Banmêthuột mình vốn là xứ sở nắng bụi, mưa bùn, có lẽ vì thế mà tình người ở đây cũng gắn bó như đất đỏ bazan thì phải.
Mới đó mà đã gần bốn mươi năm, quá nhiều kỷ niệm của một thời chẳng thể nào quên. Mình vào trường THTH BMT năm 1972, lúc đó lớp 10A1 học ở đầu dãy thứ 3, còn nhớ bạn Bùi Văn Đán là lớp trưởng, biết mình là “ma mới” nên bạn đích thân lên văn phòng lấy cho mình 2 cái bảng tên để về thêu tên và may vào áo dài đi học. Lúc đó mình chưa trổ giò nên ngồi bàn thứ hai, cạnh Mỹ Hoa (nhà bạn này làm kẹo dừa ngon tuyệt cú mèo, bây giờ mỗi khi ăn kẹo dừa vẫn nhớ bạn xưa, không biết bây giờ ở đâu), Mai Phương Hồng và Nguyễn Thị Lạc.
Lên lớp 11A1 thì chuyển lên giữa dãy 1, thầy Phạm Văn Phước là Giáo sư Hướng dẫn, hồi đó thầy có mái tóc bồng bềnh rất lãng tử, khi đó mình đã cao rồi nên không còn được ngồi phía trên những bàn đầu nữa, phải ngồi phía sau với Ngọc Trang, và dễ ăn vụng trái cây như me ngâm, chùm ruột ngâm trong lớp, nhớ bạn Cự tóc quăn, giỏi toán ngồi ngang bàn mình phía con trai, mỗi lần thấy bọn mình ăn, bạn giả đò giơ tay thưa thầy làm mình sợ muốn chết.
Thầy Nguyễn Giõng dạy Việt văn, lúc đó thầy hay hát bài Ngọc Lan, cứ gần hết giờ là yêu cầu thầy hát, thầy cũng chiều học trò và hát say sưa, có lần bị khan cả tiếng (chuyện này chắc không phải ở trường nào cũng có các bạn nhỉ).
Lên lớp 12A1 thì lại học ở dãy 2, thầy Nguyễn Đình Dũng làm Giáo sư Hướng dẫn, cắm trại ở trường thi nấu món ăn sáng, nhóm mình làm món xôi đậu phọng (mình xung phong làm đầu bếp vì dễ nấu), không ngờ Thầy thích món này nên được chấm hạng nhất, sướng phồng mũi.
Thầy Lý Quân Hiếu ra trường năm này, dạy Sử Địa, thầy cho học sách mới phải gửi mua ở Sài gòn mới có nên các bạn chưa có đủ sách, gặp hôm thầy để sách ở nhà và hỏi có bạn nào mang sách đưa cho Thầy mượn, các bạn xúi mình giấu sách đi và nói là không có để thầy cho nghỉ, Thầy giận bỏ ra ngoài hành lang đứng, báo hại Trưởng lớp Chu Thị An phải chạy ra năn nỉ Thầy chứ để Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tùng mà biết thì chết cả đám.
Thầy Trương Vinh dạy môn Điểm động học, môn này mỗi tuần chỉ có 1g từ 11:30 đến 12:30 sáng thứ Hai (năm 12 bọn mình phải học 5 tiếng, các lớp dưới chỉ học có 4 tiếng), thầy làm việc bên Sở nên hay qua muộn một chút xíu, cả lớp rình xem đồng hồ đủ 10’ là xách cặp chạy (có khi nhìn thấy xe Vespa trắng của Thầy ở cổng rồi mà vẫn chạy), về sau Thầy Giám hiệu Bùi Thế Vĩnh biết chuyện này nên cứ đến giờ là Thầy xuống lớp, và dạy giùm Thầy Trương Vinh nếu cần, thế là hết trốn.
Tuy mình học A1 nhưng vẫn biết tiếng các bạn lớp khác như học giỏi thì có Trần Thị Dung, Thanh Hương, văn nghệ giỏi thì có Kim Oanh, còn một số bạn thì có học đệ nhất cấp với mình nhưng lên đệ nhị cấp ở lớp khác như Kim Liên, Sang, Ngọc Thư, Phụng, Đậu Kim Hạnh, Lý Ly Hương... Nam Đà thì từ hồi học chung trường Tiểu học với mình bạn học rất giỏi, thấy bạn lên cột cờ lãnh bảng danh dự hoài nên nhớ bạn, đến hè năm 12 đi dự Trại hè ở Nha Trang thì biết thêm Thế Hùng, Bình và một số bạn bên lớp B. Riêng Tuyết Lang thì là hàng xóm và Hương Thi cũng như Nguyễn Y Long thì do bố mẹ mình là bạn với bố mẹ của các bạn từ ngày xưa nên bọn mình biết nhau.
Sau này khi vào học Sư phạm Bmt thì gặp Phùng Tất Đạt, Kim Hương… vì thế nên đến khi các bạn có ý họp mặt lần đầu tiên sau 1975 tại sân nhà mình thì không thể họp riêng lớp mình được mà phải mời cho đủ ba lớp A và lớp B, các bạn tự nhắn nhau đến tham dự chứ mình làm gì có địa chỉ hết của mọi người đâu, mình qua trường mượn bàn ghế về kê trong sân để các bạn ngồi và mời cả các thầy cô đến dự cho vui, lúc đó còn thầy Cung Kim Trạch và các bạn Nghiêm Đình Đãi, Đặng Văn Vệ. Tiếc là sau này vì nhiều lý do nên không thể tổ chức được nữa, nhưng nhờ vậy mà vẫn giữ được mối thân tình cho đến bây giờ.
Các bạn đồng nghiệp cũng như các bạn mới quen sau này, ai cũng ngạc nhiên là tại sao mình vẫn giữ được liên lạc với các bạn từ hồi còn Trung học như thế, chỉ có thể giải thích một cách tự hào là “dân BMT mình vậy đó”. Và cũng chỉ bạn học thì mới có Quang Tâm và Ngọc Trang đôn đáo và lo lắng khi mình chuẩn bị mua nhà ở Sg, phải để các bạn kiểm tra giấy tờ nhà trước khi mua (đến nỗi người bán tưởng Quang Tâm và Ngọc Trang là “cò” nhà), lúc dọn nhà thì thêm Trung, Thế Hùng phụ vào, còn khi mình than thở về những điều không hợp ý trong công việc thì Y Long “phán” ngay: “Thời buổi này ghế thì ít mà đít thì nhiều, lơ mơ là mất ghế đó, đừng có mà đòi hỏi quá đáng, bà không bị gánh nặng chồng con nên bà chưa biết sợ đó thôi”, lâu lâu lại gọi nhau đi ăn uống, nghe nhạc, mỗi khi có đám cưới ở BMT thì lại gọi anh Chềnh Mộc Sáng cho xe chở cả lũ đi cùng cho vui. Hay có lần nửa đêm chợt nhận được một cuộc điện thoại với câu hỏi “Mai ơi, trong bài “Hoa Xuân” của Phạm Duy có câu “có một chàng thi sĩ miền quê, “ngắt” bông hoa biếu người xuân thì hay là “hái” bông hoa biếu người xuân thì?” tất nhiên là mình khẳng định ngay “à, “ngắt” bông hoa biếu người xuân thì chứ”, thế là nghe được một tràng cười sung sướng ở đầu bên kia “ô, thế là mình thắng cuộc rồi” té ra là Trần Văn Bình đang cá với ai đó và gọi cho bạn để làm chứng. Đã thành thói quen, mỗi khi gặp chuyện gì bí thì a lê hấp, gọi ngay cho các bạn để nhờ gỡ rối, cho nên dù ở một mình nhưng chẳng khi nào mình cảm thấy lẻ loi cả khi có hàng đống “chuyên gia” sẵn lòng giúp đỡ. Đến mùa thi cử, các bạn đưa con đi thi mình cũng hồi hộp, mong cho các cháu đỗ đạt, đến khi các cháu ra trường, có chút kinh nghiệm gì thì cố gắng giúp các cháu qua vòng phỏng vấn tìm việc, lâu lâu bọn nhỏ ghé nhà thăm là vui lắm rồi.
“Hạnh phúc không nơi đâu xa, hạnh phúc ngay trong tim ta”, lời của một bài hát nào đó quả là chính xác, không hạnh phúc sao được khi tóc đã hai màu mà vẫn còn có dịp thỉnh thoảng gặp lại thầy xưa, bạn cũ, cho dù có thầy mình được làm học trò, có thầy thì không nhưng được gọi Thầy và được làm học trò mãi mãi thì chẳng có hạnh phúc nào bằng.
Viết đêm 12 tháng 11 năm 2011 nhân ngày gặp mặt Thầy Chung Phước Khánh
Lê Thị Tuyết Mai
Viết đêm 12 tháng 11 năm 2011 nhân ngày gặp mặt Thầy Chung Phước Khánh
Lê Thị Tuyết Mai
Đọc đi đọc lại bài này của Tuyết Mai rồi nhưng nay mới viết comment.
ReplyDeleteĐúng như Mai nhận định: người Banmêthuột chúng mình có cái gì đó lạ lắm. Phải chăng màu đất đỏ bazan quyện chân người? Nhận định của Mai khiến mình nhớ lại một người quen đã nói: trong đời tôi chưa thấy ai đã từng ở BMT rồi mà ra đi không trở lại và -cũng người ấy- khẳng định chắc nịch rằng: muốn rời BMT đi mà không trở lại chỉ có một cách duy nhất là mua một bộ đồ mới, đi xuống tới chân đèo Phượng Hoàng (trên đường xuống Nhatrang, ngày ấy QL 14 bị nghẽn do chiến tranh không lưu thông được)cởi hết quần áo đang mặc ra thay quần áo mới rồi đốt sạch, tay không ra đi thì mới đi được...Không biết sự việc trên đúng được đến bao nhiêu phần trăm? ứng được với bao nhiêu người? nhưng quả thật-đối với tôi- bỏ BMT và bỏ người BMT- không dễ một tí nào.
Những người bạn Mai kể tôi đều biết, có thể là bạn thân có thể là sơ; nhưng cho đến giờ này -trong tôi- vẫn còn nguyên những tình cảm ấy. Do vậy tôi vẫn cứ luyến lưu cái xứ này mặc dù BMT ngày nay cũng đã khá nhiều thay đổi so với ngày xưa.
Việc họp mặt ở nhà Mai ngày đó- nếu tôi nhớ không lầm- thì cũng đã cách đây hơn hai thập niên. Bà cụ thân sinh của Mai và anh chị em nhà Mai hết lòng ủng hộ buổi họp mặt ấy, và nếu tôi không nhớ nhầm thì tôi là một MC bất đắc dĩ để tạo không khí vui vẻ cho mọi người, và quả thật hôm đó rất vui. Ngay từ hôm đó tôi đã muốn tác hợp cho "đôi trẻ" là Tuyết Mai và Việt Trung (Trung noir) vì cả hai đều là bạn, trai thì chưa vợ mà gái thì chưa chồng nhưng...rủi thay ông mai không có duyên mấy nên không tác thành cho "đôi trẻ" được. Chậc! tôi cứ tiếc mãi...giá mà...giá mà... thì hay biết bao nhiêu. Bây giờ mỗi lần đi chơi với Mai, thấy Mai nhìn thấy trẻ con nhà người ta mà cứ soắn suýt khen lấy khen để, nựng tới nựng lui thì tôi lại càng tiếc...Nghe tôi ngày ấy thì hay rồi...Không chừng bây giờ còn mời đi đám cưới con là khác ấy chứ!!
Cũng đồng ý với Mai và cũng như tôi đã từng nói trước đây: thế hệ chúng ta may mắn và hãnh diện có những người thày người cô (dù có dạy chúng ta hay không)đúng là thày cô. Sau này khi có dịp đi học trở lại tôi luôn luôn nói với lớp trẻ rằng kiến thức tôi có ngày hôm nay và phương pháp luận thực hiện công việc của tôi có được ngày nay đến từ thày cô và học đường trước năm 1975.
Xin cảm ơn đời đã cho thế hệ chúng tôi -mặc dù phải lao đao lận đận vì khi xảy ra biến cố chiến tranh chúng tôi ai nấy đều còn rất trẻ, thày không ra thày thợ không ra thợ- có được những bậc thày ra thày để cho anh chị em chúng tôi có được ngày hôm nay. Kính chúc quý thày cô vui khỏe mãi.
Trân trọng
Đỗ thế Hùng
Viết tại công trường The Estella Saigon 19.00PM ngày 10/01/2012
Đọc bài viết này của Tuyết Mai mà rưng rưng nước mắt... Bạn chỉ "vắng mặt" trong sổ điểm danh thôi, chứ có đi mất tiêu đâu, Mai nhỉ?
ReplyDeleteCám ơn Dzung đã tìm lại "Di cảo bạn xưa" nha.