Friday, July 29, 2016

Tảng đá thiêng Kyaikhtiyo và Chùa Vàng Yangon

Yangon vẫn còn là thành phố mang nét khá cổ với những con đường rợp bóng cây xanh tuyệt đẹp. Đây là ấn tượng mà chúng tôi cảm nhận ngay khi ghé qua thành phố này. 

Đường phố Yangon đều tiêu biểu như thế này. Cây cối hai bên đường xanh tươi.

Nếu có nhà ở khu này thì thật tuyệt. Con đường này đẹp và im ắng quá!

Yangon khang trang hơn trước đây, với các cần cẩu xây dựng đang hoạt động náo nhiệt. Đường nhỏ ở ngoại ô xập xệ hơn trung tâm thành phố, nhà cửa cũng kém tươm tất hơn, báo hiệu việc xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ chật vật và mất nhiều thời gian. Suốt thời gian chúng tôi ở Yangon, trời mưa liên tục. Một vài con đường nhỏ ngập nước, nhưng chỉ một đoạn ngắn. 

Tô Đông Pha có thể ra đây câu cá để … nhậu! Còn chiếc xe đạp thồ này xem ra khá đắc dụng.

Xe băng qua Yangon một lúc rồi bắt đầu chạy qua vùng ngoại ô.

Bác tài xe taxi chúng tôi đặt trước là một thanh niên trẻ, mẫn cán, hiền lành và ít nói. Thật vui khi có người đồng hành như vậy, nhưng cũng vất vả khi trao đổi với anh chàng … kém tiếng Anh này. Trao đổi để hiểu nhau là cả một vấn đề!

Đường ngoại ô, vẫn “láng” và không có ổ gà!

Hai bên đường, đồng ruộng xanh ngát mênh mông, cảnh sống thanh bình. Đời sống nông thôn còn nghèo. Nhà mái cọ vẫn còn khá phổ biến. Nông dân trồng lúa nước. Họ dùng bò để cày, thay vì trâu. Máy cày không nhiều. Kinh tế nông thôn có vẻ tự cung tự cầu.

Nhà thường dựng dưới gốc cây. Ruộng lúa ngay bên cạnh. Bò ở đây trông mập mạp và mướt mát!

Xe vào thành phố Bago, cách Yangon 80 km về hướng bắc. Xe chạy băng qua đây trong chốc lát, chỉ đủ thời gian ghi lại hình ảnh bộc lộ nét đặc trưng của tỉnh lẻ: nghèo và nhếch nhác!

Chợ Bago

Phụ nữ ở đây đi chợ với cái khay trên đầu, đôi khi không cần lấy tay vịn mà sự cân bằng vẫn tuân thủ chủ của nó
một cách nghiêm chỉnh!

Nữ cảnh sát giao thông làm việc mẫn cán.

Từ Bago, chúng tôi phải vượt thêm 130 km để đến làng Kinpun, nằm dưới chân núi chùa Kyaikhtiyo (phát âm là /t∫ai t∫ju:/) nổi tiếng, thường được gọi là Chùa Tảng Đá Vàng (Golden Rock Pagoda), dễ đọc và tượng hình hơn.

Xuống xe taxi, chúng tôi mua vé xe tải để lên đỉnh núi.

Dân làng ở đây nghèo. Đường đất lầy lội. Họ mời chúng tôi mua trái cây và áo mưa. Cách bán hàng của họ hiền hòa, rất nhẫn nại, nhưng không làm du khách khó chịu.

Dân làng bán trái cây tại bến xe ở chân núi. Chôm chôm và măng cụt ngon ngọt. Trên mặt hầu hết người Miến Điện, nam-phụ-lão-ấu, đều bôi một lớp bột màu vàng nhạt, mài ra từ thân cây để bảo vệ da, gọi là tanakha.

Xe đưa chúng tôi lên núi là một loại xe “đặc chủng”, thiết kế cho hợp với địa hình đồi núi. Thật ra, đây là những chiếc xe tải hạng trung do Nhật sản xuất, mới và an toàn. Mui xe được tháo tung, thùng xe được lắp đặt 7 hàng ghế bằng “i-nốc” cho du khách ngồi. Các dãy ghế được hàn chết vào thùng xe. Mỗi hàng ghế được “ấn” vào 6 hành khách, chật nêm như cá mòi.

Xe “đặc chủng”, thiết kế lại để leo núi.

Mấy cô cậu “Tây ba-lô” tưởng bở, ngồi thảnh thơi ba người một băng ghế cho đến khi chàng lơ xe, trẻ măng, mặc váy longgyi, nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng nhổ toẹt một bãi đỏ lòm xuống chỗ an toàn mà chàng đã quan sát, nhét thêm hành khách vào mỗi băng ghế cho túc số, không bận tâm đến hành khách suy dinh dưỡng hay béo phì, kèm theo một tràng tiếng Miến Điện, rồi tiếng Anh, nếu thấy hành khách nghệch mặt ra: “Two thousand five hundred kyats … one row six persons …” Hành khách răm rắp tuân lệnh!

Hành khách phải đợi khoảng nửa tiếng cho đến khi đủ người rồi xe mới khởi hành.

Đường lên núi đẹp vô cùng. Cây cối hai bên đường xanh ngút ngàn. Ở những khúc quanh “khủy tay”, xe vượt dốc đứng làm hành khách thót tim. Hành khách tây và ta xô dạt vào nhau, sợ nhưng vẫn phá lên cười khanh khách.

Đường lên núi, rừng cây xanh mướt.

Những khúc quanh làm rớt tim ra ngoài.
Càng lên cao cảnh núi rừng càng tĩnh mịch. Thỉnh  thoảng một con suối đổ ầm qua những tảng đá tung bọt trắng xóa.

Suối lưng chừng núi, đổ cuồn cuộn.

Mây mù, trời chiều u ám.

Trời chuyển mưa.

May quá! Đã mua được áo mưa dưới chân núi.

Xe dừng lại tại một trạm ở lưng chừng núi để đổi tài xế, và cũng để chờ cho một xe nào đó đang xuống núi. Vì đường dốc núi dài và rất dốc nên xe lên xuống chỉ một mình, các xe khác phải chờ ở trạm cho đến khi được báo cho phép mới tiếp tục được chạy tiếp.

Trạm xe trung chuyển ở lưng chừng núi.

Vài năm gần đây mới có xe chạy suốt từ chân đến đỉnh núi. Trước đây, xe chỉ lên đến trạm dừng ở đây. Hành khách, nhất là người nước ngoài được yêu cầu xuống xe đi bộ lên đỉnh núi mất hàng giờ. Thường thì hành khách mướn phu khuân vác hành lý riêng, thuê người khiêng cáng riêng để đi hết đoạn đường, xứng đáng với công đến thăm ngôi chùa linh thiêng này.

Phu khuân vác hành lý bằng gùi cho hành khách.

Ai muốn làm quân vương thì xin mời ngự lên võng có ghế dựa.

Trời gió và lạnh. Cái đói bắt đầu sôi sục kêu gào. May quá, có một hàng bán món gì đó nhìn giống như bánh tro của ta. Tôi mua vài cái, bóc vội, cắn đại một phát rồi nhai. Không ngon lắm nhưng tạm đàn áp được cái đói.

Bánh ít? Bánh tro? Bánh Miến Điện! Gì cũng được, miễn có nó để sưởi ấm cái bao tử lép xẹp từ sáng đến giờ!

Tại khu vực này là khách sạn dành cho du khách muốn ở lại qua đêm để chiêm ngưỡng Tảng Đá Vàng rực rỡ dưới ánh đèn cùng không khí tinh khiết ở đỉnh núi. Tiếc rằng thời tiết này đang ở mùa mưa, chắc ít khách vãng lai.

Chúng tôi phải ghé vào một quầy bán vé vào chùa. Mỗi người mua vé được phát cho một thẻ bài để đeo. 

Từ đây phải đi thêm một quãng đường dốc nữa mới đến cổng chùa.

Trời mưa lâm thâm, không nặng hạt lắm nên chúng tôi quyết định cởi áo mưa. Ngay ở tam cấp lên cổng chùa, du khách tự động bỏ giày dép rồi chân trần bước lên chùa.

Xoài trưng bày đẹp mắt. Vào những lúc khác thì khó ngoảnh mặt đi.
Ngặt nỗi lúc này dạ dày còn khá rỗng, không dám rước món “sinh giặc” này vào

Mưa ướt hết cả sân chùa mênh mông. Chân trần thì lạnh nhưng lòng háo hức muốn chiêm ngưỡng Tảng Đá Vàng nên mạnh dạn rảo bước.

Ngay bên tay trái cổng chùa, một tảng đá vàng nổi bật, nhưng hình như không phải là Tảng Đá Vàng mà chúng tôi muốn chiêm bái.

Tảng đá này cũng rất to _ hãy nhìn một du khách đang say sưa chụp hình để so sánh độ lớn.
Vị trí của tảng đá này cũng rất ngoạn mục.

Qua màn sương chiều dày đặc, bất chợt tảng đá mà chúng tôi nao nức tìm đến đã hiện ra đột ngột.
Tảng Đá Vàng mờ ảo qua mây mù.

Theo lịch sử thì tảng đá này đã hiện hữu, nghĩa là đã có người phát hiện ra nó, cách đây 2500 năm. Một ẩn sỹ nhận được một sợi tóc của Phật Thích Ca lúc đã nhập diệt, cắm sợi tóc lên đầu mình rồi lang thang một mình tìm chỗ linh thiêng để cất giữ xá lợi này. Vị ẩn sỹ một mình đi mãi đến đỉnh núi này và phát hiện ra tảng đá. Thấy tảng đá có hình giống như đầu người, lại nằm ở một vị trí và tư thế kỳ lạ nên vị ẩn sỹ dừng lại, xây một tháp chùa trên chỏm tảng đá rồi đặt xá lợi Phật vào đó.

Từ đó chùa có tên là Kyaikhtiyo, có nghĩa là “Ngôi chùa nằm trên đầu ẩn sỹ”. Đây là nơi hành hương thiêng liêng nhất của Miến Điện.

Khối đá granite này có chiều cao 8.15m với khối lượng 611 tấn, nằm chênh vênh trên mép một khối đá khổng lồ khác và tiếp xúc với bệ đá bên dưới chưa đến 1m2! Có thể ước đoán rằng trọng tâm của Tảng Đá Vàng nằm sát ngay mép bệ đá bên dưới, vốn thẳng đứng ở độ cao 1 100m! Hãy tưởng tượng rằng chỉ cần một cơn gió mạnh, hoặc một lực xô vừa phải là Tảng Đá Vàng sẽ rơi tự do xuống vực!

Tảng Đá Vàng uy nghiêm trên đỉnh núi. Dưới kia, qua làn mây mù bàng bạc, thấp thoáng làng mạc qua bóng chiều.

Tảng Đá Vàng nằm chênh vênh, trên đỉnh tháp là xá lợi Phật!

Hãy so sánh chiều cao của một du khách với chiều cao Tảng Đá Vàng.
Không ai giải thích được nằm ở vị thế đó hàng nghìn năm mà tảng đá vẫn yên vị!
Cả khối đá được dát bằng vàng ròng kín mít, chỉ chừa những vị trí tiếp xúc với bệ dưới là không dát được.
Bệ đá bên dưới, quanh mép chân Tảng Đá Vàng cũng được dát vàng ròng hình hoa sen.
Quan sát mép hở giữa hai khối đá để thấy rõ độ chênh vênh!

Mây mù che đỉnh núi, tóc gió vương bay

Trời càng về chiều, mây mù càng xuống thấp, sơn thủy càng mờ ảo.
Tiếc rằng, nếu ở đây vào mùa nắng ráo thì, với tác động phản chiếu của khối đá dát vàng khổng lồ này và ánh đèn điện, nét rực rỡ của ngôi chùa này còn đẹp và huyền ảo đến như thế nào!

Tảng Đá Vàng ban đêm. Ảnh của gia đình, chụp năm 2015.

Trông cảnh tức sinh tình, Thái Lan cũng “bon chen” lên một bản “mini copy” không tệ lắm!
Hình chụp tại một ngôi chùa ở Miền Bắc Thái Lan, tết 2015.

Tiếng cầu kinh ngân nga, trầm bổng, vẳng lướt qua mây chiều lãng đãng xuống thấp, dội vào núi rừng càng khiến lòng tôi thêm thanh thoát.

Một vài tu sỹ áo nâu tươi ngồi thiền, mắt nhắm nghiền mặc định. Tôi nén lòng không dám chụp ảnh sợ kinh động!

Trời lúc mưa, lúc tạnh. Gió thổi phần phật, tung cả tóc, muốn cuốn phăng cả mũ.

Chúng tôi rời chùa khi trời xẩm tối. Đúng ra, do bầu trời u ám tạo cảm giác trời sắp tối.

Tại trạm xe trên đỉnh núi, chúng tôi lại chờ đợi xe được nhồi nhét cho đủ người. Bác lơ xe lại thu tiền xuống núi không sót một người, không thiếu một đồng, trước khi xe lăn bánh.

Chuyến hạ san này mới thật là cảm giác mạnh. Xe lao xuống dốc vùn vụt. Ở mỗi khúc quanh khủy tay xe thắng từng chập, xả hơi thắng phì phì. Hành khách đổ dồn hết về phía trước, nháo nhào! Nhiều lúc tôi có cảm giác như xe bay khỏi đường rồi rơi xuống vực! Hành khách im lặng, một sự im lặng như cố nén nỗi sợ đã lên đến cực điểm.

Ở mỗi đoạn dốc gắt là một lần thót tim.

Trời tối mù ở mỗi khúc quanh, không khí rờn rợn!

Trời có lúc dường như tối hẳn mà xe vẫn không bật đèn. Ở một khúc quanh, hành khách chúi nhủi hết về phía trước rồi đổ hết về bên phải. Bỗng dưng mấy cô cậu tây ba lô phát lên cười khiến mọi người trên xe chẳng biết ất giáp gì cũng phá lên cười theo. Thế rồi, cứ mỗi khi người đổ dồn về bên trái, bên phải, phía trước là lại một lần tiếng cười đồng loạt vang lên ầm ỹ! Một chàng trai trẻ tây ba-lô ngồi trước tôi giơ cây gậy selfie chụp hình khiến cô tây trẻ ba-lô cười ngặt nghẽo. Sự sợ hãi tan biến đi lúc nào không biết, nhường chỗ cho một cảm giác phấn khích lây lan.

Hú hồn! Cuối cùng chúng tôi cũng đã hạ san bình an.

Bước xuống xe tôi vẫn còn lảo đảo. Cảm giác rằng đất dưới chân tôi vẫn đang dậy sóng!

Bác tài taxi đưa chúng tôi về hướng Bago. Trên đường đi, chúng tôi cố mô tả vị trí khách sạn đã book trước, nằm gần một cây cầu dài. Bác tài nghe chúng tôi nói mà mặt cứ ngớ ra, lẩm bẩm trong miệng: “bridge … bridge …”, cau mặt lại để cố hiểu từ này có nghĩa là gì. Không xong rồi! Bất đồng ngôn ngữ kiểu này thì có nước ngủ bụi giữa đồng không mông quạnh mất!

Trong cơn nguy biến, tôi chợt nhớ ra rằng tại sao không điện thoại cho Soewin nhỉ! Liên lạc được với Soewin rồi, trao điện thoại cho bác tài. Bác tài như cá gặp nước, nói tiếng Miến lưu loát như người … Miến! Cuối cùng, chúng tôi đến được nơi cần đến khi trời vừa xẩm tối. Thở phào!

Khách sạn gần Bago.

Nồi bếp điện mini mang theo cùng với miến, mì, cháo gói thật là chiếc đũa thần. Bữa tối nóng sốt cộng thêm với món mì xào hâm lại thấy ngon miệng và ấm bụng.

Giấc ngủ thật ngon sau một ngày mệt mỏi. Năng lượng được nạp lại khá đầy, hứa hẹn một ngày tiếp theo sẽ nhiều cảm hứng, vui tươi nhưng cũng sẽ mệt mỏi!

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi diện váy longgyi để “nhập gia tùy tục” trước khi ăn sáng tại đây.

Bữa điểm tâm tại khách sạn với món cơm chiên Miến Điện và cà-phê nóng.

Gần đến Bago, chúng tôi rẽ ngang để vào thăm “Chùa Phật Nằm” (Shwethalyaung Buddha) và chùa “Phật Tứ Diện” (Kyaik Pun Pagoda) một lát rồi về lại Yangon.

Tượng Phật nằm ở chùa Shwethalyaung Buddha.

Bàn chân Phật. Thế xếp chân này thể hiện khi Phật nghỉ ngơi. Lúc Phật nhập diệt, hai bàn chân xếp thẳng chồng lên nhau. Một hòa thượng người Miến Điện, giám đốc thiền viện ở Mandalay, giảng giải cho chúng tôi hiểu như vậy.

Hành lang trong chùa.

Chùa Phật Tứ Diện Kyaik Pun Pagoda.

Trên đường về Yangon, con gái tôi điện thoại cho William, người bạn già mà chúng tôi quý mến. Được tin chúng tôi đang ở Miến Điện, William rất ngạc nhiên và mừng rỡ. Chúng tôi hẹn với William cùng ăn trưa và cho người tài xế nghỉ sớm.

Trên đường về Yangon, người bán hoa thường thấy ở những giao lộ. Hoa Miến Điện nói chung thơm hơn hoa Thái Lan,
nhất là hoa lài. Không hiểu vì sao!

Một cảnh trên đường Bago-Yangon.

Tại nhà hàng, chúng tôi cảm ơn và “boa” cho người tài xế. Anh ấy rất vui và rạng rỡ cười. “Boa” là một thông lệ được áp dụng trong suốt chuyến đi. 

Dùng bữa trưa với William.

Rời nhà hàng, chúng tôi đi thăm ngôi chùa biểu tượng của Miến Điện: Shwedagon Pagoda, thường được gọi là Chùa Vàng. 

Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất Miến Điện được xây dựng lúc Đức Phật Thích Ca còn tại thế, và là nơi lưu giữ xá lợi tóc Phật. Tháp chùa cao 99m được đính bởi trên 5,000 viên kim cương, trên 2,000 viên ruby, trên đỉnh là viên kim cương 76 carat, tháp được dát bởi hơn 60 tấn vàng ròng … Ban đêm Chùa Vàng đẹp không tưởng được, như trong cõi cực lạc.

Một chàng “Samurai” trong tư thế điều chỉnh ống nhòm để chiêm ngưỡng viên kim cương trên đỉnh tháp.

Đỉnh tháp chính của chùa.

“Pilgrims in the rain” (Khách hành hương trong mưa) đó là lời comment của William!

Anh chàng nước ngoài này mặc trang phục Miến Điện.

Tháp chùa được dát bằng vàng ròng. Có thể thấy từng thẻ vàng được dát vào ngay ngắn.

Vào những ngày nắng đẹp, cảnh chùa trông thật rạng rỡ. Hình của gia đình ,chụp tháng 2/2016.

Chùa càng rực rỡ hơn dưới ánh đèn. Hình của gia đình chụp năm 2015.

Ánh vàng và ánh trăng, ánh sáng nào huyền ảo hơn? Hình của gia đình chụp năm 2015

Ánh vàng trong đêm. Hình của gia đình chụp năm 2015.

Rời chùa trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến chợ Bogyoke Aung San Market (hay Scott Market) được xây từ thời thực dân Anh, theo kiến trúc của Anh. Đây là ngôi chợ lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Yangon, có bán đủ loại hàng hóa hầu như không thiếu thứ gì, giá cả cũng phải chăng.

Một cửa hàng bán ngọc bích (jadite). Miến Điện nổi tiếng về loại ngọc này.
Một bài viết chuyên biệt về jadite sẽ được đề cập trong những bài tới.

Những chiếc vòng đeo tay (bangle) bằng ngọc bích này làm quà tặng thì hết ý!
Vừa chụp xong bức hình này thì nhân viên bán hàng bước ra cảnh cáo! Sorry! Sorry!

Một góc chợ

Loại gỗ để tạc tượng này thơm ngát hương trầm.

Rời chợ trong tình trạng quần áo ướt mèm. Chúng tôi phải ghé qua nhà Soewin thay quần áo. Thíp pha cho chúng tôi mỗi người một tách trà nóng, uống ấm cả người. 

William vội vã chở chúng tôi ra bến xe đò cho kịp chuyến 8 giờ tối đi Bagan.

Một đêm sẽ được trải qua trong giấc ngủ trằn trọc trên xe đò. Một ngày kế tiếp sẽ chờ đón chúng tôi trong chuyến du lịch bụi bặm này!

Hồng A
Sài-Gòn 28/7/2016

2 comments:

  1. Xem và đọc hai lần phóng sự "Tảng đá thiêng Kyaikhtiyo và Chùa Vàng Yangon", tôi SỬNG SỐT SỮNG SỜ ngắm nghía hình ảnh các Chùa ở Myanmar mà Hồng A, Cửu,và cháu gái(?) đã đi thăm. Tôi thỉnh thoảng được xem một vài tấm hình về Myanmar đăng trên mục Travel của mấy tờ báo Mỹ nhưng không thể nào so sánh được với những gì Hồng A và Cửu(?) đưa vào bài này. Thế nào tôi cũng phải chịu khó đi chợ nấu ăn, rửa chén. quét dọn trong nhà, nhổ cỏ ngoài sân,... để dụ cô Diana sớm đi chiêm ngưỡng tận mắt Myanmar mới thỏa lòng mong ước trước khi phải chống gậy hay ngồi xe lăn.
    Cái hấp dẫn nữa của bài phóng sự này, cũng như những bài trước đây, là tác giả "lan man giây cà ra giây muống" với những hình ảnh về con người và sinh hoạt hàng ngày cũng như phong cảnh trên đuờng đi như chị bán chôm chôm mặng cụt, nữ cảnh sát chỉ đường, phu khuân vác hành lý bằng gùi, v..v.. phương tiện chuyên chở và đường xá, phong cảnh bên đường, món ăn đồ uống, v..v.. 20/20. Chưa hết > rất độc đáo cảnh vợ chồng "còn xuân" đứng bên nhau trong bộ trang phục bản xứ > thế mới đúng là du lịch 100%. NHƯNG tôi phỏng đoán Hồng A và Cửu hồi còn là học trò chắc không "tắm mưa ngoài đường" [thích lắm dù đã lên chức ông bà nội ngoại] và không "Em/Anh đến thăm Anh/Em một chiều mưa" thời còn "tán" nhau khi tôi xem tấm hình {May quá! Đã mua được áo mưa dưới chân núi} > hai vợ chồng mặc áo mưa "kín mít" ngồi trước một backpacker cao hơn một cái đầu, da trắng, tóc hung trên xe đặc chủng, đầu trần và không áo mưa.
    Saigon đang mùa mưa, hãy dắt tay nhau, không mặc áo mưa, đi và sống lại thửơ ban đầu trước khi lưng còng gối mỏi.
    BDChi. Thầy giáo. THBMT 1963-74

    ReplyDelete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Cảm ơn thầy đã có lời động viên về bài viết. Chia sẻ niềm vui du lịch với diễn đàn, cũng như đóng góp những sáng tác khác để làm cho diễn đàn, vốn toàn là những người đã lục tuần, vui nhộn thêm là mong muốn của từng thành viên.

    Vâng, cháu gái lớn của chúng em đã đưa bố mẹ nó đi Miến Điện lần này cho thỏa ước mong. Em may mắn đã đi Miến Điện năm 2009, khi đất nước này hồi đó còn rất khó vào. Ngày đó nhà em, anh Cửu, không được đi, và “được” phân công ở nhà làm “nội tướng.”

    Lần này nhà em được “duyệt” cho đi, là để trả công cho … hồi đó.

    Anh Cửu nói “Một duyên, hai nợ, ba tình”. Cứ noi gương thầy Chi, chiều chuộng (đừng cãi!) cô Diana tận lực thì nhất định ta thấy cuộc đời này sẽ vô cùng đẹp đẽ và đơn giản (Be nothing, and the life will become extraordinarily beautiful and simple. _ Krishnamurti). Đằng nào thì thầy Chi cũng đã “bội thu”!

    Nhìn mấy bức hình chúng em che dù dưới mưa, các cháu nhà em cười rũ ra. Quan sát kỹ một chút thì anh Cửu nhà em không galant tí li nào cả! Gọi là che mưa cho vợ nhưng, cứ nhìn mái dù xem, anh ấy nghiêng hết dù về phía mình …!!! Biết thế ngày xưa em cho chờ dài cổ, đừng có mà mơ “Em đến thăm anh một chiều mưa” …

    Ngày anh mười chín buồn chưa?

    Ngày em mười bốn dầm mưa cả ngày.
    ……

    Học trò Hồng A

    ReplyDelete