một cách "nhãn tiền" cho đến khi tất cả một Vùng Châu Thổ cùng với một Nền Văn Minh Miệt Vườn đã bị chìm sâu trong một biển mặn.”

Nhìn dòng sông sẫm dần màu dưới ánh hoàng hôn. Thời khắc này là lúc để cảm nhận cái đẹp mờ ảo, lung linh của dòng sông, nhưng sao lòng tôi lại quá u uất, quá đau buồn!

Chiều buồn bên sông

Mặt trời như quả cầu đỏ rực, hắt bóng lung linh xuống dòng sông Mekong.

Buồn thay! Nơi hạ nguồn, đất nước tôi, dòng sông Cửu Long đang hấp hối!

Chiều buồn bên sông

Chiều buông trên giòng sông Cửu Long
như một cơn ước mong, ơi chiều!
Về đâu, ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.

Chiều về bên sông _ Phạm Duy do Thái Thanh trình bày

Sài Gòn, ngày 28 tháng 2 năm 2016
Hồng A

3 comments:

  1. Một bài viết thật công phu, trình tự khúc chiết, hình ảnh minh họa rất thực tế. Tuyệt!

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn Kim Hương nhiều về nhận xét trên nhé.

    Hồng A

    ReplyDelete
  3. A Thai stumbled upon your blog. After reading your post I'm glad to know that you seems to enjoy your time in TH. Anyway sorry for some inconveniences you might encountered.

    ...Tượng sư Luang Ta Maha Bua bằng sáp, có kích thước như thật... >>> No it's not Luangta Maha Bua's statue, It's Luang Pu Man, his mentor/teacher.

    I live in Chiang Mai, another tourist destination. If you haven't been here, please consider my somment as an invitation for your next trip to TH.

    It seems like you are intrested in university and university's life, so hope you don't mind a bit of info very few outside TH know. There is a yearly tradition for Chiang Mai University students esp. freshmen which was practiced since it was established in 1964. On any specific day, students will walk 14 kms (including the path in the campus) up the road to Doi Suthep to pay respect for the temple up there. There's only one rule: leave no man behind. If you friend is tired, you have to help. If your friend is disabled person, you have to push his/her wheel shair. If you friend cannot walk, you have to carry him/her.

    The ceremony gain more and more attention countywide each year. Below are some clips/news from the past 2 years trekking. Also a blog by a tourist.

    http://wander-lush.org/chiang-mai-university-doi-suthep-temple-thailand/

    https://www.facebook.com/teammorchor/videos/481998295506680/

    https://youtu.be/tAeuN8t7tP4

    https://youtu.be/EKoYxSDQKdc (For this vid you can hit Cc for subtitle)

    https://www.bangkokpost.com/learning/advanced/1084301/shorty-the-dog-leads-chiang-mai-university-up-doi-suthep

    TH is not different from every places. We have good and bad things, also good and bad people. Hope you see the first ones wherever you go.

    Sorry for any typo. I always do them. Be our guest again any time. As they say in the West: Respect is a two-way street. If you respect other people, you're always welcome anywhere in this world.

    Have a good day. :)

    ReplyDelete