Sunday, July 24, 2016

Lan Man Bên Lề (Hà Giang - Phần 1)

Chương hồi ký này gồm một số hình ảnh có phụ đề về mấy địa điểm ở các tỉnh mà tôi đã nhắc đến trong bài “Hà Giang. Phần I”. Cựu học sinh nào mới hay sẽ có dịp đi thăm các nơi đó vui lòng cho biết trên diễn đàn này những thay đổi về tình hình sinh hoạt, quang cảnh và hiện trạng của các di tích văn hoá và lịch sử trong 20 năm vừa qua.  

*

Bắc Kạn   (thời điểm 1/1995)

Ở mạn Đông Bắc Việt Nam, Bắc Kạn có dân số ít nhất, chưa đến 300.000, và đứng hạng 55 trên 63 tỉnh trong lĩnh vực kinh tế  (http://www.vi.wikipedia.org). Nói khác đi, theo vi.wikipedia, Bắc Kạn ở thời điểm 2016 đứng hạng nghèo thứ 8 kể từ cuối bảng trở lên. Nhờ có hồ Ba Bể và mấy cánh rừng nguyên sinh, Bắc Kạn đã thu hút được một số du khách nội địa.

Cô Diana chụp ảnh tôi ở một cánh rừng nguyên sinh trên đường vào hồ Ba Bể.

Hồ Ba Bể có nhiều hang động đá vôi và nhiều chỗ có bờ đá thiên nhiên rất ngoạn mục.
Hy vọng chính quyền địa phương có đủ lý trí không phá bờ kè trời cho để xây bờ kè xi-măng
như ở khúc sông Lô chảy qua thành phố Hà Giang.

Ba Bể là hồ nước ngọt lớn nhất ở Việt Nam
và được xếp hạng trong danh sách 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. [vi.wikipedia]

*

Điện Biên Phủ  (thời điểm 5/1996).   

Điện Biên Phủ là địa danh đánh dấu thời điểm chấm dứt chiến cuộc Việt-Pháp cũng như được coi là yếu tố chính đưa tới Hiệp Định Genève 1954. Muốn biết thêm chi tiết về mốc lịch sử  này, Cựu học sinh có thể tham khảo tại: http://www.en.wikipedia.org , http://www.vi.wikipedia.org  và nhất là qua Google Search cũng như nhiều ngưổn tài liệu khác mà tôi chưa biết.

Năm 1996 khi tôi đi thăm tỉnh Lai Châu và thị xã Lai Châu thì Điện Biên Phủ mới chỉ là một thị trấn. Sau 2001, Điện Biên Phủ và một số vùng phụ cận được gom lại thành tỉnh Điện Biên Phủ với thủ phủ là thành phố Điên Biên Phủ [Wikipedia]. Đối với tôi, đây là một địa danh lịch sử không những khó quên mà còn là một lưu niệm cảm kích qua hai ‘câu chuyện giữa đường’ mà tôi tường thuật trong bài du ký “Ông lính già và bà bán rau”.  Chuyện “bà bán rau” tôi đã kể sơ qua trong bài “Hà Giang Phần 1”. Chuyện “ông lính già” tôi sẽ kể vắn tắt trong phần phụ đề hình ảnh dưới đây. 

Phong cảnh trên đường từ Sơn La tới Điện Biên Phủ.

Dân vùng này trồng rất nhiều xu xu trên những giàn tre cao để có thể đứng thẳng phía dưới hái quả.
Có những giàn nhiều nhà kết nối, vòng vèo uốn lượn theo các triền đồi, dài tới hai, ba cây số.

Sông Mã gồm 102 km thuộc Lào và khoảng 410km thuộc VN. Sông chảy qua Thanh Hoá rồi đổ ra biển Đông. [vi.wikipedia]

Nhiều nơi nông dân xếp đá cục dẫn nước quay guồng giã gạo suốt ngày. Nhờ kinh nghiệm bản thân và của cha ông
truyền lại, họ có thể tiên đoán thời tiết khá chính xác để tránh mưa làm ướt thóc gạo;
để kê lại những viên đá cục làm tăng hay giảm lượng nước quay guồng; và nhất là để tháo gỡ toàn bộ “máy giã gạo”
{rất xứng đáng được thưởng huy chương bảo vệ môi trường hạng danh dự} nếu có lũ quét (flash flood).

Cánh đồng Mường Thanh nơi lính nhẩy dù Pháp mở chiến dịch chiếm đóng Điện Biên Phủ (Wikipedia).
Giải trắng phía trái là đường bay.

Ông lính già tên Tài, 67 tuổi. Thầy giáo THBMT tên Chi, 57 tuổi. [Thời điểm 5/1996]
Đang tìm đường đi xem các khu di tích trên sơ đồ, tôi nghe tiếng trách cứ ban quản lý vô tâm. Ngoái nhìn, tôi thấy 2 người cao tuổi đang đòi bảo vệ mở cổng. Bảo vệ nhất định có vé thì mới được vào. Tôi bước đến hỏi chuyện. Người trông già hơn nói xưa kia ông đánh trận ở đây. Ngót 50 năm rồi con cháu mới có tiền biếu hai anh em đi gần hai ngày đường để thăm chiến trường cũ mà phải mua vé thì có ức không. Tôi nháy mắt ghé tai bảo bảo vệ để họ vào, tôi trả tiền. Chung bước một quãng, tôi hỏi chuyện thì ông anh giải thích gia đình chỉ có hai giai nên chú em được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi đấy ông mới 18. Tập tành gần một tháng là lên đường. Cái cứ điểm A1 này (tên tiếng Tây là Eliane 2), ông không sao quên được. Đại pháo, súng cối, bộc pha, đại liên, trung liên, súng trường, lựu đạn nổ inh tai nhức óc. Mình chiếm được thì nó phản công. Nó lấy lại thì mình phản kích. Hai bên chết như rạ. Sau nghĩ lại cũng thương tụi nó, xa bố mẹ vợ con, tan xương nát thịt, chả biết có mang được xác về quê hương khói hay không. 


“Tình thương nhân thế bao la,
Yêu người năm trước khiến cho ta giận hờn.”
[“Xuân Thì”. Phạm Duy]

“Và thương cây súng cô đơn,
Hoa đào đã xóa vết mòn bao chiến xa.”
[“Xuân Thì”. Phạm Duy]

“Đường đi êm quá,
Có phải giấc mơ đã thành tiếng thơ?”
[“Xuân Thì”. Phạm Duy]
*

Yên Tử  (thời điểm 1/2001)

Yên Tử là địa phương nổi tiếng thuộc tỉnh Quảng Ninh ở Đông Bắc VN nhờ di sản văn hoá tôn giáo Thiền Viện Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông khởi sự thành lập từ năm 1299 [wikipedia]. Tháng Giêng Tây khi tôi viếng thăm quần thể  đền, chùa và bảo tháp, tuy thời tiết ở chân núi khá ấm áp nhưng trèo tới đỉnh Phù Vân khoảng giữa trưa thì trời vẫn còn mờ sương. Tôi lên xuống mất cỡ 4 tiếng, chưa tính giờ nghỉ mệt và chiêm ngưỡng cảnh quan. Bà lão bán măng trúc ở bãi đậu xe khen tôi “có tuổi mà còn đủ sức lên xuống trong một ngày là khỏe lắm đấy!”.  


Đường vào Thiền Viện Trúc Lâm.

Quanh Yên Tử có rừng trúc nên thiền phái lấy tên là “Trúc Lâm” chăng?
Rừng trúc đang bị tàn phá vì cư dân hái măng và chặt cây làm gậy
lên xuống núi để bán cho khách thập phương. 


“Đền Trình”. Theo tập tục, nhiều chùa có “Đền Trình” để tín hữu trình báo
Thổ Thần hay Hộ Pháp trước khi viếng thăm, thờ cúng.


Vì các bậc đá cao thấp và có bề sâu khác nhau nên lên xuống khó và mệt hơn thường lệ. Khách mang nhiều đồ cúng và vật dụng cá nhân để ngủ sạp (nhà tranh tập thể, sàn bằng nan tre)  thường phải thuê dân địa phương gồng gánh. Người khỏe một ngày có thể lên xuống 4 lần, tiền công cao hơn lương kỹ sư lục lộ (công chánh). Một cụ bà khuyên tôi đừng nhìn lên, nhìn xuống chân, vừa tránh vấp ngã, vừa đỡ nóng lòng. Cứ thanh thản mà đi, lúc nào tới thì tới. Thiền hành Trúc Lâm chăng?   

Bảo tháp (chỗ để tro cốt của các thầy trụ trì) ở chùa Hoa Yên. 

Đường lên chùa trên. Bây giờ đã có cáp treo từ chân núi lên tới đỉnh


Chùa Một Mái nép bên sườn núi.
Quanh chùa có nhiều chanh và bưởi, hoa nở trắng xóa, hương thiền ngào ngạt.

Đường Tùng.
Nghe nói các cây Tùng đều hơn 700 tuổi và do những người hầu cận vua Trần Nhân Tông trồng.


Chùa Bảo Sái, nơi có chép lại mấy bài kệ ghi là của nhà vua (?).
Quanh chùa có rất nhiều bụi dương sỉ. Phong cảnh rất đẹp.


Đoạn đường khó lên xuống nhất và rất nguy hiểm vì hẹp,
đá tảng lổn nhổn và khe núi gần như thẳng đứng.




Chùa Đồng. Cụ từ (người giữ chùa) bảo tôi chùa nguyên thủy làm bằng đồng nhưng thời cách mạng bị trưng dụng để lấy kim loại (?). Chùa trong hình làm bằng gạch, gỗ và vữa. Từ khi có cáp treo, “Chùa Đồng” được “tân tạo” rất “hoành tráng”. Suối “Giải Oan” cũng vậy và số cung phi trầm mình vì vua Trần Nhân Tông xuống tóc đi tu đã được tăng thành 100 người cho thêm “linh thiêng”. Ai bị hàm oan cứ đến khấn vái là được giải oan. Dần dà, để khuyến dụ du khách, những tay có máu làm ăn quảng bá thêm rằng cứ “thành tâm cúng dường” là cầu gì được nấy. Khách thập phương đổ về nườm nượp. Mấy nhà sử học ở Viện Hán Nôm phải cải chính chẳng có chứng cứ gì về vụ cung phi tự vẫn cả, ấy là chưa kể vua Trần Nhân Tông có tâm Bồ Đề thì không lẽ ngài “nuôi” cả trăm cung phi rồi còn để họ tự vẫn sao? 

TB. Tôi ham ngắm cảnh và bị nhờ bấm máy nên quên chụp ảnh chùa Vân Tiêu và An Kỳ Sinh.          



*
Cao Bằng (thời điểm 3/2002) 

Tỉnh Cao Bằng -thủ phủ là thành phố Cao Bằng- Bắc và Đông giáp TQ; Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn; Tây giáp Hà Giang. Dân số khoảng 520.000 người với 90% diện tích toàn tỉnh là rừng rậm và núi đồi trùng điệp [vi.wikipedia]. Chắc vì vậy mà trước kia mới có câu đồng dao:   

Nàng về nuôi cái (= cha mẹ) cùng con,
 Để anh xuôi chầy (= đi kiếm ăn) nước non Cao Bằng”. 


Cũng như ở tỉnh Hà Giang và một vài nơi khác, dù dân số chỉ vào khoảng 500.000
nhưng các công sở rất to và “hoành tráng” hơn ở cấp quận của thủ đô Washington DC.
Trong Bưu Điện, tôi thấy nhân viên đông hơn dân chúng vào dùng dịch vụ bưu chính.  

Cầu Bằng Giang trên sông Bằng Giang đi vào thị xã.


Khu công sở.




Đang chụp ảnh ở khu công sở thì một cậu xe thồ (xe ôm) mời đi xe. Tôi lắc đầu cảm ơn. Nó nói cháu đưa chú đến phố Hiến Giang nhưng dân gọi là phố “Tham Nhũng” chụp ảnh mới đáng đồng tiền bát gạo. Tôi siêu lòng. Sau khi ngã giá, trả tiền trước, nó dặn thả chú xuống là cháu biến ngay. Tới nơi, chờ nó khuất bóng, tôi vừa đưa máy lên nhắm thì một ông áp sát lưng, sẵng giọng “Anh chụp làm gì?”. Tôi trả lời là tôi đã đi nhiều nước tư bản nhưng không đâu có kiến trúc tân kỳ như thế này. Chụp để khi có dịp tôi sẽ cho bọn tư bản thấy tận mắt Cao Bằng mình hơn xa chúng nó. Ông ta dịu giọng bảo tôi thế thì bác phải chụp cho thật rõ vào.
 


Nhà quan.

Nhà dân.  


Trên đèo Ngân Sơn. Phùng thị Lê, Phùng thị Lân, Triệu thị Dư, sắc tộc Dao,
học sinh lớp 7, nhà ở xóm Bản Đăm, xã Đức Vân, Huyện Ngân Sơn.
Tôi ghi tên, địa chỉ và gửi ảnh cho các cháu như đã hứa
khi các cháu đồng ý cho tôi chụp.

“Trường chúng cháu ở dưới đấy”.  Theo wikipedia, thành phần cư dân ở Cao Bằng gồm người Việt gốc Tày 41%,
Nùng 31%, Dao 10%, H’Mong 10%, Kinh 6%, vài sắc dân khác 2%.  


Phần thác Bản Giốc của Việt Nam.
Ảnh này tôi mua ở một quán nuớc gần thác. Ảnh không ghi người chụp, không phụ đề.
Bà bán quán nói chụp từ phía Trung Quốc và trước kia phần của Việt Nam to hơn.

Phần thác của Trung Quốc.  - như trên –
Theo vi.wikipedia thì phía Trung Quốc rất nhộn nhịp, mỗi năm có gần một triệu du khách.
Khi tôi đến thăm phía Việt Nam, tôi không thấy khách sạn hay nhà hàng nào ngoài mấy quán ăn uống bình dân.


Toàn cảnh thác Bản Giốc. - như trên -  Tôi tham khảo [en.wikipedia] và [Google Search] thì thấy
Trung Quốc đưa ra các dẫn chứng qua các văn bản ký kết ấn định ranh giới giữa nhà Thanh và chính quyền Pháp.
Tôi không thấy văn bản ấn định phần thác của Việt Nam trước khi bị Pháp đô hộ.    

4 comments:

  1. Kính thầy Chi,

    Mỗi lần em đọc bài viết của thầy thì đều nghĩ thầm trong bụng: Nhất định là thầy phải in thành sách tất cả bài thầy viết nha thầy.
    Tuy nói vậy, nhưng em cũng đã tự động không xin phép thầy mà in ra gom lại ... rồi sẽ thành "quyển sách của thầy Chi" rồi ạ, nhưng dĩ nhiên nó không đẹp lắm vì chỉ là những trang giấy in từ computer ra mà thôi.
    THẦY IN SÁCH ĐI NHA THẦY- Để bài viết của thầy lạc mất thì uổng lắm. Đó là những tài liệu sống với tấm lòng đau đáu vì quê hương trên những bước đường vạn dặm với núi sông.
    Đó là những bài dạy lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, nhiếp ảnh, dạy viết văn đối với học trò như tụi em.
    Đó là những lời tạ ơn thiên nhiên, những giây phút chiêm ngưỡng cảnh đẹp để rồi bất chợt thấy lòng mình sống hài hòa với cảnh vật ấy một cách an nhiên, tự tại.
    Con người rất dễ dàng trở về với thiện tính khi đứng trước thiên nhiên phải không thầy? Vì ở nơi ấy là trời đất mênh mông của một cõi không giới hạn tầm nhìn. Vì ở chốn ấy thì không có bụi trần vương vấn, không tranh giành, chen đua vật chất. Của Trời cho sẽ như viên ngọc quý. Điều cần thiết và quan trọng là chúng ta cần gìn giữ nó để tận hưởng cái thiên nhiên trân châu ấy.

    Cám ơn thầy đã dẫn em đi du lịch thật thú vị ạ.

    Trò Kh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thân gửi CHS Kh,
      Rất cảm ơn CHS Kh đã có nhận định không những nồng hậu mà còn khuyến khích tôi tiếp tục viết hồi ký du khảo. Tôi mong KH thông cảm để tôi đáp lời (respond) KH qua địa chỉ thư chung của tất cả các CHS THBMT tham gia diễn đàn thbmt74.
      BDChi. THBMT 63-74

      Delete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Em ngóng đợi lâu rồi để lại theo bước chân du lịch của thầy lấm bụi từ hơn 20 năm trước đây.

    Có rất nhiều nơi trên thế giới cảnh quang và di tích không hề thay đổi qua nhiều thế kỷ, nhờ tấm lòng trân trọng của người biết quản trị _ kể cả nhân dân nước đó nữa _ có trách nhiệm với non sông đất nước, nhưng cũng có nơi, cụ thể ở Việt Nam, chỉ vài năm sau quay lại thì hoặc thiên nhiên hoang tàn, hoặc di tích bị lởm chởm bê-tông hóa!

    Mong rằng những gì thầy lưu lại trên ảnh 20 năm trước đây vẫn … status quo!

    Lần đầu tiên em thấy, trong hình 1, cây thân thảo giống họ bạc hà/môn to như thế. Bạc hà nấu canh chua thì chắc chắn không phải vì thân bạc hà xanh trắng hơn, lá thon và sáng hơn, lại không to khủng như vậy. Môn ngọt thì càng không phải vì thường mọc dưới nước. Em đoán một giống môn mọc hoang, to _ nhưng không chắc to như trong hình _ nhưng có đặc điểm là nếu vô tình để dính nhựa của nó vào da thì ngứa cào cấu, gãi rách da và càng gãi càng ngứa!

    Ngày em còn đi học, sách địa lý có nhắc đến Hồ Ba Bể, được xem là rộng và đẹp nhất Việt Nam. Kè đá thiên nhiên quanh hồ đẹp quá. Rừng nguyên sinh trên triền núi thật hùng vỹ. Ông lái đò không thấy nhưng khách qua đò thì cười rõ tươi!

    Hy vọng Hồ Ba Bể hiện nay còn duy trì được 50% thiên nhiên so với 20 năm trước đây!

    Cảnh vật dọc hai bờ sông Mã vẫn khá hoang sơ. Dòng chảy có vẻ “đuối” vì cạn nước, không như “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” của Quang Dũng _ Tây Tiến.

    Em thích nhất bức ảnh “Cánh đồng Mường Thanh”, khởi đầu máu lửa cho một trận chiến khốc liệt để rồi kết thúc cảnh thời bình với nét nghèo đói, lạc hậu. Điện Biên được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất nước.

    Theo cuốn “Du Colonialisme au Communisme, l’Expérience du Nord Vietnam” của Hoàng Văn Chí thì số thương vong về phía Việt Nam (bộ đội, dân công, …) cao hơn quân đội Pháp rất, rất nhiều. Nghe đâu công chiến thắng lại thuộc về các tướng của Trung Quốc trực tiếp chỉ huy chứ không phải ngài VNG huyền thoại.

    Tấm hình thầy chụp với chàng cựu bộ đội thật … nhân bản! Sống sót qua máu lửa, 50 mươi năm sau mới được con cháu cho tiền về thăm chiến trường xưa lại còn bị bọn hậu sinh khả ố lắc túi đòi tiền vé. Buồn!

    Mấy năm trước nhà nước cho xây “tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ” bằng đồng nguyên chất cao 16,6 m với chi phí 47 tỷ đồng VN. Vừa xây xong đã bị lún, phải chi thêm 4 tỷ nữa để … gia cố nhưng không thành. Sau đó tượng bị nứt, lòi ra đồng … phế liệu. Vụ việc chìm xuồng. Thua!

    Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tượng_đài_chiến_thắng_Điện_Biên_Phủ, tượng bị “rút ruột” hơn 30% lượng đồng cần thiết, 70% lượng đồng còn lại là đồng nát!

    Những ai tham gia trận chiến này rồi … mãi mãi không về đều đáng trân trọng. Tâm trạng cha mẹ, người tình trông ngóng mỏi mòn đều đáng thương. Nghe bài hát “Dans le Soleil, dans le Vent” (Trong nắng trong gió) mới hiểu thêm rằng chiến tranh, dù có phủ lớp sơn huyền thoại nào đi nữa cũng đều phi nhân.

    Mong rằng Danh Sơn Yên Tử, Trúc Lâm đừng được lên ngân sách tu bổ để rồi bị bê-tông hóa, buôn thần bán thánh làm ô trọc chốn thâm nghiêm.

    Bản Giốc là thác nước đẹp nhất Việt Nam nhưng không chắc có còn thuộc về giang sơn gấm vóc của VN nữa hay không!

    Lan Man Bên Lề nhưng không mấy ai “lan man” được như thế. Không chắc có ai trong số học trò của thầy sẽ thực hiện một chuyến đi “bụi” như vậy. Khó quá!

    Học trò Phùng Ngọc Cửu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thân gửi CHS PN Cửu,
      Cảm ơn anh đã đọc bài trên và viết bài nhận định với các khoản "lan man bên lề" rất có giá trị đối với tôi cũng như giúp tôi nhớ lại nhiều điều tôi đã quên.
      Theo tôi, viết nhận định khó hơn là viết một bài hồi ký du khảo nhiều.
      Tháng trước, tôi được đọc một bài của một phóng viên trong nước bàn về cái hay/ cái dở của cáp treo đối với cảnh quan và môi trường văn hoá - tôn giáo.Bài còn kèm hình cây cầu bê tông có lan can tráng men (?) mầu mè "rất hoành tráng" và dài gấp mấy lần "cây" cầu bằng thân cây gỗ lim bắc qua suối Giải Oan (tôi xin lỗi phóng viên tôi quên tên anh/chị và tên tờ báo)> Anh sợ rất đúng vì rất có thể một số di tích ở Trúc Lâm đã được tân trang rồi.
      BDChi. THBMT 63-74

      Delete