Sau một buổi chiều ở rịt trong khách sạn vì trời mưa tầm tã và một đêm ngủ vùi vì mệt, sáng nay chúng tôi dậy sớm để đi thăm một ngôi chùa độc đáo có một không hai ở Miến Điện mà nhiều ngôi chùa hang ở Thái Lan không thể sánh bằng.
Bác tài, một người đứng tuổi nhưng vui vẻ hoạt bát, đợi chúng tôi ở phòng tiếp tân khách sạn. Hôm nay chúng tôi đi bằng xe hơi bốn chỗ ngồi.
Sáng nay trời vẫn u ám, mây mù lãng đãng. Không hy vọng có nắng.
Đường phố ở thị trấn Naung Shwe vắng vẻ, xe gắn máy chạy “tẹc ga” dù thỉnh thoảng ở ngã tư vẫn có đèn xanh, đèn đỏ.
Vừa ra khỏi thị trấn, một màu xanh đồng quê đã trải dài bất tận. Đồng cỏ và đồi núi nối tiếp nhau. Đất nước này thật mênh mông và phì nhiêu.
Thôn trang bình yên. |
Xe băng qua hết làng này đến làng khác. Ở đây ít thấy xe hơi. Phương tiện đi lại đa phần là xe gắn máy, xe bò, thi thoảng có máy cày.
Làng mạc thưa thớt. Giữa những ngôi làng là đồng ruộng bao la đến tận chân núi.
Trường làng. Học sinh đi học thường mang theo gà-mèn cơm cho buổi trưa. Đa phần học sinh cuốc bộ. |
Cây đa đầu làng. |
Một nương rẫy bên đường |
Rẫy trồng hoa lài tiêu biểu bên đường. Hoa lài được sử dụng rất nhiều ở đất nước này. Hoa thơm ngào ngạt và tinh khiết. |
Rẫy bắp. Gợi ý rằng nhớ tìm vài quả bắp luộc lót dạ. Ngọt tự nhiên. |
Ô kìa, đất đỏ bazan! Dường như Ban Mê Thuột quanh quất đâu đây. |
Nông dân ra đồng cùng bầu đoàn thê tử. Xe bò vẫn là phương tiện thời thượng và đắc dụng. |
Có vẻ như hệ thống tưới tiêu ở đây giao phó cho … trời. Đôi nơi, đất đai có vẻ cằn cỗi. |
Vườn dâu, vườn dâu xanh ngát một màu, có đàn, có đàn gà con nương náu … _
Bà Mẹ Quê, Phạm Duy. Lá dâu ở vùng này rất to và xanh mướt. |
Xe chạy qua biết bao làng mạc. Xe có vẻ đang lên vùng cao. Cuối cùng là vượt một đoạn đèo ngắn. Chùa Hang thấp thoáng sau rừng cây.
Chùa có tên Chùa Hang Pindaya là nơi hành hương thành tín của phật tử Miến Điện.
Cổng chùa và hành lang dẫn lên chánh điện. Ở đây mới chỉ là lưng chừng núi. |
Tượng các nhà sư khất thực trên vách núi, dọc theo hành lang vào chùa. |
Một số tượng trên vách núi, mô tả nghiệp báo nhân quả sau khi chết. Phật tử Miến Điện rất thấm nhuần triết lý nhân quả trong cuộc sống. |
Tượng Phật Thích Ca được thần rắn Naga bảo vệ. Một hình tượng quen thuộc ở các chùa Miến Điện và Thái Lan. |
Tại cổng chánh điện, tượng một long thần hộ pháp giương cung bắn con nhện đen khổng lồ, có lẽ là biểu tượng của cái ác. |
Mấy trăm bậc tam cấp như thế này dẫn lên chánh điện. Một lối đi chính bằng tam cấp dài lê thê có mái che có thể thấy từ chân núi. Chúng tôi đi xe lên cổng triền núi để … bớt hao năng lượng. |
Tháp chùa cheo leo trên vách đá, dưới rặng cây rừng thấp thoáng bầu trời. Cảnh vật tuyệt đẹp. |
Dưới kia, cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi, rừng-trời-non-nước, những tạo vật
hài hòa được ban phát. Con người chỉ việc hưởng thụ và giữ gìn. |
Sự tương tác giữa thiên nhiên và con người thật vi huyền, mang tính cộng
sinh. Đừng tàn phá thiên nhiên để tự mình là nạn nhân của chính mình. |
Một quần thể đền đài, chùa tháp dưới chân núi dẫn lên chánh điện qua mái che tam cấp. |
Hoa được bày để cung thỉnh ngay trước chánh điện. |
Tọa lạc trên một ngọn núi đá vôi, Chùa gồm ba hang chính nhưng chỉ có một hang ngoài cùng là mở cửa cho du khách chiêm bái.
Trong hang tọa lạc gần mười nghìn tượng Phật đủ kích thước, dáng tọa thiền cùng sắc diện, từ bé bằng bàn tay đến kích thước bằng người thật hoặc lớn hơn nhiều, được an vị trên nền, vách hang lẫn trần hang. Đa phần tượng Phật ở đây được dát vàng, hoặc làm bằng gỗ teak, cẩm thạch, đồng đen và nhiều vật liệu khác. Người ta không biết những tượng Phật đầu tiên được đặt ở đây từ bao giờ, tuy nhiên những tượng cổ nhất được ghi khắc cho biết từ triều đại Konbaung, khoảng giữa thế kỷ XVIII. Một số tượng Phật được khách thập phương cúng dường.
Thỉnh thoảng, một số thạch nhũ trên buông xuống gần nền hang hay thạch nhũ dưới vươn lên tua tủa. Hang được kết cấu bằng đá granit xanh, rất vững chắc.
Nhiều hang kết nối nhỏ hơn, du khách phải bò qua trên nền đá ẩm ướt và trơn trượt. Nhiều hang rất hẹp và có biển cảnh báo không nên xuống. Một số hang khác vừa đủ lớn để làm nơi tọa thiền.
Lối đi được ngăn hai bên bằng lan can để tránh té xuống vực.
Đèn được sử dụng tương đối hạn chế để rọi lối đi, đồng thời tỏa sáng các tượng Phật, tạo một không gian huyền ảo và tĩnh mịch tuyệt đối.
Tượng Phật lớn trên vách ở chánh điện hang. |
Lối đi trong hang rất hẹp. |
Tháp và tượng hòa quyện nhau. |
Vách hang cheo leo, nhưng nhiều tượng Phật vẫn yên vị tại đó. |
Sự sắp xếp các tượng Phật một cách nghệ thuật trong một không gian hẹp
và hiểm trở như thế này quả thật là một công trình đáng ngưỡng mộ. |
Càng đi sâu vào hang, ngõ đi càng hẹp, trần hang càng kỳ bí. |
Một tượng Phật bằng ngọc bích, thiền trong một hốc đá tự nhiên của vách động. |
Lối đi lên quanh co. |
Nơi đây được xem như chánh điện chính của hang thứ nhất. |
Những tượng Phật bé tí trên vách hang. Thật huyền ảo. |
Góc hang nơi đây, trần xuống thật thấp. |
Các tượng Phật ở góc này đều được dát vàng. |
Đặt được các tượng Phật trên vách chỗ này thật gian nan và khó khăn. |
Không khí ở đây mát lạnh. |
Không biết hang còn sâu bao nhiêu nữa. Cứ đi! |
Trần hang vẫn là điểm quyến rũ nhất. |
Lặng lẽ chiêm ngưỡng. |
Mê mẩn chụp hình. |
Đẹp quá! Kỳ quan không đâu sánh bằng. |
Dùng dằng nửa ở nửa về. Thôi đành rời hang thôi! |
Khách thập phương, kể cả trẻ con, đang làm lễ cúng dường bằng cách dát vàng lên các tượng, các tháp ở chánh điện. |
Ngay từ cửa vào, chúng tôi được báo cho biết rằng để viếng Chùa Hang, phải mất cả một ngày!
Chúng tôi chỉ đủ sức hành hương trong hang độ một tiếng rồi quay ra.
Viếng chùa xong, ngắm cảnh bình yên dưới kia. Biết bao giờ mới có dịp quay lại. |
Ngay dưới sân chùa, gặp một khách hành hương Bắc Âu. Anh chàng này mặc longyi, trông càng thêm … hiền hậu. |
Rời chùa, chúng tôi lên đường đến Taunggyi, thủ phủ của bang Shan.
Xe băng qua một thị trấn nhỏ. Sinh hoạt ở đây tấp nập hơn với một khu chợ nhỏ chồm hổm. Trước cổng chợ là một lô xe gắn máy và xe ngựa. Chúng tôi xuống xe, vào thăm khu chợ này.
Xe ngựa là phương tiện chuyên chở phổ biến ở đây. Có lẽ vùng này ít du khách nên xe ngựa cũng bớt lòe loẹt. |
Chợ đặc thù miền sơn cước. |
Rổ măng rừng này thật lạ: bên ngoài màu hồng, bên trong màu vàng. |
Chẳng ngờ về đến Thái Lan thì phát hiện rằng đậu đã nẩy mầm. Vất bỏ thì tiếc, tôi thử nấu nồi cháo đậu. Không ngờ đậu vừa bùi, vừa thơm, vừa ngon. Từ lâu đã nghe rằng Miến Điện có nhiều loại đậu ngon độc đáo. Bây giờ thì mới biết danh bất hư truyền.
Đậu này nấu cháo, chè thì hết biết. |
Khổ qua, trái dài và ốm. Có lẽ không bị xịt thuốc tăng trưởng. |
Cá sông hay hồ gì đó mới đánh bắt được. Cá này mà nấu với lá giang thì … |
Người mua kẻ bán, cây nhà lá vườn. |
Bên kia đường, ngay trước khu chợ, một hồ nước mênh mông, in bóng mây trời. |
Cách Taunggyi mấy chục cây số, chúng tôi ghé vào một khu trồng nho làm rượu được xem là rất hiếm hoi ở Miến Điện.
Văn phòng chính của công ty nho-rượu với một giàn nho trên bao lơn. |
Vườn nho dưới chân đồi. |
Xe ngựa Mercedes thời … quý tộc! |
Sản phẩm của công ty, ngay trước phòng thử rượu. |
Đường đèo vào thành phố Taunggyi. |
Trung tâm thành phố. |
Cổng hội chợ “Tuần lễ Thái-Lan”. |
Một gian hàng trang điểm và mỹ phẩm Thái Lan. |
Đường về. |
Đồng bào thiểu số miền sơn cước. Hình chụp từ xe. |
Ra đến ngoại ô Taunggyi, bác tài ghé qua nhà mình có việc riêng chi đó. Chúng tôi ngồi trên xe đợi. Phát hiện nhà bác tài bán chè xanh, tôi xuống xe vào thăm nhà, đồng thời mua thử một gói. Gói to như vậy mà giá chỉ có 1 500 kyats. Nhà bác tài cũng bán thơm. Bác ta lấy cho chúng tôi một bịch. Thơm tươm mật, ngọt dịu.
Chè này đem về nhà pha thử, có dư vị chát, uống say say. Lá chè nở to trong nước. Bác tài nói rằng chè do dân địa phương chế biến thủ công. |
Trên đường về, một lần nữa ngắm nhìn cảnh núi đồi chập chùng, hùng vỹ.
Shan là bang có diện tích lớn nhất Miến Điện, mật độ rừng núi cao. Chúng tôi được nhắc nhở rằng càng đi về hướng bắc và biên giới thì cảnh càng đẹp nhưng nguy hiểm vì đây là vùng nhiều sắc tộc, đã nhiều năm có xung đột vũ trang nhưng chính phủ vẫn chưa bình định được.
Không ngờ rằng tết Nguyên đán năm 2013 trong một chuyến đi lên vùng cực bắc Thái-Lan và Tam Giác Vàng, tôi có dừng chân ở biên giới Thái-Lan và Miến Điện, cách nhau một rặng núi. Bây giờ mới sực nhớ ra rằng bên kia ngọn núi là bang Shan của Miến Điện.
Nắng ngừng Bên Cầu Biên Giới… Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi… (Phạm Duy). Hình chụp tại Chiang Dao, Thái Lan, năm 2013. |
***
Khoảng năm giờ chiều, chúng tôi ra nhà hãng xe đò JJ. Ngồi đợi xe đi từ Naung Shwe về lại Yangon. Ngoài cổng nhà xe đã nghe vang rân tiếng chuyện trò của một gia đình người Việt gồm bà ngoại, cha mẹ trẻ cùng hai cậu con trai còn nhỏ, khệ nệ đẩy hành lý đi vào.
A, đồng hương đây rồi! Giọng Nam rặt. Hỏi ra mới biết họ ở Cây Gõ, Bình Chánh, Sài-Gòn.
Trên đất khách, được nghe tiếng Việt bỗng thấy rất thân quen, như hai thỏi nam châm hít vào nhau vậy. Qua câu chuyện, bà ngoại của xấp nhỏ vốn mê chùa chiền, nghe chúng tôi tả cảnh đẹp của Chùa Hang thì tiếc hùi hụi vì không ngờ ở Shan lại có một ngôi chùa tuyệt vời như vậy. Tôi hỏi, khi biết bà cũng đã đi Bagan, rằng bà đã thăm Núi Popa chưa. Bà già lại ngớ ra và lại tiếc hùi hụi lần nữa.
Gia đình này bay qua Miến Điện bằng một hãng hàng không giá rẻ. Khi tôi cho biết chúng tôi đi hãng hàng không giá rẻ Nok Air của Thái, giá còn rẻ hơn nữa, kèm thêm 30 kg hành lý ký gửi miễn phí, thì họ tròn mắt, xuýt xoa, hỏi thăm lấy thông tin liền. Lại tiếc hùi hụi lần nữa.
Người cha hai đứa nhỏ hỏi tôi biết thông tin về con đường lộ đi từ Shan đến Chiang Mai, Thái Lan không. Tôi lắc đầu nhưng cũng không quên cảnh báo rằng đi như vậy khi không biết rành mạch lộ trình thì rất nguy hiểm. Anh chàng này trầm ngâm, không nói gì.
Xe đò khởi hành lúc 6 giờ chiều, đa phần hành khách chưa dùng bữa tối. Chủ xe rất chu đáo, giới thiệu thực đơn cho khách chọn rồi ghi danh sách, đãi hành khách bữa tối miễn phí tại trạm dừng đầu tiên.
Tôi ngủ gà ngủ vịt cho đến sáng hôm sau. Mưa tầm tã suốt đêm và vẫn mưa như vậy ở Yangon.
Đón chúng tôi tại bến xe là William và em gái út Mya Myat Sint, bạn con gái chúng tôi, mà chúng tôi thường gọi là “Xinh Xinh” cho thân mật.
William đưa chúng tôi đến một khách sạn để thay quần áo rồi dùng bữa sáng tại đây trước khi đến nhà thăm mẹ William.
Bà mẹ William và Sint. Bà cụ diễn đạt bằng tiếng Anh khá tốt. |
Bà cụ đã 88 tuổi, mắt mờ, lưng còng, chân yếu, đi đứng khó khăn phải có người dìu nhưng vẫn còn hoạt bát, minh mẫn.
Sau khi chào hỏi, con gái chúng tôi quỳ lạy bà cụ, vì bà cụ đã nhận cháu là con nuôi út, còn “Xinh Xinh”, con gái út của bà, quỳ lạy vợ chồng chúng tôi. Theo phong tục người Miến Điện, con cái hiếu để với cha mẹ và lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi.
Sint và mẹ. |
Từ đấy suy ra nếp sống đạo đức, thiện lương chính là nền tảng xã hội Miến Điện.
Bà cụ tặng anh Cửu một quyển sách mà bà đọc nhiều lần và mong người được tặng cũng đọc hết.
Quyển sách được mến tặng! |
Trong câu chuyện đưa đẩy từ tình hình Miến Điện đến quốc tế, tôi biết rằng bà cụ hàng ngày ở nhà một mình, con cháu đi làm vắng nhà, thời gian rảnh bà đọc sách báo, hiểu rõ tin tức trong nước và quốc tế.
Bà cụ theo dõi sát cuộc vận động tranh cử ứng viên tổng thống Hoa Kỳ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Bà thích ứng viên Hillary Clinton và mong cho bà Hillary thắng cử. Bà còn cho biết rằng không thích ứng viên Donald Trump …!!!
Trời ạ! Không thể nào tin nổi. Cứ tưởng bà cụ ở tuổi này chỉ là gánh nặng cho con cháu, nào ngờ …
Tôi cũng nhận xét thêm rằng đa phần người dân Miến Điện quan tâm đến vận mệnh của riêng mình hòa trong vận mệnh chung của dân tộc họ. Điều này làm tôi chỉ còn biết ngạc nhiên và thán phục.
Chào cả nhà, chúng tôi ra xe đến phi trường Yangon cho kịp chuyến bay về lại Thái Lan.
Chuyến du lịch mười ngày ngắn ngủi của chúng tôi đã kết thúc. Gió bụi đường xa nên tôi đà thấm mệt. Bên cạnh những phiền toái nho nhỏ là dịch vụ vệ sinh nơi công cộng cũng như ở trong các chùa Miến Điện không được tốt cho lắm, nhưng đất nước và người dân Miến Điện đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng chúng tôi.
***
Trong khi tôi viết loạt bài du ký này, theo nguồn tin BBC tiếng Việt, chiều ngày 24/8/2016, giờ địa phương, một trận động đất lớn 6.8 độ richter có tâm chấn nằm ở độ sâu 84 km ngay tại làng Chauk, cách thành phố cổ Bagan chỉ 35 km, đã phá hủy và làm hư hại nhiều ngôi chùa cổ ở Bagan.
Khi đọc bản tin này, con gái và cháu ngoại tôi đang ở Bagan. Cả nhà hoảng vía, liên lạc mãi thì được tin tất cả đều bình an vô sự.
Chính phủ Miến Điện đã không cho dân chúng và du khách đến gần những ngôi đền bị sụp đổ này.
Đền đài bị xô lệch sau trận động đất ngày 24/8/2016. Hình của gia đình chụp ngày 26/8/2016. |
Gạch đá rơi vãi trong một ngôi chùa sau cơn địa chấn. Hình của gia đình chụp ngày 26/8/2016. |
Gẫy đổ bên trên một ngôi chùa ở Bagan. Hình của gia đình chụp ngày 26/8/2016. |
Tôi càng thấm thía quy luật thành-trụ-hoại-không, nghĩ rằng mình đã may mắn có cơ duyên thăm những ngôi chùa cổ này khi còn nguyên vẹn.
Nếu một mai, vì nhiều nguyên nhân khác, vương quốc đền đài cổ Bagan đẹp như trong truyện cổ tích này và nhiều kỳ quan khác trên thế giới không còn nữa thì thiệt thòi biết mấy cho con người trong cõi thế gian.
Riêng tôi cũng buồn biết mấy, tìm đâu cho thấy lại những bình minh mờ ảo, những hoàng hôn hiu hắt cuối chân trời.
LỜI KẾT
Trong suốt cuộc hành trình, qua trao đổi chân tình với những người bạn Miến Điện, với những hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi hiểu phần nào tâm tình người Miến Điện: họ vui mừng với nền tự do dân chủ vừa có được. Họ hy vọng về một tương lai phát triển, tươi sáng hơn của Miến Điện.
Khi ngồi trên xe rong ruổi qua biết bao ngôi đền ở Bagan, anh Cửu hỏi Wai Zin, bác tài trẻ, rằng Wai có cảm nghĩ gì về ông Thein Sein, có xem ông như một anh hùng dân tộc không. Wai im lặng một lúc rồi lắc đầu. Anh Cửu lại nói với Wai rằng, dưới nhãn quan một người nước ngoài, giả định rằng nếu vị tổng thống này, cũng như bao tướng lãnh trước đó không chịu rời bỏ quyền lực và quyền lợi thì liệu đất nước Myanmar có được hưởng dân chủ như bây giờ không. Wai Zin vừa lái xe vừa trầm ngâm hồi lâu. Cuối cùng anh ta nói rằng ông ấy là một con người yêu nước.
Lúc diện kiến với Sayadaw ở thiền viện của ngài, chúng tôi kể rằng đã thăm Popa Mountain, đứng chụp hình ngay ở vị trí bà Aung San Suu Kyi đã chụp trước đó. Sayadaw cười và bảo chúng tôi cho ngài xem hình bà Suu Kyi. Ngài ngắm hình bà trong điện thoại của con gái tôi với sắc diện hoan hỉ.
Chúng tôi đem chuyện cựu tổng thống Miến Điện, ông Thein Sein, sau khi hoàn thành trách nhiệm chính trị với dân tộc, chuyển giao quyền lực lại cho chính phủ dân sự trong trật tự, đã xuống tóc tu Phật trong một khóa tu 5 ngày tại Dhamma Dipati Monastery, thuộc miền trung Mandalay. Đây là cuộc hành trình của một nhân cách lớn. Sayadaw trầm ngâm, nhắm mắt. Cuối cùng ngài nói như thể nói với chính mình: “Như vậy tốt cho ông ấy hơn”.
Cô bé Manaw hồn nhiên, lúc nào cũng vui như sáo. Anh Cửu kể rằng cả gia đình tôi đi thuyền trên dòng Irrawaddy ngắm bình minh và có ấn tượng rất lớn về dòng sông này. Cô bé hỏi ấn tượng về điều gì thì được trả lời rằng chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh của dòng nước đục phù sa cùng mùi sống của tôm cá, thủy sinh. Người bạn nhỏ Miến Điện thổ lộ với chúng tôi ước mơ yên bình và giản dị của cô: những dòng sông Miến Điện êm đềm trôi với phù sa màu mỡ bồi đắp hai bên bờ để người dân chài được thong dong thả lưới, vớt tôm cá đầy thuyền. Môi trường sống trong lành để người dân sống thanh bình và ít bệnh tật.
Cô cũng cho biết thêm rằng dự án đập thủy diện Myitsone với số vốn 3.6 tỷ USD của chủ đầu tư Trung Quốc xây dựng gần cửa sông Irrawaddy tại bang Kachin, vùng đông bắc Miến Điện, đã gặp sự chống đối của dân chúng địa phương, nhất là sắc tộc Kachin. Trước hệ quả tác hại môi trường, chính phủ quân đội của tổng thống Thein Sein đã quyết định ngưng dự án Myitsone năm 2011 dù phải bồi thường cho chủ đầu tư số tiền lớn.
Tuy nhiên, cô vẫn cho rằng quyết định ngưng xây đập này là một quyết định khôn ngoan.
Đa phần người Miến Điện sống thật thà chất phác, mặc dù có biên giới chung với Trung Quốc, họ sẽ không vì lòng tham mà tuồn hàng giả hay thực phẩm độc hại từ Trung Quốc vào nước. Họ cũng không có can đảm chế biến thực phẩm độc hại đưa ra thị trường nội địa để giết hại chính đồng bào của mình. Mandalay là thành phố có đông người Trung Hoa giàu có sống lâu đời. Tuy nhiên, suốt thời gian ở đây, tôi không thấy các bảng hiệu lớn nhỏ nào ghi bằng chữ hán, thỉnh thoảng nếu có chỉ là hàng chữ nhỏ kín đáo.
Chính sự hình thành của một nền dân chủ từ nền tảng kinh tế lạc hậu, chia rẽ sứ quân, xung đột sắc tộc như Miến Điện là một điều đáng nói.
Người dân Miến Điện may mắn có được một lãnh tụ tài giỏi, khôn ngoan, can đảm, được mọi người từ dân chúng đến cộng đồng quốc tế yêu mến và tin cậy, đó là bà Aung San Suu Kyi.
Noi theo đường lối đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi, bà đã lãnh đạo người dân đấu tranh bất bạo động lồng trong tinh thần Phật giáo Nguyên thủy Miến Điện để đòi quyền tự do dân chủ. Giới tướng lãnh tiếm quyền từ 1962, cai trị đất nước với bàn tay sắt độc tài đã dẫn đến hậu quả là đất nước ngày càng bị cô lập và nghèo đói.
Những cuộc biểu tình của người dân nổ ra. Các nhà sư mang bình bát đi khất thực đấu tranh trong tinh thần ôn hòa bằng cách úp ngược bình bát xuống.
Hình ảnh này ít nhiều làm thức tỉnh lương tri giới cầm quyền quân đội, làm họ tỉnh ngộ ra, tin vào luật nhân quả, nên đã thay đổi chính sách cai trị: đặt vận mệnh dân tộc lên trên quyền lợi của các nhóm lợi ích.
Vào năm 2009, tôi đã đến đây, lúc đó Internet còn hạn chế trong dân chúng. Những cuộc điện thoại hay nhắn tin ra nước ngoài hoặc ngược lại đều bị kiểm duyệt gắt gao. Bây giờ thì người dân ở đây sử dụng thành thạo thành tựu khoa học được xem là hàng đầu của thế kỷ trước, để giành lấy “quyền được biết”, để tự khai sáng, như định nghĩa của Liên Hiệp Quốc rằng, qua đến thế kỷ XXI, mù chữ không phải là không biết đọc, biết viết mà là không biết, không thể, không muốn truy cập Internet!
Từ năm 2011, giới cầm quyền quân đội thay đổi chính sách cai trị bằng cách cho phép tiến hành các cuộc bầu cử tự do, cởi bỏ hệ thống kiểm duyệt, thông qua luật biểu tình, thả tù nhân chính trị, …
Chính phủ dân sự mới còn nhiều khó khăn, gian nan trước mặt trong mục tiêu vãn hồi hòa bình với 135 sắc tộc tại Miến Điện. Tuy nhiên, nền tự do dân chủ như một luồng sinh khí mới thổi vào đất nước bạn, tạo ra một sự chuyển mình phát triển nhanh chóng, rõ nét nhất là các thành phố lớn và thủ đô thương mại cũ Yangon.
Tôi nhận thấy một đất nước Miến Điện đang nhoai mình ra phía trước, đang bước đi với một thể chế dân chủ còn non trẻ, hòa cùng sự tiến bộ của thế giới.
Bình minh vẫn rạng rỡ trên dòng Irrawaddy sau cơn động đất. Hình của gia đình chụp ngày 26/8/2016. |
Hồng A
Sài-Gòn 9/9/2016
Sài-Gòn 9/9/2016
Bài "Chùa Hang Pindaya Miền Sơn Cước" là một phóng sự du khảo công phu rất có giá trị văn hoá, thông tin và thời sự ngoài nội dung chính là "đi cho biết đó biết đây". Nói chung, phần hình ảnh thật là phong phú, chuyên nghiệp và hấp dẫn trong khi phần phụ đề không những lôi cuốn về văn tự mà còn lôi cuốn tôi vì gồm cả các diễn biến thời sự chính trị, tôn giáo và thiên tai mới đây.
ReplyDeleteVề Chùa Hang Pindaya: tôi chưa bao giờ được đọc chứ đùng nói tới chuyện chiêm ngưỡng phong cảnh và "nhà Phật" ở trong đó. CHS Hồng A làm tôi sốt ruột quá vì không biết sang năm 2017 tôi có dịp đi thăm Myanmar không mặc dù đọc và xem hết bài phóng sự trên thì tôi cũng đã được biết thêm về xứ sở này như phong cảnh, sinh hoạt thường ngày và con người. Một thí dụ điển hình là trường hợp bà cụ 88 tuổi, đau yếu, nhưng vẫn theo rõi tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ và còn bầy tỏ quan điểm đối với Hillary và Trump!!! Đối với tôi, một nét đặc sắc nữa của bài phóng sự kỳ này là phần phụ đề về mấy diễn biến thời sự mới mà tôi quan tâm. Chẳng hạn như về hai nhân vật "độc đáo" của Myanmar hiện nay: bà Aung San Suu Kyi và tướng Thein Sein. Chẳng hạn như về xung đột kéo dài giữa chánh phủ và sắc tộc Hồi giáo Rohingya, cũng như xung đột giữa các nhóm thiểu số và chính phủ ở bang Shan, vụ động đất 24/8/2016.... Chùa Hang có bị hư hại gì không? Các di tích cổ kính mà Hồng A đã đi thăm và mô tả rất sống động có bị đổ vỡ nhiều không? Tôi sốt ruột quá.
Bùi Dương Chi.
Cựu giáo chức. THBMT 63-74
Kính thưa thầy Chi,
ReplyDeleteCảm ơn thầy đã đọc và khích lệ bài viết “Chùa Hang Pindaya Miền Sơn Cước” của em.
Cháu gái nhà em ở Bagan ngay hôm xảy ra động đất, đã đi thăm và chụp hình một số ngôi chùa ở đây nhưng không được đến gần những ngôi chùa bị sụp đổ.
Theo nguồn Đại Kỷ Nguyên (http://vietdaikynguyen.com/v3/) thì khoảng 200 ngôi chùa bị sụp đổ hoặc hư hại nặng và 4 người bị thiệt mạng.
Hy vọng rằng Chùa Hang Pindaya ở bang Shan, hơi xa tâm chấn một chút sẽ không hề hấn gì. Chắc chắn thầy sẽ còn đủ duyên để chiêm ngưỡng những gì mình thích.
Em cũng hy vọng rằng người Myanmar, dù dị biệt ít nhiều về sắc tộc, rồi ra cũng đủ khôn ngoan để hòa giải dân tộc với nhau hơn là cầu viện nước ngoài.
Học trò Hồng A