Sunday, July 1, 2012

Chuyện Nói Tiếng Anh

Như các bạn đã biết Nam Đà, Tuyết Mai, Thế Hùng và Trần Dung cùng sinh tháng 5 nên mới có chuyện cùng ăn sinh nhật trước khi Trần Dung về lại Mỹ.  Nam Đà có việc bận nên chỉ có ba đứa gặp nhau tối đó, do bị lộ chuyện bọn mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh nên mới có bài viết này để các bạn hiểu rõ ngọn ngành.

Tuyết Mai bắt đầu đi làm cho công ty của ngoại quốc từ đầu năm 1997, từ đó đến giờ bắt buộc phải dùng tiếng Anh hàng ngày để làm việc nên “trăm hay không bằng tay quen” thôi, nhưng không phải vì vậy mà chỗ nào cũng dùng tiếng Anh để “lấy le” đâu các bạn ạ, bằng chứng là những bài viết của mình như các bạn đã đọc, theo như mình nhớ là chỉ dùng có một chữ “hot” trong bài viết về Chí Hòa, lý do là chữ đó hiện nay rất thông dụng ở Việt Nam. Ngoài công việc, khi nào Tuyết Mai dùng tiếng Anh là đều trong những tình huống “chẳng đặng đừng” thôi, để mình kể cho các bạn nghe một vài lần như vậy nhé.

1. Năm 1999 - Đan Mạch – Thái Lan

Tháng 9 năm 1999, lần đầu một mình sang Đan Mạch ba tuần để chuẩn bị giấy tờ bàn giao của Trưởng đoàn Tư vấn (người cũ do sức khỏe kém sau khi bị bệnh nên nghỉ trước thời hạn, thay thế bằng một người mới), lúc bay từ Việt nam qua, quá cảnh ở Thái Lan, rồi đến sân bay Copenhagen cũng không gặp trở ngại gì nhờ vốn tiếng Anh tạm đủ của mình. Sau khi điền xong tờ khai nhập cảnh, chuẩn bị bước ra, Mai thấy hai cô gái trẻ chắp tay chào mình bằng tiếng Thái Lan, chắc họ nghĩ mình là người Thái, sau khi nói với họ mình là người Việt Nam và hỏi họ cần gì, các cô chìa ra tờ khai và giải thích với mình là không biết điền vào vì tiếng Anh của các cô chưa tốt lắm. Cùng là dân Á châu nên giúp nhau là chuyện nên làm, mình lấy một tờ và điền giùm một cô, đến chỗ địa chỉ nơi đến ở Đan Mạch, Mai phải cố gắng giải thích rồi đưa cả tờ khai của mình ra để hỏi hai cô, một hồi thì hai cô cũng hiểu ra và đưa cho mình một cái phong bì có địa chỉ trên đó, sau đó mình bảo cô còn lại nhìn theo rồi điền tờ còn lại, hai cô cảm ơn rối rít. Khi Mai ra ngoài thì đã có đồng nghiệp là chị Marchen Lise chờ sẵn, chị làm về Thiết kế Đô thị cho Dự án Nước ở BMT mình với Mai trước đây nên hai chị em rất thân,  chị hỏi “thấy trên bảng báo chuyến bay của Mai tới lâu rồi mà sao bây giờ mới ra, gặp khó khăn gì sao”, mình vội nói “đâu có, tại gặp hai cô Thái Lan chưa rành tiếng Anh nên nán lại giúp mấy cô chút xíu thôi, xin lỗi nha” chị nói “không sao, Mai không gặp trở ngại gì mà còn giúp được người khác là hay quá rồi” nghe xong cảm thấy tự hào vì tiếng Anh của mình cũng không đến nỗi nào ở lần đầu tiên xuất ngoại.




Chuyến về, đến sân bay làm thủ tục xong, lên phòng đợi rồi sau đó lên máy bay, máy bay khởi động hoài mà không được, tiếp viên mời hành khách trở lại phòng đợi. Một lát sau, phi công trưởng thông báo là bộ phân khởi động của máy bay bị hư, phải chờ chuyến bay của hãng từ Frankfurt (Đức) đem qua mới thay thế được, xin lỗi và mời hành khách đến quầy nhận phiếu ăn tối trong khi chờ đợi. Chuẩn bị đứng lên, Mai chợt nghe phía sau lưng mình một giọng phụ nữ hỏi bằng tiếng Việt “Hắn nói cái chi rứa ông?” bằng giọng đặc trưng của người Quảng Nam, giật mình quay lại thì ra một bác gái khá lớn tuổi đang hỏi ông xã của bác, thấy người Việt Nam mừng quá nên Mai trả lời bác ngay “bộ khởi động của máy bay bị hư nên họ mời mình đi ăn tối trong khi chờ đợi đó bác”. Bác ngạc nhiên nhìn mình “chớ răng mà cô nghe hắn nói được, cô ở bên ni về sao?” Mai trả lời “dạ không, con ở VN qua bên này công tác ít ngày thôi, bây giờ con đi về, con nghe được là vì con làm cho công ty ngoại quốc thưa Bác” thế là bác vô cùng mừng rỡ gọi cho mấy người khác nữa “qua đây, có cô ni nghe được hắn nói cái chi rồi”. Hóa ra từ Na Uy về ngoài hai bác còn có một cặp vợ chồng trẻ, và một anh lớn tuổi nữa, cùng với một anh trung niên khác từ Thụy Điển, thêm Mai từ Đan Mạch nữa tất cả là bảy người Việt Nam trên chuyến bay đó. Hỏi chuyện mới biết là lúc đó hãng hàng không Bắc Âu (Scandinavian Airlines) liên kết với hãng hàng không Thái Lan (Thai Airways) chỉ có chuyến bay về VN từ Đan Mạch nên người Việt ở Bắc Âu nếu mua vé của hãng này đều phải xuất phát từ Đan Mạch. Người Việt khi sang định cư ở các nước Bắc Âu đều được chính phủ các nước này cho học tiếng của họ để nhập quốc tịch nên mọi người rất thông thạo tiếng Na Uy và Thụy Điển, và do lâu ngày không dùng tiếng Anh nên hơi khó khăn một chút. Cả nhóm ra quầy với mình để nhận phiếu ăn, đột nhiên Mai thấy còn một cặp vợ chồng lớn tuổi khác nãy giờ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa còn đang lúng túng thì một nữ tiếp viên người Thái đứng trong phòng gọi cho một tiếp viên nam khác và nói bằng tiếng Anh “anh giúp hai người này ra quầy nhận vé nhé, họ không nói được tiếng Anh, họ là người Việt Nam  đấy”, Mai tức cành hông vì có mấy người Việt thì đã ở nhóm mình rồi mà, nói kiểu đó thì tự ái dân tộc quá, mình quay lại và bảo với cô ta (tất nhiên là nói tiếng Anh một cách rõ ràng và rất nghiêm giọng) “Họ là người Hoa đấy, chúng tôi mới là người Việt đây nè” Cô ta thấy mình nói vậy thì hết hồn “Ô, xin lỗi, xin lỗi cô”. 

Chuyện vẫn chưa dừng lại ở đây, chuyến bay này bị trễ 10g, nên khi về đến Thái Lan thì hãng hàng không phải thu xếp cho bọn mình phòng nghỉ đêm, vé ăn sáng ngày hôm sau vì đến trưa hôm sau mới có chuyến bay về VN. Đến lúc ra quầy vé xếp hàng đổi lại thẻ lên tàu (boarding pass) cho chuyến bay mới (hồi đó chưa có vé online (điện tử) như bây giờ nên khi xuất vé máy bay là họ xuất kèm thẻ lên tàu cho từng chuyến luôn) tới lượt mình, quầy vé đổi ngay mà không có ý kiến gì, mình bước khỏi hàng để đến phiên bác gái vào, cô nhân viên hỏi bác mấy câu, bác không trả lời được cô ấy bèn vứt thẻ của bác lên mặt quầy và bảo “invalid” (thẻ hết hạn), bác sợ quá bèn quay lại “cô Mai ơi”, mình tiến vào và hỏi bằng tiếng Anh “chuyện gì vậy”, cô ta bảo ”thẻ lên tàu hết hạn rồi” mình cáu quá bèn gõ tay lên quầy và bảo “cô cẩn thận nhé, kiểm tra hệ thống của cô đi, tất cả những người này đi cùng chuyến bay với tôi, do lỗi của hãng cô mà chúng tôi đều bị trễ chuyến 10 tiếng đồng hồ, tất nhiên là chuyến bay đó đã bay rồi và chúng tôi đã phải ở lại đây một đêm qua nữa, bây giờ đương nhiên là cô phải đổi chuyến khác cho chúng tôi chứ” thái độ của mình khá căng thẳng, bác gái sợ quá không biết mình nói cái gì với cô ta, cứ kéo áo mình đằng sau “cô Mai ơi, chi mà hung rứa”; cô nhân viên vội vàng xin lỗi và nhân đó mình lấy hết thẻ của mọi người và đổi luôn một lần cho xong, sau đó mình quay ra nói với bác “phải hung chứ bác, mình cũng trả nó bấy nhiêu tiền như người khác tại sao thấy mắt xanh mũi lõ là nó làm răm rắp mà nó lại gây khó dễ với mình chứ”. Tất nhiên mình biết ngay lý do là mỗi chuyến bay chỉ còn lại một số chỗ trống nên họ tìm cách như thế để nếu ai không biết thì họ xếp vào chuyến kế tiếp mà thôi, nhưng ăn hiếp dân Việt nam kiểu này thì nhất định mình không tha.




2. Năm 2008 Sân bay Dallas – Mỹ

Tháng 12 năm 2008, mình thu xếp đi Mỹ một chuyến vì trước đó mấy ông bạn đồng nghiệp Mỹ cứ nói hoài “sao bạn đi nhiều nơi mà không qua Mỹ chơi một chuyến đi” mình nói “xứ của ông hay làm khó dễ chuyện visa, mà tui cũng không nghĩ đó là thiên đường đâu nên tui không ham đi” bạn nói ”trời ơi, họ khó dễ với người khác chứ bạn đi thì tui chắc là không có khó dễ gì đâu vì bạn có công việc tốt ở VN nên họ không nghĩ bạn muốn ở lại Mỹ đâu” mình kể chuyện này với Hương Thi ở Đan Mạch thì bạn nói “đúng rồi, mình khuyên bạn nên đi Mỹ chơi cho biết Mai à, chứ mấy nước bạn biết rồi thì hồi nào rảnh đi nữa cũng được”. Sau đó thấy nộp đơn xin visa đi Mỹ và hẹn lịch phỏng vấn qua mạng cũng không mất công gì mấy nên mình làm luôn, xếp mình nói ”tôi sẽ viết một lá thư cử chị qua đó công tác ít ngày sau đó kết hợp nghỉ phép, chị nên xin visa B1/B2 nhé” ngày hôm sau phỏng vấn được duyệt visa một năm, mình xin nghỉ phép và mua vé đi Mỹ từ 17/12/2008 đến 17/1/2009. Ban đầu dự định là sẽ qua San Jose chơi ít ngày, mua tour đi Las Vegas, Nevada xem Hoover Dam (đập Hoover, đem nước cho vùng này) và Grand Canyon (Đại Vực, một kỳ quan của Mỹ) ở Arizona rồi về, đặt vé xong, lấy số điện thoại của người thân bên đó (tính là qua thì sẽ điện thoại nói chuyện thăm hỏi thôi) mới biết bà cô ở Austin, Texas đang về VN chơi, cô nghe mình đi Mỹ thì la ó um xùm “tại sao không ghé bà con, phải đổi vé đi cùng cô và ăn Noel ở Austin xong rồi đi đâu thì đi” không dám cãi cô nên đổi lại vé, nhờ vậy mới đến được phi trường quốc tế Dallas trước khi bay thêm một chặng nữa đến Austin (vì tuy Austin là thủ phủ của tiểu bang Texas nhưng không có sân bay quốc tế).

Khi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Dallas, anh chàng Hải quan trẻ tuổi hỏi mình “khi ở Việt Nam bạn có ghé những trại nuôi gia cầm hay không?” (vì họ sợ H5N1 mà), mình bèn hùng dũng trả lời “tôi là người Việt Nam, sống trong thành phố, không gần trại chăn nuôi gia cầm nào cả” cậu ta ngạc nhiên “chị không phải người Việt ở Mỹ về thăm quê hương à” mình chỉ bà cô đang đứng ở hàng bên cạnh “bà kia mới là người Việt ở Mỹ, còn tôi là người Việt 100% ạ” anh chàng cười và nói tiếp “thế chị qua Mỹ làm gì” mình cười và trả lời rất oai “đi công tác và sau đó đi chơi ít ngày rồi về thôi”. 





3. Năm 2012 – Việt Nam - Ăn tối sinh nhật cùng Trần Dung

Theo hẹn Mai sẽ đến nhà hàng trước, khi Thế Hùng bay từ Huế vào sẽ ghé đón Trần Dung rồi tới sau, mình đã sợ nếu chuyến bay bị trễ (chuyện thường ngày ở đây) thì sẽ mất thêm thời gian nên đề nghị Nam Đà đón taxi cho Dung đến nhà hàng trước, sau đó khi Thế Hùng tới sẽ đi từ sân bay qua nhà hàng luôn, dù sao thì có hai đứa ngồi chờ mà nói chuyện thì cũng đỡ hơn. Nhưng Nam Đà sợ thất lễ với bạn nên nhất định yêu cầu Thế Hùng phải đến đón Dung mới được, Mai đành chịu và y như rằng, chuyến bay của Thế Hùng bị trễ, báo hại Tuyết Mai ngồi chờ từ lúc 7g tới gần 9g hai bạn mới đến và gặp phải một tình huống mà bây giờ mới kể cho các bạn nghe (vì ngay cả Thế Hùng và Trần Dung vẫn chưa biết tại sao hôm đó Tuyết Mai lại “phang” toàn tiếng Anh như vậy, đúng không?).

Khi ngồi đợi, ban đầu Mai thấy bàn bên cạnh có một người đàn ông đứng tuổi, phong cách nho nhã, khi ông nói chuyện điện thoại với ai đó Mai đoán ông là một người Việt ở nước ngoài, nhưng chắc là về VN làm việc đã lâu vì ông là khách quen thuộc của nhà hàng qua cách nhân viên chào đón ông. Một lát sau, có một cặp vợ chồng trẻ đến, nhìn thì biết ngay cũng là người Việt ở ngoại quốc, nhưng phong thái khác hẳn. Lúc đầu người đàn ông chào đón họ bằng tiếng Việt, ông mời họ chọn thực đơn và giới thiệu với họ một số món ngon của nhà hàng, mình nghe ông nói ông đã ăn ở đây gần 10 năm rồi, nhưng cặp này không trả lời ông bằng tiếng Việt mà toàn nói tiếng Anh, sau vài câu ông buộc phải nói chuyện với họ bằng tiếng Anh luôn. Nghe chuyện người khác là không hay nên Mai cũng không để ý lắm câu chuyện của họ, nhưng anh chàng trẻ tuổi này khá hãnh tiến, nói chuyện rất to nên dù muốn dù không câu chuyện cũng lọt vào tai mình. Anh hỏi vì sao ông sang Canada đã khá lâu, thậm chí lấy vợ người Canada luôn, đời sống bên đó rất ổn định mà sao ông cứ muốn về VN làm việc, điều kiện thiếu thốn, người Việt thì…..Ông cười nhẹ và trả lời, dù đi tới đâu đi nữa, mang quốc tịch gì, trong người ông vẫn là dòng máu Việt, ông muốn mang những kinh nghiệm của mình để giúp các bác sĩ trẻ ở Việt Nam (hóa ra ông là một bác sĩ, có thể là một tiến sĩ y khoa), còn chuyện con người, ông nói ở đâu cũng vậy thôi, cũng có người này người nọ, nếu mình cứ nghĩ vậy thì không công bằng cho những người ham học và có thể tiến xa nếu được trợ giúp. Càng khâm phục ông bao nhiêu thì mình càng tức cái gã trẻ tuổi và cô vợ đua đòi khi họ nói những câu dè bỉu dân Việt mình, trong khi nhìn họ thì mũi tẹt da vàng, chưa mang vẻ nước ngoài nhiều như ông ấy, khi họ chê bai món ăn Việt, ông bác sĩ nói ông vẫn ăn các món ăn Việt và tự tay nấu cho gia đình ăn và họ rất thích, vợ ông cũng làm được các món ăn Việt. 

Khi bạn ở trong hoàn cảnh nghe mà không nói được thì bạn sẽ hiểu nỗi giận dữ của mình khi phải chịu trận giả đò xem TV và làm như không hiểu tí gì những câu gã đang vênh váo tuôn ra hàng mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì hai bạn Thế Hùng và Trần Dung cũng đến, Mai nhịn hết nổi tuôn ra từng tràng tiếng Anh với hai bạn và tiếp tục câu chuyện cho đến hết buổi cũng bằng tiếng Anh để gián tiếp bảo cho họ biết là “nãy giờ tôi đã nghe hết các vị nói chuyện gì rồi đấy nhé, và không phải chỉ có các vị là dân ở nước ngoài về đâu ạ, bạn của tôi cũng đang ở Mỹ đây nè”. Rõ ràng có sự thay đổi vì từ lúc đó hắn nói nhỏ hẳn đi trong khi câu chuyện của ba đứa mình thì lại sôi nổi, ăn uống hào hứng cho đến hết bữa ăn, rồi rủ nhau tới một chỗ khác nữa để cùng thổi nến mừng sinh nhật với nhau, nơi Thế Hùng và Tuyết Mai hát tặng cô bạn cũ mấy bài hát để ngày mai bạn lên đường. Một buổi tối đáng nhớ vì không biết bao giờ có thể thực hiện lại lần nữa các bạn nhỉ.




Chắc các bạn đang dùng tiếng Anh hàng ngày sẽ đồng ý với mình là diễn đạt bằng tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt nhiều, giống như khi đi đặt bánh cho bữa tối “mừng ngày Trần Dung trở về VN”, nếu viết hết câu này thì không có chỗ nên Mai đành viết “Welcome back, Dung” cho rồi. Trong công việc cũng vậy, khi mình soạn các tài liệu bằng tiếng Anh thì rất nhanh, nhưng khi dịch sang tiếng Việt cho đối tác thì trầy trật hơn nhiều, vì tiếng Việt của mình hết sức phong phú, từ nhỏ đi học các Thầy Cô đã hết lòng giảng dạy cho bọn mình biết bao nhiêu áng thơ văn tuyệt vời, bây giờ câu cú không ra gì thì đáng ăn đòn của Thầy Cô lắm chứ.

Viết xong ngày 19 tháng 6 năm 2012
Tuyết Mai

1 comment:

  1. Câu chuyện của Mai kể thật thú vị và Kh. xin nói rằng: Học ngoại ngữ sẽ được "bộc lộ" ra hết vốn trong đầu khi:
    1/ Mình cần đi kiện ai đó
    2/ Mình đang cãi nhau với ai đó...!!!
    3/ Phải nói, viết để nộp bài cho thầy cô, xếp chỗ làm việc
    Ngoài ra, thì mình sẽ như là "ngậm hột thị"!!!
    Trường hợp của Mai nói chuyện bằng tiếng Anh như vậy rất OAI, đúng chỗ và đúng người rồi đấy!
    Cái "vui" của người mới học ngoại ngữ là: Mới ban đầu mình dõng lỗ tai nghe nó nói, mình cũng hỏng nghe được chữ nào! Đến khi mình hiểu nó nói rồi, thì lỗ tai bên phải nghe tiếng Việt, còn lỗ tai bên trái thì nghe tiếng Anh... bực cả mình!!!

    ReplyDelete