Monday, May 1, 2017

Du Ký Ninh Thuận

NINH THUẬN - NHA HỐ, THÁP CHÀM, PHAN RANG, CÀ NÁ, NINH CHỬ, SƠN HẢI 

Tỉnh NinhThuận (thủ phủ:Phan Rang – Tháp Chàm, PR-TC) nằm bên bờ biển Đông, Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa (tp. Nha Trang), Nam giáp tỉnh Bình Thuận (tp. Phan Thiết), Tây giáp tỉnh Lâm Đồng (tp. Đà Lạt). Dân số khoảng 569.000. 3 sắc tộc chánh là Kinh, Chăm và Raglai.
(htpp://vi.wikipedia.org 2011) 

Chú thích  Hình kèm theo đều do thân hữu, thân nhân và tôi chụp từ 1960 đến 2015.

***

Năm lớp nhất tiểu học, tuy muốn biết ý nghĩa của mấy địa danh như Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí,… nhưng tôi không dám hỏi thầy giáo tại sao vua chúa lại đặt mấy tên nghe lạ tai thế. Vô Nam, lên Trung Học Đệ Nhị Cấp, bớt nhút nhát, tôi hỏi thì GS Sử Địa giải thích đại khái đó là tiếng địa phương, đồng thời nửa răn nửa đe “Lo mà học. Trò thắc mắc làm chi cho mất thời giờ của cả lớp”.

Tháng 5/2012 , nhân dịp đến thăm thầy Tỷ, tôi hỏi:
- “Phan Rang” có gốc từ “Pandarang” (*)  là vùng đất trọng yếu của Champa phải không?
Ổng vừa cười vừa khôi hài:
- Mấy vua Đại Việt cướp đất và tàn sát dân Champa nên “Phang” rồi “Rang” cho tụi nó tiêu luôn. 
Tôi hỏi:
- Còn “Ninh Thuận”? (*). 
Ổng đáp:
- “Ninh” cho nhừ thì tụi nó phải “Thuận” chớ sao. 
Tôi bèn tiếp lời:
- Vậy “Phan Thiết” (*)* là “Phang” rồi đóng “hàm Thiếc” cho tụi nó im mồm. “Phan Rí”* là “Phang” rồi “Dzí gươm” vào cổ cho tụi nó câm họng>. 
 Ổng khen tôi gìa mà vẫn còn sáng trí.

Thầy Nguyễn Văn Tỷ (Pháp Văn THBMT 1963 - 65), tên tiếng Chăm là Tra Jya Yut Cham, bút hiệu Chế Vỹ Tân,
Tác giả cuốn “Giáo Dục So Sánh” và một số bài viết về sắc tộc Champa.
Thầy ngồi ở sân nhà trong làng gần Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (PR-TC) với học trò cũ
nay là Thầy Giảng đạo Hồi Chăm BàNi (2012).

(*) Mời đọc “Nguồn Gốc Địa Danh” ở Ninh Thuận và Bình Thuận của Chế Vỹ Tân (bút hiệu của thầy Tỷ). [Google]  {Dzung vui lòng để “hình A.JPG” và phụ đề vào đoạn này}      


NHA HỐ  (Hè 1960)

Giữa năm 1960, Cơ Quan Thiện Chí Quốc Tế thuyên chuyển tôi từ Trung Tâm Nông Lâm Súc Ea-Kmat (Darlak) xuống Nha Hố để thông dịch và dậy vài câu chào hỏi cho 3 đoàn viên sẽ phụ trách trồng thử nghiệm mấy loại cây thực phẩm. Cơ Quan yêu cầu chúng tôi ở ngay trung tâm với các cán sự và lao công địa phương.

Tháp nước (1995). 20 năm sau 30/4/75, tôi ghé thăm Nha Hố. Nhìn nền sơn vàng và 3 từ "Trại Nha Hố" sơn đỏ,
tôi tự hỏi các cán sự và lao công đã làm việc với chúng tôi, dưới Chế Độ Việt Nam Cộng Hòa,
phải chăng sơn như vậy để ghi nhớ những ngày tháng hợp tác đóng góp công sức vào
chương trình cải thiện mức sống của nông dân địa phương? 

Nhà và văn phòng (1960). Xe Jeep của chúng tôi. Đằng sau là Land Rover của nhóm Thiện Chí Quốc Tế
ở số 3 Nguyễn Thượng Hiền, Đà Lạt.
  
Vùng Nha Hố rất khô, quanh năm trời nóng và gió, cây cỏ thưa thớt trừ xương rồng và các bụi rậm đầy lá sắc cạnh. Vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn thấy công và gà rừng. Một lần tôi còn “chạm trán” với một trự heo độc -rất dữ, chỉ còn một nanh cỡ ngón chỏ cong ngược lên sống mũi- đen trũi, ức nở, bụng thon, bự con như chó bẹc-giê Đức, đang xục xạo đào bới mấy luống khoai lang, giống Đài Loan. Hắn hục hục nghênh tôi rồi bỏ đi. Tôi, tay cuốc tay thuổng, cũng bỏ đi nhưng chạy thiếu điều hụt hơi. Giật gân hơn nữa là mấy lần lao công chỉ cho tôi xem dấu chân cọp về bắt bò và dê là hai loại gia súc được dân làng nuôi nhiều vì dê lá cây gì chúng cũng ăn, trừ xương rồng, còn bò khi thiếu cỏ đã có lá xương rồng đốt hết gai bù vào. 

Máy cầy tay (sới đất) Kubota của Nhât.

Tôi dọn cỏ.

Hai cán sự canh nông và Paul thu hoạch Shorgum (Kê? Bobo?) để thẩm định mức dinh dưỡng và năng xuất.

Cao-Bồi Chi, không biết cưỡi ngựa, dẫn bò về chuồng.

Biểu diễn "plông-gziông" ở hồ của đập Nha Trinh (1960).

Theo các chuyên gia địa chất học, hồi tiền sử vùng này là biển. Sau này nước rút, đất nhiều nơi còn mặn nên nhiều loại muông thú không bỏ đi. Một đoàn viên tình nguyện Mỹ bảo tôi nhà nông ở bển đôi khi để muối tảng ngoài đồng cho bò liếm. Năm 1987, khi tôi đi thăm vợ chồng người bạn ở vùng đồng quê tiểu bang New Jersey, tôi mới không ngạc nhiên khi đọc bảng thông cáo các sinh hoạt văn hoá có mục mời cư dân đến xem những “tác phẩm điêu khắc trên muối” của các chị bò sữa! 

Cô Diana chụp hình con trai đang chụp hình anh rể, chị và bố (1995).

Dê, các bụi cây lá sắc cạnh và xương rồng.

Ở Nha Hố, ngay trong tuần lễ  đầu, vì cần nước tưới cây trồng thử nghiệm đều đặn, 3 đoàn viên Mỹ đã chỉ dẫn cho lao công lắp đặt một bộ cánh quạt gió với láp thẳng đứng bắt vào trục máy bơm tay đưa nước lên bể chứa. Từ đó, trung tâm có “hệ thống dẫn thủy” liên tục và chúng tôi luôn luôn có sẵn nước sạch để nấu ăn. Tắm rửa chúng tôi ra hồ của đập Nha Trinh. Đêm nào nóng quá ngủ không được, chúng tôi mở vòi nước tưới cây tắm mát rồi vô nhà ngủ tiếp. Đọc sách viết thư lúc trời tối, chúng tôi dùng bóng 12 volts gắn vào bình điện thay cho đẻn “măng xông” tuy sáng chưng nhưng rất nóng, chưa kể chốc chốc phải bơm tay tăng áp xuất đẩy “khí đá” trong bầu lên tới “bóng” đèn. 


Hồ của đập Nha Trinh (2015).

Đập tràn (Spillway) là một phần của đập chánh để nước thoát bớt khi hồ đầy quá mức.

Ngoài đập Nha Trinh xây từ thời Pháp Thuộc, đập sông Đa-Nhim do Nhật tài trợ,
bồi thường Chiến Tranh Thế Giới II (?) [Google Search],
đưa vào xử dụng từ năm 1964. Đi qua đèo Ngoạn Mục trên đường Phan Rang - Đà Lạt
sẽ thấy 2 ống kim loại khổng lồ dẫn nước xuống nhà máy thủy điện.
Nhờ vậy, Nha Hố trở nên xanh ngát.

Ngoài lúa, bắp, khoai, đậu, mía, dân còn trồng nho.
Cách đây cả trăm năm người Pháp đã trồng nhưng không nhiều như hiện nay.

Chung quanh đập Nha Trinh.

Dù sinh hoạt hàng ngày thiếu nhiều tiện nghi nhưng tôi rất khoái chí được làm việc ở Nha Hố vì từ tuổi tiểu học ở Hà Nội tới cấp trung học ở Saigon, tôi rất mê phim Cao Bồi. Nha Hố với những ngọn đồi trơ trụi, với những núi đá tảng, với nắng hè cháy da, gió cát rát mặt, với những hồi còi xe lửa văng vẳng lúc lớn lúc nhỏ khi tầu đến và rời ga Tháp Chàm làm tôi mường tượng như đang sống giữa các sa mạc ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ. 

Dàn nho.

Lao động thời vụ.

Rất tiếc nho không ngon ngọt. Nhiều khi bán rẻ cũng ít ai mua.
Đưa lên Đà Lạt làm rượu chát/vang nhưng phẩm chất còn thấp.  

Bắn cọp vồ bò ở Nha Hố

Khoảng giữa tháng 7, một nông dân đến nhờ các ông Mỹ có súng đi bắn cọp giùm vì nó mới vồ bò của ổng. Paul và tôi đồng ý giúp. Chạy xe Jeep băng đồng tới nơi, chúng tôi cột xích kéo xác bò đến gần một gò đất. Nông dân cho biết, theo kinh ngiệm, trời chạng vạng tối cọp sẽ đến ăn. Họ giúp chặt cành cây gài và cột quanh xe trừ phía trước để bảo vệ và ngụy trang trong khi chúng tôi tháo mui xe, ngả kiếng chắn gió, chuẩn bị súng đạn, đèn pin săn đêm, đồ ăn khô và nước uống. Xế chiều Paul lái xe lên gò, đặt súng trên ca-bô (nắp che dàn máy). Trong lúc chờ cọp, Paul đọc Thánh Kinh, tôi tụng Tam Quốc Chí. Chẳng rõ lâu mau, bỗng dưng chim chóc, côn trùng im bặt. Ngoảnh sang trái, tôi thấy Paul, hai tay nâng Thánh Kinh, ngồi như phỗng đá. Rồi qua các kẽ hở giữa cành lá, tôi thấy Cọp đi vòng sau xe sang bên tôi. Sợ quá, tôi muốn bảo Paul “đề” (khởi động) máy bỏ chạy, nhưng cứng họng, nói không ra tiếng. Đánh hơi một hồi, Cọp bỏ đi. Paul xuýt xoa nói nó đứng sát xịt, hết dám cục cựa. Hoàn hồn, tôi bảo Paul đến lượt tôi giữ súng. Trời tối dần. Tôi đeo đèn săn lên trán rồi bắt giây đèn vào hộp pin móc ở đai lưng. Xong việc, vừa ngửng lên, tôi đã thấy Cọp đứng cạnh xác bò. Đợi Cọp cúí xuống ăn, tôi nhắm vào mạng sườn sát vai, may ra trúng tim hay phổi, rồi nổ súng. Cọp gầm và nhẩy cẫng lên cao đến hơn đầu người rồi rớt xuống xác bò. Tôi lên đạn, bắn phát nữa, trúng bụng. Cọp oằn mình vùng giậy rồi khập khiễng bỏ chạy. Paul “đề” máy, mở đèn, đuổi theo. Được một quãng, từ sau một lùm cây, Cọp chồm ra. Paul thắng xe, bật đèn pha. Cọp bị choá mắt, đứng im. Paul hét “Hang on = bám chặt vào thành xe” để anh tông nó. Tôi la “No” vì sợ rách bộ da. Đứng lên ghế, tôi nhắm giữa hai con mắt xanh lè, bóp cò. Cọp khuỵu cái rụp. Hăng máu, tôi lên đạn, gỡ mấy cành cây, xuống xe, chọc chọc nòng súng vào hông Cọp. Cọp không cục cựa. Mừng quá, tôi cầm súng chạy quanh và hò reo như khi nhẩy màn Lửa Rừng Đêm Hướng Đạo. Xa xa, lao công và mấy người làng cầm đuốc đang theo nhau chạy tới. Paul nói cho anh bộ da mang về Mỹ làm kỷ niệm. Tôi gật đầu. Mấy người chuyên lột da bò, da dê bảo phải lột ngay đem về Chợ Lớn thuộc sớm mới đẹp và bền. Đổi lại tôi phải cho họ hết xương, thịt và nội tạng. Tôi bằng lòng với điều kiện phải chia phần cho chủ bò và trả tôi cái sọ. Họ đồng ý chia phần nhưng than nấu cao hổ cốt mà không có cái đầu thì cao yếu xì. Tôi không chịu. Kỳ kèo không được, họ nhận lời và bảo tôi lột da xong họ sẽ luộc cái đầu rồi đem ra đồng để trên ổ kiến lửa. Qua đêm là sạch boong. Mấy ngày sau ở Saigon về, không thấy sọ cọp, tôi hỏi. Họ đáp sáng hôm sau ra ổ kiến, không thấy sọ đâu. Chắc cáo hay mèo rừng tha đi mất tiêu! 

Nhóm chuyên lột da bò nói Cọp này chỉ dzớt cái một là bò gẫy cổ.
Người chịu sao thấu. May từ đời ông, đời cha đến nay, vùng Nha Hố chưa ai bị cọp vồ.
Vậy đó mà thấy dấu chân "ông" là mất ăn mất ngủ, nhất là nhà có con nhỏ (1960).

Phát đạn thứ ba, hóa kiếp cho Cọp.


THÁP CHÀM 
                                                  
Tháp nổi tiếng Po Klong Garai hồi đó bị hoang phế nên chúng tôi chỉ lên xem một lần. Sau này quần thể Tháp trông rất đẹp nhờ được các chuyên gia bảo cổ Ba Lan phục chế.


Cổng lên quần thể tháp Ko Plong Garai. Học Kỳ Mùa Thu 1994


Lần tôi đi xe lửa mang bộ da cọp ướp muối vào Chợ Lớn để thuộc thì ga chưa có hàng quán trừ mấy người buôn thúng bán mẹt. Khách đợi tầu đứng quanh hay ngồi xổm tùy tiện. Cần “giải toả nỗi lòng” phải ra sau mấy bụi cây hay cụm xương rồng. Ở Saigon về, tôi đi chuyến 8 giờ tối, tới Tháp Chàm 6 giờ sáng. Tôi mướn xe ngựa, trông giống xe thổ mộ, về Nha Hố. Dọc đường, đó đây toàn bông xương rồng trắng nõn, đỏ rực, tím xanh rất đẹp nhưng mặt trời mọc cỡ con sào là tàn một kiếp hoa. 

Đã biết phục vụ cộng đồng (2015).

Phòng chờ tầu và đưa đón khách.

Đây mới là "Văn Minh".

Trên đà tiến bộ.

Ở Việt Nam bây giờ nhiều nơi như Tháp Chàm, Cà Mau thích dùng tiếng Anh nhưng đôi khi "quá trớn".
May mà bệnh viện kế bên còn dùng bảng tiếng Việt để ai không biết tiếng Anh cò tìm ra bệnh viện.
Post Office thì không quan trọng như bệnh viện.

Quảng cáo và tiếp thị không thua ở các thành phố lớn.

Trưng bày hàng hoá cũng vậy.

1960 - 2015:  Từ thời buôn thúng bán mẹt đến ngày vươn ra thế giới.

Đường bộ Phan Rang - Đà Lạt, dài khoảng 100Km, chạy qua Tháp Chàm.


PHAN RANG (1960, 1993, 1995, 2012, 2015) 

Ba đoàn viên đồng quê Mỹ không những giỏi xử dụng nông cơ mà còn chăm chỉ công việc đồng áng. Họ chỉ nghỉ ngày Chúa Nhật để đọc Thánh Kinh, đánh máy chữ viết báo cáo định kỳ, ghi nhật ký, viết thư tay cho thân nhân, giặt quần áo và nấu ăn. Tôi cũng nghỉ nhưng vì không đi nhà thờ, đền chùa nên “phải” lái xe Jeep đưa Ông Bếp ra Phan Rang mua thực phẩm không có bán ở mấy làng chung quanh nông trại. 

Tôi tự học lái xe ở Ea-Kmat (Darlak,04/1958-06/1960).Thi bằng lái ở Phan Rang 02/07/60.

Năm 1961, Sở Kiểm Tra Xe Hơi Nha Trang cấp bằng chánh thức. 

Ông Bếp ở Nha Hố. Món đặc biệt của ổng là kỳ nhông (cắc kè?) lột da rồi băm cả xương chiên với hành tỏi.
Tôi chào thua. Kỳ nhông thích ăn lúa và hành lá.
Nhà nông vót cần tre thân nhỏ, dài khoảng cánh tay, uốn cong, cột giây thòng lọng rồi treo trước hang.
Kỳ nhông mắc bẫy bị treo lơ lửng. Bẻ gẫy xương sống cổ bầy bán, chúng sống nhưng không bò đi được.

Thả Ông Bếp xuống chợ và hẹn giờ đón hai, ba tiếng sau vì ổng có bạn nhậu ở đó, tôi bắt đầu chạy xe lòng vòng trong khu phố có đường tráng nhựa rồi tấp vào tiệm phở sang nhất thị xã kêu một tô tái gầu gân đặc biệt có bỏ thêm lòng đỏ trứng gà, một chén nước béo, một dĩa húng láng, ngò gai, giá sống, một ly cối cà phê sữa đá và một gói Marlboro có hình một tay Cao Bồi trông rất cao bồi. Ăn uống và thanh toán tiền xong, tôi luôn luôn thưởng công hậu hĩ cho hầu bàn vì sau đó là mục ra sân sau đã có sẵn một thau nước sạch dành riêng cho tôi rửa mặt, soi gương, chải đầu trước khi dzọt tới tiệm sách khang trang nhất thị xã để mua báo cuối tuần được xe lửa đêm chở từ Saigon ra. Nói là mua báo nhưng cốt để lấy le với con gái ông bà chủ vừa trông coi cửa hàng, vừa tính tiền sách vở, tạp hóa. Lần nào cũng vậy, chưa gặp thì tôi quyết tâm sẽ theo phong cách cao bồi Mỹ: “nghiêng mình, ngả nón (lưỡi trai), tự giới thiệu rồi xin cô cho biết quý danh” nhưng tới lúc “mặt nhìn mặt” - chưa được “cầm tay bâng khuâng”- tôi chỉ dám hỏi giá báo mà tôi đã biết từ lần mua đầu tiên. May cổ vẫn nhỏ nhẹ trả lời chứ cổ mà trách sao hỏi hoài vậy thì tôi không biết phải đối đáp ra sao cho khỏi mang tiếng “djô djuyên”. Cuối Hè, chuẩn bị về Saigon theo học Khoá Sư Phạm Cấp Tốc 08/1960 - 05/1963, tôi mới dọ hỏi được tên. Tôi quyết tâm Hè sau sẽ ghé chào đúng danh tính. Không dè, Hè sau tôi bị đổi ra Quảng Ngãi. Hè sau nữa, tôi “phải” ra Huế, ở nhà số 6 đường Trần Thúc Nhẫn, gần trường Đồng Khánh. Không gặp lại người đẹp Phan Rang nhưng tôi hiểu bằng mắt tại sao “học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”.

Hè 1960. Chúa Nhật nào tôi cũng thả Ông Bếp xuống đây. Hồi đó chợ lụp xụp, bừa bộn và rất thiếu vệ sinh.

Mua trả tiền Việt, Mỹ, Anh, Úc hay Euro đều OK. "Tệ" (tiền Nhân Dân Tệ TQ) cũng OK
nếu khách chịu tỉ giá "thua thiệt một chút" (2012).

Tôi, thầy giáo tiếng Anh lưỡng quốc, mà không hiểu rõ vài từ ở bên trong tiệm.

Bà, “Tiệm ABêXê bán hàng hiệu không hà.”. Cháu, “ÊBiXi. Ngoại đọc trậc lấc.".

Jeans. Made in China.

Đẹp hơn cô hàng sách báo nhiều nhưng hổng có "má lúm đồng tiền trông xinh ghê".

Không biết có phải cây Phượng Vỹ cách đây 52 năm không (1960-2012)?
Năm 1963, tốt nghiệp Sư Phạm, theo đơn thỉnh cầu, tôi được bổ lên dậy tiếng Anh ở trường trung học Ban Mê Thuột. Vừa bận dậy học, vừa hăng hái tham gia các sinh hoạt học đường, tôi quên dần cô hàng sách. Bốn mươi ba năm sau (2003) một người quen đã sống và làm việc ở đó cho biết sau biến cố 30/04/75, cửa hàng của cha mẹ cổ bị niêm phong, sách báo bị tịch thu và thiêu hủy. Rồi gia đình lâm cảnh “xẩy đàn tan nghé”, rồi thảm họa ập xuống, rồi hình như cổ không qua khỏi. Năm 2015, 55 năm sau, tôi tìm đến chốn cũ thì chẳng còn gì như xưa. Đi bộ tới chợ Phan Rang, tôi chỉ nhận ra được ngôi đền của người Hoa, sơn quét sáng sủa nhưng kiến trúc vẫn giữ nguyên dạng. 


Chữ “xưa” còn một chút này (Kiều lẩy).

Hơn xa mặt tiền trường ngoại ngữ Diplomatic Language Services (DLS) ở Tp. Arlington, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ,
nơi tôi thỉnh thoảng dậy tiếng Việt cho công chức bộ Canh Nông và Thương Mại Mỹ
chuẩn bị đi nhậm chức ở VN trong 7 năm qua (2009 - 2016).
Thầy giáo tiếng Anh như tôi bây giờ có về tỉnh nhỏ cũng chưa chắc đã được các trường ngoại ngữ tuyển dụng
vì râu tóc, mắt mũi rõ ràng là con cháu vua Hùng, not native speaker.

Một bên của đại lộ 6 lán xe đi ra biển Đông (2012). 

Bên ngoài không thua Saigon, Hà Nội.

Trung Tâm Văn Hóa có các sinh hoạt thể dục, thể thao và giải trí cho mọi lứa tuổi nam nữ.

TIẾNG XƯA. Phòng trà có nhạc sống và sàn nhẩy (2012).

Ô MÊ LY -  Ký ức thời gian. Khiêu Vũ và Hát Với Nhau (2012).  

CÀ NÁ  (gốc tiếng Chăm là  Canah Kluw* = Ngã Ba Đường)

Cà Ná cách Phan Rang khoảng 30km, cách Nha Hố khoảng 20km.

Hè 1960, chiều tối Chúa Nhật, đôi khi chúng tôi ra đây bơi lội. Nước biển rất mặn, chỉ cần nằm ngửa, hít hơi đầy phổi, thở ra từ từ rồi hít vô thật nhanh là không bị chìm. Bơi đêm, mỗi lần sải tay hay đập chân thì lân tinh trong nước biển lấp lánh như có hàng đàn đom đóm bay theo. May không có cá mập. Với biển xanh, cát trắng, đá chồng, với mấy hàng thùy dương vi vu trong gió, với những giây hoa tím la đà trên mặt đất, tôi thấy Cà Ná đẹp hơn nhiều bãi biển trong nước, kể cả mấy bãi biển nổi tiếng ở Âu Mỹ, mà tôi đã đi thăm và bơi lội. 

Học Kỳ Thu 1993.  Chúng tôi ở nhà nghỉ độc nhất này 2 đêm, 3 ngày.
Đúng mùa, hoa tím nở la đà trên mặt đất. Xa xa là hàng thùy dương.

HK Thu 1994. Đứng bìa phải, đeo máy hình là hướng dẫn viên du lịch,
người Việt gốc Chàm, Thành Ngọc Trào, cựu hs thbmt.

HK Xuân 1995. Dưới hàng thùy dương.

Thảo luận nhóm ở bãi biển Cà Ná. Quá 30 phút, sinh viên đứa kêu nhức đầu, đứa kêu đau bụng, đòi “break = nghỉ”.

HK Xuân 1999. Cà Ná có thêm mấy hàng ăn.
Mừng cho các bà, các chị và mấy cháu bán đậu phọng luộc, bánh tráng, hột vịt lộn, trứng cút,...có thêm khách.
Khổ nỗi các “nhà” vệ sinh lại được dựng ngay trên gềnh đá để dễ xối nước xả chất thải xuống biển.
Chúng tôi hết dám bơi lội.

NINH CHỬ (1960, 1998, 2012)

Vũng biển này cách Phan Rang khoảng 6Km. Hè 1960, Ninh Chử chỉ có mấy làng chài. Chúng tôi ra khơi theo ghe đánh cá đêm một lần. Rất thú vị, nhất là khi được ăn mực sống vắt chanh. Mùa Thu 1998, tôi đưa đoàn sinh viên Học Kỳ Hải Ngoại ghé chơi và ở khách sạn du lịch vì giá phòng không mắc, cơm nước rẻ, sớm tối rất yên tĩnh. Hè 2012, Ninh Chử vẫn vắng khách, chắc vì nơi này nằm giữa hai khu du lịch biển nổi tiếng, Mũi Né và Nha Trang, mà lại không có các sinh hoạt giải trí hay thể thao, ngoại trừ khoản nhậu nhẹt om xòm và thiếu thanh nhã.  

Vũng biển Ninh Chử (2012).

Bãi biển.

Ngoài khơi.

Loại thuyền đánh cá gần bờ.


Làng chài.

Vào khu Nghỉ Dưỡng (Resort).

Không còn “ba cùng” (cùng làm, cùng ăn, cùng ở) với nhân dân nữa.

Cũng có “nhân dân” nhưng đều được “lao động vinh quang” như lau chùi, quét dọn, bưng cơm, rửa chén,...

SƠN HẢI.

Sơn Hải là địa điểm đã được chọn để xây Nhà Máy Điện Hạt Nhân. 

Nhiều người Việt gốc Chăm phản đối dự án này. Năm 2012, nhà văn Trà Vigia viết thư ngỏ giãi bày hiểm họa diệt chủng sắc tộc anh, hiện còn khoảng 200.000 người, nếu xẩy ra tai nạn như Chernobyl (Liên Xô,1986 –Google) hay Fukashima (Nhật, 2011 – Google). Tôi nhận lời dịch thư để gửi mấy nhóm thân hữu Mỹ có công tâm bảo vệ môi trường và nếp sống truyền thống cá biệt của các sắc tộc ít người. Rất may, năm ngoái Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam bỗng có quyết định “rất sáng suốt” là ngưng tiến hành dù đã xây cất được một phần hạ tầng cơ sở -báo chí đưa tin chi phí lên tới cả chục triệu Đô Mỹ- với lý do điện hạt nhân không rẻ mà còn gây thảm họa khôn lường nếu xẩy ra tai nạn. Theo tôi, “rất sáng suốt” nhưng “quá chậm hiểu” vì nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã liên tục cảnh báo nguy cơ thảm họa từ đầu. Tin ngầm cho biết lý do thực sự là Nga túng tiền và dân Nhật phản đối chánh phủ họ “tài trợ” cốt để bán máy điện hạt nhân cho VN trong khi VN còn thiếu nhiều cán bộ và chuyên gia có Tầm, có Tâm để quản lý và điều hành. Mới đây, Đảng CS & Nhà Nước VN lại thoả thuận để TQ xây Nhà Máy Chế Biến Thép ở đây. Báo Washington Post ở Thủ Đô Hoa Kỳ đưa tin bộ Thương Mại Mỹ quan tâm đến dự án này vì e ngại TQ có hậu ý xuất khẩu thép qua ngả VN để hưởng “ké” mức thuế ưu đãi Mỹ dành cho VN. Nếu dự án Nhà Máy Thép không thành, tôi mong Trần Văn Bình -Tiến Sĩ Khoa Học Đức Quốc- và Trần Khang Thụy -Chủ Tịch/Phó CT Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế (CESAIS) và một Tổ Hợp Du Lịch, Lữ Hành ở Saigon- sẽ được phép thực hiện dự án Điện Gió đại quy mô ở tỉnh Ninh Thuận mà Bình (thbmt 1960-1967) và Thụy (thbmt 1966-1973) đã kiên trì đeo đuổi từ nhiều năm qua.

Khu dân cư đã/đang giải tỏa đền bù.
Một số người “biết trước” Cơ Sở Điện Hạt Nhân sẽ được thiết lập ở đây đã "đón đầu" mua nhiều nhà/đất giá rẻ
để đã/sẽ được đền bù "khủng". Triệu phú (đôla) mấy hồi (2015).

Chi phí xây dựng hạ tầng cơ sở rất cao dù chưa biết dự án sẽ được thực hiện không vì "có làm mới có ăn".

Mặt bằng phải bao la mới đạt/phá kỷ lục Guinness thế giới.

Xa lộ chưa biết có bền vững không nhưng báo chí trong nước đưa tin
giá thành làm mỗi Km không những cao nhất ĐNÁ, mà còn cao hơn cả ở Mỹ. 

Bùi Dương Chi.
Thầy giáo tiếng Anh.
THBMT. 1963-1974.       

3 comments:

  1. Kính thưa thầy Chi,

    Gọi là du ký Ninh Thuận nhưng phần hồi ký về vùng đất này lại hay nhất. Và trong phần hồi ký, “chiến công” hạ cọp với bức hình người thợ săn thiện xạ cùng khẩu súng dài là nổi bật nhất, oai phong nhất, và càng đáng nể hơn nữa là chiến tích này lập được cách đây hơn nửa thế kỷ, chính xác là 57 năm! Lúc đó học trò của thầy, đa phần còn ê a hay đang mải mê đánh đinh đánh đáo.

    “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, cọp ba móng trước đây hoành hành ở vùng Bù Đăng-Bù Đốp nay đã bị giáo sư Anh văn-thợ săn thiện xạ bắn hạ; còn ma Bình Thuận chưa nghe thầy kể giai thoại nào nhưng ma này là có thật …

    … Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
    Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
    Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi …
    Điêu tàn _ Chế Lan Viên

    Thầy đã đưa học trò về vùng đất tuy không xa xôi lắm nhưng lại khá xa lạ bởi vì, cho đến 1975, không mấy người trong số cựu học sinh của thầy đặt chân đến đây để hiểu biết cặn kẽ hơn. Tên các địa danh thì không lạ nhưng, đặc biệt sau 1975, địa danh tuy còn đó nhưng hầu hết những gì gắn liền với địa danh đó hoặc đã biến mất, hoặc bị “tróc nóc”. Suy cho cùng thì Bình Thuận và Ban Mê Thuột “của thầy” không còn nữa. Những gì còn lại để thầy ghi trong hình là vẻ phồn hoa lòe loẹt, diêm dúa, vô hồn.

    Và hình ảnh đẹp nhất của lòng thầy cũng không còn, Cô Hàng Sách của thầy với “má lúm đồng tiền trông xinh ghê!” cũng đã biền biệt khi thầy quay lại sau bao năm! “Hãy yêu những gì mà ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại lần thứ hai” thầy ạ!

    Vì thế Bình Thuận của thầy cách đây hơn nửa thế kỷ mới thật đáng trân trọng, không hẳn là sự trù phú ở đây mà là nét dấn thân phụng sự xã hội của một trang thanh niên bẻ gẫy sừng trâu, cơ bắp cuồn cuộn, vụ cười hồn nhiên và “hết ga”. Nét dấn thân ngày nay không còn tìm thấy ở “rường cột đất nước” này. Họ phung phí tuổi trẻ ở quán cà-phê và quán nhậu, hay co rút trong cái vỏ ốc mốc meo. Tiền đồ của đất nước được tìm thấy ở đây!

    Thầy đã đưa một số học sinh-sinh viên Hoa Kỳ đến Việt Nam để họ thấy được nét gấm vóc còn bàng bạc nơi đây, vùng đất mang dấu ấn rất đậm còn tươi rói mực trong lịch sử đất nước họ. Thật trân trọng!

    Ô nhiễm và tàn phá tài nguyên ở mọi nơi. Cà-Ná sẽ không còn cho dù bóng ma điện hạt nhân hay nhà máy thép vẫn còn lởn vởn chưa hiện ra _ Các dự án hủy diệt này chỉ tạm ngưng chứ chưa bỏ hẳn. Rất mong hai cựu học sinh Trung Học Ban Mê Thuột khai triển được dự án nhiên liệu sạch: điện gió ở Bình Thuận, cho dù các nhà thầu Trung quốc về mọi lĩnh vực _ kể cả điện gió _ luôn là đối thủ đáng sợ trên đất nước Việt Nam.

    Học trò Phùng Ngọc Cửu

    ReplyDelete
  2. Kính thầy Chi,

    Mãi đến hôm nay em mới đọc bài thầy viết về Phan Rang vì em đi Boston về rồi thì bận chuyện Cộng đồng VN, xong hết mọi chuyện bận bịu thì tâm trí mới thư thả để.... nhâm nhi, để thưởng ngoạn bài thầy viết. Em không đọc như cưỡi ngựa xem hoa được đâu, uổng lắm thầy ơi!
    Em chưa biết Phan Rang, đọc bài của thầy dẫn em đi thật thích thú, từ lịch sử, địa lý, nhân văn đến sinh hoạt xã hội khắp hang cùng ngõ hẽm, ngay cả đến việc dẫn vô rừng săn cọp!
    Chuyện đi săn cọp: Đến lúc thập tử nhất sinh như vậy mà thầy còn sợ rách bộ da! Thua thầy luôn...
    Chuyện cô hàng sách: Thú vị nhất thầy ạ! Thật hóm hỉnh!
    "Thầy giáo tiếng Anh như tôi bây giờ có về tỉnh nhỏ cũng chưa chắc đã được các trường ngoại ngữ tuyển dụng vì râu tóc, mắt mũi rõ ràng là con cháu vua Hùng, not native speaker." Chuyện này có thiệt không thầy? Nếu vậy thì chúng nó quá lếu láo.
    Em thích nhất tấm hình "Làng chài" thầy ơi. Rất thực tế và không dàn dựng ngư cụ, cảnh trí thật ngoạn mục với thiên nhiên mênh mông.
    Khi nào thầy gom hết bài thầy viết và in sách, thầy nhớ để dành cho em vài cuốn nha thầy.

    Trò Kh.

    ReplyDelete
  3. Cám ơn PNCửu và Trò Kh đã đọc hồi ký Ninh Thuận và gửi lời nhận định. Để các thầy cô và CHS thbmt tham gia mạng thbmt74 có dịp đọc bài trên và nhận định của 2 CHS cũng như hồi âm của tôi, tôi đã gửi cả ba phần qua Email Google Group.
    BDChi

    ReplyDelete