Tên gốc tiếng Khmer “Tưk Kha-Mau” nghĩa là “Nước đen” do bị thấm nhựa lá cây tràm rụng xuống. [https://www.vi.wikipedia.org]
Từ hồi học lớp Nhất (lớp 5), Niên Khóa 1950-1951, tôi đã ao ước được đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau sau khi nghe câu ca “…Non sông như gấm hoa uy linh một phương…”
[“Việt Nam Minh Châu Trời Đông”. Hùng Lân.]
Chuyến đi tháng 4/1994.
Biên,vẽ và in tại Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt.1995. Không giữ bản quyền. Không cấm photocopy. |
Vì chiến tranh, gia cảnh và công việc, mãi đến lúc 55 tuổi, nhờ được phụ trách chương trình Học Kỳ Hải Ngoại/Việt Nam của School for International Training ở tiểu bang Vermont/ Hoa Kỳ, tôi mới gặp hai bạn đồng hành góp tiền mướn xe 4 chỗ khứ hồi Saigon-Cà Mau, ghé đâu cũng được. Một tên Vỹ, 28 tuổi, nghiên cứu sinh ngành Luật, quốc tịch Úc, gốc miền Trung. Một tên Châu, 56 tuổi, TS Giáo Dục, quốc tịch Canada, quê Vĩnh Long, cùng khoá Đại Học Sư Phạm Saigon. Thuở ấy, thấy “em” nhỏ nhỏ dễ thương, tôi bèn sấn tới “làm quen” sau mấy màn “khen nịnh có hậu ý”. Ai dè “em” nhìn thấu “tim đen” Bắc Kỳ, và lại là cựu nữ sinh trường đầm Marie Curie nên “em” dằn mặt tôi: {Nè, đây là “Châu Ch”, không phải “Trâu Tr”. Nhớ chưa? Sans gêne.} [= Không biết mắc cở; Cà chớn]. Năm thứ hai, chúng tôi thành bạn học nhóm. Tốt nghiệp, bặt tin. 31 năm sau tình cờ gặp lại ở Nhà Khách Viện Pasteur khi “chị” -hơn tôi 1 tuổi- về nước giúp tài trợ mấy Hội Khuyến Học ở miền Nam và tư vấn cho mấy dự án thiện nguyện ở miền Bắc.
Saigon 1994. |
Vĩnh Long. Sáng sớm bên bờ Tiền Giang. Niên Khoá 1961-1962. (Hình TtChâu). |
Chuyến đi Cà Mau tháng 4 năm 1994. Chúng tôi ghé Vĩnh Long một ngày để Châu thăm mẹ. Ăn cơm tối ở Khách Sạn Nhà Hàng Cửu Long vì tôi đã kể chuyện "linh cảm" ở đó khi tôi nhận lời thông dịch cho một chuyên viên canh nông Mỹ dự phiên họp liên tỉnh Hè 1960.
Chuyện “linh cảm” Hè 1960. Xuống trước một ngày, tôi tới mướn phòng. Quản lý nói có phòng đơn trên lầu rẻ, yên tĩnh, rất kín đáo. Thấy phòng sạch sẽ, tôi để lại hành lý rồi xuống nhà hàng kêu tô mì tôm. Khách chỉ có mình tôi. Trong khi ăn, tôi bắt gặp hầu bàn và quản lý thỉnh thoảng nhìn lén. Nghĩ bụng mình quần áo xuềnh xoàng nên khi trả tiền, để họ yên tâm, tôi đưa tờ 100Đ dù mì và xá xị chưa tới 10Đ. Tôi “boa” hầu bàn 2Đ. Về phòng, lúc móc và xếp quần áo vào tủ, tôi linh cảm có người đứng phía sau. Quay ngoắt lại, không thấy gì. Rờn rợn, tôi bật đèn trần và đèn đầu giường rồi nằm nghỉ. Vừa chợp mắt, tôi lại linh cảm có người ở trong phòng. Nghĩ còn nắng đã vậy, đêm tối chắc không ổn. Tôi xuống bảo quản lý cho đổi phòng lấy cớ ngộp quá. Ổng nói để mang quạt bàn lên. Tôi không chịu vì sợ ... trúng gió. Đổi phòng tầng trệt có cửa sổ, nghe rõ tiếng xe cộ và người qua lại, tôi ngủ tới tối mới ra ăn. Xong bữa, hầu bàn vừa dọn chén dĩa vừa kể tháng rồi, bà vợ một ông quận trưởng treo cổ chết trong phòng trển.
Qua phà sang Cần Thơ mừng Xuân muộn. Chúng tôi ghé Sóc Trăng thăm
các chùa Khmer Krom (Việt gốc Miên) rồi đi xem "tư dinh" Công Tử Bạc Liêu và nghỉ qua đêm ở thị xã. |
Để tài xế ở lại trông xe, chúng tôi mướn vỏ lãi -ghe dài, khoang hẹp, gắn máy chạy nhanh- đi từ bến Gành Hào (Cà Mau) tới thị trấn Năm Căn mất chừng 4 tiếng (50Km). Hôm sau, chúng tôi mướn ca-nô ra Mũi Cà Mau. Chạy một hồi, tài công quẹo vô sông nhánh. Bỗng tôi nghe cái "ục". Tài công nói chắc đụng rễ đước. Chổng chân vịt lên xem, thấy còn nguyên. Chạy tiếp, ca-nô vừa lắc vừa giựt. Tấp vô trạm xăng nhớt nhờ coi giùm mới biết "láp" [trục chân vịt] bị cong, phải mướn ghe kéo về Năm Căn sửa. Xế chiều, tôi mướn được một ghe gắn động cơ xe tải cải biến. Hẹn 7 giờ sáng hôm sau điểm tâm xong sẽ đi. Tài công nói chỉ cần mang theo nước uống, 9 giờ hơn ra tới Mũi Cà Mau chụp hình,1giờ về đây ăn trưa, 2 giờ cô chú và anh hai về thị xã là vừa.
Chạy tới gần 10 giờ, tài công nhớn nhác rồi ghe mắc cạn cồn ngầm. Tắt máy, nâng cao chân vịt, tài công chống mái chèo đẩy ghe. Ghe không chuyển. Nắng chói chang, bốn bề nước đục với vài cụm cỏ lác. Chịu trận một hồi, tài công và tôi cởi quần áo xuống nước đẩy ghe. Càng đẩy chân càng lún sâu nên ghe vẫn mắc cạn. Tôi an ủi Châu và Vỵ xa xa có dẫy nhà chòi, trước sau dân chài sẽ thấy mình.
Tôi nói các cụ đã phán "Trong cái rủi có cái may". Nhờ mắc cạn, chúng mình mới có dịp chiêm ngưỡng đất phù sa đã tạo nên cái nôi văn minh lúa nước. Châu la làng "Bắc Kỳ nói 'dddì' cũng được". Vỹ giúp chụp hình lưu niệm.
Từ trái: Vỹ, bà chủ nhà, lối xóm, tôi, em trai và ông chủ nhà. Châu chụp hình |
Gần trưa, nắng rát da mặt. Uống gần hết nước thì một ông đứng tuổi chèo xuồng tấp vô hỏi chuyện. Khi biết chúng tôi tính thăm Mũi Cà Mau, ổng nhìn tài công lắc đầu nói ghe bự quá, ba bốn giờ chiều nước ròng lên cao mới chạy ra được. Ổng bảo về nhà ổng đụt nắng, ngồi đây chịu sao thấu. Chúng tôi cảm ơn hết lời. Xuồng chỉ chở được 3 người, Châu và tôi di trước. Con trai ổng sẽ rước Vỹ và mang cơm nước cho tài công ở giữ ghe chừng nào chạy được thì vô xóm chài đón chúng tôi. Về tới nhà, ổng bảo con gái còn nhiêu gạo nấu hết, còn nhiêu khô sặt nướng hết, còn nhiêu rau luộc hết. Trong khi chờ cơm, ổng khuyên chúng tôi về Năm Căn vì tài công lạc đường. Ông nói qua trạm Ngọc Hiển theo hướng Nam là ra Đất Mũi, theo hướng Tây tới đây là Cửa Ông Trang, đi tiếp là sang Căm Bốt, Thái Lan. Khi biết chúng tôi ở nước ngoài về, ổng bảo vợ kêu bà con lối xóm tới hỏi chuyện bển. Châu ở Canada, Vỹ ở Úc, tôi ở Mỹ. Bà con thay nhau hỏi vì thân nhân không vượt biên cũng là "thuyền nhân". Chẳng bao lâu, trẻ nhỏ giành nhau báo tin ghe tới. Sợ chủ nhà không nhận tiền, Châu bảo tôi lén gài 50Đô vào mấy cái mùng xếp trên kệ. Chia tay, chắc không còn gặp lại, chúng tôi chúc từng người sớm được đoàn tụ với thân nhân.
Chú thích: thiếu hình vì hình rọi ra giấy, tôi xếp từng xấp, dính nhau, bị hư nhiều.
Chuyến đi tháng 3/2000.
18/3/2000. 7:30 sáng, tàu cánh ngầm (hydrofoil) Saigon đi Vĩnh Long mất 3 tiếng. Tôi xuống ghe máy chạy tiếp sang Cần Thơ. Nhờ đi đường thủy, tôi thấy toàn cảnh 2 cầu giây quăng -Úc hỗ trợ kỹ thuật và tài chánh(?)- thay thế phà Mỹ Thuận và phà Hậu Giang. Cần Thơ - Cà Mau tôi đi xe khách rồi lên xe ôm ra bến sông Gành Hào. Đi bộ lòng vòng, tôi thấy một ca-nô toàn các bà chắc mới đi chợ thành phố. Tài công trẻ hỏi chú đi đâu. Tôi đáp Mũi Cà Mau. Nó nói trễ rồi, xuống Năm Căn ngủ, mơi đi. Chịu thì nó chạy ngay. Tôi chịu. Nó bảo hai bà ngồi băng sau để tôi ngồi giữa cho đỡ bị sóng nhồi. Ngồi xuống, tôi than "kẹt cứng". Nó rỡn "ca-nô lắc lắc một hồi, chú dô êm cái một". Hai bà cùng la "thằng mắc dịch".
Gần 7 giờ tối tới Năm Căn, cách thành phố Cà Mau khoảng 50Km. Nó chỉ tôi đường đến Nhà Khách Công Đoàn rồi dụ nếu chịu mơi nó đưa đi Mũi Cà Mau.
Tôi hỏi nhà ở đâu? Nó đáp ở đây. Dọc đường thấy nó vững tay lèo lái và khi gặp xuồng nhỏ nó tốt bụng giảm tốc độ nên tôi vui lòng hỏi ra Mũi Cà Mau rồi trở về đây hết nhiêu. Chắc đoán tôi ở nước ngoài, nó đòi 50 Đô. Tôi hỏi thuộc đường không? Nó bảo đảm về Năm Căn mới lấy tiền.
Đường ra Đất Mũi cách Năm Căn khoảng 20Km. Rất nhiều tràm và đước. Bờ trái phía trước là vỏ lãi. Góc phải là mũi ca-nô tôi mướn.
Xã Đất Mũi. Tôi xuống ca-nô lội bộ. Khu này nhà cửa lụp xụp, không thấy đường lộ, cầu cống. Nhờ có điện và truyền hình nên "mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con" mới khả thi vì nghe nói tối lửa tắt đèn các ông thường tụ tập xem Tây đá banh, các bà kéo nhau đi coi tuồng cải lương.
Ra khơi nhìn vào đất liền thì đây là giải đất cùng Nam. Không biết đây có phải là nơi bài địa dư lớp Nhất tôi phải học thuộc lòng cho biết mỗi năm đất phù sa bồi thêm cả trăm thước (?).
Tài công nói đó là Hòn Khoai. Tôi bảo đưa tôi ra đảo, tôi trả thêm tiền. Nó đáp trông vậy chớ còn xa. Nó chưa ra đó. Ca-nô cỡ này gặp biển động lật cái rụp. Phải mướn ghe chài lớn hay đi theo tầu bộ đội. Tôi tự nhủ sẽ đi thăm cụm hải đảo cùng Nam -5 hòn gần nhau, Hòn Khoai lớn nhất- cách đất liền 15Km. Về tới Năm Căn, tôi trả tiền rồi hỏi tên và địa chỉ để gửi hình. Lột nón bảo hộ, nó căn dặn tôi đề tên Lê Thành Đồng. Xã Hàm Rồng. Huyện Năm Căn. Tỉnh Cà Mau.
Chú thích. Hình rọi ra giấy, tôi lưu trữ từng xấp nên bị hư nhiều vì dính nhau.
Chuyến đi tháng 6/2016
Tháng 6/2016. Một đại lộ chính ở thành phố Cà Mau. |
{Tháng 9 năm 2013, 4 cựu học sinh THBMT đồng ý thầy trò xuống Cà Mau rồi ra Hòn Khoai. Gần ngày lên đường, cả 4 rút lui. Tôi hủy chuyến đi. Rất may ít lâu sau, tôi được tin địa phương chưa chính thức cho phép du khách ra Hòn Khoai.}
Lần này, mấy ngày trước khi đi, tôi gọi điện thoại và vào mạng của 6 khách sạn ở Cà Mau để đặt phòng rẻ tiền và hỏi xem du khách đã được ra thăm Hòn Khoai chưa. Chỉ khách sạn Địa Ốc trên đường Cao Thắng ghi trong mạng có Tour và tái xác nhận qua điện thoại. Sáng 14/6, tôi đi xe đò từ Bến Xe Miền Tây tới Thành phố Cà Mau lúc 2 giờ chiều. Đến khách sạn nhận phòng xong, tôi ra bến sông Gành Hào tìm phương tiện đi Hòn Khoai vì tôi không thích đi Tour. Nhân viên bán vé chuyên chở công cộng và mấy tài công tự quản người nói xuống Đất Mũi rồi ra làng chài Trần Đề mướn ghe đi tiếp, người nói dân thường chưa được lên Hòn Khoai. Không yên tâm, tôi đi hỏi một công ty Du Lịch ở trung tâm thành phố thì nhân viên cũng lơ mơ. Ghé vào Thư Viện gần đó hỏi cầu may, quản thủ chỉ tới Du Lịch Công Đoàn. Nơi đây, ông phụ trách cho biết 4 yêu cầu (điều kiện): đoàn phải có khoảng 30 người; xin phép mất 3 ngày; không hoạt động chánh trị; tuyệt đối không có khách Trung Quốc. Ổng khen Hòn Khoai rất đẹp và khuyên tôi chớ mướn ghe chài vì không an toàn, có thể không được lên đảo, có thể bị “kỳ kèo”. Theo ổng, tôi nên chờ năm tới xem đi riêng lẻ có được phép không. Về khách sạn, tôi bảo người đã xác nhận có Tour Hòn Khoai dù phải đợi giấy phép tôi cũng đi. Bả cho biết đã từng tổ chức nhưng các bên phải phối hợp thì mới quy tụ đủ số khoảng ba chục người. Nghe nói phải “đi nhờ” tầu bộ đội.
Lần này, mấy ngày trước khi đi, tôi gọi điện thoại và vào mạng của 6 khách sạn ở Cà Mau để đặt phòng rẻ tiền và hỏi xem du khách đã được ra thăm Hòn Khoai chưa. Chỉ khách sạn Địa Ốc trên đường Cao Thắng ghi trong mạng có Tour và tái xác nhận qua điện thoại. Sáng 14/6, tôi đi xe đò từ Bến Xe Miền Tây tới Thành phố Cà Mau lúc 2 giờ chiều. Đến khách sạn nhận phòng xong, tôi ra bến sông Gành Hào tìm phương tiện đi Hòn Khoai vì tôi không thích đi Tour. Nhân viên bán vé chuyên chở công cộng và mấy tài công tự quản người nói xuống Đất Mũi rồi ra làng chài Trần Đề mướn ghe đi tiếp, người nói dân thường chưa được lên Hòn Khoai. Không yên tâm, tôi đi hỏi một công ty Du Lịch ở trung tâm thành phố thì nhân viên cũng lơ mơ. Ghé vào Thư Viện gần đó hỏi cầu may, quản thủ chỉ tới Du Lịch Công Đoàn. Nơi đây, ông phụ trách cho biết 4 yêu cầu (điều kiện): đoàn phải có khoảng 30 người; xin phép mất 3 ngày; không hoạt động chánh trị; tuyệt đối không có khách Trung Quốc. Ổng khen Hòn Khoai rất đẹp và khuyên tôi chớ mướn ghe chài vì không an toàn, có thể không được lên đảo, có thể bị “kỳ kèo”. Theo ổng, tôi nên chờ năm tới xem đi riêng lẻ có được phép không. Về khách sạn, tôi bảo người đã xác nhận có Tour Hòn Khoai dù phải đợi giấy phép tôi cũng đi. Bả cho biết đã từng tổ chức nhưng các bên phải phối hợp thì mới quy tụ đủ số khoảng ba chục người. Nghe nói phải “đi nhờ” tầu bộ đội.
Chưa thể ra Hòn Khoai, tôi đi thăm trung tâm thành phố Cà Mau nơi cách đây 22 năm tôi đã có mặt. Thấy khá nhiều tiệm ăn uống và doanh nghiệp nhỏ có bảng hiệu bằng tiếng Anh, tôi chụp hình để góp vào bài “Lan Man Bên Lề” kỳ tới. Nguyên do: chiều 24/05/2016 ở Saigon tôi thấy rất đông người đứng dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước 1975 là Công Lý) hồ khởi đón chào Tổng Thống Mỹ. Ra về, để tránh xe cộ ùn ùn được phép lưu thông trở lại, tôi đi qua các ngõ hẻm và thấy nhiều bảng hiệu tiếng Anh. Nếu ở Cà Mau cũng vậy, tôi cho rằng đây có thể là biểu hiện ngày càng có thêm người trong nước muốn Việt Nam sánh vai với các quốc gia dân chủ tự do.
Đội lưu động của một công ty cung ứng dịch vụ quảng cáo. |
Hoành tráng nhưng im lìm khi tôi chụp hình vào lúc xế chiều. |
Hầu hết thành thị tôi ghé thăm đều có các phòng thể dục thẩm mỹ và tập
tạ. Những studio tôi được vào xem, không chụp hình, đều có nhiều khách/hội viên rất năng động. |
Xe gắn máy lắp ráp ở trong nước mang nhãn hiệu Nhật Bản rất được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Bao giờ mới có “cạnh tranh chính trị” minh bạch kiểu “cạnh tranh kinh
tế” như thế này để dân chúng mở mặt với đồng loại ở các nước văn minh chính hiệu. |
Không ít quan và dân ta rất muốn “đi và sống” ở các nước Tư Bản. Nhận định này tôi căn cứ vào kinh nghiệm hướng dẫn du học sinh từ năm 1992 và rất nhiều quảng cáo của các công ty Du Lịch có thêm dịch vụ Bảo Lãnh và Định Cư.
Tập Đoàn FPT là Đại Doanh Nghiệp Viễn Thông và Điện Tử hàng đầu ở Việt
Nam. Cựu Tổng Giám Đốc Tập Đoàn này vừa đưa vợ con “đi và sống” ở Mỹ. [http://vietnamnet.vn/vn/Kinh-doanh/doanh-nhan/ 317365/cuu-ceo-fpt-trương-dinh-anh-dua-ca-nha-sang-my-song.html]. [www.bbc.com/Vietnamese/2016/07/160725_truong_dinh_anh_and_family_move_to_US]. |
Kinh doanh Cà Phê Internet ngày càng ít khách vì số người có PC, Laptop, Tablet, I-Phone, Smart Phone ngày càng tăng, kể cả ở vài vùng nông thôn khá giả. Một số tiệm chuyển sang dịch vụ chơi game mà “khách nghiện” đều là thanh niên và học sinh!!!
Vườn sau nhà Thầy Cô Tỷ, thôn Phước Nhơn 3, Xã Xuân Hải, Huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ngồi bên phải là Thầy Giảng đạo Chăm Bà Ni (giáo phái Hồi người Chăm). Tháng 6/2012, khi tôi đến thăm thầy Tỷ (dậy Pháp Văn THBMT 1963-1965), tôi thấy mấy nhỏ Chăm bao quanh một em dùng ngón chỏ phết phẩy trên màn hình máy cầm tay như hệt dân ở Washington DC!
Nếu không có mấy hàng chữ Việt thì đây cũng có thể là ở Manila, Phi Luật Tân. |
Mấy công chức Mỹ tôi dậy tiếng Việt, hiện làm việc ở Hà Nội và Saigon, bảo cà phê Việt Nam đắng “dựng tóc gáy”. Nghe nói do mình trộn thêm bắp rang hay hạt cau. Gần đây một bài báo trong nước báo động có nhiều con buôn trộn bột ký ninh (thuốc sốt rét) của Trung Quốc, rất rẻ và rất đắng, vào cà phê. Uống nhiều là tiêu nội tạng. “Thế Giới Di Động” là công ty Điện Thoại Di Động hàng đầu có chi nhánh ở khắp nước.
Cà Mau có tới 2 nhà hàng với thực đơn Mỹ Châu La Tinh! |
Không thua Quận Cam, Cali nhưng chẳng biết có bền vững không vì mấy nhà
hàng ẩm thực sang trọng và mấy cửa tiệm thời trang đẳng cấp lúc tôi chụp hình đều rất vắng hoặc không thấy khách. |
Tỉnh thành nào cũng có Wi-Fi nhưng Đảng và Nhà Nước cho truy cập mạng nào thì con dân mới được tự do vào mạng đó, không phải leo trèo “tường lửa”, không sợ máy bị nhiễm vi-rút/mã độc.
Tài phụ khoe từ hồi dán “cờ hoa”, tuyến Cà Mau-Phan Thiết-Cà Mau bữa nào cũng hết chỗ. Về Saigon, trên xe đò có giường nằm tôi nhớ tới câu “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” của ông Tú Xương, nhà thơ trào phúng đất Vị Xuyên với những bài châm biếm thế thái nhân tình cách đây hơn trăm năm.
Bùi Dương Chi.
Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-1974.
Bùi Dương Chi.
Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-1974.
Kính thưa thầy Chi,
ReplyDeleteĐọc phớt qua một lần bài Cà Mau của thầy để “định hình”. Chỉ lướt qua mấy tỉnh cực nam Việt Nam thôi mà em đã có cảm giác sa vào “mê lộ” rồi.
Nhìn bản đồ của Xí nghiệp Bản đồ Dalat năm 1995, em nhớ năm 1974 có đi thăm Nha Địa Dư Dalat chuyên vẽ bản đồ qua không ảnh. Các họa sỹ ở đây viết tay các chú thích chi tiết trên bản đồ không thua gì chữ in bằng máy.
Vô đề là màn gặp lại cố nhân. Thầy vẫn “hên” thật, mặc dù “Người đâu gặp lại làm chi …” Kim Trọng-Thúy Kiều thời hiện đại trên bục chỉ đường (thầy đừng cho cô Diana thấy hình này). Kim Trọng tươi như hoa mà lại bị mắng là Sans gêne như thế, oan thật!
Hình nữ sinh áo dài trắng xe đạp phải nói đây là nét độc đáo miền Nam Việt Nam từ xa xưa và là “độc nhất vô nhị” trên thế giới! Tự thân hình ảnh xác định tính văn hóa và giáo dục cao, rất cao của VNCH.
Cảnh sông nước Miền Nam những năm trước đây đẹp và phản ảnh một nền văn minh lúa nước đặc thù. Được thiên nhiên đãi ngộ nên con người ở đây cũng hào phóng và “xả láng”. Chỉ đến rồi quay lại một thời gian sau đó để thấy rằng nền văn minh đó bị mai một và bị phá hủy do biến dịch tệ hại về ý thức nhân bản của con người.
Ngày xưa thầy giáo lớp năm của em cũng nói đến chi tiết hàng năm Mũi Cà Mau dài thêm hàng trăm mét về phía Vịnh Thái Lan nhờ phù sa bồi đắp. Còn bây giờ ...
Vâng, “trong cái rủi có cái may”. Cái rủi là “láp” (l’arbre de transmission) ca-nô bị cong, nhờ đó học trò của thầy mới có cơ hội chiêm ngưỡng cơ bắp của thầy đẹp không thua gì lực sỹ Nguyễn Công Án thời Đệ Nhất Cộng Hòa!
Còn nụ cười của thầy thì … không chạy đi đâu được. Niên khóa 1970-1971, thầy dạy Anh văn sinh ngữ phụ lớp 12 bọn học sinh Pháp văn chúng em. Hôm đó, cuối giờ học còn chút thời gian, thầy cao hứng kể chuyện ngày xưa … đại để: “Hồi bọn tôi học trung học, cứ canh giờ tan trường nữ trung học (em không nhớ thầy nói tên là trường gì) là rủ nhau đến cổng trường ngắm các em. Bên đó có một nữ sinh “Tây lai” đẹp lắm … Thầy cười! Bất chợt, cuối lớp học có tiếng hét lên … “Thầy cười rất đẹp!” Thì ra là Quách Trung, em Quách Quân … Quách Trung học với em từ trường tiểu học Nguyễn Công Trứ.
Người miền Nam hiếu khách. Em thích tấm hình đình đám đông vui. Thời tân cổ giao duyên, bao “ba số 5” bè bạn với điếu cày.
Còn cái vụ “quan hệ hữu cơ” giữa điện đóm và bùng nổ dân số của Việt Nam sau chiến tranh là có thật. Thời bao cấp ở BMT một đêm có điện ba đêm cúp. Nói chung điện chẳng có, tivi cũng không có để xếp xó, đóm (đèn dầu) cũng vắng luôn. Các bà mụ cứ là ... mỏi tay! Phải chăng các nước đã công nghiệp hóa, vì điện đóm thừa thãi nên sinh suất luôn đứng chót bẹt.
Nói chung, tốc độ đô thị hóa cùng văn hóa đô thị phát triển bát nháo sau này đã đưa đến một bức tranh ảm đạm trong giáo dục không thể điều chỉnh được nữa. Các em học sinh, ngay từ tiểu học đã mê điện tử và games hơn học, và cũng không tha thiết học cho lắm. Đời sống thuần vật chất và thuần dục đã sói mòn xã hội đến tận gốc rồi!
Nếu những ai không phải là học trò của thầy mà đọc bài này thì bảo đảm đoan chắc rằng thầy là “rặc” Nam bộ: Ngồi xuống, tôi than "kẹt cứng". Nó rỡn "ca-nô lắc lắc một hồi, chú dô êm cái một". Hai bà cùng la "thằng mắc dịch". Em phục lăn cái “lanh trí” của hai bà. Càng phục lăn hơn nữa tài “dịch” tiếng Pháp thượng thừa của hai bà: “Thằng mắc dịch” (sans gêne).
Mong thầy thông cảm cho cái bệnh “dây cà ra dây muống” của em.
Học trò Phùng Ngọc Cửu
CHS PNCửu thân mến,
DeleteCảm ơn anh đã đọc và có lời khen sắc đẹp của tôi. Tôi không phải dấu hình chụp chung ở Cà Mau vì "chị" Châu và cô Diana biết nhau và Châu đã từng sang ở đậu nhà chúng tôi. Giáng Sinh này, nếu không có gì thay đổi vào phút chót thì chúng tôi, vợ chồng con gái và 2 cháu ngoại sẽ đi thăm thị xã Victoria, đẹp lắm, của Canada và thăm vợ chồng Châu ở đó.
Nhận định của anh -tôi cũng thế- luôn luôn thuộc loại "dây cà ra dây muống" ["dây" hay "giây"?] nhưng là Bắc Kỳ, tôi rất thích canh rau muống với cà pháo. Nam Kỳ thì nghe nói từ ngày Bắc Kỳ di cư năm 1954 mới hết chê rau muống, có đúng không?
Bùi Dương Chi.
Thầy giáo. THBMT 63-74.
Kính thưa thầy Chi,
DeleteEm xin có một chút phúc đáp về “dây” hay “giây”. Dân Bắc Kỳ cũng rất hay phạm lỗi chính tả dù vẫn tự vỗ ngực rằng cái rốn ngôn ngữ, văn vật là nằm ở Hà Nội. Nói thật ra thì kể không hết sai phạm này, nhưng tựu trung là do cách phát âm rồi … nói sao viết vậy. Theo cách phát âm của Bắc Kỳ thì viết là “dzây” chắc cũng không sai!
Thầy đã cho học trò thấy những thay đổi của miền đất cực nam của đất nước qua những bức hình rất lý thú: nhà hàng, cửa hiệu, khách sạn, … toàn chữ tây. Thật ra dân ở vùng sông nước này rất nghèo. Tối đến hoặc là phủi chân vào nhau nhảy tót lên giường ngủ cho khỏe, hay qua hàng xóm khề khà lai rai rồi hôm sau khật khưỡng ra đồng làm việc. Ấy vậy mà ra đến thị xã hay phố xá thì “phồn vinh” hết biết. Ước mơ “mộc mạc” của thanh niên nam nữ là cái “ai-phôn” ngồi đâu quẹt đó, thế là đạt được chỉ số hạnh phúc nhất thế giới rồi. Sau 1975, người ở bắc vào Nam, cái gì cũng muốn xin nhưng mở miệng ra là “Miền Nam chúng nó lười biếng, chỉ biết ăn bám, chỉ có phồn vinh giả tạo”. Bây giờ thì đích thực mười mươi là chỉ có giả tạo mà không có phồn vinh. Thêm một chút “bát nháo” ở hình 22: Câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ “Khả Áim”??? Thiền Yoga cùng phòng với Bellydance thì nhất định phải có xe cứu thương túc trực để chở bệnh nhân tẩu hỏa nhập ma đi cấp cứu!
“Dân rau muống” là từ ngữ miệt thị dành cho người miền Bắc, vì người miền Nam chỉ băm rau muống cho heo ăn! Bây giờ thì ở Sài Gòn, người ta ăn lẩu với rau muống cọng (không lá) hay nấu canh rau muống cọng với me cũng ngon hết biết.
Em có người quen ở Pháp. Hồi còn sanh tiền, mỗi lần về VN là xơi canh rau đay riêu cua đồng với cà pháo triền miên. Từ lâu lắm không ai dám ăn canh rau đay riêu cua nữa vì dễ bị “Tào Tháo rượt”.
Phải phục lăn cụ Tú Xương đã nhìn rõ cận cảnh một trăm năm sau đó, còn khốc liệt hơn cả trăm lần thời đương đại của cụ trong bài “Chúc Tết”! Lọng dù ngày xưa không bằng cái móng tay ghế quan chức bây giờ: thượng vàng hạ cám, ghế nào cũng có giá mà miệng bảo diệt tham những thì chẳng khác nào ta cùng nhau nói láo với nhau cho vui.
Em xin phép không dây cà dây muống nữa, mà chỉ chờ đọc bài “lan man bên lề” sắp tới đây của thầy cho … gọn.
Học trò Phùng Ngọc Cửu
Tôi chỉ góp ý vào nhận định của những người Kinh (thường không chuyên ngành Ngữ Học) rằng khi phát âm, nói chung chung:
Delete1/. Tiếng Bắc không phân biệt được "Gi" - "D", "Tr" - "Ch", "S" - "X", v..v..
2/. Tiếng Nam không phân biệt được "V" - "vGi", "?" - "~", "Con" - "Cong", v..v..
cho nên viết chánh/chính tả thường bị lẫn lộn.
Theo các nhà NGỮ học (thứ thiệt) thì TIẾNG NÓI có TRƯỚC CHỮ VIẾT. Do đó, người/những người "tạo" ra CHỮ VIẾT tiếng Việt từ thời mấy ông Cố Đạo đến nay đã không phản ảnh đúng TIẾNG NÓI (phát âm)của các vùng/địa phương >>> rất có thể vì họ muốn phân biệt "trái" với "chái", "dừng" với "rừng", "lan" với "lang", "mả" với "mã", v..v.. TÓM LẠI, tiếng Bắc, Trung, Nam, phát âm đều đúng cả NHƯNG một số "từ viết" (written words) đã không phản ảnh ĐÚNG "từ nói" (written words).
BDChi.
Giáo chức THBMT 63-74.
"từ nói" tiếng Anh là "spoken word".
DeleteÔng thầy tiếng Anh đã nghỉ hưu từ lâu rồi.
BDChi