Trong số mười nước thành viên của ASEAN, thì Myanmar là quốc gia “chậm mở mang” nhất. Điều này được hiểu rằng chỉ cách đây một vài năm, Miến Điện chỉ hé cửa, một cánh cửa nhập cư khá hẹp. Khách du lịch muốn vào đây phải xin visa, và thời hiệu cũng rất hạn chế. Bây giờ thì, mặc dù đất nước đang trên đường phát triển, hội nhập với thế giới sau tiến trình dân chủ hóa ngoạn mục đạt được của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), hạn visa cũng chỉ được đúng 14 ngày (hai tuần). Khi đất nước này còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, tại các cửa khẩu, ví dụ ở Mae Sai với Thái Lan, du khách “tự do” qua cổng biên giới từ Thái Lan, nhưng vui lòng đóng lệ phí và để lại passport, tha hồ đi lại trên lãnh thổ Miến Điện trong vòng… một ngày, nghĩa là phải quay trở lại cổng biên giới trước khi mặt trời lặn để nhận lại passport! Ai đã đi Miến Điện những năm trước đây thì đều… ớn cung cách và nét mặt của các quân nhân của đất nước này. Họ không biết… cười, và nổi tiếng nghiêm khắc!
Mae Sai, cổng biên giới Thái Lan – Miến Điện, 2013. |
Bây giờ thì du khách, đặc biệt từ các nước thành viên của ASEAN, không phải xin visa nữa. Rất nhiều du khách Châu Âu, và cả Hoa Kỳ đổ xô vào đây. Miến Điện còn rất nhiều điều kỳ diệu và bí ẩn mà du khách phải tự khai phá lấy. Như cô thôn nữ đồng nội mộc mạc và kín đáo, e ấp với thế giới bên ngoài, chưa quen và chưa biết làm dáng _ quảng bá du lịch _ nên du khách càng tò mò và háo hức khám phá. Chúng tôi tự ví đất nước Miến Điện như một viên ngọc thô, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đành rằng “ngọc bất trác bất thành khí”, nhưng chất “thô” dần dần biến mất đi trên trái đất này nên có khi cái gì càng thô càng quý hiếm! Chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng ngọc thô thực sự của Miến Điện trong những bài du ký sau!
Nhân dịp thầy Chi về Việt Nam, chúng tôi được duyên kỳ ngộ với thầy ở quán cơm chay Ngộ, người thầy khả kính mà anh Cửu sau 45 năm mới gặp lại. Thầy trò tâm tình chuyện xưa thật cảm động. Khi biết hai ngày sau, 27/6/2016, chúng tôi sẽ đi Miến Điện, thầy Chi vui và thúc dục chúng tôi nên du lịch đất nước này nhanh nhanh lên, kẻo chỉ vài năm sau vẻ hoang sơ sẽ biến mất, nhường chỗ cho kỹ nghệ hóa thì tiếc lắm. Vả lại, chừng nào còn sức khỏe thì phải tận dụng cái quỹ thời gian sắp cạn đáy này, đừng để lọm khọm rồi thì chẳng đi đứng được, chứ đừng nói đến du lịch.
Hội ngộ với thầy Chi, người thầy khả kính mà 45 năm sau mới gặp lại. |
Cho đến thời điểm này, các tour du lịch theo đoàn chỉ đảm nhận một chương trình hạn chế: Yangon và một vài điểm quanh đó, giá cao lại không được tham quan, ngắm cảnh nhiều. Cuối cùng thì chỉ có “đi phượt” mới đúng nghĩa là du lịch khám phá. Tuy nhiên, để làm được việc này thì cần hội đủ ít nhất hai điều kiện. Thứ nhất, nắm rõ thông tin địa lý, vùng miền của điểm du lịch. Cho đến bây giờ chưa có thông tin về tệ nạn cướp bóc hay bạo hành với du khách, vì người dân Miến Điện rất hiền hòa và chất phác, nhưng đất nước này là vùng đất tiềm ẩn nhiều bất trắc nên du khách cần biết những vùng đất nào không an toàn, thậm chí không thể tới được, ví dụ như Kachin State, hoặc Mong La nằm dọc biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu lộ trình thật hợp lý để rút ngắn thời gian và giảm chi phí di chuyển.
Điều kiện thứ hai, không phải là kém quan trọng, đòi hỏi phải có sức khỏe. Về mặt này thì những người ngoài lục tuần như vợ chồng tôi và cô con gái cả không dám so đọ cơ bắp với thanh niên Tây phương, dân “phượt” chính hiệu, thường mệnh danh là “Tây ba-lô”. Họ nhẩn nha đi hết vùng này đến vùng khác. Đến những nơi mênh mông và ngoạn mục, như Bagan chẳng hạn, họ thuê xe đạp hay Honda ngay tại những khách sạn “một-hai sao” mà họ đã book, và rồi cứ thế hai tay ôm guidon chạy khắp cùng trời cuối đất. Họ có thể lưu lại khách sạn cả tuần hay chỉ trú qua một đêm là … dông!
Chúng tôi chọn kiểu “bán phượt”, nghĩa là đi ba chuyến xe bus suốt đêm, và một chuyến nửa ngày thay vì đi phi cơ nội địa, đắt lắm, và lại không được “phượt”! Đến nơi cần đến, trước tiên là vào khách sạn đã book trước, chúng tôi thuê hẳn một xe mini bus một hay hai ngày gì đó rồi trao đổi với bác tài về chương trình du lịch của mình. Đối với du lịch sông nước thì chúng tôi thuê hẳn một chiếc thuyền hay ghe máy, thật độc lập và thong dong! Tất cả cũng phải được nghiên cứu rồi book trước trên mạng.
Mục đích chuyến đi này chúng tôi không báo trước cho hai gia đình bạn thân ở Yangon. Đón chúng tôi ở phi trường Yangon lúc 7 giờ sáng là anh tài xế taxi trẻ, và vợ chồng Thíp và Soewin, bạn con gái chúng tôi. Sở dĩ như vậy vì cặp vợ chồng này rất tốt bụng và sốt sắng, e rằng họ sẽ mời chào, tiếp đãi linh đình làm mất thời gian chuyến đi đã định sẵn. Hai vợ chồng Soewin đưa chúng tôi đến một nhà hàng nổi tiếng để điểm tâm. Khi biết chúng tôi du lịch “bán phượt”, hai vợ chồng trố mắt, không thể tưởng tượng được, vì vợ chồng tôi cao tuổi rồi, sẽ không kham nổi chuyến đi vất vả này đâu. Họ khuyên chúng tôi nên đi máy bay, điều mà chúng tôi không muốn. Cuối cùng, Soewin gọi điện thoại tới tấp, điều chỉnh lại vé bốn chuyến xe bus cho chúng tôi. Vì Soewin là người bản địa nên giá vé đặt rẻ hơn một phần tư đến một phần ba so với giá dành cho người ngoại quốc. May quá!
Bữa điểm tâm thật là … mệt mỏi. Thíp gọi món ăn đầy bàn nhưng món nào tôi cũng chỉ nhúng đũa vào rồi… trệu trạo. Soewin hiểu ý nên phân trần rằng món ăn của người Miến Điện giống người Ấn Độ, nhiều cà-ri và dầu mỡ, Cuối cùng, tôi nhấm nháp được món đậu rán, một thứ đậu chỉ có ở Miến Điện, khá ngon, và một ly trà đặc sản trông giống như cà-phê sữa, cũng nuốt trôi được. Ngoài ra, món hoành thánh hấp cũng khá ngon, nhưng hơi béo nên tôi quyết định không thử lại! Còn một món nữa, vốn phiêu du khắp thế giới theo chân người Hoa là đĩa “dầu cháo wuảy”. Anh Cửu cười hỏi Soewin, vốn gốc Hoa, biết vì sao “dầu cháo wuảy” luôn đi một cặp không. Soewin lắc đầu, và được giải thích là, theo lịch sử Trung Hoa, cặp “dầu cháo wuảy” là hiện thân của cặp vợ chồng Tần Cối – Vương Thị bị trừng phạt vì phản bội Nhạc Phi … Cặp vợ chồng này bị gán cho danh xưng là Hán gian!
Món đậu nghiền rán này có thể lót dạ được. |
Trà kiểu Miến Điện không tồi lắm. |
Hoành thánh nhân thịt heo hấp này ngon, nhưng với tôi hơi ngậy. |
“Dầu cháo wuảy”, “vệ tinh” của nhiều món ăn Trung Hoa. |
Dãy bên trái: Thíp, con gái đầu của chúng tôi, và tôi. Bên phải: anh Cửu và Soewin. |
Rời nhà hàng. Chúng tôi đi dép xỏ ngón! |
Đó là kinh nghiệm quý báu khi du lịch ở Miến Điện: đường xấu hoặc lầy lội; leo đồi núi dốc và rất dốc; bỏ giày dép ở ngay cổng chùa, có khi dưới mưa, để đi bộ những đoạn đường rất xa bằng chân trần nhớp nháp! Nếu đi giày cao gót hay giày bóng xịn thì, hoặc không thể đi xa được vì đau chân, hoặc nước mưa lõng bõng trong giày. Sau chuyến du lịch, chắc chắn giày loại này sẽ te tua, và gửi mình vào thùng rác!
Tiễn chúng tôi lên xe taxi, bắt đầu chuyến đi phượt, vợ chồng Soewin còn chu đáo gọi nhân viên của họ mang đến cho chúng tôi hai hộp mì xào để ăn đường. Chỉ vài giờ sau đó, chúng tôi mới được biết giá trị thực sự của hai hộp mì xào này! Đi phượt mà không chuẩn bị thức ăn mang theo thì chỉ có đói... meo râu. Dĩ thực vi tiên!
Để du lịch theo kiểu “phượt” một quốc gia, thiết tưởng cần biết qua một số thông tin căn bản của quốc gia đó.
Bản đồ bằng ngọc bích, bên ngoài cổng Chùa Ngọc (Jade Pagoda) ở
Mandalay. Lãnh thổ Thái Lan được đính ngọc màu xậm, phía tay trái, phần màu sáng là Miến Điện. |
Vị trí địa lý của Myanmar (en.wikipedia.org) |
Miến Điện, tên chính thức là Republic of the Union of Myanmar (Cộng hòa Liên Bang Myanmar, trước đây là Union of Myanmar), nằm hướng tây Việt Nam, tiếp giáp với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Hoa, Lào, Thái Lan, và vịnh Martaban, Ấn Độ Dương.
Bản đồ hành chính chỉ các bang (states) của Miến Điện (en.wikipedia.org). |
Miến Điện có diện tích 676,578 km2, gấp đôi diện tích Việt Nam, dân số hơn 51 triệu người, gồm nhiều sắc dân: Bamar (68%), Shan (9%), Karen (7%), Rakhine (4%), chỉ có 3% người Ấn Độ và 2% người Hoa. Ngôn ngữ chính là tiếng Miến Điện (Burmese). Nghe hai người Miến Điện nói chuyện với nhau, âm vang nghe như chim hót!
Mẫu tự Miến Điện “tròn” hơn mẫu tự Thái Lan. Người Thái Lan và Lào có
thể hiểu khi trao đổi với nhau. Trong khi đó, ngôn ngữ Thái và Miến Điện hoàn toàn khác nhau, từ ngữ âm đến mẫu tự. |
Tên quốc gia Miến Điện, được đổi từ Burma (lấy từ chữ “Barmar” là sắc dân đông nhất) thành Myanmar. Quốc kỳ cũng đổi từ năm 2010.
Quốc kỳ của Myanmar. Hình chụp trên xe ở Bagan. |
Trước đây thủ đô của Myanmar là Yangon (đổi tên từ Rangoon, vì có cách phát âm “Anh” quá!). Từ 2005, Naypyidaw là thủ đô mới, nằm ở phía bắc và cách Yangon 320 km.
Ấn tượng đầu tiên khi đến một quốc gia thường là phi trường quốc tế của quốc gia này.
Ấn tượng đầu tiên khi đến một quốc gia thường là phi trường quốc tế của quốc gia này.
Phi trường quốc tế Yangon. Hình chụp từ máy bay vừa hạ cánh sáng sớm, còn đang trên đường băng. |
Cổng vào phi trường Yangon. May quá, “bình cũ nhưng rượu mới”! Phi trường thay đổi nhiều so với 2009 là năm tôi đến đây lần đầu. Xe gắn máy cũng bị cấm vào đây. |
Yangon là thành phố lớn nhất Myanmar. Tuy không còn là thủ đô nhưng Yangon là thành phố thương mại quan trọng nhất, đang trên đường phát triển hạ tầng cơ sở. Tôi đã đến Myanmar năm 2009. Lúc đó đường phố thô sơ và vắng bóng người. Xe cộ từ cũ đến rất cũ, chở quá tải hàng hóa với đầy người đeo bám. Bây giờ đường phố tấp nập người và xe, nhất là Yangon, đầy xe hơi, xe bus, xe tải…, đa phần là xe nhập từ Nhật. Xe gắn máy không được phép chạy ở nội thành Yangon, có lẽ dễ gây tai nạn và làm mất vẻ mỹ quan. Nạn kẹt xe đã xuất hiện ở thành phố này.
Những cảnh đeo bám kiểu này trước đây không thiếu trong nội thành
Yangon. Bây giờ, đất nước phát triển rồi, thành phố cần… rửa mặt! Hình chụp ở Mandalay. |
Kẹt xe ở Yangon. Xe bảng đỏ là taxi, bảng đen là xe tư nhân. |
Yangon vẫn được xem là một trong những thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới, mặc dù dưới thời chính phủ quân đội, nạn phá rừng đã xảy ra dữ dội. Khi nghe tôi khen Yangon nhiều cây xanh quá, người bạn cao niên Miến Điện cười hóm hỉnh: “Rất may. Nhưng cây trong rừng không còn!”
Hai bên đường phố Yangon rợp cây xanh. |
Một góc Yangon, nhìn từ Khách sạn City Golf Resort Hotel. Cây xanh vẫn rợp bóng. |
Tiềm năng phát triển của Myanmar hứa hẹn rất ngoạn mục từ khi chính phủ quân đội cam kết tiến hành cải cách dân chủ trong trật tự, từ khi bản hiến pháp được cải cách và luật biểu tình được công nhận. Myanmar được giỡ bỏ cấm vận từ từ, đầu tư nước ngoài gia tăng, nợ công quốc gia được xóa.
Ngân hàng và tập đoàn kinh tế Việt Nam đã xuất hiện ở Yangon. |
Chính phủ dân sự mới, ngay khi vừa chấp chính, đã tuyên bố xem xét lại nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã ký kết trước đó, trong đó những dự án khai thác rừng bị đình chỉ. Người bạn Miến Điện vừa gửi cho tôi hai bức hình xâm hại rừng, trong đó một người đàn ông Miến Điện bị còng tay, dưới chân anh ta là một bao hoa chuối rừng vừa “thu hoạch”! Nghiêm thật! Khai thác gỗ lậu còn bị trừng trị nặng tay hơn nữa.
Cũng như bao du khách ngoại quốc, tôi rất lúng túng khi sử dụng đồng tiền Miến Điện những ngày đầu ở đây. Đơn vị tiền tệ Miến Điện là KYAT (đọc là /t∫a:t/ _ “chát”). Không hiểu vì sao khi phiên âm ngôn ngữ Miến Điện bằng mẫu tự la-tinh, mẫu tự K lại được phát âm là /t∫/. Lúc đầu, khi tôi phát âm là /ki a:t/, người Miến Điện cứ ngớ ra, không hiểu.
Một điều khá buồn cười là tiền Miến Điện thường nhầu và… bẩn. Ấy thế mà họ thẳng thừng từ chối tờ US dollars của bạn có nếp gấp. Giao dịch với họ bằng tiền thì tốt nhất là đưa cho họ US dollars mới cứng thì mọi việc sẽ êm chèo mát mái! Thông cảm nhé, đất nước Miến Điện mới hội nhập kinh tế thị trường nên tiền mặt vẫn được sử dụng là chính. Thẻ tín dụng không được mời chào niềm nở!
Tờ bạc Miến Điện có mệnh giá 1000 kyats. $1 = 1 170 kyats, theo tỷ giá lúc tôi ở Miến Điện. |
Như vậy 1 kyat = 21 VND. Trên tờ bạc này có hình con kỳ lân, linh vật rất to này thường thấy ở các cổng chùa Miến Điện.
10 000 kyats là tờ bạc có mệnh giá cao nhất. Trên tờ bạc là hình Hoàng Cung (Royal Palace), nổi tiếng ở Mandalay. |
Đến Miến Điện thời gian này không thể không đề cập đến biến cố chính trị vừa xảy ra đầu năm nay. Đất nước Miến Điện, sau hơn 50 năm (1962-2016) nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân đội, nay được điều hành bởi một chính phủ dân sự được dân chúng bầu qua một cuộc tổng tuyển cử. Tuy một số quyền bính trọng yếu vẫn nằm trong tay quân đội nhưng thế giới vẫn ca ngợi rằng Miến Điện hiện nay đang trên đường dân chủ hóa một cách ngoạn mục.
Nhân vật biểu tượng cho thay đổi lớn lao này là một phụ nữ lừng danh thế giới, được người dân Miến Điện kính trọng và ngưỡng mộ về lòng can đảm và kiên trì, đức hy sinh và bao dung: bà Aung San Suu Kyi (chữ Kyi được phát âm là / t∫i:/. Bà nhận giải Nobel Hòa Bình và rất nhiều giải nhân quyền cao quý khác của thế giới. Người dân Miến Điện thường gọi bà theo cách thân mật của họ là Daw Suu (cô/dì/thím Suu), hay Amay Suu (Mẹ Suu). Aung San là tên của cha bà, một vị tướng, người thành lập Quân đội Hiện Đại Miến Điện, bị ám sát năm 1947, vài tháng trước khi Miến Điện được Anh trao trả độc lập năm 1948, khi đó bà mới hai tuổi.
Cô bé Manaw, người quen của chúng tôi, cũng là hướng dẫn viên du lịch ở Mandalay, đã tặng mấy chiếc móc khóa này. |
Tướng Aung San, anh hùng dân tộc, lăng mộ được đặt tại Yangon, nơi tôi được người bạn Miến Điện chỉ cho thấy khi xe chạy ngang qua. |
Nhà của bà Aung San Suu Kyi ở Yangon, được chụp khi trời vừa đổ mưa. |
Ngoài cổng có một bót gác do quân đội canh giữ, mặc dù hiện nay bà đang tham chính với chức vụ cao nhất nước. Chúng tôi xin phép được chụp hình. Trên cổng là chân dung tướng Aung San, cha bà. Bên dưới là cờ của đảng NLD (National League for Democracy _ Liên Minh Quốc gia vì Dân chủ), do bà lãnh đạo. Có thể thoáng thấy bên trong nhà cửa khá tuềnh toàng. Bên kia bức tường, là nơi bà bị quản thúc trong suốt 15 năm! Năm 2008, cơn bão Nargis tàn phá Miến Điện. Nhà bà bị tốc mái, mất điện. Bà phải sống trong tối tăm một thời gian, chỉ sử dụng nến, vì chính phủ quân đội không cấp cho bà máy phát điện!
Trên đường phố Yangon, chúng tôi được người bạn Miến Điện chỉ cho thấy trường trung học khi xưa bà Aung San Suu Kyi học.
Chúng tôi rời Yangon, bắt đầu một chuyến “bán phượt” 10 ngày.
Một vài nét đặc thù thường thấy ở Miến Điện mà không thấy, hoặc rất hiếm, ở những nơi khác, đó là người Miến Điện mặc longgyi (váy dân tộc) chạy Honda vùn vụt và thường không có “nồi cơm điện” trên đầu. Honda là phương tiện di chuyển thông dụng ở các tỉnh lẻ, trừ Yangon.
Hình ảnh này được thấy ở mọi nẻo đường đất nước Miến Điện. Ở tốc độ này, váy longgyi cứ gọi là bay phần phật! |
Người dân Miến Điện, đặc biệt là các chàng thanh niên trai trẻ, thường nhai trầu bỏm bẻm. Cái này không gọi là “bà già trầu” nữa mà là “thanh niên trầu”. Họ nhai trầu bình thản, thỉnh thoảng nhổ toẹt một bãi đỏ loét xuống đường, có điều quan sát cẩn thận trước, để không tặng một bãi vào gót ngà nào đó thì khốn! Không biết khi hỏi vợ, các chàng trai này mang lễ vật gì đến, và sau đó có được nhà gái “lại quả” bằng trầu cau không.
Một lễ hội dân gian Miến Điện. Chàng trai này đang nhai trầu. Hình chụp năm 2009. |
Trầu là món hàng phổ thông thường thấy bán ở các chợ. Chợ sơn cước trên đường đến Taunggyi, thủ phủ của bang Shan. |
Hạt cau khô cũng được bày bán bên cạnh trầu lá. |
Lộ trình đã lên kế hoạch là Yangon -> Bago -> Yangon -> Bagan -> Mandalay -> Taung Shwe (Inle Lake) -> Yangon.
Chuyến đi hứa hẹn nhiều kỳ thú và mệt mỏi vì gần như chúng tôi di chuyển liên tục.
Vì thời gian di chuyển ngồi trên xe là dài nên ảnh chụp một phần cũng từ xe đang chạy nhanh. Khoảnh khắc này là quý lắm, cho dù phẩm chất của ảnh thường không được như ý muốn. Thời tiết thường u ám, ít nắng, và thường mưa về chiều. Tuy nhiên, tổng cộng 6 thiết bị chụp được sử dụng và nạp điện liên tục nên sự chọn lọc cho được những tấm ảnh tạm vừa ý là khá hoàn hảo. Hơn mười nghìn tấm hình được “shot” trong suốt chuyến đi này!
Hồng A
Sài-Gòn, 19/7/2016
Sài-Gòn, 19/7/2016
Từ ngày về Mỹ vào đầu tháng 7/2016 tôi vẫn trông chờ bài phóng sự du hành Myanmar của Hồng A (và PNCửu?). Sáng nay 26/7 mới nhận được bài và hình ảnh. Tôi hoãn ăn điểm tâm, để đọc và xem. Cũng như những bài travelogues trước đây, bài này văn viết thật trôi chảy và hấp dẫn, hình ảnh rất chuyên nghiệp và bắt mắt đã làm tôi để nguội mất chén trà xanh không thể thiếu được khi tôi mở laptop.
ReplyDeleteCảm ơn Hồng A đã giới thiệu một số nét độc đáo về quang cảnh, con người, ẩm thực, giao thông và tình hình an ninh, v..v.. ở Myanmar trong chuyến du hành thứ hai vào cuối tháng 6 tới đầu tháng 7/2016. Những thông tin, nhận định và góp ý của Hồng A đối với tôi rất có giá trị vì tôi dự tính sẽ dụ cô Diana đi Myanmar nhân dịp kỷ niệm 50 năm duyên và nợ.
Bùi Dương Chi.
TH BMT 1963-74.
Kính thưa thầy Chi,
ReplyDeleteEm cảm ơn những lời khích lệ của thầy về bài viết của em.
Đây là chuyến đi vui và đáng nhớ nhất của chúng em. Ấn tượng về đất nước và con người Miến Điện vẫn còn đậm nét, đến nỗi khi về đến quê nhà rồi mà lòng em vẫn thấy nao nao với những hình ảnh vừa đi qua.
Thầy phải “dụ” cô Diana đi Myanmar cho bằng được thầy ạ! Nhân dịp 50 năm, nếu là nợ thì thầy cứ trả phứt cho cô bằng chuyến đi, chi phí thấy bao tất. Còn nếu là duyên thì món quà cưới bằng chuyến du lịch này cho golden wedding nhất định có giá hơn chiếc nhẫn vàng “một lượng” mà thầy âu yếm đeo vào tay cô!!!
Bài em vừa viết chỉ là “khúc dạo đầu”. Đọc những bài sau có lẽ ý định của thầy sẽ “nung nấu” hơn vì bị mê hoặc bởi cảnh vật ở đây.
Học trò Hồng A